Sĩ quan quân đội nhậu say, gây tai nạn cho dân, trốn trách nhiệm

Trần Thanh Quân

10-1-2021

Mới đây trang facebook chị Trần Cơ kể lại câu chuyện mẹ của chị bị sĩ quan quân đội gây tai nạn giao thông. Nhưng phía công an không dựng lại hiện trường và cũng không giám định thương tật cho mẹ chị. Còn người gây tai nạn thì không bồi thường, trốn tránh trách nhiệm.

Đáng nói, người đụng mẹ chị là một sĩ quan mang hàm trung uý, đang công tác tại trường Sĩ quan Lục quân II, Biên Hoà, Đồng Nai với chức vụ trung đội trưởng. Hiện trường vụ tai nạn cũng gần với trường này, vậy tại sao cán bộ của trường không báo cơ quan chức năng ngay khi phát hiện vụ việc?

Ảnh: nạn nhân, bà Bùi Hoài Thu nằm viện sau khi bị tai nạn. Nguồn: Facebook con gái bà Thu

Hành trình đi tìm công lý cho mẹ

Chị Cơ cho biết, khoảng 22h20, ngày 10/10, trên đoạn đường gần trường Sĩ quan Lục quân II (phường Tam Phước, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai), mẹ chị đang ngồi sau xe máy của bạn đi công việc gần nhà, bỗng bị một xe máy khác tông mạnh từ phía sau vào lưng, khiến bà bị văng khỏi xe, đập lưng xuống đường. Người tông từ phía sau là một sĩ quan, người nồng nặc mùi cồn, anh này cũng bị té và nhập viện, hôm sau thì anh ta xuất viện sớm.

Hậu quả là một đốt sống của mẹ chị bị gãy thành nhiều mảnh nhưng không mổ được, thêm một đốt khác bị trượt. Bác sĩ phải cho cố định bằng đinh. Tỷ lệ thương tật chưa xác định nhưng bác sĩ yêu cầu phải nghỉ ngơi một năm mới đi lại tốt được. Còn công việc giữ trẻ của bà có thể sẽ không thể tiếp tục được nữa.

Ảnh: Giấy chứng nhận thương tích (từ facebook Cơ Trần, con gái bà Thu)

Trong 3 tháng từ khi xảy ra tai nạn, chị Cơ phải vừa ở bệnh viện với mẹ, vừa về Đồng Nai (nơi xảy ra tai nạn) để tìm nhân chứng. Chị cũng đến trạm xá, bệnh viện Đồng Nai, trường Sĩ quan Lục Quân, công an phường, công an thành phố Biên Hòa để tìm hiểu xem phải làm thế nào để đòi lại công bằng cho mẹ.

Tuy nhiên, chị gặp nhiều rắc rối khi phải đối diện với cơ quan chức năng. Phía công an hỏi là tại sao ngay lúc đó không báo công an giữ hiện trường, có camera ghi hình không?

Chị Cơ cho rằng vì chị ở xa, mẹ gặp nạn thì được người dân đưa ngay tới bệnh viện. Khi chị hỏi thì người dân bảo là đã báo công an rồi nên chị không nghĩ gì thêm và chỉ tập trung lo cho tính mạng chứ không kịp nghĩ tới công an. Đáng tiếc là cả đoạn đường lớn dẫn vào trường của Bộ Quốc phòng cũng không có camera. Tuy nhiên chị vẫn có được đoạn video người dân ghi lại một đoạn cảnh tai nạn.

Ảnh: cơ quan công an Biên Hoà yêu cầu trường Sĩ quan Lục quân 2 xử lý.
Ảnh: trường Sĩ quan Lục quân 2 từ chối trách nhiệm và đẩy về phía công an giải quyết.

Cơ quan công an phường hướng dẫn phải lên công an thành phố, công an thành phố lại yêu cầu lên trường Sĩ quan Lục quân 2, “để giải quyết theo thẩm quyền”. Nhưng khi lên trường Sĩ quan Lục quân 2, nơi đơn vị của người gây tai nạn công tác, thì nơi này cũng tỏ ra bảo vệ nhân viên của mình, đùn đẩy trách nhiệm cho phía công an. Yêu cầu nạn nhân đến chính quyền địa phương trình bày.

Đó là chưa kể đến việc viên trung uý trung đội trưởng gây ra tai nạn đã cố tình không nhận lỗi trong những lần chị Cơ tìm đến đơn vị anh này đối chất. Và cũng không một lời thăm hỏi trong suốt thời gian mẹ chị nằm viện. Cho đến khi…

Không chấp nhận bất công

Sau khi phía nạn nhân có động thái gõ cửa nhiều cơ quan chức năng thì phía viên trung uý và gia đình của anh ta bắt đầu có động thái muốn thương lượng. Đã có nhiều cuộc hẹn với nạn nhân, với mong muốn được bãi nại. Tuy nhiên, ban đầu thì họ dùng từ “hỗ trợ” để tránh né trách nhiệm. Họ muốn “hỗ trợ 30 triệu” giúp mẹ chị Cơ. “Hỗ trợ” có nghĩ là họ phủ nhận việc tông xe từ phía sau, “hỗ trợ” nghĩa là họ muốn làm việc tốt chứ không phải do lỗi của họ.

Có thể họ nghĩ gia đình chị Cơ đơn chiếc, không quyền, không thế, chỉ có bà mẹ nuôi 2 đứa con. Còn họ là gia đình cách mạng, là cán bộ nhà nước, là những người có địa vị cao trong xã hội. Nhưng thời gian trôi qua, với sự mạnh mẽ và không lùi bước của mình, với mong muốn mẹ mình nhận được lời xin lỗi và công lý, chị Cơ đã tìm ra được nhiều bằng chứng, ghi âm để khiến họ phải đổi từ “hỗ trợ” sang “bồi thường”.

Bồi thường nghĩa là họ nhận họ có lỗi. Nhưng trong quá trình thương lượng, họ đưa ra điều kiện là chỉ “bồi thường” 100 triệu kèm điều kiện bãi nại, để sự nghiệp thăng tiến của viên sĩ quan trung uý được hanh thông. Chị Cơ cho rằng 100 triệu như một số tiền bố thí, vì so với thương tật vĩnh viễn của mẹ chị thì số tiền đó thật rẻ rúng, họ muốn lấy tiền ra để phủi sạch trách nhiệm.

Ảnh: bà Bùi Hoài Thu, mẹ chị Cơ đang ngồi xe lăn chờ cơ quan công an xử lý.

Viết trên facebook cá nhân, chị vẫn tin vào công lý, vẫn muốn tiếp tục đấu tranh vì muốn mẹ phải được giám định thương tật và dựng lại hiện trường. Để đúng sai được rõ ràng, để mẹ chị nhận được một lời xin lỗi từ tận đáy lòng, chứ không phải nhận những khoản tiền bố thí vô nhân kia.

Cuộc đấu tranh vì công lý với tấm lòng hiếu thảo của chị Cơ thật đáng khâm phục. Người viết mong rằng, bài viết này sẽ được lan toả đến nhiều người để tiếp thêm động lực cho chị và gia đình trên con đường dài phía trước.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Côn an và quân hại nhân dân là một, xác Hồ có thể rữa nhưng chân lí ấy không bao giờ thay đổi, Công và Quân đều là con một đảng, phương châm còn đảng còn nồi. Thế nên dân mình còn đớn đau dài dài.

Comments are closed.