BTV Tiếng Dân
Thông báo: Đây là bản tin cuối cùng của Tiếng Dân. Sau bản tin này, chúng tôi sẽ ngưng điểm tin một thời gian.
Tin Biển Đông
VnExpress đưa tin: ARF hoan nghênh ASEAN – Trung Quốc nối lại đàm phán COC. Bộ Ngoại giao thông báo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đứng đầu đoàn VN, tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF), được tổ chức qua mạng. Về tình hình Biển Đông, các đại biểu “tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, nhấn mạnh những nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Quan chức Nhật gọi Đài Loan là ‘quốc gia’, Bắc Kinh bảo ‘nham hiểm’. Phát biểu tại hội thảo của Viện Hudson ở Mỹ ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nakayama Yasuhide đã đặt câu hỏi về tính đúng sai của việc các nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, công nhận CHND Trung Hoa thay vì Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan. Bài phát biểu của ông Nakayama thách thức khái niệm “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh cố gắng tuyên truyền.
Thứ trưởng Nakayama cảnh báo, Đài Loan gần gũi với Nhật Bản về mặt địa lý, nên nếu điều gì đó xảy ra ở Đài Loan cũng sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Okinawa, nơi có lính Mỹ đóng quân. Trong khi TQ ngày càng đạt được những tiến bộ lớn về quân sự và hiếu chiến hơn trước, ông Nakayama kêu gọi: “Chúng ta phải thức tỉnh, phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ”.
Trước đó, trong một cuộc tranh luận được phát trực tiếp đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide cũng gọi Đài Loan là “quốc gia”. Tokyo sau đó phải lên tiếng đính chính, khi Bắc Kinh cáo buộc Nhật Bản “phá vỡ lời hứa đã có từ lâu với Trung Quốc về việc không coi Đài Loan là một nước”. Với lời phát biểu gần đây của Thứ trưởng Nakayama, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân đã dùng những từ như “nham hiểm”, “vô trách nhiệm” và “nguy hiểm” khi nhắc đến phát ngôn của ông Nakayama.
Mời đọc thêm: Đại học Hamburg (Đức) tổ chức hội thảo về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông (VOV). – Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo về hội nghị trực tuyến của ARF — Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Thái Lan lần 8 (TTXVN). – Lập trường khó đoán của Philippines trong lựa chọn tiêm kích (KT).
Cập nhật tình hình dịch Covid-19 ở VN
Bộ Y tế thông báo: Sáng 30-6: TP.HCM ghi nhận 62 ca mắc COVID-19, cả nước 94 ca, các ca mới xuất hiện ở 5 tỉnh, thành. Bộ Y tế cập nhật: Trưa 30-6: Thêm 116 ca mắc COVID-19 mới, đề xuất cho cách ly F1 tại nhà ở Bình Dương, Sài Gòn có thêm 63 ca nhiễm.
Bộ Y tế cho biết: Tối 30-6 TP.HCM 124 ca COVID-19 mới, cả nước 240 ca, tuy chưa bằng “kỷ lục” 667 ca được ghi nhận ở riêng Sài Gòn vào tối 25/6, nhưng tối nay vẫn là một trong các buổi tối có nhiều ca nhiễm mới nhất từ khi dịch bùng phát. Tổng cộng, hôm nay, VN có thêm 441 ca nhiễm, riêng thủ phủ miền Nam có thêm 249 ca.
Dịch bệnh tiếp tục lây lan trong hệ thống phòng dịch ở Sài Gòn: 25 bệnh nhân và thân nhân tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nghi mắc COVID-19, theo báo Tiền Phong. Sau khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân nội trú và người thân đến nuôi bệnh, BV Phạm Ngọc Thạch đã phát hiện 25 trường hợp nghi mắc Covid-19 trong chiều nay. Trước đó, một số BV lớn như BV quận Tân Phú, BV Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Sài Gòn, BV Đại học Y Dược, BV Ung bướu đều đã phải tạm dừng hoạt động do xuất hiện các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn.
Báo Người Lao Động có bài: TP HCM điều tra 16 quận, huyện có người mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Trong các quận huyện có các ca không rõ nguồn lây được ghi nhận trong 24 giờ qua, các quận Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn có nhiều ca nhất. Còn các ca nhiễm trong khu vực cách ly liên quan tới trung tâm cơ khí, sản xuất lớn, các khu chung cư hoặc nhà trọ và nhất là các khu chợ, quy mô từ lớn tới nhỏ.
Dịch cũng tiếp tục lan rộng ở vùng công nghiệp lớn nhất Đông Nam Bộ: Bình Dương có thêm 81 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là công nhân, VOV đưa tin. Tất cả các ca nhiễm mới đều là nhân viên Công ty Wanek 2, ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, đang ở khu vực phong tỏa tại công ty. Công ty Wanek có tổng cộng 4 chi nhánh ở Bình Dương, với 11.000 công nhân. Hiện nay, các chi nhánh Wanek 1, 2, 4 đều đã tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm, với khoảng 5.000 lao động bị ảnh hưởng.
VTC có bài: Số ca COVID-19 tăng cấp độ, lên 407 bệnh nhân, Bình Dương xin chi viện khẩn. UBND tỉnh Bình Dương xác nhận, họ vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế và Viện Pasteur TP.HCM xem xét, chi viện, trước tình hình số ca nhiễm ở tỉnh này chuyển qua cấp độ 5, trên 300 ca.
Đến 10h sáng nay, Bình Dương ghi nhận thêm 81 bệnh nhân trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm từ đợt dịch thứ 4 ở tỉnh này lên 407 người. UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế xem xét, cử nhân lực, nhất là bác sĩ và điều dưỡng, cùng với vật lực đến tiếp viện. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ tỉnh, thành nào cũng thiếu nhân lực, vật lực, chứ đâu chỉ Bình Dương?
Zing đưa tin: 8 trường hợp dương tính nCoV chưa rõ nguồn lây tại An Giang. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang thông báo, họ phát hiện 8 trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng tại huyện An Phú. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang xác nhận, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây của 8 trường hợp này. Giả thuyết nhiều khả năng nhất được ngành y tế đưa ra là nguồn lây bệnh xuất phát từ người phụ nữ ở tỉnh Bình Dương trở về.
Mời đọc thêm: Sáng 30/6: Thêm 94 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 62 ca — Trưa 30/6: Thêm 116 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất 63 ca — Tối 30/6: Thêm 240 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 124 ca (SKĐS). – TP.HCM: số ca mắc COVID-19 vượt 4.000, 55/130 bệnh viện có F0 đến khám (TT). – 25 bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch dương tính nCoV (VNN). – Thêm 11 ca mới, Phú Yên có tổng cộng 104 người dương tính SARS-CoV-2 (VTC). – 71 ca mắc Covid-19, Hưng Yên dừng vận tải hành khách (Zing).
– Đông Nam Á : Biến thể Delta hoành hành, hiệu quả vac-xin Covid Trung Quốc bị nghi ngờ — Bắc Kinh khoe hiệu quả vac-xin Covid Trung Quốc dù ca nhiễm tăng ở các nước khách hàng — Trung Quốc nhấn mạnh chiến thắng Covid-19 nhân kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản — Thế Vận Hội Tokyo : Nhật hoàng lo ngại nguy cơ gia tăng dịch bệnh Covid (RFI).
Tin nhân quyền
Chủ đề nổi bật trên mạng xã hội hôm nay là cái chết không minh bạch của quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô, 19 tuổi. Tối qua, báo Giao Thông đưa tin: Một quân nhân tử vong, gia đình nghi vấn có bất thường. Ông Trần Đức Hội, bố của nạn nhân Đô cho biết, nhận được tin báo từ đơn vị về việc con trai mình nguy kịch, đang được cấp cứu tại bệnh viện vào chiều 28/6. Nhưng khi đến nơi, nạn nhân đã tử vong, thi thể lạnh cứng, tím ngắt. Ông Hội cho biết, đầu năm nay, Đô đã viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ.
Ông Hội kể: “Khoảng 17h chiều 28/6, tôi có nhận được điện thoại của người xưng là thủ trưởng của cháu gọi đến thông báo cháu bị đột quỵ tại thao trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Ngay lập tức, gia đình tôi di chuyển lên đó. Đi được nửa đường, tôi lại nhận được điện thoại hỏi con tôi có mâu thuẫn gì không mà thắt cổ tự tử. Khi đến nơi, tôi thấy thi thể cháu đã lạnh cóng, cứng đơ, tím ngắt”.
Cũng trong chiều 29/6, Cơ quan pháp y của Bộ Công an và Viện Hình sự của Bộ Quốc phòng thông báo, điều tra việc nam quân nhân tử vong tại đơn vị với nhiều vết bầm tím, theo VietNamNet. Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1 thông báo:
“Nguyên nhân chết ban đầu được anh em xác định là do tự tử. Quân nhân Trần Đức Đô được phát hiện bị chết trong tư thế treo cổ. Sau khi phát hiện, nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng thiệt mạng. Tôi cũng biết việc gia đình phát video cho rằng nạn nhân bị đánh nhưng thực tế sự việc không hẳn như thế. Do vậy hiện nay, cơ quan pháp y của Công an và Viện Hình sự của Bộ Quốc phòng đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Quan điểm của tôi là phải điều tra rõ ràng, khách quan”.
Có 2 vấn đề: Thứ nhất, chiều 28/6, bố của nạn nhân nhận được tin báo nạn nhân đột quỵ tại thao trường, nhưng đến chiều 29/6, Chính ủy Quân khu 1 lại cho rằng nạn nhân tự treo cổ. Giữa người tự xưng là “thủ trưởng” của nạn nhân Đô với Chính ủy Quân khu 1, trong 2 người này phải có một người nói dối, cũng có khả năng cả 2 đều nói dối.
Chiều nay, báo Thanh Niên dẫn lời đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1, các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô không phải do ‘đánh đập ngoại lực’. Theo lời kể của đại tá Thìn, chiều 28/6, đơn vị tổ chức huấn luyện ngoài thao trường, đến khoảng 14h, quân nhân Đô xin ra ngoài đi vệ sinh, sau 20 phút không thấy Đô quay lại, đơn vị đi tìm và phát hiện nạn nhân đã treo cổ trên cây. Mọi người đưa Đô xuống đất và tổ chức sơ cứu nhưng không có tiến triển, gọi xe đưa quân nhân này tới BV Gang thép Thái Nguyên cấp cứu, nhưng không cứu được.
Về thông tin từ phía gia đình nạn nhân cho rằng, anh Đô bị hành hung đến chết vì có nhiều vết thương do ngoại lực trên cơ thể, đại tá Thìn nói: “Tôi khẳng định anh Đô không bị đánh, thời điểm đó đang ở ngoài thao trường thực hiện nhiệm vụ, và Đô ra ngoài một mình chứ không phải tối, sinh hoạt tại đơn vị mà bảo ai đánh. Chúng tôi đang cho sinh hoạt trung đội, đại đội, tiểu đội để xác định nguyên nhân xem có mâu thuẫn gì không”.
Về phía gia đình nạn nhân: Quân nhân Trần Đức Đô tử vong, gia đình ‘phẫn nộ, yêu cầu điều tra minh bạch’, BBC đưa tin. Ông Hội kể, gia đình thấy đầu của nạn nhân Đô bị lõm, miệng sưng tím, sau gáy bị phù sưng to chảy máu, chân tay có dấu hiệu bị trói, có vết hằn dây thừng ở sau gáy và mồm. Một người thân gọi nạn nhân Đô là cháu, lên tiếng: “Đây là tra tấn dã man. Vết thương đầy người. Yêu cầu từ huyện đến tỉnh, trung ương phải giải quyết cho cháu tôi, làm cho minh bạch”.
Qua đó có thể thấy, lý do phía quân đội phải vội vã thay đổi “nguyên nhân” tử vong, từ đột quỵ sang treo cổ tự tử, là vì các vết dây thừng trên thi thể. Nhưng vẫn không thể thuyết phục mọi người tin, vì câu chuyện “tự tử” chỉ có thể tạm giải thích vết dây thừng ở gáy và miệng, không thể lý giải vết trói ở tay chân nạn nhân. Một người tự tử thì làm cách nào để tự trói tay chân mình lại?
VNews24h có clip: Rơi nước mắt tang lễ Trần Đức Đô tại quê nhà, gia đình lên tiếng nói hết ra sự thật.
Facebooker Khắc Bình cho biết: “Chiều nay, do không thỏa mãn với kết luận pháp y cùng kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng quân đội. Gia đình quân nhân tử vong đã tìm mua tủ lạnh khủng để quản thi thể sau khi làm xong lễ tang, nhằm mục đích muốn được Bộ quốc phòng vào cuộc điều tra công tâm làm rõ”.
Facebooker Long Trần thông báo: “Nhân dân Đa Hội Châu Khê Từ Sơn Bắc Ninh một lòng muốn tìm lại công bằng cho cháu Trần Đức Đô, muốn cập nhật thông tin cho tất cả mọi người trên tổ quốc biết thì các anh chơi trò cắt mạng, cắt wifi để chúng tôi không cập nhật được tình hình vụ việc đồng chí Tần Đức Đô chết oan khi đi nghĩa vụ quân sự. Các anh định lấy tay che cả trời. Anh chị em bạn bè cộng đồng mạng chia sẻ lấy lại công bằng”.
Ngoài ra, nhà chức trách còn hạn chế truy cập internet và CSGT và công an khu vực lập chốt chặn tại khu vực gia đình Trần Đức Đô, cho thấy vụ việc không hề “rõ ràng, khách quan” như phía quân đội thông báo. Có những người đang tìm cách lặp lại thủ đoạn “bịt miệng dân” quen thuộc, đổi trắng thay đen bằng câu chuyện “tự tử”, giống như nhiều kịch bản “tự tử” trước đó xảy ra trong đồn công an.
Báo Người Lao Động đưa tin: Lê Dũng Vova bị bắt sau 1 tháng trốn truy nã. Chiều nay, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội xác nhận, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã bắt được bị can trốn truy nã Lê Văn Dũng, tức Lê Dũng Vova, khi ông đang trốn tại nhà một người quen ở Phương Tú, huyện Ứng Hòa. Ông Lê Văn Dũng sẽ bị tạm giam 4 tháng từ thời điểm bị bắt giữ.
Mời đọc thêm: Khẩn trương điều tra nguyên nhân một quân nhân tử vong (TT). – Thông tin bước đầu về vụ quân nhân Trần Đức Đô, Trường Quân sự Quân khu 1 tử vong (VOV). – Bộ Quốc phòng thông tin bước đầu nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô tử vong (TN). – Nam quân nhân chết ở đơn vị: Trường quân sự Quân khu 1 báo cáo gì? (VTC). – Diễn tiến vụ binh nhì Trần Đức Đô tử vong (TP). – Bố nam quân nhân tử vong nói gia đình vẫn chờ kết quả khám nghiệm (VNN).
– Bắt được đối tượng bị truy nã tội chống phá nhà nước (Infonet). – Bắt đối tượng bị truy nã đặc biệt Lê Văn Dũng (Tin Tức). – Ân Xá Quốc Tế: Luật an ninh quốc gia gây «khủng hoảng» về nhân quyền tại Hồng Kông — Hồng Kông: Một năm Luật An ninh Quốc gia làm biến đổi diện mạo hệ thống tư pháp — Miến Điện: Tập đoàn quân sự trả tự do cho 700 tù nhân — Liên Hiệp Quốc lên án « cố vấn huấn luyện » Nga phạm tội ác ở Trung Phi (RFI).
Tin môi trường
Vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Quảng Nam: Rác thải dày đặc, tràn ngập cả km bờ biển xã đảo Tam Hải, Infonet đưa tin. Xã đảo Tam Hải ở huyện Núi Thành vốn sở hữu bờ biển đẹp, nhưng môi trường biển nơi đây bị ô nhiễm bởi rác thải dày đặc. Khu danh thắng Bàn Than là một trong các địa điểm du lịch hấp dẫn ở xã nhưng lại ngập ngụa trong rác. Nguyên nhân chủ yếu do xã đảo nằm ở hạ nguồn sông Trường Giang, rác thải từ đất liền thải xuống, tấp vào đây.
Trang Hành Tinh Titanic dẫn nguồn tin từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo, ngày 29/6/2021, nền nhiệt tại thị trấn Lytton, vùng British Columbia của Canada đã đạt đến con số không thể tưởng tượng nổi: 49.5°C. Đây là mức nhiệt chỉ có thể được ghi nhận ở các vùng gần xích đạo như Bắc Phi, Trung Đông vào thời gian cao điểm nắng nóng, nhưng bây giờ lại xuất hiện ở khu vực khá gần Bắc Cực. Trang Hành Tinh Titanic cảnh báo, đây mới chỉ là khởi đầu của mùa hè tại bờ Tây lục địa Bắc Mỹ.
Mời đọc thêm: Hà Nội yêu cầu các quận huyện mạnh tay xử lý tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm (TP). – Quảng Nam: Cháy bãi thải gây ô nhiễm, dân đóng cửa cả ngày, đêm mất ngủ (GT). – Cà Mau lo đối phó với 80% tổng chiều dài bờ biển bị xói lở (PLVN). – Rác tích tụ tại chân cầu dân sinh (HNM). – Ngành sản xuất thép đang đe dọa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu? (PT). – ‘Bức tường’ cát bụi ập vào Nội Mông, biến ngày thành đêm (Tin Tức). – Canada thêm ít nhất 233 người chết vì nắng nóng kỷ lục (TT). – Khí hậu – Canada: Hàng chục người đột tử do nắng nóng kỷ lục (RFI).
***
Thêm một số tin: Sổ hộ khẩu bị xóa bỏ sau hơn 50 năm (RFA). – Khởi tố dàn lãnh đạo Bình Dương ‘bán rẻ đất vàng’ (BBC). – Mỹ nói CSVN giấu nợ công ty nhà nước (NV). – Facebook kiện 4 người Việt gian lận quảng cáo gây thiệt hại 36 triệu đôla (VOA). – Hàn Quốc: Công luận bất bình về dự án khuyến khích nông dân lấy nữ du học sinh Việt — Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un sa thải nhiều quan chức cấp cao — Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cỗ máy viết lại lịch sử (RFI).