Tác giả: Berthold Seewald
Dịch giả: Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
7-11-2020
Cha của Lenin đã đóng góp vào những cải cách trong đế chế Nga hoàng. Các con trai của ông trở thành những kẻ khủng bố và đặt cược vào cuộc cách mạng đẫm máu. Nhưng con đường mà họ định hướng ở đó đã ẩn chứa trong mình sự thất bại.
Lễ kỷ niệm lớn đã phải bị hủy bỏ. Không phải vì cuối cùng ông đã được người ta đưa ra khỏi lăng mộ trước bức tường của Điện Kremlin ở Moscow, mà vì một loại virus nhỏ bé đã được chứng minh là mạnh hơn cuộc cách mạng thế giới của ông.
Hầu hết các sự kiện mừng sinh nhật lần thứ 150 của Vladimir Ilyich Uljanow – được gọi là Lenin – vào ngày 22 tháng 4 đã phải hủy bỏ do cuộc khủng hoảng virus corona. Phần lớn sự thất vọng không chỉ của Đảng Cộng sản Nga, mà thay vào đó, Đảng đã kêu gọi treo cờ đỏ ngoài cửa sổ – những lá cờ như vậy vẫn còn vượt qua cơn bão điển hình sau khi Liên Xô của Lenin sụp đổ.
Nhưng không phải mọi lá cờ đỏ đều phải được hiểu là biểu hiện của niềm tin chính trị. Lenin từ lâu đã biến thành văn học dân gian Nga. Hầu như không có bất kỳ lời giải thích nào khác cho dòng du khách luôn luôn còn bị xác ướp của ông nằm trong lăng đối diện với lâu đài tư bản của cửa hàng bách hóa Gum thu hút. Khoảng 130 triệu người được cho là đã nhìn thấy xác ướp, thứ vẫn là một trong những điểm thu hút khách du lịch của thủ đô nước Nga.
Đằng sau sự sùng bái cá nhân tàn bạo này thì thật khó để nắm bắt được con người Lenin. Nếu trừ tác phẩm của ông được viết trong niềm cảm hứng vụng về ra, trong 47 tập (theo ấn bản tiếng Đức), thì chỉ còn lại một cuộc sống gần như ngắn ngủi: Sinh ra và lớn lên ở Simbirsk, bên sông Volga, gần như thuộc thảo nguyên Á-Âu, ông có hai năm tù, ba năm sống lưu đầy, 15 năm sống lưu vong. Trong số sáu năm thuận hòa, mà trong đó ông hoạt động trong trung tâm của cuộc cách mạng thế giới, thì một nửa thời gian đã phải gánh chịu hậu quả của vụ ám sát do nữ thành viên đảng Cách mạng xã hội Nga Fanny Kaplan hồi tháng 8 năm 1918 nhắm vào ông.
Từ lần đột quỵ đầu tiên vào năm 1922 cho đến khi qua đời ở Gorky năm 1924, về cơ bản ông không còn kiểm soát được các hành vi. Ông là một người sống theo câu: “Không có cuộc chiến thì không thể có sự sáng tỏ” mà Thomas Mann (1) gọi ông là “Giáo hoàng của ý tưởng đầy nhiệt huyết tâm linh nguy hại”, con người mà cuộc sống và học thuyết của ông không hề bất đồng với nhau. Cuối cùng, vào năm 1989 – 1990, ông đã thua cuộc giao tranh lịch sử thế giới. Vậy tại sao người ta cần nhớ đến cuộc sống và sự nghiệp của ông?
Nhưng nếu không có Lenin, sẽ không tồn tại các chế độ độc tài của Stalin, Mao và Hồ Chí Minh, không có nền văn hóa dân gian cách mạng theo kiểu Che Guevara hay Arafat, không có sự khủng bố tưởng nhầm là ưu tú của Lữ đoàn Đỏ (2) hoặc RAF (3) và – nếu có – một chế độ độc tài khác của Hitler.
Từ góc độ này, chắc chắn người ta có thể công nhận Lenin là nhà cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Câu hỏi, tại sao tác phẩm của ông không tồn tại lâu hơn thế kỷ của nó, đã được giải thích sau năm 1989 theo nhiều cách. Cũng giống như so với bản thân người đã chết, mầm mống của sự thất bại đã có sẵn trong quá trình phát triển của Lenin.
Khuynh hướng làm cách mạng của Lê-nin được diễn giải nói chung với một sự kiện trong gia đình ông. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1887, anh trai của ông là Alexander bị treo cổ tại St. Petersburg, thủ đô lúc bấy giờ của đế chế Nga hoàng. Ông ta thuộc tổ chức cách mạng “Ý chí nhân dân”, tổ chức này đã chuẩn bị thực hiện vụ đánh bom vào Sa hoàng Alexander đệ tam. Lenin được cho là sau đó đã tiết lộ với một người bạn tù rằng, con đường của ông là do anh trai mình vạch ra.
Nhưng điều đó có lẽ không đơn giản như vậy. Câu hỏi đúng hơn phải là, tại sao không chỉ Alexander và Vladimir, mà cả bà chị Anna và người chồng cũng như Dimitrij và Marija đều dấn thân vào con đường cách mạng. Một sự xung đột thế hệ ngay trong ngôi nhà của cha mẹ khó có thể mở đường cho điều này.
Người cha Ilya Uljanow (1831-1886), sinh ra ở Astrakhan và có lẽ là người gốc Kalmuck, xuất thân từ viên chức bình thường đã làm việc tận tụy trở thành thanh tra giáo dục của tỉnh trưởng tỉnh Simbirsk và cải thiện trình độ giáo dục của tỉnh này một cách bền vững theo nghĩa của những nhà cải cách chịu ảnh hưởng phương Tây, mà họ xuất hiện kể từ sau thất bại của Nga trong Chiến tranh ở Crimean năm 1856, để hiện đại hóa đế chế Nga hoàng. Vì điều này, Ilya đã được nâng lên thành tầng lớp công chức cao thứ năm trong đế chế và do đó lên hàng công chức quý tộc (Sau này Lenin tự nhận xuất thân từ đẳng cấp “cao quý” và nghề nghiệp là “ký giả”).
Tất cả các thông tin cung cấp về các mối quan hệ trong gia đình, đều thể hiện sự tương tác thân thiện, hòa đồng. Người cha được mô tả là nghiêm khắc, tận tâm và sùng đạo, người mẹ là người sống hài hòa, yêu thương và vui tính. Với kiểu cách của mình, Lenin luôn chứng tỏ mình xuất thân từ một gia đình khá giả. Ngay cả khi là một nhà cách mạng chuyên nghiệp bị theo dõi, ông vẫn giữ liên lạc với gia đình, thậm chí thử sức mình với tư cách là chủ trang viên trong khoảng thời gian sau khi học luật rồi bị bắt lần đầu nhưng được phép tự học để tốt nghiệp ở Kazan và trước khi làm trợ lý luật sư một thời gian ngắn ở St. Petersburg.
Người cha Ilya Uljanow ngày này qua ngày khác chỉ cho các con của mình thấy, người ta có thể thay đổi thực tế cuộc sống ở nước Nga chuyên chế theo hướng tốt đẹp hơn và từ khi nông dân được giải phóng năm 1861, nhà nước Nga hoàng đã thực sự tiến tới thời đại hiện đại. Nếu Alexander Uljanow và các em của ông quyết định chọn con đường khủng bố và cách mạng, thì đó là vì một lý do đơn giản: Họ hoàn toàn không quan tâm đến thực tế, mà quan tâm đến chủ nghĩa lý tưởng và sự hy sinh.
Như với vô số thành viên trong thế hệ của họ sự quyết định cuộc đời của anh chị em nhà Uljanow cho cuộc cách mạng dựa trên “Sự lên án chế độ ngay lập tức”, như nhà sử học về Đông Âu Gottfried Schramm, người Freiburg đã quá cố (4), giải thích. Các trạng thái trong đế chế Nga hoàng được coi là vô vọng và tồi tệ, chính vì người ta không có cái nhìn tổng quan về cuộc cải cách lôi cuốn của đế chế này.
Về cơ bản những nhà cách mạng trẻ tuổi, mà họ cung cấp cho giới trí thức cấp tiến những người dân thường, cũng bị khối quần chúng rộng lớn loại bỏ giống như những người dân thường loại bỏ những địa chủ quý tộc trên trăm năm. Không phải vô lý mà Lenin đã thú nhận: “Mẹ tôi rất thích nhìn tôi bận rộn với công việc nông nghiệp. Tôi cũng bắt đầu với việc đó, nhưng nhận ra rằng, điều đó không thể được; Mối quan hệ với nông dân trở nên bất bình thường”. Điều đó cũng có thể giải thích rằng, tiểu sử tại sao Lenin đã lựa chọn người chiến sĩ cách mạng ưu tú từ những người công nhân làm hình mẫu.
Trong nghiên cứu lớn của mình “Năm cách để phân chia trong lịch sử thế giới”, Schramm đã tìm ra những điểm đặc thù của cuộc cách mạng Bolshevik. Trái ngược với những nhà cách mạng Mỹ năm 1776, những nhà cải cách của Đức hoặc những người tiên phong của Cơ đốc giáo, những sự suy nghĩ một chiều phù hợp với đặc điểm đặc trưng của những người Nga kế nhiệm cuộc cách mạng, những miếng da che mắt ngựa đã cho họ thấy không chỉ đối diện trước thể chế thống trị mà còn đối diện trước từng nhà nước: Tất cả dân chúng không quan tâm những gì mà nhà nước thực hiện, vì họ không được tham gia.
Suy nghĩ này chỉ liên quan đặc biệt đến đảng của chính mình, đã được đẩy nhanh qua sự khước từ một cách triệt để khỏi tôn giáo. Nếu những cách phân chia trước đây đã nổi bật lên qua việc những người cách mạng thật ra tự coi mình là tín đồ chân chính, nhưng lại bỏ mặc đối phương trong đức tin của họ, thì việc từ bỏ Thiên Chúa là hành động thật sự khởi xướng của những người Nga cực đoan. Do đó, đối với Lenin, tôn giáo là một trong những thứ đáng được căm ghét nhất trên thế giới, nó cần bị loại bỏ.
Với những hậu quả đầy kịch tính, như Rosa Luxemburg (5) đã nhìn nhận: Suy cho cùng, tự do luôn chỉ là tự do của những người bất đồng chính kiến. “Không có tổng tuyển cử, tự do báo chí và tự do ngôn luận bị cấm đoán, và tự do đấu tranh chính kiến cuộc sống trong mọi cơ quan công quyền sẽ chết, trở thành cuộc sống giả tạo trong đó sự quan liêu luôn là yếu tố hoạt động duy nhất“.
Hoặc, để trích dẫn Schramm một lần nữa: Những biến động trước đây đã thành công bởi vì chúng tạo nên các cộng đồng cảm hóa mang theo di sản của họ. Ở Liên Xô, thay vì một cộng đồng cảm hóa, “một xã hội dễ bảo mới đã phát triển, như nó đã một lần tồn tại dưới thời Sa hoàng”.
Thực tế là điều này xảy ra được giải thích không ít bởi sinh lực của một người đàn ông, là “người duy nhất” đã thực hiện “từng bước tiến tới việc cụ thể hóa chủ nghĩa Mác từ nay hoàn toàn trở thành hiện thực” theo Georg Lukács (6). Đó không phải là điềm báo trước về thế hệ của ông, thế hệ đã giải thích sự thất bại lịch sử thế giới của Lenin.
Tác giả: Berthold Seewald là trưởng ban Biên tập Lịch sử của báo Welt
______
Chú thích của dịch giả:
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thomas_Mann
2. http://nghiencuuquocte.org/2019/04/18/to-chuc-lu-doan-do-khung-bo-nuoc-y/
4. Gottfied Schramm (11/01/1929 – 26/10/2017) là nhà sử học Đức, là giáo sư Lịch sử Đông Âu và Lịch sử Hiện đai trường đại học tổng hợp Albert-Ludwigs tại Freiburg. Nước Nga trong thế kỷ 19 và 20 thuộc về một phần trong trọng tâm nghiên cứu của ông.
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Rosa_Luxemburg
6. https://vi.wikipedia.org/wiki/György_Lukács
Howard Nguyen, cộng sản lan rộng là do Lenin và Stalin tiến chiếm các nước xung quanh hoặc áp đặt chế độ cộng sản lên đầu họ. Còn Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh theo cộng sản là vì tham vọng thống trị đất nước chứ chẳng phải vì quyền lợi quốc gia hay vì chế độ thực dân lúc bấy giờ.