Nguyễn Vũ Hiệp
21-9-2020
Tóm tắt:
Để phục vụ nhu cầu nhận diện và lưu trữ các fact trong bối cảnh hỗn loạn thông tin về vụ án Đồng Tâm, bài viết này sẽ tập hợp và phân loại 80 tư liệu đáng chú ý, trong những nguồn sẵn có trên Internet của cả dư luận ủng hộ bên nguyên, lẫn dư luận ủng hộ bên bị, để từ đó rút ra 42 fact và 6 câu hỏi quan trọng nhất về vụ án.
Thông tin trong bài được trình bày thành 3 tuyến tự sự song song (bao gồm lời kể của người viết, lời kể của dư luận ủng hộ bên nguyên, lời kể của dư luận ủng hộ bên bị), để truyền tải nguyên vẹn “cái lý” của từng bên, đồng thời tạo thuận lợi cho việc so sánh cấu trúc tự sự và chiến thuật truyền thông của các bên. Người viết mong bài tổng hợp này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu dụng, giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh hơn về những yếu tố bị khuất lấp trong vụ án, đồng thời tiết kiệm được thời gian khi tra cứu, ghi chép, lưu trữ thông tin về toàn bộ chuỗi sự kiện.
Phần 1 – Mục đích của bài viết: Lưu trữ fact trong bối cảnh hỗn loạn thông tin về vụ án Đồng Tâm
4h sáng ngày 09/01/2020, quá trình tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội đã làm phát sinh một vụ va chạm bạo lực giữa cảnh sát và nhóm nông dân địa phương, dẫn đến thương vong của 3 cảnh sát và 1 nông dân (là ông Lê Đình Kình). Sau phiên xử sơ thẩm kéo dài từ ngày 07/09 đến ngày 14/09 cùng năm, 29 nông dân liên quan đến vụ việc này đã bị tuyên án về các tội danh Giết người và Chống người thi hành công vụ, với 2 bản án cao nhất là tử hình, dành cho 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức.
Trong hơn 8 tháng điều tra, truy tố và xét xử, vụ án này đã khơi dậy nhiều phản ứng mạnh mẽ trong dư luận Việt Nam. Ngoài mối lo về một nền tư pháp thiếu công bằng và không tôn trọng các quyền con người, dư luận cũng đã ghi nhận mối lo về tình trạng hỗn loạn thông tin và sự suy yếu của không gian công cộng [public sphere] do vụ việc, qua 3 biểu hiện:
Biểu hiện thứ nhất là sự tổn hại của quyền tự do thông tin. Như bài viết sẽ đề cập, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, báo chí độc lập và luật sư đã nhiều lần bị ngăn cản khi cố tiếp cận hiện trường, nhân chứng, bị cáo, cáo trạng và các bằng chứng quan trọng của vụ án. Sự kiểm duyệt này đã để lại một khoảng trống thông tin, mà dư luận sẵn sàng lấp đầy bằng các loại thông tin sai.
Biểu hiện thứ hai là sự phổ biến của các thông tin sai sự thật và thuyết âm mưu về vụ án Đồng Tâm. Công bằng mà nói, thông tin sai vốn đã là một trở ngại trong quá trình tranh chấp đất đai từ trước biến cố bạo lực. Đơn cử, trong cuộc họp được ghi hình hôm 22/12/2019, ông Lê Đình Kình từng khẳng định rằng “Đất Đồng Sênh theo văn bản số 0 ngày 4/6/2016 trị giá tương đương 1 tỷ đôla, tương đương 23 nghìn tỷ bây giờ”, dù cả văn bản lẫn mức giá vừa nêu đều không tồn tại [tư liệu số 2, 9].
Khi biến cố bạo lực dẫn đến thiệt hại nhân mạng ở cả hai bên, các trang mạng xã hội ở cả hai bên đều đưa tin sai về nguyên nhân và con số thương vong trong vụ việc. Cụ thể, một fanpage ủng hộ Cảnh sát Cơ động đưa tin rằng 5 cảnh sát đã thiệt mạng do “ngã xuống hầm chông”, khiến Bộ Công an phải phủ nhận tin đồn đó ngay trong ngày [tư liệu số 21, 23]. Tương tự, các trang ủng hộ nông dân đưa tin rằng có 3 nông dân bị sát hại, bao gồm một trẻ em, và 3 cảnh sát thiệt mạng là do vô tình bị điện cao thế giật (trong khi ông Lê Đình Kình là người thiệt mạng duy nhất ở phía nông dân, và khu vực nơi vụ án xảy ra không có dây điện cao thế) [70].
Hiện nay, không ít trang ủng hộ nông dân vẫn tin rằng Bộ Công an từng tuyên bố vụ án diễn ra ở khu đất tranh chấp thay vì ở trong làng (dù ngay buổi sáng 09/01, phía công an đã khẳng định rằng xung đột bùng phát tại cổng làng) [22]. Nhiều người cũng tin rằng công an đã chủ động giết 3 đồng đội để đổ lỗi cho nông dân, nhằm chính đáng hóa cuộc đột kích trong đêm [39] (trong khi nếu công an thật sự tính toán chuyện này, họ sẽ giết 1 công an độc thân thay vì 3 công an có gia đình, để tối thiểu hóa chi phí nhân mạng và khả năng bại lộ).
Biểu hiện thứ ba là việc dư luận bị chia thành hai cực đối nghịch nhau, cả hai bị định hướng bởi ngôn ngữ thù địch. Trong khi báo chí nhà nước tiếp tục “ác quỷ hóa” hình ảnh của nhóm bị cáo, như thông lệ của các vụ án có yếu tố chính trị tại Việt Nam; có ý kiến cho rằng vụ án đã làm gia tăng lượng ngôn ngữ cảm tính, thù hận, bạo lực trong cả bộ phận dư luận ủng hộ nông dân (đại diện cho khuynh hướng cải cách chính trị) lẫn bộ phận dư luận ủng hộ cảnh sát (đại diện cho khuynh hướng bảo thủ thân nhà nước). Hiện trạng này làm dấy lên mối lo ngại rằng phiên tòa sẽ “mở ra thay vì khép lại bất đồng” [71], và vụ án sẽ trở thành một tiền lệ, được nối tiếp bằng những biến cố đẫm máu hơn trong quá trình giải quyết xung đột xã hội ở Việt Nam.
Tình trạng hỗn loạn thông tin và sự suy yếu của không gian công cộng, qua 3 biểu hiện trên, có thể mang đến nhiều thiệt hại cho dư luận. Nó biến dư luận thành công cụ để khuếch đại đối trá thay vì tìm kiếm sự thật, khuếch đại chia rẽ thay vì tìm kiếm đồng thuận cho các quyết định chung, và gia tăng định kiến thay vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm trong xã hội. Vì tình trạng này là kết quả từ sự gặp gỡ tình cờ của nhiều yếu tố chính trị (VD: hệ thống kiểm duyệt), tâm lý (VD: “bong bóng màng lọc” trong các sự kiện gây xúc động cho tập thể), văn hóa và công nghệ (VD: sự kết hợp giữa các nhược điểm của “làng” và “Vlog”, cả 2 đều là không gian giao tiếp trong đó thông tin được truyền đi dưới dạng lời nói, với tần suất lớn, mang nặng tính chủ quan và phân mảnh)…, nó là một câu đố mà lời giải đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì chỉ chính trị và truyền thông. Nhưng dù chúng ta tiếp cận vụ án Đồng Tâm vì mục đích báo chí ngắn hạn hay nghiên cứu dài hạn, và chọn cách tiếp cận nào, thì việc đầu tiên cần làm cũng là thổi tan lớp sương mù của những thông tin sai, để xác định các fact trong vụ việc, qua đó hình dung bản chất của vụ việc.
Để phục vụ mục đích đó, bài viết này sẽ tập hợp và phân loại 80 tư liệu đáng chú ý về vụ án Đồng Tâm, trong những nguồn sẵn có trên Internet của cả dư luận ủng hộ bên nguyên lẫn dư luận ủng hộ bên bị, để từ đó rút ra 42 fact và 6 câu hỏi quan trọng nhất về vụ án. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh hơn về những yếu tố bị khuất lấp trong vụ án này, về cấu trúc tự sự và chiến thuật truyền thông của hai bên liên quan; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tra cứu, ghi chép, lưu trữ thông tin về toàn bộ chuỗi sự kiện.
Do điều kiện thời gian hạn hẹp, bài viết chỉ tiếp cận và phân tích các tư liệu xoay quanh giai đoạn từ tháng 12/2019 đến ngày 14/09/2020 – tức từ khi nguy cơ bạo lực bắt đầu thành hình đến khi phiên xử sơ thẩm kết thúc. Các tư liệu liên quan đến quá trình tranh chấp đất đai trước đó, vốn không kém phần quan trọng, sẽ được tìm hiểu bằng một bài khác nếu có cơ hội.
Phần 2 – Cấu trúc bài: 3 tuyến tự sự song song & phân loại tư liệu dựa trên độ tin cậy của bằng chứng
Để sử dụng bài viết này một cách hiệu quả, xin bạn lưu ý 5 điều:
Thứ nhất, bài viết này trình bày 3 tuyến tự sự khác nhau. Tuyến tự sự thứ 1 (tức lời kể của người viết bài) được trình bày qua danh sách các Fact, Câu hỏi và Kết luận trong Phần 3 của bài viết. Tuyến tự sự thứ 2 và thứ 3 (tức lời kể của dư luận ủng hộ bên nguyên và bên bị) được trình bày một cách song song thông qua danh sách các tư liệu của từng bên, nằm ở Phần 4 của bài. Để mỗi danh sách Fact và danh sách tư liệu có thể mang chức năng của một tuyến tự sự, tôi đã sắp xếp các Fact và tư liệu theo trình tự thời gian của các sự kiện mà chúng đề cập.
Thứ hai, trong Phần 4 của bài viết, tôi đã phân loại các tư liệu thành 3 dạng nội dung – là “Bằng chứng hình ảnh”, “Lời kể” và “Tranh luận”. Cách phân loại này đến từ quan điểm về độ tin cậy của bằng chứng: “Bằng chứng hình ảnh” có giá trị hơn “Lời kể” trong việc khẳng định các fact, còn “Tranh luận” chủ yếu có chức năng thẩm định các fact hoặc đưa ra ý kiến về chúng, trừ phi bao gồm lời kể của bị cáo hoặc nhân chứng.
Thứ ba, bài viết này chưa hoàn tất, và đang chờ bạn bổ sung. Danh sác Fact, Câu hỏi và Kết luận ở Phần 3 bị giới hạn bởi trình độ, tài nguyên và định kiến chính trị của người viết. Nếu bạn cho rằng chúng chưa phản ánh một sự thật chính xác và đầy đủ, xin cung cấp thêm tư liệu và lập luận của bạn để thuyết phục người viết sửa bài. Mời bạn liên lạc qua mục “Tin nhắn” của fanpage Hiểu Truyền Thông, tại địa chỉ: https://www.facebook.com/Hiểu-Truyền-Thông-111928490606893
Thứ tư, bài viết này không có mục đích “hòa giải”, “lật đổ” hoặc thay thế tuyến tự sự số 2 hoặc số 3. Xin xem bài viết như một phiên chợ chung của hai bên đang tranh luận – nơi họ có thể trao đổi các fact với nhau để tự làm giàu và làm sạch tuyến tự sự của riêng mình, đồng thời cùng đẩy lùi những mối đe dọa chung như khuynh hướng bạo lực và hiện tượng hỗn loạn thông tin.
Thứ năm, sau khi đọc từng tuyến tự sự một cách riêng biệt, bạn nên thử so sánh 3 tuyến tự sự với nhau. Đây là một việc đáng làm để tìm hiểu chiến thuật tuyên truyền và khuynh hướng diễn giải sự kiện của từng bên, từ đó rút ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng hỗn loạn thông tin và phân cực dư luận (VD: xây dựng các bộ quy tắc hành xử chung mà những cá nhân có thiện chí ở cả 2 bên có thể cùng áp dụng).
Bạn nên tận dụng nút Ctrl+F để tiết kiệm thời gian khi tìm tư liệu trong bài. Chẳng hạn, để tìm tư liệu [1], ấn Ctrl+F và điền [1] vào ô tìm kiếm.
Phần 3 – Một số fact và câu hỏi quan trọng về vụ án Đồng Tâm
3.1 – Danh sách fact
a – Các fact về biến cố bạo lực ngày 09/01/2020
♦ Fact #01: Ngày 25/11/2019, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, để trao đổi với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn về việc khiếu kiện đất đai ở khu vực này. Nhóm nông dân khiếu kiện (thường gọi là Tổ Đồng Thuận) không đến dự, vì cho rằng chính quyền chỉ mời họ đến để “nghe đọc quyết định thanh tra” [72].
♦ Fact #02: Cùng ngày 25/11/2019, Tổ Đồng Thuận chặn, giữ một xe quân sự đi qua địa phương, chửi bới các binh sĩ trong xe, và đòi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đến thương lượng việc thả người; do cho rằng quân đội cử xe đến để “uy hiếp” họ [73]. Sau khi được giải thích rằng đó là xe chở quân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn, và thấy binh sĩ trong xe không được vũ trang, nông dân rút về để xe tiếp tục di chuyển [74].
♦ Fact #03: Sau khi hai bên không còn thiện chí thương lượng, không khí tại địa phương trở nên căng thẳng hơn. Đoạn phát biểu của ông Lê Đình Công trong cuộc họp Tổ Đồng Thuận ngày 23/12/2019 được bóc băng như sau: “Nếu chúng cố tình vào xây trên 59 ha này thì bà con chúng ta quyết chiến, nhá, không bắt một thằng nào hết, nhá, bà con nhất trí không? (tiếng vỗ tay và hoan hô). Không bắt một thằng nào hết, nhá, tôi xin thề với bà con cả nước (có tiếng phụ nữ: “chôn sống luôn”), nếu chúng động đến 59 ha của nhân dân Đồng Tâm chúng tôi, chúng đưa càng nhiều quân về nhân dân Đồng Tâm càng thích. Chúng tôi hứa không diệt từ 300 đến 500 thằng chúng tôi sẽ không nhìn thấy đồng bào cả nước nữa (tiếng vỗ tay, hoan hô, tiếng phụ nữ kêu lên “Xin thề”). Lần này chúng quyết giết tôi thì chúng cũng phải nổ tan xác. Đấy là một cái quyết tâm của người Đồng Tâm chúng tôi.” [tư liệu số 2, 9, 10].
♦ Fact #04: Đoạn phát biểu của ông Lê Đình Kình trong cùng cuộc họp ngày 23/12/2019 được bóc băng như sau: “Nếu kẻ nào cướp đất Đồng Sênh thì nhân dân chúng ta phải quyết chiến đấu dù đầu rơi máu chảy vẫn sẵn sàng. Đất Đồng Sênh theo văn bản số 0 ngày 4/6/2016 trị giá tương đương 1 tỷ đôla, tương đương 23 nghìn tỷ lúc bây giờ, cộng với 60 triệu đôla để xây dựng thành phố thông minh và giúp đỡ hộ nghèo”. Thông tin về giá đất mà ông Kình đưa ra được chứng minh là sai sự thật [tư liệu số 2, 9].
♦ Fact #05: Ngày 29/12/2019, thấy “khoảng 30 xe, dán giấy trắng, bịt hết biển số” đi vào trường bắn Miếu Môn, ông Lê Đình Công nói với Trịnh Bá Phương rằng “có thể ngày mai hoặc đêm nay sẽ đổ máu”. Hôm sau, ông Công nói với RFA rằng “đây là quân của chính quyền Hà Nội, âm mưu về cướp đất của nhân dân Đồng Tâm. Chúng tôi đã tập trung chuẩn bị mọi phương tiện, nếu chính quyền đụng đến phần 59 hecta của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ quyết tâm chiến đấu” [tư liệu số 6, 7].
♦ Fact #06: Ngày 31/12/2019, quân đội “khởi công xây tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn”, bắt đầu từ phần đất không có tranh chấp [tư liệu số 4, 5].
♦ Fact #07: Ngày 05/01/2020, Tổ Đồng Thuận tập trung ở khu vực trường bắn Miếu Môn, Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) giải tán họ bằng một phương tiện phát âm thanh lớn, được cho là thiết bị âm thanh tầm xa LRAD của tàu cảnh sát biển [tư liệu số 3, 7, 8]
♦ Fact #08: Ngày 06/01/2020, một nông dân trong Tổ Đồng Thuận thông báo với nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng rằng chính quyền đã “cắt hết Internet tại khu vực Đồng Tâm”, và “đánh sập” trang thông tin Đồng Tâm Media của họ [76].
♦ Fact #09: Ngày 08/01/2020, một nông dân trong Tổ Đồng Thuận gửi truyền thông độc lập một tin nhắn có đoạn: “Đã 10 ngày rồi, bọn chúng dùng mọi thủ đoạn khốn nạn, suốt ngày chúng cho loa phát hết công suất tuyên truyền xuyên tạc, kêu gọi Nhân dân giao nộp vũ khí và các phương tiện chiến đấu, trở về thì được khoan hồng, đồng thời chúng dùng còi cảnh sát biển gầm rú hết công suất hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của Nhân dân, em ạ, chúng còn gom góp mỗi xã 17 thằng tự vệ, từng tốp đi lại lại trên đường, phía bên trong trường bắn miếu Môn cảnh sát cơ động và 3 xe vòi rồng, xe bắt người, xe cứu thương, cùng quân lính,sẵn sàng chờ lệnh mở cuộc tấn công vào Đồng xênh bất cứ lúc nào. Nhưng tinh thần cảnh giác rất cao sẵn sàng chờ địch đến là đánh, tinh thần đoàn kết chặt chẽ của Nhân dân ngày càng rộng lớn, chiều hôm thứ bảy vừa qua chúng dàn quân chuẩn bị tấn công Đồng xênh , tiếng kẻng báo động toàn xã vang lên, sau 3, 4 phút, dân ta đã có mặt tại Đồng xênh khoảng trên 1000 người, em à, nếu chúng liều lĩnh xông vào thì Đồng xênh trở thành bãi chiến trường đẫm máu. Sự uất ức và lòng căm thù của Nhân dân Đồng Tâm đến tột đỉnh, hàng chục hàng chục người xin cảm tử, trong đầu người dân Đồng Tâm bây giờ là: Quyết tử để cho Đồng xênh mãi mãi cho muôn đời con cháu mai sau…” [75]
♦ Fact #10: Khoảng 23h40’ ngày 08/01/2019, Trịnh Bá Phương đăng video mô tả các xe chở cảnh sát cơ động đang tiến về Đồng Tâm, do một người giấu tên gửi [77].
♦ Fact #11: Lúc 2h54’ sáng 09/01/2020, Tổ Đồng Thuận báo tin rằng “hơn một nghìn CSCĐ đã tập kết tại Ba Thá, gần Đồng Tâm” [77].
♦ Fact #12: Rạng sáng 09/01/2020, nhận thấy khả năng bị tấn công trong đêm, Tổ Đồng Thuận tập trung ở nhà ông Lê Đình Kình để chuẩn bị cố thủ. Trong video ghi lại cuộc họp lúc 3h sáng ở nhà ông Kình, ông Bùi Viết Hiểu nói: “Trong giờ phút này chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ bằng được miếng đất 59 ha của chúng tôi.” [tư liệu số 15, 18].
♦ Fact #13: Khoảng 4h sáng 09/01/2020, CSCĐ mang khiên, dùi cui và bình chữa cháy bắt đầu di chuyển qua đường làng, tiến đến cổng thôn Hoành, gần nhà ông Lê Đình Kình [tư liệu số 16].
♦ Fact #14: Khi CSCĐ đến cổng thôn Hoành, Tổ Đồng Thuận đánh kẻng báo động. Xuất hiện tiếng nổ và ánh sáng trắng ở khu vực nóc nhà gia đình Lê Đình, không rõ do bên nào bắn [tư liệu số 78; tư liệu số 18, đoạn 0 phút 46 giây].
♦ Fact #15: Trong quá trình giao tranh, CSCĐ có bắc loa kêu gọi đầu hàng, Tổ Đồng Thuận có tấn công bằng pháo hoa [11]
♦ Fact #16: Trong quá trình giao tranh, Tổ Đồng Thuận có tấn công bằng bom xăng [xem lời một nông dân Đồng Tâm trả lời phỏng vấn BBC ở tư liệu số 17, 29, và lời bà Bùi Thị Nối ở tư liệu số 54]
♦ Fact #17: Khoảng 5h15’sáng 09/01/2020, CSCĐ bao vây khu nhà của gia đình Lê Đình, tấn công bằng đạn hơi cay [77].
♦ Fact #18: Khoảng 5h20’sáng 09/01/2020, CSCĐ “bắn gãy tay” một người nhà Lê Đình (sau xác định là Lê Đình Uy), “cố phá cửa” nhà ông Lê Đình Kình [77].
♦ Fact #19: Khoảng 5h50’sáng 09/01/2020, CSCĐ vẫn đang tấn công nhà ông Kình, “một cháu bé 3 tháng tuổi bị dính đạn hơi cay” [77].
♦ Fact #20: Sau khi phá cửa chính và thâm nhập được vào nhà ông Kình, CSCĐ bắt đi 31 người trong khu nhà. Nhiều người trong số đó bị thương vì đạn, hơi cay hoặc dùi cui [tư liệu số 34, 35].
♦ Fact #21: CSCĐ bắn ông Lê Đình Kình tại phòng riêng của ông Kình, trước sự chứng kiến của ông Bùi Viết Hiểu [tư liệu số 19, 20, 46. 65].
♦ Fact #22: Ông Lê Đình Kình bị trúng đạn ở 3 vị trí, là đầu, ngực (trúng tim), và đầu gối (khiến chân gần như đứt lìa) [tư liệu số 19, 42].
♦ Fact #23: Ngày 09/01/2020, các trang ủng hộ CSCĐ bắt đầu đưa tin rằng một số cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ việc, do bị Tổ Đồng Thuận “đâm bằng dao phóng” và “đổ xăng thiêu sống”. Các trang này cũng đăng một số ảnh chụp thi thể cháy đen mặc đồ CSCĐ, vừa được kéo lên khỏi hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và Lê Đình Hợi [13].
♦ Fact #24: Cùng ngày 09/01/2020, Bộ Công an thông báo: “Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương.” [tư liệu số 21, 22, 11]
♦ Fact #25: Ngày 11/01/2020, Bộ Công an thông báo rằng “Ba cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh đó là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an); Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992, công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) và Trung úy Phạm Công Huy (SN 1993, công tác tại Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Công an thành phố Hà Nội)” [26].
♦ Fact #26: Ngày 10 và 11/01/2020, báo chí nhà nước bắt đầu phỏng vấn gia đình của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh và Trung úy Phạm Công Huy về vụ việc (Vì cả hai gia đình đều thuật lại những kỷ niệm cuối cùng với ông Huy và ông Thịnh trong ngày 09/01, khả năng hai ông này tử vong trước thời điểm đó là không cao) [27, 28].
b – Các fact về cách thức các cơ quan nhà nước diễn giải và xét xử vụ án
(Lưu ý: Dù nhóm fact này xoay quanh những phát ngôn có thật, nội dung phát ngôn chưa chắc đã phản ánh các sự kiện có thật)
♦ Fact #27: Bản tin VTV tối 09/01/2020 có đoạn: “Sau hơn 1 tuần các đối tượng nhiều lần gây rối, sáng nay, khi các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ các mục tiêu tại khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng đã tấn công lực lượng chức năng. Dù lực lượng chức năng đã dùng loa kêu gọi không được hành động vượt quá giới hạn, nhưng các đối tượng chống đối vẫn rất manh động, ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công khiến 3 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh. Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: ‘Khi các cơ quan chức năng vào cổng làng là các đối tượng tấn công ngay, rất manh động ném 2 quả lựu đạn, bom xăng’.” (Như vậy, từ ngày 09/01, chính quyền đã thông tin rằng biến cố bạo lực xảy ra ở thôn Hoành, chứ không phải ở khu đất đang tranh chấp) [tư liệu số 11, 22].
♦ Fact #28: Hình ảnh trong bản tin tối của VTV hôm 09/01/2020 cho thấy các tang vật thu được bao gồm một số dao phóng, liềm, pháo hoa, bom xăng, lựu đạn… Một quả lựu đạn trong số đó được ghi là nằm “trên tay Lê Đình Kình” [12].
♦ Fact #29: Ngày 14/01/2020, báo chí nhà nước đưa tin như sau: “Về tình huống xảy ra va chạm, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang mô tả chi tiết: (…) Qua trinh sát nắm tình hình biết các đối tượng đã chuẩn bị vũ khí, có âm mưu đốt trụ sở UBND xã Đồng Tâm, nhà văn hóa, đốt cây xăng, gây tiếng nổ, tạo tiếng vang qua đó cản trở, ngăn cản việc xây dựng tường rào… Vì vậy phải bố trí lực lượng vào thôn Hoành, để bảo vệ công trình từ xa. Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra. (…) Va chạm ban đầu xảy ra chốt số 16, đóng ở cổng làng thôn Hoành. Khi lực lượng vào khu vực cách cổng làng 50 m thì các đối tượng đã sử dụng lựu đạn tấn công. Quả đầu tiên nổ nhưng không gây thương tích. Khi đó đã xảy ra phạm pháp quả tang, lực lượng chức năng được tiến hành các biện pháp cần thiết. (…) Khi tổ công tác ba người, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, tiến hành truy đuối các đối tượng chạy thì ngã xuống giếng trời giữa hai gian nhà, sâu khoảng 4 m. ‘Khi thấy lực lượng ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa’ – ông Quang nói và khẳng định ‘không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn’. ‘Trước tình huống đó thì phải nổ súng’ – ông Quang nói và cho biết trong vòng nửa tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 30 đối tượng, thu giữ tại hiện trường tám quả lựu đạn. Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn.” [tư liệu số 23, 24, 25].
♦ Fact #30: Ngày 25/06/2020 Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. Hà Nội đã ban hành Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 truy tố 29 bị can trong vụ án về tội “Giết người”. Cáo trạng có đoạn: “Đầu tháng 1-2020, khi biết lực lượng Công an TP Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm, Lê Đình Kình cùng nhiều đối tượng tổ chức họp vào các ngày 6, 7 và 8-1-2020 để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an. Chiều 8-1-2020, theo chỉ đạo của Lê Đình Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang hung khí, gồm: Tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Lê Đình Kình để tấn công lực lượng công an. Rạng sáng 9-1-2020, khi lực lượng công an đến lập chốt tại cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Lê Đình Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, thì Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. Công cùng Uy, Nguyễn Quốc Tiến bắn pháo sáng báo hiệu và bắn pháo về phía lực lượng chức năng; đồng thời cùng với Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Xuân Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều và Nguyễn Văn Trung đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an. Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các đối tượng dừng ngay những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng các đối tượng không dừng lại mà càng chống đối quyết liệt. Chức và Công đã sử dụng lựu đạn ném về phía Tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ nhưng không nổ. Theo sự phân công, lực lượng công an gồm các đồng chí Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân và nhiều người khác triển khai kế hoạch đột nhập, bắt giữ các đối tượng về hành vi phạm tội quả tang. Khi các đồng chí Thịnh, Huy và Quân di chuyển để sang mái nhà Lê Đình Chức thì Chức dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc từ trên xuống, các đối tượng khác ném bom xăng, gạch đá nên 3 người rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình. Lúc đó, Chức chỉ đạo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để đổ xuống hố nơi các đồng chí Thịnh, Huy và Quân rơi xuống và châm lửa đốt. Hậu quả là cả 3 đồng chí hy sinh do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân. Khi Tổ công tác áp sát phòng ngủ tầng 1 nhà Lê Đình Kình thì một đối tượng dùng tuýp sắt gắn dao bầu ném ra và một đối tượng ném một quả lựu đạn nhưng không nổ. Tổ công tác phá khóa cửa ngách nhà Lê Đình Kình thì phát hiện Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt…” [tư liệu số 41, 49].
♦ Fact #31: Ngày 07/09/2020, tức ngày đầu tiên của phiên xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân (TAND) Tp. Hà Nội cho phát video dài hơn 10 phút về diễn biến vụ án. Xen lẫn quá trình thẩm vấn, HĐXX công bố video lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, trong đó các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX đánh giá rằng trong 6 người trả lời thẩm vấn vào buổi chiều, 5 bị cáo Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến đều nhận tội “Giết người” và xin khoan hồng, duy nhất bị cáo Bùi Viết Hiểu “khai loanh quanh nhằm chối tội” [tư liệu số 48, 53, 59, 60].
♦ Fact #32: Ngày 08/09/2020, tức ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm, bị cáo Mai Thị Phần thừa nhận đã góp tiền mua lựu đạn do được hứa chia đất có giá trị lớn từ ông Lê Đình Kình Bị cáo Bùi Viết Hiểu thay đổi lời khai, thừa nhận mình sai khi khai rằng phần diện tích hơn 47ha là của người dân, xin tòa giảm nhẹ hình phạt [49].
♦ Fact #33: Ngày 09/09/2020, Viện Kiểm sát quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo, từ tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015). Viện Kiểm sát giữ nguyên tội danh truy tối là “Giết người” với nhóm 6 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển. Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án từ 16 – 18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án từ 14 – 16 năm tù. [tư liệu số 50, 56].
♦ Fact #34: Ngày 14/09/2020, HĐXX tuyên án sơ thẩm. Trong những bị cáo bị tuyên án về tội “Giết người”, Lê Đình Công, Lê Đình Chức lĩnh án tử hình; Lê Đình Doanh lĩnh án chung thân; Bùi Viết Hiểu lĩnh án 16 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển lĩnh án 12 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến lĩnh án 13 năm tù.
c – Các fact liên quan đến cáo buộc vi phạm thủ tục tố tụng
(Lưu ý: Dù một số fact thuộc nhóm này xoay quanh những phát ngôn có thật, nội dung phát ngôn chưa chắc đã phản ánh các sự kiện có thật)
♦ Fact #35: [Cáo buộc vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội] Trước phiên xử sơ thẩm, báo chí nhà nước đã đăng nhiều bài viết mang thông điệp “quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án”. Chẳng hạn như các tựa bài: “Vụ án Đồng Tâm: Những đối tượng nào đã nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 cảnh sát?”; “Vụ án Đồng Tâm: Ông Lê Đình Kình đã chống đối thế nào khi cảnh sát tiến vào nhà?”; “Sắp đưa vụ án đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm ra xét xử”… [46].
♦ Fact #36: [Cáo buộc tra tấn, bức cung] Ngày 06/02/2020, bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) đã nhờ Trịnh Bá Phương gửi đến ĐSQ Hoa Kỳ một lá “thư kêu cứu”. Mục 6 trong thư có đoạn: “Họ ném chúng tôi lên xe và chở đến Đồn Công An Miếu Môn. – Tới đây lực lượng cảnh sát bắt đầu tra tấn, ép cung tất cả những người bị bắt lên. Họ bắt chúng tôi phải quỳ gối để trả lời các câu hỏi của họ và sẵn sàng đánh ọc máu mồm, mũi nếu người dân không trả lời theo ý của chúng. – Tôi nhìn thấy lực cảnh sát tra tấn con trai tôi Lê Đình Công rất dã man. Nó không thể đi được mà phải lết dưới đất để di chuyển. Tôi còn nghĩ Công chết ngay sau đó. – Tôi nhìn thấy họ đánh ông Bùi Viết Hiểu đến bất tỉnh rồi chuyền nước cho ông ấy nhưng ông Hiểu bị sốc nước vì chuyền nước quá nhanh. Ông Hiểu bị lên cáng và bê ra bên ngoài ngay. – Tôi thấy tất cả những người dân Đồng Tâm bị bắt đều đau đớn với rất nhiều thương tích trên người. Có người còn bị gãy xương sườn, xương quai hàm… – Bản thân tôi là Dư Thị Thành bị cảnh sát tát vào mặt liên tục và ép phải nhìn thấy lựu đạn trên tay. Tôi bị đánh vào đầu vào tai cho đến nay vẫn còn choáng và ù hết cả 2 bên tai, họ đánh vào hai ống chân tôi đau lắm. – Cháu tôi là Lê Đình Uy bị bắn vào tay phải 1 viên đạn tại nhà nhưng khi lên đồn công an, nó vẫn bị đánh đập, tra tấn thê thảm…” [35].
♦ Fact #37: [Cáo buộc xâm phạm tính toàn vẹn của bằng chứng] Cơ quan thực hiện việc mổ tử thi ông Lê Đình Kình đã không mời đại diện gia đình, không có sự đồng ý hoặc chứng kiến của đại diện của gia đình ông [46].
♦ Fact #38: [Cáo buộc xâm phạm quyền được bào chữa & quyền bào chữa] Ngày 03/09/2020, 13 luật sư bào chữa đã công bố một “Đơn kiến nghị trước ngày xét xử”. Trong đơn có đoạn:
“Trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, cả ba giai đoạn: điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, các luật sư bào chữa chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể:
Trong giai đoạn điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP Hà Nội liên tục gây khó dễ cho các luật sư: – Chậm trễ trong việc cấp Thông báo bào chữa cho một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị can được gia đình mời, bao gồm: Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Lê Văn Hoà… – Không cho luật sư được tiếp xúc riêng với thân chủ trong Trại tạm giam dù vụ án này không liên quan tới an ninh quốc gia hoặc là trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật. – Không cho luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra mặc dù các luật sư có đề nghị nhiều lần.
Trong giai đoạn truy tố – VKSND TP Hà Nội không cho các luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án để đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mặc dù các luật sư cũng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu. – Một số luật sư gửi các văn bản khiếu nại hoặc yêu cầu gặp lãnh đạo VKSND TP Hà Nội nhưng tất cả đều không được giải quyết.
Trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử – TAND TP Hà Nội cũng rất chậm trễ trong việc cho các luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, phản ảnh của các luật sư và sự can thiệp của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì yêu cầu này mới được chấp thuận. – Mặc dù vậy, trong hồ sơ vụ án có 02 USB lưu giữ một số Clip, hình ảnh sự việc diễn ra vào ngày 09/01/2020, Thư ký toà không cho luật sư copy dữ liệu này. Cho đến nay, chỉ còn 03 ngày nữa vụ án được đưa ra xét xử nhưng các luật sư vẫn chưa được copy để nghiên cứu mặc dù đã nhiều lần đề nghị.
Ngay cả một cơ quan có vai trò trung gian, là nơi giam giữ các bị can, đảm bảo việc thi hành án sau này là Trại Tạm giam số 2-Công an TP Hà Nội cũng gây khó khăn cho chúng tôi: – Không giải quyết thủ tục thăm gặp bị can dù luật sư đã có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều lần một số luật sư vào thăm gặp thân chủ phải quay về sau khi cán bộ Trại Tạm giam gọi điện, nhận chỉ đạo của cấp trên và báo lại luật sư chưa thể được gặp và không giải thích gì thêm…”.
♦ Fact #39: [Cáo buộc xâm phạm quyền được bào chữa & quyền bào chữa] Trong ngày đầu tiên của phiên xử sơ thẩm (tức 07/09/2020), luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị HĐXX thông báo rõ việc các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa. Tuy nhiên, Thẩm phán Trương Việt Toàn (chủ tọa phiên tòa) đã công khai tuyên bố rằng việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết, vì trước đó các luật sư đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trong trại giam. Từ ngày thứ hai của phiên xử, tòa mới cho các luật sư tiếp xúc với bị cáo [tư liệu số 64, 65].
♦ Fact #40: [Cáo buộc xâm phạm tính toàn vẹn của bằng chứng]Trong ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm (tức 08/09/2020), luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA rằng: “Ở đầu phần xét hỏi, thay vì hỏi theo một cách thông thường thì họ làm một chuyện chưa từng có. Đó là cho trình chiếu một cái clip, mà thật ra nó giống như là một đoạn phóng sự, phim tài liệu, mà trong đó nêu quan điểm của Chính quyền cho rằng người dân Đồng Tâm đã khiếu kiện đất đai không đúng, đồng thời từ chuyện đó đưa đến chỗ không đúng thứ hai là tấn công lực lượng vào tối ngày 9/1/2020 làm chết 3 chiến sĩ. Rồi cuối phim họ đưa cảnh của những những gia đình “bị hại” là 3 chiến sĩ bị chết, nào là cô vợ trẻ khóc không ra tiếng, rồi đứa con thơ 6 tháng tuổi. (…) Lẽ ra trong giai đoạn xét hỏi, nếu được trình ra những cái clip, âm thanh hoặc hình ảnh, thì nó phải là những clip, âm thanh và hình ảnh mang ý nghĩa chứng cứ của vụ án. Tức là, nó là những tình tiết có thật và phải nguyên vẹn, không bị chỉnh sửa. Một đoạn phim thì nó không phải là như vậy, khi nó được dựng theo quan điểm của người dựng phim. Nó được cắt gọt chỉnh sửa, thậm chí họ lồng nhạc vào đó để tạo ra những hiệu ứng… thì đó không phải là chứng cứ.” [54]
♦ Fact #41: [Cáo buộc tra tấn, bức cung] Trong ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm (tức 08/09/2020), ở phần luật sư hỏi, luật sư Đặng Đình Mạnh và bị cáo Lê Đình Công đã có đoạn trao đổi như sau: “H: Vết thương trên mặt ông khi được quay trên tivi từ đâu? Đ: Do vết đạn bắn. H: Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không? Đ: Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh.” [60]
♦ Fact #42: [Cáo buộc tra tấn, bức cung] Trong ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm (tức 08/09/2020), ở phần luật sư hỏi, khi luật sư Đặng Đình Mạnh nói “Sau khi xảy ra sự kiện, nếu bị cáo nào không bị đánh đập thì giơ tay lên”, chỉ có 10 người giơ tay. Đến đó, chủ tọa nhắc nhở, không muốn cho luật sư hỏi tiếp. [60]
3.2 – Danh sách các câu hỏi quan trọng
♦ Câu hỏi #01: Ba cảnh sát hy sinh là là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an); Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992, công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) và Trung úy Phạm Công Huy (SN 1993, công tác tại Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Công an thành phố Hà Nội). “Tại sao lại sinh ra một tổ công tác với đội hình lại quái lạ như vậy? Trung đội trưởng, Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng đi đâu, mà để Phó Trung đoàn trưởng phải trực tiếp chỉ huy một cán bộ cấp tiểu đội? Sĩ quan, chiến sĩ trẻ trung đi đâu, mà để một Thượng tá 48 tuổi phải lạch bạch đuổi theo mấy gã nông dân? Tại sao lại phân công một cán bộ chữa cháy vào tổ ba người để truy đuổi đối tượng?” [Gs. Hoàng Xuân Phú, tư liệu số 39]
♦ Câu hỏi #02: Có hay không, khả năng cả 3 sĩ quan công an lần lượt bị rơi xuống một hố kỹ thuật chỉ rộng 60 cm, trong khi người rơi đầu tiên có thể hô lên để hai người còn lại đề phòng? [Gs. Hoàng Xuân Phú, tư liệu số 39]
♦ Câu hỏi #03: “Chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ. Và vùng vách hố bị ám khói đen dừng lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao. Có lẽ vì vậy, một số người từng trực tiếp quan sát hố kỹ thuật đã nhận xét, không thấy dấu hiệu của vụ cháy. Điều đó cho thấy, thứ nhiên liệu được dùng không phải là chất lỏng, mà ở dạng bột, hay dạng rắn, nên phân bố không đều trên đáy hố kỹ thuật. Nhiên liệu ấy cực mạnh, sinh ra nhiệt độ rất cao, nên tuy cháy trong một thời gian khá ngắn (tức không cháy lâu như xăng), nhưng vẫn đủ để thiêu hai người thành tro”. Như vậy, phải chăng “Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng, mà là một thứ nhiên liệu cực mạnh ở dạng bột, hay dạng rắn nào đó”? [Gs. Hoàng Xuân Phú, tư liệu số 39]
♦ Câu hỏi #04: Vì sao khi Lê Đình Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố nhiều lần, lửa trong hố không “bén ngay vào dòng xăng chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy”? [Gs. Hoàng Xuân Phú, tư liệu số 39]
♦ Câu hỏi #05: Vì sao tại phần luận tội trong phiên tòa, kiểm sát viên lại sửa chi tiết trong cáo trạng – rằng Lê Đình Chức đã dùng chân đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố kỹ thuật – thành “dùng gậy” để đẩy chậu xăng? [Ls. Lê Văn Luân, tư liệu số 66]
♦ Câu hỏi #06: Vì sao kết quả giám định lại cho thấy chiếc chậu đỏ vừa nêu không có chất xăng bám dính vào? [Ls. Lê Văn Luân, tư liệu số 66]
3.3 – Kết luận của người viết
Các fact và câu hỏi trên cho thấy các bị cáo đã thực hiện một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, họ đã vận động quần chúng bằng thông tin sai sự thật về giá đất ở Đồng Tâm, đe dọa giết người, và tấn công CSCĐ bằng gạch đá, pháo hoa, bom xăng, khi cảnh sát chưa thâm nhập tư gia của họ.
Tuy nhiên, các bằng chứng mà cơ quan điều tra cung cấp là đáng hoài nghi, cả trên phương diện logic lẫn phương diện vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Chúng không tạo thành bằng chứng vượt quá sự nghi ngờ hợp lý để khẳng định rằng 3 cảnh sát thiệt mạng do bị 6 bị cáo đốt bằng xăng, vì vậy 6 bị cáo đáng chịu tội danh “Giết người” như tòa đã tuyên án. Vì vậy, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung [68] và tiến hành thực nghiệm điều tra [69], như đề xuất của dư luận ủng hộ bên bị, là điều cần thiết. Cần dành sự chú ý cho giả thuyết rằng 3 cảnh sát đã thiệt mạng do tai nạn khi các trang bị mà họ mang theo bị phát nổ (VD: pháo sáng có thể phát cháy với nhiệt độ từ 1200 đến 3000 độ C), dù sự phát nổ này có hay không xảy ra do tác động từ các vũ khí gây cháy của nhóm bị cáo [79].
Sau cùng, cần ý thức rằng đây là một vụ án mà cả bên nguyên lẫn bên bị đều có động cơ để nói dối về những gì đã diễn ra. Ở một bên, các cơ quan điều tra, công tố và xét xử đã có nhiều dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, và chấp nhận một cáo trạng có nhiều điểm phi logic, để buộc nhóm bị cáo phải chịu trách nhiệm về 3 cái chết mà có thể họ không phải là hung thủ trực tiếp. Ở bên còn lại, ông Lê Đình Kình đã dùng thông tin sai về giá đất để vận động nông dân; trong khi bà Dư Thị Thành đã cung cấp một lời kể tạo ấn tượng rằng Tổ Đồng Thuận không có hành vi bạo lực nào vào đêm 09/01, và bị xâm nhập tư gia, tấn công bất ngờ trong lúc đang ngủ. Từ góc nhìn của phong trào xã hội, việc đứng về phía nhóm bị cáo là điều cần thiết, vì phong trào xã hội có trách nhiệm bảo vệ người yếu thế và chống sự lạm quyền của chính phủ. Nhưng từ góc nhìn của báo chí, việc giữ thế đứng độc lập với bên bị và bên nguyên – cả về mặt tình cảm, ý thức hệ lẫn lợi ích – là điều cần thiết. Trong những vụ án gây xúc động cho xã hội như vụ Đồng Tâm, báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, đầy đủ, công bằng, trong sự cân nhắc về lợi ích chung. Nếu báo chí chấp nhận lời nói dối của một bên, che khuất một nửa bức tranh sự thật, và tường thuật vụ việc một cách thiên lệch để kích thích sự phẫn nộ nơi nhóm độc giả của mình; thì báo chí sẽ góp phần bóp méo bản chất vụ việc, gieo mầm mống bạo lực vào xã hội, và không hoàn thành các trách nhiệm của người làm báo.
Với những suy nghĩ đó, người viết xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những tờ báo độc lập đã đưa tin một cách khách quan và có trách nhiệm về vụ án Đồng Tâm. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến những nhà hoạt động đã bất chấp nguy hiểm để hỗ trợ đưa tin từ hiện trường, giúp chúng ta có tư liệu để tìm hiểu vụ việc.
Phần 4 – Tư liệu từ hai phía
(Lưu ý: Các đoạn trích và ghi chú nằm trước mỗi link là để làm rõ chi tiết liên quan ở tuyến tự sự thứ 1, chứ không thuộc nội dung tuyến tự sự thứ 2 và 3. Để tìm tư liệu, ấn Ctrl+F)
4.1 – Về không khí căng thẳng ở Đồng Tâm trước ngày 09-01-2020
4.1.1 – Bằng chứng hình ảnh
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[1] Hoanlee Bolero (12/01/2020), Video có cảnh tổ Đồng Thuận tuyên bố sở hữu vũ khí
[Video gốc được đăng trên kênh CHTV, thuộc dư luận ủng hộ bên bị. Trích lời ông Bùi Viết Hiểu ở đoạn 12 phút 38 giây: “Chúng tôi đã ngăn đường, chuẩn bị 200 lít xăng, 20 bình ga mới toanh và nhiều thuốc nổ – vì chúng tôi ở gần xưởng sản xuất thuốc nổ”. Lưu ý: Ở đoạn này, ông Hiểu đang kể lại vụ bắt giữ cảnh sát hồi tháng 04/2017, chứ không đề cập đến những biến cố cuối năm 2019, đầu năm 2020]
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[73] Kênh Giải trí Du lịch (25/11/2020), “Người dân Đồng Tâm quyết chặn xe quân đội không cho đi đòi phải có mặt đại tướng Ngô Xuân Lịch”
[2] BigVN (23/12/2019), “Nhân Dân Đồng Tâm Vạch Mặt Nguyễn Đức Chung Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội”
[Trích lời ông Lê Đình Công từ đoạn 6 phút 14 giây: “Nếu chúng cố tình vào xây trên 59 ha này thì bà con chúng ta quyết chiến, nhá, không bắt một thằng nào hết, nhá, bà con nhất trí không? (tiếng vỗ tay và hoan hô). Không bắt một thằng nào hết, nhá, tôi xin thề với bà con cả nước (có tiếng phụ nữ: “chôn sống luôn”), nếu chúng động đến 59 ha của nhân dân Đồng Tâm chúng tôi, chúng đưa càng nhiều quân về nhân dân Đồng Tâm càng thích. Chúng tôi hứa không diệt từ 300 đến 500 thằng chúng tôi sẽ không nhìn thấy đồng bào cả nước nữa (tiếng vỗ tay, hoan hô, tiếng phụ nữ kêu lên “Xin thề”). Lần này chúng quyết giết tôi thì chúng cũng phải nổ tan xác. Đấy là một cái quyết tâm của người Đồng Tâm chúng tôi.”. Trích lời ông Lê Đình Kình: “Nếu kẻ nào cướp đất Đồng Sênh thì nhân dân chúng ta phải quyết chiến đấu dù đầu rơi máu chảy vẫn sẵn sàng. Đất Đồng Sênh theo văn bản số 0 ngày 4/6/2016 trị giá tương đương 1 tỷ đôla, tương đương 23 nghìn tỷ lúc bây giờ, cộng với 60 triệu đôla để xây dựng thành phố thông minh và giúp đỡ hộ nghèo.”]
[3] Việt Tân (05/01/2020), “Đồng Tâm: CA chuẩn bị âm thanh khủng để đàn áp nông dân”: https://www.facebook.com/watch/?v=652727258800385
4.1.2 – Lời kể
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[74] Người Lao Động (26/11/2019): “Không có việc người dân Đồng Tâm giữ một số bộ đội”
https://nld.com.vn/thoi-su/khong-co-viec-nguoi-dan-dong-tam-giu-mot-so-bo-doi-20191126130007462.htm
[4] Hà Nội Mới (31/12/2020), “Khởi công xây tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn”
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/954354/khoi-cong-xay-tuong-rao-bao-ve-san-bay-mieu-mon
[5] Quân đội Nhân dân (04/01/2020), “Chính quyền, nhân dân xã Đồng Tâm tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 219”
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[72] RFA (25/11/2019), “Chính phủ có thật sự đối thoại với người dân Đồng Tâm?”
[6] Trịnh Bá Phương (29/12/2019), “Tin KHẨN: ĐỒNG TÂM TIẾP TỤC NÓNG”
[Trích: “Chú Lê Đình Công con trai cụ Kình và các bác ở Đồng Tâm vừa điện cho tôi, nói rằng có thể ngày mai hoặc đêm nay sẽ đổ máu. Hiện lực lượng cưỡng chế trang bị vũ trang tối tân đã kéo về khu vực Đồng Tâm.”]
http://xuandienhannom.blogspot.com/2019/12/tin-nong-tu-ong-tam.html
[7] RFA (30/12/2020), “Dân than chính quyền không thiện chí trong giải quyết khiếu kiện đất đai!”
[Trích: “Chiều hôm qua, khoảng 30 xe, dán giấy trắng, bịt hết biển số, vào trường bắn Miếu Môn, đây là quân của chính quyền Hà Nội, âm mưu về cướp đất của nhân dân Đồng Tâm. Chúng tôi đã tập trung chuẩn bị mọi phương tiện, nếu chính quyền đụng đến phần 59 hecta của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ quyết tâm chiến đấu.”]
[8] RFA (06/01/2020), “Vũ khí đuổi tàu ngoài biển xuất hiện tại điểm nóng Đồng Tâm!”
[Trích: “‘Chủ tịch huyện Mỹ Đức đưa các loại về, sẵn sàng đàn áp dân, nhưng nhân dân Đồng Tâm sẵn sàng chết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất…’ Vừa rồi là tiếng một người dân Đồng Tâm nói trong tiếng hú ‘rợn người’, khi cảnh sát cơ động dùng thiết bị phát sóng âm thanh cực lớn, khi người dân tập trung ở khu vực ở cổng trường bắn Miếu Môn, hôm 5/1/2020. Đoạn video này được đăng tải trên trang FB Đồng Tâm Media.”]
[76] Việt Tân (07/01/2020), “SOS: ĐỒNG TÂM LẠI NGUY BIẾN!”
[Trích: “Facebooker Bùi Thị Minh Hằng tối 6 Tháng Một, 2020, cho biết một người dân oan xã Đồng Tâm đã gọi điện báo tin nhà cầm quyền cộng sản tại Hà Nội đã cắt hết mạng Internet tại khu vực Đồng Tâm, Mỹ Đức. (…) Đặc biệt, trang thông tin Đồng Tâm Media – nơi cung cấp các thông tin về tranh chấp đất đai của dân oan Đồng Tâm cũng đã bị đánh sập.”] https://www.facebook.com/viettan/posts/10159609306020620
[75] Thu Ngọc Đinh (08/01/2020), “TIN NÓNG TỪ ĐỒNG TÂM: “TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG”
[Trích: “Đã 10 ngày rồi, bọn chúng dùng mọi thủ đoạn khốn nạn, suốt ngày chúng cho loa phát hết công suất tuyên truyền xuyên tạc, kêu gọi Nhân dân giao nộp vũ khí và các phương tiện chiến đấu, trở về thì được khoan hồng, đồng thời chúng dùng còi cảnh sát biển gầm rú hết công suất hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của Nhân dân, (…) chiều hôm thứ bảy vừa qua chúng dàn quân chuẩn bị tấn công Đồng xênh , tiếng kẻng báo động toàn xã vang lên, sau 3, 4 phút, dân ta đã có mặt tại Đồng xênh khoảng trên 1000 người, em à, nếu chúng liều lĩnh xông vào thì Đồng xênh trở thành bãi chiến trường đẫm máu. Sự uất ức và lòng căm thù của Nhân dân Đồng Tâm đến tột đỉnh, hàng chục hàng chục người xin cảm tử, trong đầu người dân Đồng Tâm bây giờ là: Quyết tử để cho Đồng xênh mãi mãi cho muôn đời con cháu mai sau.]
https://www.facebook.com/thudinhn/posts/2721456577948095
4.1.3 – Nghi vấn và tranh luận
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[9] Lê Văn Bảy (19/01/2020), “Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?”. BBC.
[Trích: “Khoe vũ khí, tàng trữ thuốc nổ, dọa giết người (…) Đất Đồng Sênh giá 39 triệu đồng/m2? (…) Clip mang tên Đồng Tâm media, phát trên facebook ông Lê Đình Công thì ghi lại cảnh ông Công cùng vài phụ nữ khác vừa live stream đi lại tự do trong cuộc họp xã Đồng Tâm, liên tục chửi bới, chửi thề và đòi những người trong chính quyền xã “nghỉ hết đi để dân bầu người khác”, vì đấy là quyền dân chủ của dân. Đỉnh điểm khi bị những công an mời đi xuống và ổn định trật tự, ông Công luôn miệng chửi họ là “con chó”, “đồ chó” và thách thức “Tao không đi xuống đấy!”. Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng và chống đối người thi hành công vụ. Rất ngạc nhiên là những cán bộ xã không ai dám tỏ ra động thái mạnh mẽ nào với nhóm ông Công mà vẫn im lặng để họ chửi bới và đi lại náo loạn trong cuộc họp, ngay cả khi bị dí sát camera vào mặt. Ở một không gian khác, tôi chắc chắn ngay lập tức ông Công và nhóm người này đã bị khống chế.”]
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51167312
[10] Thuc Minh (11/09/2020), “Những phát ngôn có thể dẫn bạn vào tù”
https://www.facebook.com/thucnt/posts/10164523042995436
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
(chưa ghi nhận)
4.2 – Về xung đột bạo lực tại Đồng Tâm đêm 09/01/2020
4.2.1 – Bằng chứng hình ảnh
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[78] Đạo sĩ chăn gà TV (09/01/2020), “Trấn áp điêu dân phản loạn ở Đồng Tâm”
[Clip gốc được quay bởi Tổ Đồng Thuận]
https://www.facebook.com/daosichanga.tv/posts/1923726427770764
[11] VTV (09/01/2020), “Tin chính thức: Vụ gây rối, bạo loạn tại Xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội | Thời sự VTV”.
[Một video ghi cảnh giao tranh. Phỏng vấn Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội.]
[12] VTV (09/01/2020), “Thu giữ lựu đạn, bom xăng, bắt các đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm”
[Ảnh chụp tang vật bị thu giữ]
[13] Nguyễn Nghiên (10/01/2020), Ảnh chụp thi thể một cảnh sát thiệt mạng trong vụ việc.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=536255820311698&set=a.173697856567498
Xem ảnh tại đây nếu không truy cập được:
http://doithoaionline2.blogspot.com/2020/01/ong-tam-linh-bi-nuong-1000-o.html
[14] TTXVN (10/01/2020), “Bộ Công an xác nhận: Khi ông Lê Đình Kình tử vong, trên tay cầm giữ quả lựu đạn”
[Ảnh chụp quả lựu đạn được cho là nằm trên tay ông Lê Đình Kình]
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[15] RFA (09/01/2020), “Người dân Đồng Tâm nói gì trước khi vụ việc 1 người dân và 3 công an chết xảy ra?”
[Trích lời ông Bùi Viết Hiểu lúc hơn 3h sáng: “Trong giờ phút này chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ bằng được miếng đất 59 ha của chúng tôi.”]
[16] Tiếng Dân (18/01/2020), “Đây chính là đội quân đã xông vào giết cụ Kình và bắt đi hơn 20 người hôm sáng sớm ngày 09.01.2020”
[Clip do người dân Đồng Tâm quay, ghi lại cảnh CSCĐ di chuyển trên đường làng]
[17] BBC (09/01/2020), “Đồng Tâm: Nhiều tiếng nổ lớn rạng sáng 9/1”
[Trích: “Khoảng bốn giờ sáng, người dân Đồng Tâm bị đánh thức bởi nhiều tiếng nổ lớn. Nhân chứng nói dân ném bom xăng khi cảnh sát đổ về Đồng Tâm đêm 9/1. Bộ Công an xác nhận 3 cảnh sát, 1 người dân thiệt mạng.”]
https://www.facebook.com/watch/?v=591649761627735
[18] RFA (09/01/2020), “CSCĐ Hà Nội tấn công vào xã Đồng Tâm khiến 1 người dân và 3 cảnh sát chết”.
[Phỏng vấn Tổ Đồng Thuận lúc 3h sáng. Hai video ghi cảnh giao tranh lúc khoảng 4h sáng.]
[19] Trịnh Bá Tư (19/01/2020), “Những hình ảnh cụ Lê Đình Kình với những vết thương và hiện trường”
www.boxitvn.net/2020/01/19/nhung-hinh-anh-cu-le-dinh-kinh-voi-nhung-vet-thuong-va-hien-truong/
[20] Trịnh Bá Tư (27/01/2020), “NHỮNG VỎ ĐẠN VÀ HIỆN TRƯỜNG NƠI CỤ KÌNH BỊ GIẾT”
http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/01/nhung-vo-va-hien-truong-noi-cu-kinh-bi.html
4.2.2 – Lời kể
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[21] Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an (09/01/2020), “Thông báo về vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”.
[Trích: “Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương.”]
[22] Báo Giao thông (09/01/2020), “Bắt các đối tượng gây rối ở Đồng Tâm, thu giữ lựu đạn, bom xăng, dao phóng”.
[Trích: “Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: ‘Khi các cơ quan chức năng vào cổng làng là các đối tượng tấn công ngay, rất manh động ném 2 quả lựu đạn, bom xăng’.”]
[23] PLO (14/01/2020), “Bộ Công an thông tin chi tiết về vụ Đồng Tâm”.
[Trích: “Về tình huống xảy ra va chạm, Thứ trưởng công an Lương Tam Quang mô tả chi tiết: (…) Qua trinh sát nắm tình hình biết các đối tượng đã chuẩn bị vũ khí, có âm mưu đốt trụ sở UBND xã Đồng Tâm, nhà văn hóa, đốt cây xăng, gây tiếng nổ, tạo tiếng vang qua đó cản trở, ngăn cản việc xây dựng tường rào… Vì vậy phải bố trí lực lượng vào thôn Hoành, để bảo vệ công trình từ xa. Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra. (…) Va chạm ban đầu xảy ra chốt số 16, đóng ở cổng làng thôn Hoành. Khi lực lượng vào khu vực cách cổng làng 50 m thì các đối tượng đã sử dụng lựu đạn tấn công. Quả đầu tiên nổ nhưng không gây thương tích. Khi đó đã xảy ra phạm pháp quả tang, lực lượng chức năng được tiến hành các biện pháp cần thiết. (…) Khi tổ công tác ba người, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, tiến hành truy đuối các đối tượng chạy thì ngã xuống giếng trời giữa hai gian nhà, sâu khoảng 4 m. “Khi thấy lực lượng ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa” – ông Quang nói và khẳng định “không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn”. “Trước tình huống đó thì phải nổ súng” – ông Quang nói và cho biết trong vòng nửa tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 30 đối tượng, thu giữ tại hiện trường tám quả lựu đạn. Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn.”]
https://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-thong-tin-chi-tiet-ve-vu-dong-tam-883694.html
[24] Thanh Niên (14/01/2020), “Vụ Đồng Tâm: Vì sao công an triển khai lực lượng trong đêm?”
[Trích: “Trước diễn biến tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi lực lượng của Bộ Quốc phòng xây dựng tường rào. Chúng tôi có phương án từ cấp độ thấp đến cấp độ cao trong suốt quá trình thực hiện từ ngày 31.12 và phương án cao độ nhất là khi xây dựng đến khu vực xã Đồng Tâm, khu vực đất Đồng Sênh. Do vậy, theo kế hoạch dự kiến, sáng 9.1 quân đội sẽ triển khai xây dựng tại đất Đồng Sênh. Căn cứ những thông tin tài liệu thu được, tình hình phức tạp xảy ra, Công an thành phố Hà Nội đã hỗ trợ một số đơn vị của Bộ tiến hành triển khai các chốt nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, người dân Đồng Tâm. Số đối tượng chống đối trong vòng mấy chục người, chúng tôi tập trung danh sách khoảng hơn 20 đối tượng là trọng điểm. Khi các tổ công tác đang trên đường triển khai vào các chốt, các đối tượng đã tấn công. Khoảng hơn 20 đối tượng đã tấn công bằng lựu đạn, bằng bom xăng, bằng vũ khí thô sơ, dùng tuýp sắt gắn dao phóng lợn để tấn công lực lượng chức năng. Tổ công tác đã tuyên truyền, dùng loa, nhưng đối tượng rất manh động. Sau khi tấn công thì vào cố thủ ở mấy gia đình liền nhau: gia đình Lê Đình Kình, Lê Đình Chức, Lê Đình Công và tiếp tục từ ở trong nhà, lên tầng 2 và tầng 3 ném lựu đạn và bom xăng tấn công lực lượng chức năng. (…) Trong nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đã quyết định thực hiện và thu giữ tại hiện trường 8 lựu đạn. Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ. Đây là hành động rất dã man của nhóm này.”
https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-dong-tam-vi-sao-cong-an-trien-khai-luc-luong-trong-dem-1171927.html
[25] Baochinhphu.vn (15/01/2020), “Bộ Công an thông tin chính thức vụ việc Đồng Tâm”
[Trích: “Từ ngày 31/12/2019, sau khi Quân chủng Phòng không – không quân thi công xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại xã Đồng Tâm rất phức tạp. Các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” tiến hành các hoạt động phản đối, tụ tập đông người kéo đến trụ sở UBND xã, nhà riêng của một số người dân có liên quan để chửi bới, ném pháo nổ; ngăn cản xe của các đơn vị quân đội chở, tập kết phương tiện, vật liệu xây dựng tại khu vực Sân bay Miếu Môn, dựng lều bạt, cắt cử người “cảnh giới” tại cổng ra, vào Trung tâm huấn luyện Miếu Môn; tiếp tục bộc lộ nếu các lực lượng chức năng triển khai xây dựng tường rào đến khu vực đất Đồng Tâm sẽ cho nổ cây xăng Miếu Môn và nhà riêng đồng chí Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cùng nhà của một số cán bộ xã khác… Trước tình hình nêu trên, để đảm bảo ANTT phục vụ thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn, Bộ Công an đã chỉ đạo một số đơn vị của Bộ hỗ trợ Công an thành phố Hà Nội triển khai phương án bảo đảm ANTT đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Lực lượng Công an đã bố trí lập chốt, tổ công tác để bảo vệ các mục tiêu như trường học, cây xăng, trụ sở UBND xã Đồng Tâm và các địa điểm các đối tượng đe dọa tấn công để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những hành vi manh động, quá khích… Ngày 9/1/2020, khi lực lượng Công an đến cổng làng Hoành, xã Đồng Tâm, triển khai theo kế hoạch, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã lập tức sử dụng lựu đạn, bom xăng, pháo sáng, dao phóng… tấn công quyết liệt lực lượng Công an. Tổ công tác đã dùng loa kêu gọi các đối tượng bỏ vũ khí, không được tấn công lực lượng làm nhiệm vụ nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố, ném 3 quả lực đạn vào tổ công tác và rút về nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Chức, Lê Đình Hợi. Tổ công tác đã truy đuổi, triển khai bắt giữ, các đối tượng tiếp tục sử dụng bom xăng, gạch đá, tuýp sắt dài 2m có gắn lưỡi dao đâm vào tổ công tác khiến 3 cán bộ Công an bị thương, rơi xuống hố giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. Các đối tượng đã ném bom xăng, đổ xăng xuống hố, phóng hỏa, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh…]
http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Bo-Cong-an-thong-tin-chinh-thuc-vu-viec-Dong-Tam/385102.vgp
[26] Công an Nhân dân (11/01/2020), “Bộ trưởng Tô Lâm: Các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì bình yên cuộc sống của nhân dân”
[Trích: “Ba cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh đó là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an); Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992, công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) và Trung úy Phạm Công Huy (SN 1993, công tác tại Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Công an thành phố Hà Nội).”]
[27] Bảo vệ Pháp luật (10/01/2020), “Tâm sự nhói lòng của vợ Trung úy Cảnh sát hy sinh ở Đồng Tâm”
[Lời kể của gia đình Trung úy Phạm Công Huy về ngày cuối cùng của ông Huy]
[28] Zing News (11/01/2020), “Nỗi đau của gia đình thượng tá hy sinh ở Đồng Tâm”.
[Lời kể của gia đình Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh về ngày cuối cùng của ông Thịnh]
https://zingnews.vn/noi-dau-cua-gia-dinh-thuong-ta-hy-sinh-o-dong-tam-post1035041.html
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[77] Trịnh Bá Phương (09/01/2020), “Tin khẩn Đồng Tâm”
http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/01/tin-cuc-nong-rang-sang-nay-ong-tam-bi.html
[29] BBC (09/01/2020), “Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, người chết”
[Trích: “Nhân chứng cho BBC News Tiếng Việt hay rằng người dân đã đáp trả lại lực lượng cảnh sát bằng gạch đá, bom xăng, nhưng ‘không lại’ vì ‘họ quá đông và trang bị vũ khí’. ‘Dân làng chúng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn bị bất ngờ khi họ đổ về rạng sáng nay. Chúng tôi cũng chuẩn bị chiến đấu từ trước, nhưng là dân nghèo, chúng tôi chỉ có gạch đá, bom xăng. Còn họ có lựu đạn cay, súng. Chúng tôi không thể chống cự được’.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51043856
[30] BBC (10/01/2020), “Đồng Tâm: Nhân chứng nói ông Lê Đình Kình ‘chết sau khi công an vào thôn Hoành’”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51063279
[32] BBC (12/01/2020), “Đồng Tâm: Con ông Lê Đình Kình bị khởi tố cùng nhiều người”
[Trích: “‘Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân,’ bà Thành nói.”]
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51087471
[33] Tiếng Nói Công Dân (11/01/2020), “Đồng Tâm ! Tin Chuyển Ra. Trực Tiếp NÓI CHUYỆN CON GÁI CỤ KÌNH 11/01/2020”
https://www.youtube.com/watch?v=nfgMBB3NBSc
[34] Trịnh Bá Tư (29/01/2020), “Tội ác cộng sản qua lời kể của nhân chứng, cụ bà Dư Thị Thành”
https://baotiengdan.com/2020/01/29/toi-ac-cong-san-qua-loi-ke-cua-nhan-chung-cu-ba-du-thi-thanh/
Link không bị chặn tường lửa:
https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/videos/323362525234167/?v=323362525234167
[35] Trịnh Bá Phương (06/02/2020), “Thư kêu cứu của cụ bà Dư Thị Thành”.
[Trích: “Bản thân tôi là Dư Thị Thành bị cảnh sát tát vào mặt liên tục và ép phải nhìn thấy lựu đạn trên tay. Tôi bị đánh vào đầu vào tai cho đến nay vẫn còn choáng và ù hết cả 2 bên tai, họ đánh vào hai ống chân tôi đau lắm.”]
https://baotiengdan.com/2020/02/06/thu-keu-cuu-cua-cu-ba-du-thi-thanh/
4.2.3 – Nghi vấn và tranh luận
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[36] Đào Nhật Đình (11/01/2020), Bản đồ mô tả diễn biến vụ việc.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10213870485991207
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[37] Luật khoa Tạp chí (11/01/2020), “Vụ Đồng Tâm: Danh sách câu hỏi Luật Khoa gửi Bộ Công an”
https://www.luatkhoa.org/2020/01/vu-dong-tam-danh-sach-cau-hoi-luat-khoa-gui-bo-cong-an/
[38] Nhóm Hành động Vì Đồng Tâm (09/02/2020), “Báo cáo Đồng Tâm”. NXB Tự Do.
[Trích: “IV. CÁC ĐIỂM GÂY TRANH CÃI XUNG QUANH VỤTẤN CÔNG 09/01: (…) 1. Tại sao lại tấn công vào lúc nửa đêm mờ sáng? (…) 2. Ai thực sự là bên tấn công và ai là nạn nhân? (…) 3. Cái chết bí ẩn của ba cảnh sát (…) 4. Tàng trữ vũ khí (…) 5. Cái chết của ông Lê Đình Kình (…) 6. Số phận những người bị bắt”]
http://www.mediafire.com/file/wjvu9017d9rdu70/Dong-Tam-Report-v2.pdf/file
[39] Hoàng Xuân Phú (11/02/2020), “Tội ác Đồng Tâm”
[Trích: “Chỉ cần cho một chiếc flycam bay lên là có thể ghi hình rõ ràng sân thượng nhà ông Chức cùng hố kỹ thuật. Vậy nên, những người lên kế hoạch tấn công Đồng Tâm phải biết về sự tồn tại của cái hố kỹ thuật ấy. (…) Tại sao lại sinh ra một tổ công tác với đội hình lại quái lạ như vậy? Trung đội trưởng, Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng đi đâu, mà để Phó Trung đoàn trưởng phải trực tiếp chỉ huy một cán bộ cấp tiểu đội? Sĩ quan, chiến sĩ trẻ trung đi đâu, mà để một Thượng tá 48 tuổi phải lạch bạch đuổi theo mấy gã nông dân? (…) Tại sao lại phân công một cán bộ chữa cháy vào tổ ba người để truy đuổi đối tượng? (…) Không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng bị ngã xuống hố kỹ thuật. (…) Chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ. Và vùng vách hố bị ám khói đen dừng lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao. Có lẽ vì vậy, một số người từng trực tiếp quan sát hố kỹ thuật đã nhận xét, không thấy dấu hiệu của vụ cháy. Điều đó cho thấy, thứ nhiên liệu được dùng không phải là chất lỏng, mà ở dạng bột, hay dạng rắn, nên phân bố không đều trên đáy hố kỹ thuật. Nhiên liệu ấy cực mạnh, sinh ra nhiệt độ rất cao, nên tuy cháy trong một thời gian khá ngắn (tức không cháy lâu như xăng), nhưng vẫn đủ để thiêu hai người thành tro. (…) Ông Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố. Điều gì sẽ xảy ra? Ngay cả trẻ con cũng biết, lửa ở dưới hố sẽ bén ngay vào dòng xăng, chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy.”]
https://baotiengdan.com/2020/02/11/toi-ac-dong-tam
[79] Trung Hiếu (14/01/2020), “Đồng Tâm: Lính bị “nướng” 1000 độ?”
[Trích: “Như vậy, có thể kết luận rằng công an trong ảnh trên bị đốt cháy do chính trang bị (pháo sáng và lựu đạn khói v.v.) mang theo trong người gây ra, chứ không phải bị người dân Đồng Tâm ném bom xăng hoặc tưới xăng đốt.”]
https://thoibao.de/blog/2020/01/14/dong-tam-linh-bi-nuong-1000-do/
[70] Nguyễn Quang A (03/02/2020), “Chúng tôi tận mắt thấy gì ở Đồng Tâm?”. BBC
[Trích: “’Về các giả thuyết mà người ta nêu ra, thí dụ như là cảnh sát mắc vào điện cao thế rồi bị cháy, rồi người khác vào cứu rồi cũng lại bị cháy, cái đấy là có thể loại trừ hoàn toàn,’ ông Nguyễn Quang A, người từng làm việc tại Viễn Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam trước đây, nêu quan điểm riêng của mình và giải thích thêm. ‘Bởi vì ở xung quanh, ngay trên giếng trời mà có thể với tay hoặc cách xa 3-4 mét, thì không hề có những đường giây điện như vậy.’”]
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51348562
4.3 – Về quá trình điều tra, truy tố và chờ xét xử
4.3.1 – Bằng chứng hình ảnh
(chưa ghi nhận)
4.3.2 – Lời kể
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[40] VTV24 (13/01/2020), “Vụ gây rối ở Đồng Tâm: Lời khai của Lê Đình Công và các đối tượng”
[41] Quân đội Nhân dân (25/06/2020), “Truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội)”
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[42] BBC (13/01/2020), “Đồng Tâm: Đám tang ông Lê Đình Kình bị công an phong tỏa?”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51087470
[43] BBC (18/01/2020), “Đồng Tâm: ‘Tiếp tục bị bao vây, cô lập và lùng sục’”
[Trích: “An ninh bố trí khắp xã, ngồi kín các ngã tư, các quán xá, không rõ họ thuộc bộ phận nào, họ mặc thường phục. Người dân không dám nói công khai họ đã bị đe dọa cụ thể ra sao vì sợ bị truy ra danh tính, sợ bị lộ. Điện thoại và mạng internet đã được cấp lại”]
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51160688
[44] BBC (26/06/2020), “Đồng Tâm: Truy tố 29 người, còn luật sư nói ‘gặp khó khăn’”
[Trích: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ lo ngại việc các Luật sư sau nhiều ngày chưa được tiếp cận để sao chụp hồ sơ vụ án “đã làm ảnh hưởng đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và quyền của người bị buộc tội”.”]
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53193312
4.3.3 – Nghi vấn và tranh luận
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
(chưa ghi nhận)
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[45] BoxitVN (05/07/2020), “TUYÊN BỐ Phản đối Tư pháp Việt Nam có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử vụ án Đồng Tâm”
[46] 5 luật sư bào chữa (03/09/2020), “ĐƠN KIẾN NGHỊ TRƯỚC NGÀY XÉT XỬ”
4.4 – Về diễn biến phiên xét xử sơ thẩm (tháng 09/2020)
4.4.1 – Bằng chứng hình ảnh
(chưa ghi nhận)
4.4.2 – Lời kể
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
[47] Nhân Dân (07/09/2020), “Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở xã Đồng Tâm”
https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/xet-xu-vu-an-dac-biet-nghiem-trong-o-xa-dong-tam-615816/
[48] VnExpress (07/09/2020), “Chủ mưu vụ án ở Đồng Tâm xin hưởng khoan hồng”
https://vnexpress.net/chu-muu-vu-an-o-dong-tam-xin-huong-khoan-hong-4158351.html
[49] Lao Động (08/09/2020), “Bị cáo trong vụ giết người ở Đồng Tâm khai về “lời hứa” được chia đất”
[50] Baochinhphu.vn (09/09/2020), “Vụ Đồng Tâm: Đề nghị tuyên phạt 2 án tử hình; thay đổi tội danh truy tố 19 bị cáo”
[51] TTXVN (13/09/2020), “Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm vụ án tại Đồng Tâm”.
[Các điểm nổi bật được liệt kê: “Xem xét lời khai bằng hình ảnh”; “Áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo”; “Không bị cáo nào kêu oan”.]
[52] Thanh Niên (14/09/2020), “Tòa tuyên án tử hình 2 bị cáo trong vụ Đồng Tâm”
[Bài chứa lý giải chi tiết của HĐXX về các bản án tử hình và chung thân]
https://thanhnien.vn/thoi-su/toa-tuyen-an-tu-hinh-2-bi-cao-trong-vu-dong-tam-1278665.html
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[53] Y Chan (07/09/2020), “Tóm tắt: Ngày thứ nhất phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm”. Luật khoa Tạp chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tom-tat-ngay-thu-nhat-phien-toa-so-tham-vu-an-dong-tam/
[54] Y Chan (08/09/2020), “Tóm tắt: Ngày thứ hai phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm”. Luật khoa Tạp chí.
[Trích: “Ở phần xét hỏi, tòa cho trình chiếu một đoạn phim được làm theo phong cách phóng sự, kể lại sự việc theo quan điểm của chính quyền, từ việc người dân đã khiếu kiện đất đai không đúng, cho đến hậu quả là chống lại lực lượng tấn công vào làng Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ba người chiến sĩ. Cuối phim chiếu cảnh tang thương của gia đình ba chiến sĩ “bị hại”, cảnh vợ khóc, con thơ… (…) Theo thông tin từ luật sư Đặng Đình Mạnh, bị cáo Bùi Thị Nối khi tới lượt xét hỏi của mình đã liên tục chất vấn ngược lại tòa, “Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối (tức cụ Kình) đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gãy chân bố Nối?…”. Khi chủ tọa hỏi đến lần thứ ba “bà mua xăng để làm gì”, bà Nối mới trả lời “Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng!”.]
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tom-tat-ngay-thu-hai-phien-toa-so-tham-vu-an-dong-tam/
[55] Y Chan (09/09/2020), “Tóm tắt: Ngày thứ ba phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm”. Luật khoa Tạp chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tom-tat-ngay-thu-ba-phien-toa-so-tham-vu-an-dong-tam/
[56] Luật khoa Tạp chí (09/09/2020), “Tổng hợp các mức án VKSND đề xuất trong vụ án Đồng Tâm”
https://www.luat8khoa.org/2020/09/tong-hop-cac-muc-an-vksnd-de-xuat-trong-vu-an-dong-tam/
[57] Y Chan (10/09/2020), “Tóm tắt: Ngày thứ tư phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm”. Luật khoa Tạp chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tom-tat-ngay-thu-tu-phien-toa-so-tham-vu-an-dong-tam/
[58] Y Chan (14/09/2020), “Tóm tắt: Ngày tuyên án phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm”. Luật khoa Tạp chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/tom-tat-ngay-tuyen-an-phien-toa-so-tham-vu-an-dong-tam/
[59] Ngô Anh Tuấn (07/09/2020), “BIÊN BẢN PHIÊN TÒA (…) Buổi sáng ngày 1: 07/9/2020”
https://baotiengdan.com/2020/09/07/bien-ban-phien-toa/
[60] Ngô Anh Tuấn (08/09/2020), “BIÊN BẢN PHIÊN TÒA (…) Chiều ngày 1 (07/9/2020) và sáng ngày 2 (08/9/2020)”
[Trích: “HỎI LÊ ĐÌNH CÔNG H: Vết thương trên mặt ông khi được quay trên tivi từ đâu? Đ: Do vết đạn bắn. H: Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không? Đ: Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh.”]
https://baotiengdan.com/2020/09/08/bien-ban-phien-toa-phan-2/
[61] Ngô Anh Tuấn (09/09/2020), “BIÊN BẢN PHIÊN TÒA (…) Chiều ngày 2 (08/9/2020) và cả ngày 3 (09/9/2020)”
https://baotiengdan.com/2020/09/09/bien-ban-phien-toa-phan-3/
[62] Ngô Anh Tuấn (10/09/2020), “BIÊN BẢN PHIÊN TÒA (…) Sáng ngày 4 (10/9/2020)”
https://baotiengdan.com/2020/09/10/bien-ban-phien-toa-phan-4/
[63] Ngô Anh Tuấn (12/09/2020), “LỜI NÓI CUỐI CÙNG CỦA CÁC BỊ CÁO”
http://thuymyrfi.blogspot.com/2020/09/ngo-anh-tuan-loi-noi-cuoi-cung-cua-cac.html
4.4.3 – Nghi vấn và tranh luận
a – Từ dư luận ủng hộ bên nguyên
(chưa ghi nhận)
b – Từ dư luận ủng hộ bên bị
[64] BBC (07/09/2020), “Giới luật sư nói phiên xử Đồng Tâm có nhiều ‘vi phạm thủ tục tố tụng’”.
[Các vi phạm được liệt kê: ‘Không triệu tập các bên liên quan’; ‘Không được tiếp xúc với bị cáo’; ‘Không được sao chép, trình chiếu tài liệu’]
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54056237
[65] BBC (10/09/2020), “Việt Nam: 10 phát ngôn đáng chú ý tại phiên xử Đồng Tâm”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54067925
[66] Lê Văn Luân (12/09/2020), “NHỮNG TÌNH TIẾT CẦN ĐIỀU TRA THẤU TỎ”
http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/09/vu-ong-tam-nhung-tinh-tiet-can-ieu-tra.html
[67] Đặng Đình Mạnh (12/09/2020), “ĐỒNG TÂM 1 – VẤN ĐỀ THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA”
https://baotiengdan.com/2020/09/12/dong-tam-van-de-tham-quyen-dieu-tra-phan-1
[68] Công Dân Hành Động (13/09/2020), “Đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Đồng Tâm”.
[69] BBC (14/09/2020), “Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54099714
[71] Lý Minh (15/09/2020), “Phiên tòa Đồng Tâm: Mở ra thay vì khép lại bất đồng”. Luật khoa Tạp chí.
https://www.luatkhoa.org/2020/09/phien-toa-dong-tam-mo-ra-thay-vi-khep-lai-bat-dong/
_____
Mời xem thêm bản pdf: Danh sách các fact và câu hỏi quan trọng trong vụ án Đồng Tâm đúc rút từ tư liệu của cả hai phía
nt: NĐK
Có thể rất lâu nữa chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lịch sử của sự kiện Đồng Tâm.
Toàn bộ sự kiện gồm cả phiên tòa và bản án tòa Hà Nội sắp tuyên, cũng như phiên tòa và bản án cuối cùng sau này, sẽ lột trần bản chất phản động, bất lương, man rợ của chế độ hiện hành.
Người ta sẽ thấy rõ hơn bao giờ hết, chế độ hiện hành chỉ là một đám tà quyền phản động, mượn tòa án, cảnh sát, quân đội để đàn áp man rợ những người dân thấp cổ bé họng.
Người ta sẽ thấy rõ hơn bao giờ hết, từng người dân và mọi người dân sống dưới chế độ này, hết thảy không ai được an toàn, cả tài sản lẫn tính mạng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu họ đều có thể bị biến thành những cụ Kình, ông Hiểu. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chỉ cần chính quyền muốn, chỉ cần đám lợi ích thân hữu muốn, đất đai, tài sản và cả tính mạng của họ có thể bị cướp bóc, bị tước đoạt trắng trợn.
Có cố hủy hoại luật pháp, cố chà đạp lên công lý cũng không thể hơn được những gì mà chính quyền này đã và đang làm với người dân Đồng Tâm.
Có cố vạch trần bộ mặt trơ trẽn, vô sỉ của chế độ hiện hành (cùng đám ký sinh trùng của nó), cũng không thể nào bằng những gì chúng đang phơi bày ra ở phiên tòa, ở những tờ báo đồng thanh cùng một giọng “lưỡi gỗ” trong những ngày qua.
Phiên tòa, bản án và những bài báo đồng ca trên hệ thống báo chí nhà nước những ngày qua sẽ chính là bằng chứng hùng hồn, là lời tố cáo đanh thép nhất mà chế độ hiện hành đang tự tay gửi đến tương lai.
Thế hệ con cháu tương lai sẽ thấy đất nước chúng ta đã từng phải quằn quại trong ách thống trị của một chế độ phản động hại nước, hại dân như thế nào.
Thế hệ con cháu tương lai sẽ thấy dân tộc chúng ta đã từng có những chương đen tối, phải chịu ách cai trị của một chế độ bất lương, man rợ đến cùng cực ra sao.
Vậy nên, hãy cứ kết án bằng tất cả sự tàn ác, bất lương, man rợ của các người đi. Bản án đó sẽ chính là bản án cho các người, cho chế độ của các người đấy.
NGUỒN MẠNG
Học Giả: Thái Bá Tân
Mục đích của cách mạng
Vô sản và công nông
Là thông qua bạo lực
Biến của tư thành công.
Khi cách mạng thắng lợi,
Nhanh chóng hoặc từ từ,
Các quan chức cộng sản
Biến của công thành tư.
Cộng sản gây đau khổ
Cho hàng triệu, triệu người
Rốt cục để mang lợi
Cho một số ít người.
Một sự thật chua xót –
Các vấn đề của ta,
Cách này hay cách nọ,
Từ cộng sản mà ra.
Nguồn Mạng.
HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.
Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)
Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
nhân dân đây
cái gốc quốc gia này.
Bán mặt cho đất
bán lưng cho trời
nhân dân mẹ cha
nhân dân ông bà
nhân dân tổ tiên
nhân dân nguồn cội
hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.
Mảnh đất truyền đời
chát mồ hôi
đắng máu
lớp lớp anh hùng áo vải
lớp lớp xác người giữ đất
vẫn nhân dân.
Sao nên nỗi người cày không có ruộng
luật hoang vu hoang hóa nhân tình?
Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
ăn quả trên cành tè axit gốc cây?
Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?
Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?
Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
tự biến thành thù địch trước nhân dân?
Lai tỉnh
hỡi lương tri
lai tỉnh!
(*) Lật thuyền mới biết dân là nước
(Quan hải, Nguyễn Trãi)
Nguồn Mạng.
Tru di ta viết một bài hành
Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
Giúp nhà Lê mã đáo công thành
Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
Giết đời cha, con, cháu cho đành
Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
Công thần thua một lũ hư danh
Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh
Tru di ta viết một bài hành
Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh
Hai con án chết đầy oan khốc
Một cháu chung thân xử rành rành
Tam tộc một đời đi theo Đảng
Tưởng thời phong kiến mới lưu manh
Không ngờ thế kỷ 21
Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
Ba đời máu chảy vẫn còn tanh
Tru di ta viết một bài hành
Quả báo ngày nay đến rất nhanh…
Thi Sĩ Bùi Chí Vinh
” 1 tỷ đô” kẻ nào, nhóm nào đã cho cụ Kình ăn bánh vẽ, để rồi biến cụ từ một lão nông hiền lành, chất phác thành kẻ tham
Thử suy đoán
1. Đám quan chức thì rõ ràng không thèm ngó tới cái đất trồng lúa vì chúng quá nhiều tiền để đầu tư B Đ S có vị trí đắc địa, có sổ hồng
2. Đám dân đen thì rách tổ đỉa
3. Đám trí thức hà lội đã về hưu, bỏ đảng tuy không quá nhiều tiền như quan cs, nhưng vài ba tỷ chục tỷ là có. Đám này vừa có thông tin ( thật có, giả có) lại vừa có tiền nên sẵn sàng ” đánh bạc” mua đất ruộng giá bèo, viết giấy tay, chờ ngày mang túi 3 gang đựng vàng. Rất có thể đã có sự ” kích động” bà con nông dân Đồng tâm ” quyết tử giữ đất và chúng hứa sẽ ủng hộ bà con bằng cách ” viết lách bàn phím” với cái mẽ giáo sư, tiến sỹ, uy tín ngập chuồng trâu.
Lòng Tham + ngu dốt = Kềnh
Lập luận ngu và đầy sơ hở, không kém chút nào so với mớ rác rưởi vừa được đem ra để làm cáo trạng khép tội dân Đồng Tâm. (do đúc chung trong 1 lò mà ra chăng)
Xét đến cách comment “nói lấy được” bấy lâu nay của @nghenvim, có vạch ra chỗ sai thì hắn cũng không dám tranh luận đến cùng mà luôn luôn đánh trống lảng bằng cách xỏ xiên bâng quơ, nên sẽ không hao hơi làm chuyện mang đàn khảy tai trâu.
Cứ giữ mà dùng. Tớ không có tjan cũng như ko có tìn độ ní nuận xẵ bén như trí thức hà lội.
Sơ hở là sơ hở cái giầy nhẩy???? Sợ rồi hả
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày. thơ Nguyễn Duy