Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 3: Empire rise and falls

Nguyễn Thọ

18-7-2020

Tiếp theo Phần 1: One China – Phần 2: Bài học Đài Loan

Thanh niên Hong Kong biểu tình phản đối đạo luật An Ninh. Ảnh: internet

“Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” là quá khứ của một đế quốc già cỗi. Nước Anh từng tung hoành ngang dọc khắp thế giới, chiếm cả bắc Mỹ làm thuộc địa. Cuối cùng nó phải từ bỏ toàn bộ thuộc địa, phải chịu làm thành viên của khối EU, để nước Đức từng bị mình đánh bại chỉ đạo.

Năm 1985, đế quốc đang rụng lông phải trao trả Hong Kong cho một đế quốc mới mọc lông. Kiểu gì thì việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vẫn xảy ra, theo thỏa thuận 99 năm. Nhưng nếu đế quốc Anh còn mạnh như xưa thì ràng buộc về quy chế cho Hong Kong sẽ khác xa với những gì Đặng đạt được. Thatcher ngây thơ tin vào cam kết “Một quốc gia hai chế độ” trong vòng 50 năm, với hy vọng sau 50 năm, Trung Quốc giàu có sẽ văn minh như Hong Kong. Nhưng cho phép Bắc Kinh chỉ định người lãnh đạo đặc khu thì làm gì có hai chế độ!

Đó chính là câu chuyện “Đế quốc bành trướng rồi lụn bại” (Empire rise and falls) mà nhà nghiên cứu Paul Kenedy viết từ năm 1987 trong quyển “The Rise and Fall of the Great Powers” (Sự đi lên và lụn bại của các siêu cường)[1].

Paul Kenedy đã đúc kết từ lịch sử của các đế quốc, từ La Mã, Nguyên Mông, Ottoman, Habsburg, đế chế Hitler và Liên Xô để rút ra một chu trình chung cho các siêu cường: Bành trướng – Bị dàn trải – Kiệt sức – Tàn lụi. Đã là đế quốc thì phải bành trướng. Nhưng về lâu về dài, chúng đều quá sức vì tham vọng luôn vượt qua khả năng quản lý, vượt qua giới hạn văn hóa và dẫn đến suy kiệt về kinh tế. Luận điểm này Kenedy đưa ra 1987, tháng 12.1991 Liên Xô tan rã!

(Không chỉ Paul Kenedy coi Liên Xô là đế quốc. Từ năm 1963, tôi đã nghe đài phát thanh Bắc Kinh suốt ngày chửi Liên Xô là “Đế quốc xã hội”- Sozialist Imperialism. Chắc nhiều bác nhớ việc này).

Một nguyên nhân dẫn đến kiệt sức về kinh tế là sự thách thức của cường quốc khác. Đế quốc La-Mã đã chi 80% ngân sách vào quốc phòng để chống lại các cuộc tấn công của đế quốc Ba-Tư. Đế chế Hitler đã hao mòn tinh lực khi phải chống lại hai cường quốc mới trỗi dậy là Liên Xô và Mỹ. Năm 1939 Đức sản xuất 2.300 máy bay, Anh 1300 chiếc. (Mỹ thì tận 1941 mới làm ra 1.400 chiếc, trong khi Đức làm ra 8500 chiếc năm đó). Kết quả chạy đua vũ trang là đến năm 1944 tuy Đức đã sản xuất được 34.100 máy bay thì Mỹ đã vượt lên 74.000 chiếc, chưa kể hơn 30.000 của Liên Xô và 22.000 của Anh. Các so sánh về số lượng đại bác, xe tăng, tàu chiến cũng tương tự. Áp đảo kinh tế đã dẫn đến áp đảo về hỏa lực[2].

Sau chiến thắng này, Liên Xô và Mỹ thành hai siêu cường tuyệt đối. Rồi Liên Xô sụp đổ, Mỹ là siêu cường duy nhất với khoảng cách vời vợi về kinh tế, công nghệ, quân sự đối với các nước khác. Dù có chê lối sống McDonald’s, coi thường hóa Coca-Cola, châu Âu vẫn phải núp dưới cái ô hạt nhân của Mỹ, phải nhảy múa theo nhạc Mỹ và vui buồn bằng phim Hollywood. Cả thế giới phải mua bán online và làm việc qua internet của Mỹ. Mọi thanh toán đều chạy qua đồng USD.

Sau chính sách “Mèo trắng-Mèo đen” của Đặng, Phương Tây biết rằng con sư tử đã tỉnh ngủ, như Napoleon dự đoán cách đây hơn 200 năm. Nhìn vào con sư tử đói dơ xương, người ta coi thường nó, để mặc cho nó tàn sát những sinh vật xung quanh, tàn phá thiên nhiên. Nhưng con vật lớn quá nhanh và đang tạo ra sự dịch chuyển cán cân về phía nó.

Khác hẳn với các đế quốc khác, Trung Quốc không lớn mạnh bởi chiến tranh. Các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Trung-Ấn, Trung-Việt chỉ thể hiện sự yếu kém của quân đội Trung Quốc. Mặc dù rèn giũa móng vuốt rất nhiều, Trung Quốc biết chắc là nó chưa thể thách thức Mỹ và Phương Tây về quân sự. Nhưng là một đế quốc lớn lên bằng kinh tế, lại đúng vào thời kỳ toàn cầu hóa công nghệ và sản xuất, Trung Quốc đang tạo ra sự lệ thuộc của cả thế giới vào chuỗi cung ứng mà nó nắm phần to nhất.

Trung Quốc đã tạo được mô hình mới thách thức Phương Tây: “Turbo capitalism without freedom”- Chủ nghĩa tư bản cao tốc không cần tự do. Thách thức “40 năm tích lũy tư bản không cần tự do có thể đi con đường dài mà CNTB tự do mất 200 năm” đã làm khối kẻ hoa mắt. Erdogan, Duterte, Putin… đều coi Tập như một tấm gương. Đó là chưa kể nhiều kẻ “dị sàng nhưng đồng mộng” như Orban hoặc Kaczynski ở Đông Âu.

Trung Quốc không trực diện tấn công vào 1 tỷ dân ở các nước giàu có mà nhằm vào 5 tỷ dân ở các nước nghèo để trở thành một thế lực thực dân mới ở châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh. Kết quả là Trung Quốc đang dùng số phiếu của các nước này nắm dần các tổ chức quốc tế. Phương Tây đã mất 80 năm để xây dựng các định chế này để rồi lần lượt bị Trung Quốc dành ảnh hưởng.

Thách thức này khiến cả thế giới lúng túng. Các nước nghèo lần lượt sập bẫy nợ, Úc nằm gọn trong gọng kìm kinh tế, Châu Âu ngày càng bị mất đi các sở hữu trí tuệ, Mỹ mất hàng ngàn công ty “USA made in China”. Chính quyền Obama đã vội chuyển hướng về Châu Á, Thái Bình Dương, lập ra liên minh TPP vào cuối nhiệm kỳ. Quá muộn!

Người Mỹ nhìn thấy ở D.Trump môt người hùng mới.

Nhưng những gì ông chủ nhà trắng đạt được sau 3 năm rưỡi để chặn Trung Quốc là quá thảm hại (Xin chưa bàn về chiến tranh kinh tế, thuế quan ở đây). Thảm hại lớn nhất là sự rạn nứt của liên minh Phương Tây. Tất cả các đồng minh: Nhật, Nam Hàn, Úc, Canada, Tây Âu đều bị Trump tát tai. Khối NATO bị chửi là gánh nặng. Sáng kiến TPP bị vứt ngay vào sọt rác. Phương Tây mất lòng tin vào Mỹ và họ có chiều hướng tìm sự cân bằng ở Trung Quốc. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Covid-19 cũng làm cho Trung Quốc điêu đứng. Nhưng mạng sống của người dân không phải là điều Bắc Kinh quan tâm nên nó rảnh tay hành động hơn các nước khác. Nó mạnh lên chính vì kẻ duy nhất có khả năng kìm nó lại đang chìm trong các cuộc khủng hoảng. Nạn Covid đã phơi bày các cuộc khủng hoảng khác ở Mỹ : xung đột chủng tộc, kinh tế suy thoái, an sinh xã hội kém, chia rẽ về chính trị. Kẻ cầm cờ thì không hiểu biết, chỉ lo tweet ngày vài trăm lần để tự khen mình. Tập nhìn thấy ở đó cơ hội của mình.

Mới vừa hết Lockdown là Tập cho họp ngay Đại hội đại biểu nhân dân ngày 22.5 để chuẩn bị đạo luật AN Hong Kong. Thấy phản đối quốc tế có vẻ yếu, ngày 28.5 Tập cho biểu quyết ngay. Lúc đầu dự kiến đầu tháng 9 luật mới đi vào hiệu lực, trước khi Hong Kong bầu cử địa phương.

Khi thấy khắp nơi vẫn im re, thấy nước Mỹ lúng túng như gà mắc tóc, thấy dân Hong Kong tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử để lấy lại thế chủ động, ngày 30.6 Tập không nói không rằng, cho phê chuẩn đạo luật. Ngày hôm sau 1.7 có hiệu lực luôn. Cuộc đánh úp này tạo ra sự việc đã rồi và cho thấy sự bất lực của thế giới văn minh.

Thực ra Trump chống Trung Quốc hung hăng hơn các đời TT trước. Nhưng so với mấy gã thâm độc, nói ít làm nhiều như Tập hoặc Putin thì cái “Thùng rỗng kêu to” quả là không ngang tầm. Chẳng lẽ cứ thua Trung Quốc ở đâu thì Mỹ vừa chửi đổng vừa bỏ chạy? Sau WHO sẽ còn là WTO, UNEP, UNHCR[3]? Bắc Kinh sẵn sàng chi cả tỷ USD cho WHO để thay thế vài trăm triệu của Mỹ. Lợi thế lớn nhất của nền độc tài là toàn quyền nắm nguồn tài chính.

Nếu tiếp tục tốc độ này, chẳng bao lâu nữa Mỹ sẽ phải bán tòa nhà LHQ ở New York? Rồi trụ sở LHQ dời sang Thượng Hải, tiếng Hoa sẽ là ngôn ngữ chính?

Trung Quốc sẽ tránh chiến tranh nóng với Mỹ, vì khoảng còn quá xa, nhưng dám dùng quyền lực mềm để tiến hành chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh với một nước Mỹ chỉ biết có “MAGA” thì chỉ là cuộc chiến tranh của một đế quốc mới trỗi dậy và đế quốc già. Không nước phương Tây nào sẽ nhiệt tình đứng dưới cờ của Trump. Cả về đối nội và đối ngoại, Trump không tìm sự đoàn kết, mà chủ trương chia rẽ. Đó cũng là mối đe dọa.

Giờ đây cả Mỹ, Canada,Tây Âu, Úc đều phản ứng mạnh về Hong Kong. Nhưng tại sao không sớm hơn? Hong Kong sau 1.7.20 đã không còn là một vùng có dân chủ và tam quyền phân lập như trước đó. Nhưng 7 triệu con người ở đó vẫn là những người quen sống trong dân chủ, có văn hóa. Họ đã đấu tranh bảo vệ tự do trong suốt 4 năm qua và sẽ còn tiếp tục dưới một dạng khác.

Cú đớp của Tập có thành khúc xương mắc trong cổ hay không phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của người Hong Kong.

Mỹ và Phương Tây cũng đã cảm thấy sự đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông. Phản ứng đang mạnh lên. Việt Nam cần có thái độ rõ ràng về sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh.

Trong vấn đề Hong Kong cũng vậy. Chớ chơi trò nước đôi, nếu không muốn cái đầu gối của Trung Quốc đè lên cổ mình.

(còn tiếp)

_____

[1]https://en.wikipedia.org/wiki/The_Rise_and_Fall_of_the_Great_Powers

[2] https://de.statista.com/statistik/daten/studie/252293/umfrage/produzierte-kampfflugzeuge-im-zweiten-weltkrieg-nach-laendern/#professional

[3] WTO= Tổ chức thương mại thế giới, UNEP = Chương trình môi trường LHQ, UNHCR = Cao ủy tỵ nạn LHQ.
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN


  1. Hoàng Hà : Lời nguyền thống khổ báng bổ xuống đầu Đại Hán tham lam !
    *************************************

    Trường giang – Sông Vàng cơn Hoàng thủy
    Như lũ Rợ Hồ biển người tràn Biên thùy
    Chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ khoác áo vàng
    Hoàng Hà hùng vĩ từ Thanh Hải hẹn về ra Bột Hải
    Tần suất gây lũ thách thức đập Tam Hiệp lâm nguy
    Lưu vực Hoàng Hà từng sống Người nguyên thủy
    Cái nôi Văn minh Trung Hoa – Thuở Hồng hoang cố quy
    Dòng Sông Mẹ nuôi hàng tỉ cư dân bằng bầu sữa quý
    Lớp phù sa vàng tích tụ dọc Hoàng Hà sập đổ biên thùy
    Hàng triệu bạn nhân cuốn theo cơn Đại Hoàng thủy
    Từ thượng lưu đưa Vong Hồn xuống hạ lưu trầm tích
    Hoàng Hà có lòng sông cát vàng gài bẫy hiểm nguy
    Năng lượng dòng Sông Vàng muôn đời phù sa vận chuyển
    Qua Hoàng Hạc Lâu bồi lắng đôi bờ Trường Giang biên thùy
    Hoàng Hà : Lời nguyền trả oán giáng xuống đầu Đại Hán !
    Trả thù cho Tây Tạng – Tân Cương bị đồng hóa đồng quy ….

    TỶ LƯƠNG DÂN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây