7-1-2021
Tiếp theo Phần 1: One China – Phần 2: Bài học Đài Loan – Phần 3: Empire rise and falls – Phần 4: Vài ngộ nhận – Phần 5: Nước Mỹ vĩ đại – Phần 6: Cột mốc mới – Phần 7: Hiện tượng Trump
Bài trước tôi viết là không có chủ nghĩa Trump, vì bản thân Trump không đưa ra một tư tưởng gì đáng nói, không có học thuyết nào về kinh tế, chính trị cũng như quân sự. Trump luôn hành động theo bản năng của một kẻ chỉ biết đập chết con mồi, của một kẻ không chấp nhận thua bao giờ, của một kẻ luôn xóa cờ khi bị yếu.
Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa đem lại những bất công mới, những mâu thuẫn trầm trọng cho nhân loại, việc thay đổi các trật tự thế giới hiện hành bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết và từ nhiều năm qua. Đây chính là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa dân túy (populism) và phát xít mới (neofacism). Trong khi Lega Nord ở Italia, Front Nationale ở Pháp, hay AfD ở Đức đang hoành hành ở các nước phát triển, thì Duterte, Erdogan, Bolzonaro, Chavez cũng đang tàn phá các nước nghèo trên con đường dân chủ hóa.
Nước Mỹ, trung tâm của CNTB, đã tranh thủ thời kỳ siêu cường độc tôn sau 1990 để phát triển như vũ bão thành một xã hội hậu công nghiệp. Mọi sản xuất dùng lao động chân tay bị đưa ra ngoài để rút vốn vào các ngành công nghệ cao và dịch vụ. Trong khi các tập đoàn kinh tế lớn thu tiền tỷ qua các “đám mây” mà không ai kiểm soát được thuế, thì các nhà máy, các trung tâm công nghiệp nặng cứ từ từ biến mất. Kèm theo đó là tương lai của hàng triệu người thợ. Khi ăn chơi nhảy múa thì cứ nhập hàng China xài thoải mái, khi lâm nạn thì đến cái kim may khẩu trang cũng không có.
Trên bình diện quân sự và quốc tế, các kẻ thù xưa trỗi dậy. Nga tiến tới làm chủ Trung Đông, Trung Quốc bắt đầu lấn sân của Mỹ không chỉ ở sân sau Nam Mỹ, mà ngay ở Liên Hiệp Quốc. Trong hoàn cảnh bi đát đó, Trump được một bộ phận người Mỹ chon mặt gửi vàng bởi những lời hứa hẹn “MAGA”.
Nhưng nước Mỹ không phải là Brazil, Philippin hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà những kẻ mỵ dân độc tài đến rồi đi, chỉ để lại những cơn sóng nhỏ chính trị theo thời gian. Trump là tổng thống của đế quốc hùng mạnh nhất hành tinh, lãnh đạo nền dân chủ lâu đời nhất, quản lý một xứ sở đang thống trị thế giới bằng văn hóa, điện ảnh, truyền thông. Mặt khác, hiến pháp Mỹ cũng trao cho tổng thống quyền lực gần như vô hạn, do đó ảnh hưởng của Trump sau 4 năm cầm quyền là vô cùng sâu sắc đối với nước Mỹ cũng như toàn cầu.
Vì thế người ta nói đến “Di sản của Trump” (Trump’s legacy). Đó là hàng loạt những hành động, ứng xử bất thường, một mặt phá nát trật tự thế giới đang hiện hành, mặt khác lại khoét sâu những mâu thuẫn và sự tàn phá của chúng.
Ví dụ việc Trump muốn đưa công nghiệp nặng trở lại với nước Mỹ. Thay vì hiểu rõ vận hội của một siêu cường hậu công nghiệp, chỉ cần phát triển những công nghệ sạch, thông minh đi trước thời đại, ông ký lệnh cho phép khai thác khoáng sản hóa thạch tràn lan.
Ông đe dọa các nhà tư bản Mỹ đang đầu tư ở nước ngoài, bất chấp quy luật của CNTB. Một ví dụ tồi là nhà máy Hitech- Gigafactory của Elon Musk xây năm 2018 tại China trước mũi Trump, 2019 thành con gà để trứng vàng cho Musk và Tập.
Thay vì vai trò đầu tầu trong bảo vệ môi sinh, Trump rút ra khỏi thỏa thuận Paris chỉ để nước Mỹ không bị thua thiệt trong tàn phá thiên nhiên. Muốn thoát khỏi sự lấn át đang lên của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, thay vì cùng các đồng minh tạo ra mặt trận chống Bắc Kinh, Trump chơi trò rút ra khỏi các tổ chức quốc tế, để ngỏ sân chơi cho địch. Nếu Trump cầm quyền thêm nhiệm kỳ nữa, không chắc LHQ đã được ở lại New York.
Tôi có thể kể hàng chục trang về những tính toán của một nhà buôn đã thất bại trong vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia.
Nhưng thất bại của Trump trong cuộc bầu cử 2020 không phải là thất bại của chính sách. Đó là thất bại của đạo đức, của con người Trump. Tôi dám chắc rằng trong số 84 triệu người bầu cho liên danh Dân chủ, phần rất đông là bầu để tống khứ một nhân cách tồi mà họ và các kẽ hở hiến pháp đã đưa lên vị trí Tổng thống năm 2016. Cử tri Mỹ thừa biết Biden và đảng Dân Chủ cũng đã và đang bất lực trước các vấn nạn của nước Mỹ, của con bạch tuộc TBCN.
Tám năm cầm quyền của tổng thống Obama cũng đã không thể lấp được cái hố ngăn cách chủng tộc 300 năm. Nhưng dù sao, mỗi khi có các xung đột chủng tộc, không có Tổng thống Mỹ nào thời hiện đại, như tôi được biết, từ Rosevelt đến nay lại đổ dầu vào lửa như Trump. Sự độc ác đó đã bị trừng phạt hôm 3.11, cùng với rất nhiều hành động tiểu nhân khác đối với hàng loạt các chính khách, với những người tâm phúc quanh ông ta. Sự trừng phạt đó còn là nỗi tức giận của hàng chục triệu nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 mà vị tổng thống đã cố tình dấu nhẹm nguy cơ của nó, chỉ để đảm bảo cho tái đắc cử bởi các thành tich kinh tế…
Đối với những người chống Trump, di sản mà Trump để lại là nhận thức mới về thế giới quanh mình, về những người xưa nay vẫn nhân danh nọ kia. Không thể phản đối những bản án cho anh Dũng, anh Thụy, anh Tuấn, nhưng lại tung hô Trump, một kẻ coi báo chí độc lập là kẻ thù của nhân dân. Hãy đừng nói đến nhân quyền, khi gọi người khác là “mọi đen”. Chớ có nói đến dân chủ, khi chỉ coi chiến thắng của mình là hợp lệ. Đừng ước mơ “Tam quyền phân lập” làm gì, khi cả 60 phiên tòa của Mỹ đều bị coi là “Tàu mua”, kể cả các chánh án Cộng Hòa.
Đối với giới tinh hoa Mỹ, di sản của Trump chính là giúp nhìn ra các kẽ hở của một thể chế già cỗi. Tuy thể chế này đã đưa nước Mỹ trở thành siêu cường số một, thành nên dân chủ lâu đời nhất, nhưng nền dân chủ Mỹ đứng vững trước những đợt tấn công của Trump không phải nhờ vào bản hiến pháp, mà nhờ vào phẩm chất của những người Mỹ. Dù là thống đốc Cộng hòa, dù là thẩm phán do Trump đưa lên. Kể cả những người đã cung cúc phục vụ Trump thì đến những giây phút quyết định, họ vẫn đặt tổ quốc lên trên. Không có dấu ấn của nền dân chủ trong những người Mỹ này, Trump đã thành công trong việc sử dụng các kẽ hở hiến pháp để “đảo chính” bằng tiền, bằng tweet và sự cuồng tín của đám đông.
Cho dù có phản động trong chính sách môi trường, có ngu ngốc trong trò chơi với Kim Joong Un, hay có tồi tệ trong chủ nghĩa “Thượng đẳng trắng” (White Supremacy) v.v. Trump vẫn có thể để lại một di sản chính trị cho 74 triệu cử tri và hàng trăm triệu fans toàn cầu. Cách phát tán thông điệp có một không hai của Trump qua mạng xã hội đã gom dần những suy nghĩ, toan tính lúc thì bất nhất (các tweet về Tập, về Kim, về Corona), khi thì nhất quán (ví dụ như xây thành, như chống Obamacare) thành một di sản. Đó là những tư tưởng cực hữu, là chủ nghĩa chủng tộc, là chủ nghĩa Chauvinism, là phương châm “Không theo ta, ắt là kẻ thù” v.v. Dù độc hại, chúng luôn có sức hút với đám đông. Ngược lại, đám đông này này là một phần của “Di sản Trump”. Không có sự tương hỗ đó, không có Trump!
Chính vì sợ cái di sản này mà rất nhiều chính khách Cộng Hòa đã ngoan ngoãn theo Trump từ 3.11 đến nay, bất chấp mọi thất bại trước công lý. Họ sợ sức mạnh của đám đông này. Trump đã biến đảng Cộng Hòa thành con tin của ông.
Là một chính khách cực hữu, Trump hoàn toàn có khả năng để lại một di sản chính trị nặng ký cho cánh hữu toàn cầu. Đó cũng là một ấp ủ chính đáng của Trump (ngược lại với giấc mộng được tạc tượng ở Rushmore). Điều đó đã có thể xảy ra, nếu chính khách Trump rời bỏ quyền lực một cách đàng hoàng.
Nhưng cơn cuồng quyền lực đã đẩy Trump đến những hành xử như mấy tuần qua. Diễn biến của ngày 6.1.2021 trên đồi Capitol đã phá hủy hình ảnh của một chính khách trong hàng chục triệu người sùng mộ ông ta. Những người bạn trung thành nhất của Trump trong đảng Cộng Hòa đang lần lượt bỏ con thuyền đắm. Cái “Di sản Trump” đang teo dần lại từng ngày như “Tấm da lừa” của Balzac.
Trump lúc này đang cô đơn vô cùng và cũng có thể vì vậy mà đưa ra lời hứa sẽ chuyển giao quyền lực. Nhưng bản chất của con người Trump khiến không ai có thể lường được những gì ông ta sẽ còn làm liều trong hai tuần tới.
Liều mấy thì liều, những người còn lại quanh Trump và chính các thế lực đã nâng đỡ và bấu víu vào ông ta bốn năm qua sẽ không cho phép cho ông ta làm như cho tới hôm qua.
Tất cả họ đều yêu nước Mỹ hơn và có ít năng lực tội phạm hơn ông ta.
Họ đang tìm cách cứu chính họ và cứu một đế quốc đang trên đường suy yếu.
(Còn tiếp)