Nhã Duy
11-3-2021
Sau khi Thượng Viện bỏ phiếu thông qua với những điểm cần sửa đổi, hôm qua, dự luật cứu trợ kinh tế 1,900 tỉ đô la được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua những điểm sửa đổi, bổ sung của Thượng Viện, với mục đích trực tiếp giúp đỡ người dân và vực lại nền kinh tế Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đạo luật American Rescue Act sẽ là nghị trình phát triển kinh tế lớn và quan trọng bậc nhất của tổng thống Joe Biden trong nhiệm kỳ của ông.
Các cuộc thăm dò khác nhau cho thấy, khoảng 70 đến 75% người dân Mỹ ủng hộ dự luật này, trong đó cuộc thăm dò của Politico/ Morning Consult còn cho thấy, đến 59% người nhận thuộc đảng Cộng Hòa đã ủng hộ nó. Đây cũng là điều dễ hiểu vì ước tính sẽ có đến khoảng 85% gia đình sẽ nhận được một phần hay toàn phần sự trợ giúp, còn theo mô hình Penn Wharton Budget Model của đại học Pennsylvania là đến 90%.
Tuy nhiên dự luật này cho thấy không có sự hợp tác và đồng thuận lưỡng đảng, bởi không có bất cứ dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa nào ở Hạ Viện và Thượng Viện đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này. Điều này hoàn toàn khác với hai gói cứu trợ đầu tiên do tổng thống Donald Trump và phía Cộng Hòa đưa ra, đã nhận được sự đồng thuận hầu như tuyệt đối từ phía đảng Dân Chủ trước đây.
Trong khi phía Dân Chủ cho rằng những ảnh hưởng đại dịch vẫn còn nặng nề với hàng chục triệu người đang bị thất nghiệp, nên người dân cần được trợ giúp, cũng như sẽ giúp cho kinh tế Hoa Kỳ được hồi phục nhanh hơn, thì bên Cộng Hòa cho rằng, đại dịch đã có dấu hiệu chấm dứt nên không cần gói cứu trợ to lớn như vậy.
Theo đề nghị từ phía đảng Cộng Hòa, gói cứu trợ này chỉ cần khoảng hơn 600 tỉ đô la. Và sự giúp đỡ cho người dân giới hạn vào nhóm có thu nhập dưới 40 ngàn đô la hay 80 ngàn cho cả gia đình và mỗi người dân đủ tiêu chuẩn sẽ nhận được 1,000 đô la và con nhỏ là 500 đô, một sự cắt giảm đến khoảng 30 triệu người được nhận trợ giúp.
Sự bất đồng mang tính đảng phái này đến từ chính sách và sự quan tâm khác biệt giữa hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa. Thử so sánh đạo luật cắt giảm thuế do tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2017 và chương trình cứu trợ kinh tế lần này của tổng thống Joe Biden để có cái nhìn rõ hơn.
Nếu gói cứu trợ của đảng Dân Chủ lần này, ngoài 350 tỉ đô la chi cho các tiểu bang và chính quyền địa phương thì hơn một nửa chi phí, khoảng 1,000 tỉ đô la chi trực tiếp giúp đỡ người dân qua các chương trình khác nhau. Còn lại là giúp đỡ các tiểu thương, cho các chương trình y tế, giáo dục và việc chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Đặc biệt là nhằm giúp đỡ các gia đình lao động có con nhỏ, xương sườn của kinh tế Hoa Kỳ. Gói cứu trợ này hoàn toàn dành cho người Mỹ, không tài trợ cho nước ngoài hay cho bất cứ di dân bất hợp pháp nào như một vài nguồn tin sai lệch tung ra.
Còn với đạo luật giảm thuế của Donald Trump vào năm 2017, thì khoảng 70% số tiền chi ra là vào tay các đại tập đoàn và giới giàu có, những hãng đã sử dụng tiền miễn giảm thuế này để đầu tư vào chứng khoán hay mua lại cổ phiếu của hãng mình, thay vì tạo thêm việc làm như những người ủng hộ đưa ra. Cũng như theo báo cáo của ITEP và được ủy ban Joint Economic Committee của Quốc Hội sử dụng, thì những người thu nhập trên hai triệu đô đã tiết kiệm trung bình thêm khoảng 50.000 đô tiền thuế so với 80% dân Mỹ có thu nhập dưới 90.000 đô la, chỉ tiết kiệm từ 60 đến 1,350 đô la tùy theo thu nhập trong năm 2020 vừa qua.
Bất cứ dự luật kích thích kinh tế nào, dù của Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng sẽ tạo nên thâm thủng ngân sách và gia tăng nợ công. Để cân đối ngân sách quốc gia thì việc chi ra phải có nguồn thu lại bằng cách này hay cách khác, tuy nhiên tổng thống Joe Biden từng cam kết rằng, hầu hết dân Mỹ, những người có thu nhập dưới 400.000 đô la sẽ không bị tăng thuế trong nhiệm kỳ của ông.
Phía Cộng Hòa đồng lòng phản đối dự luật cứu trợ vì cho rằng dự luật lãng phí và sẽ làm gia tăng nợ công, điều mà hầu như các nhiệm kỳ tổng thống Cộng Hòa gần đây luôn để lại. Khi Donald Trump ra tranh cử rồi đắc cử, ông luôn hứa cuộc chiến tranh mậu dịch và đường lối kinh tế của ông sẽ giúp làm giảm mức nợ công trong tám năm, tức hai nhiêm kỳ nếu ông tái đắc cử.
Trên thực tế thì Donald Trump đã đưa khoản nợ nước Mỹ lên mức kỷ lục, ngay từ trước đại dịch. Khi rời nhiệm sở sau bốn năm, Trump đã cộng thêm 7,800 ngàn tỉ đô la vào khoản nợ quốc gia và thêm khoảng 2,200 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới do chương trình cắt giảm thuế nói trên của ông, theo như số liệu từ Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội CBO. Tổng cộng trước sau thì Donald Trump cùng chính sách kinh tế đảng Cộng Hòa đã làm cho nước Mỹ gánh thêm 10,000 tỉ đô la tiền nợ trong bốn năm qua. (*)
Nên việc thâm thủng hay nợ quốc gia không phải là lo ngại lớn nhất và thật sự của phía đảng Cộng Hòa, mà điều lo ngại của họ là gói cứu trợ kinh tế lần này sẽ làm gia tăng mức độ ủng hộ của người dân với tổng thống Joe Biden, tạo thêm uy tín cho phía Dân Chủ và như vậy thì việc lấy lại các ghế tại Quốc Hội trong các kỳ bầu cử tới sẽ càng khó khăn hơn.
Câu chuyện kinh tế quốc gia xem ra phức tạp nhưng thường bị diễn dịch dễ dãi và đầy cảm tính. Hãy dành điều này cho các kinh tế gia và những kết quả của nó trong tương lai qua các số liệu, dữ liệu chính xác hơn.
Tổng thống Joe Biden đưa ra kế hoạch cứu trợ lần này rõ ràng không mang mục đích tái tranh cử mà vì tình trạng của người dân và nước Mỹ đang cần nó. Các chính khách thì có những mục tiêu và quyền lợi đảng phái và cá nhân riêng. Nên rốt lại và đơn giản hơn trong tư cách công dân thông thường, hãy nhìn vào các khoản tiền này thật sự trợ giúp cho những ai, cho chính cá nhân và gia đình mình những gì để có những kết luận.
Phía Cộng Hòa chỉ trích rằng tổng thống Joe Biden đã không thực hiện sự đoàn kết khi đưa ra chương trình kinh tế mà thiếu đi sự đồng thuận lưỡng đảng. Nhưng điều này xem ra khó khăn và không tưởng hiện nay bởi đảng Cộng Hòa chỉ đoàn kết trong việc đối đầu với tổng thống Biden và phía Dân Chủ, còn thì chính họ cũng đang đối diện vấn đề chia rẽ với nhau, với một đảng Trump đang có tham vọng thay thế đảng Cộng Hòa truyền thống.
Nên cuối cùng, tổng thống Joe Biden và đảng Dân Chủ chỉ cần đoàn kết với người dân, lo cho người dân thì xem ra đã là một tổng thống và chính phủ thành công và là mục tiêu quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Đó cũng là điều mà người dân cần và mong muốn.
(*) https://www.cbo.gov/publication/52370
Ở Việt Nam ta, bất kỳ gói cứu trợ nào cũng dành ưu tiên trước hết cho người có công với cách mạng.
Còn họ có được hưởng trọn vẹn sự ưu đãi đó hay không lại là chuyện khác.