Tác giả: Stuart Lau
Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
4-10-2020
• Sự khác biệt về chính sách vẫn còn giữa Washington và Brussels nhưng các nhà ngoại giao nhìn thấy cơ hội đoàn kết nhiều hơn sau thời Trump.
• Bắc Kinh ngày càng phản ứng cấp bách để có thể tái cân bằng các mối quan hệ địa chính trị.
Khi 27 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu tập trung tại Berlin để thảo luận về một chủ đề duy nhất – Trung Quốc – vào ngày 16 tháng 11, một số quyết định sẽ nằm ngoài tầm tay của họ và chính phủ Trung Quốc.
Trái lại, kết quả cuộc họp của EU diễn ra chưa đầy hai tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Trung, mà còn cả với quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.
Nếu Donald Trump giành được chiến thắng, sự đồng thuận chung ở EU là nên chuẩn bị thêm 4 năm giọng lưỡi chống Âu châu từ Tòa Bạch Ốc, khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Khối này ít nhiều sẽ bị cô lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra và buộc phải tìm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, ở bất cứ nơi nào có thể được.
Mặt khác, một chiến thắng của Joe Biden, đối thủ thuộc Đảng Dân chủ, sẽ mở ra khả năng liên kết giữa Mỹ và EU, nhằm đối phó với vấn đề Trung Quốc, theo các nhà ngoại giao, nhà phân tích và cố vấn chiến dịch được phỏng vấn bởi South China Morning.
“Một nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ khôn khéo hơn nhiều trong cách đối phó với Trung Quốc so với chúng tôi trong 4 năm qua”, theo Anthony Gardner, đại sứ Mỹ tại EU từ năm 2014 đến năm 2017 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Gardner nói: “Việc hợp tác với EU sẽ dễ dàng hơn so với thời chính quyền hiện tại, bởi vì không ai muốn dành cho Donald Trump bất kỳ sự ưu ái nào. Giờ đây, chúng ta có một thời điểm khả thi mà Mỹ và EU có thể thật sự đồng ý về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và Trung Quốc”.
Nhìn bề ngoài, Mỹ và EU có những mối quan ngại tương tự đối với Trung Quốc. Nhiều biện pháp của Trump đối với công nghệ và nhân quyền của Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng, trong khi tất cả 27 quốc gia EU đều đồng lòng áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, qua việc gọi nước này là đối thủ có hệ thống vào năm ngoái.
Họ cũng chia sẻ những bất mãn chung trong quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, sân chơi bình đẳng và bảo vệ tài sản trí tuệ – đến nỗi các cuộc đàm phán đầu tư của EU với Trung Quốc có những điểm giống với các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Bắc Kinh – bao gồm nhiều ví dụ về cách diễn đạt giống hệt nhau.
Tuy nhiên, hai bên đã thể hiện rất ít sự phối hợp khi nói đến Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Mặc dù đã đồng ý đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Trung Quốc, các ngoại trưởng EU vẫn không sẵn sàng thực hiện các kế hoạch chung, theo các nguồn tin của EU.
“Khi Pompeo nói về nhân quyền, không ai tin ông ta thật sự quan tâm đến nó”, David O’Sullivan, người từng là đại sứ EU tại Mỹ cho đến năm ngoái nói, cho dù những chủ đề này – từ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đến Hồng Kông- là “những vấn đề thật sự đáng quan tâm ”.
Nếu Biden trở thành tổng thống ở tuổi 78, O’Sullivan mong đợi một “sự thay đổi dứt khoát trong giọng điệu“.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ mở cánh cửa cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn về những vấn đề này, cố gắng tìm ra các giải pháp phù hợp cho người Mỹ và người châu Âu. [Biden] sẽ quan tâm đến liên minh xuyên Đại Tây Dương theo cách mà Trump rõ ràng không làm. Sau đó, tất nhiên bạn sẽ phải lắng nghe những gì ông ấy nói“.
Bắc Kinh đã phản ứng với việc gấp rút gia tăng khả năng tái cân bằng trong nhận thức địa chính trị của EU.
Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh qua mạng với các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong nỗ lực xúc tiến một hiệp ước đầu tư đã chờ đợi từ lâu giữa Trung Quốc và khối này vào cuối năm nay.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước các chuyến công du đến bảy nước châu Âu vào tháng 8 và tháng 9 của hai nhà ngoại giao cấp cao – Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì – những người liên tục nhắc nhở khán giả châu Âu của họ về các chiến thuật bắt nạt của Trump.
Các quan chức châu Âu cần vài lời nhắc nhở về phong cách của tổng thống Mỹ. Trump nói hồi năm ngoái: “Liên minh châu Âu: rất, rất khó. Những rào cản mà họ dựng lên thật khủng khiếp, khủng khiếp. Về nhiều mặt, tệ hơn cả Trung Quốc”.
Sau khi ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Âu châu, chính quyền Trump tập trung vào việc giảm thâm hụt hàng hóa ngày càng tăng đến mức kỷ lục 178 tỷ USD vào năm 2019 của mình.
Lập trường của Trump về EU trái ngược với Biden, người không có gì ngoài những lời lẽ tử tế khi phát biểu trước Nghị viện châu Âu trong chuyến công du Brussels năm 2010 của phó tổng thống.
“Một số chính trị gia Mỹ và các nhà báo Mỹ gọi Washington là ‘thủ đô của thế giới tự do’. Nhưng đối với tôi, có vẻ như thành phố vĩ đại này, tự hào có 1.000 năm lịch sử và là thủ đô của Bỉ, quê hương của Liên minh Châu Âu và trụ sở chính của NATO, thành phố này có yêu sách chính đáng của riêng mình đối với danh hiệu đó”, ông nói.
Sự thù hận của Trump đối với các tổ chức này đã chuyển thành các quyết định đơn phương được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, chẳng hạn như rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran – cả hai đều do Obama và các đồng minh EU của ông làm trung gian – giống như cách ông cố gắng loại bỏ cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới, với lý do nó không có khả năng kiềm chế các hành vi buôn bán không công bằng của Trung Quốc.
“Một trong những khía cạnh kỳ lạ nhất của chính quyền [Trump] là họ tin rằng chúng ta nên phớt lờ EU về việc cải tổ WTO, và đặc biệt là việc cải tổ tình trạng lạm dụng thương mại của Trung Quốc. Nó kỳ lạ, bởi vì cùng nhau chúng ta sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn”, Gardner, cựu đại sứ Hoa Kỳ cho biết.
Trước khi tham gia nhóm vận động tranh cử của Biden, với tư cách là cố vấn về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương và Trung Quốc, bà Julianne Smith đã viết trên tạp chí Foreign Affairs năm ngoái rằng, EU và Mỹ nên cùng nhau giải quyết các hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc và khai triển các giải pháp thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc.
Bà Smith cho biết, EU và Mỹ cũng nên “làm việc cùng nhau để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống chính trị của họ” và “hiểu rõ hơn về các kênh ảnh hưởng của Trung Quốc”, không chỉ ở cấp chính quyền quốc gia mà còn ở cả “cấp địa phương và xã hội”.
Điều thú vị là cách tiếp cận của bà lại hòa điệu với đường lối cứng rắn, ngôn ngữ công kích đảng Cộng sản của Pompeo và chiêu bài “đối thủ có hệ thống” của EU đối với Trung Quốc, đồng thời dứt khoát bác bỏ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Trung Quốc với phương Tây để tránh “đối đầu ý thức hệ”.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU và kêu gọi Trung Quốc chấp thuận mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp EU vào cuối năm nay – nếu không Bắc Kinh có nguy cơ mất một số quyền tiếp cận thị trường nội địa EU.
Jonas Parello-Plesner, giám đốc điều hành của Liên minh các nền dân chủ (Alliance of Democracies), một tổ chức có trụ sở tại Copenhagen, cho biết: “Kỷ nguyên của sự gắn bó ngây thơ với Trung Quốc đã qua”.
Ông nói thêm rằng, nhiệm kỳ tổng thống của Biden có khả năng liên lạc chặt chẽ hơn với EU về nhân quyền và các chủ đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, một chiến thắng của Biden sẽ không bảo đảm ngay lập tức sự liên kết toàn diện giữa EU và Mỹ về chủ đề quá rộng lớn này.
“Người ta không thể cứ quay ngược kim đồng hồ và giả vờ rằng Donald Trump không tồn tại trong bốn năm qua”, Gardner nói.
Ngoài chuyện lòng tin cậy giữa Washington và Brussels đã bị tổn thương, còn có những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận của EU với chính sách về Trung Quốc của Washington.
Đây là trường hợp đặc biệt vì một vài nước EU có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với các nước khác, đồng thời cả khối cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các vấn đề đa phương như thương mại và biến đổi khí hậu.
Ví dụ, Đức đã bác bỏ lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc cấm Huawei Technologies xây dựng mạng 5G của mình vì sợ Trung Quốc trả đũa ngành công nghiệp xe hơi của Đức, trong khi Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên ghi danh vào dự án vành đai và con đường của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Washington.
O’Sullivan, cựu quan chức ngoại giao EU, nói: “Tòa Bạch Ốc hiện chủ trương tách rời và gây hấn với Trung Quốc. Tôi hy vọng Biden và những người xung quanh ông ấy sẽ có cái nhìn tinh tế hơn. Người ta phải nhìn thấy [các vấn đề của Trung Quốc] trong bối cảnh cố gắng huy động một diễn viên cực kỳ quan trọng trong thế kỷ 21”.
Nhưng Erik Brattberg, giám đốc Chương trình châu Âu (Europe Program) và là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) cho biết, ông mong sự cởi mở của người châu Âu khi làm việc với Washington sẽ “cao hơn nhiều” dưới thời chính quyền Biden, ngay cả khi EU bị áp lực phải có lập trường kiên quyết chống lại Trung Quốc trong các vấn đề đầu tư và công nghệ quan trọng.
Volker Stanzel, cựu đại sứ Đức tại Trung Quốc và Nhật Bản, đồng ý. Ông nói: “Như lịch sử đã cho thấy, [EU] có thể đạt được nhiều hơn thế nếu hợp tác với các đối tác. Nếu trong tương lai, chúng ta có một đối tác chuyên nghiệp ở Washington một lần nữa, thì điều này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho các cách đối phó với thách thức cùa Trung Quốc”.
Đa số các quốc gia Âu Châu đã quen “núp” dưới cái ô dù của Hoa Kỳ để được an toàn làm ăn buôn bán với TQ, và ngay cả với Liên Xô, làm giầu cho quốc gia mình mà không phải bỏ ra nhiều tiền chi cho quốc phòng.
Nay, TT Trump đã ép buộc họ phải chi nhiều tiền hơn cho sự an ninh của chính họ nên họ ra vẻ không bằng lòng ! Người dân Mỹ đã phải gánh chịu sự bất công rõ ràng này trong suốt bao nhiêu năm mà chưa có một TT Mỹ nào dám nói ra, và cương quyết san bằng những bất công này trừ TT Trump.
“Nếu Donald Trump giành được chiến thắng, sự đồng thuận chung ở EU là nên chuẩn bị thêm 4 năm giọng lưỡi chống Âu châu từ Tòa Bạch Ốc, khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khối này ít nhiều sẽ bị cô lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra và buộc phải tìm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, ở bất cứ nơi nào có thể được.”; “một vài nước EU có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với các nước khác, đồng thời cả khối cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các vấn đề đa phương như thương mại và biến đổi khí hậu. Ví dụ, Đức đã bác bỏ lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc cấm Huawei Technologies xây dựng mạng 5G của mình vì sợ Trung Quốc trả đũa ngành công nghiệp xe hơi của Đức, trong khi Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên ghi danh vào dự án vành đai và con đường của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Washington.”
-Với ng dân Trung Hoa, Đảng CSTQ dù ko có tính chính danh nhưng lại tự tin vạch ra 01 kế hoạch dài hơn trong nhiều thập kỷ với tham vọng ko thay đổi là: vượt qua Hoa Kỳ; đánh bại Hoa Kỳ; xuất khẩu hệ thống cai trị chuyên chế của mình ra khắp thế giới. Vậy thì Hoa Kỳ có 01 Chính phủ chính danh, sức mạnh xem như đứng đầu TG, lại ko tự tin 01 mình đưa ra 01 kế hoạch dài hơi chống & diệt tham vọng này là sao? Hoa Kỳ bị ĐCSTQ đưa vào tình thế Yes Or No với ĐCSTQ (nếu A ko hạ dc tôi bây giờ, tôi sẽ diệt anh trong tương lai gần thôi) nên Hoa Kỳ phải tự xử gấp bằng cách tạo liền ngay 01 liên minh mới, là những QG có cùng chung chí hướng với Hoa Kỳ trong quyết tâm chống lại sự bành trướng thống trị TG của ĐCSTQ. Liên minh EU gồm 27 nc, “đông nhưng ko tinh”, các nc còn nhiều hướng khác biệt, chưa cùng đồng lòng chống ĐCSTQ, còn lơ lửng hay lấp lửng, nên tạm thời Hoa Kỳ bỏ qua, sẽ cân nhắc sau. Còn hiện giờ, thời gian gấp lắm rồi, lập liên minh mới, quyết nhanh thôi. (liên minh cũ, ĐCSTQ bắt bài hết rồi , thao túng rất dễ dàng)