Thông tin xét xử vụ án Nhóm Hiến pháp

Đặng Đình Mạnh

9-1-2021

Ba ngày sau ngày xét xử vụ án đối với Hội Nhà báo Độc lập, thì ngày 08/01/2021, một vụ án chính trị khác của nhóm Hiến pháp cũng đưa ra xét xử bởi Tòa án Cấp cao tại TP.HCM theo thủ tục hình sự phúc thẩm, với các ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Lê Quý Tộc, Hồ Đình Cương và Ngô Văn Dũng (Dũng Biển Mặn). Họ là bốn trong số tám người thuộc nhóm Hiến pháp có kháng cáo bản án sơ thẩm mà Tòa án TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vào hạ tuần tháng 07/2020.

Nhóm Hiến pháp bị cáo buộc với tội danh “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ Luật Hình sự. Đây là tội danh nằm trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Phiên tòa phúc thẩm có ba luật sư tham gia bào chữa gồm:

– LS NGUYỄN VĂN MIẾNG bào chữa cho bà NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH và ông LÊ QUÝ LỘC.

– LS NGUYỄN KHẢ THÀNH bào chữa cho bà NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH.

– LS ĐẶNG ĐÌNH MẠNH bào chữa cho ông HỒ ĐÌNH CƯƠNG và NGÔ VĂN DŨNG.

An ninh quanh khu vực trụ sở tòa án cấp cao được siết chặt đến nghẹt thở. Bên ngoài tòa nhà, trong sân, trong sảnh và trong khán phòng xét xử dày đặc người mặc cảnh phục lăm lăm các dụng cụ hỗ trợ an ninh. Đáng nói, có cả một viên trung tá cảnh sát của lực lượng canh giữ đeo súng ngắn bên hông người vào đến tận bục khai báo để nhắc nhở luật sư đang trao đổi với thân chủ của mình. Bên cạnh đó, vô số nhân viên an ninh mặc thường phục với bộ đàm trong tay, ánh mắt nhìn dò xét nghiêm trọng. Trụ sở tòa án vốn là một tòa nhà đồ sộ dường như “chìm lỉm” giữa rừng người ấy. Đương nhiên, các phương tiện điện tử, laptop và điện thoại cầm tay đều buộc phải gởi lại bên ngoài phòng xét xử.

Thân nhân của những người bị xét xử được tạo điều kiện theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi ở một phòng trong khuôn viên tòa án. Đồng thời, có vài viên chức lãnh sự người nước ngoài cũng đến dự phiên tòa.

Trong phiên tòa, cả bốn người đều chọn kháng cáo theo hướng vô tội. Rằng, họ chỉ thực hiện quyền tự do biểu tình của mình theo Hiến pháp quy định để biểu đạt ý chí về hai vấn đề: Phản đối Luật Đặc khu và đường lưỡi bò của Trung Quốc áp đặt lên biển đông.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc khi trong sự chuẩn bị biểu tình của họ lại bao gồm cả việc chuẩn bị hung khí, gồm vài chiến nhẫn tự chế có mũi nhọn kim loại và một số đèn pin (cũng tự chế) có khả năng phóng điện do một người “gợi ý” và gởi họ lưu giữ.

Sau phần tranh luận đầu của hai luật sư, thì một thẩm phán thuộc thành viên hội đồng xét xử chợt lên tiếng ưu ái cho vị công tố bằng cách chỉ điểm về nội dung mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa giữa hai luật sư để tranh luận.

Đến quá trưa, sau phần nghị án, hội đồng xét xử trở ra tuyên đọc bản án. Trong đó, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo vô tội của cả bốn người, giữ nguyên phần hình phạt với từng người như sau:

1. Bà NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH 08 năm tù giam, 03 năm quản chế;

2. Ông LÊ QUÝ LỘC 05 năm tù giam, 02 năm quản chế;

3. Ông HỒ ĐÌNH CƯƠNG, 04 năm 06 tháng tù giam, 02 năm quản chế;

4. Ông NGÔ VĂN DŨNG, 05 năm tù giam, 02 năm quản chế;

Khi nghe đến phần hình phạt của mình, bất giác, không hẹn mà cả bốn người đều bình thản cười nhạt, có lẽ họ đã đoán chừng được kết quả “y án” của mình.

Bản án phúc thẩm tuyên xong có hiệu lực thi hành ngay. Vụ án khép lại, nhưng xem ra, công lý xứ này vẫn còn nợ ông NGÔ VĂN DŨNG câu chất vấn trong lời nói sau cùng: “Tôi không quan tâm đến mức án bao nhiêu năm? Tôi chỉ muốn biết, mình đã làm gì để phải chịu mức án đó?”.

Xem ra, ông NGÔ VĂN DŨNG có cơ sở để chất vấn điều đó, bởi lẽ, với tư cách nhà báo độc lập, ông chỉ là người quay phim, chụp ảnh cuộc biểu tình khi nó xảy ra. Nhưng thực tế, đã không hề có một cuộc biểu tình nào đã diễn ra, vì tất cả đều bị bắt giữ trước đó!?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây