Tác giả: Nguyễn Thành Trung
Dịch giả: Trúc Lam
12-4-2021
Nhìn bề ngoài, tình hình Biển Đông không có nhiều thay đổi so với trước khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc được thông qua, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2021. Trung Quốc vẫn đang sử dụng chiến thuật vùng xám để xua đuổi ngư dân và quấy rối các dự án thăm dò tài nguyên từ các nước tranh chấp lãnh thổ khác ở Biển Đông. Tuy nhiên, bức tranh về Biển Đông trở nên ảm đạm hơn nhiều.
Hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã ngầm chỉ ra rằng họ không cần phải gây chiến để đạt được mục tiêu của mình. Bắc Kinh đã lựa chọn cách tiếp cận xung đột với cường độ chậm hoặc cưỡng bức ở cường độ thấp, theo đó Trung Quốc sử dụng các bước gia tăng để mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh đã sử dụng Biển Đông để kiểm tra và hoàn thiện chính sách cưỡng chế của họ đối với các nước tranh chấp nhỏ hơn. Những chính sách này có thể được Trung Quốc sao chép và thực hiện ở những nơi khác, gồm các tranh chấp của họ ở vùng Biển Hoa Đông.
Quá trình này cũng có thể có tác động ngược lại. Phương thức hoạt động hiện tại của Trung Quốc ở Biển Đông có một số điểm tương đồng với những gì họ đã làm với an ninh ở Hồng Kông. Đầu tiên, họ thông qua luật an ninh quốc gia, áp dụng cho Hồng Kông, và sau đó họ chỉ bổ sung thêm quyền hành để thực thi luật. Chúng ta không biết khi nào Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng vũ lực để quân sự hóa Biển Đông.
Luật bảo vệ bờ biển của Trung Quốc mới được thông qua, cho phép các đội tàu chấp pháp của họ sử dụng vũ lực sát thương đối với các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc, bao gồm các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Điều 3 quy định rằng “Tổ chức CCG (Hải cảnh TQ) sẽ tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và trong vùng trời phía trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và áp dụng Luật này”.
Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao [Mỹ] tuyên bố rằng, “việc cho phép lực lượng tuần duyên phá hủy các cấu trúc kinh tế của các nước khác và sử dụng vũ lực để bảo vệ các tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp, ngụ ý mạnh mẽ rằng, luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển của CHND Trung Hoa”. Thật vậy, luật mới được áp dụng cho các vùng biển tranh chấp và có thể sẽ được viện dẫn trong cuộc xung đột trong khu vực. Hầu hết các tuyên bố tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông đều bị Hoa Kỳ bác bỏ do trái pháp luật của họ trong tuyên bố của ông Mike Pompeo hồi tháng 7 năm ngoái.
Luật này rõ ràng là vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hầu hết các nước bị ảnh hưởng đều bày tỏ lo lắng và phản đối Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, vì nó đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông, và ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tranh chấp khác như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Indonesia.
Nhật đã bày tỏ quan ngại về luật của Trung Quốc từ những giai đoạn đầu soạn thảo, do tình hình căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và tranh chấp quần đảo Senkaku. Toshinari Matsuo, giám đốc Văn phòng Luật Vận hành tại Trường Cao đẳng Tham mưu và Chỉ huy Hải quân của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật, tuyên bố rằng, luật mới của Trung Quốc đã vượt ra ngoài các tiêu chuẩn có trong UNCLOS.
Trong khi đó, Hsiao Bi-khim, đặc phái viên của Đài Loan ở Hoa Kỳ, cảnh báo về các hành động của Trung Quốc sau khi phê chuẩn Luật Hải cảnh mới của họ. Hsiao cũng khẳng định sự ủng hộ của Đài Loan đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cho thấy rằng họ vẫn cam kết đấu tranh chống lại việc vi phạm các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định, nghĩa vụ của các quốc gia tuân thủ luật biển và các công ước quốc tế về luật biển, đặc biệt là UNCLOS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kêu gọi hòa bình và ổn định ở Biển Đông, không bị xúi giục gây căng thẳng một cách không cần thiết.
Tuy nhiên, các nước có lợi ích trong các khu vực tranh chấp và những nước ủng hộ luật pháp quốc tế cần phải làm nhiều hơn những gì họ đã làm trong những năm gần đây. Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật và Tư lệnh Takahiro Okushima của Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản, bày tỏ quan ngại nghiêm trọng của Nhật về khả năng tàu tuần duyên Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku, nói rằng, Nhật sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể. Thật vậy, Nhật đã và đang tăng cường khả năng quân sự của họ để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuần duyên Nhật có kế hoạch mua thêm 12 tàu tuần tra cỡ lớn vào năm 2023. Philippines cũng cam kết tăng cường khí tài cho hải quân để đối mặt với sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong tương lai. Đáp lại việc thông qua luật của Trung Quốc, tướng Cirilito Sobejana, Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này tuyên bố rằng, Hải quân Philippines sẽ tăng cường triển khai trên Biển Đông để bảo đảm an ninh cho ngư dân và người dân của họ.
Các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc có hiệu quả nhất khi nước mà họ nhắm tới bị chia rẽ sâu sắc, hoặc thiếu khả năng chống lại hành vi gây hấn của Trung Quốc. Không có sự phối hợp nhịp nhàng để chống lại các chính sách gây hấn của Trung Quốc trong thập niên qua, Biển Đông gần như đã đạt đến mức mà Trung Quốc có thể tự do áp đặt những gì họ muốn lên vùng biển quốc tế này.
Trước tình hình đó, Hoa Kỳ đang củng cố các cam kết liên minh với Nhật Bản và Philippines, đồng thời cử lực lượng tuần duyên của Mỹ tới [Biển Đông] để thiết lập sự hiện diện trong khu vực. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga, Hoa Kỳ tái khẳng định hiệp ước quốc phòng với Nhật, mà Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và chính tổng thống Biden xác nhận sẽ áp dụng với đảo Senkakus.
Cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tham gia vào môi trường an ninh khu vực nhiều hơn bao giờ hết, thông qua Bộ Tứ. Đài Loan hoan nghênh cam kết của chính quyền Biden trong việc củng cố quan hệ và gia tăng doanh số bán hàng quốc phòng.
Việt Nam cũng phải đương đầu với những giới hạn của chiến lược phòng ngừa và những rủi ro trong việc đối phó với Trung Quốc một mình. Các mối quan hệ đối tác và liên minh đã được củng cố bởi những lo ngại về hành vi của Trung Quốc và danh sách các đối tác an ninh có thể sớm mở rộng khi Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa hàng hải.
______
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Các lĩnh vực ông Trung quan tâm bao gồm các vấn đề an ninh, kinh tế chính trị, chính trị học so sánh và quan hệ quốc tế. Ông thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Trung.