Về việc “về quê” tự phát của người lao động từ vùng có dịch

Nguyễn Quang Vinh

31-7-2021

NÓNG RỰC TRÊN MẠNG XÃ HỘI là những thông tin liên quan đến việc VỀ QUÊ tự phát của người lao động từ vùng có dịch.

Một cuộc tháo chạy khổng lồ, đau đớn và cay đắng.

Một cuộc tháo chạy vượt ra ngoài công văn chỉ thị.

Không bàn nhiều tới việc sai sai đúng đúng, nên nên, không không, muộn rồi, rất muộn để lý lẽ, để cự cãi, để tranh luận. Vấn đề là hiện nay, ngay lúc này, ngay bây giờ hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, cộng lại hàng triệu người lao động, hàng triệu CÔNG DÂN VIỆT, từ đứa bé mới sinh 10 ngày tuổi đến đủ thành phần lao động chạy từ thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận ra miền Trung, miền Bắc, chung lại là VỀ QUÊ.

Có 3 nhóm VỀ: Một là không thể ở lại, không còn đường sống để ở lại, không bấu víu vào đâu để ở lại, VỀ. Hai là nhìn thấy trước một “tương lai” khốn khổ vì mất việc, vì nợ nần, vì những đồng tiền tích lũy cuối cùng đã hết, không về sớm, không thoát ngay, bế tắc và nguy hiểm cho gia đình mình, cá nhân mình, VỀ. Ba là lo sợ dịch dã đang bùng phát và đe dọa cá nhân, gia đình mình, về ngay còn kịp dù vẫn có thể bám trụ theo cách riêng, nhưng động cơ về bị đun nóng bởi tình hình, bởi sự lôi cuốn của bạn bè, của đồng hương, bởi sự thúc bách giằng xé của chính người trong gia đình, VỀ.

Tại các chốt kiểm soát DỊCH: Thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị 16, tức cấm người ra đường, cấm tụ tập nên buộc phải chặn người, chặn từng đoàn xe VỀ, buộc quay đầu. Không làm không được, làm nghiêm thì xảy ra ùn ứ hàng trăm hàng ngàn người ở điểm chốt, ai giải thoát? Không ai dám? Vòng vo, bế tắc, bất lực với nhau.

Lại xảy ra tình hình, một số địa phương từ chỗ ” giang tay” ” Sẵn sàng đón bà con”… giờ quá tải cách ly thì đột ngột dừng đón, tiến thoái lưỡng nan, quay xe không được mà về quê thì cấm cản, bế tắc. Địa phương dừng có lý của địa phương. Đoàn người lỡ đã vượt cả trăm, cả ngàn xe máy cũng không thể quay đầu lại. Bế tắc.

Chỉ còn lại NGHĨA ĐỒNG BÀO, ứa nước mắt vì tình cảm đồng bào giúp nhau, tự trái tim, tự tình yêu, dọc suốt chặng đường ngàn cây số, ở đâu cũng có những tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ NGƯỜI VỀ.

Tình hình đó, không thể cứ buông, cứ thả, cứ nhìn, LÀM SAO?

1. CHÍNH PHỦ: NGƯỜI VỀ đã trở thành vấn đề của Quốc gia, không còn là chuyện như Thủ tướng nói “Các địa phương tùy vào khả năng đón bà con về…”. Đón rồi dừng. Cho rồi cấm.

Tự phát hay có tổ chức thì bản chất cũng là VỀ. Vì vậy, lập tức Chính phủ phải có một cuộc họp trực tuyến NGƯỜI VỀ, có các địa phương quê hương và các địa phương NGƯỜI VỀ làm việc, bàn cho ra giải pháp, cụ thể: Nếu ở lại, mỗi lao động được cấp nhiêu tiền 1 tháng để ở lại (tính theo đầu người gia đình, đủ cho họ căn cơ sống). Xử lý nợ tiền nhà, điện nếu có với những hộ khó khăn. Nguồn này lấy ở đâu và phải cấp ngay, ai đăng ký ở lại nhận tiền luôn trước mắt cho 3 tháng.

Đây không chỉ là trợ cấp nhân đạo, cao hơn, là cách để giữ lại lao động để khi giảm dịch là chủ động lao động. Nguồn trợ cấp nhân đạo này từ Chính phủ, từ địa phương quê hương và từ chính địa phương người lao động đang cư trú, cùng với sự đóng góp từ thiện, nhưng tôi muốn nhắc lại, ai đăng ký ở lại thì được nhận tiền ngay + hỗ trợ tiền trọ, điện nước.

Với NGƯỜI VỀ, cũng phải có giải pháp, tổ chức xe cộ, tàu hỏa, cơ sở cách ly và việc này phải có sự thống nhất từ chính phủ, đặc biệt là ngân sách trung ương, ngân sách từ địa phương đi, địa phương nhận, không thể khoán trắng cho nhau được.

2. Chắc chắn các địa phương quê hương và địa phương có người lao động cư trú đều nắm được con em mình, rồi Hội đồng hương huyện xã, phải nắm chắc số lao động, điện thoại để nhanh chóng thông tin cho bà con, nơi nào về được, nơi nào dừng, nơi nào cấm, không thả nổi con em mình để bế tắc vạ vật trên đường như thế. Rất khổ.

3. Để cứu nhau, thương nhau, trách nhiệm, tất cả NGƯỜI VỀ dù bất cứ lý do gì cũng phải cách ly ngay, đừng biến mình thành “phương tiện” vận chuyển dịch thì vô cùng đau đớn và khủng khiếp, vì người về mang F0 về đã xảy ra liên tục rồi. Một ý thức kém, một sự trốn tránh, đối phó là có thể mang tai họa cho chính gia đình, bà con, làng xóm quê hương mình.

Mong ước bà con Ở LẠI chờ thời cơ làm việc được sống ổn trong sự TRỢ CẤP NHÂN ĐẠO.

Mong ước bà con VỀ an toàn cho chính mình, cho quê hương, an toàn trên các phương tiện của nhà nước, an toàn và nghiêm túc phòng dịch…

May mắn, sáng nay trong chương trình Theo dòng thời sự của VOV1 tôi đã nói được cơ bản những ý trên vào sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

_____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “NÓNG RỰC TRÊN MẠNG XÃ HỘI là những thông tin liên quan đến việc VỀ QUÊ tự phát của người lao động từ vùng có dịch. Một cuộc tháo chạy khổng lồ, đau đớn và cay đắng.Một cuộc tháo chạy vượt ra ngoài công văn chỉ thị.”; “ngay lúc này, ngay bây giờ hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, cộng lại hàng triệu người lao động, hàng triệu CÔNG DÂN VIỆT, từ đứa bé mới sinh 10 ngày tuổi đến đủ thành phần lao động chạy từ thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận ra miền Trung, miền Bắc, chung lại là VỀ QUÊ.”
    -Trong thời đoạn quá khó khăn, đầy nguy hiểm bởi đại dịch vào lúc này, bản thân người TP còn hoang mang huống chi người nhập cư. Người TP có khó khăn 01 phần thì người nhập cư gặp khó khăn trăm phần, ngàn phần. Vì dù sao người TP có người thân, họ hàng 02 bên, cùng nguồn lực xã hội. Đặt trường hợp, người nhập cư bị bệnh chưa phải do virus phải đến bệnh viện đang quá tải mà chỉ còn ít tiền phòng thân hay thậm chí đi vay mượn, họ có dám đi không? Chẳng may dính virus được đưa vào khu cách ly thì tiền đâu cho thuốc men, thực phẩm, sinh hoạt trong thời gian cách ly? Số ca tử vong do dịch hiện còn tăng cao từng ngày nên nói dại, ngộ nhỡ không qua khỏi thì sao? Chẳng lẽ bao năm đi làm xa quê hương , xa cha mẹ, nay về cha mẹ chỉ còn thấy một nhúm bột? Đến nữa, đi cách ly rồi thì những người ở lại là vợ con, anh em, bạn bè, đồng hương sẽ bị phong tỏa khu vực đang sinh sống. Cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào,…đứng ra lo cho họ trong những ngày phong tỏa mà thời gian phong tỏa có khi kéo dài đến hơn cả tháng? Cũng chú ý rằng những quận, huyện TP có số dân nhập cư đông dịch rất dễ lây lan do tính chất không ổn định của người nhập cư, nên lúc này đây họ sống trong tâm trạng lo âu, không biết khu vực đang sinh sống lúc nào bất chợt sẽ bị phong tỏa, rồi lúc nào hết phong tỏa? Thôi thì, xác quyết dù có chết trên đường cũng phải lết tấm thân về đến nhà gặp mặt cha mẹ. Ở nhà rồi có chết vì dịch cũng an tâm là còn có người thân bên cạnh, ở TP họ có ai? VỀ NHÀ THÔI.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây