Mọi người sẽ đi về đâu?

Hành tinh Titanic

23-2-2021

Trong hầu hết lịch sử loài người, con người đã luôn sống trong một khoảng nhiệt độ hạn hẹp một cách đáng kinh ngạc, ở những nơi mà khí hậu tạo điều kiện cho họ sản xuất lương thực dồi dào.

Khi hành tinh nóng dần lên, những khu vực này đang bị dịch chuyển đi. Nhiều quốc gia sẽ hoàn toàn mất khả năng trồng trọt các loại cây lương thực và rau củ quả.

Đối mặt với nạn đói, những người có thể ra đi sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác. Các cuộc di cư của con người thường khó dự đoán, và bất kì thảo luận nào về chuyện di cư cũng bị bao vây bởi những xung đột chính trị. Điều này đang trở thành rào cản ngăn trở việc cứu sống con người.

Đó là lý do chúng tôi đặt câu hỏi trên…

Báo ProPublica và Tạp chí The New York Times, với sự hỗ trợ của Trung tâm Pulitzer, lần đầu tiên xây dựng mô hình dự báo di chuyển xuyên qua các biên giới quốc gia của những người tị nạn biến đổi khí hậu. Đây là những gì chúng tôi đã khám phá ra.

Bài viết này của tác giả Abrahm Lustgarten, thuộc ProPublica. Hình ảnh do phóng viên ảnh Meredith Kohut chụp cho Tạp chí The New York Times. Bài viết do bạn Linh Nguyễn chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic. Nguồn: Where Will Everyone Go?

ProPublica là một tòa soạn phi lợi nhuận, chuyên điều tra những hành vi lạm quyền. Bạn có thể đăng kí để nhận thông báo về những câu chuyện lớn nhất của chúng tôi ngay khi chúng được xuất bản.

Bài báo này mở đầu cho một loạt bài về di cư liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu, loạt bài hợp tác giữa ProPublica và Tạp chí The New York Times, với sự hỗ trợ của Trung tâm Pulitzer. Bạn có thể đọc thêm về dự án dữ liệu nền tảng của phóng sự này.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 22/5/2019: Một người phụ nữ trẻ mang bát đĩa xuống để rửa ở một con suối, trong cộng đồng Las Cruces Nueva San Carlos ở Thành phố Panzós. Cộng đồng nông thôn của họ không có nước sinh hoạt và mọi nhu cầu về nước đều phụ thuộc vào dòng suối này. Tất cả đang rất lo lắng rằng dòng suối sẽ khô hoàn toàn và họ sẽ không có nước để uống hoặc tắm. Biến đổi khí hậu đang khiến nông dân ở Panzós khó thu hoạch đủ lương thực để nuôi sống gia đình. Mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực tiếp theo đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các thành thị của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith dành cho New York Times.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 20/5/2019: Carlos Enrique Tiul Pop (34 tuổi), công nhân nông nghiệp người bản địa, cùng chụp ảnh với các con của mình là Carlos Jr. (14 tuổi), Dilcia (13 tuổi) và Jesica (11 tuổi), giữa cánh đồng bắp/ngô thất bát của mình, tại khu tự quản Panzós của Guatemala. Ông Tiul Pop cho biết biến đổi khí hậu và nền nhiệt ngày càng cao hơn đang khiến nông dân ở Panzós khó thu hoạch thành công đủ bắp/ngô để nuôi gia đình họ. Bắp/ngô là loại thực phẩm chính được sử dụng để làm bánh, lương thực ăn hàng ngày của hầu hết người Maya bản địa. Một số bạn bè của ông đã di cư và ông cũng đang có ý định rời đi. Mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến những thành phố của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho New York Times.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 23/5/2019: Eva María Hernández (26 tuổi) đang chăm sóc con trai 20 tháng tuổi, tên là bé Cristian Ac, trên giường, đồng thời chăm sóc con gái 4 tuổi, bé Reyna Ac, (ở bên phải cô). Chồng của cô Hernández, là Jorge Ac – một nông dân bản địa – đã di cư đến Hoa Kỳ cùng con trai lớn của họ, Jorge Ac (7 tuổi) (cùng tên với cha), để tìm việc làm sau khi hạn hán và nền nhiệt độ tăng cao khiến mùa màng thất bát ở Panzós. Chồng cô nói rằng anh hối hận vì đã rời đi lúc này, vì anh đang mắc nợ rất nhiều khi đóng phí cho những kẻ buôn người – và công việc anh tìm được ở Mỹ không kiếm được nhiều tiền hơn so với những gì anh ấy được hứa hẹn. Cô Hernández thường xuyên khóc vì nhớ chồng – và đặc biệt là cậu con trai 7 tuổi. Cô nói rằng nó thích đi học mỗi ngày ở Panzós và từng là một học sinh giỏi – nhưng ở Mỹ, nó chỉ bị nhốt trong phòng cả ngày không được đi học trong khi bố nó phải đi làm. Cô cầu xin chồng gửi con trai trở về lại Guatemala để nó có thể sống cùng với cô. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho New York Times.

BANG TABASCO, MEXICO – NGÀY 31/8/2019: Những người di cư từ Trung Mỹ đi xe “La Bestia” trên tuyến đường tàu giữa Teapa và Huimanguillo, Mexico trong chuyến hành trình gian khổ và đầy nguy hiểm về phía Bắc để tìm việc làm. Các mô hình khí tượng mới cho thấy khí hậu biến đổi càng khắc nghiệt, số lượng người di cư sẽ càng lớn. Nếu không làm gì nhiều để thay đổi quá trình hiện tại, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với khoảng 50 triệu người di cư thêm, chỉ tính riêng từ Trung Mỹ trong 30 năm tới, và ít nhất 10 triệu người trong số họ ra đi vì lý do khí hậu biến đổi, khiến cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Hoa Kỳ trở thành một điều bình thường mới hồi năm ngoái. Nếu Hoa Kỳ và Mexico tiếp tục hạn chế việc vượt biên, dân số của các quốc gia Trung Mỹ sẽ gia tăng, người dân nơi đây rơi vào cảnh nghèo khổ và đói kém hơn, với con số tử vong khổng lồ. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho the New York Times.

***

ĐẦU NĂM 2019, một năm trước khi các biên giới trên thế giới bị đóng cửa hoàn toàn, Jorge A. biết rằng anh cần phải ra đi khỏi Guatemala. Miền đất này đã khởi sự chống lại anh. Trong vòng 5 năm qua, trời gần như không bao giờ mưa. Rồi trời mưa, và Jorge vội vàng gieo những hạt giống cuối cùng anh còn giữ được xuống đất. Ngô/bắp nhú những mầm xanh mạnh mẽ, nhen lên niềm hi vọng – cho đến khi, không có một chút dấu hiệu nào báo trước, dòng sông dâng lũ. Jorge lội xuống ruộng, nước ngập cao đến ngực anh, tìm kiếm trong vô vọng những bắp ngô nào còn có thể ăn được. Ít lâu sau anh đánh cược một lần tuyệt vọng cuối cùng, thế chấp căn nhà mái tôn nơi anh sống cùng vợ và ba đứa con để mua một số hạt giống đậu bắp trị giá 1.500 đô la. Nhưng sau trận lũ, mưa lại ngừng, và cây cối chết cả. Jorge hiểu rằng nếu không rời khỏi Guatemala, có thể gia đình anh cũng phải chết.

Ngay cả khi hàng trăm ngàn người Guatemala khác đã trốn chạy về phương Bắc để đến Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ở vùng quê của Jorge – một tỉnh có tên gọi Alta Verapaz, nơi những rặng núi hiểm trở phủ đầy cây cà phê và những khu rừng khô rậm rạp nhường lối cho các thung lũng khoáng đạt và dịu dàng hơn – hầu hết người dân vẫn ở lại. Thế nhưng giờ đây, oằn mình dưới gánh nặng chồng chất của hạn hán, lũ lụt, phá sản và đói nghèo, cả đến họ cũng bắt đầu phải ra đi. Hầu như tất cả mọi người ở đây đều phải trải qua nỗi bất trắc của việc ăn bữa nay lo bữa mai. Một nửa số trẻ em thường xuyên bị đói, và nhiều em thấp lùn so với tuổi, với xương yếu và bụng chướng. Gia đình các em đều đang phải đối mặt với lựa chọn đau lòng giống như Jorge.

Hiện tượng thời tiết kì lạ mà nhiều người cho là nguồn cơn của những vất vả khổ sở nơi đây – hình thái hạn hán rồi bão lũ đột ngột được biết đến với tên gọi là chu kỳ khí hậu El Niño – được dự báo sẽ trở lại thường xuyên hơn nữa theo quá trình nóng lên của cả hành tinh. Rất nhiều vùng bán hoang mạc ở Guatemala sẽ sớm biến thành tình trạng giống như sa mạc. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm xuống đến 60% ở nhiều vùng trong nước, và lượng nước đổ vào các con suối giúp giữ độ ẩm cho đất sẽ giảm xuống tới 83%. Các nhà nghiên cứu dự báo rằng đến năm 2070, sản lượng một số loại lương thực thiết yếu tại tỉnh nhà của Jorge sẽ giảm đi gần một phần ba.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 22/5/2019: Dân lao động nông nghiệp bản địa tại địa phương đang trồng ngô trên chính mảnh đất nơi họ đốn hạ cánh đồng trồng cây dầu cọ, trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu cây ngô/bắp của cộng đồng cư dân Las Cruces Nueva San Carlos ở Thành phố tự trị Panzós. Thiếu mưa và nhiệt độ nóng hơn do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến các gia đình ở Panzós khó thu hoạch thành công đủ ngô để nuôi sống gia đình họ – những cây dầu cọ hút một lượng nước đáng kể từ lòng đất, và trong điều kiện khí hậu hiện tại, các vụ mùa ngô/bắp gần đây đã thất bát hoàn toàn. Những người nông dân hy vọng rằng không có cây cọ dầu, nước sẽ được giữ lại trong lòng đất nhiều hơn khi trời mưa để có thể thu hoạch ngô/bắp ăn. Ngô/bắp là một loại lương thực chính được sử dụng để làm bánh tortillas (bánh ngô), mà hầu hết người Maya bản địa ăn hàng ngày. Mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các Thành phố của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Giới khoa học đã học được cách dự báo những thay đổi như thế trên thế giới với độ chính xác đáng kinh ngạc, nhưng – cho tới gần đây – chẳng ai biết gì nhiều đến những hệ quả cho con người của các thay đổi đó. Không còn có thể dựa vào mảnh đất của mình, hàng trăm triệu người từ Trung Mỹ tới Sudan và Đồng bằng Sông Mekong sẽ bị buộc phải lựa chọn ra đi hay là chết. Kết quả của lựa chọn này gần như chắc chắn sẽ là làn sóng di cư toàn cầu lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Vào tháng Ba, Jorge và cậu con trai bảy tuổi của anh, mỗi người gói ghém một chiếc quần, ba chiếc áo thun, đồ lót và một bàn chải đánh răng vào trong chiếc túi vải dù màu đen có dây rút. Cha của Jorge đã đem bốn con dê cuối cùng của ông đi cầm để đổi lấy 2.000 đô la giúp trả chi phí đi đường, đây lại thêm một món nợ mà gia đình này sẽ phải chi trả với mức lãi suất 100%. Những kẻ dẫn đường gọi cho họ lúc 10 giờ đêm – họ sẽ ra đi ngay trong đêm đó. Họ không biết chút gì về việc liệu mình sẽ trôi dạt đến đâu, hay sẽ làm gì khi tới đó.

Từ khi quyết định cho tới lúc ra đi, cả thảy chỉ có ba ngày. Và như thế họ cứ ra đi.

TRONG HẦU HẾT LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI, con người đã luôn sống trong một khoảng nhiệt độ môi trường hạn hẹp một cách đáng kinh ngạc, ở những nơi mà khí hậu tạo điều kiện cho họ sản xuất lương thực dồi dào. Nhưng cùng với quá trình hành tinh nóng dần lên, khoảng nhiệt này bỗng đột ngột chuyển dịch về phía bắc. Theo một nghiên cứu đột phá gần đây trên tạp chí Chuyên đề (Proceedings) của Viện Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ), trong 50 năm tới, Trái Đất có thể chứng kiến nhiệt độ tăng lên nhiều hơn so với toàn bộ quá trình 6.000 năm trước đó cộng lại. Đến năm 2070, những vùng có khí hậu cực nóng, như ở sa mạc Sahara, mà ngày nay chỉ bao phủ chưa đến 1% diện tích bề mặt Trái Đất, có thể sẽ bao phủ đến gần một phần năm diện tích đất trên toàn cầu, nhiều khả năng đẩy một phần ba dân số thế giới ra khỏi ngách khí hậu mà trong đó, con người đã sinh trưởng thịnh vượng từ hàng ngàn năm trước. Nhiều người sẽ đào xới mặt đất, chịu đựng cái nóng, cái đói và tình hình chính trị hỗn loạn, nhưng những người khác sẽ bị buộc phải lên đường ra đi. Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Tiến bộ Khoa học (Science Advances) phát hiện thấy rằng đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng lên đến mức mà ở một số nơi, bao gồm nhiều vùng ở Ấn Độ và khu vực Bắc của Trung Quốc, khi con người chỉ ra ngoài trời vài giờ cũng có thể “dẫn đến cái chết, thậm chí cả với người khỏe mạnh nhất.”

Người ta đã bắt đầu chạy trốn. Ở Đông Nam Á, nơi mưa mùa và hạn hán ngày càng trở nên thất thường, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra rằng có hơn 8 triệu người đã di cư sang các khu vực Trung Đông, Châu Âu và Bắc Mỹ. Tại vùng Sahel của Châu Phi, hàng triệu người sống ở nông thôn đang di chuyển dần về phía vùng duyên hải và thành thị trong cảnh hạn hán gây mất mùa trên diện rộng. Nếu như cuộc trốn chạy khỏi khí hậu nóng đạt đến quy mô mà các nghiên cứu hiện nay cho rằng có nhiều khả năng xảy ra, nó sẽ vẽ lại phần lớn bản đồ dân số thế giới.

Di cư có thể đem lại cơ hội lớn không chỉ cho di dân mà cả cho những nơi mà họ chuyển đến. Đơn cử như Hoa Kỳ và các vùng khác của Bắc bán cầu, những nơi đang đối mặt với nguy cơ suy giảm dân số, việc có thêm người mới bổ sung cho lực lượng lao động đang ngày một già cỗi có thể đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc bảo đảm những lợi ích này bắt đầu với một sự lựa chọn: các nước phương Bắc có thể giải tỏa áp lực trên những quốc gia đang nóng lên nhanh chóng nhất bằng cách cho phép nhiều người nhập cư băng qua biên giới đến sống ở phương Bắc, hoặc họ có thể bế quan tỏa cảng, bỏ mặc hàng trăm triệu người mắc kẹt ở những nơi ngày càng trở nên không thể sống nổi. Những kết cục tốt đẹp nhất đòi hỏi không chỉ thiện chí và sự thận trọng trong kiểm soát những lực lượng chính trị đầy biến động; nếu không có sự chuẩn bị và lên kế hoạch kĩ càng, quy mô càn quét của sự thay đổi có thể gây bất ổn nghiêm trọng. Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác cảnh báo rằng trong tình huống xấu nhất, chính phủ các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu có thể bị lật đổ và nhiều khu vực sẽ rơi vào chiến tranh.

Những lựa chọn chính sách khắc nghiệt đã trở nên rõ ràng. Theo dòng người tị nạn chạy khỏi Trung Đông và Bắc Phi sang Châu Âu, và từ Trung Mỹ sang Hoa Kỳ, một làn sóng kì thị người nhập cư đã chắp cánh quyền lực cho các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc trên khắp thế giới. Lựa chọn còn lại, với động lực tìm hiểu nhiều hơn về cách thức và thời điểm mà con người sẽ di cư, là những chính phủ đang tích cực chuẩn bị, cả về vật chất và chính trị, cho những thay đổi lớn lao hơn sẽ diễn ra trong thời gian tới.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 20/5/2019: Các thành viên của cộng đồng bản địa Nuevo Paraiso, thuộc thành phố tự trị Panzós của Guatemala, đang lấy nước từ một con sông mà giờ đây lưu lượng chảy của nó đã giảm xuống chỉ còn là một dòng suối. Hiện nay nước nơi đây không còn nhiều do sự kết hợp của các yếu tố: lượng mưa ít hơn, nhiệt độ tăng và hoạt động khai mỏ đang lấy nước từ thượng nguồn con sông. Cộng đồng nông thôn của họ không có nước sinh hoạt và mọi nhu cầu về nước của họ đều phụ thuộc vào dòng suối. Cộng đồng dân cư đang rất lo lắng rằng nó sẽ khô hoàn toàn, và họ sẽ không có nước để uống, nấu ăn hoặc tắm rửa. Biến đổi khí hậu đang khiến nông dân ở Panzós khó thu hoạch đủ lương thực để nuôi sống gia đình. Mất mùa do biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến nhiều Thành phố của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Mùa hè năm ngoái, tôi tới Trung Mỹ để tìm hiểu cách những người như Jorge ứng phó với các thay đổi về khí hậu nơi họ sinh sống. Tôi theo dõi quyết định của người dân ở vùng thôn quê Guatemala và hành trình của họ đến những thành phố lớn nhất trong khu vực, rồi lên phía Bắc xuyên qua Mexico để tới bang Texas (Mỹ). Tôi nhận thấy nhu cầu đáng kinh ngạc về thực phẩm và chứng kiến nhiều tình cảnh cạnh tranh và đói nghèo giữa những kẻ tha phương phá hủy các ranh giới về văn hóa và đạo đức. Nhưng bức tranh ở hiện trường đã bị phân tán rồi. Để hiểu hơn về những động lực và quy mô của cuộc di cư vì khí hậu trong một bối cảnh rộng lớn hơn, Tạp chí The New York Times và Tòa soạn ProPublica đã hợp tác với Trung tâm Pulitzer lần đầu tiên nỗ lực thực hiện một mô hình về quá trình di chuyển của con người xuyên qua các biên giới.

Chúng tôi tập trung vào những thay đổi ở khu vực Trung Mỹ và sử dụng dữ liệu về khí hậu và phát triển kinh tế để xem xét một số tình huống giả định. Mô hình của chúng tôi dự báo rằng việc di cư sẽ tăng lên hàng năm bất kể điều kiện khí hậu, nhưng số lượng người di cư tăng lên đáng kể khi khí hậu thay đổi. Trong những tình huống khí hậu cực đoan nhất, hơn 30 triệu người di cư sẽ dịch chuyển về phía biên giới Hoa Kỳ trong vòng 30 năm tới.

Tất nhiên con người di cư vì nhiều lý do. Mô hình này giúp chúng tôi thấy được những người nào di cư chủ yếu là vì khí hậu, và số người này chiếm đến 5% tổng số di dân. Nếu các chính phủ chỉ hành động vừa phải để giảm lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, trong vòng từ bây giờ đến năm 2050, khoảng 680.000 người di cư vì khí hậu có thể sẽ di chuyển từ Trung Mỹ và Mexico sang Hoa Kỳ. Nếu phát thải tiếp tục không được kiềm chế, dẫn đến sự tăng nhiệt gay gắt hơn, con số này sẽ tăng lên thành hơn 1 triệu người. (Các con số này đều không bao gồm người di cư không có giấy tờ, số người này trên thực tế có thể cao gấp đôi số người di cư hợp pháp.)

Mô hình cho thấy các giải pháp chính trị khác nhau cho cả biến đổi khí hậu và di cư có thể đưa đến những viễn cảnh tương lai vô cùng khác biệt.

Trong một kịch bản dự báo, quá trình toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra, với các biên giới tương đối rộng mở.

Cùng với khí hậu biến đổi, nạn hạn hán và mất an ninh lương thực đẩy người dân nông thôn ở Mexico và khu vực Trung Mỹ rời bỏ làng quê.

Hàng triệu người đi tìm trợ cấp, đầu tiên là ở các thành phố lớn, thúc đẩy một quá trình đô thị hóa nhanh chóng và ngày càng áp đảo.

Rồi họ đi xa hơn về phía bắc, tạo thành đợt sóng di cư lớn nhất ồ ạt tràn về phía Hoa Kỳ.

Lượng người di cư từ khu vực Trung Mỹ và Mexico được dự báo sẽ tăng từ khoảng 700.000 người/năm vào năm 2025 lên 1,5 triệu người mỗi năm vào năm 2050.

Chúng tôi đã xây dựng mô hình theo một kịch bản dự báo khác, trong đó Hoa Kỳ thắt chặt biên giới. Người di cư bị buộc phải quay về, và quá trình phát triển kinh tế ở Trung Mỹ chậm lại, đô thị hóa cũng vậy.

Trong kịch bản này, dân số Trung Mỹ bùng nổ, và quá trình xói mòn dân số nông thôn bị đảo ngược, tỉ lệ sinh tăng lên, cái nghèo hằn sâu hơn và nạn đói trở nên nghiêm trọng hơn – tất cả những điều này đi kèm với thời tiết ngày một nóng và nguồn nước ngày một ít đi.

Kịch bản này bỏ mặc hàng chục triệu người trong cảnh tuyệt vọng với ít lựa chọn hơn. Sự khốn cùng lên ngôi, và những nhóm dân số lớn bị mắc kẹt không có cách nào đào thoát được.

Cũng giống như với đa phần các hoạt động xây dựng mô hình dự báo khác, mục đích ở đây không phải là để cung cấp những con số dự báo chính xác, mà để trình bày các viễn cảnh tương lai khả dĩ trở thành hiện thực. Việc di cư của con người vốn luôn luôn khó định hình, và như nhiều nhà nghiên cứu về khí hậu đã ghi nhận, điều quan trọng là không đưa thêm một dự báo sai lệch vào giữa những cuộc chiến chính trị không thể tránh khỏi vẫn luôn luôn bao trùm bất kì thảo luận nào về di cư. Thế nhưng mô hình của chúng tôi đưa ra một thứ có thể có giá trị hơn rất nhiều cho các nhà hoạch định chính sách: một cái nhìn chi tiết về nỗi thống khổ kinh hoàng mà nhiều người sẽ phải hứng chịu nếu như các quốc gia đóng sập cửa trước mặt họ.

Trong những tháng gần đây, đại dịch do virus corona gây ra đã cho con người một dịp thử nghiệm năng lực của chúng ta trong việc đẩy lùi một thảm họa có thể dự báo – và thực sự đã được báo trước. Một số quốc gia đã làm tốt hơn. Nhưng Hoa Kỳ thì thất bại. Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ thử thách thế giới phát triển một lần nữa, trên quy mô rộng lớn hơn, với mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn. Cách duy nhất để hạn chế những khía cạnh gây bất ổn nhất của di cư hàng loạt chính là chuẩn bị cho nó, và sự chuẩn bị đòi hỏi những hình dung sắc nét hơn về những nơi mà người di cư sẽ đến, và khi nào thì họ đi tới đó.


I. Một kiểu mô hình khí hậu khác

VÀO THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 2007, Ts. Alan B. Krueger, một chuyên gia kinh tế lao động nổi danh vì các công trình thống kê về bất bình đẳng, đã bước vào văn phòng ở trường Đại học Princeton của Gs. Michael Oppenheimer, một nhà khoa học địa lý khí hậu hàng đầu, và hỏi ông này rằng liệu đã có ai từng thử lượng hóa việc biến đổi khí hậu sẽ buộc con người di chuyển như thế nào và về đâu hay chưa.

Trước đó, cũng trong năm 2007, Gs. Oppenheimer đã giúp Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) viết một báo cáo lần đầu tiên tìm hiểu sâu xa về việc những đổ vỡ do khí hậu gây ra có thể đẩy nhiều vùng dân số lớn trên toàn cầu vào cảnh tha phương. Mặc dù bản báo cáo này có tính đột phá – đã đem lại cho Liên Hợp Quốc một giải Nobel Hòa Bình – nhưng những ngành khoa học có công trình nghiên cứu được tổng hợp trong đó phần lớn vẫn còn làm việc biệt lập với nhau. Các nhà nhân khẩu học, nông học và kinh tế học đều làm việc về biến đổi khí hậu một cách riêng rẽ, nhưng để hiểu câu hỏi về di cư, cần phải có sự góp sức của tất cả.

Cùng với nhau, Gs. Oppenheimer và Ts. Krueger, người vừa qua đời năm 2019, bắt đầu tìm cách trả lời câu hỏi này từng chút một, xem xét liệu những công cụ mà giới chuyên gia kinh tế học thường dùng có thể cho ra được nhận thức về các tác động của môi trường lên quyết định di cư của con người hay không. Họ bắt đầu thẩm định các mối quan hệ thống kê ở Mexico – ví dụ như, giữa dữ liệu tổng điều tra dân số và sản lượng hoa màu với các hình thái thời tiết trong lịch sử – để tìm hiểu cách nông dân ứng phó với tình trạng hạn hán. Dữ liệu này giúp họ tạo ra được một thước đo toán học về độ nhạy cảm của người nông dân với các thay đổi môi trường – một yếu tố mà Krueger có thể sử dụng theo cách mà ông vẫn thường dùng để đánh giá các chính sách tài khóa, nhưng lần này là để xây dựng mô hình di cư trong tương lai.

Nghiên cứu của Oppenheimer và Krueger, xuất bản năm 2010 trên tạp chí Chuyên đề của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, phát hiện ra rằng làn sóng di cư từ Mexico sang Hoa Kỳ mạnh lên trong những giai đoạn xảy ra hạn hán, và dự báo rằng đến năm 2080, khí hậu biến đổi ở đây có thể đẩy thêm 6,7 triệu người di cư về biên giới phía Nam của Hoa Kỳ. Gs. Oppenheimer cho biết:

“Đây là một trong những ứng dụng đầu tiên của mô hình kinh tế lượng vào vấn đề di cư-khí hậu.”

TP. PALENQUE, BANG CHIAPAS, MEXICO – NGÀY 28/8/2019: Ba người di dân vì khí hậu từ Honduras, Bayron Coto, Denis Maldonado và Juan Murica, cùng với những người di cư khác, leo lên tàu La Bestia ở Tp. Palenque, trong chuyến hành trình gian khổ và nguy hiểm về phía bắc để tìm việc làm hỗ trợ gia đình sau khi mùa màng bị tàn phá bởi khí hậu thay đổi. Các mô hình mới cho thấy nếu khí hậu thay đổi càng nghiêm trọng, số lượng người di cư sẽ càng lớn. Nếu không làm gì nhiều để thay đổi quá trình hiện tại, Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với thêm khoảng 50 triệu người di cư chỉ tính riêng từ Trung Mỹ trong 30 năm tới, với ít nhất 10 triệu người trong số đó ra đi vì lý do khí hậu thay đổi, khiến cuộc khủng hoảng di cư đến biên giới Hoa Kỳ hồi năm ngoái (2018) là một tình trạng “bình thường mới”; Nếu Hoa Kỳ và Mexico tiếp tục hạn chế việc vượt biên, dân số của các quốc gia Trung Mỹ sẽ tăng lên, người dân của họ rơi vào cảnh nghèo và đói kém hơn, trong tình huống sinh tử thảm khốc. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Mô hình là một bước khởi đầu. Nhưng mô hình này mang nặng tính địa phương chứ không bao quát được toàn cầu, và nó còn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi lớn: ví dụ như những khác biệt về văn hóa sẽ thay đổi kết quả mô hình này như thế nào, hay các nhóm dân số có thể dịch chuyển ra sao giữa những khu vực lớn hơn. Nó cũng gây nhiều tranh cãi, làm dấy lên một làn sóng phản đối trong giới những người nghi ngờ về biến đổi khí hậu: họ chỉ trích việc xây dựng mô hình này chỉ mang tính “phán đoán” trên cơ sở “những mặc định hời hợt” và lý luận rằng một mô hình không thể nào phân tách được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu từ trong tất cả những yếu tố phức tạp khác tác động đến quyết định di cư của con người. Dần dần, lý lẽ này trở nên phổ biến hơn trong giới nghiên cứu về di cư, trong số đó có rất nhiều người vẫn e dè với việc xây dựng mô hình số liệu di cư chính xác.

Nhưng với Gs. Oppenheimer và Ts. Krueger, những rủi ro của việc đưa ra một hình dạng cụ thể cho mối đe dọa đã được xác lập nhưng chưa từng định hình có vẻ cũng đáng để thực hiện. Sau cùng thì, từ đầu thập niên 1970, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra lập luận tương tự phản đối việc sử dụng các mô hình máy tính để dự báo biến đổi khí hậu, với quan điểm cho rằng giới khoa học không nên đưa vào quá nhiều dự đoán. Những người khác thì phớt lờ lời khuyên đó, và tạo ra những dự báo đầu tiên về hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, cùng với đó là những cơ hội đầu tiên để cố thay đổi định mệnh ấy. Đối với Gs. Oppenheimer, việc cố gắng dự báo những hậu quả của hiện tượng di cư vì biến đổi khí hậu đòi hỏi những nỗ lực gây tranh cãi không kém. Năm 2010, ông đã viết thế này:

“Nếu những người khác có ý tưởng tốt hơn về cách để ước tính mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên vấn đề di cư, họ nên xuất bản chúng.”

Từ đó tới nay, cách tiếp cận của Gs. Oppenheimer đã trở nên phổ biến. Hàng tá nghiên cứu mới đã áp dụng mô hình kinh tế lượng lên các vấn đề liên quan đến khí hậu, thu thập lượng dữ liệu khổng lồ để tìm hiểu về cách mà những thay đổi môi trường và xung đột dẫn đến di cư và làm rõ chu kỳ này hoạt động như thế nào. Nhìn chung giới nghiên cứu tìm ra rằng khí hậu hiếm khi là nguyên nhân chính của nạn di cư, nhưng nó luôn luôn là nguyên nhân làm cho vấn đề đó thêm trầm trọng.

Từ khi bắt đầu quan sát kĩ hơn, các nhà nghiên cứu về vấn đề di cư đã nhận ra dấu ấn phảng phất của khí hậu ở hầu khắp mọi nơi. Nạn hạn hán góp phần đẩy nhiều người dân Syria về các thành phố từ trước khi chiến tranh nổ ra, làm trầm trọng thêm những căng thẳng và dẫn đến bất mãn gia tăng trong dân chúng; mùa vụ thất bát dẫn đến tình trạng thất nghiệp và châm ngòi cho cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập ở Ai Cập và Libya; thậm chí ngay cả Brexit (việc nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu) cũng có thể được coi là chịu ảnh hưởng lan tỏa của làn sóng nhập cư tràn về châu Âu do các cuộc chiến tranh xảy ra sau đó [ở Trung Đông và Bắc Phi]. Và tất cả những ảnh hưởng này gắn liền với dòng di chuyển của chỉ khoảng 2 triệu người. Càng tập trung quan sát các cơ chế của nạn di cư vì khí hậu – như khan hiếm lương thực, khan hiếm nước và cái nóng – càng thấy rõ khả năng hiển hiện ngày càng rõ ràng về những di chuyển trên quy mô lớn.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 20/5/2019: Carlos Enrique Tiul Pop, 34 tuổi, một lao động nông nghiệp bản địa, cho các nhà báo xem vụ ngô/bắp thất bát của anh ta, tại Villa Nueva Colonia thuộc thành phố Panzós của Guatemala. Anh Tiul Pop cho biết biến đổi khí hậu và nền nhiệt độ cao hơn đang khiến nông dân ở Panzós khó thu hoạch đủ ngô/bắp để nuôi gia đình. Ngô/bắp là một loại lương thực chính được sử dụng để làm bánh ngô (tortillas), được hầu hết người dân Maya bản địa ăn hàng ngày. Một số người bạn của anh đã ra đi di cư và bản thân anh cũng đang có ý định rời bỏ nơi này. Mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các thành thị của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

THÀNH PHỐ SAN SALVADOR, EL SALVADOR – NGÀY 26/5/2019: Delmira de Jesús Cortez Barrera, 23 tuổi, đang bế đứa con 5 tháng tuổi, tên là José Elías Chávez Cortez, trong khi cô làm việc tại một quầy hàng nhỏ trên phố, với công việc làm và bán nhộng ở trung tâm thành phố San Salvador. Cô Cortez Barrera đã chuyển đến thành phố cùng em gái Hilda 21 tuổi của mình để tìm việc làm khi việc làm nông của gia đình họ cạn kiệt vì biến đổi khí hậu. Cô phải ra đi sau khi hạn hán làm cho bố mẹ cô không thể làm việc đồng áng được nữa, và chồng cô bị các băng nhóm côn đồ sát hại. Họ tiếp tục đấu tranh để tồn tại – họ sống trong một khu phố nguy hiểm, bị băng đảng kiểm soát và từng là nạn nhân của bạo lực.Họ không kiếm đủ tiền từ việc bán bánh pupusa để có thể thuê nhà ở một khu phố an toàn hơn. Mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực tiếp theo đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các thành phố và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Vùng Sahel của Bắc Phi là một ví dụ. Trong chín quốc gia nối nhau suốt chiều ngang châu lục này từ Mauritania đến Sudan, việc dân số bùng nổ phi thường và môi trường suy thoái nghiêm trọng đang trên đường dẫn đến xung đột. Các đợt hạn hán trước đây, nhiều khả năng do biến đổi khí hậu, đã gây ra cái chết cho hơn 100.000 người nơi đây. Và khu vực này – với dân số hơn 150 triệu người và vẫn đang tăng lên – còn bị đe dọa bởi quá trình sa mạc hóa nhanh chóng, thậm chí thiếu nước và mất rừng nghiêm trọng hơn trước. Ngày nay, các nhà nghiên cứu của Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 65% diện tích đất canh tác đã bị thoái hóa. Ts. Solomon Hsiang, một chuyên gia nghiên cứu khí hậu và kinh tế của Đại học California, Phân hiệu Berkeley, cho biết:

“Nỗi lo sợ sâu xa của tôi chính là quá trình chuyển đổi của Châu Phi sang một nền văn minh hậu-biến đổi-khí hậu sẽ dẫn đến những dòng người ra đi không ngừng.”

Câu chuyện cũng xảy ra tương tự ở Nam Á, nơi sinh sống của gần một phần tư dân số thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khu vực này sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nặng nề nhất thế giới. Trong khi khoảng 8,5 triệu người đã đi khỏi nơi đây – đến sống chủ yếu tại vùng Vịnh Ba Tư – sắp tới sẽ có từ khoảng 17 đến 36 triệu người nữa bị buộc phải di cư. Nếu tham khảo từ những xu hướng trong quá khứ, nhiều người trong số đó sẽ đến định cư ở vùng thung lũng sông Hằng thuộc Ấn Độ; đến cuối thế kỉ này, các đợt sóng nhiệt và ẩm sẽ trở nên khắc nghiệt đến nỗi những người không sở hữu điều hòa nhiệt độ sẽ phải thiệt mạng.

THÀNH PHỐ TỰ TRỊ PANZÓS, TỈNH ALTA VERAPAZ, GUATEMALA, NGÀY 21/5/2019: Martin Yat Chen, 23 tuổi, một lao động nông nghiệp bản địa, ngồi xổm trên mảnh đất nông trại quá khô cằn không thể trồng trọt được nữa, trong cộng đồng Nuevo Paraiso ở thành phố Panzós của Guatemala. Thiếu mưa, biến đổi khí hậu và nhiệt độ cao hơn đang khiến nông dân ở Panzós khó thu hoạch đủ lương thực để nuôi sống gia đình. Mất mùa do biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực xảy ra sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các thành phố của Guatemala và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Nếu không phải hạn hán và mất mùa đẩy nhiều người vào cảnh ly tán, thì nước biển dâng cũng sẽ là một nguyên nhân khác. Giờ đây chúng ta đang dần nhận thức rằng giới khoa học khí hậu trước nay đã đánh giá thấp mức độ thiệt hại do nước biển dâng trong tương lai với một tỉ lệ khoảng ba lần, đồng nghĩa với việc số người bị tác động có thể lên tới 150 triệu người trên toàn cầu. Các dự báo mới cho thấy đến năm 2050 nước biển dâng ở đỉnh triều sẽ nhấn chìm phần lớn lãnh thổ Việt Nam – bao gồm hầu hết vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang là nơi cư ngụ của khoảng 18 triệu người – cũng như nhiều vùng ở Trung Quốc và Thái Lan, phần lớn miền Nam Iraq và gần như toàn bộ vùng đồng bằng sông Nile, vựa lúa mì của Ai Cập. Nhiều khu vực ven biển của Hoa Kỳ cũng bị đe dọa.

Qua tất cả các nghiên cứu, đã nổi lên những dự báo sơ bộ về quy mô của toàn bộ cuộc di cư vì khí hậu trên toàn cầu – các dự báo này rơi vào khoảng từ 50 triệu đến 300 triệu người bị mất chỗ ở – nhưng dữ liệu toàn cầu vẫn có giới hạn, và còn nhiều bất định về cách áp dụng các xu hướng hành vi lên những nhóm người cụ thể ở các địa điểm nhất định. Dù vậy, ngày nay, những nghiên cứu mới về cả hai chủ đề này đã tạo cơ hội cải thiện đáng kể cho các mô hình. Một vài năm trước, các nhà địa lý học khí hậu từ Đại học Columbia (Columbia University) và Đại học Thành phố New York (City University of New York) khởi sự cộng tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng một công cụ thế hệ mới nhằm thiết lập các bối cảnh tình huống khả dĩ về vấn đề di cư trong tương lai. Ý tưởng của dự án này là phát triển phương pháp đo lường phản ứng với khí hậu theo phong cách của Gs. Oppenheimer, bằng cách bổ sung các phương pháp phân tích khác, bao gồm một mô hình “sức hút” đánh giá độ hấp dẫn tương đối của các đích đến với hy vọng tiên liệu được bằng toán học những nơi người di cư có thể dừng chân và kết thúc cuộc hành trình. Kết quả của dự án là một báo cáo, được xuất bản đầu năm 2018, với sự chung tay của sáu tổ chức và học viện ở Châu Âu và Hoa Kỳ, mất gần hai năm để hoàn thành.

Công trình của Ngân hàng Thế giới nhắm đến những điểm nóng về biến đổi khí hậu ở vùng sa mạc Sahara của châu Phi, Đông Nam Á và Châu Mỹ La-tinh, không chỉ tập trung vào việc con người bị mất chỗ ở khẩn cấp do thiên tai mà còn phân tích cả những phản ứng lâu dài có cân nhắc của họ với những thay đổi môi trường mà giới nghiên cứu gọi là “mức độ diễn ra từ từ”. Nghiên cứu xác định rằng cùng với tiến trình khí hậu thay đổi, chỉ riêng ở ba khu vực trên, có tới 143 triệu người sẽ bị mất chỗ ở ngay trong đất nước của mình, phải di chuyển chủ yếu từ nông thôn lên các thị trấn và thành phố lân cận. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa được tinh chỉnh trên các thay đổi cụ thể về khí hậu như mực nước ngầm suy giảm. Và nó còn chưa thử đề cập đến vấn đề to lù lù xuất hiện ngay trước mũi: khí hậu sẽ buộc người ta di cư xuyên biên giới như thế nào?

ĐẦU NĂM 2019, Tạp chí The New York Times và tòa soạn ProPublica, với sự hỗ trợ của Trung tâm Pulitzer, đã thuê một đồng tác giả của báo cáo nói trên – Ts. Bryan Jones, một chuyên gia địa lý của trường Cao đẳng Baruch – bổ sung thêm các lớp dữ liệu môi trường vào mô hình của Ngân hàng Thế giới, giúp nó nhạy cảm hơn nữa với các thay đổi về khí hậu và mở rộng phạm vi tác động. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục công việc còn lại từ các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, để xây dựng mô hình đầu tiên về cách con người sẽ di chuyển giữa các quốc gia, đặc biệt là từ Trung Mỹ và Mexico về phía Hoa Kỳ.

Đầu tiên, chúng tôi thu thập các khối dữ liệu sẵn có – về mặt ổn định chính trị, năng suất nông nghiệp, áp lực về lương thực, độ dồi dào của nguồn nước, các liên kết quan hệ xã hội, thời tiết và nhiều yếu tố khác – để ước lượng những biến ảo phức tạp liên quan đến quá trình ra quyết định của con người.

Sau đó chúng tôi bắt đầu đặt ra các câu hỏi: ví dụ như nếu sản lượng hoa màu tiếp tục sụt giảm vì hạn hán, và con người bị buộc phải ứng phó bằng cách di cư, như họ đã từng trong quá khứ, chúng ta có thể thấy được họ sẽ đi đâu và mong đợi những di chuyển này sẽ tạo ra các điều kiện mới như thế nào? Việc xây dựng mô hình về cách suy nghĩ của từng cá nhân con người hay câu trả lời cho các câu hỏi này bằng những điểm dữ liệu cá biệt là vô cùng khó khăn – thường thì dữ liệu đơn giản là không tồn tại. Thay vì đoán xem Jorge A. sẽ làm gì và sau đó nhân quyết định ấy lên với số người trong tình cảnh tương tự, mô hình nhìn vào tổng thể các nhóm dân số, xác định các xu hướng trung bình của quá trình ra quyết định trong cộng đồng dựa trên những dữ liệu về xu hướng sẵn có, sau đó phân tích xem các xu hướng này biểu hiện ra sao trong các bối cảnh kịch bản khác nhau.

Tổng cộng, chúng tôi đưa vào mô hình gần 10 tỷ điểm dữ liệu. Sau đó chúng tôi trắc nghiệm các mối liên hệ trong mô hình ngược về quá khứ, kiểm tra xem trong lịch sử, quan hệ nhân quả có được minh chứng bằng thực tế hay không, xem những dự báo của mô hình về quá khứ có trùng khớp với những gì đã thực sự xảy ra hay không. Khi mô hình đã được xây dựng xong và bổ sung các lớp dữ liệu của cả hai cách tiếp cận – kinh tế lượng và lực hấp dẫn – chúng tôi xem xét cách mà mọi người di chuyển khi mật độ carbon trên toàn cầu tăng lên trong năm bối cảnh kịch bản khác nhau, mỗi bối cảnh này là một sự kết hợp của nhiều yếu tố như tăng trưởng, thương mại, kiểm soát biên giới, và các yếu tố khác nữa. (Các bối cảnh kịch bản này đã trở thành tiêu chuẩn trong giới khoa học khí hậu và kinh tế gia trong việc xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu).

Chỉ có siêu máy tính mới có thể xử lý hiệu quả toàn bộ khối lượng công việc này; chỉ riêng việc ước tính lượng người di cư từ Trung Mỹ và Mexico trong một trường hợp đã đòi hỏi chúng tôi phải tải yêu cầu lên một máy chủ liên bang đặt trong một tòa nhà có kích thước tương đương khuôn viên một trường cao đẳng nhỏ ở ngoại ô Cheyenne, bang Wyoming, do Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (National Center for Atmospheric Research) vận hành. Ở đây máy chủ này cũng mất đến bốn ngày để tính toán ra câu trả lời. (Bạn có thể tham khảo mô tả chi tiết hơn về dự án dữ liệu tại propublica.org/migration-methodology.)

Kết quả được xây dựng trên cơ sở một số mặc định về mối quan hệ giữa những tiến triển trong thế giới thực mà chưa được kiểm chứng toàn bộ bằng số liệu thống kê. Mô hình cũng mặc định rằng các mối quan hệ phức tạp – ví dụ như giữa hạn hán và bất ổn chính trị – giữ nguyên tính nhất quán và tịnh tiến theo thời gian (trong khi trên thực tế, chúng ta biết rõ các mối quan hệ này sẽ thay đổi, nhưng không biết chúng sẽ thay đổi ra sao). Nhiều người cũng sẽ bị hoàn cảnh trói buộc, quá nghèo hoặc quá yếu thế để có thể di cư, và các mô hình cũng gặp khó khăn khi tính đến những người này.

Tất cả những điều này có nghĩa là mô hình của chúng tôi còn xa mới có thể gọi là chính xác. Nhưng mỗi bối cảnh kịch bản mà nó đưa ra đều chỉ rõ một tương lai mà trong đó biến đổi khí hậu, hiện thời chỉ là một ảnh hưởng gây ít nhiều gián đoạn, sẽ trở thành nguồn cơn của những biến động lớn, ngày càng thúc đẩy sự ly tán của những nhóm dân số khổng lồ.


II. Khí hậu khiến con người di chuyển như thế nào

THÀNH PHỐ SAN SALVADOR, EL SALVADOR – NGÀY 26/5/2019: Hai chị em Delmira de Jesús Cortez Barrera, 23 tuổi (mặc áo đen và tạp dề trắng), và Hilda Jeamilth Cortez Barrera, 21 tuổi, (mặc áo hồng), đang làm việc tại một quầy hàng nhỏ trên phố, nấu và bán bánh pupusas ở trung tâm thành phố San Salvador. Hai chị em cùng nhau chuyển đến thành phố để tìm việc làm khi công việc nông nghiệp của gia đình họ cạn kiệt vì biến đổi khí hậu. Họ tiếp tục đấu tranh để tồn tại – họ sống trong một khu phố nguy hiểm, bị băng đảng kiểm soát và từng là nạn nhân của bạo lực. Họ không kiếm đủ tiền ở quầy hàng bánh pupusa để thuê nhà ở một khu phố an toàn hơn. Mất mùa do biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm lương thực xảy ra sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân Trung Mỹ di cư khỏi các vùng nông nghiệp nông thôn đến các thành phố và ra nước ngoài. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

DELMIRA DE JESÚS Cortez Barrera chuyển đến sống ở vùng ngoại ô Tp. San Salvador sáu năm về trước, sau khi cuộc sống của cô ở vùng ven nông thôn phía tây El Salvador – chỉ cách làng quê của Jorge A. ở Guatemala khoảng 90 dặm – hoàn toàn sụp đổ. Giờ cô đang bán bánh pupusa, món bánh truyền thống của El Salvador, ở một khu phố không xa nơi bọn trẻ vị thành niên thường đứng canh gác cho băng đảng Mara Salvatrucha. Khi chúng tôi gặp nhau vào mùa hè năm ngoái, cô làm việc sáu ngày một tuần, mỗi ngày kiếm được khoảng 7 đô la, tức là mỗi tháng chưa đến 200 đô la. Cô dựa vào lòng tốt của người chủ, người này cho cô vài bữa ăn miễn phí mỗi tuần. Nhưng cô phải tự lo cho tất cả những nhu cầu khác của mình và đứa con trai còn ẵm ngửa. Hàng ngày, Cortez khởi hành từ San Marcos trước khi mặt trời mọc, nơi cô sống với người chị gái trong một phòng trọ rẻ tiền bên một con hẻm dành cho người đi bộ. Nhưng căn phòng ấy cũng tốn đến 65 đô la một tháng. Và cô còn gửi 75 đô mỗi tháng về cho cha mẹ – chỉ đủ để mua đậu và phô mai nuôi sống hai đứa con gái mà cô để lại cho họ chăm sóc. Cô tâm sự:

“Chúng tôi đang đi thụt lùi.”

Câu chuyện của Cortez là câu chuyện của một người phụ nữ ít học, không có kĩ năng, với nguồn gốc nông thôn, không thể tìm được công việc có thu nhập tốt ở thành thị và rơi sâu hơn vào cảnh đói nghèo. Đó là câu chuyện quen thuộc, một dạng điển hình của người di cư quốc nội ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong khi đó, San Salvador đã trở nên nổi tiếng là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới, một thủ đô mà ở đó các băng nhóm từ lâu đã kiểm soát mọi thứ, từ các con phố thời thuộc địa lộng lẫy ở khu trung tâm đến những văn phòng của chính trị gia tọa lạc trên các con phố ấy. Trên nền bức tranh chiến tranh, bạo lực, mưa bão, và đói nghèo ấy, trong vài thập kỉ qua, cứ sáu người El Salvador lại có một người bỏ sang Mỹ, và chỉ riêng trong năm 2019, đã có tới 90.000 người Salvador bị bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ.

Nơi Cortez sinh ra cách biên giới Guatemala chừng một dặm, là El Paste, một thị trấn nhỏ nằm nép mình bên triền núi lửa. Gia đình cô được gọi là “jornaleros” – những người lao động công nhật, hàng ngày làm nông thuê cho các đồn điền ngô/bắp và đậu lớn trong vùng – và họ thuê một túp nhà vách bùn có hai phòng với nền đất và nuôi lớn chín đứa con ở đó. Khoảng năm 2012, một đợt dịch bệnh cây cà phê bị biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm khiến mùa màng ở El Salvador mất trắng, sản lượng thu hoạch giảm đi tới 70%. Sau đó hạn hán và những trận bão thất thường kéo theo tình trạng mà một cơ quan Liên Hợp Quốc về an ninh lương thực đã mô tả là “sự hủy hoại dần dần” sinh kế của người dân Salvador.

Đó là lúc Cortez quyết định ra đi. Cô lấy chồng và tìm được việc làm đóng gạch trong một nhà máy ở thành phố Ahuachapán gần đó. Nhưng các băng đảng nhìn thấy ở người nông dân cô thế những con mồi dễ xơi và bắt đầu tràn về vùng nông thôn Salvador và những thành phố ở vùng ngoại vi, nơi chúng kiếm sống bằng cách cướp bóc của các chủ tiệm địa phương. Ở đây ta thấy biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò mà các quan chức Bộ Quốc phòng thường gọi là “bội số của hiểm họa.” Đối với Cortez, mối nguy hiểm không thể nào kinh khủng hơn nữa. Sau hai năm ở Ahuachapán, một sát thủ trong băng đảng đã đến gõ cửa nhà Cortez và bắt đi chồng cô, người từng hẹn hò với một cô gái là thành viên của băng đảng đó. Hắn xử tử chồng cô ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cách nhà cô một dãy phố.

Cortez đã có thể quay trở lại quê nhà. Nhưng ở El Paste không có việc làm, và cũng không có nước. Thế là cô gửi các con về đó và đi San Salvador.

THÀNH PHỐ SAN SALVADOR, EL SALVADOR – NGÀY 26/5/2019: Các con phố ở San Salvador, thủ đô của El Salvador. Mất mùa do biến đổi khí hậu ở các vùng nông thôn của đất nước, và tình trạng khan hiếm lương thực xảy ra sau đó đang khiến ngày càng nhiều cư dân nông thôn di cư khỏi các vùng nông nghiệp đến các thành phố, như San Salvador chẳng hạn. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Dù hoạt động di cư của con người rất khó dự đoán về nhiều mặt, nhưng có một xu hướng rõ ràng: Trên khắp thế giới, khi người ta bị thiếu thốn lương thực và phải rời bỏ các nông trại, họ bị cuốn hút về phía các thành thị, và những thành thị đó nhanh chóng trở nên quá đông đúc. Chính các thành phố đó, nơi những làn sóng cư dân mới liên tục thử thách những giới hạn về hạ tầng, tài nguyên và dịch vụ, là nơi mà các nhà nghiên cứu về vấn đề di cư cảnh báo rằng những căng thẳng nghiêm trọng nhất về xã hội sẽ xảy ra. Lương thực phải được nhập khẩu – làm tăng sự lệ thuộc vào các nông trại vốn đã chật vật, và tăng chi phí. Con người sẽ sống chen chúc trong các khu ổ chuột, bị hạn chế về nguồn nước và điện, nơi họ dễ bị tổn thương nhất bởi ngập lụt hay các thảm họa khác. Các khu ổ chuột châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan và hỗn loạn.

Đây là một bước dịch chuyển đã và đang diễn ra, là lý do vì sao Ngân hàng Thế giới nêu ra những lo ngại về làn sóng di cư kì lạ đổ về các thành phố ở Đông Phi như Addis Ababa ở Ethiopia, nơi dân số đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến nay, và được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi nữa vào năm 2035. Ở Mexico, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng có đến 1.7 triệu người có thể sẽ di cư khỏi các vùng nóng và khô nhất, phần nhiều trong số đó sẽ chuyển đến sống tại Thành phố Mexico.

Nhưng cũng giống như rất nhiều những câu chuyện khác về khí hậu, xu hướng đô thị hóa cũng chỉ là một sự khởi đầu. Ngay tại thời điểm này, chỉ hơn một nửa dân số trên hành tinh sống trong các vùng đô thị, nhưng cho đến giữa thế kỷ, Ngân hàng Thế giới ước tính con số này sẽ là 67%. Chỉ trong một thập kỷ tới, cứ 10 người dân sống ở đô thị thì sẽ có 4 người sống trong các khu ở chuột, tức là khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (The International Committee of the Red Cross) cảnh báo rằng 96% tăng trưởng đô thị trong tương lai sẽ diễn ra ở một số thành phố mong manh nhất thế giới, những nơi vốn đã đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột tăng cao và có thể chế chính quyền ít năng lực đối phó với các xung đột ấy nhất. Một số thành phố sẽ không thể chống chịu được dòng người tràn về. Trong trường hợp của Addis Ababa, Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng vào nửa cuối của thế kỷ này, nhiều người đã chạy trốn đến đó sẽ bị buộc phải ra đi lần nữa, rời khỏi Addis Ababa khi sản xuất nông nghiệp địa phương xung quanh vùng này trở nên kiệt quệ.

Nỗ lực xây dựng mô hình của chúng tôi dựa trên ý niệm rằng từ hiện trạng hôm nay của các thành phố, ta có thể thấy được những hạt giống tăng trưởng tương lai của chúng. Những mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống – như thu nhập hộ gia đình ở từng khu vực cụ thể, mức dân trí, tỉ lệ người dân có việc làm v.v., cùng với cách những yếu tố này sẽ thay đổi tương ứng với khí hậu – sẽ tiết lộ các xu hướng có thể được sử dụng để dự báo tương lai. Giống như việc độ ẩm làm cho miếng gỗ nở ra, thông tin này cũng cần được phân tách.

Trong tất cả mọi dự báo khoa học về biến đổi khí hậu trên toàn cầu, El Salvador đều trở nên nóng hơn và khô hơn, và mô hình của chúng tôi đồng thuận với những gì các nhà nghiên cứu khác cho rằng nhiều khả năng sẽ xảy ra: hệ quả của điều này là San Salvador sẽ tiếp tục phát triển, và ngày càng có thêm nhiều người đổ về sinh sống ở vùng ngoại ô đông đúc của thành phố. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra ở các vùng nông thôn trong quốc gia này thì phụ thuộc nhiều hơn vào việc chính phủ miền bắc lựa chọn những chính sách khí hậu và phát triển nào trong việc ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các mức phát thải cao, chính sách toàn cầu ít thay đổi, và biên giới tương đối mở, sẽ đẩy các vùng nông thôn của El Salvador vào tình cảnh tương tự như nông thôn của Guatemala, trở nên trống vắng, trong khi các thành phố thì ngày một phình ra.

Dù vậy, liệu Hoa Kỳ và các nước giàu có khác có nên thay đổi quỹ đạo của chính sách toàn cầu hay không – ví dụ như bằng cách đầu tư vào các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu trong nước nhưng đồng thời cũng thắt chặt biên giới – họ có thể sẽ kích hoạt một dòng thác dân số dội lại xa hơn về phía nam, theo như mô hình cho thấy. Các thành phố ở khu vực Trung Mỹ và Mexico tiếp tục phình to, dù không nhanh như trước, nhưng sự thịnh vượng và phát triển của chúng thì chậm lại đáng kể, nhiều khả năng sẽ làm tình trạng nghèo đói càng xuất hiện dày đặc hơn. Ngoài ra, còn nhiều người hơn nữa cũng phải ở lại nông thôn vì không có cơ hội, mắc kẹt trong tình cảnh khốn cùng hơn bao giờ hết.

THÀNH PHỐ EL PASO, BANG TEXAS (MỸ) – NGÀY 27/2/2020: Một người mẹ cùng con gái đến từ Trung Mỹ tự nộp mình cho các đặc vụ Tuần tra Biên giới Fidel Baca và Oscar Maldonado. Người mẹ đồng ý bằng lời nói cho cô và con gái được chụp ảnh, nhưng yêu cầu giấu tên của họ vì lý do an ninh, đã rơi nước mắt cầu xin với các nhân viên Tuần tra Biên giới hãy bắt cô lại để cô và con gái được an toàn. Cô đã vượt biên lần đầu tiên cách đây vài tháng, trốn chạy bạo lực, tự biến mình thành người chỉ điểm và xin tị nạn. Sau khi bị giam giữ trong một thời gian ngắn, cô bị đưa trở lại Mexico, như một phần của chính sách Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (MPP), cũng thường được gọi là chương trình “Ở lại Mexico” của Tổng thống Trump. Cô ấy nói với các nhân viên Tuần tra Biên giới rằng cô đã cố hết sức để tuân theo các quy tắc và chờ đợi yêu cầu xin tị nạn được xử lý – nhưng cô đã đợi hàng tháng trời và rằng không thể ở lại Juárez thêm một ngày nào nữa, vì đang nhận được những lời đe dọa đến sự an toàn, cũng như lo sợ cho tính mạng của cô. Đây là những gì đã trở thành của thủ tục xử lý nhập cư của Hoa Kỳ tại biên giới phía nam. Nếu không phải theo nghĩa đen, thì đấy đã mang nghĩa là một bức tường chặn người di cư thật sự. Hàng chục nghìn người di cư từ khu vực Trung Mỹ, Mexico và Châu Mỹ La-tinh khác đang bị mắc kẹt ở Juárez, sống trong những nơi trú ẩn tạm thời suốt một năm, trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực bùng nổ. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Người ta di cư về các thành phố vì chúng có vẻ là nơi nương náu, cho họ một vỏ bọc trật tự – với các tòa nhà cao tầng và sự hiện diện của chính phủ – cũng như ảo tưởng về của cải. Tôi từng gặp vài người đàn ông đã rời bỏ những cánh đồng quê để đi tìm công việc cực kì nguy hiểm: làm nhân viên bảo vệ ở San Salvador và Thành phố Guatemala. Tôi từng gặp một chú bé 10 tuổi rửa kính xe hơi ở một cột đèn giao thông, với niềm tin son sắt rằng những đồng xu em nhận được trong chiếc hũ nhỏ của mình sẽ giúp em mua lại mảnh đất nông nghiệp cho cha mẹ. Các thành phố cho người ta nhiều lựa chọn và cảm giác rằng họ có thể làm chủ vận mệnh của chính mình.

Thế nhưng, cũng chính các thành phố đó có thể trở thành cạm bẫy một cách dễ dàng không kém, khi những thách thức đi liền với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trở nên áp lực chồng chất. Từ năm 2000, dân số San Salvador đã phình ra hơn một phần ba vì dung nạp thêm người nhập cư từ các vùng nông thôn, ngay cả trong khi hàng chục ngàn người không ngừng rời khỏi nước này để di cư lên phương bắc. Đến giữa thế kỷ, Liên Hợp Quốc ước tính rằng El Salvador – với dân số hiện nay là 6,4 triệu người và là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất ở Trung Mỹ – sẽ có tỉ lệ dân sống ở thành thị là 86%.

Các mô hình của chúng tôi cho thấy rằng phần lớn tăng trưởng sẽ tập trung ở các vùng ngoại ô ổ chuột của thành phố, những khu như San Marcos, nơi người ta sống trong hàng ngàn khối nhà cấu trúc xiêu vẹo, rất nhiều trong số đó không có điện hay nước sạch. Ở những nơi ấy, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, người ta đã khó tìm được một công việc tốt, đói nghèo ngày càng hằn sâu và tội phạm ngày càng gia tăng. Bạo lực gia đình cũng gia tăng, và các điều kiện vệ sinh suy giảm đe dọa gây thêm nhiều dịch bệnh. Xã hội càng suy yếu thì các băng nhóm – mà số thành viên ước tính còn đông gấp ba lần số cảnh sát ở nhiều vùng của El Salvador – càng có cơ hội cướp bóc và thu nạp thêm thành viên. Các băng nhóm này biến San Salvador thành một trong những thành phố có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất thế giới.

Cortez đã hy vọng trốn khỏi bạo lực, nhưng cô không thể. Các băng nhóm chạy xuyên qua khu nhà nơi cô ở, ăn cắp tivi và thu tiền bảo kê. Gần đây cô đã chứng kiến một vụ giết người bên trong một phòng khám bác sĩ nơi cô đến giao đồ ăn. Sự thiếu thốn an ninh, nhà ở vừa túi tiền, thiếu cơ sở chăm sóc trẻ em, thiếu phương tiện kiếm sống – tất cả ảnh hưởng lên sự tiến hóa của những hệ thống đô thị phức tạp dưới áp lực của di cư, và mô hình của chúng tôi cân nhắc các áp lực đó bằng cách tích hợp dữ liệu về tội phạm, quản trị và y tế. Đó là những tấm biển chỉ báo cho những gì sắp xảy tới.

Một tuần trước cuộc gặp gỡ năm ngoái của chúng tôi, Cortez đã quyết tâm thực hiện hành trình đến Hoa Kỳ bằng bất cứ giá nào. Từ nhiều tháng trước đó, cô đã “cảm thấy muốn đi thật xa khỏi nơi đây,” nhưng trở về quê nhà không phải là một lựa chọn. “Khí hậu đã thay đổi, và điều đó đã khiến chúng tôi không còn hy vọng gì nữa,” cô nói, rồi bồi thêm rằng đã ba năm nay trời hầu như không mưa.

“Năm ngoái bố tôi đầu hàng rồi.”

Cortez kể lại những gì cô đã làm sau đó. Trong khi người chủ thuê cô thả những chiếc bánh pupusa khoai tây vào chảo dầu đang bốc khói, Cortez quay sang nhìn bà và đưa ra một lời đề nghị không tưởng: liệu bà có vui lòng nhận đứa con trai của cô không? Đó là cách duy nhất để cứu đứa bé, Cortez nói. Cô hứa sẽ gửi tiền về từ Mỹ, nhưng bà chủ từ chối – bà đã có tuổi và cho rằng mình không có khả năng chăm sóc cho một đứa bé còn ẵm ngửa.

San Salvador hiện đang bị đóng cửa vì đại dịch do virus corona gây ra, và Cortez bị cầm chân trong căn hộ của cô ở San Marcos. Đã ba tháng cô không có việc làm và không thể về gặp các con gái cô ở El Paste. Trong thời gian cả nước chính thức đóng cửa vì dịch bệnh, cô được miễn tiền nhà, nhưng giờ thì hết rồi. Cô vẫn tin rằng Hoa Kỳ là lối thoát duy nhất – mặc xác mấy bức tường biên giới. Cô sẽ ra đi, cô nói:

“Ngay khi có cơ hội.”

PHẦN LỚN NHỮNG NGƯỜI SẼ TRỞ THÀNH DI DÂN thực ra không muốn đi khỏi quê nhà. Thay vì thế, họ thường sẽ cố gắng thích ứng từng chút một để hạn chế thay đổi, đầu tiên là chỉ chuyển đến một thị trấn lớn hơn, hay một thành phố. Chỉ đến khi những nơi này làm họ thất vọng thì họ mới nghĩ đến chuyện vượt biên, càng ngày càng thực hiện những hành trình liều lĩnh hơn, đây là hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là “di cư từng bước.” Rời bỏ làng quê ra thành phố đã khó khăn, nhưng vượt biên sang một đất nước xa lạ – nơi bạn trở nên mong manh trước cả điều kiện chính trị lẫn những bất ổn xã hội ở đó – thì còn là một thử thách hoàn toàn khác.

THÀNH PHỐ SAN MATEO, KHU TỰ TRỊ PALENQUE, BANG CHIAPAS, MEXICO – NGÀY 28/8/2019: Một chiến dịch hợp tác giữa các lực lượng bao gồm các binh sĩ Vệ binh Quốc gia Mexico, cảnh sát liên bang và các đặc vụ nhập cư Hoa Kỳ đã bắt giữ những người di cư trong một cuộc đột kích vào tuyến đường xe lửa đi qua những vùng nông thôn xung quanh Palenque. Họ lấp đầy nhiều xe buýt nhỏ với người bị giam giữ. Tổng thống Donald Trump, như một quan chức cấp cao của chính phủ nói với báo The New York Times rằng, “đã gí súng vào đầu Mexico”, yêu cầu nước này đàn áp nhập cư tại biên giới của bang Chiapas khi mối đe dọa áp mức thuế 25% sắp xảy ra đối với thương mại giữa hai quốc gia. Một mức thuế cao như vậy sẽ phá vỡ nền kinh tế Mexico chỉ sau một đêm. Chính phủ Mexico đã bị khuất phục sau khoảng thời gian vài ngày, và điều động lực lượng an ninh tới biên giới, cam kết truy lùng và trục xuất những nhóm người di dân Trung Mỹ có số lượng còn lớn hơn ở Mexico. Trong các cuộc đột kích ở Palenque, nhiều đặc vụ đã lên tiếng khinh thường việc đàn áp để thực thi các chính sách chống nhập cư của Mỹ, và về phía chính phủ Mexico vì đã lãng phí ít nguồn lực mà họ có để điều động binh lính vào các hoạt động nhắm đến người di cư, thay vì tội phạm thực sự như các băng đảng ma túy. Người nhập cư bị bắt giữ trong một đợt càn quét liên ngành, với sự tham gia của các chiến sĩ Vệ binh Quốc gia Mexico, cảnh sát liên bang và đặc vụ xuất nhập cảnh, ở La Bestia. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Siglo XXI, một trong những trung tâm giam giữ người nhập cư lớn nhất Mexico, nằm cách dòng sông Suchiate đánh dấu biên giới giữa Guatemala và Mexico bảy dặm. Siglo XXI là một khu nhà to bè bằng xi măng với những bức tường cao hơn 9m, cửa sổ có song sắt và một phòng biệt giam. Đầu năm 2019, trung tâm có sức chứa 960 giường này gần như bị bỏ trống, lúc Mexico còn chào đón người nhập cư đi qua thay vì bắt giữ họ. Nhưng đến tháng Ba, khi Hoa Kỳ gia tăng áp lực ngăn chặn người di cư từ Trung Mỹ tiếp cận với biên giới của họ, Mexico bắt đầu bắt giữ những người di cư đi qua lãnh thổ nước này, và giam đến gần 2.000 người tại Siglo XXI, không xa thành phố Tapachula. Những người bị giam giữ ngủ trên nệm vứt dọc các hành lang lát gạch trắng, xếp hàng để dùng những nhà vệ sinh ngập ngụa xú uế và chen chúc hàng giờ để được phát đồ ăn là thịt hộp xúc vào các khay kim loại.

Ngày 27 tháng Tư, những người di cư bị cầm tù tràn vào cầu thang dẫn lên một phòng an ninh kiên cố trong tòa nhà chính của trung tâm, khống chế những người cai ngục rồi mở khóa cổng chính. Hơn 1.000 người Guatemala, Cuba, Salvador, Haiti và các nước khác biến vào bóng đêm của thành phố Tapachula.

Tôi tới Tapachula năm tuần sau khi cuộc đào thoát diễn ra, và chứng kiến một thành phố đang nứt gãy dưới sức nặng của vấn đề di cư. Chỉ vài tháng trước đó, những người di cư đi qua biên giới phía Nam của Mexico còn được dân chúng Mexico đầy cảm thông cho đi nhờ xe, được mời ăn bánh torta và tặng thuốc men. Giờ đây các gia đình di dân bị những đơn vị vệ binh quốc gia vũ trang săn đuổi ở nông thôn như thể họ là binh lính của một đội quân thù địch.

Trước đây không phải lúc nào Mexico cũng chào đón người di cư, nhưng Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã cố gắng biến đất nước của ông thành một hình mẫu về mở cửa biên giới. Nỗ lực mang màu sắc lý tưởng này cũng rất thực tế: nó nhằm cho thế giới thấy một hình ảnh tương phản với làn sóng bài ngoại, cổ xúy xây tường biên giới, mà ông thấy rõ đang lan rộng ở Hoa Kỳ. Biên giới mở hơn, cùng với viện trợ chiến lược từ nước ngoài và hỗ trợ về nhân quyền để di dân từ Trung Mỹ không phải rời bỏ quê hương ngay từ đầu, sẽ đưa đến một kết cục tốt đẹp hơn cho tất cả.

“Tôi muốn nói với họ rằng họ có thể trông cậy vào chúng tôi.” López Obrador đã tuyên bố như vậy khi ông hứa với người nhập cư sẽ cấp cho họ giấy phép lao động và việc làm tạm thời.

THÀNH PHỐ TAPACHULA, BANG CHIAPAS, MEXICO – NGÀY 4/8/2019: Những đứa trẻ di cư chờ bữa sáng được phân phát tại nhà tạm trú Jesus el Buen Pastor del Pobre (Jesus Người Chăn Chiên Tốt Lành) ở Tapachula, Mexico. Hàng trăm người di cư ở lại nơi tạm lánh này mỗi ngày. Chỗ tạm lánh này do người Công giáo điều hành và cung cấp bữa ăn ấm áp, vòi hoa sen và giường cho những người di cư mệt mỏi đi về phía bắc trên đầu tàu “La Bestia” để tìm việc làm. Các mô hình dự báo mới cho thấy nếu thay đổi khí hậu càng nghiêm trọng, số lượng người di cư sẽ càng lớn. Nếu không làm gì để thay đổi tình trạng hiện tại, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với khoảng 50 triệu người di cư từ Trung Mỹ trong vòng 30 năm tới, và ít nhất 10 triệu người trong số đó ra đi chỉ vì lý do khí hậu thay đổi. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Các nhà hoạch định chính sách của Mexico tưởng rằng người dân nước họ có lòng kiên nhẫn và năng lực – cả về kinh tế, môi trường và xã hội – để dung nạp một dòng người ồ ạt như vậy. Nhưng họ đã thất bại trong việc tiên đoán cách Tổng thống Donald Trump dùng nền kinh tế Mexico làm con tin cho cuộc chiến chống người nhập cư của ông ta, và họ không kịp trở tay trước gánh nặng mà dòng người nhập cư đem lại cho chính người dân Mexico.

Theo ước tính của Viện Di cư Quốc gia Mexico, trong sáu tháng kể từ khi Tổng thống López Obrador nhậm chức vào tháng Mười hai năm 2018, khoảng 420.000 người đã tràn vào Mexico mà không có giấy tờ. Nhiều người bơi ngang qua dòng Suchiate bằng các tấm ván gỗ buộc trên những chiếc săm xe to, trả công vài đô la cho những kẻ đưa đường. Ở Ciudad Hidalgo, một thị trấn biên giới nằm bên ngoài Tapachula, người di cư cắm trại trên quảng trường và đánh nhau ngoài phố. Trong một buổi phỏng vấn đêm muộn ở văn phòng xây bằng đá bọt, dưới ánh đèn huỳnh quang chói mắt, giám đốc công an thị trấn, ông Luis Martínez López, đưa ra thống kê về tác động của người di cư: số vụ cướp có vũ trang tăng vọt lên 45%; giết người tăng 15%.

Liệu những tội phạm này có thật là do người nhập cư gây ra hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng quan điểm cho rằng họ là nguyên nhân đã thổi bùng lên sự nôn nóng ngày càng gia tăng. Martínez cho tôi biết rằng tháng Ba năm đó, một cuộc đối đầu giữa một nhóm 400 người nhập cư với cảnh sát địa phương đã biến thành đụng độ, và di dân đã bắt trói năm sĩ quan ở trung tâm thị trấn. Không ai bị thương, nhưng sự kiện này đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa lo ngại của người dân nơi đây rằng mọi thứ đang dần trở nên mất kiểm soát. Martínez nói:

“Chúng tôi từng mở cửa cho họ như anh em trong nhà và cho họ ăn uống. Tôi đã rất thất vọng và giận dữ.”

Sau đó anh đã thôi việc và rời bỏ nhiệm sở.

Ở Tapachula, một thành phố lớn hơn nhiều, du lịch và thương mại bắt đầu bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình di dân trú ngụ trước cửa các căn nhà vào ban đêm, chiếm chỗ trên vỉa hè và ngủ trên những tấm bìa giấy các-tông mỏng dính đầy dầu mỡ. Các khách sạn – thường luôn kín phòng vào tháng Mười hai – giờ chỉ lấp đầy chưa đến 65% vì du khách lo sợ tội phạm không dám đến nữa. Các phòng khám bắt đầu khan hiếm dược phẩm. Những ảnh hưởng này diễn ra đúng vào thời điểm dễ tổn thương: trong khi nhiều bang miền bắc Mexico có tỉ lệ tăng trưởng từ 3-11% trong năm 2018 thì GDP của Chiapas, bang cực Nam của đất nước, giảm sút đến 3%. Cha César Cañaveral Pérez nhận xét:

“Họ bị quá tải.”

Cha César Cañaveral Pérez nhận bằng tiến sĩ thần học tại Rome về xu hướng di chuyển của con người và hiện đang quản lý nhà tạm lánh lớn nhất của Công giáo cho người di cư ở Tapachula.

THÀNH PHỐ TAPACHULA, BANG CHIAPAS, MEXICO – NGÀY 4/8/2019: Những đứa trẻ di cư ăn sáng tại nơi tạm lánh Jesus el Buen Pastor del Pobre ((Jesus Người Chăn Chiên Tốt Lành) ở Tapachula, Mexico. Hàng trăm người di cư ở lại nơi tạm trú này mỗi ngày. Chỗ tạm lánh này do người Công giáo điều hành và cung cấp bữa ăn ấm áp, vòi hoa sen và giường cho những người di cư mệt mỏi đi về phía bắc trên đầu tàu “La Bestia” để tìm việc làm. Các mô hình dự báo mới cho thấy nếu thay đổi khí hậu càng nghiêm trọng, số lượng người di cư sẽ càng lớn. Nếu không làm gì để thay đổi tình trạng hiện tại, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với khoảng 50 triệu người di cư từ Trung Mỹ trong vòng 30 năm tới, và ít nhất 10 triệu người trong số đó ra đi chỉ vì lý do khí hậu thay đổi. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Các mô hình chẳng nói được gì nhiều về gánh nặng văn hóa mà một làn sóng di cư vì khí hậu ồ ạt có thể gây ra; không có dữ liệu nào về sự giận dữ hay định kiến. Những gì các mô hình cho ta biết là trong hai thập kỉ tới, nếu lượng phát thải tiếp tục duy trì như hiện nay, dân số ở miền Nam Mexico sẽ tăng vọt.

Đồng thời, bản thân Mexico cũng có những lo ngại nghiêm trọng về khí hậu, và gần như chắc chắn cũng sẽ chứng kiến một cuộc xuất hành tị nạn khí hậu của chính người dân quốc gia này. Hiện nay, cứ sáu người Mexico thì có một người sống dựa vào nông nghiệp, và gần một nửa dân số sống trong nghèo khổ. Các nghiên cứu ước tính rằng cùng với biến đổi khí hậu, trữ lượng nước trên đầu người có thể giảm xuống đến 88% ở một số nơi, và sản lượng hoa màu ở các vùng ven biển có thể giảm một phần ba. Nếu những thay đổi này thực sự đẩy người Mexico vào con đường di cư, rất nhiều trong số họ có lẽ sẽ là những người đến từ bang Chiapas.

Thế nhưng, đồng thời dân số vẫn tăng lên – đây là mặc định của các mô hình của chúng tôi – điều này có nghĩa là ngay cả khi có khoảng 1 triệu người di cư vì khí hậu đi về biên giới Hoa Kỳ, số người từ Trung Mỹ bị mắc kẹt trên một hành trình di chuyển lê thê còn nhiều hơn thế, những người này sẽ không thể tiến lên hay quay về, mà bị kẹt lại ở miền nam Mexico và làm cho những áp lực hiện thời của vùng này càng trở nên trầm trọng.

Ngay từ cuối năm vừa rồi, các chính sách yếu kém của chính quyền Mexico đã bắt đầu tạo ra những hệ quả âm thầm: sự thù địch và oán ghét. Giờ đây, khi đại dịch coronavirus đã buộc các biên giới phải đóng cửa, những thù ghét này có nguy cơ sục sôi lên. Những người di cư, chẳng có nơi nào để đi và không còn chỗ nào để tạm ở, lang thang trên các đường phố, không thể nào thực hiện giãn cách xã hội và thiếu thốn cả những điều kiện vệ sinh cơ bản.

Điều đó làm cho nhiều người dân Mexico tức giận. Họ bắt đầu mô tả di dân như những kẻ ăn bám vào xã hội và chất vấn về các khoản viện trợ nước ngoài có mục đích giúp người dân ứng phó với hạn hán ở những nơi như quê hương của anh Jorge A. và chị Cortez.

“Sao AMLO dám tài trợ 30 triệu đô la cho El Salvador trong khi chúng tôi ở đây chẳng được hưởng một dịch vụ gì?”

Javier Ovilla Estrada, người đứng đầu một nhóm cộng đồng ở thị trấn biên giới miền nam Ciudad Hidalgo, căn vặn về việc Tổng thống López Obrador tham gia vào một dự án phát triển trị giá nhiều triệu đô la với Guatemala, Honduras và El Salvador. Ovilla đã trở thành một người ủng hộ nhiệt thành cho phong trào Mexico Trước Nhất (Mexico first), tổ chức những cuộc tuần hành hàng ngàn người biểu tình chống nhập cư. Nhiều tháng trước khi dịch Covid-19 lan rộng, chúng tôi gặp nhau trong gian phòng ăn nhạt nhẽo của một nhà hàng Trung Hoa mà anh thường lui tới ở Ciudad Hidalgo, và những gì anh nói quả là đồng thanh tương ứng với quan điểm bài xích người nhập cư đang phổ biến ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Anh nói những người di cư “không yêu đất nước này.”

Anh đưa ra dẫn chứng là những tin đồn mà các nhóm chống người nhập cư trên Facebook lan truyền về việc người nhập cư ăn cắp phiếu bầu và gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mexico, về việc họ giết người mà không bị trừng phạt và vận hành các nhà chứa. Anh không phải là người đầu tiên nói với tôi rằng người di cư đem dịch bệnh đến – rằng dòng Suchiate sẽ sớm mang đầy mầm bệnh Ebola. Anh nói:

“Chính quyền nên đóng cửa biên giới luôn.”

Nếu không, anh cảnh báo rằng đất nước sẽ chìm sâu hơn vào vô pháp và xung đột.

“Chúng tôi sẽ xuống đường để bảo vệ nhà cửa và gia đình mình.”

MỘT CHIỀU MÙA HÈ NĂM NGOÁI, tôi ngồi trên một chiếc tràng kỉ bọc da trong văn phòng mượn của an ninh sân bay ở sân bay Tapachula, nói chuyện với Francisco Garduño Yáñez, cao ủy mới về nhập cư của Mexico. Garduño đã đột ngột nhậm chức thay thế cho Tonatiuh Guillén López, một người ủng hộ mạnh mẽ mở cửa biên giới, người tôi đã mất vài tuần tìm cách liên lạc để hỏi xem làm thế nào mà Mexico lại đi xa đến thế khỏi sứ mệnh mà ông đặt ra cho đất nước.

Nhưng giữa hai khoảng thời gian này, như một quan chức cao cấp khác của chính phủ nói với tôi, Trump đã “gí súng vào đầu Mexico,” đe dọa áp thuế 25% lên thương mại Mexico nếu nước này không thẳng tay siết chặt biên giới với Guatemala. Mức thuế trên có thể đánh sập nền kinh tế Mexico chỉ sau một đêm, và vì thế chính quyền của López Obrador phải lập tức đồng ý điều một lực lượng quân sự mới ra biên giới. Kết quả là Guillén từ chức, bốn ngày trước khi tôi dự định gặp ông.

Garduño, một người đàn ông vui vẻ với mái tóc ngắn muối tiêu, miệng cười rộng rãi và cái bắt tay không ngừng, mới nhận việc được chưa đầy 36 giờ. Ông bay tới Tapachula vì một cuộc bạo loạn nữa đã nổ ra ở một trong những trung tâm giam giữ người nhập cư nhỏ và kiên cố trong thành phố, và các hãng thông tấn đã quay phim về một người tị nạn Haiti gần chết đói đang cầu xin trợ giúp cho cô và đứa con trai nhỏ. Tôi muốn biết vì sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này –  từ chỗ kí kết một đạo luật nhân đạo quốc tế về quyền của người di cư đến cảnh một người mẹ nằm sấp trên mặt đất trong trại giam cầu xin thức ăn, tất cả chỉ trong vòng vài ba tháng. Ông dè dặt, rồi đổ tội cho chủ nghĩa kinh tế tân tự do vì đã sản xuất ra một “nhà máy đói nghèo” mà không đưa ra được chính sách phát triển khu vực nào để giải quyết nó. Chính là cái hệ thống của chủ nghĩa tư bản đã bỏ rơi con người, chứ không phải những nhà lãnh đạo của Mexico. Garduño nói với tôi:

“Chúng tôi không lường được rằng việc toàn cầu hóa nền kinh tế, toàn cầu hóa luật pháp… sẽ có tác động kinh khủng như thế.”

Công việc trước đây của Garduño là cao ủy của hệ thống nhà tù liên bang, ý nghĩa của điều này thật quá hiển nhiên. Liệu đây có phải là khởi đầu của một Mexico mới thiên về trừng phạt? Tôi hỏi ông. Hoàn toàn không, ông trả lời. Nhưng Mexico giờ đây theo đuổi chính sách “ngăn chặn”, ông cho biết, phản đối ý kiến cho rằng đất nước của ông có trách nhiệm phải “đón nhận một cuộc di cư toàn cầu.”

Thế nhưng chẳng chính sách nào có thể ngăn chặn các tác động – trong đó có hậu quả ngày càng gia tăng của khí hậu – đang đẩy người di cư từ phía Nam đến xâm nhập biên giới Mexico, dù hợp pháp hay bất hợp pháp. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ngày càng có thêm nhiều người – nhiều triệu người – bơi qua dòng Suchiate và cập bờ Chiapas? Mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy rằng đây là điều sẽ xảy ra, rằng từ nay đến năm 2050, gần 9 triệu người di cư sẽ di chuyển về các biên giới phía Nam của Mexico, trong đó có 300.000 người di cư chỉ vì biến đổi khí hậu.

Hè năm ngoái, trước khi rời khỏi Mexico, tôi tới Huixtla, một thị trấn nhỏ nằm cách Tapachula 25 dặm về phía Tây. Thị trấn này từ lâu đã là một điểm trung chuyển trên đường siêu cao tốc của Mexico cho người nhập cư trong hành trình đi về phương bắc, vì nó nằm ngay trên con đường tàu chở hàng Bestia mà người di cư thường dùng để di chuyển. Cùng đi với vài sĩ quan cảnh sát địa phương khi họ ra quân tuần tra, tôi ngắm nhìn ánh đèn xanh đỏ của chiếc xe bán tải phản chiếu trên các ô cửa sổ có chấn song của những ngôi nhà bề thế xây bằng đá bọt. Hai người sĩ quan đứng trên thùng xe, bám chặt vào tay vịn, gót giày lính màu đen dận xuống sàn xe vững chắc, trong khi người lái xe lạng lách tránh từng đàn chó ghẻ lở trong những con hẻm hẹp của thị trấn.

Viên sĩ quan chỉ huy tác nghiệp, một người mang bộ dạng lính văn phòng có giọng nói nhỏ nhẹ tên là José Gozalo Rodríguez Méndez, ngồi ở ghế trước. Tôi hỏi liệu anh cho rằng Mexico có chịu được số người nhập cư sắp tới hay không. Anh nói Mexico sẽ sụp đổ. Không có tiền từ chính quyền liên bang, không có nhân sự để cung cấp các dịch vụ, không có nhà ở, nhà tạm lánh càng không, và không còn thiện chí.

“Chúng tôi không thể làm được điều đó.”

KHU TỰ TRỊ PALENQUE, BANG CHIAPAS, MEXICO – NGÀY 28/8/2019: Juan Francisco Murcia Serrano (đội mũ cao bồi đen), một người di cư vì khí hậu đến từ Olancho (Honduras), đang ở một nơi trú ẩn tại Palenque, và nghiên cứu bản đồ của các tuyến đường xe lửa đi về phía bắc và mạng lưới nơi trú ẩn dành cho người di cư qua Mexico, để lên kế hoạch cho chuyến đi về phía bắc tìm kiếm việc làm. Ở Honduras, ông Murcia Serrano trồng ngô/bắp để kiếm sống, nhưng nạn hạn hán do biến đổi khí hậu đã tàn phá mùa màng và khả năng chu cấp lương thực cho gia đình của ông. Ông nói: “Tôi ra đi vì mùa thu hoạch ngô/bắp đã cạn kiệt … đó là lý do tại sao tôi quyết định đến đây, tìm việc làm ở Mexico.” Các mô hình dự báo mới cho thấy thay đổi khí hậu càng nghiêm trọng, số lượng người di cư sẽ càng lớn. Nếu không làm gì nhiều để thay đổi tình hình hiện tại, Hoa Kỳ có thể đối mặt thêm với khoảng 50 triệu người di cư chỉ tính riêng từ Trung Mỹ trong 30 năm tới, và ít nhất 10 triệu người trong số đó ra đi vì lý do khí hậu thay đổi, khiến cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Hoa Kỳ hồi năm ngoái là một chuẩn mực bình thường mới; Nếu Hoa Kỳ và Mexico tiếp tục hạn chế việc vượt biên, dân số của các quốc gia tại khu vực Trung Mỹ sẽ đột ngột gia tăng, người dân của họ sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ và đói kém hơn, khi đứng trước định mệnh sinh-tử thảm khốc. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Rodríguez đã từng cố gắng rất nhiều. Khi đoàn di cư hàng ngàn người đầu tiên đến Huixtla vào cuối năm 2018, từng đoàn, từng đoàn người mệt mỏi, cơ cực – rất nhiều người bồng bế con em mình trên những đôi tay khẳng khiu – dồn về kín quảng trường trung tâm và tràn ra các khu phố bên cạnh của thành phố, Rodríguez và vợ anh lục lọi trong tủ tìm ngô/bắp, đậu chiên, bánh tortilla và quần áo cũ của các con họ, đem tất cả đến trung tâm thị trấn, nơi nhà thờ và các nhóm dân sự đã dựng lên những ngôi lều tạm và nhà tắm.

Nhưng rồi những đoàn người cứ tiếp tục kéo đến mãi, anh nói, và thiện chí của anh bắt đầu tiêu tan. Anh nhận xét:

“Nó cũng giống như bạn mời ai đó đến nhà ăn tối. Bạn có thể mời họ một lần, hay thậm chí hai lần. Nhưng bạn có muốn mời họ tới lần thứ sáu không?”

Khi đoàn người thứ tư tiến vào thành phố hồi tháng Ba năm ngoái, Rodríguez bảo tôi, anh đã ở nhà.

Ở trung tâm thị trấn, chiếc xe bán tải dừng lại giữa một khu chợ đông đúc, nơi các quầy hàng bán rau và đồ chơi dưới ánh đèn xanh được lọc qua các tấm bạt nhựa giăng trên đầu. Cách đó không xa, năm người đàn ông trú nóng dưới bóng một mái che bằng kim loại trên sân một nhà ga đổ nát đã 14 năm chưa từng được tu bổ từ sau trận bão Stan. Rodríguez trút một trận mưa câu hỏi lên nhóm người – hai người đến từ Honduras, ba người còn lại từ Guatemala. Họ cho biết rằng họ đã trải qua toàn bộ những vận rủi của Trung Mỹ: bị cướp, bị các băng đảng bóc lột, và chịu thảm họa về môi trường. Hoặc họ không thể trồng lương thực hoặc hạn hán làm cho lương thực trở nên quá đắt đỏ không thể mua nổi.

“Chúng tôi không chịu nổi cái đói,” Jorge Reyes, một nông dân từ Honduras nói, mồ hôi chảy ròng ròng trên gương mặt hốc hác của anh. Dưới chân anh là món quà của một người chủ tiệm: một chiếc túi nylon đựng thịt sống còn đầy máu tươi, ruồi nhặng bâu quanh nó trong cái nóng nung người. Reyes chẳng có chỗ nào để nấu thịt. Anh nói:

“Nếu đằng nào cũng chết, chúng tôi thà chết trên đường đến Mỹ.”


III. Lựa Chọn

REYES ĐÃ ĐƯA RA LỰA CHỌN. Cũng như anh Jorge A., chị Cortez và hàng triệu người khác, anh quyết định đến Mỹ. Lựa chọn tiếp theo – làm thế nào để ứng phó và chuẩn bị cho những người di cư – cuối cùng sẽ là của các nguyên thủ mà người dân Mỹ bầu ra.

Trong suốt năm 2019, Khu Thị Tứ El Paso (bang Texas), oằn mình trước số người nhập cư có mặt ở các điểm biên giới của thành phố, có lúc lên đến hơn 4.000 người mỗi ngày, khi chính những đoàn người từ Trung Mỹ từng hết được chào đón ở Tapachula tìm được đường tới đây. El Paso rơi vào một tình thế ngặt nghèo, bị mắc kẹt giữa một bên là chính sách liên bang chống người nhập cư mang nặng màu sắc chính trị, và một bên là gốc rễ lâu đời của một thành phố đa dạng với dân số chủ yếu là người gốc Hispanic (gốc La-tinh và Tây Ban Nha) có lịch sử vô cùng gắn bó và bản sắc không thể tách rời với Mexico. Dù vậy, làn sóng người này đã đè nặng lên năng lực của thành phố. Khi những người di cư tới nơi, tranh cãi nổ ra giữa các quan chức địa phương về việc ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho các dịch vụ khẩn cấp, cứu trợ và nhà cửa, và cuối cùng họ chỉ còn cách đan tay ngồi hi vọng các tổ chức từ thiện tư nhân vốn rất năng động tìm ra cách giải quyết vấn đề. Các nhóm sinh hoạt nhà thờ đã thuê hàng ngàn phòng khách sạn trên khắp thành phố, giao lương thực thực phẩm, cung cấp dịch vụ tư vấn và các hỗ trợ khác.

KHU THỊ TỨ EL PASO, BANG TEXAS – NGÀY 29/2/2020: Các thành phố ở El Paso, Texas (phần ở phía trước ảnh) và Thành phố Ciudad Juárez, Mexico (phần ở phía sau trong ảnh) nằm ở khu vực phía Bắc của Sa mạc Chihuahuan, bao gồm khu đô thị phức hợp giữa hai quốc gia lớn nhất ở Tây Bán cầu. Năm ngoái, El Paso đã phải đối mặt với làn sóng người tràn qua các cửa khẩu biên giới – có thời điểm đạt đến 4.000 người chỉ trong một ngày. Thành phố đã trở thành trung tâm trong cuộc tranh luận chính trị của Mỹ về cách giải quyết vấn đề di cư do khí hậu – và là một phòng thí nghiệm để kiểm tra và xem xét cách chuẩn bị tốt nhất – hay là không – cho các đợt di dân sắp xảy ra từ khu vực xích đạo. Các quan chức Liên Hợp Quốc và giới chuyên gia khoa học về nạn di cư vì khí hậu trên khắp thế giới cảnh báo rằng các thành phố sẽ không thể hoạch định tương lai kinh tế của riêng mình mà không lập kế hoạch cho những người tị nạn khí hậu – nếu không làm như vậy, họ sẽ bị đe dọa mất ổn định và các điều kiện sống còn mà họ từng quen thuộc. Tất cả mọi thứ, từ dịch vụ khẩn cấp và chăm sóc y tế cho đến mạng lưới xe buýt và nhà ở của El Paso, đều phụ thuộc vào cách thành phố xử lý những đợt người di cư trong tương lai, và nói rộng ra là phụ thuộc vào những thay đổi trong mùa vụ ở khu vực Trung Mỹ và hình thái mưa sẽ buộc con người phải rời bỏ nhà cửa nơi quê hương của họ. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Nằm nối liền với thành phố Juárez của Mexico, El Paso là vùng phức hợp đô thị lưỡng quốc lớn nhất ở Tây bán cầu. Nó nằm ngay giữa sa mạc Chihuahua, một ốc đảo được dựng lên giữa một vùng đá trắng khô cằn. Hầu hết lực lượng lao động của thành phố hàng ngày di chuyển từ bên kia biên giới, và tiếng Tây Ban Nha cũng phổ biến như tiếng Anh.

Trong thành phố, những tòa nhà mới đang mọc lên giữa một quận trung tâm tài chính buồn chán, nơi các cửa hàng bán giày bốt và đồ cũ cạnh tranh nằm xen kẽ với các mặt tiền cửa hiệu đã đóng cửa được niêm phong bằng bìa giấy các-tông hay bằng các thanh gỗ. Rào cản duy nhất giữa những đường phố Hoa Kỳ – nơi cư ngụ của hơn 800.000 người dân – và các đường phố của Juárez là chiếc cầu vượt bằng xi măng bắc qua dòng Rio Grande đã gần cạn hẳn, và một hàng rào biên giới bằng thép đã bị hoen gỉ.

Với một số người di cư, nơi này là Thiên đường. Nhưng El Paso cũng là một thành phố có khí hậu nóng như đổ lửa và nguồn nước khan hiếm, một mặt trận khác của cuộc khủng hoảng khí hậu. Ở đây, mỗi năm đã có ba tháng nền nhiệt độ lên tới 32 độ C, và đến cuối thế kỷ này, thì một nửa số ngày trong năm sẽ có nền nhiệt độ nóng như vậy. Theo các nhà nghiên của Đại học California, Phân hiệu Berkeley, cái nóng sẽ gây tử vong nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi hay vì dùng opioid (thuốc phiện) quá liều. Chi phí cho việc làm mát – hiện nay đã chiếm tới một phần ba sinh hoạt phí của nhiều người dân – sẽ ngày càng đắt đỏ, và khí hậu nóng lên sẽ làm sản lượng kinh tế giảm đi 8%, có thể khiến cho El Paso cũng trở nên khó sống chẳng kém gì những nơi xa hơn về phương nam.

Năm 2014, chính quyền El Paso lập nên một vị trí mới trong ban ngành điều hành thành phố – là trưởng ban chống chịu – một phần nhằm mục đích đưa việc cân nhắc các mối lo ngại về khí hậu vào hoạt động quy hoạch đô thị của thành phố. Chẳng bao lâu sau, cuộc khủng hoảng khí hậu ở Guatemala – chứ không phải chỉ là khủng hoảng ở ngay chính El Paso – đã trở thành một trong những mối bận tâm lớn nhất của thành phố. “Xin lỗi nếu tôi có lạc đề,” Nicole Ferrini, trưởng ban chống chịu của thành phố, nói với các quận trưởng và những người khác có mặt tại một hội thảo về nước ở Phoenix năm 2019 khi đặt câu hỏi về “lượng người tị nạn khí hậu khổng lồ, và liệu chúng ta với tư cách là một cộng đồng, một xã hội, có được chuẩn bị để đối phó với điều đó hay không?”

Ferrini, một người sinh ra và lớn lên ở El Paso, được đào tạo để trở thành kiến trúc sư. Cô lo ngại rằng El Paso sẽ phải chật vật trong việc thích ứng nếu như những người lãnh đạo chính quyền thành phố, cũng như chính quyền liên bang, tiếp tục phản ứng với các đợt di cư tăng vọt từng ngày hay từng năm, thay vì nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống, và thừa nhận rằng nó sẽ trở nên ngày càng tệ hại khi trái đất nóng dần lên. Cô cho rằng thành phố của cô là một bài học về những gì các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học về khí hậu và di cư vẫn thường cảnh báo: nếu không có kế hoạch tử tế về nhà cửa, lương thực và việc làm cho một lượng người tị nạn khí hậu ngày càng lớn, các thành phố tiếp nhận người di cư sẽ không bao giờ có thể lên kế hoạch cho tương lai kinh tế của chính mình.

EL PASO. Người di cư hợp pháp đi từ Ciudad Juárez, Mexico, sang trung tâm thành phố El Paso qua một điểm nhập cảnh do bộ phận Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ quản lý.

Ở thời điểm hiện tại, đại dịch do virus corona gây ra hầu như đã làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động di chuyển hợp pháp vào El Paso, nhưng cuộc khủng hoảng này rồi sẽ trôi qua. Và khi nó qua đi, El Paso sẽ đứng trước lựa chọn mà sớm muộn các cộng đồng giàu có hơn trên khắp thế giới cũng sẽ phải đối mặt: quyết định xem nó là một cộng đồng sẽ xây tường hay đào giếng – nói theo cách của các tổ chức cứu trợ đang nỗ lực củng cố hạ tầng và cải thiện năng lực chống chịu để hạn chế di cư.

Trên khắp thế giới, các nước đang chọn cách xây tường. Ngay từ trước khi đại dịch bùng phát, Hungary đã xây hàng rào ngăn biên giới với Serbia, một phần trong hơn 1.000 kilômét tường biên giới được dựng lên trên khắp các nước châu Âu từ năm 1990 đến nay. Ấn Độ đã xây hàng rào trên hầu hết đường biên giới dài 2.500 dặm với Bangladesh, một đất nước mà người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất thế giới do nước biển dâng.

Đương nhiên Hoa Kỳ cũng có nghị trình xây tường riêng – những bức tường thực thụ, và cả những bức tường trừu tượng có thể có hiệu quả còn to lớn hơn. Trong một chuyến đi dạo vào tháng Tám năm ngoái từ một trong các nhà tạm lánh dành cho người di cư ở El Paso, một ngôi nhà gạch kín đáo với tên gọi Casa Vides, Cha Peter Hinde cho tôi biết rằng nền kinh tế chú trọng sự ổn định của El Paso đã tạo ra một rào cản văn hóa mà 25 năm trước chưa hề tồn tại khi ông đến sống ở đây. Cha Hinde năm nay 97 tuổi. Ông giúp vận hành dòng tu Cát Minh ở Juárez, nhưng đến Casa Vides để làm việc tình nguyện gần như hàng ngày. Từng là đại úy trong không quân và là phi công chiến đấu, sinh trưởng ở Chicago, Cha Hinde nói rằng Hoa Kỳ đang biến nỗi sợ hãi của mình thành sự thật trong vấn đề nhập cư, ông nhìn thấy điều này trong thái độ nghi ngại ngày càng gia tăng với tất cả những người đi qua biên giới.

Nỗi sợ hãi tạo ra những bức tường khác. Năm 2018, Hoa Kỳ từ chối tham gia kí một hiệp ước toàn cầu về di cư cùng với 164 quốc gia khác. Đây là hiệp ước đầu tiên thừa nhận biến đổi khí hậu là một nguyên nhân của việc con người phải tha hương cầu thực trong tương lai. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng cắt giảm viện trợ cho nước ngoài – cắt giảm tiền chi cho mọi thứ từ hạ tầng về nước đến nông nghiệp nhà kính – những điều đã giúp các gia đình đang đói khát như gia đình của anh Jorge A. ở Mexico làm ra lương thực, và được ở lại với quê nhà. Ngay cả những người di cư đi sang El Paso một cách hợp pháp cũng bị buộc phải quay về, hoặc bị giao cho những nhà tạm lánh chật hẹp và nguy hiểm ở Juárez để chờ đợi các phiên tòa quyết định quyền lợi hợp pháp của họ.

KHÔNG CÒN CÁCH NÀO TỰ NHIÊN và căn bản để thích nghi với biến đổi khí hậu hơn là di cư. Đó là con đường hiển nhiên mà những người Homo sapiens đầu tiên đã chọn khi rời khỏi châu Phi, và cũng là con đường những người Maya đã thử hơn 1.200 năm trước. Như Lorenzo Guadagno của Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc nói với tôi gần đây:

“Di chuyển là chống chịu.”

Bất kì chính sách nào giúp cho con người được linh hoạt tự mình lựa chọn nơi sinh sống cũng sẽ giúp họ được an toàn hơn.

THÀNH PHỐ CIUDAD JUÁREZ, MEXICO – NGÀY 23/2/2020: José Trinidad Cruz Gámez, 38 tuổi, một di dân vì khí hậu đến từ khu đô thị Piraera của Honduras, và cô con gái 8 tuổi Yakelin (giữa), đang đợi vợ anh là Maria gọi, để hai cha con có thể nói chuyện với mẹ và hai đứa con khác của họ vẫn còn ở Honduras. Anh Cruz Gámez sở hữu một trang trại nhỏ nơi anh trồng ngô/bắp, đậu và cao lương – nhưng biến đổi khí hậu đã tàn phá tất cả các loại cây trồng của anh từ năm 2017-2019, một tổn thất tài chính lớn đe dọa sinh kế của cả gia đình anh. Anh nói: “Ba năm qua thật tồi tệ. Tôi cứ trồng ngô lại, nhưng năm sau lại mất trắng.” Anh lắc đầu giải thích rằng cây đâm chồi và mọc lên vào mùa xuân, nhưng cái nóng gay gắt của mùa hè đã làm khô lõi ngô trước khi hạt ngô kịp hình thành. Anh cho biết: “Mọi thứ đều mất. Cả nước đều ở trong đợt hạn hán này, người dân khổ lắm. Người nghèo là những người phải chịu đựng nhiều nhất.” Anh quyết định rời bỏ quê hương. Anh tâm sự: “Tôi nói với vợ: nghe này, anh đã quyết định đến Hoa Kỳ, bởi vì mọi thứ ở đây quá khó khăn.” Anh và bé Yakelin đã lội qua sông Rio Grande và tự nộp mình cho các đặc vụ Tuần tra Biên giới. Sau bốn ngày ở trong một trung tâm giam giữ, các đặc vụ đã đưa anh ta đến cây cầu biên giới, như một phần của chính sách “Tạm để người bên Mexico” của Tổng thống Trump, và yêu cầu anh đợi 5 tháng sau ở Ciudad Juárez, chờ cuộc hẹn với tòa án nhập cư. Anh chuyển đến sống tại một nơi tạm lánh chật chội dành cho người tị nạn ở ngoại ô thị trấn và chờ đợi – anh cho biết mình tôn trọng hệ thống và quy trình xử lý người tị nạn. Khi đến ngày hẹn, anh bị suy sụp khi các quan chức nói rằng anh sẽ phải đợi lâu hơn nữa – thêm bốn tháng nữa cho một cuộc hẹn khác. Quá nhiều tháng chờ đợi đã khiến tài chính của gia đình anh căng thẳng đến mức khốc liệt. NGUỒN ẢNH: Meridith Kohut dành cho Tạp chí The New York Times.

Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy, và việc định cư bên kia biên giới không hẳn là êm xuôi. Tôi nghĩ đến trường hợp của anh Jorge A. người Guatemala. Anh tới được Mỹ vào mùa xuân năm ngoái, leo qua hàng rào bằng thép và thả đứa con trai bảy tuổi của anh từ độ cao sáu mét sang sa mạc California bên kia biên giới. (Chúng tôi viết tắt tên anh trong bài này vì anh là người di cư bất hợp pháp.) Giờ họ đang sống ở Houston, nơi mà cho đến trước khi đại dịch bùng phát, Jorge tìm được việc làm trong ngành xây dựng, kiếm đủ tiền để trả nợ và gửi được một chút về nhà. Nhưng sự chia cắt với vợ con và gia đình đã trở nên không thể chịu nổi; dù ở quê nhà hay ra đi, anh cũng thấy mình thất bại, và đến đầu tháng Bảy vừa rồi, anh đang cân nhắc việc quay trở về Guatemala.

Và đây chính là cơ sở của kịch bản tình huống có thể trở ên tồi tệ nhất: trong đó Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới các quốc gia phát triển từ chối chào đón người di cư, đồng thời thất bại trong việc giúp đỡ họ ngay tại quê nhà. Như mô hình của chúng tôi thể hiện, việc đóng cửa biên giới trong khi keo kiệt với viện trợ phát triển sẽ tạo ra hiện tượng gia tăng dân số ngay cả khi nền nhiệt độ tăng lên, dù mới nghe có vẻ phi lý, khiến thêm nhiều người mắc kẹt ở những nơi ngày càng trở nên không còn thích hợp cho sự sống của con người.

Trong bối cảnh này, xu hướng xây tường trên toàn cầu có thể gây ra những tác động sâu sắc và nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cho rằng số người chết hàng năm trên toàn cầu, chỉ riêng do cái nóng gây ra, cũng sẽ dần lên đến 1.5 triệu. Nhưng trong kịch bản tình huống này, không biết bao nhiêu người khác cũng sẽ chết vì đói khát, hoặc bỏ mạng trong những cuộc xung đột sẽ nổ ra do căng thẳng vì mất an ninh lương thực và thiếu nước.

Nếu điều đó xảy ra, Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ xây tường ngăn người bên ngoài tràn vào cũng là tự nhốt chính mình. Và khi đó, câu hỏi đặt ra là: Các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch sẽ làm gì? Sự suy giảm dân số ở Hoa Kỳ cho thấy rằng việc có thêm nhiều người nhập cư sẽ tốt hơn cho nền kinh tế, nhưng nước này cần phải chịu đầu tư vào việc chuẩn bị cho dòng người đổ đến, để dân số gia tăng không nuốt chửng những nơi người di cư chuyển đến, khoét sâu thêm chia rẽ và làm tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng. Đồng thời, Hoa Kỳ và các nước giàu khác có thể giúp đỡ những nhóm dân dễ bị tổn thương ngay tại nơi họ sinh sống, bằng cách hỗ trợ tài chính cho các chương trình phát triển giúp hiện đại hóa nông nghiệp và cải thiện hạ tầng về nước. Ví dụ như, một nỗ lực của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc giúp nông dân xây các nhà kính thủy lợi ở El Salvador, đã giảm mất mùa đáng kể và giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân. Nó không thể đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu, nhưng có thể cho tất cả mọi bên một chút thời gian.


EL PASO. Một viên chức nhà nước đứng trước giếng nước giữa sa mạc.

Cho đến nay, nước Mỹ đã làm được rất ít. Ngay cả khi giới khoa học ngày càng đồng thuận về biến đổi khí hậu và vấn đề di cư do khí hậu, trong một số nhóm người, chủ đề này đã trở thành điều cấm kỵ. Mùa xuân vừa rồi, sau khi tạp chí Chuyên đề của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu chấn động ước tính rằng, nếu không thể di cư đi đâu được, một phần ba dân số thế giới có thể sẽ phải sống bên ngoài ngách sinh thái truyền thống của nền văn minh con người. Ts. Marten Scheffer, một trong các tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với tôi rằng trong quá trình bình duyệt, anh được yêu cầu phải nói giảm nói tránh một số kết luận của mình, và anh cảm thấy bị ép phải “hạ thấp” các hệ quả của báo cáo để nghiên cứu có thể được xuất bản. Kết quả là: vấn đề di cư chỉ được phân tích một cách hời hợt trong báo cáo. (Một người phát ngôn của tạp chí từ chối đưa ra bình luận vì quy tắc giữ bí mật quá trình bình duyệt.)

“Người ta hoàn toàn chống đối.”

Scheffer nói với tôi, thừa nhận điều giờ đây anh coi là không thể tránh khỏi, rằng di cư sẽ là một phần của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

“Chúng ta phải đối mặt với nó.”

Mô hình của chúng tôi và đồng thuận của giới học thuật đều chỉ ra một điều cơ bản: Nếu xã hội phản ứng một cách quyết liệt với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và vấn đề di cư, nâng cao khả năng chống chịu với các hiện tượng này, thì sản xuất lương thực sẽ được đẩy mạnh, nghèo đói được giảm bớt và di cư xuyên quốc gia sẽ giảm tốc – những yếu tố này có thể giúp thế giới duy trì tình trạng ổn định và hòa bình. Nếu các nguyên thủ không hành động nhiều để kiềm chế biến đổi khí hậu, hoặc nếu họ chọn những chính sách mang tính trừng phạt nhiều hơn để chống lại người nhập cư, an ninh lương thực sẽ ngày càng suy giảm và đói nghèo sẽ gia tăng. Dân số nhiều nơi sẽ tăng vọt, và việc di chuyển qua các biên giới sẽ bị cấm đoán, gây ra nhiều khổ đau hơn nữa. Bất kì hành động nào của các chính phủ – và thời điểm họ thực hiện hành động đó – sẽ tạo ra sự khác biệt.

Không còn nhiều thời gian để hành động. Thế giới giờ đây có thể lường trước rằng với mỗi độ tăng nhiệt, khoảng một tỷ người sẽ bị đẩy ra khỏi vùng khí hậu mà trong đó, loài người đã sống từ hàng ngàn năm qua. Từ lâu, những hồi chuông cảnh báo về khí hậu đã được gióng lên thông qua các thiệt hại về kinh tế, nhưng giờ đây tổn thất càng lúc càng có thể được đong đếm bằng số người bị ảnh hưởng. Trong buổi đi dạo của chúng tôi, Cha Hinde cảnh báo rằng mối nguy hiểm lớn nhất chính là tin rằng một thứ yếu ớt và phù du như bức tường có thể ngăn được dòng triều dâng của lịch sử. Ông nói:

“Nếu chúng ta không vun đắp một thái độ khác. Chúng ta sẽ giống như những kẻ ngồi trên thuyền cứu hộ mà đánh đập xua đuổi những người khác cũng đang cố trèo lên thuyền.”

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC:

Về lâu về dài, cuộc khủng hoảng khí hậu và nền nhiệt tăng sẽ đẩy loài người – cùng tất cả các chủng loài thực vật, động vật khác – di cư về hai cực của Trái Đất trong 100 năm nữa. Tất cả chúng ta, không chừa một ai hết, sẽ có thể phải ra đi khỏi nơi chúng ta và cha ông chúng ta từng sinh sống hạnh phúc và bình an trong hàng nghìn năm trước. Chúng ta sẽ đều là một phần của cuộc di cư khổng lồ này.

Trong cuộc khủng hoảng này, người dân khu vực Trung Mỹ có thể phải di cư lên Hoa Kỳ, nhưng chính bản thân người dân Hoa Kỳ cũng có thể biến thành dân tị nạn khí hậu ở Canada chẳng hạn. Điều tương tự xảy ra với dân Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á… khi họ sẽ phải di cư lên vùng cao hơn của dãy Himalayas, hoặc tiến đến cao nguyên Tây Tạng, vượt qua biên giới Nga để vào lãnh nguyên Siberia.

Nhiều biến động sẽ xảy ra, tùy vào hình thái khí hậu trước đó của mỗi vùng. Có thể các quốc gia ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán và sốc nóng, nhưng các nước ở khu vực ôn đới và cận cực cũng sẽ đối mặt với hình thái thời tiết cực đoan giữa nóng và lạnh. Chẳng nơi nào là chắc chắn an toàn cả. Vấn đề là chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào trước điều phải đến, về các mức độ thích nghi, giảm thiểu rủi ro, bảo tồn điều kiện sống, cũng như rút lui khỏi vùng thảm họa. Điều quan trọng hơn cả chính là trước mối rủi ro của nền khí hậu sụp đổ, đánh sập và hủy diệt nhiều vùng sản xuất lương thực trên toàn cầu, thì loài người phải biết đoàn kết và chia sẻ với nhau điều tối thiểu cần thiết cho sự sống còn.

Tất cả những người giàu có, tầng lớp trung lưu… trước đây quen sống sung sướng và hưởng thụ vật chất, ăn uống thừa thãi, tiêu dùng hoang phí, thì giờ đây cần phải trả lại món nợ đó bằng việc học cách sống tối giản, tiết kiệm nguồn lực, đón tiếp và chia sẻ lại một phần nguồn sống của họ với những ai đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng. Âu đó cũng là điều công bằng. Nếu không, họ cũng sẽ phải đối mặt với các làn sóng người khổng lồ kéo đến, xô đổ các bức tường và kéo sập cả hệ thống kinh tế vốn đã mong manh trong cuộc khủng hoảng toàn diện này. Chẳng ai có thể sống sót được hết cả trong cơn hoảng loạn ấy. Chẳng ai tồn tại được nếu không có sự giúp đỡ của người khác trong lúc khó khăn ấy. Điều khôn ngoan nhất là tất cả phải cùng nhau sống và chia sẻ nguồn sống ít ỏi còn lại một cách công bằng và bình an.

Vâng, thời dư thừa, hoang phí, sung sướng đã hết. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới đầy thử thách, mà một trong những thách thức lớn nhất chính là khả năng biết yêu thương nhau. HÃY NHỚ RẰNG, TRONG KỶ NGUYÊN CỦA ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU VÀ ĐẠI TUYỆT CHỦNG LẦN THỨ SÁU, CHỈ CÓ TÌNH YÊU LÀ Ở LẠI.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Một bài viết rất hay, nói về biến đổi khí hậu, đã làm cho nhiều nơi trên trái đất này không còn là chỗ sinh sống được nữa, con người phải chạy nơi khác, tìm đất sống.

    Người Việt chúng ta đã từng chạy ra biển khi mạng sống đe dọa, khi quê hương của mình dưới cái họa cộng sản không còn là nơi có thể sinh sống được nữa, mọi người đã phải bỏ chạy.

    Tiếc rằng những kẻ đã từng đi tìm sự sống trong cái chết, bỏ hết tài sản, chạy ra biển khơi, sống sót được rồi, định cư ở Mỹ, Canada và các nước phương Tây, để rồi bây giờ quay lại chửi những người ở các nước khác, khi thấy họ cũng đi tìm đường sống như mình trước đây.

    Đó là những kẻ qua cầu rút ván mà chúng ta thấy nhan nhản trên diễn đàn này.

  2. Một status dài lê thê khiến không mấy ai muốn đọc, càng mệt trí để suy nghĩ, tham gia ý kiến vớ vẩn cho một giải pháp…nó nói lên, bản thân vấn đề là bế tắc, không tương lai cho một giải pháp.
    Thế nhưng vẫn có lợi cho tuyên truyền yêu ghét, thì hơi tệ!

    “Một số quốc gia đã làm tốt hơn. Nhưng Hoa Kỳ thì thất bại.”
    Lại có một dịp để chửi Mỹ, trong khi Mỹ là nước chia sẻ sự phồn vinh, dung nạp, bảo bọc cho người khốn cùng NHIỀU NHẤT trong cộng đồng các quốc gia; là lý do nó đã mang tên Hợp chúng quốc.
    Cái gì rồi cũng phải có mức độ. Ích kỷ là bản chất nhân loại. Thừa trong nhà mới ra bề ngoài. Và bên cạnh sự bao dung chia sẻ luôn kèm theo sự bội bạc vô ơn, lợi dụng lạm dụng, khiến cho người rộng lượng nhất cũng phải đến lúc nản chí, xét lại lòng tốt, và bắt đầu tự hỏi…mình có ngu không.
    Kẻ đó là D. Trump, đang bị chửi không ngơi vì đã chận dòng người tỵ nạn. Và nay đối thủ Joe cũng đang thấy Trump có lý, và đang bắt chước…duy trì đóng cửa biên giới…gọi là từ từ giải…quyết!

    Tác giả chỉ đơn giản là chửi xéo Mỹ trên một đối sánh không minh chứng.

    “Một số quốc gia đã làm tốt hơn” là những quốc gia nào vậy? Là Trung quốc, Nga, Iran?
    Có lẽ là Tây Âu, hay Nam Âu, những nước phồn vinh nhân văn nhưng già cỗi; thế hệ trẻ ở đây đang rơi vào tâm lý sống kỳ quặc: không thích gia đình không thích hôn nhân vì cha mẹ từng thất vọng về con cái > những cặp vợ chồng trẻ không muốn sinh đẻ > hiện tượng khủng hoảng dân số học, khủng hoảng lao động xã hội.
    Đó là lý do các nước nầy đón nhận di dân, thuở ban đầu, trốn chạy khủng bố IS từ Trung Đông, Bắc Phi…
    Chỉ ban đầu thôi, rồi lập tức chận đứng, sau khi các “mạnh thường quân” bắt đầu thấm đòn, cay đắng với sự hào hiệp để rồi sớm bị phản bội, và chịu…trả tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ tự biến thành cái túi khổng lồ chứa di dân hộ, đẻ ra những tình huống buồn cười trong mối quan hệ Thổ bắt chẹt Tây Âu, tống tiền, hăm doạ mở cửa biên giới cho đoàn tỵ nạn xâm nhập nếu Tây Âu không thoả mãn nầy nọ cho nó!

    Không ai giở giọng nhân đạo trong vấn đề tỵ nạn được nếu chính mình là người trong cuộc. Chỉ ba hoa vô hại khi làm khách bàng quan nói chuyện thiên hạ để mà chơi. Lòng tốt nào cũng có giới hạn!

    Vấn nạn di dân là chuyện dài quốc tế. Các nước phải ngồi lại giải quyết từ biến đổi khí hậu đến nguồn nước; và phải giải quyết các mâu thuẫn địa chính trị ở những nơi chính xung đột phát sinh di dân…
    toàn chuyện con voi chui vào nhà, chẳng dễ chút nào, với một tổ chức quốc quốc tế đã bị kẻ xấu xâm nhập chia năm xẻ bảy luôn lục đục gấu ó, luôn bị thao túng và lạm dụng quyền phủ quyết có lợi cho phe mình…bất lực trước các vấn nạn chung của thế giới!
    Đành để cho quy luật chọn lọc tự nhiên làm cái việc tàn nhẩn của nó!
    Đụng vào ổ kiến lửa như thế…thì chẳng mấy ai chịu đọc.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây