Tin Biển Đông ngày 5-5-2021

BTV Tiếng Dân

Báo Thời Đại đưa tin: Hội nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông. Hội Nghề cá VN đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại TƯ đảng, bày tỏ quan điểm phản đối TQ đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2021. Thay vì gửi công văn cho phía TQ, Hội nghề cá lại gửi cho các cơ quan của chính phủ VN!

Thông báo của Hội Nghề cá VN có đoạn: “Đây là hành động đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế có liên quan, đi ngược lại tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Trang An Ninh Thủ Đô đưa tin: Philippines không chấp nhận việc Bắc Kinh cấm đánh cá ở Biển Đông. Phản ứng lại vụ TQ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông và một số vùng biển khác ngoài khơi TQ, hôm qua, Lực lượng Đặc nhiệm Biển Đông của Philippines ra tuyên bố: “Lệnh cấm đánh bắt này không áp dụng đối với ngư dân của chúng tôi”. Lực lượng Philippines phản đối hành động của TQ áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá lấn vào cả khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines.

Không chỉ phản đối, Philippines khuyên ngư dân phớt lờ lệnh cấm của Trung Quốc, theo VnExpress. Phía Philippines thông báo: “Ngư dân của chúng tôi được khuyến khích ra khơi đánh đánh bắt cá trong vùng biển của chúng tôi ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông)”. Đại sứ quán TQ ở Manila chưa phản hồi yêu cầu bình luận về tuyên bố của Philippines.

VietNamNet có clip: Philippines yêu cầu Trung Quốc rút tàu đậu trái phép khỏi Biển Đông.

Nhà báo Đặng Sơn Duân đưa tin: Đối đầu Philippines – Trung Quốc leo thang. Tác giả cho biết, hôm qua, tàu sân bay Sơn Đông của TQ được phát hiện ở vị trí có tọa độ 18.2180N/112.7881E, ở phía đông đảo Hải Nam. Có ít nhất 3 tàu được nhìn thấy đang hoạt động gần tàu Sơn Đông. Tàu trinh sát đại dương USNS Victorious của Hải quân Mỹ cũng xuất hiện ở gần khu vực này, hoạt động cách tàu Sơn Đông khoảng 150 hải lý.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của tàu sân bay Sơn Đông của TQ từ ngày 28/4 đến 4/5/2021. Ảnh: Twitter Đặng Sơn Duân

Về dòng tweet chửi Trung Quốc, “Get the f^ck out…” của Ngoại trưởng Philippines hôm 2/5; hôm nay, Ngoại trưởng Philippines xin lỗi sau phát ngôn cực gắt với TQ, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Harry Roque, người phát ngôn của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, cho biết, đích thân ông Locsin đã gửi lời xin lỗi tới người đồng cấp TQ Vương Nghị.

VTC đưa tin: Trung Quốc tuyên bố sẽ thường xuyên điều tàu sân bay tập trận. Sau khi triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Hoa Đông qua hướng eo biển Miyako và tàu sân bay Sơn Đông tới Biển Đông, để diễn tập quân sự, hải quân TQ tuyên bố sẽ thường xuyên lặp lại các sự kiện tương tự trong tương lai. TQ tiếp tục thể hiện thái độ xem thường cộng đồng quốc tế, bất chấp luật pháp quốc tế để theo đuổi tham vọng bành trướng ở Biển Đông.

Zing có bài: Quan chức Nhà Trắng đề xuất xem lại chiến lược với Trung Quốc. Lâu nay, một số nhà quan sát nhận định, TQ sẽ phải điều chỉnh thái độ hiếu chiến nếu gặp áp lực vây quanh từ Mỹ, cùng các đồng minh, nhưng ông Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra nhận định theo hướng khác.

Ông Campbell nói trong sự kiện do Financial Times tổ chức ngày 4/5: “Tôi tin rằng có chút ít hy vọng cho viễn cảnh trên, nhưng tôi cũng tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi to lớn… Hoàn toàn có khả năng Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động và không lùi bước… Tôi nghĩ chúng ta cần công nhận rằng một số nhân tố chiến lược phải được xem xét lại”.

Thông Tấn Xã VN đưa tin: Nhật Bản và Pháp quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại Hội nghị ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở London, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương của Trung Quốc, nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trước đó, ông Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian đã có cuộc gặp bên lề hội nghị, hai bên đã nêu quan ngại về Luật Hải cảnh mới của TQ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Hai Ngoại trưởng Nhật và Pháp cho rằng, luật này có thể gây đe dọa về mặt an ninh trên các vùng biển trong khu vực.

Thêm quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương tham gia liên minh chống TQ: Hải quân New Zealand sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông; tham gia tập trận cùng nhóm Ngũ cường, theo báo Thế Giới và VN. Hải quân New Zealand xác nhận, sẽ cử lực lượng tham gia hành trình cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Peeni Henare, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand cho biết, Hải quân nước này sẽ đi qua Biển Đông và có thể thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

_____

Mời đọc thêm: Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phong toả Đài Loan? (RFA). – Cuộc chiến thông tin giữa Mỹ và Trung Quốc dần tăng nhiệt (VietTimes). – Trung Quốc: Hải quân Mỹ hành xử « nham hiểm và nguy hiểm » ở Biển Đông (RFI). – Tướng chỉ huy Australia: Trong tương lai rất có thể xảy ra chiến tranh với Trung Quốc (VietTimes). – Đã đến lúc Úc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin 99 năm với Trung Quốc (RFI).

Mỹ muốn dùng tàu ngầm Nhật Bản để đối phó Hải quân Trung Quốc (Tin Tức). – Ngoại trưởng Nhật Bản nêu quan ngại về Biển Đông, Biển Hoa Đông tại G7 (GT). – G7 tìm một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc (RFI). – Chuyên gia: Anh ‘không làm màu’ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN). – Biển Đông: Sau đúng 18 năm, chiến cơ Nga mới có lần bay qua tàu sân bay Mỹ (GT).

Philippines phớt lờ lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông (VNF). – Biển Đông: Manila khuyên ngư dân Philippines phớt lờ lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh (RFI). – Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị (PLTP). – Hội Nghề cá phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông (VnEconomy).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây