Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 51)

Hồ Bạch Thảo

8-4-2021

Tiếp theo phần 1-50

51. Dương Nhật Lễ [1369-1370]

Niên hiệu: Đại Định: 1369-1370

Sau khi vua Dụ Tông mất, vào tháng sau [4/7-2/8/1369] sách lập Dương Nhật Lễ lên làm vua. Nhật Lễ là con hờ của Cúc Túc vương Nguyên Dục anh ruột vua Dụ Tông; chắc Dụ Tông không biết điều thầm kín này, nên lập làm vua:

Tháng 6. Huệ Từ [Hiến Từ, theo Toàn Thư] thái hậu lập Dương Nhật Lễ làm vua. Trước kia, người phường trò, tên là Dương Khương, diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, vợ hắn đóng vai Tây vương mẫu. Cung Túc vương Nguyên Dục cảm nàng đẹp, lấy làm vợ. Khi ấy nàng đang có mang; rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi. Quần thần bàn rằng:

‘Cung Định vương Phủ [Vua Nghệ Tông sau này] là người rất hiền, nhưng anh không lẽ lại kế tự em’.

[Hiến Từ] Thái hậu bảo quần thần:

‘Nguyên Dục là con trưởng ngành đích, không được làm vua, mà lại mất sớm; vậy Nhật Lễ chẳng phải là con của Nguyên Dục dư?’.

Bèn đón lập Nhật Lễ. Nhật Lễ đã lên ngôi, truy tôn Nguyên Dục làm hoàng thái bá [bác Vua].Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

Tháng 8 [2/9 đến 30/9/1369], Dương Nhật Lễ tôn bà Hiến Từ hoàng thái hậu mẹ Vua Dụ Tông là Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu; bà Nghi Thánh hoàng hậu là Huy Từ Tá Thánh hoàng thái hậu; lập con gái Cung Định vương Phủ làm hoàng hậu.

Tháng 11 [30/11 đến 29/12/1369], táng Vua Trần Dụ Tông ở Phụ Lăng [Ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh].

Trước đây, triều đình ta sai sứ sang thăm nhà Minh; nhà Minh sai bọn Hàn Lâm thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh và Điển bạ Ngưu Lượng đem sắc sang phong, kèm với một quả ấn, núm ấn đúc hình con lạc đà mạ vàng. Khi đến nơi, thì Trần Dụ Tông đã mất, Ngưu Lượng có làm thơ viếng rồi về. Minh Thực Lục xác nhận việc này qua văn bản sau đây:

Ngày 20 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 2 [23/7/1369]. Quốc vương An Nam Trần Nhật Khuê [vua Trần Dụ Tông] sai Thiếu Trung Đại phu Đồng Thời Mẫn, bọn Chánh Đại phu Giả Để, Lê An Thế, đến triều cống sản vật địa phương và xin phong tước. Sai Hàn Lâm Thị độc Học sĩ Trương Dĩ Ninh, Điển bạ Ngưu Lượng đi sứ nước này, phong Nhật Khuê làm An Nam Quốc vương và ban ấn bạc mạ vàng khắc hình lạc đà, kèm chiếu thư như sau:

‘Cho Quốc vương nước An Nam Trần Nhật Khuê hay rằng tổ tiên ngươi trước đây coi giữ biên thùy cõi Nam, truyền đến con cháu, thường xưng phiên thần với Trung Quốc, cung kính giữ chức, được vĩnh viễn phong tước. Trẫm nhờ uy linh của trời đất, quét sạch bọn giặc tại Trung Hoa, bèn gửi thư báo tin, mong đất đai các nơi đều được yên ổn. Khanh dâng biểu xưng thần, gửi Đặc sứ đến chúc mừng, tuân theo lời dạy của tiền nhân, cần mẫn chăm sóc dân chúng, thực đáng khen. Bởi vậy, nay sai sứ trao ấn và phong ngươi làm Vương An Nam. Y hi! Ban bố lòng nhân rộng khắp; noi theo đức tốt của đứng anh quân, thừa hưởng hương thơm vượt trên 5 tước (1); mệnh ngươi vĩnh viễn làm phiên thuộc.’

Ban cho Nhật Khuê một bản lịch Đại Thống, 40 tấm lụa dệt hoa văn kim tuyến. Cho Đồng Thời Mẫn, Giả Để, Lê An Thế, Nguyễn Pháp bốn người; mỗi người một tấm lụa văn ỷ, 2 tấm lụa sa (2). Viên phó Nguyễn Huân cùng tùy tòng 23 người, thưởng có sai biệt. Bọn Dĩ Ninh đến biên giới An Nam vào tháng mười, nhưng Nhật Khuê đã mất trước vào mùa hè tháng 5, cháu là Nhật Kiên [Dương Nhật Lễ] nối ngôi, sai viên quan là Nguyễn Nhữ Lượng đón Sứ thần cùng xin ban chiếu và ấn. Dĩ Ninh không chấp thuận, lại sai bọn Đỗ Thuấn Khâm đến triều đình để thỉnh mệnh. Riêng Dĩ Ninh ở lại An Nam để đợi mệnh”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 125)

Trong dịp này Sứ thần Trung Quốc Ngưu Lượng làm bài thơ viếng Vua Dụ Tông như sau:

Nam phục thương sinh điện chẩm an,

Long Biên khai quốc khống chư Man.

Bao mao sạ hý thông vương cống,

Giới lộ ninh kỳ biệt thử quan.

Đan chiếu viễn ban kim ấn trọng,

Hoàng trường tân bí ngọc y hàn.

Thương tâm tối thị thiên triều sứ,

Dục kiến, vô do lệ mãn an.

(Dân cõi Nam xa được trị an,

Long Biên mở nước giữ trăm Man.

Vừa mừng lễ vật sang dâng cống,

Đâu ngỡ bi ca bỏ các quan.

Chiếu đỏ xa ban kim ấn nặng,

Chén vàng mới đậy ngọc y hàn.

Sứ trời là kẻ đau lòng nhất,

Muốn gặp, còn đâu lệ ứa tràn.) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 7, trang 29 b.)

Bấy giờ nước Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga cai trị, y xưng tên với nhà Minh là Ha Đáp Ha Giả; nước này và Đại Việt thường có hấn khích tại biên giới, Minh Thái Tổ nghe tin bèn gửi chiếu thư hòa giải 2 nước như sau:

Ngày mồng 1 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 2 [30/12/1369]; sai Hàn Lâm Viện Biên tu La Phục Nhân, Chủ sự bộ binh Trương Phúc mang chiếu thư dụ An Nam và Chiêm Thành rằng:

‘Trẫm vốn xuất thân từ bình dân, nhân thiên hạ loạn bèn khởi binh để bảo vệ làng xóm, không ngờ hào kiệt theo rất đông. Trẫm cầm binh vài năm, đất đai mở rộng, quân lính cường thịnh, được thần dân tôn lên làm Vua trị thiên hạ, nối dòng chính thống, đến nay đã được 3 năm. Các nước ngoài đến triều cống thì An Nam là nước đầu tiên, thứ đến Cao Ly, rồi Chiêm Thành; tất cả đều dâng biểu xưng thần, hợp với chế độ xưa, khiến Trẫm rất vui lòng.

Mới đây Chiêm Thành sai Bình chương Bồ Đán Ma Đô đến cống, tâu rằng An Nam mang binh đến xâm nhiễu, Trẫm xem tờ trình tâm không được yên. Nghĩ rằng hai nước các ngươi từ xưa đến nay, cương vực đã định sẵn, đó là ý trời, không thể cậy mạnh mà làm càn. Huống đất đai các ngươi, cách xa Trung Quốc hết núi đến biển, lời nói về sự xâm nhiễu nhất thời khó mà biết được để trình bày rõ ràng cho Trẫm hay. Các ngươi được truyền đời nối dõi đã lâu, việc giữ đất an dân, trên thuận theo đạo trời, tôn kính Trung Quốc; những việc này Vương trước của các ngươi chắc đã để lại lời dạy bảo, không đợi Trẫm dụ mới biết. Trẫm làm chủ thiên hạ, việc đáng làm là trị loạn, dẹp nguy; nay sai sứ đi quan sát sự việc, hiểu dụ các ngươi phải sợ trời, thủ phận. Nếu như cả hai dùng binh, năm này qua năm khác không ngừng, làm độc hại sinh linh, thượng đế hiếu sinh sẽ không bằng lòng; e rằng trên thì trời ghét, dưới thì lòng dân oán hận, mối họa sẽ không tránh được. Vương hai nước hãy nghe lời Trẫm, tuân theo đạo lý, yên phận mình để con cháu các ngươi được hưởng phúc lâu bền, há lại không tốt đẹp hơn ư! Khi chiếu thư tới, hai nước hãy tuân mệnh bãi binh”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 127)

Tháng 12 [30/12/1369-27/1/1370] Dương Nhật Lễ giết bà Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu. Khi Nhật Lễ đã lên ngôi rồi, bà Hiến Từ hoàng hậu thường hối hận rằng nó không phải là con Cung Túc vương. Nhật Lễ bèn ngầm đầu độc giết chết bà. Bà Hiến Từ có tính nhân từ. Cung Tĩnh vương Nguyên Trác là con vợ thứ. Có kẻ thêu dệt cho rằng Nguyên Trác yểm bùa và nguyền rủa Dụ Tông. Nguyên Trác suýt bị hãm hại. Nhờ có bà cố sức cứu giúp, nên mới được khỏi tội. Đương thời khen bà là người hiền đức. Song phải nỗi là bà thiên vị cho con Cung Túc vương mà lập Nhật Lễ, đến nỗi ngôi báu nhà Trần bị chuyển dời.

Tháng giêng, Dương Nhật Lễ, năm Đại Định thứ 2 [28/1 đến 25/2/1370] (Minh Hồng Vũ năm thứ 3). Nhà Minh sai sứ sang nước ta, tế các thần núi sông. Các triều đại trước kia chỉ có lệ Thiên tử vọng tế sông núi các nước chư hầu; tức tế từ nước họ, không đích thân sai người đến tế. Đến đây, vua Minh sai đạo sĩ ở cung Triều Thiên là Diêm Nguyên Phục kính đem bài văn ngự chế sang tế các thần núi, sông. Lại sai rập những bài ở bia đá vuông và bia đá tròn, chép lấy các đồ thư điển tịch đem về, rồi lại tạc bia ghi việc làm này; phải chăng Vua Minh muốn thừa dịp tìm hiểu địa hình nước ta, chuẩn bị cho những âm mưu trong tương lai. Theo Minh Thực Lục, trước đó nhà Minh dự định cho người đến tế tại 21 dãy núi, và 6 con sông, 6 vực sâu, tại nước ta:

Ngày 21 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 2 [19/1/1370]; Thiên tử bảo các quan thuộc Trung Thư (4) và bộ Lễ rằng: ‘Nay An Nam và Cao Ly đều qui phụ xưng thần, các sông núi thuộc các nước này cần được tế một lần với Trung Quốc.’

Rồi bộ Lễ cho khảo xét các sông núi của các nước này.

Núi tại An Nam có 21 dãy, gồm: Phật Tích, Triệt Vi, Vũ Ninh, Tiên Du, Phả Lại, Vạn Kiếp, Kiệt Đặc, An Tử, Địa Cận, Thiên Dưỡng, Thần Đầu, Long Đại, Văn Trường, An Hộ, Biện, Lập Thạch, Hương Tượng, Sùng, Đô Long, Trắc, Phân.

Tại An Nam có 6 sông, gồm: Xuyên Ðường, Phú Lương, Đại Hoàng, Đại Lịch, Tô Lịch, Tam Đái.

Vực sâu có 6, gồm: vực An Thạch, cửa Thạch Long, Tư Liêm, Lãng Bạc, Việt Thường, Cửu Đức. ….

Bèn ra lệnh chép vào tự điển, lập bài vị để tế”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 129)

Để tăng phần long trọng, Minh Thái Tổ đích thân viết chúc văn giao cho Sứ giả đến các nước, trực tiếp tế lễ cùng khắc bia tưởng niệm:

Ngày 10 tháng 1 năm Hồng Vũ thứ 3 [6/2/1370]; sai Sứ giả đến An Nam, Cao Ly, Chiêm Thành tế sông núi các nước này. Trước tiên Thiên tử giữ trai giới (5), đích thần viết chúc văn (6) Ngày hôm nay ngự triều trao cho Sứ giả hương và lụa; hương đựng trong hộp vàng; lụa gồm 2 thứ, thứ nhất làm cờ hiệu hoa văn, thứ 2 tùy phương hướng mỗi nước dùng lụa màu sắc thích hợp, chép chúc văn lên, rồi Thiên tử đích thân đề ngự danh (7) vào. Lại cấp 25 lượng bạch kim để biện lễ vật cúng tế. Sứ giả được cấp 10 lượng bạch kim, cùng y phục rồi sai đi.

Lại ra lệnh cho các nước vẽ họa đồ sông núi, chép các văn bia, rồi giao cho Sứ giả mang về. Sứ giả đến các nước, khắc trên đá văn tự sự, đại lược như sau:

‘Trẫm nhờ trời đất tổ tông phù hộ, địa vị đứng trên cả thần dân; việc cúng tế giao, miếu, xã tắc, thần núi, sông, biển không dám không cung kính. Các ngươi tại Chiêm Thành, Ai Lao, Cao ly đều sai sứ dâng biểu xưng thần, đã được phong Vương; vậy sông, núi trong lãnh thổ cũng thuộc về chức phương (8); khảo điển xưa đều được Thiên tử vọng tế, nhưng chưa có lệ sai Sứ đến tại lãnh thổ trực tiếp tế. Nay nghĩ rằng phàm đất dưới cõi trời đều được hưởng chung sự thăng bình, nên biện lễ sinh vật, lụa; sai Sứ giả đến tế thần. Thần cảm ứng an hưởng tất sẽ phù hộ cho đất nước, đời đời giữ gìn bờ cõi, khiến mưa gió phải thời, mùa màng lúa tốt, dân bình yên. Làm rõ ý nghĩa đối xử cùng chung một lòng nhân, nên khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 131)

Vào tháng 4, Sứ thần Đại Việt đến triều Minh cáo ai việc Vua Trần Dụ Tông mất:

Ngày 14 tháng 4 năm Hồng Vũ thứ 3 [9/5/1370], Sứ thần An Nam, Đỗ Thuấn Khâm, đến cáo ai nhân việc Trần Nhật Khuê [vua Trần Dụ Tông] mất và xin mệnh”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 135)

Vua nhà Minh mặc áo tang trắng, đích thân phân ưu với Sứ giả Đỗ Thuấn Khâm, cùng sai viên Hàn lâm Vương Liêm sang nước ta điếu tế:

Ngày 15 tháng 4 năm Hồng Vũ thứ 3 [10/5/1370]. Thiên tử mặc y phục trắng (9) gặp Thuấn Khâm tại cửa Tây Hoa, rồi sai bọn Hàn lâm Biên tu Vương Liêm sang tế; mang đồ phúng điếu gồm 50 lạng bạch kim, 50 tấm quyên, cùng văn tế như sau:

 “Trẫm xuất thân áo vải, nhân Trung Quốc lắm nạn, bèn dấy quân dẹp yên loạn nước xong, xếp việc binh để yên dân, thống nhất Trung Hoa. Năm đầu mới lên ngôi, bèn sai sứ đến gặp Tù trưởng các Di bốn phương, cho biết nước Trung Quốc ta mới được bình an. Riêng ngươi Nhật Khuê, sai Bồi thần đãi ngộ Sứ giả, tỏ lòng thành và hoan hỷ như từ lâu đã là bầy tôi. Các nước khác chưa kịp tới, chỉ riêng ngươi cho Sứ giả đến sân đình, Trẫm nhìn lên trời an ủi rằng dân An Nam được hưởng phúc. Lập tức mệnh Trung thư bộ Lễ phỏng theo xưa đúc ấn, sai Hàn Lâm Thị độc Học sĩ Trương Dĩ Ninh mang sắc đến nước ngươi biểu dương sự hiền đức và khuyến khích lòng thành. Ngày 14 tháng 4 [9/5/1370] năm nay, Trung Thư tâu rằng Sứ thần nước ngươi là Đỗ Thuấn Khâm đến báo tin ngươi đã mất. Trẫm bất giác dẫm chân, kinh ngạc than rằng: “Hiền Vương tại nước phía tây nam, sao sớm vội từ giả cõi đời thế!” Vì vậy bèn sai sứ đến tế “: Duy anh linh Nhật Khuê, lúc sống có kiến thức, lúc chết biết việc đáng làm, phù hộ cho nước ngươi, và con cháu được đời đời thế tập”.

 Lại sai Chủ sự bộ Lại Lâm Đường Thần mang chiếu thư phong Nhật Kiên [Dương Nhật Lễ] làm An Nam Quốc vương. Chiếu rằng:

“Trẫm lấy danh chính thống, cai trị thiên hạ, nghĩ đến nước An Nam các ngươi, biết tôn kính hâm mộ Trung Quốc; năm ngoái Quốc vương Trần Nhật Khuê dâng biểu xưng thần, Trẫm sai sứ mang chiếu thư và ấn, phong làm An Nam Quốc vương. Sứ đến gần biên giới, thì được tin Nhật Khuê mất. Nay Thế tử Nhật Kiên có thể theo chí của người trước, nên mệnh đặc sứ khảo xét điển lệ nối dõi. Bởi vậy mệnh ngươi Nhật Kiên thế tập, phong làm Quốc vương An Nam; trao cho ấn vàng, cũng được ban 40 tấm lụa ỷ dệt hoa văn kim tuyến. Bọn Thuấn Khâm cùng kẻ dưới quyền 14 người được ban lụa ỷ, lụa bạch, có phân biệt”.

 Lúc Vương Liêm được sai đi, lại ban chiếu rằng Phục Ba Tướng quân Mã Viện nhà Hán xưa được phong tại Giao Chỉ, cho lập cột đồng làm biểu tượng để trấn phục nam Man, công rất lớn nên mệnh Liêm đến tế. Liêm đến thác Ô Man, Quảng Châu; thấy miếu bị hư hủy bèn sai người trong châu tu sửa lại; xong mới làm lễ tế”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 135)

Phía Đại Việt cử một phái đoàn sang tạ ơn, chẳng may viên Thượng đại phu Nguyễn Yến mất, triều đình nhà Minh cấp cho 50 lạng bạc để làm đám tang; riêng bọn Trung đại phu Mạc Quí Long cũng được cấp tơ lụa, rồi đưa linh cửu trở về nước:

Ngày 16 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 3 [9/7/1370]. Quốc vương nước An Nam Trần Nhật Kiên [Dương Nhật Lễ] sai Thượng Đại phu Nguyễn Yến, Trung Đại phu Mạc Quí Long, Hạ Đại phu Lê Nguyên Phổ đến dâng biểu tạ ân, cống phương vật. Nguyễn Yến chết tại Nam An. Thiên tử ban hàng tơ, lụa, có phân biệt cho bọn Quí Long. Lại ban cho Nhật Kiên lụa, là, mỗi thứ 2 tấm. Cho 50 lạng bạc để làm phí tổn đám tang Nguyễn Yến, sai chức trách đưa linh cữu về nước”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 139)

Ngày 20 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 3 [13/7/1370]. Hàn lâm viện Biên tu La Phục Nhân, Chủ sự bộ binh Trương Phúc mang chiếu chỉ đến An Nam trở về; tâu rằng An Nam tặng các vật như vàng, đồ quí; nhưng đã từ khước không nhận. Thiên tử phán rằng không nhận đồ tặng là đúng; lại ra lệnh Trung Thư ban thêm cho Sứ thần nước này là Mạc Quí Long rồi cho trở về”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 139)

Tháng 9 [20/9 đến 19/10/1370], Cung Tĩnh vương là Nguyên Trác mưu giết Dương Nhật Lễ, nhưng không thành, bị giết chết:

Nhật Lễ, khi đã được làm vua, ngày ngày rượu chè, dâm dật, chăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân. Nhật Lễ có ý muốn đổi lại lấy theo họ Dương và ngầm mưu trừ bỏ hết những người họ Trần có danh vọng. Tôn thất nhà Trần và trăm quan ai cũng thất vọng. Nguyên Trác với con là Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh công chúa [con gái Vua Minh Tông], đêm đến, đem mọi người trong họ tôn thất vào thành để giết Nhật Lễ. Nhưng Nhật Lễ trèo tường ra ngoài, nằm núp dưới cầu mới. Mọi người sục sạo không bắt được; giải tán về cả. Trời gần sáng, Nhật Lễ trở vào cung, cho quân đi lùng bắt tất cả 18 người đã dự mưu vào việc này. Bọn Nguyên Trác đều bị hại cả”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

Tháng 10 [20/10 đến 18/11/1370], Cung Định vương Phủ chạy lên Đà Giang, họp với các Vương, Hầu, Công chúa mưu khởi binh đánh dẹp Dương Nhật Lễ:

Trước đây, Nhật Lễ tiếm ngôi, lấy con gái Cung Định vương lập làm hoàng hậu. Cung Định vương thường sợ vạ lây đến mình. Kịp khi công cuộc của Nguyên Trác đã thất bại, Chi hậu nội nhân phó chưởng là Nguyễn Nhiên biết Nhật Lễ muốn giết Cung Định vương, mới khuyên vương sao không liệu cơ mà sớm lánh đi. Vương vốn không có chí làm vua; đến đây tình thế bức bách quá, mới bàn mưu với thiếu uý Trần Ngô Lang. Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha cũng bảo vương rằng:

‘Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vất bỏ cho người khác? Anh hãy cứ đi đi! Em sẽ đem gia nô dẹp nó cho!’

 Cung Định vương bấy giờ mới chạy lên Đà Giang bí mật cùng Cung Tuyên vương Cảnh, Chương Túc hầu Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hẹn nhau hội ở Đại Lại giang [Thanh Hóa] (10) để khởi binh. Khi ấy, Nhật Lễ dùng Trần Ngô Lang làm việc, nhưng không biết Ngô Lang vẫn đồng mưu với Cung Định vương: mỗi khi sai quân đi lùng bắt Cung Định vương thì Ngô Lang lại mật bảo quân được sai đi ở lại theo vương, đừng về. Nhiều lần sai Nam Bắc quân đi, cũng không thấy một ai quay về cả, Ngô Lang cũng giả vờ xin đi, Nhật Lễ không cho”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

Tháng 11 [19/11 đến 18/12/1370]. Cung Định vương lên ngôi Hoàng đế ở phủ Kiến Hưng, tiến lấy kinh thành, bắt Dương Nhật Lễ, giết chết:

Cung Định vương đến động mán ở Đà Giang, lưu lại đấy được mươi hôm; các người họ tôn thất và trăm quan cùng nhau kéo đến, khuyên Cung Định vương nên sớm về để dẹp yên nội nạn. Vương cứ nghẹn ngào từ tạ. Mọi người hai ba lần cố mời vương lên kiệu, ra khỏi núi. Khi vương về đến phủ Kiến Hưng, xa gần kéo đến như mây dày đặc, tiếng vui mừng vang trời. Mọi người xin ra lệnh phế Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Vương lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá, xưng là Nghĩa Hoàng; bầy tôi dâng tôn hiệu là Thể Thiên Kiến Cực Thuần Hiếu hoàng đế ấy là Trần Nghệ Tông. Ngự giá ra đi, tiến đóng ở bến Đông Bộ Đầu [Hà Nội]. Trần Ngô Lang khuyên Nhật Lễ viết bức thủ thư nhận tội, lánh ngôi, ra đón tận ngoài thành. Nhật Lễ phủ phục xuống đất, tạ tội. Nhà vua cũng ôm lấy Nhật Lễ, khóc lóc mà rằng:

 ‘Không ngờ sự thể ngày nay đến thế này!’.

 Cung Tuyên vương Cảnh tuốt gươm quát lên rằng:

‘Nay vâng mạng trời, đánh kẻ có tội. Tên tội nhân kia sao còn được nói lôi thôi! Bệ hạ há nên vì lòng nhân từ bịn rịn mà bỏ mất nghĩa lớn sao!’.

Rồi thét những kẻ ở tả hữu lôi Nhật Lễ ra, giam ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ lừa Ngô Lang vào màn nói chuyện, bóp cổ giết chết. Việc đó đến tai vua. Nhà vua sai đánh chết ngay Nhật Lễ và con nó là Liễu; truy tặng Ngô Lang làm Tư mã, ban cho tên thụy là Trung Mẫn á vương”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

____

Chú thích:

1. Năm tước: Vua đứng trên 5 tước tức Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

2. Sa: Lụa mỏng

3. Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ 14-17. Hồ Bạch Thảo dịch, Hà Nội: NXB Hà Nội, 2010.

4. Trung Thư hay Trung Thư Tỉnh: Chức quan coi việc văn phòng cho nhà vua; riêng đời Minh chức quan này phụ trách việc soạn chép văn thư cơ mật.

5. Trai giới: Giữ trong sạch kiêng cữ trong sự ăn uống và sinh hoạt.

6. Chúc văn: Văn cúng các linh hồn, thần linh v.v…

7. Ngự danh: Tên vua.

8. Chức phương: Chức vụ cai quản một phương.

  1. Y phục trắng, tức đồ tang.

10. Đại Lại giang: Một chi lưu sông Lương Giang thuộc địa phận Thanh Hóa, sông Đại Lại chảy qua huyện Vĩnh Lộc và huyện Hậu Lộc rồi đổ ra biển.

Bình Luận từ Facebook