Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông, Đá Ba Đầu, cơ sở tên lửa gần biên giới Việt – Trung

Đặng Sơn Duân

5-2-2021

1. Tàu sân bay USS Nimitz vào Biển Đông

Tối ngày 4.2, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz bắt đầu tiến băng qua eo biển Malacca chuẩn bị tiến vào Biển Đông, sau khi quay về từ Biển Ả Rập.

Hộ tống tàu sân bay Nimitz (CVN 68) là tuần dương hạm USS Princeton (CG 59) và khu trục hạm USS Sterett (DDG 104).

Sau nhiều tháng hoạt động tại Biển Ả Rập và Vịnh Ba Tư, nhóm tàu này đã Bộ Quốc phòng Mỹ được điều về khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh ngày 4.2 cho thấy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có dấu hiệu chuẩn bị di chuyển khỏi căn cứ ở Guam. Trước đó, tàu này đã đến Guam vào đầu tháng 2, sau khi tiến vào Biển Đông vào ngày 23.1.

Vì thế, không loại trừ khả năng hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ tiến hành tập trận tại Biển Đông hoặc Biển Philippines trong những ngày sắp tới.

Hiện tại ở khu vực còn có tàu sân bay USS Ronald Reagan đồn trú tại căn cứ Yokosuka của Nhật Bản và tàu đổ bộ tấn công USS America đang hoạt động ở Biển Philippines. Tuy nhiên, tàu Ronald Reagan có vẻ như vẫn đang tiến hành bảo dưỡng và chưa thể ra khơi trong tương lai gần.

Nếu hai nhóm tác chiến tàu Mỹ tiến hành tập trận tại khu vực, đây sẽ là màn biểu dương lực lượng đầu tiên của hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, giữa lúc tình hình Biển Đông và eo biển Đài Loan vẫn hết sức căng thẳng.

Trong hôm qua 4.2, khu trục hạm USS John McCain đã băng qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông. Đây là chuyến băng qua eo biển đầu tiên của tàu chiến Mỹ dưới thời ông Joe Biden.

2. Tình hình Đá Ba Đầu ở Trường Sa

Tình hình Đá Ba Đầu được dư luận chú ý sau khi trang tin Đa Chiều đưa tin vào ngày 1.2 rằng ảnh vệ tinh cho thấy tàu công trình của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực.

Việc tàu công trình xuất hiện ở Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn, nếu có thật, là một diễn biến hết sức đáng chú ý, bởi nó thể hiện Trung Quốc nhăm nhe ý định chiếm giữ và bồi đắp bãi đá này.

Trung Quốc hẳn nhiên rất muốn chiếm Đá Ba Đầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ảnh vệ tinh thì chưa thể kết luận có tàu công trình ở đó như Đa Chiều đưa tin.

Các tàu cá, nhiều khả năng là tàu dân binh, đã kết thành từng cụm và neo đậu tại Đá Ba Đầu ít nhất từ tháng 2.2020, theo ảnh vệ tinh. Thông tin này cũng từng được tôi lưu ý trong bản tin vào tháng 6.2020.

Ảnh vệ tinh mới nhất chưa cho thấy có sự thay đổi để có thể kết luận có sự xuất hiện của tàu công trình.

Ảnh: Planet Labs

Nói như thế không có nghĩa là tình hình Đá Ba Đầu không căng thẳng và không loại trừ thông tin thực địa cho thấy tàu công trình xuất hiện. Nhưng đó là những thông tin tôi chưa thể kiểm chứng.

3. Về cơ sở tên lửa đất đối không ở gần biên giới Việt Nam

Hình ảnh vệ tinh và thông tin phân tích về cơ sở tên lửa nằm cách biên giới Việt Nam này được công bố đầu tiên bởi Dự án Đại sự ký Biển Đông vào ngày 3.2. Đây là thông tin rất đáng chú ý!

Trong cuộc họp báo ngày 4.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết sẽ xác minh thông tin nêu trên.

Theo tìm hiểu của tôi, cơ sở tên lửa này nằm tại sân bay Ninh Minh ở huyện Ninh Minh của tỉnh Quảng Tây. Có thể nhìn thấy hình ảnh về việc xây dựng cơ sở này trên Google Earth ở tọa độ 22.12N/107.11E. Thời điểm ảnh vệ tinh có độ phân giải cao này được chụp là ngày 5.1.2020.

Hình ảnh khu vực xây dựng cho phép kết luận nó là một địa điểm tên lửa đất đối không (SAM – nhiều khả năng để bố trí tên lửa HQ-9). Đặc điểm của địa điểm SAM là được bố trí theo hình vòng tròn bên trong có ngôi sao, với 5 hoặc 6 cánh.

Vị trí trung tâm là nơi bố trí xe chỉ huy và radar, các vị trí xung quanh là nơi đặt các bệ phóng tên lửa để bao phủ mọi hướng. Các vị trí phóng được tách biệt để tránh cho bệ phóng này bị ảnh hưởng khi bệ phóng bên cạnh bị phá hủy.

Một bức ảnh vệ tinh vào tháng 1.2021 cho thấy nó gần như đã hoàn tất.

Ảnh: Planet Labs

Sân bay Ninh Minh, còn gọi là Minh Giang, là sân bay dã chiến nằm cách biên giới Việt Nam chỉ hơn 20 km và có lịch sử nhiều duyên nợ với Việt Nam.

– Các thông tin từ phía Trung Quốc cho biết nó được xây dựng thời chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1979, Trung Quốc đã gấp rút cải tạo sân bay này để phục vụ cho cuộc tấn công xâm lược Việt Nam vào năm đó, như những toan tính sâu xa thường thấy từ phía Trung Quốc trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.

– Một bài báo củaVietnamnet năm 2017 cho biết sư đoàn 338 từng tổ chức thọc sâu sau lưng địch tập kích sân bay Ninh Minh vào tháng 2.1979. Nhưng không có nhiều thông tin về cuộc tập kích này được công bố.

– Cựu chủ tịch tỉnh Quảng Tây Vi Thuần Thúc từng kể lại trong một bài viết năm 1999 rằng vào dịp Tết năm 1984, ôngHồ Diệu Bang, khi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bay đến sân bay Ninh Minh để từ đó thị sát các điểm đóng quân của Trung Quốc tại biên giới với Việt Nam.

– Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, sân bay Ninh Minh trở thành một sân bay dự bị của không quân Trung Quốc. Vài năm gần đây, có thông tin cho biết nó sẽ được biến thành sân bay lưỡng dụng. Tuy nhiên, với việc cơ sở SAM được xây dựng có thể kế hoạch này đã bị gác lại.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng cơ sở tên lửa ở Ninh Minh bắt đầu khoảng tháng 4.2019, cùng thời điểm Trung Quốc tiến hành xây dựng các địa điểm SAM mới ở biên giới với Ấn Độ. Như vậy, có thể việc xây dựng cơ sở này nằm trong kế hoạch nâng cấp và mở rộng các địa điểm sát biên giới của Trung Quốc.

Tháng 4.2019 là thời điểm quan hệ  căng thẳng Mỹ – Trung leo thang. Tháng 5 năm đó, trong một diễn biến được xem là bước ngoặt lúc bấy giờ, Bắc Kinh bất ngờ xé bỏ một bản dự thảo thỏa thuận thương mại đã được đồng ý với phía Mỹ trước đó, khiến đây căng thẳng giữa hai nước dâng cao.

Cũng thời điểm này, Bắc Kinh chuẩn bị triển khai tàu hải cảnh quấy phá hoạt động thăm dò và khai thác ở lô 6-1 của Việt Nam và vài tháng sau đó triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng biển Việt Nam.

Việc xây dựng địa điểm SAM có thể gợi ý Trung Quốc muốn biến sân bay dự bị này thành một căn cứ không quân thường trực. Nhưng cũng có thể nó chỉ nhằm mục đích dự phòng và các khẩu đội tên lửa chỉ được bố trí đến đó khi cần thiết.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây