Nguyên Ngọc
8-9-2020
Tiếp theo Kỳ 1 — Kỳ 2 — Kỳ 3 — Kỳ 4 — Kỳ 5
Năm 1962, cùng Nguyễn Thi và tôi đi vào Nam, còn có hai tốp văn công, một tốp đi Khu 5 tốp kia đi Nam Bộ, mỗi tốp chỉ chừng mươi người, trong đó có ba nữ, tốp đi Khu 5 có cả ca sĩ Tường Vi bấy giờ đã nổi tiếng.
Chúng tôi tập trung một tháng ở Xuân Mai, tập luyện và bồi dưỡng. Đúng buổi tối trước khi lên đường, ông Tố Hữu cho mời tất cả về gặp ở Tổng cục Chính trị, dặn dò động viên, ăn bánh ăn kẹo… Đến khi kết thúc, ông giữ Nguyễn Thi và tôi lại, đột nhiên bảo: Thôi, tình hình trong đó còn khó khăn lắm, chưa nên đưa các cô vào. 12 giờ đêm chúng tôi xuất phát, thì 10 giờ chúng tôi mới gọi các cô phổ biến lệnh ông Tố Hữu, các cô khóc bù lu bù loa…
Tốp văn công vào Khu 5 mới được hơn tháng, đúng hôm tôi đi xuống Tứ Mỹ, thôn giải phóng đầu tiên ở Nam Tam Kỳ, vừa đi ra được một tiếng, thì nghe máy bay lên ồ ạt, quay lại nhìn thấy chúng ném bom đúng chỗ Nước Là – Tất Bỏ căn cứ của mình, sau đó lại trực thăng đổ quân. Đấy là trận càn Đỗ Xá, do tướng Trần Văn Đôn chỉ huy, sau này chúng tôi hay đùa: tướng Trần Đôn đánh tướng Nguyễn Đôn! Trận ấy có ba anh văn công mới vào chết bom. Bấy giờ chỗ chúng tôi ở mới chỉ đào hầm kiểu chiến hào, không che kín bên trên, địch ném bom xong lại đổ quân càn ngay, chỉ kịp vùi thi hài ba người hy sinh xuống hào, lấp làm mộ. Trên núi, mỗi mùa mưa là một lần hồng thủy, mà ta thì bao giờ cũng phải đóng quân gần suối, chỉ một mùa mưa mọi thứ hai bên bờ đều bị cuốn sạch. Nước Là – Tất Bỏ xa lắc ngày trước nay là huyện lỵ huyện Nam Trà Mi, đã thành thị trấn nhà cao cửa lớn, càng rộn rịp vì là đầu mối buôn bán sâm Ngok Linh nổi tiếng. Chẳng còn mong tìm dấu vết dù chỉ mơ hồ ba nấm mộ của các bạn văn công xưa. Tôi vẫn còn nhớ tên ba người từng cùng lặn lội mấy tháng Trường Sơn: anh Văn Hào đội trưởng, anh Lâm accordéon, anh Lễ dân ca bài chòi…
…Mãi đến 1967 Tổng cục Chính trị mới gửi cho Khu 5 một đoàn văn công thứ hai, lần này rất oai. Là vì nay tính chuyện lớn: Xuân Mậu Thân 68, chiếm được Đà Nẵng, sẽ đưa biểu tượng rực rỡ này của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ưu việt miền Bắc vào ra mắt dân thành phố. Anh Lý là đội trưởng, anh Thái Minh Viên là chính trị viên. Anh Viên từng đi học Mỹ học ở Liên Xô, là một nhà duy mỹ chủ nghĩa chính cống, tôi vốn quen từ hồi cùng ở Phòng Chính trị Liên khu 5 thời chống Pháp. Lần này anh được dịp tha hồ đi tìm cái đẹp: anh mang công văn của Tổng cục Chính trị như lệnh bài của vua, đến khắp các đoàn văn công quân khu và sư đoàn, không chỉ chọn diễn viên nam giỏi mà còn tuyển lấy các nữ diễn viên trẻ, khỏe, đẹp nhất, muốn ai được nấy, ưu tiên chiến trường, không anh nào dám từ chối. Khu 5 bỗng có một đoàn văn công vào loại đẹp nhất nước. Không chỉ đội múa hệt một đàn tiên nữ, còn có cô Hồng thập lục rất chi mai cốt cách tuyết tinh thần, cô Tấn ngâm thơ cứ đến đúng một câu giữa bài thế nào cũng cầm nhẹ đuôi tóc dài lên và nghiêng đầu duyên dáng, cô Thanh Mai người Tày có bài hát tủ Khúc hát nàng Solveig của Grieg hát cả bằng tiếng Na Uy rồi tiếng Việt, cứ mỗi lần vừa cất giọng hàng nghìn khán giả toàn lính tráng còn lấm lem bụi bặm trận địa bỗng im phắc chờ đợi một điều gì đó rất thiêng liêng, cô Hợi dân Hàng Đường đẹp rất Hà Nội, cô Hạ clarinette trẻ nhất đội đẹp rất tân thời… Lính ta không chỉ thuộc tên biết tuổi từng cô, còn tò mò kể quê quán lai lịch vanh vách cô này cô kia, không thể biết thật hay bịa…
Nhưng mà rồi Mậu Thân có vô được Đà Nẵng đâu. Sau đó địch phản kích ác liệt vào nông thôn và cả miền núi. Vậy mà tất cả họ, cái đoàn tiên nữ ấy và đồng đội của họ các nghệ sĩ nam của đoàn, đều kiên cường trụ lại cùng chúng tôi suốt giai đoạn đen tối nhất của chiến trường. Lúc đầu còn giữ gìn, thậm chí lệnh từ anh Võ Chí Công, anh Chu Huy Mân, nghiêm khắc không được để cho các cô đi làm rẫy, đi cõng gạo, lao động nặng nhọc cứng hết tay chân còn múa may làm sao.
Đi cõng gạo là một công việc nặng nề nhất hồi bấy giờ, cõng quế từ trên núi xuống đổi lấy gạo hay muối, mắm cõng về, đi xuống mất gần một tuần, đi về thường tuần rưỡi, như sức tôi bấy giờ chỉ cân nặng 34-35 cân mà phải cõng một gùi gạo 30 cân, gạo là cái thứ hạt rất nhỏ, đổ vào gùi rất chặt, nặng gấp ba lần cõng ngô hay quế, lại toàn lên dốc, mỗi chuyến đi về mất hơn hai tuần, cõng về đến nơi tự mình đã ăn mất ít nhất một phần ba…
Thời gian còn chưa quá căng, chưa bị Mỹ vây bít quá chặt, cả văn công cũng phải đi làm rẫy và cõng gạo, tất nhiên vẫn cố nhẹ bớt cho các nữ diễn viên… Đến lúc khó quá, tiếp tế từ miền Bắc bị cắt vì chiến dịch Đường 9 Nam Lào, phải tìm mọi thứ rau rừng có thể ăn được mà sống, thì chính các cô gái văn công của chúng tôi lại tỏ ra rất xông xáo và sáng tạo. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính các cô đã khám phá ra và đặt tên cái món nổi tiếng hồi bấy giờ gọi là “củ cảm tưởng”. Đó là một loại củ giống hệt cái móng ngựa nhưng kết chặt vào nhau thành từng về hàng vài chục củ, vùi sâu dưới đất, chỉ nhô lên một chút, đói quá đi lùng rừng, tinh mắt lắm mới nhận ra, hì hục đào, chính các cô là những người đầu tiên, moi được mang về ăn thử, như người xung phong thử vaccine bây giờ. Rửa, kỳ cọ thật sạch, cắt rời ra từng củ, lấy dao nhọn khứa dọc ngang, rồi bỏ vào nồi nấu tới nơi. Bởi vì đó thực chất là một loại củ nâu. Nước thứ nhất, nước thứ hai đậm đặc, thậm chí có thể cho quần áo vào nhuộm ngay, chỉ cần đem nhận xuống bùn gọi là “phủ bùn” một lượt sẽ có cái áo hay cái quần nâu đậm mặc suốt đời không phai. Mấy nước đầu tiên đương nhiên phải đổ đi. Lại nấu tiếp, đổ tiếp, nước thứ ba, thứ tư, thứ năm…, cho đến nước thứ mười mấy, kỳ tới khi nhìn kỹ nước đã hơi trong, nhấm thử không còn quá chát, mới vớt ra xắt lát, rồi xắt măng bằng ngón tay, chấm muối mà ăn. Gọi là củ cảm tưởng vì ăn chỉ để có cảm tưởng no, đến ích bụng, vậy mà thấy người khác ăn gì đó vẫn thèm, bởi mình có thêm được chút chất gì đâu… Chuyện ăn thời ấy thì còn rất dông dài, có thể kể bất tận, bởi chúng tôi tìm ăn bất kể thứ gì có thể ăn không chết trong rừng, nói chung cũng là những loại “cảm tưởng” cả…
Không vào được thành phố thì đoàn văn công ấy đi biểu diễn cho bộ đội, cho dân, có khi khán giả chỉ vài chục người cũng không từ chối, vẫn nghiêm túc chăm chút nghệ thuật. Nhà Mỹ học Thái Minh Viên rất kiên định. Anh tuyên bố: Càng ác liệt, khó khăn, càng phải nghiêm túc trau chuốt nghệ thuật. Tức là ta chấp nó, ta cao hơn nó. Trung Tấn (cô gái có cái tên đàn ông đến lạ này kỳ thực rất nữ tính) vẫn ngâm thơ, vẫn đến đúng đoạn ấy thì duyên dáng cầm nhẹ cái đuôi tóc lên dưới ngực một chút, Thanh Mai vẫn hát Solveig mê hoặc…
Tôi nhớ hồi đó có một cuộc thảo luận ở Cục Chính trị về thực trạng tình hình bộ đội, do anh Võ Chí Công chủ trì. Suốt một ngày, mọi ý kiến đều cố lên gân như bao giờ cũng vậy, đều đánh giá tình hình rất nghiêm trọng, tuy nhiên về cơ bản bộ đội ta vẫn giữ vững truyền thống, bản chất, v.v. Cuối buổi anh Võ Chí Công mới phát biểu, giọng rất nghiêm khắc:
Thôi đi, đừng có tuy nhiên với cơ bản nữa. Nhìn thẳng và nói thẳng sự thực đi: Bộ đội ta đang tan rã, cả về tư tưởng, cả về tổ chức. Biện pháp bây giờ: Tôi yêu cầu cả ba cơ quan, chính trị, tham mưu, hậu cần, tất cả làm vườn không nhà trống, không ai ngồi trên này nữa, dồn sức xuống đơn vị, không làm tràn lan, tập trung củng cố cho kỳ được từng đại đội, hết đại đội này mới sang đại đội khác, làm xong hết mới được về. Giải tán!…
Chúng tôi đổ xuống các đơn vị. Đoàn văn công toàn tiên nữ ăn toàn củ cảm tưởng của chúng tôi cũng ra đi. Đến từng đại đội, sự có mặt và hoạt động nghệ thuật của họ, thường phải linh hoạt chia nhỏ từng nhóm, cùng hoạt động kiên trì của chúng tôi và cán bộ tại chỗ dần dần tập họp lại và vực dậy từng đại đội… cho đến khi văn công lại có thể biểu diễn với toàn bộ chương trình cả đoàn. Tôi nhớ rất rõ họ thật sự gan dạ. Có hôm trên đường hành quân bị một trận B52. Hành quân trong rừng thì phải đi hàng một. May quá bọn B52 hôm ấy lại thả bom theo đường vuông góc với hàng một hành quân của đoàn, thả đúng theo hàng dọc thì chết sạch rồi. Lối đánh của B52 cũng có nhược điểm của nó: bom rất nhiều nhưng chỉ rải thẳng theo một đường. Chỉ có một số bị vùi đất đá, không ai chết, xong đứng dậy phủi quấn áo, lại đi tiếp… Họ can trường, tự trọng và thông minh, họ biết đùa cợt, tự chế giễu sự gian khổ của chính mình. Và vẫn son phấn chăm chút. Anh Thái Minh Viên nói như một triết gia: Giữ gìn sắc đẹp cũng là biết làm người tử tế. Cũng là khí tiết…
Và rồi lại có cả chuyện yêu đương, cũng lạ, bắt đầu từ anh chàng ngô nghê nhất trong chúng tôi về mặt này: Nguyễn Chí Trung. Trung yêu cô V., người Phú Thọ, là đàn chị ở đội múa chỉ thua cô Đào đã được học ít nhiều nghề biên đạo. Động lực và cách yêu của anh rất độc đáo. Anh muốn giúp V. trở thành đảng viên. Một buổi sáng biết văn công sắp đi công tác, anh dậy rất sớm, bồn chồn ra đón ở ngã ba đường đoàn sẽ đi qua, túi áo gói cẩn thận món quà quý định tặng V. Anh gặp được V. thật và trao quà, gói trong giấy trắng bong. V. cám ơn và mở ra: một cuốn Điều lệ Đảng!… Về sau V. đã trở thành đảng viên thật. Rồi lại có trục trặc lớn về mặt này, nhưng là rất lâu sau, và lại có liên quan đến một nhân vật nguyên cũng từng ở chỗ chúng tôi, anh Phương, cục phó Cục Chính trị, người tôi được ở gần và rất kính trọng suốt thời đánh Mỹ.
Anh Phương từng có một tiểu sử rất đẹp. Chúng ta đều nhớ ngày 23 tháng 9 năm 1945 Pháp đã trở lại chiếm Sài Gòn, rồi nhanh chóng đánh ra đến Nha Trang. Tôi có một ông cậu xa, tên là Lê Thám, trước đi lính Tây, làm đến chức aspirant tức chuẩn úy, đã rất oai. Ông thường ghé qua nhà tôi ở Hội An, cho tôi được săm se chiếc mũ sĩ quan của ông rất đẹp, hình tròn có thêu kim tuyến; ông lấy chị Khánh Vân, gần như là hoa khôi của Hội An, ở cạnh nhà tôi. Hằng năm, ngày quartoze juillet 14 tháng 7 Quốc khánh Pháp, Hội An đều có duyệt binh ban ngày, đêm thì diễu hành, chị Khánh Vân đóng vai Jeanne d’Arc, váy dài trắng toát cưỡi con ngựa trắng không biết tìm ở đâu ra, diễu trên đường dọc bờ sông Hoài, cùng lúc pháo bông bắn rợp trời.
Sau tháng 8-1945 không hiểu làm thế nào cậu Thám của tôi đã tham gia Việt Minh, làm tới tham mưu trưởng mặt trận Nha Trang. Dễ hiểu với cán bộ như vậy, Nha Trang đã được phòng ngự theo kiểu phòng tuyến Maginot hồi thế chiến thứ nhất, và nhanh chóng bị đánh vỡ tan tành. Lính ta bỏ chạy ồ ạt qua Đèo Cả ra Phú Yên còn tự do. Anh Phương thuộc số ít người kiên cường nhất ra đứng chặn trên đỉnh Đèo Cả, ngăn lính chạy không nổi, các anh bảo: “Được rồi, chạy thì chạy, nhưng phải bỏ súng lại đây!”. Họ gom hết súng, mang quay trở vào Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã bị chiếm, len lỏi lần hồi tìm từng người kiên trung nhất, lập lại lực lượng, từ tổ ba người, tiểu đội, trung đội, đại đội… cho đến hai trung đoàn 801, 802, về sau sáp nhập thành trung đoàn 812, rồi thành trung đoàn 803, một trong hai trung đoàn chủ lực mạnh của Liên Khu 5… Còn cậu Lê Thám của tôi thì mãi sau tháng 4 năm 1975 tôi mới gặp lại, ông làm thợ chữa xe đạp ở Tam Kỳ…
Anh Phương quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, cùng làng với anh Tế Hanh, cũng gần cùng một lớp trí thức. Anh là người tin ở lý tưởng mà anh theo đuổi một cách có lý trí, tôi nhớ nhiều lần anh nói với chúng tôi điều đó, anh bảo một niềm tin như vậy mới thật sự có cơ sở, vững chắc và đáng trọng. Tôi cùng anh em ở Cục Chính trị Khu 5 còn có một kỷ niệm đáng nhớ về anh. Ấy hẳn là vào khoảng 1970-71, bởi vì sau Mậu Thân Mỹ mới có cách đánh này. Họ là một quân đội rất thực dụng theo nghĩa đúng và tốt nhất của từ này. Lúc đầu họ còn hơi lớ ngớ nhưng rồi họ thay đổi, thích ứng rất nhanh. Sau Mậu Thân họ chuyển sang đánh du kích với ta, đúng hơn là kết hợp du kích với chỗ mạnh vốn có của họ: rất cơ động bằng trực thăng vận và với hỏa lực mạnh. Chúng tôi gọi là kiểu “Mỹ lết”.
Hồi ấy rừng còn nhiều, rất khó theo dõi chính xác hành động và vị trí của trực thăng nhỏ bay thấp. Họ lợi dụng điều đó để lén thả từng tốp biệt kích nhỏ thường chi năm ba người xuống giữa rừng, những tốp này cứ bí mật lê lết khắp nơi, hễ phát hiện vị trí đóng quân của ta liền im lặng lùi lại, gọi máy bay đến ném loại bom phạt, chứ không dùng bom đào, mảnh bom cắt đổ một số cây, tạo khoảng trống vừa đủ cho vài trực thăng nhỏ có thể đổ xuống khoảng một trung đội, đám này dùng một loại mìn dây quấn quanh các gốc cây giật một phát làm đổ ngay cây. Chỉ trong khoảng 15 đến 20 phút họ đã có một bãi trống lớn có thể đổ xuống ngay trước mặt ta 1-2 đại đội, thậm chí một tiểu đoàn và diễn ra ngay một trận đánh lớn…
Một hôm mới khoảng trưa, anh em cảnh vệ báo thoáng thấy hình như có một tốp Mỹ lết phát hiện ra vị trí của Cục Chính trị chúng tôi và đã lặng lẽ lùi lại biến mất vào rừng. Không còn kịp di chuyển. Chúng tôi gấp rút chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng chiến đấu, hầm hố, súng ống, tài liệu, tính toán tỉ mỉ mọi tình huống và phương án tác chiến, phân công từng bộ phận, từng người… Và ngồi chờ. Cực kỳ căng thẳng. Năm phút, mười phút, mười lăm phút… Chưa thấy gì… Từng phút trôi qua hồi hộp… Hay cảnh vệ trông nhầm?… Nhưng nhỡ đúng thì sao?… Anh Phương bảo: Rà lại hết đi, chuẩn bị đầy đủ hết chưa? Còn gì sơ hở nữa không?… Nếu còn sơ hở, chuẩn bị chưa chặt chẽ đến tối đa, nó đổ quân, đánh nhau, ta hy sinh thì rất đáng ân hận. Còn nếu đã rà chắc chắn kỹ hết rồi, không còn gì có thể thêm nữa… thì thôi, chết sống bây giờ chỉ còn là may rủi, đừng thèm căng thẳng, đừng thèm nghĩ đến Mỹ nữa… thoải mái mà chơi đi, có bộ bài đâu, đem ra đây, làm một chầu tu lơ khơ…
Bỗng có một anh nào đó, lâu ngày quá tôi quên mất tên, lên tiếng: Tú lơ khơ mãi chán lắm, thôi, ta đố Kiều đi. Này nhé, tôi đố quý vị Nguyễn Du viết Kiều 3254 câu, có câu nào dở không, dở thiệt là dở, chứ không phải dở thường đâu, dở hơn cả vè kia… Vậy là xôn xao cả nhà. Làm gì có, đã là Nguyễn Du mà, đệ nhất thi hào… Một anh khác: Cũng có thể, hơn 3000 câu, làm sao toàn bích… Không nói chuyện toàn bích, dở hết mức, tôi đã nói, còn thua vè kia mà… Thì anh đọc thử một câu dở xem nào, dám chê tới Nguyễn Du… Này nhé, mọi người nghe đây nhé, chính tay Nguyễn Du viết đây nè: “Bộ hành một lũ theo liền một khi”, có dở không nào? Lại xôn xao: Không phải, không phải, không phải Kiều, không phải Nguyễn Du, Nguyễn Du nào lại viết thế, nghe qua biết liền, cái kiểu “liền một khi” thì chỉ có Lục Văn Tiên,’’bẻ ngay một giò’’. không phải Kiều, nhứt định không phải Kiều…
Anh Phương bảo: Hình như ta có một cuốn Kiều mà, để ở đâu rồi… Hồi ấy chúng tôi bao giờ cũng có một số thùng thiếc tùy thân, đóng bằng thiếc cho nhẹ, cao vừa gọn lưng người, có hai dây đeo, bao nhiêu tài liệu tống tất vào đấy, sẵn sàng cho lên vai khi di chuyển gấp. Đúng là chúng tôi có một cuốn Kiều thật, thỉnh thoảng vẫn giở ra ngâm nga. Nhưng hàng chục thùng, nó ở thùng nào? May có anh còn nhớ: Thùng số 5, hôm trước tớ vừa xem một đoạn, đặt vào lại, nhưng xếp nó tận đáy thùng… Thì đổ thùng ra!… Chớ, không được, nhỡ bất ngờ nó bắt đầu ném bom thật thì… Đã bảo không thèm nghĩ đến Mỹ nữa mà, cứ đổ ra… Không dễ đâu, bởi vì tài liệu xếp vào thùng được nén rất chặt, bấy giờ lại còn dùng giấy pơ-luya mỏng, phải cẩn thận gỡ từ từ. Cuối cùng mới đến nó, cuốn Kiêu được giữ cúp cum. Có Kiều đây rồi, nhưng hơn 3000 câu, biết tìm đoạn nào? Anh chàng dám chê Nguyễn Du hóa ra rất sành Kiều. Anh thong thả bảo, cứ tìm khoảng đoạn Kiều tạ ơn Giác Duyên ấy. Nhưng mà Kiều tạ ơn Giác Duyên đến hai lần, lần nào?… Cuối cùng tìm ra, câu 3000 và 3001. Quả là Nguyễn Du cũng có lúc “liền một khi” thật, cứ như viết vội cho xong ấy. Hai câu đích đáng bị chê thế này:
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên
Bộ hành một lũ theo liền một khi…
Đã bộ hành, lại một lũ, còn theo liền một khi, đúng dở quá thật, ai ngờ…
Nghe nói Xuân Diệu cũng từng chê đúng chỗ này…
Thế mà hết cả một buổi chiều. Chẳng thấy Mỹ lết nào. Cũng chẳng có bom đạn hôm ấy. Hoặc cảnh vệ nhìn gà hóa cuốc, hoặc có Mỹ lết phát hiện được chỗ chúng tôi thật nhưng thấy mục tiêu nhỏ, bỏ qua.
Riêng tôi, từ đấy tôi tập dần được thói quen: Ở đời, gặp việc cực khó, thậm chí cực quan trọng, đã nghĩ đến hết nước rồi vẫn không xong, thì thôi, gạt hẳn khỏi tâm trí đi, đừng thèm ray rứt giày vò làm gì nữa, để mà nhẹ nhàng nghĩ tới điều khác, làm việc khác. Biết sống ung dung cũng là một minh triết, và không chỉ trong chiến tranh. Chỉ có người rất từng trải mới dạy được mình điều đó. Tôi nghĩ anh Phương là một người như vậy. Tư duy rõ ràng, chín chắn, mà nhẹ nhõm…
Sau năm 1975 anh là thiếu tướng, phụ trách thanh tra ở Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Và có việc anh xử lý một vụ liên quan đến cô V. văn công Nguyễn Chí Trung từng đón đường tỏ tình vào sáng tinh mơ âu yếm tặng một cuốn điều lệ Đảng…
Đoàn văn công tiên nữ duyên dáng và can trường trong chiến tranh của nhà Mỹ học Thái Minh Viên vậy mà đến hòa bình thì lại bị quên. Tôi có một nhận xét: Thời gian trong chiến tranh trôi chậm hơn trong hòa bình, chiến tranh dằng dặc 30 năm, hòa bình vù một cái đã 40 năm. Trong hòa bình hình như con người cũng già đi nhanh hơn. Mà tuổi nghề của những người làm nghệ thuật sân khấu, đặc biệt các ngành múa, thanh nhạc, có khi cả nhạc công nữa, lại là nữ, thì rất ngắn ngủi, trừ khi họ được trời cho tài năng siêu việt, như những Plisetskaya của ballet Nga. Mấy ai…
Mà theo chỗ tôi biết, sau 1975 không có một chính sách nào đàng hoàng, chu đáo cho những người làm các nghề đó khi họ đã cống hiến khoảng tuổi đời nghề nghiệp dồi đào và đẹp nhất của họ trong chiến tranh. Một thế hệ mới, trẻ, đẹp, được đào tạo bài bản hơn, đã chiếm sân khấu, thay thế. Là tất yếu thôi. Còn họ? Bây giờ, đơn giản, họ thất nghiệp. Không ai, không tổ chức nào lo cho họ chẳng hạn đi học nghề, chuyển nghề.
Cô Hồng thập lục vẫn rất tiểu thư có hôm đến chỗ tôi ngồi khóc kể “chuyên môn” của cô lúc này là đi dọn các nhà vệ sinh. Về sau cô đi xuất khẩu lao động ở Đức mấy năm, trở về có khá hơn đôi chút. Nói chung, tán lạc cả. Cô V. lấy một anh làm đoàn trưởng, tìm được một chân nhân viên ở thư viện quân khu tại Đà Nẵng… Đại hội VI của Đảng 1986 được coi là đại hội đổi mới, nhưng tình trạng bao cấp còn kéo dài đến đầu những năm 90.
Nhưng ở chỗ cô V. lại có một thứ rất giàu: những bộ toàn tập Lênin sang trọng, bìa cứng, màu nâu đậm, gáy chữ vàng nghiêm trang, dịch rất công phu, do Liên Xô in và cho không, thư viện lớn hàng trăm bộ, thư viện cỡ quân khu cỡ của cô cũng mấy chục bộ. Vừa rồi tôi thử tìm đếm, ông ấy viết khỏe thế, mỗi bộ những 54 tập, trung bình mỗi tập khoảng 7-8 trăm trang. Mà ai cũng biết có ma nào đọc đâu. Chưng cho oai, cho phải đạo như anh Hoàng Ngọc Hiến nói ngày nào. Cho ra “kiên định”. Thỉnh thoảng cô V. lại phải vất vả lau mốc. Và tới lúc bao cấp túng bấn quá, tới bo bo cũng không đủ mà ăn, cô bèn đem bán bớt đi một bộ. Có ít đâu, ta đã nói rồi, ông ấy viết khỏe lắm, những 54 tập dày cộp. V. đã cẩn thận bóc hết bìa và xé hết những trang có ảnh lãnh tụ, cũng đã là một việc khá nặng nhọc. Bán cho ai? Chỉ có thể các bà đồng nát. Giấy rất tốt, gói xôi không gì bằng. Thiếu đi một bộ cũng khó nhận ra. Kệ sách có hạn, chỉ chưng vài bộ, còn thì cất trong kho. Vậy mà vẫn có người tỉ mỉ đi soi đếm, và “chỉ điểm”. Đời vẫn thế, loại ấy không thiếu. Sự việc bị tiết lộ. Xử vụ này là thanh tra quân khu, thiếu tướng Phương. Án phạt tối đa đối với một đảng viên. Bởi vì đây là kết luận của anh Phương, sau khi cân lên đặt xuống kỹ lưỡng mọi mặt. Phân tích rất đúng và nghiêm, không còn cãi vào đâu được. Không phải, không chỉ tội tham nhũng, còn có thể thông cảm nhẹ tay. “Đằng này,” anh Phương bảo, “nó bán cả chủ nghĩa kia mà!”.
Tôi ở Hà Nội nghe mà kinh ngạc, anh Phương, chính anh Phương tôi từng biết đã nói ra được câu ấy ư?
Không rõ Nguyễn Chí Trung có biết cuộc này không, và biết thì anh nghĩ gì? Bởi, điều này thì tôi rõ, Nguyễn Chí Trung cũng là một người rất “chủ nghĩa”. Chính anh đã viết bài diễn văn chửi Mỹ thậm tệ cho Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đón Tổng thống Mỹ Clinton.
Có những người như vậy tôi từng sống cùng. Họ trong sạch, tôi tin vậy. Họ từng rất dũng cảm, anh hùng, cả từng trải nữa. Nhưng hóa ra ở đời còn có một sự dũng cảm khác, có khi còn cần thiết, quan trọng, và có thể khó hơn: dũng cảm để sáng suốt tự thay đổi khi thế cuộc đã cho phép nhìn lại, soát lại từ những lựa chọn ban đầu của mình.
Để làm được thế, cần một nền tảng văn hóa không dễ có ở ta.