Covid-19, cơ hội thoát Trung cho Việt Nam?

Jackhammer Nguyễn

2-4-2021

Giả định có ba việc sau đây làm cho Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc:

1/ Trao đổi thương mại Việt – Trung quá lớn.

2/ Áp lực về quân sự của Bắc Kinh quá lớn.

3/ Quan hệ ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản độc quyền cai trị mỗi nước.

Theo chủ quan của mình, tôi xếp tầm quan trọng từ 1 đến 3 như trên, với 1 là quan trọng nhất.

Vấn đề ý thức hệ đã nhạt nhòa từ lâu, cả hai đảng cộng sản chỉ còn là cái tên, và họ cai trị hai quốc gia theo mô hình độc tài tập thể. Mô hình giống nhau nhưng chẳng có gì liên quan tới ý thức hệ cả, cũng giống như nhóm tướng lãnh cai trị Thái Lan và nhóm tướng lãnh cai trị Indonesia (trước đây).

Quân đội Trung Quốc là một gã khổng lồ so với quân đội Việt Nam, nhưng việc phát động chiến tranh dẫn tới một cuộc chiến toàn diện là điều không phải dễ. Kẻ bưu đầu thì người cũng sứt trán, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

Riêng điều nhắc đến đầu tiên ở trên, sự lệ thuộc thương mại của Việt Nam vào nước láng giềng phía Bắc có lẽ là điều mà Hà Nội lo ngại nhất.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt là người từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc và cũng đã từng là cố vấn cho chính phủ Việt Nam. Trong bài báo có tựa đề: “Quan hệ thương mại Trung – Mỹ và một số nước châu Á” đăng trên báo Kinh tế Sài Gòn hôm 1/4/2021, ông Việt viết, “mức độ lệ thuộc Trung Quốc với tỷ lệ ngoại thương giữa hai nước năm 2019 lên tới một mức kinh khủng là 45% GDP”. Ông Việt nói rằng, mức độ lệ thuộc thương mại này của Việt Nam vào Trung Quốc là cao nhất châu Á.

Cũng theo ông Việt, tỉ lệ ngoại thương của Việt Nam so với GDP là 200%. Con số này trùng với con số nêu ra trong bài báo “Sự hồi phục kinh tế Việt Nam nhờ vào Mỹ” của Wall Street Journal (WSJ) ở Mỹ nêu ra. Mà trong 200% đó, phần của Trung Quốc đã chiếm hết 49% trong năm 2019. Nói nôm na là, nếu Việt Nam không buôn bán với bên ngoài thì sẽ rất nguy hiểm vì lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Nếu quý độc giả có theo dõi tin tức từ Việt Nam chắc cũng đã biết, chuyện hàng nông sản Việt Nam thường xuyên bị ứ đọng tại biên giới với Trung Quốc, hay là việc nhập cảng nguyên liệu từ Trung Quốc vào Việt Nam, luôn là vấn đề đau đầu cho các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có vẻ như đang thay đổi điều đó. Mặc dù cơ cấu thương mại quá lớn trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng phần giao thương với Trung Quốc có vẻ đã giảm xuống do đại dịch Covid-19, làm cho hàng hóa qua lại nơi biên giới sụt giảm. Điều thú vị là, chính Trung Quốc vì lo ngại dịch bệnh, âm thầm xây tường rào ở một số khu vực biên giới giữa hai nước, mặc dù Việt Nam được xem là một trong những nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới.

Một điều quan trọng với Việt Nam là, tỷ lệ thương mại Việt – Mỹ lại đang tăng cao, cũng “nhờ” vào Covid-19. Bài báo WSJ kể trên, nói rằng, từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021, Mỹ nhập đến 29% hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng 9% so với một năm trước đó. Ngoài ra, do bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mà nhiều công ty đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

Việc gia tăng buôn bán với Mỹ như thế là “nhờ” vào đại dịch Covid-19. Trong khi các nước láng giềng khốn đốn vì dịch, Việt Nam nhờ kiểm soát được dịch nên gia tăng sản xuất và giành nhiều phần hơn trong thị trường Mỹ.

WSJ đánh giá rằng, trong vị thế là một quốc gia thương mại (chiếm 200% GDP), nếu bị một cuộc suy thoái kinh tế bình thường thì Việt Nam sẽ khốn đốn, nhưng cuộc suy thoái bất ngờ vì Covid-19, tạo thế mạnh cho Việt Nam và làm tăng thêm khối lượng mậu dịch Việt – Mỹ.

WSJ đánh giá rằng, xu hướng mậu dịch Việt – Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, với số tiền kích thích kinh tế khổng lồ 1.900 tỷ USD của Mỹ vừa được duyệt.

Bên cạnh đó, có thể là chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung sẽ dừng lại ở chuyện đánh thuế hàng hóa mậu dịch, nhưng chiến tranh kinh tế giữa hai nước lại đi vào chiều sâu hơn với kế hoạch của Mỹ thoát ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà Bắc Kinh hiện đang chiếm vai trò rất quan trọng.

Nhiều tổ chức kinh doanh cũng như các nhà kinh tế cho rằng, Việt Nam có hy vọng biến thành nơi thay thế Trung Quốc, hay ít nhất một phần của nước này, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thắt chặt hơn quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với phương Tây.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế và người dân Việt Nam, như ngành du lịch bị phá sản, dân chúng bị cách ly, một số người thiệt mạng, nhưng nó có thể là cơ hội để Việt Nam thực hiện giấc mơ thoát Trung của mình (nếu đảng CSVN muốn thoát), nhất là thế giới đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, mà phần kinh tế thương mại là quan trọng nhất.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề ý thức hệ đã nhạt nhòa từ lâu, cả hai đảng cộng sản chỉ còn là cái tên, và họ cai trị hai quốc gia theo mô hình độc tài tập thể. Mô hình giống nhau nhưng chẳng có gì liên quan tới ý thức hệ cả, cũng giống như nhóm tướng lãnh cai trị Thái Lan và nhóm tướng lãnh cai trị Indonesia (trước đây).

    ĐIỂM CHUNG LỚN NHẤT GIỮA VIETNAM VÀ TRUNG CỘNG : CAI TRI DÂN BẰNG BẠO LỰC SẮT MÁU
    THIÊN AN MÔN VÀ ĐỒNG TÂM .

    VỀ KINH TẾ QUI MÔ CỦA VIETNAM BẰNG 1 /100 TRUNG CỘNG MÀ ĐÒI THAY THẾ, ĐỪNG HÃO HUYÊN NỮA

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây