Học phí và chất lượng giáo dục

Thái Hạo

26-7-2021

Khi còn đương nhiệm, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Và ngày hôm qua, Giám độc Đại Học Quốc gia Hà Nội Lê Quân một lần nữa khẳng định “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”. Như vậy theo các vị lãnh đạo của ngành giáo dục thì học phí và chất lượng giáo dục là tỉ lệ thuận với nhau. Tư duy này có nhiều điểm bất ổn.

Thứ nhất, giả sử sổ toẹt ra cái quan niệm rằng dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa, thì loại hàng hóa ấy có tính chất gì và cần đảm bảo logic nào trong kinh doanh?

Đúng, tiền nào của ấy. Vấn đề là anh có “của” để bán hay không? Bởi giáo dục không phải là một mặt hàng thông thường chỉ cần nhập khẩu một cách đa dạng về để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người mua; mà chất lượng giáo dục gắn chặt với con người, với bộ máy cho nên nếu anh chưa thay đổi những yếu tố ấy thì không có gì đảm bảo được rằng khi tôi bỏ tiền nhiều thì sẽ chắc chắn nhận về một món hàng giáo dục tốt.

Thứ 2, xét về logic, nếu anh muốn bán một món hàng bằng giá cao thì trước tiên món hàng ấy cần có chất lượng tốt trước đã. Đối với giáo dục, không phải là “tiền nào của ấy” mà phải là ngược lại, “của nào tiền ấy”. Anh có cái “của nào” ấy chưa mà đòi lấy tiền nhiều? Nếu anh có rồi thì làm ơn trưng ra. Còn anh bảo “Cứ đưa tiền trước đã, tôi sẽ dùng tiền ấy để chế tạo cho anh món hàng tốt tương ứng” thì ô hô, anh khôn quá! Muốn kinh doanh thì trước tiên anh phải bỏ vốn để đầu tư và tạo ra sản phẩm tốt rồi mới đưa ra thị trường, không ai bán hàng mà lại dám đòi khách hàng trả tiền trước khi có hàng bao giờ. Khôn như thế quê tôi đầy!

Đó là chưa nói nếu rủi, số tiền tôi bỏ ra để mua món-hàng-chưa-có kia mà ông lại sản xuất thất bại thì tính sao đây? Ai sẽ hoàn vốn cho tôi? Và nhất là các ông sẽ lấy cái gì ra để trả lại 4 năm thanh xuân đại học của tôi? Rồi cả cuộc đời tương lai của tôi, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đến đây, nếu các ông giám ký giao kèo rằng, nếu không giao hàng đúng chất lượng thì chúng tôi sẽ ngồi tù chung thân hoặc bị xử bắn thì ô kê, mua (tất nhiên là bản giao kèo ấy cần được pháp luật xác nhận thì tôi mới chơi).

Bán cái mình không có (hoặc chưa có) thực ra là bán lời hứa. Các ông định kinh doanh lời hứa ư? Đất nước này đã có quá nhiều lời hứa rồi, đa phần là “họ hứa”, cứ hứa cho sướng mồm cái đã, đường nào thì hết nhiệm kỳ các ông cũng về, cần gì phải e ngại mà không phát đi những cái “tầm nhìn” vĩ đại cho nó bay bổng! Đó là tôi chưa nói tới việc nhìn vào bộ máy và con người trong cái “công ty giáo dục” của các ông, không một ai có chút lý trí mà có thể yên tâm được về nó.

Kinh doanh giáo dục, ok, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, nhưng trước tiên, làm ơn, hãy đưa sản phẩm ra đây, chúng tôi sẽ mua nó với đúng giá trị mà nó có. Đừng bán hàng theo kiểu trạng Quỳnh!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nè, Lũ Trùng Ký Sinh đã Thuộc Bài Chưa Mà Tự Cho Mình Quyền Lãnh Đạo Toàn Diện?

    Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây