Hồ Bạch Thảo
28-11-2020
Truyền thuyết về Kiến quốc phu nhân giúp vua Lê Thái Tổ đánh thành Cổ Lộng tại Nam Định không đúng với chánh sử. Tại sao?
Tạp chí Tri Tân, số 2, ngày 10/6/1941 có bài nghiên cứu của học giả Chu Thiên Hoàng Minh Giám với nhan đề “Một nữ anh hùng bị mai một! Bà Lương giết giặc Minh hạ thành Cổ Lộng”. Trong bài viết, học giả trưng lên sự tích liệt nữ họ Lương, ghi trong U Linh Lục do Thượng thư Lê Tung, vị quan đời Lê Uy Mục [1505] soạn. Học giả thuật lại như sau:
“Về khoảng cuối đời Trần, một gia đình họ Lương ở làng Chuế Cầu, tổng Tử Mặc, huyện Ý Yên nay thuộc Nam Định chỉ được một người con gái, có chí khí, có sức khỏe hơn người, lại thêm nhan sắc diễm lệ. Cha mẹ muốn kén những chỗ sang trọng xứng đáng để trao tơ. Song Lương thị xin với cha mẹ chỉ lấy người trong làng, dù hèn hạ cũng cam; miễn là được sớm hôm hầu hạ cha mẹ. Cha nghe nói cảm động, cũng chiều ý con, đem gả cho một người cùng làng là Đinh Tuấn. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hoà thuận.
Thời ấy trong nước ta đã bị thuộc Minh, dân gian rất khổ sở vì chính trị hà khốc!
Bà Lương ở cách thành Cổ Lộng không xa, càng được mục kíck cái thảm trạng của đồng bào, trong lòng rắt căm tức. Bà thường bảo chồng: ‘Tang bồng hồ thỉ (1) là chí con trai, vải sồi tần tảo là phận con gái. Nhưng ngày xưa đã có hai bà Trưng và bà Triệu, vốn quần thoa mà vượt cả đàn ông, lưu danh trên sử đến nay còn truyền, ý chàng nghĩ sao?’
Ông Đinh đáp: ‘Nếu nàng quả có chí theo bà Trưng, bà Triệu, tôi may mắn cũng được thơm lây. Xin theo ý nàng.’
Bà Lương vốn là người đẹp, nên qua lại thành Cổ Lộng, thường bị quân Tàu bông đùa chòng ghẹo. Bà bèn bàn cùng chồng xin dọn hàng bán quà nước ở bên thành, lợi dụng sắc đẹp để dò tình hình quân giặc; một là lập cách đánh được thành, hai là giết mấy tay cừ khôi cho hả dạ.
Ý đã định, bà liền đi bán hàng. Còn ông Đinh thì bí mật củ hợp dân đinh các nơi.
Bà thấy tình hình quân giặc trễ biếng, tướng soái ham mê tửu sắc ngủ say trong trướng, việc canh phòng phó mặc quân thường. Da dĩ quân Tàu sợ rét, thường hay ngủ trong trong cái túi lớn, cứ tối thắt lại một nút, sáng dậy đạp tung buột nút ra. Bấy giờ bà ở đấy đã lấy lòng được hết các tướng sĩ, nên họ thường mượn bà thắt nủt.
Lúc ấy vua Lê đã khởi nghĩa ở Lam Sơn, xa gần đều biết tiếng. Bà Lương bèn mật vào tâu tình hình với vua Lê. Vua Lê sai quân gián điệp đi thám thính, quả nhiên thấy đúng như vậy. Bà liền cùng quân gián điệp tức tốc về yết kiến vua Lê xin đem quân đến đánh và giao cho ông Đinh dẫn dân đinh đốc chiến.
Vua Lê khen ngợi: ‘Ta không ngờ trong đám phụ nữ lại có người chí khí thế, mưu lược thế. Nếu mà đánh úp giết được giặc cho ta, để có lối ta tiến ra Bắc, tất có trọng thưởng!
Bà tâu: ‘Thiếp là một gái hèn, mong nhờ uy đức Đại vương may giết được giặc dữ, thiếp nào có công gì!’
Vua Lê liền sai Lê Khôi, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Bùi Hưng Nhân đem 5000 quân tinh nhuệ đi tắt đường rừng cùng bà thẳng đến thành. Bà về trước báo ông Đinh sắp soạn dân đinh đi tiên phong. Còn bà về theo lệ thường, mua rượu thịt mời tướng sĩ Tầu ăn uống, lấy cớ là đi lễ xa về ân mừng. Bà lại kén thêm một ít con gái ở xa về để quan Tầu say sưa mê mệt!
Rượu ngon, gái đẹp: quân Tầu nào có ngờ đâu! Đến nửa đêm, các tướng sĩ cao trật lại chui cả vào túi nhờ bà Lương thắt nút. Lần này bà thắt hai ba lượt cho rõ chặt.
Quân trong thành đã ngủ say, bà đem bọn con gái ra mở cửa thành, ông Đinh tức khắc đem quân vào; quân phục bốn nơi đều dậy, oà vào đánh giết. Quân Tầu nửa say, nửa tỉnh, không biết làm thế nào, chỉ đành chịu chết. Các tướng soái đều bị đánh chết ở trong túi. Sáng ra thành đã bình. Thây chết ngổn ngang, quân lính và dân đinh sở tại phải dọn vất xuống cái sông con liền đấy, mới khai để xác chảy ra sông Đáy.
Vua Lê được tin, mừng lắm, giao cho bà Lương và ông Đinh cờ kiếm để giữ Thành. Trong Thành vàng bạc châu báu đều để cho bà quản nhận. Lại sai Nguyễn Trãi ghi công, đợi khi đánh xong quân Minh, sẽ định thưởng.
Đến năm Mậu Thân [1428], tức là Thuận Thiên năm đầu, vua Lê hội quần thần ở điện Giảng Vũ để thưởng công lao đánh dẹp. Vua bảo mọi người rằng:
– Trẫm khởi binh tự Lam Sơn, dẹp quân Tầu, cứu sinh linh. Sở dĩ lâu ở Thanh Hóa, không thẳng ra lấy Đông Quan được là vì có thành Cổ Lộng ngăn lối. May có một người đàn bà bày mưu giúp sức, giúp ta phá được Thành, để quân ta có lối tiến ra Bắc. Thật là một kỳ công hiếm có. Vậy ý ta muốn thưởng trước, các khanh bàn thế nào?
Mọi bầy tôi đều tâu:
– Lũ tôi xin vâng.
Vua bèn gọi bà Lương đến, tỏ ý phong thưởng.
Bà phục xuống tâu:
– Thần thiếp phận hèn bồ liễu, vốn nơi thôn dã, may làm được thành công là nhờ ở mưu tính của nhà vua, chứ thần thiếp nào có sức gì! Vả tiện phu hiền lành, thực thà không dám lạm dự quan cao, chức trọng. Chỉ xin làm dân áo vải nước Nam được thấy cảnh tượng thái bình, thế là phỉ nguyện.
Vua phán:
– Con gái có công to, mà không khoe khoang, thật còn hơn con giai một bậc Nhưng khanh đã tự nhận là thảo dã, ta cũng lấy cảnh thảo dã mà thưởng lộc cho, lại phong thêm tước trật, ý khanh thế nào?
Bà xin vâng mệnh.
Vua bèn phong ông Đinh làm Kiến quốc công đại thần, bà làm Kiến quốc công?Trinh Liệt phu nhân, ngôi ở trên Hầu, Bá, lại cấp cho ruộng hơn 1000 mẫu, tùy ý kén chọn.
Phu nhân lạy tâu:
– Muôn tâu Bệ hạ, thần thiếp đội ơn hậu thưởng, ân đức vô cùng. Nay sinh quán thần đất hẹp dân nhiều, xin Bệ hạ cho mở rộng ruộng đất, miễn sai dịch cho chốn quê hương. Xin Bệ hạ rộng thương chuẩn y cho.
Vua bằng lòng, cho phu nhân cưỡi một con ngựa chạy khắp xa gần chỗ nào ruộng tốt thì lấy. Hễ chỗ nào chân ngựa dừng lâu là nêu lên làm ruộng của phu nhân, giao dân đấy cày cấy, nạp thuế cho phu nhân.
Đến năm Thuận Thiên thứ 5, mùa đông tháng 12 ngày 25 [16/1/1433], phu nhân mất, vua Lê nhớ công sắc phong tặng cả hai vợ chồng làm phúc thần, sai quan làm lễ quốc tế, theo lễ tước vương, cấp thêm 100 mẫu ruộng tốt làm tự điền, lập đền thờ ở làng. Đền quay hướng nam, xây mộ ở khu đất phía bắc đền, giao cho dân làng Chuế Cầu trông nom phụng sự. Đến nay hương khói vẫn còn”.
Ngoài sự tích liệt nữ họ Lương, học giả Chu Thiên còn trưng lên sắc truy phong của Vua Lê Thánh Tông vào năm Hồng Đức thứ nhất [1470], với bài minh như sau:
Vĩ tai Liệt phụ
Khí hùng vạn binh!
Ngô tặc thiết cứ
Cổ Lộng chi thành
Ngã Hoàng khởi nghĩa
Đốc chí hướng minh!
Thiết kỵ mãnh chiến!
Nang quát công thành!
Khởi sử bỉnh bút
Trưng Vương tề danh
Miếu mạo hướng tế
Thiên cổ phong thanh!
Theo âm Hán Việt xin tạm dịch như sau:
(Vĩ đại thay liệt phụ,
Chí khí hùng mạnh như vạn binh!
Khi giặc Tàu trộm chiếm,
Thành trì Cổ Lộng.
Bấy giờ Hoàng đế ta khởi nghĩa,
Nàng quyết chí noi theo đường sáng.
Theo quân kỵ chiến đấu hăng,
Nàng lập mưu buộc giặc trong túi, giúp thành công!
Khiến người viết sử trân trọng cầm bút,
Xếp nàng ngang hàng với Trưng Vương.
Lập đền miếu cúng tế,
Tiếng tăm truyền mãi đến ngàn năm!)
Học giả Chu Thiên phàn nàn rằng, các bộ sử Việt Nam chỉ chép một lần về thành Cổ Lộng, khi Mộc Thạnh bị Vua Giản Định đánh thua [1/1409] phải chạy vào thành này, ngoài ra không đề cập gì thêm. Ông viết như sau:
“Ngày nay nói đến thành ấy ít ai biết. Bởi vì trong các sử trước đây đều không chép rõ ràng. Từ ‘Việt Sử Toàn Thư’ của Ngô Sĩ Liên đời Lê và ‘Khâm Định Việt Sử’ của triều Nguyễn đến quyển ‘Việt Nam Sử Lược’ của Trần Trọng Kim đều chỉ nhắc đến thành Cổ Lộng có một lần: Mộc Thạnh bị quân vua Giản Định đánh thua ở bến Bồ Cô (bến Gián Khẩu bây giờ), phải bỏ chạy về thành Cổ Lộng: Thế thôi! Như vậy thì còn ai quan tâm đến!”
Thiết nghĩ học giả Chu Thiên chưa đọc kỹ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nên bỏ sót các sử liệu sau đây:
Tháng 6 năm Bình Định vương thứ 10 [7/1247], tức 3 tháng trước khi Liễu Thăng bị phục kích giết tại ải Chi Lăng, Vua Lê Lợi sai tướng đánh thành Cổ Lộng; nhưng không hạ được:
“Vương sai Tư mã Cao Ngự đánh thành Cổ Lộng. Người Minh đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ Cổ Lộng; quân ta bao vây, đánh mãi không hạ được.” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển 14.
Sau chiến thắng Chi Lăng, trong lãnh thổ nước ta, ngoại trừ thành Đông Đô chỉ còn có 2 thành Cổ Lộng và Tây Đô không chịu hàng, nhà Vua sai tướng đến dụ, nhưng chưa có kết quả:
“Tháng 11, năm Đinh Mùi [12/1427], sai bọn Đại tướng Nguyễn Lôi mang thư dụ hàng hai thành Cổ Lộng [huyện Ý Yên, Nam Định] và Tây Đô [Thanh Hoá].” Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42b.
Phải chờ đến sau ngày 22 tháng 11[10/12/1427] hội thề với Vương Thông, thoả thuận cho đem quân về; mới đem thư của Thông đến các thành này, rồi giải vây cho rút về thành Đông Quan, để kịp thời về nước:
“Sai Đồng tri Nguyễn Mẫn, Đội trưởng Nguyễn Lôi mang thư đến hai thành Tây Đô và Cổ Lộng ra lệnh giải vây, vì hai thành này trước đây chưa hạ được.” Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 45b.
Tìm hiểu những sử liệu học giả Chu Thiên trưng lên như những điều ghi trong U Linh Lục và bài Minh kèm theo sắc truy phong dưới thời Lê Thánh Tông; cũng đáng tin cậy. Riêng Toàn Thư, Cương Mục là những bộ chánh sử, sử dụng những sử liệu do triều đình cung cấp; việc làm được các quan Ngự sử lưu ý, sẵn sàng đàn hặc; quyết không thể phạm sai lầm đến độ một thành lớn như Cổ Lộng mất, dám bảo rằng còn! Huống chi, Ngô Sĩ Liên, tác giả Toàn Thư từng bị Vua Lê Thánh Tông miệt thị; vị sử quan này đã chép nguyên văn lời miệt thị tại trang 8a, quyển 12, Bản Kỷ (2); không một chút giấu giếm. Xem đó đủ biết ngòi bút sử nghiêm khắc biết là nhường nào!
Hãy xét sự việc một cách khoa học, theo mô tả của học giả Chu Thiên, thành Cổ Lộng nằm ven bờ sông Đáy, rộng hơn 100 mẫu (360.000 m2); nếu nó là hình vuông thì mỗi chiều là 600 mét. Trong trận chiến tại Bồ Cô vào ngày 14 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [30/12/1408] quân Vua Giản Định chém được Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn vào thành Cổ Lộng (3), mà không phá được, chứng tỏ thành Cổ Lộng vững chắc biết là nhường nào! Thành Cổ Lộng là thủ phủ của phủ Kiến Bình, thông thường phải do một vệ đồn trú; theo biên chế quân Minh, vệ tương đương với lữ đoàn hiện nay, vào khoảng 5.000 quân. Với một thành lớn, mỗi chiều 600 mét, tối thiểu phải cần 5.000 ngàn quân mới quản lý nỗi.
Trong một đại đồn, có viên Tuần phủ ngự trị “ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”; thuộc hạ đâu có thể tự do dẫn gái vào bù khú, rồi cho buộc túi trước khi đi ngủ? Cho dù quân Tàu ngu ngốc làm như vậy; thì một mình bà Lương cũng cũng không buộc túi hết mấy ngàn quân Còn việc “bà đem bọn con gái ra mở cửa thành”, thì đại đồn này tối thiểu phải có thành, hào, cầu treo, lính đóng trước đóng sau, ba từng bảy lớp; dễ gì bọn con gái có thể mở cửa thành, như mở cửa ngõ?
Người viết cũng là một tên lính già, có chút hiểu biết về quân sự, mạo muội lý giải rằng cả hai nguồn sử liệu của học giả Chu Thiên và chánh sử đều có thể tin cậy. Truyền thống quân sự Đông, Tây; những đại đồn như thành Cổ Lộng ắt phải thiết lập những tiền đồn [outpost] chung quanh, để làm tai mắt. Sử lịệu học giả Chu Thiên nêu lên, có thể xãy ra tại một tiền đồn, cũng cùng mang tên với đại đồn Cổ Lộng. Tiền đồn thường đóng nơi heo hút, nguy hiểm, quan lớn ít khi dòm ngó tới; từ xưa tới nay, lính tiền đồn tự cho là bị đày, có cuộc sống bạt mạng, dẫn gái vào đồn rồi bị sa vào mỹ nhân kế là chuyện thường tình có thể xãy ra.
Như vậy có thể kết luận rằng tiền đồn Cổ Lộng bị tiêu diệt, nhưng đại đồn Cổ Lộng thì vẫn tồn tại, cho đến khi quân Minh rút về. Sự việc tiền đồn Cổ Lộng nhờ mỹ nhân kế của bà Lương bị tiêu diệt, đối với người địa phương thì cho là lớn, nhưng xét trên tầm mức quốc gia thì không đủ lớn, nên chánh sử không chép. Gần 50 năm sau đến đời Lê Thánh Tông, chiếu theo sự tích, mới được truy phong.
_____
Chú thích:
1. Tang bồng hồ thỉ: Tức tang hồ, bồng thỉ có nghĩa cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục ngày xưa khi đẻ con trai dùng cung tên bắn lên trời, xuống đất và 4 phương; tượng trưng ý chí người con trai tung hoành 4 phương.
2. Lời Vua miệt thị như sau: “Vua dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: ‘Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của Thánh tổ Thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! [8b] Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu [Nghi Dân] cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”.
3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 10b “Tháng 12, ngày 14, quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh ở Bô Cô hãn.
Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, [11a] và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng.”