Tiêm 70% dân số cũng chưa chắc đạt miễn dịch cộng đồng

Kinh tế Saigon Online

Nguyễn Đăng Anh Thi

24-6-2021

(KTSG) – Ngày 15-6, Bộ Y tế cho biết Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số, đối tượng là người trưởng thành, để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu thực tiễn gần đây cho thấy việc miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của vaccine.

Đa dạng giá và hiệu quả vaccine

Tính đến thời điểm này, mới có sáu loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, gồm: Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovax. Trong đó, duy nhất Johnson & Johnson là chỉ tiêm một liều, còn lại đều phải tiêm hai liều. Riêng tại Mỹ, hiện chỉ có ba loại vaccine được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, riêng AstraZeneca vẫn chưa được phê duyệt.

Biospace, trang thông tin khoa học và đời sống toàn cầu cho biết, giá vaccine đang dao động khá liên tục theo thời điểm và theo thị trường. Theo giá đặt mua của chính quyền Mỹ công bố, một liều Pfizer có giá 19,5 đô la, cao gấp 9 lần so với giá 2,15 đô la của AstraZeneca. Giá mỗi liều của Moderna dao động khoảng 25-37 đô la, trong khi của Johnson & Johnson là 10 đô la.

New York Times ghi nhận giá mỗi liều vaccine Sinopharm bán cho Hungary là 36 đô la, trong khi thông tin từ India Times cho biết giá mỗi liều cũng loại này bán cho Bangladesh là 10 đô la, cho Sri Lanka là 15 đô la. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đồng ý trả cho Sinopharm 30,6 đô la mỗi liều dùng trong nội địa.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào giá bán, những loại vaccine rẻ hơn là một lựa chọn hấp dẫn.

Nhưng để so sánh công bằng, ta phải xem xét bài toán tổng chi phí. “Chi phí” gồm giá tiền mua, vận chuyển và bảo quản, hiệu quả kháng virus của vaccine, và số giờ công lao động bị mất đi vì những phản ứng phụ. Công bằng hơn, nếu sau tiêm vaccine mà dịch vẫn bùng phát thì thiệt hại kinh tế của xã hội vẫn phải tính vào chi phí vaccine. Theo đó, cái giá thật được giới chuyên gia tính toán thì một số loại vaccine rẻ hơn lại có “giá” cao gấp nhiều Pfizer.

“Tiền nào của đó”, một số loại hiện có giá rẻ nhất được ghi nhận có phản ứng phụ nhiều hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn. Biospace cho biết hiệu quả của AstraZeneca trung bình chỉ khoảng 70%. Pfizer và Moderna dù có giá cao hơn nhưng hiệu quả bảo vệ được các nghiên cứu ghi nhận lên đến 95%. Tại Chile, hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ đạt 16% sau mũi đầu tiên và tăng lên 67% sau mũi thứ hai. Nghiên cứu của Peru cho thấy hiệu quả Sinopharm thực tế chỉ là 33%.

Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hiệu quả vaccinee

Một mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả Raina MacIntyre, Valentina Costantino và Mallory Trent thuộc Viện Kirby, Đại học New South Wales đăng trên tạp chí Science Direct đã chỉ ra quan hệ giữa hiệu quả vaccine và tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

Kết quả trên cho thấy hiệu quả vaccine càng cao thì tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng càng thấp, và ngược lại.

Theo đó, nếu hiệu quả vaccine đạt 95%, chỉ cần 63% dân số tiêm vaccine đã có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu hiệu quả vaccine đạt 90%, cần 66% dân số tiêm vaccine. Nếu hiệu quả vaccine đạt 80%, tỷ lệ dân số cần tiêm tăng lên 75%. Nhưng nếu hiệu quả vaccine chỉ đạt 60%, cần phải tiêm cho toàn bộ 100% dân số, bất kể già trẻ gái trai.

Nói cách khác, nếu chọn vaccine có hiệu quả bảo vệ dưới 80% thì dù có tiêm cho 75% dân số vẫn không đạt miễn dịch cộng đồng. Và nếu hiệu quả vaccine chỉ đạt 60%, mục tiêu miễn dịch cộng đồng sẽ không bao giờ đạt được trong thực tế.

Hai hình ảnh trái ngược tại Seychelles và Israel

Kết quả nghiên cứu trên khá chính xác với diễn biến dịch gần đây trên toàn cầu. Hãy nhìn vào hai quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Đó là Seychelles, đảo quốc ở Ấn Độ Dương có 98.000 dân, và Israel, quốc gia Trung Đông có 9,3 triệu dân. Mật độ dân số Israel cao gấp đôi Seychelles.

Ngày 18-6, Seychells có 72% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo dữ liệu từ Our World in Data. Ấn tượng hơn, nước này có đến 68% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine. Đó là những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay (hình 1).

Cùng ngày đó, Israel có 64% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 60% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine. Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tiêm vaccine, ta dễ nhầm tưởng rằng Seychells sẽ kiểm soát dịch tốt hơn Israel. Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Ngay từ đầu tháng 6, Israel đã dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế về tập trung đông người, cuộc sống gần như trở lại bình thường trước đại dịch. Trong khi nước này coi như đã đạt miễn dịch cộng đồng, Seychelles lại đang vật lộn với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng.

Theo Our World in Data, tỷ lệ số ca nhiễm mới tính trung bình trên 1 triệu dân trong 14 ngày qua tại Seychelles là 19.981,7 ca, tại Israel chỉ là 34,2 ca (hình 2). Để dễ hình dung, con số này tại Việt Nam đang là 45,9 ca nhưng đã rất căng thẳng.

Nghĩa là, với tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội hơn, mật độ dân số thấp hơn, nhưng số ca nhiễm mới tại Seychelles đang cao gấp 584 lần Israel. Điều gì làm nên sự khác biệt một trời một vực này?

Câu trả lời đơn giản: hiệu quả của vaccine. Khoảng 57% số vaccine được sử dụng tại Seychelles là Sinopharm, 43% còn lại là AstraZeneca. Israel gần như sử dụng 100% vaccine Pfizer khi nguồn cung Moderna còn hạn chế.

Rõ ràng, hiệu quả bảo vệ, cũng chính là chất lượng của vacccin, mới là yếu tố quyết định bảo vệ người dân khỏi đại dịch. Xét về chi phí, Israel đã thành công trong chiến lược vaccine của họ, dù tiêm ít nhưng hiệu quả cao.

Cũng theo quan sát từ dữ liệu trên Our World in Data, nhóm các quốc gia dùng vaccine Trung Quốc như Chile, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hiện đang có tỷ lệ số ca nhiễm mới gấp hàng trăm, thậm chí đến 1.000 lần so với nhóm các quốc gia dùng vaccine Mỹ như Canada, Malta, và Mỹ (hình 3).

Mới đây, Bahrain và UAE lại tiếp tục tiêm thêm một “liều tăng cường” thứ ba là vaccine Pfizer để đối phó làn sóng dịch bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, những quốc gia chọn Pfizer và Moderna với hiệu quả trên 95% giờ đang hái quả ngọt.

Mỹ đã có hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trên 45% dân số đã tiêm đủ hai liều và đang dần trở lại bình thường.

Tính đến ngày 20-6, Canada đã có 67% dân số được tiêm ít nhất một liều, xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Malta và Seychelles. Có 74% vaccine được sử dụng tại Canada là Pfizer, 24% là Moderna và chỉ có 8% là AstraZeneca. Dù hiện chỉ có 19% dân số đã tiêm đủ hai liều, Canada vẫn tự tin hướng đến mục tiêu hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường vào tháng 9 tới.

Ngày 18-4, đỉnh dịch tại Canada đạt 3.244 ca trên 1 triệu dân. Hiện nay, số ca nhiễm mới giảm liên tục và hiện chỉ còn 412 ca trên 1 triệu dân, nghĩa là giảm 87% trong vòng hai tháng. Chỉ trong vài tuần nữa, Canada có thể đạt trên 65% dân số được tiêm đầy đủ vaccine. Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng đang trở thành hiện thực.

Nếu tiêm 70% dân số, hiệu quả vaccine thấp nhất phải là 86%

Theo nghiên cứu đã dẫn của Đại học New South Wales, nếu muốn tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng như Bộ Y tế kỳ vọng, hiệu quả của vaccine sử dụng tại Việt Nam thấp nhất phải là 86%.

Các biến chủng ngày càng khó lường khi nguồn lực tài chính dành cho vaccine còn hạn chế là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Do vậy, thành công tại Israel là một gợi ý để tỉnh táo và kiên nhẫn để chọn vaccine hiệu quả cao từ 95% trở lên như Pfizer hay Moderna để dập dịch triệt để.

Nếu không thể chọn những vaccine hiệu quả từ 86% trở lên, hãy chọn những loại hiệu quả thấp nhất là 80%, nhưng lúc ấy phải tiêm cho 75% dân số. Và nếu chọn vaccine có hiệu quả dưới 70%, khả năng bùng phát dịch trở lại là rất lớn dù có tiêm đến 72% dân số như bài học nhãn tiền của Seychells.

Những vaccine hiệu quả thấp chỉ là giải pháp “câu giờ” nhưng cũng đầy tốn kém cho Việt Nam vì không thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Dù biết rằng việc đặt mua vaccine không dễ, nhưng thà chậm mà chắc. Việt Nam và Philippines liên tiếp mua thành công những liều Pfizer đầu tiên cho thấy nếu quyết tâm sẽ đạt được, khi nhu cầu tại các quốc gia phát triển đang giảm dần.

Quan trọng hơn nữa, chủ động vào nguồn vaccine “Made in Vietnam” mới là lựa chọn bền vững và lâu dài cho quốc gia thoát khỏi đại dịch.

Suy cho cùng, vaccine giá rẻ đôi khi lại thành rất đắt và ngược lại.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giá Pfizer/Moderna về tới VN khoảng 75 USD/mũi, 2 mũi vị chi 150 USD/người. Những vaccines khác khoảng 5-15 USD/mũi, 2 mũi từ 10-15 USD. 70% với 150 USD/người và 10-25 USD/người 100% dân số . Tiến sĩ toán nhà mình hơi nhiều . Kinh tế Saigon Online, really?

    “Dù biết rằng việc đặt mua vaccine không dễ, nhưng thà chậm mà chắc”

    Nếu cứ trường kỳ kháng chiến, coi như 2021 mất trắng . Providing tới năm 2022 có “còn” đủ tiền để mua vaccines tư bản, coi như mất trắng 2022 luôn . Đó là chưa kể từ giờ tới cuối năm, có thể dân số Việt sẽ giảm 30% do covid như Ấn Độ . Kinh tế VN chịu nổi mất trắng 2 năm không ?

    Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn, Đài … Oh, và cả Trung Quốc đã mở cửa du lịch lại . Và không ai muốn tới VN hết . Nói chung, họ chỉ đi thăm nhau thôi .

    Kinh tế Saigon Online … Yikes!

    Kiến nghị của tớ, theo lời tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, phải nhập vaccines ngay & luôn, as in yesterday. Và nhập về là triển khai tiêm chủng liền . Vì “chống dịch như chống giặc”, việc tiêm vaccines cần được xem như nghĩa vụ quân sự, bắt buộc đ/v mọi người . Và phân phối vaccines dựa theo tiêu chuẩn . Thời Bác Hồ, chỉ những người có tiêu chuẩn cao mới được tiếp cận đài địch, mới được bơ sữa ở Nhà Thờ, Tôn Đản . Áp dụng lại nguyên tắc đó . Vaccines rẻ sẽ dành cho nhân dân & phản động, những người bỏ Đảng, thoái hóa về tư tưởng vv … vv … Còn đảng viên thì tùy cấp bậc & tùy số lượng vaccines được nhập về .

    Đảng Ta nên điều đình với Trung Quốc với tỷ lệ 10%, tức là sẽ dùng 10% số vaccines được viện trợ cho công dân song tịch . Ít nhất phải cần 2 triệu rưỡi liều mới được, có nghĩa TQ phải viện trợ cho ta khoảng 40 triệu liều vaccines nếu thật sự họ quan tâm tới những chuyên viên của mình .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây