Tác giả: Mike McIntire, Russ Buettner và Susanne Craig
Dịch giả: T.Vấn
22-10-2020
Trong lúc Trump đặt câu hỏi về lập trường của đối thủ [Joe Biden] với Trung Quốc, thì hồ sơ thuế của chính Trump đã tiết lộ nhiều chi tiết về những hoạt động của ông ta ở đó, trong đó có việc mở một tài khoản ngân hàng trước đây chưa ai biết tới.
Tổng thống Trump và các đồng minh của ông ta từ lâu đã ra sức tạo nên hình ảnh một Joseph R. Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, là người mềm yếu với Trung Quốc, một phần họ dựa vào chi tiết con trai của Biden đã có những mối quan hệ kinh doanh ở bên đó.
Các thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đã công bố bản báo cáo, khẳng định, một trong những việc Hunter Biden (con trai của Joe Biden) làm ở Trung Quốc là “mở một tài khoản ngân hàng” với một thương nhân địa phương, cũng như anh ta đã từng có một số quan hệ với “những người ngoại quốc và các chính phủ nước ngoài khắp toàn cầu”.
Nhưng riêng Trump, với một quá trình kinh doanh đầy ắp những hợp đồng tài chính ký kết ở nước ngoài, trong đó phải kể đến một số có liên quan đến nhà nước Trung Quốc. Trải qua gần một thập kỷ theo đuổi một số dự án doanh nghiệp ở Trung Quốc, nhưng Trump đã không gặt hái được thành công nào. Trong lần chạy đua đầu tiên làm ứng cử viên tổng thống, Trump vẫn còn đang điều hành một văn phòng của mình ở Trung Quốc và nỗ lực để đạt được sự hợp tác kinh doanh với một công ty lớn do nhà nước cộng sản kiểm soát.
Theo phân tích tài liệu thuế của Trump mà nhóm phóng viên New York Times có được, Trump chỉ mở và duy trì tài khoản ngân hàng ở 3 quốc gia ngoài Hoa Kỳ: Anh, Ái Nhĩ Lan và Trung Quốc. Những tài khoản ngân hàng ngoại quốc này không được liệt kê trong bản bạch hóa tài chính của tổng thống (theo luật bắt buộc Trump phải công bố), trong đó chỉ phản ánh những tài sản cá nhân (Trump), còn các tài khoản ngân hàng ngoại quốc thì ông ta mở dưới tên của doanh nghiệp (công ty). Tuy nhiên, danh tính của các ngân hàng mà Trump mở tài khoản (ở ngoại quốc) vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc được Trump mở dưới tên Trump International Hotels Management L.L.C., trong đó, theo tài liệu thuế, cho thấy tài khoản này đã chi trả $188,561 tiền thuế ở Trung Quốc trong khoảng thời gian Trump đeo đuổi các hợp đồng cấp phép bản quyền ở đó từ năm 2013 cho đến năm 2015.
Tuy nhiên, tài liệu thuế nói trên lại không cho biết tổng số thu nhập của doanh nghiệp được chuyển vào các tài khoản ngoại quốc, dù quy định của IRS bắt buộc các hồ sơ khai thuế phải báo cáo phần thu nhập mà người khai thuế đã nhận được qua các hoạt động kinh doanh hoặc làm việc ở ngoại quốc. Các tài khoản ngân hàng của Trump mở ở Anh và Ái Nhĩ Lan – dưới tên các công ty điều hành sân golf của ông ta tại Tô Cách Lan (Scotland) và Ái Nhĩ Lan (Ireland) – vẫn báo cáo định kỳ hàng triệu đô la thu nhập từ hai quốc gia này. Còn Trump International Hotels Management thì báo cáo chỉ có khoảng chừng vài ngàn đô la thu nhập ở Trung Quốc.
Trả lời các câu hỏi của New York Times, Alan Garten, viên luật sư của Tổ Hợp Trump, nói rằng, công ty “đã mở tài khoản ngân hàng với một ngân hàng Trung Quốc có chi nhánh ở Hoa Kỳ để có thể trả khoản thuế địa phương (local taxes)” liên quan đến các nỗ lực kinh doanh ở đó (Trung Quốc). Garten còn cho biết thêm, công ty mở tài khoản sau khi đã đặt một văn phòng ở Trung Quốc “để thăm dò những tiềm năng về dịch vụ bản quyền khách sạn tại Châu Á”.
“Không có một thỏa thuận, một thương vụ giao dịch hay bất cứ một hoạt động doanh nghiệp nào thành hiện thực, và kể từ năm 2015, chi nhánh văn phòng của công ty đã không còn hoạt động nữa. Và tuy tài khoản ngân hàng vẫn còn được duy trì, nhưng nó vẫn không được dùng cho bất cứ mục đích nào khác”.
Nhưng Garten không xác định rõ tài khoản này nằm ở ngân hàng nào bên Trung Quốc. Cho đến năm ngoái, một ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã thuê ba tầng lầu ở Trump Tower, một hợp đồng béo bở khiến tạo nên những cáo buộc về xung đột lợi ích (conflict of interest) trong hoạt động kinh doanh cá nhân của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là một đề tài trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, từ cuộc chiến tranh thương mại do Trump khai mào cho đến những lời nói bóng gió của ông ta về nguồn gốc của trận đại dịch toàn cầu hiện nay. Chiến dịch tranh cử của Trump đang ra sức tô vẽ Biden như là một thứ “bù nhìn” (puppet) của Trung Quốc, người mà – theo lời Trump – trong lúc còn làm phó tổng thống đã không nhận ra được sự nguy hiểm của Trung Quốc với tư cách là một quyền lực quốc tế ngày càng lớn mạnh. Trump cũng tìm cách gắn cho đối thủ của mình những mối quan hệ được thổi phồng hoặc không có căn cứ về những hoạt động kinh doanh của con trai Biden là Hunter Biden ở Trung Quốc trong lúc Joseph Biden còn đang tại vị.
Mới đây, Trump nói về con trai của Biden: “Anh ta giống như chiếc máy hút bụi – đi theo cha để lượm lặt. Thật đáng xấu hổ. Đó là một gia đình tội phạm”.
Trong một lời buộc tội sai lầm và không có căn cứ, nhưng lại được lớn tiếng hùa theo bởi những tín đồ của mình – như con trai Donald Trump Jr. và luật sư riêng Rudolph W. Giuliani – Trump cho rằng con trai Biden “đã rời khỏi Trung Quốc” với 1.5 tỉ đô la đút túi sau khi tháp tùng cha trong một chuyến công du năm 2013.
Một số bài báo và các trang mạng kiểm chứng sự thật đã giải thích rằng, số tiền to tát ấy thật sự chỉ là con số chi tiêu huy động vốn (đầu tư) đặt ra cho một công ty đầu tư phải cố gắng vận động để có được, và trong công ty ấy, Biden Con có khoảng 10% cổ phần sau khi Biden Cha đã rời khỏi chức vụ. Công ty đầu tư này tuy nhận được sự hỗ trợ tài chính của một ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng cho thấy mục tiêu huy động vốn của công ty đã đạt được, đồng thời cũng không có một chứng cớ nào xác nhận Biden Con đã nhận được một khoản tiền lớn cho cá nhân mình.
Về phần viên cựu phó tổng thống Biden, những hồ sơ bạch hóa tài chính cùng với bản khai hồ sơ thuế hàng năm được ông tự nguyện cho phổ biến công khai, không cho thấy có bất cứ một thu nhập lợi tức hay hoạt động kinh doanh nào của riêng mình ở Trung Quốc.
Trong khi đó, lại có rất nhiều chứng cứ cho thấy, những nỗ lực của Trump muốn nối gót theo vô số các công ty Mỹ từ lâu có cơ sở làm ăn ở Trung Quốc – và qua những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump và công ty mà New York Times nắm được trong tay đã tiết lộ khá nhiều chi tiết mới về nỗ lực này.
Cũng như ở Nga, nơi Trump tìm cách thăm dò để có thể đạt được những dự án xây cất khách sạn và tháp cao tầng – nhưng không một chút thành công, từ lâu nay Trump cũng tìm mọi cách để có được các hợp đồng cấp phép bản quyền ở Trung Quốc. Có thể lần theo những cố gắng của Trump từ năm 2006, khi ông ta nộp đơn xin cầu chứng nhãn hiệu (trademark) ở Hong Kong và lục địa (mainland) Trung Quốc. Rất nhiều phê chuẩn của chính quyền (Trung Quốc) được ban hành sau khi Trump nắm chức vụ tổng thống. (Con gái của Trump, Ivanka Trump, cũng đã nhận được các phê chuẩn cầu chứng nhãn hiệu từ chính quyền Trung Quốc cho doanh nghiệp cá nhân của mình sau khi gia nhập đội ngũ nhân viên cố vấn của tòa Bạch Ốc).
Năm 2008, Trump theo đuổi một dự án xây Tháp Văn Phòng (office tower) ở Quảng Châu nhưng kết quả không đi tới đâu. Đến năm 2012, Trump xúc tiến các nỗ lực để mở một chi nhánh văn phòng ở Thượng Hải, và dữ liệu thuế tiết lộ, một trong những công ty có liên quan đến Trung Quốc của Trump, THC China Development L.L.C., khai khấu trừ $84,000 cho những chi phí về di chuyển, pháp lý và văn phòng trong năm 2008.
Sau khi đã cắm được lá cờ Trump ở Trung Quốc, ông ta kết nối với một đối tác mới – State Grid Corporation, một trong những công ty quốc doanh lớn nhất Trung Quốc. Năm 2016, hãng tin AFP cho biết, sự hợp tác này liên quan đến một hợp đồng cấp phép bản quyền và quản lý một công trình ở Bắc Kinh. Ngay cả khi Trump đã phát động chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ nhất của mình, ông ta vẫn còn cố gắng tìm kiếm những thỏa thuận trong nhiều tháng kế tiếp, và chỉ chịu từ bỏ sau khi biết tin State Grid Corporation bị kẹt cứng trong một cuộc điều tra về tham những của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Nếu chỉ dựa vào các dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump, sẽ rất khó để ước lượng tương đối chính xác số tiền Trump đã chi ra trong lúc cố gắng tìm một địa bàn kinh doanh ở Trung Quốc. Tài liệu thuế cho thấy Trump đã đầu tư ít nhất $192,000 vào 5 công ty nhỏ được thành lập với mục đích cụ thể là theo đuổi các dự án kinh doanh của Trump ở Trung Quốc trong thời gian nhiều năm. Những công ty đó đã khai ít nhất $97,400 cho chi phí kinh doanh từ năm 2010, trong đó bao gồm một khoản thanh toán nhỏ về thuế và kế toán sổ sách mới đây nhất cho năm 2018.
Trong thực tế, những kế hoạch tham gia vào thị trường Trung Quốc của Trump được lèo lái bởi một công ty khác, đó chính là Trump International Hotels Management – công ty đứng tên tài khoản của Trump với ngân hàng Trung Quốc.
Công ty này trực tiếp sở hữu THC China Development, đồng thời cũng liên quan đến công việc quản lý tất cả những cơ sở kinh doanh mang nhãn hiệu Trump ở khắp nơi trên thế giới, và vì thế, không thể nào dựa trên hồ sơ thuế để phân biệt được số liệu tài chính cụ thể liên quan đến các hoạt động doanh nghiệp ở Trung Quốc. Thông thường, công ty báo cáo khoảng vài triệu thu nhập mỗi năm, cũng như một số các chi phí có thể dùng khấu trừ (deductible expenses) thuế.
Năm 2017, công ty báo cáo một con số tăng đột biến trong thu nhập – khoảng 17.5 triệu đô la, lớn hơn cả con số của 5 năm trước gộp chung lại. Kèm theo đó là khoản tiền Trump rút ra từ tài khoản vốn đầu tư của công ty: 15.1 triệu đô la.
Trong nội dung bản bạch hóa tình hình tài chính của Trump năm 2017, ông ta đã khai, con số thu nhập khá lớn, và chỉ liệt kê chung chung là “lệ phí điều hành và các khoản thanh toán hợp đồng khác”. Một sự kiện quan trọng của công ty được cho là đã xảy ra trong năm 2017, là việc bán lại hợp đồng điều hành và bản quyền khách sạn SoHo ở New York, giá trị của nó được Bloomberg báo cáo khoảng 6 triệu đô la.
Viên luật sư Garten của Trump không bình luận gì về con số 6 triệu do Bloomberg đưa ra, nhưng nói rằng, khoản tiền thu được từ việc chuyển nhượng hợp đồng ở khách sạn SoHo chiếm “một tỉ lệ đáng kể” trong tổng thu nhập của công ty và số còn lại (trong tổng thu 17.5 triệu trừ đi khoản thu từ SoHo – ND) không dính dáng gì đến Trung Quốc.
Ở bên ngoài Trung Quốc, Trump gặt hái được nhiều thành công hơn trong việc lôi kéo những khách hàng giàu có người Trung Quốc mua lại các tài sản mà ông ta sở hữu ở những quốc gia khác. Những khách sạn và tòa tháp cao tầng của Trump ở Las Vegas và Vancouver, British Columbia – những nơi được coi là mục tiêu hấp dẫn cho các nhà đầu tư địa ốc Trung Quốc – đã tìm được nhiều khách hàng muốn mua lại, và ít nhất là một trong những thương vụ giao dịch ấy đã bị sở cảnh sát liên bang Hoa Kỳ FBI để mắt tới.
Trong thời kỳ Trump đang phát động chiến dịch tranh cử năm 2016, một công ty vỏ bọc (shell company) điều hành bởi một cặp vợ chồng Trung Quốc sinh sống ở Vancouver đã mua lại 11 đơn vị gia cư trị giá 3.1 triệu đô la trong toà tháp cao tầng Las Vegas, do Trump đồng sở hữu với ông trùm casino Phil Ruffin.
Chủ sở hữu một công ty dịch vụ tài chính có bản doanh ở Las Vegas cho New York Times biết rằng, sau đó có 2 nhân viên FBI đến thăm và cật vấn ông ta về công ty đứng đằng sau thương vụ mua bán nói trên; đồng thời họ cũng cho ông ta biết rằng, công ty vỏ bọc này đã dùng địa chỉ văn phòng của ông ta trong các giấy tờ giao dịch mà ông ta không hề hay biết. Tuy nhiên, 2 nhân viên FBI đã cật vấn về việc gì thì ông ta không tiết lộ.
Luật sư Garten nói rằng Tổ Hợp Trump “không hề được FBI tiếp xúc và cũng không biết đến bất cứ cuộc điều tra nào”.
Dữ liệu từ hồ sơ thuế cho thấy, ở Vancouver, số đông những khách hàng Trung Quốc mua các đơn vị gia cư trong Trump Hotel & Tower đã đẩy lệ phí bản quyền từ dự án xây dựng này tăng lên đến 5.8 triệu đô la năm 2016, cũng là năm mà công trình này hoàn tất. Công trình được xây dựng bởi một công ty có bản doanh ở Canada nhưng chủ sở hữu của công ty thuộc về gia đình của một trong những người giàu nhất Malaysia, Tony Tiah Thee Kian, là người có nhiều hoạt động về khách sạn ở Trung Quốc và một số nơi khác.
Năm 2018, hãng truyền hình CNN báo cáo rằng, những hoạt động ở Vancouver đã là một đối tượng cần xem xét về khía cạnh phản tình báo liên quan đến công việc điều tra trước khi Ivanka Trump được chính thức công nhận là đã vượt qua mọi tiêu chuẩn an ninh gắt gao để vào làm việc trong tòa Bạch Ốc.
Và cũng không lâu sau khi đắc cử tổng thống năm 2016, Trump đã bán dãy penthouse (khu nhà ở trên tầng cao nhất một building, thường tráng lệ và xa xỉ hơn các dãy phòng bên dưới – ND) ở một trong những cao ốc thuộc Manhattan, với giá 15.8 triệu đô la cho một nữ thương gia người Mỹ gốc Trung Quốc tên Xiao Yan Chen – dãy nhà vốn trước đây chiếm ngụ bởi Ivanka và chồng là Jared Kushner – qua một thương vụ nằm ngoài bản liệt kê danh sách địa ốc cần giao dịch. Xiao Yan Chen điều hành một công ty tư vấn quốc tế và được cho là có những mối quan hệ với các quan chức cao cấp thuộc chính quyền Trung Quốc, cũng như các chính khách tầm cỡ ở đó.
Hồ sơ thuế của Trump cho biết, ông ta đã báo cáo một khoản lợi tức đầu tư ít nhất là 5.6 triệu đô la từ thương vụ bán dẫy penthouse năm 2017, năm đầu tiên Trump giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.
_____
Về ba tác giả: Mike McIntire, Russ Buettner và Susanne Craig:
– Mike McIntire là một phóng viên điều tra của NYT, đã đoạt giải Pulitzer về phóng sự điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016; McIntire còn là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu đi sâu vào vấn đề tài chính của các cuộc tranh cử, các vấn đề súng ống bạo lực, và tình trạng tham nhũng của hoạt động thể thao ở các trường đại học.
– Russ Buettner là một phóng viên điều tra của NYT. Năm 2019, Russ và các đồng nghiệp Susanne Craig và David Barstow, đã được trao giải Pulitzer về công trình điều tra phá vỡ huyền thoại của Trump, tự cho mình là một tỉ phú tay trắng làm nên (self-made billionaire). Đồng thời, công trình này cũng đã nhận được giải thưởng George Polk Award 2018 về báo cáo chính trị. Trước đó, Russ cộng tác với báo New York Daily News và New York Newsday.
– Susanne Craig là một phóng viên điều tra của NYT. Bà chuyên nghiên cứu về sự kết hợp giữa chính trị, tiền bạc và quyền lực chính quyền. Bà đã từng nhận được nhiều giải thưởng trong sự nghiệp báo chí của mình, bao gồm giải Pulitzer năm 2019 với Russ Buettner và David Barstow. Bà Craig phụ trách báo cáo hoạt động của Wall Street cho NYT và hiện là trưởng văn phòng NYT ở Albany. Trước đó, bà làm việc với báo Wall Street Journal và báo Globe and Mail ở Canada.