Từ phòng vệ – ứng cứu thiên tai, nhìn chuẩn bị – trấn áp biểu tình

Blog VOA

Trân Văn

19-10-2020

Mưa to kéo dài nhiều ngày, lũ lớn, lụt nặng, sạt lở xảy ra tại nhiều nơi ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, cho thấy cả nhận thức lẫn khả năng hành động trong phòng vệ – ứng cứu thiên tai của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vừa tắc trách, vừa tàn nhẫn!

***

Về nguyên tắc, tổ chức phòng vệ – ứng cứu khi xảy ra những tình huống hiểm nghèo hay thiên tai, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của cá nhân hoặc dân cư một khu vực, một vùng, luôn luôn phải là khảo sát – dự đoán tình huống – lập sẵn kế hoạch – chuẩn bị sẵn phương tiện, nhân lực – tổ chức tập luyện cho cả lực lượng dự trù sẽ tham gia ứng cứu lẫn dân chúng trong khu vực có nguy cơ cao về cách thức ứng phó, phối hợp để hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về nhân mạng.

Nếu cư trú ở khu vực có thể xảy ra thiên tai (mưa bão, lũ lụt, gió xoáy, động đất,…), những người Việt sống bên ngoài Việt Nam chẳng lạ gì điều này. Họ luôn được nhắc nhở phải dự trữ thực phẩm, nước uống, chuẩn bị phương tiện chiếu sáng, giữ ấm,… nhận biết nguy cơ, cách thức cầm cự, hỗ trợ sinh tồn trong khi chờ lực lượng cứu nạn… Đối với tình huống hiểm nghèo cũng vậy. Những người sống trong các cao ốc luôn được lưu ý có thể và không thể làm gì, cháy hoặc động đất thì phải làm sao, thoát hiểm lối nào.

Thậm chí chỉ lái một chiếc xe cũng buộc phải nhớ cách thức nhận biết, phòng ngừa những bất trắc do thời tiết, phải chuẩn bị và dùng các phương tiện cảnh báo như thế nào để bảo vệ mình và bảo vệ người khác khi xe hư giữa đường vào ban ngày hay lúc nửa đêm. Ngay cả trẻ con cũng được huấn luyện từ mẫu giáo, năm nào cũng cùng bạn bè thực hành cách tự bảo vệ, thoát hiểm nếu trường học, nơi ở động đất, phát cháy, bị những kẻ có vũ trang đột nhập…

***

Hai vụ sạt lở xảy ra tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào ngày 12 và 13 tháng 10, khiến 30 người thiệt mạng (17 ở Thủy điện Rào Trăng 3 và 13 ở trạm Kiểm lâm Sông Bồ) vẫn không thể cảnh tỉnh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam, kể cả khi Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cảnh báo: Từ chiều 15 đến 20 tháng 10, miền Trung tiếp tục có mưa rất lớn, ngập lụt sẽ tái diễn vì tác động của “hình thái tổ hợp đa thiên tai” (áp thấp nhiệt đới xuất hiện cùng lúc với khối không khí lạnh có cường độ mạnh, chưa kể áp cao cận nhiệt có xu hướng lấn về hướng Tây kết hợp với nhiễu động gió Đông ở trên cao) (1).

Đó là lý do cư dân ở những nơi có khả năng sạt lở và dân cư nhiều vùng có khả năng chìm sâu trong nước ở Quảng Trị, Quảng Bình không được di tản khỏi khu vực nguy hiểm. Nếu khảo sát kỹ – dự đoán tốt sẽ không có thêm hai vụ sạt lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị, vùi một gia đình sáu người tại xã Húc, lấp khu nhà của bộ phận tham mưu Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 khiến 22 quân nhân nữa mất mạng (2) và rạng sáng 18 tháng 10, không có hàng trăm người ở Cam Lộ, Đông Hà,… tỉnh Quảng Trị gọi, nhắn tin cho thân nhân, người quen rồi thân nhân, người quen dùng mạng xã hội xin chuyển tin đi các nơi để tìm sự trợ giúp nhằm cứu mạng các nạn dân (3)…

Dẫu cũng có hệ thống ng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương như thiên hạ nhưng vì thiếu khảo sát, không thể dự đoán tình huống, không sẵn kế hoạch ứng phó, không sẵn cả phương tiện, nhân lực ứng cứu, cho dù lưu vực Rào Trăng là khu vực nguy cơ cao (bốn thủy điện bậc thang) nên ông Nguyễn Văn Man ((Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4), ông Nguyễn Hữu Hùng (Đại tá, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) và 11 sĩ quan, viên chức khác mới mất mạng!..

***

Mưa bão, lũ lụt, sạt lở vốn không xa lạ gì với người Việt, đặc biệt là khu vực miền Trung nhưng trước nay, hoạt động tìm kiếm – ứng cứu cả nạn nhân thiên tai nói chung lẫn nạn nhân của những tình huống hiểm nghèo nói riêng vẫn chỉ dựa vào sức người, phương tiện tìm kiếm – ứng cứu thiếu cả về số lượng lẫn tính năng chuyên dụng. Đã có hơn 100 người chết do lũ, lụt, sạt lở và khi mưa bão vẫn chưa ngừng, các nhà máy thủy điện vẩn tiếp tục xả nước, ngoài Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, đang có thêm nhiều tỉnh phía Bắc miền Trung (như Hà Tĩnh,…), nhiều tỉnh phía Nam miền Trung (như Quảng Nam,…) bị đe dọa.

Chưa bao giờ người Việt nghe hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đề cập đến việc phát triển lực lượng tìm kiếm – cứu nạn, đầu tư thích đáng cho các phương tiện phòng ngừa, đối phó, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên nguyên nhân không phải do nghèo! Ngoài chuyện dồn nội lực quốc gia vào những dự án minh họa cho định hướng xã hội chủ nghĩa, những công trình để tri ân và ca ngợi bác, đảng, phần còn lại của nội lực quốc gia được rót hết cho công an, nâng cao năng lực giải tán biểu tình, dập tắt phản kháng.

Cứ dùng Google để tìm và đối chiếu trang bị dành cho cảnh sát cơ động (lực lượng chuyên trấn áp) (4) với trang bị của cảnh sát phòng cháy – chữa cháy (một trong những lực lượng đảm nhận vai trò tìm kiếm – cứu nạn tại Việt Nam) (5), ắt sẽ thấy, tính mạng – tài sản của công dân nằm ở vị trí nào trong nhận thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Tương tự, hãy dùng Google để so sánh đủ loại phương tiện mà đảng vẫn đem khoe như một cách răn đe vài lần mỗi năm qua các cuộc diễn tập phòng chống bạo loạn – lật đổ (6) với việc tìm kiếm – cứu nạn khi có thiên tai bằng sức dân, công lính (7).

Bất kể khoảng cách về đầu tư cho nhân lực, trang bị giữa tìm kiếm – cứu nạn và trấn áp đã rất rộng, đầu tư cho trấn áp vẫn chưa ngừng lại, sau Thông tư 17/2018/TT-BCA Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an do Bộ Công an ban hành cách nay hai năm, công quỹ vẫn đang được rút ra để bảo đảm công an các xã sẽ có đầy đủ các loại vũ khí cá nhân (súng ngắn, súng trường, tiểu liên), công an các huyện có đủ những loại vũ khí với khả năng hủy diệt cao như (mìn, bom, súng chống tăng), những phương tiện chiến tranh như trực thăng mà tại Việt Nam, các đơn vị quân đội ở cấp quân đoàn mới có thể có (8)!..

Chú thích

(1) Miền Trung tiếp tục mưa lớn với ‘hình thái tổ hợp đa thiên tai’ (TT)

(2) Lũ, sạt lở ở Quảng Trị, hàng chục người chết, mất tích (PLTP)

(3) Lũ dâng nhanh trong đêm, dân Quảng Trị lên mạng cầu cứu khẩn thiết (TT)

(4) Cận cảnh dàn xe đặc chủng chống đạn của Cảnh sát cơ động Hà Nội (VOV)

(5) Thăm hỏi 12 Cảnh sát PCCC bị thương khi làm nhiệm vụ (CA)

(6) Cận cảnh vũ khí, khí tài “khủng” trong cuộc diễn tập chống khủng bố ở TP.HCM (TN)

(7) Trực tiếp từ hiện trường tìm kiếm 22 chiến sĩ: Đã tìm thấy tất cả thi thể (TT)

(8) Công an xã được trang bị súng từ 1-7 (TT)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiền trang bị ứng cứu thiên tai đã được dùng để mua ngựa (trang bị cho cảnh sát dẹp biểu tình), hốt phân ngựa và nuôi ngựa hết rồi!!!

Leave a Reply to Mỹ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây