Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 45)

Hồ Bạch Thảo

10-12-2020

45. Vua Trần Anh Tông (1)

Niên hiệu: Hưng Long (1293-1314)

Tháng 3 năm Trùng Hưng thứ 9 [4/1293], tức Anh Tông năm Hưng Long thứ nhất, vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Thuyên tức vua Anh Tông.

Thái tử lên ngôi, xưng là Anh Hoàng, bầy tôi dâng tôn hiệu Ứng Thiên quảng vận nhân minh thánh hiếu Hoàng đế, tôn vua cha làm Hiếu nghiêu quang thánh thái Thượng hoàng đế, và tôn mẹ là Bảo Thánh hoàng hậu làm Khâm Từ bảo thánh hoàng thái hậu.

Tháng 9, Khâm Từ bảo thánh hoàng thái hậu là Trần thị mất. “Thái hậu hiền hòa, thông sáng, đối với người dưới, có lòng nhân từ. Thượng hoàng thường khi ngự ở vọng lâu để xem quân sĩ bắt hổ, thái hậu cùng các phi tần theo hầu. Bất thình lình con hổ xổng ra ngoài chuồng, chực nhảy lên lầu, mọi người đều sợ chạy; duy thái hậu vẫn ngồi tại chỗ, thượng hoàng lấy làm khen ngợi”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Về việc giao thiệp với nhà Nguyên, sau khi Thượng thư Trương Lập Đạo trở về nước, Vua Trần Nhân Tông sai Trần Đại Phạp sang triều cống; Nguyên Thế Tổ vẫn chưa bằng lòng, cho rằng nhà Vua chỉ dùng hư văn để từ chối việc sang chầu; nên sai sứ đoàn do Thượng thư bộ Lại Lương Tăng cầm đầu; tiếp tục gửi chiếu thư sang đe dọa:

Tháng 9 năm Chí Nguyên 29 [10/1292], sai sứ đoàn Thượng thư bộ Lại Lương Tăng, Lang trung bộ Lễ Trần Phu mang chiếu thư dụ Nhật Tôn [Vua Trần Nhân Tông] đến triều. Chiếu rằng:

Đã xem hết biểu văn của ngươi. Năm ngoái Thượng thư Trương Lập Đạo tâu rằng, từng đến An Nam, hiểu biết về sự thể, nên sai Lập Đạo đến nước ngươi. Nay tội lỗi của nước ngươi đã tự trình bày hết, Trẫm lại nói gì đây! Bảo rằng con cô còn đang chịu tang, và sợ chết vì đường sá gian hiểm, nên không thể đến triều. Nếu vậy thì con người ta sinh ra ở đời trường cửu an toàn mãi ư! Trong trời đất có đất nào là đất không chết. Điều này Trẫm chưa từng dụ, ngươi hãy nghe cho kỹ; đừng kéo dài năm tháng bao che bởi lời hư văn, xảo trá; như vậy thì đâu còn có lẽ phải nữa”. Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

(二十九年九月,遣吏部尚書梁曾、禮部郎中陳孚持詔再諭日燇來朝。詔曰:「省表具悉。去歲禮部尚書張立道言,曾到安南,識彼事體,請往開諭使之來朝。因遣立道往彼。今汝國罪愆既已自陳,朕復何言。若曰孤在制,及畏死道路不敢來朝,且有生之類寧有長久安全者乎。天下亦復有不死之地乎。朕所未喻,汝當具聞。徒以虛文歲幣,巧飾見欺,於義安在。)

Khi Lương Tăng trở về nước, dâng những thư biện luận cho Nguyên Thế Tổ xem, được vua Nguyên khen ngợi:

Ngày Canh Dần tháng 8 năm Chí Ngyên thứ 30 [8/9/1293], Lương Tăng, Trần Phu phụng sứ An Nam; cùng Sứ thần An Nam đến nước này. Khởi đầu Tăng đến An Nam; thành nước này có 3 cửa, Trần Nhật Tuân [Vua Trần Nhân Tông] muốn đón tiếp Sứ tại cửa bên, Tăng rất giận nói rằng: ‘Đón chiếu thư không dùng cửa giữa, như vậy làm nhục quân mệnh!’

Bèn gửi thư trách, thư qua lại đến 3 lần; cuối cùng phải tuân theo cửa chính; lại bảo phải đến triều cận nhưng Nhật Tuân không vâng lời, chỉ sai viên quan Đào Tử Kỳ, Lương Văn Tảo theo Tăng đến triều cống. Tăng dâng những thư biện luận với Nhật Tuân, khiến Thiên tử rất vui, cởi áo ban cho, lệnh ngồi bên trên. Hữu thừa Ha Nhĩ không bằng lòng, Thiên tử giận bảo rằng:

 ‘Lương Tăng 2 lần đi sứ ngoại quốc, dùng lời nói chấm dứt can qua; ngươi sao dám có thái độ như vậy!’

Lúc bấy giờ có Thân vương từ Hòa Lâm tới; Thiên tử mệnh rót rượu đưa cho Tăng trước và bảo Thân vương rằng:

‘Việc ngươi làm chỉ có ích cho ngươi mà thôi, còn việc làm của Lương Tăng có ích cho cả ta và ngươi, nên không thể coi thường để sau’.

Có kẻ tâu sàm rằng An Nam đưa hối lộ cho Tăng, Thiên tử đem việc này hỏi Tăng, Tăng đáp:

‘An Nam dùng vàng, tiền, đồ vật đưa cho thần, nhưng thần từ chối, đã nói việc này với Đào Tử Kỳ.’

Thiên tử nói: “Nhận cũng có thể được”. Tục Tư Trị Thông Giám của Tất Nguyên, quyển 191.

 

(八月,庚寅,奉使安南國梁曾、陳孚以安南使臣偕來。

初,曾等至安南,其國有三門,陳日燇欲迎詔自旁門入,曾大怒曰:「奉詔不由中門,是辱君命也!」貽書責之,往復者三,卒從中行,且諷之入朝,日燇不從,遣其臣陶子奇、梁文藻偕曾等來貢。曾進所與日燇辨論書,帝大悅,解衣賜之,令坐地上。右丞阿爾意不然,帝怒曰:「梁曾兩使外國,以口舌息干戈,爾何敢爾!」時有親王至自和林,帝命酌酒先賜曾,謂親王曰:「汝所辦者汝事,梁曾所辦者吾與汝之事,汝勿以為後也。」或讒曾受安南賂遺,帝以問曾,曾曰:「安南以黃金、器幣、奇物遺臣,臣不受,以屬陶子奇。」帝曰:「受之亦何不可!」

廷臣以日燇終不入朝,遂拘留子奇於江陵,命劉國傑與諸王伊勒吉岱等整兵聚糧,覆議伐之。)

Sau khi sứ đoàn Lương Tăng thất bại trong việc gây áp lực, Nguyên Thế Tổ sai Dương Quốc Kiệt chuẩn bị cuộc xâm lăng lần thứ 4; vào tháng 8 năm Chí Nguyên thứ 30 [1293] xin tái lập hành tỉnh Hồ Quảng; nhưng rồi Thế Tổ mất, phải dừng việc binh đao:

Năm thứ 30 [1293], Lương Tăng đi sứ trở về, Nhật Tôn sai Sứ thần Đào Tử Kỳ đến cống; đình thần cho rằng Nhật Tôn không chịu đến triều, nên bàn mang quân đánh. Rồi giữ Tử Kỳ tại Giang Lăng; mệnh Dương Quốc Kiệt cùng bọn Vương chư hầu Diệc Cát Lý chinh phạt An Nam; sắc sai đến Ngạc châu, cùng bàn với Trần Ích Tắc. Tháng 8 bọn Bình chương Bất Hốt Mộc tâu xin lập Hành tỉnh Hồ Quảng. Cấp 2 ấn, 1.000 thuyền Thị Đản 100 hộc, dùng 56.570 quân, lương 35 vạn thạch, thức ăn cho ngựa 2 vạn thạch, 21 vạn cân muối, dự bị cung cấp lương bổng cho quan quân, quân nhân thuỷ thủ được cấp tiền 2 đỉnh, khí giới có hơn 70 vạn thứ. Quốc Kiệt lập bộ tham mưu 11 người, điều quân thuỷ lục cùng tiến. Lại dùng Hành khu mật viện phó sứ Giang Tây Triệt Lý Man làm Hữu thừa đánh An Nam; cùng lệnh Trần Nghiễm, Triệu Tu Kỷ, Vân Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng làm cộng sự. Trần Ích Tắc theo quân đến Trường Sa, rồi có lệnh dừng bỏ việc binh”. Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

(三十年,梁曾等使還,日燇遣陪臣陶子奇等來貢。廷臣以日燇終不入朝,又議征之。遂拘留子奇於江陵,命劉國傑與諸侯王亦吉里等同征安南,敕至鄂州與陳益稷議。八月,平章不忽木等奏立湖廣安南行省,給二印,市蜑船百斛者千艘,用軍五萬六千五百七十人、糧三十五萬石、馬料二萬石、鹽二十一萬斤,預給軍官俸津、遣軍人水手人鈔二錠,器仗凡七十餘萬事。國傑設幕官十一人,水陸分道並進。又以江西行樞密院副使徹里蠻為右丞,從征安南,陳巖、趙修己、雲從龍、張文虎、岑雄等亦令共事。益稷隨軍至長沙,會寢兵而止。)

Sử nước ta chép về các sự kiện nêu trên như sau:

Trước đây, Đại Phạp sang nhà Nguyên đính ước đến năm sau nhà vua sẽ sang chầu, nhưng nhà vua không quả quyết đi, nên nay nhà Nguyên lại sai Lại bThượng thư Lương Tăng, Lễ bộ thượng thư Trần Phu sang nước ta. Khi đến nơi, nhà vua muốn cho sứ bộ đi theo cửa bên cạnh vào triều, Lương Tăng không nghe, trở đi trở lại đến ba lần, sau mới cho đi cửa giữa. Lương Tăng trách nhà vua chỉ có giấy tờ suông trang sức những lời xảo trá, và khuyên vào chầu, nhưng nhà vua không theo, rồi sai Đào Tử Kỳ đem phẩm vật địa phương sang cống. Bầy tôi nhà Nguyên lấy cớ rằng nhà vua nhất định không chịu sang chầu, nên người nào cũng bàn đem quân sang đánh, họ bắt giam giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng [tỉnh Hồ Bắc] rồi hạ lệnh cho Lưu Quốc Kiệt cùng các vương là bọn Y Lặc, Cát Đại chỉnh bị binh lương, chia đường cùng tiến, lại sai Ích Tắc đi theo. Khi quân đến Trường Sa, thì gặp lúc Thế Tổ nhà Nguyên mất, Thành Tông lên làm vua, bèn bãi binh, cho Tử Kỳ về nước”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 5 Chí Nguyên thứ 31 [6/1294] vua Thành Tông lên ngôi; mệnh bãi chinh phạt, cho Đào Tử Kỳ về nước. Vua Trần Anh Tông sai sứ dâng biểu ai điếu, cùng hiến sản vật địa phương. Tháng 6 [7/1294] sai Thị lang bộ Lễ Lý Khản, Lang trung bộ Binh Tiêu Thái Đăng mang chiếu đến phủ dụ:

Tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 31 [1294] Thiên tử băng (Nguyên Thế Tổ), vua Thành Tông nối ngôi, ra lệnh bãi binh. Sai Thị lang bộ Lễ Lý Diễn, Thị Lang bộ Binh Tiêu Thái Đăng phụng sứ sang An Nam để ban chiếu thư, xá Thế tử tội, cùng tha S thần Đào Tử Kỳ về nước”. An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên Phụng Sứ.

(至元三十一年正月上崩成宗皇帝即位诏罢兵遣礼部侍郎李思衍兵部侍郎萧泰登使安南赍诏赦世子罪放来使陶子竒还国)

Bọn Tiêu Thái Đăng đem chiếu chỉ cho vua Anh Tông, nguyên văn như sau: “Tháng 4 năm Chí Nguyên thứ 31 [1294], chiếu chỉ của Thành Tông Hoàng đế dụ họ Trần nước An Nam.

Tiên Hoàng đế vừa mới lìa thiên hạ, Trẫm nối dõi phụng sự đại thống; ở ngôi cao ban ơn rộng rãi, không phân biệt xa gần nội ngoại. Riêng nước An Nam cũng được khoan hồng, đã sắc cho ty đường quyền bãi binh, Bồi thần Đào Tử Kỳ được tha về; ban mệnh cho Thị lang bộ lễ Lý Tư Diễn, Lang trung bộ binh Tiêu Thái Đăng đến dụ; từ nay trở đi nhớ suy ngẫm sợ trời, thờ nước lớn. Vậy ban chiếu để hiểu rõ”. An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên Chiếu Chế.

(至元三十一年四月成宗皇帝圣㫖谕安南国陈诏

先皇帝新弃天下朕嗣奉大统践祚之始大肆赦宥恩沛所及无内外逺迩之间惟尔安南亦从寛贷已勅有司罢兵陪臣陶子竒即与放还兹命礼部侍郎李思衍兵部郎中萧泰登赍诏往谕自今以往所以畏天事大者其审思之故兹诏示念宜知悉)

Nhân dịp này Tiêu Thái Đăng soạn một bài tự về chuyến đi Giao Châu, xin trích dẫn nội dung:

“Bài tự của Sứ thần Tiêu Thái Đăng [ tự Phương Nhai] về chuyến đi Giao Châu.

(Tiêu Phương Nhai Sứ Giao Lục tự)

“… Nay Hoàng đế thi hành việc chính trị thể theo đạo trời, làm sáng thêm đức sáng của Tiên đế, đại xá thiên hạ, dùng tờ chiếu văn dài chỉ hơn một thước, sai hai đại thần phụng sứ chốn xa xôi, khiến uy danh Thiên tử vang lừng nơi núi sông hiểm trở. Đến biên giới được trọng thần nghênh tiếp, vào trong nước thì hoàng tộc khom gối thi lễ, đến sứ quán thì quốc chúa đến thăm. Kẻ hầu cận đi lại khúm núm sợ sệt; có kẻ đứng yên lặng sau màn, đợi gọi bước ra, khấu đầu bái lạy như là tại cung khuyết vậy. Rồi dâng biểu xưng thần, đồ phương vật đem tiến cống trước, không bao giờ dám chậm trể. Trung Quốc vẽ vang chưa bao giờ rạng rỡ như vậy! Nếu không được truyền tụng vĩnh cửu, thì lấy gì để tuyên dương thánh hóa! Nay bắt đầu từ Thượng quận [kinh đô] tới An Nam, phàm núi sông châu quận, lễ nhạc nhân vật, ải xưa vật cũ, cách cai trị cùng phong tục khác lạ, kỳ hoa dị thảo, nhân tình thế thái, thuốc thang trị bệnh đều tuần tự biên chép thành tập. Lại riêng đặt chiếu thư vào đầu sách; kế đến là biểu văn của Thế tử nước An Nam, có ghi các cống vật; cùng thơ văn tống tiễn của các bậc lão thành được đính theo sau; lại có thơ văn thù ứng ngâm vịnh, phụ lục vào cuối sách. Nhắm để hậu thế biết rằng Thánh đế có hàng vạn nước qui phụ và giúp cho các sứ giả cùng các quan lại đến làm việc tại các xứ xa xôi có chỗ để tham khảo; chứ không phải chi riêng Thái Đăng nầy được vinh dự mà thôi đâu! Xưa Thái Sử Công [Tư Mã Thiên] đi khắp thiên hạ, phía nam trên sông Giang, Hoài, phía bắc vượt quá Trác Lộc; Thái Đăng nầy phía bắc tự Khai Bình, phía nam đến Giao Chỉ; chuyến du lịch kỳ tuyệt nầy mở đầu bình sinh của Thái Đăng về việc ghi chép thực lục “. An Nam Chí Lược, quyển 3.

(萧方崖使交録序

今上皇帝体元居正重明作离大赦天下以赍诏遣臣辈逺使絶域山川险阻天威赫然及境而重出迓返郭而式国族跣足及馆而国王亲访奔走骇汗屏息听诏拜舞叩头如在阙廷上表称贺罔敢后时中国之隆未有如斯若不传之永久何以昭宣圣化用自上都至安南州郡山川人物礼乐异政殊俗怪草竒花人情治法愈病药方逐日编次通成一集钦録圣诏冠乎集首次以安南世子回表贡物及朝中诸老送行诗章编次于后间有行酧纪咏亦借附集末庶使后世知圣代臣妾万国之盛而出使为宦者亦有所考焉非徒为泰登遭遇之荣也太史公迹遍天下南渡江淮北过涿鹿泰登北自开平南至交址兹游竒絶足冠平生之纪实也)

Vì phải tốn thời gian thu xếp hành trình, nên sử nước ta ghi vào tháng 2, năm Hưng Long thứ 3 [1295]. Sứ thần nhà Nguyên mới đến nơi:

Thành Tông nhà Nguyên mới lên làm vua, sai thị lang Lý Khản và Tiêu Thái Đăng đem thư sang nước ta, đại lược nói: “Thiên tử mới lên ngôi, ra ơn đại xá, đã hạ lệnh cho các quan có trách nhiệm phải bãi binh. Vậy tự nay về sau nên nhớ kỹ đến cái đạo sợ uy trời, thờ nước lớn”. Nhà vua sai Viên ngoại lang là Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo sang bên Nguyên đáp lễ”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Toàn Thư ghi rõ hơn, khi phái đoàn Tiêu Thái Đăng trở về nước, Vua sai Sứ thần Trần Khắc Dựng, Phạm Thảo đi theo, và nhận được kinh Đại Tạng:

Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, sứ Nguyên Tiêu Thái Đăng sang. Vua sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại Tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hànhToàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 3a.

Sử Trung Quốc cũng chép tương tự về việc Sứ thần nước ta sang triều cống đáp lễ:

Ngày mồng một tháng 3 năm Thành Tông Nguyên Trinh thứ nhất [17/3/1295], Thế tử An Nam Trần Nhật Tuân sai Sứ dâng biểu an ủi nước có tang; lại dâng thư tạ ơn khoan thứ cùng hiến sản vật địa phương”. Tục Tư Trị Thông Giám quyển 192.

三月,乙巳朔,安南世子陳日燇遣使上表慰國哀,又上書謝寬貰恩,並獻方物。

Vào tháng 7, năm Hưng Long thứ 2 [8/1294] Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải mất, Cương Mục chép một cách trọng thể như sau:

Quang Khải có học thức, thông hiểu tiếng nói các dân tộc người Phiên, mỗi khi có sứ thần Trung Quốc đến, được sung vào công việc giao tiếp. Trước kia, Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà La, Quang Khải đi theo. Gặp khi ấy sứ thần Trung Quốc đến, Thái tông triệu Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đến bảo rằng:

‘Thượng tướng [Trần Quang Khải] theo quan gia [chỉ Vua] đi đánh giặc, trẫm muốn phong cho nhà ngươi làm Tư đồ, sung vào việc ứng tiếp’. Quốc Tuấn thưa rằng:

‘Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc phong chức tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, mà bệ hạ tự ý tư phong chức tước, tôi e rằng đối với tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thoả’.

Việc ấy mới thôi. Quang Khải với Quốc Tuấn trước vốn không hòa hiệp với nhau, sau đó một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay gội tắm, Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải, rồi nói:

‘Hôm nay được tắm cho thượng tướng’.

Quang Khải cũng nói:

‘Hôm nay được quốc công tắm rửa cho’.

 Tự bấy giờ hai người chơi với nhau thân mật lắm.

Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn. Khi mất, hưởng thọ 54 tuổi, có sáng tác tập thơ Lạc đạo lưu hành ở đời. Con cháu Văn Túc vương Đạo Tái cũng có tiếng là người văn hay, cháu là Uy Túc hầu Văn Bích từng làm quan đến thái bảo; chắt là Chương Túc hầu Nguyên Đán danh vọng cũng lừng lẫy. Xem như thế thì phúc đức của gia đình Trần Quang Khải sâu rộng bền bỉ, từ trước đến sau lúc nào cũng gắn liền với cơ nghiệp nhà Trần”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương [không rõ tên] làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao; Ngũ Lão được ban kim phù.

Tháng 9. Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất. Đinh Củng Viên học rộng văn hay, nhà vua rất kính trọng, không bao giờ gọi thẳng tên; lúc mất được truy tặng Thiếu phó.

Tháng 6, năm Hưng Long thứ 3 [1295] Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Ai Lao trở về nước, rồi phát tâm xuất gia:

Thượng hoàng từ Ai Lao trở về, rồi xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (1), sau lại trở về kinh sư. Khi bấy giờ Khâm Từ thái hậu đã mất rồi, Tuyên Từ thái hậu (2) tính nóng nảy, ráo riết dạy bảo có phần nghiêm ngặt, nhà vua chỉ một mực kính cẩn tuân theo. Thượng hoàng khen là người có hiếu, nói rằng:

 ‘Trẫm không xứng đáng xưng là “Hiếu hoàng” (3) nên đem danh hiệu ấy xưng hô quan gia mới phải“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 8, mở kỳ thi con các quan văn. Quan văn từ hàng “miện, sam” (4) trở xuống, các con trai đều được vào thi, ai trúng tuyển được sung bổ vào nha thuộc.

Vào đầu năm Hưng Long thứ 4, tức nhà Nguyên năm Nguyên Trinh thứ 2 [1296], Hoàng Thánh Hứa tại châu Thượng Tứ tỉnh Quảng Tây nỗi dậy, bị quân Nguyên đánh đuổi, bèn chạy sang nước ta trốn tránh:

Ngày Kỷ Mão tháng giêng năm Nguyên Trinh thứ 2 [14/21296]; phản tặc Hoàng Thánh Hứa tại châu Thượng Tứ cướp phá các trại Thủy Khẩu, Tư Quang. Hành tỉnh Hồ Quảng mang quân đến đánh, bắt được đồng đảng Hoàng Pháp An; giặc trốn vào Thượng Nha, Lục La”. Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 192.

(上思州叛賊黃勝許攻剽水口、N思光寨,湖廣行省調兵擊之,獲其党黃法安等,賊遁入上牙六羅.)

Ngày Bính Ngọ tháng 6 năm Nguyên Trinh thứ 2 [10/7/1296], An Nam sai người chiêu dụ phản tặc Hoàng Thánh Hứa; Thắng Hứa trốn vào nước này”. Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 192.

(丙午,安南遣人招誘叛賊黃勝許,勝許遁入其國.)

Việc tranh chấp tại biên giới kéo dài đến gần cuối đời Vua Anh Tông [1309]; bấy giờ viên quan nhà Nguyên đảm trách đánh dẹp là Bình chương Lưu Nhị Bạt Đô bèn gửi bức thư dưới đây cho An Nam; hăm dọa, đòi phải bắt Hoàng Thành Hứa giao nạp:

Bình Chương Lưu Nhị Bạt Đô gửi thư cho An Nam về việc tiễu bình Hoàng Thành Hứa.

(Bình chương Lưu Nhị Bạt Đô Bình Hòang Thành Hứa dữ An Nam thư)

Từ khi nhà Tống mất, các khe động đến triều cống, đến nay đã hơn hai mươi năm (5). Có lúc không đến nạp cống, triều đình cũng cho là châu ky my (6) nên bỏ qua, đặt ra ngoài phép tắc. Do đó mấy năm gần đây, bọn Hoàng Thánh Hứa âm mưu cấu kết với dân Giao Chỉ ngòai biên cảnh, không chịu thần phục triều đình; bởi vậy ta cho mở chiến dịch hành quân vùng ven biển. Không ngờ Chấp sự (7) dung nạp kẻ làm phản nước ta, tự gây hấn tại vùng biên giới. Hoàng Thánh Hứa là bọn chấp mê, càn dở phóng túng; chẳng khác gì vác nỏ bắn trời, đốt phá xã tắc. Ta cảm thấy lo dùm cho chấp sự; giống như nuôi hổ tại nhà để mong tự vệ; hoặc lấy tay cầm lưởi đao Thái A, nhường cho người giữ đầu cán; rõ ràng không phải là điều lợi cho bản thân, tuy người ngu cũng hiểu như vậy! Ngày mồng 8 tháng 11 năm Chí Đại thứ nhất [21/11/1308], ngày 11 tháng 2 năm thứ hai [23/3/1309] đã hai lần sai sứ đưa thư hiểu dụ với những ý nêu trên, nhưng chờ đợi lâu mà vẫn không có thư hồi báo, lý do bởi tại đâu? Phàm đất Thượng Tứ của Hòang Thánh Hứa lấy dài bù ngắn thì trung bình mỗi chiều khỏang vài trăm dặm, nếu tính theo hộ thì dân cư không đến 5000 nóc nhà, sống trốn tránh nơi bưng biền, như vậy mà chấp sự lại viện trợ cho họ! Trung Quốc có cả thiên hạ rộng rãi, dân cư gồm 4 biển; so với bọn nhãi ranh Thượng Tứ đâu lớn đâu nhỏ, đâu khinh đâu trọng đã rõ ràng. Chổ khinh trọng phân biệt sự dễ khó; chổ lớn nhỏ phân biệt phân biệt sự an nguy. Không biết Chấp sự theo điều khó để được yên ổn, hay theo dễ để gặp nguy nan? Theo kế hiện nay, sách lược gồm có 3 phương do Chấp sự tự chọn lấy:

Tên Hòang Thành Hứa kia trời đất không dung, thần dân đều giận, thóat thân chạy trốn, nhờ vả vào uy linh của Chấp sự; giống như chó chết bị dây xiết cổ, không cần phải dùng binh, trói cổ y dẫn đến đầu hàng, hai nước thông hiếu như xưa, đó là thượng sách!

Địa giới Thượng Tứ sát liền với đất của Chấp Sự (8), hoặc phía trái phía phải có một hai động làm quấy, dấu diếm bọn họ cũng chưa biết chừng. Chấp sự nên nhân cơ hội nầy, cho quân đánh úp đừng để tẩu thóat, rồi mang đầu Hòang Thành Hứa đem hiến, đó là trung sách!

Dùng bọn gian tà làm môi răng, lấy bọn giặc hải đảo làm phên dậu; bí mật ủng hộ không chịu phát hiện, do dự hồ nghi bất quyết; đối nội thì mắc tội dung dưỡng bọn gian tà phản lọan, đối ngọai thì mất đạo nghĩa nước nhỏ thờ nước lớn; ngồi đợi thắng bại, đứng tại ngả ba không chọn rõ hướng đi, đó là hạ sách!

Nếu quả chọn theo hạ sách, ắt ta phải tâu trình; lúc đó uy trời khó mà biết được, có thể mang quân khiển phạt. Vậy Chấp sự nên tu tạo nhiều chiến hạm, đắp cao thành trì, đợi quân ta tới; tuy nước ngươi có mưu kế quỉ quyệt thì cũng không thể thi thố như trước kia được! (9) Có gì nói đây? Đánh dẹp kẻ có tội, không phải không có lý do; quân ngay thẳng thì trở nên mạnh bạo; cái thế được thua thấy được rõ ràng! Một lần uy trời hươi qua lên, các đạo quân cùng tiến, dày xéo đất đai nước ngươi, tiêu táng gia thất các ngươi; với thành trì nhỏ như tổ kiến không thể chống cự với Vương sư được. Rồi Chấp sự chắc cũng theo con đường cũ, mang bài vị tổ tiên, dắt díu nhân dân, kéo già bế trẻ trốn tránh chổ khác, khiến sinh linh chịu đồ thán! Há lại vì một tên thất phu Hòang Thánh Hứa, khiến người vô tội mang họa! Trách nhiệm đối với nhân dân, với xã tắc đáng như vậy ư! Ta nay đóng quân tại Tĩnh Giang (10), vẫn ở nơi biên cảnh nầy để chờ sứ giả tới. Thư tuyên bố khẩn cấp, không thể nói dông dài; mong Chấp sự thận trọng chọn lựa”. An Nam Chí Lược, quyển 5.

(平章刘二巴图平黄圣许与安南书自宋氏亡国溪洞纳欵将二十馀年虽贡弗修圣朝以为羁縻州郡置之度外顷岁以来致使黄圣许隂结外境之交内蓄不庭之志我是以有海隅之役不意执事纳我叛臣自开边衅如圣许者蛊惑羣小妄肆猖狂与夫射天棰地斩社稷而焚之者何以异我故为执事忧之如养虎于家欲以自卫倒持太阿授人以柄诚不为利于己也明矣虽至愚亦知其所以然矣奚以言之讨叛以罪不为无名师直则壮胜负乃分天戈一麾数道并进蹂践尔土地剥丧尔家室而区区蚁封之域不能与天子之师抗衡也必矣而执事亦必蹈前日之辙载尔神主率尔人民扶老携㓜奔遁他所以致生灵肝胆涂地岂有为一匹夫而使无辜横罹其祸为社稷人民主当如是耶我今驻师静江留此境土以待行李之来临书布恳不计繁喋唯执事慎择焉)

Vào tháng 3 năm Hưng Long thứ 4 [4/1296], một viên quan lớn đánh bạc, bị đánh chết. Sử thần Phan Phù Tiên nhận xét rằng thời đầu triều Trần pháp luật nghiêm, tội đánh bạc bị xử nặng; đến đời Trần Du Tông cho đánh bạc trong cung, người ta học theo điều dở, đi đến chỗ mất nước:

Mùa xuân, tháng 3, Thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, [vua sai] đánh chết.

 Phan Phu Tiên nói: Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi là những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 4a.

Nhân Huệ Vương Khánh Dư là tướng giỏi, có công lớn đánh tan thuyền lương của của quân Nguyên tháng 12 năm Trùng Hưng thứ 4 [1/1288]; nhưng ông vấp phải nhược điểm tham ô. Thời làm trấn thủ Vân Đồn, bị mang tiếng bắt dân mua nón Ô Lôi với giá cao, nay lại bị người trong trấn kiện vì tham lam; khi bị đàn hạch lại tỏ ra không hối hận:

Nhân Huệ Vương Khánh Dư từ Bài Áng vào chầu. Người trong trấn kiện Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên.

Khánh Dư nhân đó tâu vua:

Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?.

 Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 4a.

Vào năm này được mùa, tổ chức đua thuyền trên sông Hồng, tại Đông Bộ Đầu tức Dốc Hàng Than, Hà Nội:

Mùa thu, tháng 7 [8/1296], vua [4b] ngự đến Đông Bộ Đầu xem đua thuyền. Được mùa to”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 4a.

______

Chú thích:

1. Vũ Lâm: thuộc xã Vũ Lâm, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình, ở đây núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, chu vi núi non rộng đến vài mươi mẫu, bên ngoài có con sông nhỏ quanh co khuất khúc, thông vào trong hang núi, thuyền nhỏ có thể chở vào được.

2. Khâm Từ là mẹ Vua Anh Tông, Tuyên Từ làm gái Khâm từ, tức dì ruột nhà Vua.

3. Hiếu hoàng: Vua có hiếu.

4. Miện, sam: Theo Cương Mục, miện là phẩm phục của người giữ chức Hiệu thư; sam là phẩm phục của người giữ chức Bạ thư. Những người được dùng phẩm phục này, đều vào hàng quan văn, danh vị hơi cao.

5. Nhà Tống mất vào năm Kỹ Mão (1279), sự việc xẩy ra sau hơn 20 năm, tức vào khỏang đầu thế kỷ thứ 14 dưới trìêu vua Trần Anh Tông.

6. Ky my đô hộ: chính sách ràng buộc lỏng lẻo không thực sự cai trị, đối với những nước mà Trung Quốc chưa chiếm được.

7. Chấp sự: lời xưng hô đối với người có địa vị, giống như từ “các hạ”

8. Câu văn nầy rất quan trọng, xác định biên giới nước ta dưới thời nhà Trần giáp với Thượng Tứ Trung Quốc, theo bản đồ hiện nay thì Thượng Tứ Trung Quốc cách biên giới nước ta tại Lộc Bình khoảng 130 km về phía đông bắc; như vậy trong quá trình lịch sử từ đời Trần đến nay, nước ta đã mất một số đất đai lớn tại vùng biên giới đông bắc.

9. Đòn đau nhớ dai! Lúc viết những dòng nầy, viên tướng Mông Cổ Lưu Nhị Bạt Đô vẫn còn bị ám ảnh bởi những thất bại trước kia tại nước ta!

10. Đời nhà Nguyên lập Tĩnh Giang Lộ Tổng Quản Phủ tại tỉnh Quảng Tây.

Bình Luận từ Facebook