Hồi ký Đồng Bằng của nhà văn Nguyên Ngọc (Kỳ 1)

Văn Việt

Nguyên Ngọc

15-7-2020

Sẽ còn nhớ mãi đêm đầu tiên, sau mấy tháng Trường Sơn dầu dãi, chúng tôi vào đến cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hồi đó đóng trên dãy núi ven sông Nước Là, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Anh Nguyễn Đôn, bấy giờ là thiếu tướng tư lệnh quân khu chào đón tôi bằng hai câu xanh rờn.

Câu thứ nhất, nghe ngượng chín người:

– Khu 5 xin được Ngọc vào là một thắng lợi đấy.

Câu thứ hai, hệt như Hamlet:

– Vấn đề bây giờ là tồn tại!

Tôi hiểu ngay. Hôm ở khu rừng xà nu Tây Thừa Thiên Nguyễn Thi và tôi đã từng nói rõ với nhau điều ấy. Thời bấy giờ, ở miền Nam chúng ta chưa có gì hết. Một tấc đất cắm dùi, không. Một tấc sắt trong tay, cũng không. Mênh mông bốn bề tất cả là của đối thủ. Chúng ta là một nhúm người “bất hợp pháp”, một thứ giặc cỏ vô tăm tích trốn chui trốn lủi trong rừng sâu, chọn đỉnh núi cao nhất, hiểm trở nhất mà ở, tìm con suối vô danh, không hề có tên trên mọi tấm bản đồ quân sự tỉ mỉ nhất mà uống nước, ngày không dám đốt một ngọn khói, đêm không dám nhen to một đống lửa, đào củ rừng mà ăn, thèm quá thì đốt cả lá rau tàu bay làm thuốc hút, cho đỡ buồn và đỡ lạnh…

Chúng ta không có gì hết, chưa có gì hết. Phải bắt đầu từ số không. Vậy thì vấn đề đầu tiên, đúng thế, là phải tồn tại. Không thể chết, không được phép chết (anh em chúng tôi hồi đó đã tổng kết được tới 36 kiểu chết, toàn là bất đắc kỳ tử: chết bom, chết đạn, chết trôi vì lũ nguồn, chết vì cây đổ đè, chết hổ vồ, chết voi xéo, chết núi sập, chết đạp chông độc do tự mình cắm rồi quên, chết đói, chết sốt rét… Có một nhúm người, một đốm lửa leo lắt trước gió, không được phép để tắt, không được chết. Chết là hết. Phải tồn tại. Để mà bắt đầu. Bắt đầu một công cuộc dài thăm thẳm. Hồi ấy tôi nhớ tư lệnh Nguyễn Đôn chỉ thị trồng mít, để mà nói về sự lâu dài của cuộc chiến, mấy chục năm nữa mới được ăn trái…

Thực ra không hoàn toàn như Nguyễn Thi và tôi hình dung. Lúc chúng tôi vào tình hình đã hửng lên một ít. Những người ở lại từ 1954, những người vào trước từ 1959 đến đầu 60 đã làm được khá nhiều. Chúng ta đã có được một ít rừng núi, những đỉnh núi cao nhất và hiểm trở nhất… và xa lắm xa lắm dưới đồng bằng kia, đã nghe văng vẳng mơ hồ đôi dấu hiệu của vài đóm lửa nhỏ tí tách…

Nhưng anh Đôn nói đúng: “Tồn tại” vẫn còn là vấn đề, gay gắt.

Tôi được phát một cây rựa. Vũ khí đầu tiên đấy. Để tự phát lấy rấy, tự làm ra cái ăn. Vấn đề số một là ăn, có cái ăn. Bởi vì cái chết uy hiếp số một là chết đói.

Tôi từng sống Tây Nguyên một thời chống Pháp, từng biết thế nào là giá trị cây rựa ở rừng. Nhưng dẫu sao thời ấy vẫn còn thư thả chán. Đến lần này mới thực sự hiểu tận máu thịt: ở rừng có cây rựa là có tất cả, là sống; không có cây rựa là không có gì hết, là chết. Có cây rựa thì có thể làm bất cứ việc gì cần thiết để “tồn tại”: phát rẫy, làm nhà, đẵn gỗ, những cây gỗ to hàng chục người ôm có thể hạ phăng phăng bằng rựa –, đào củ mài, củ môn dóc, đan lờ bắt cá, chuốt lao đâm thú, vót chông chống càn, đan gùi cõng lúa…, và đánh nhau, tất nhiên.

Có lần Nguyễn Chí Trung, vốn nổi tiếng là anh chàng đại lãng, không biết lơ mơ thế nào đánh mất cây rựa tùy thân. Cụ thể hôm ấy là thế này: chúng tôi phát rẫy, có mấy anh em, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, và tôi. Phát rẫy trước hết là chặt cây. Không phải chặt cây nào hạ luôn cây ấy đâu, từng cây chỉ chặt cho sắp đứt rồi để đó, chuyển sang chặt cây khác, cũng theo cách như vậy. Hàng trăm cây, từ sáng sớm, cho đỡ nắng, đến chiều sẫm. Cuối cùng, chọn một cây to, chặt cho kỳ đổ hẳn, cây này đổ đập vào cây bên cạnh, cứ thể cả một vạt rừng hàng trăm cây đập vào nhau, đổ ào ào như một trận bão lớn. Có điều hết sức quan trọng: trước khi đánh đổ cây cuối cùng, phải đưa hết dao rựa và mọi thứ ra ngoài, dặn đi dặn lại nhau không biết bao nhiêu lần, nhất là cái rựa. Vậy mà Nguyễn Chí Trung quên. Đến khi cả rừng cây đổ xuống như bão, anh bỗng hét lên: Chết rồi, còn cái rựa của tau trong đó, tau quên! Có trời moi được đám cây đã đổ chằng chịt ngổn ngang để tìm cho ra một cái rựa bé tí. Chỉ còn cách chịu để đó mươi ngày nửa tháng, chờ cho đám cây đã hạ được nắng thật khô (chứ lỡ gặp mưa to thì ăn mày!), đốt cháy hết chỉ còn đất trơ và tro, mới mong tìm ra cái rựa chắc cũng đã chảy thành một cục sắt còng queo rồi.

Đại họa! Trung khóc như cha chết mấy ngày. Đêm ngủ nói mê thảng thốt: Rựa tau đâu? Rựa tau đâu?… Chúng tôi phải lùng sục cả một khu rừng rậm suốt tuần liền mới tìm lại được cho anh. Hóa ra anh cũng đã lấy rựa ra ngoài trước khi quyết định đánh ngã cây cuối cùng và đã cẩn thận đem chặt cắm vào một gốc cây cách khá xa… rồi quên luôn cả sự quá cẩn thận của mình! Hú vía!

Nguyễn Chí Trung từng sống chung với tôi từ thời chống Pháp, thuở đó anh làm văn nghệ, tôi làm báo.

Đó là một con người hết sức đặc biệt, hình như trong xã hội ta bây giờ không còn tìm đâu ra. Le dernier des Mohicans[*], người cuối cùng sót lại của một bộ lạc nay đã tuyệt diệt.

Trung lớn hơn tôi vài ba tuổi thôi, nhưng anh “tham gia” trước tôi nhiều, đã là một cán bộ đàng hoàng, có uy tín, xông xáo… trong khi cái loại học sinh nhập ngũ kiểu Ngọc Anh và tôi vẫn còn lang thang chơi bời.

Và cũng lạ, con người hết sức bolchevik ấy lại vốn xuất thân là một chàng thiếu niên… bất đắc chí. Hay nói chung tất cả người bolchevik đều xuất thân như thế nhỉ? Bố anh ngày xưa làm thư ký sở đường, tức là một thứ xí nghiệp đường mía tư nhân của chủ Tây ở Đồng Bò, Phú Yên. Ông bị sạt nghiệp, hình như là vì chơi bời cờ bạc, rồi chết sớm. Gia đình tan nát, ly tán. Anh phải ra Vinh, làm con nuôi ông bác ruột là công chức cao cấp thời Tây. Cái cảnh một đứa cháu nghèo ở nhà ông bác quan to rất giàu sang, nửa là cháu, nửa là đứa ở giúp việc vặt trong nhà. Anh kể, đất Nghệ An, mùa gió Lào, nóng như lửa đốt. Đêm anh phải ngồi bệt dưới đất kéo cái quạt gồm hai mảnh vải lớn, cho kỳ đến khi ông bà bác đã ngủ say mới được đi lấy sách vở mà học. Có khi kéo quạt mỏi quá, phải buộc dây vào ngón chân cái mà kéo… Thông minh, rất sớm hiểu đời, sớm bất bình, bất mãn, hận đời, 14-15 tuổi gì đó anh bỏ nhà ông bác ra đi, lang thang một mình vào tận Huế. Đấy là thời 1944 đầu 45, thời loạn lạc, thời người ta chết đói lăn lóc hàng triệu người. Thời chuyển động dữ dội của cái xã hội, cái đất nước điêu đứng, khốn cùng này. Thời âm ỉ oi bức đến cùng cực trước cơn bão lớn. Đi đâu? Kiếm sống bằng cách gì bây giờ? Và nhất là, tìm một con đường nào đây cho cuộc đời mình?

Chiến tranh thế giới đang rúng động đến cả cái đất nước nhỏ bé xa lắc xa lơ này. Đế quốc Nhật Bản đang vùng vẫy cơn vùng vẫy cuối cùng. Bọn Nhật thiếu quân ráo riết mộ cả lính người bản xứ, gọi là “lính áo vàng”. Suýt nữa thì Trung đã vào lính Nhật. Hình như anh đã từng đến sắp hàng trước một cái bàn mộ lính của bọn Nhật nào đó bên bờ sông Hương. Không được nhận, chắc chỉ vì vóc người còm cõi nhỏ bé quá…

May thay, giữa những ngày quẫn chí cùng cực ấy, cậu bé lang thang tứ cố vô thân gặp… Việt Minh. Một anh thường vụ của tỉnh ủy bí mật Quảng Nam rất đặc sắc tên là Nguyễn Sắc Kim. Và Trung trở thành… người cộng sản. Ít nhất đó là cái tiểu sử chính trị tôi được nghe anh kể trong mục ôn nghèo nhớ khổ thời chỉnh huấn 1952 ở Khu 5.

Bước ngoặt đột ngột ấy quyết định cả cuộc đời anh, toàn bộ tính cách anh sau này.

Kháng chiến, anh lao vào mặt trận Nam Trung Bộ, lăn lóc từ những ngày bể mặt trận Nha Trang, những ngày tan tác điêu đứng rút lui từ Nha Trang ra Đèo Cả, ra Phú Yên. Làm đủ thứ công việc của những ngày say mê và hỗn loạn ấy: làm lính, làm chính trị viên, làm thư ký cho ông Lê Duẩn bấy giờ là chính trị viên đại đoàn gì đó, làm báo cùng ông Trần Mai Ninh, vào Đảng rất sớm.

Làm việc gì cũng giỏi, say mê, cuồng nhiệt, cực kỳ dũng cảm, xông xáo. Rất kiêu căng và hiếu thắng, cái kiêu căng và hiếu thắng giấu kín, thực ra thì cũng không kín lắm đâu, dưới một vẻ bề ngoài lầm lũi. Thông minh, sắc sảo, quá sắc sảo với một người ở tuổi ấy, 17-18 gì đó, khiêm tốn một cách giả vờ. Hết sức giản dị, trong sạch, không có cái gì cho riêng mình cả – trừ một lòng tự ái ghê gớm, cực đoan hết sức trong cái tốt, trong sự hy sinh tất cả; hết lòng vì mọi người, nhưng cũng rất khinh người…

Ngày chúng tôi mới tò te về làm lính, làm báo ở phòng chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Trung đã là bậc đàn anh, một kiểu người phụ trách của tất cả lũ lau nhau chân ướt chân ráo chúng tôi. Tôi nhớ ngày ấy, đâu khoảng 1948-49 Trung đã viết một cái bút ký khá hay, tên là Hiềm, rất tiếc bây giờ qua hai cuộc chiến tranh, tôi đã thử lục tất cả các thư viện lưu trữ, không còn tìm đâu ra. Hiềm là tên một ngọn núi cô độc chân phía Bắc Đèo Cả, nơi chúng ta sau vô số trận huyết chiến, cuối cùng kìm được chân bọn Pháp đang ồ ạt đánh tràn từ Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Giã ra. Từ đó, suốt 9 năm kháng chiến, Hiềm trở thành điểm ranh giới giữa vùng địch chiếm và vùng tự do của ta chạy dài từ Phú Yên ra tới Nam Quảng Nam. Nguyễn Chí Trung nói: Hiềm tức là “hiềm thù”. Tử thù. Thù muôn đời. Tôi vẫn nghĩ cái bút ký đầu tiên viết rất sớm ấy khá tiêu biểu cho toàn bộ thái độ của anh đối với chiến tranh, đối với cả mọi cuộc đấu tranh xã hội mãi về sau này, cho đến tận cuối đời, vẫn còn sót lại rất sâu cái chất “hiềm” không thể nguôi ấy. Cũng là rất tiêu biểu cách viết Nguyễn Chí Trung, văn dĩ tải đạo, đạo chính trị, văn chương trau chuốt để nuôi và giấu một ý đồ chính trị đinh ninh.

Đấy là một con người cực kỳ mâu thuẫn về mọi mặt. Hết sức điềm tĩnh sáng suốt trong những tình huống hiểm nghèo nhất, nhưng cũng hết sức cực đoan trong những suy nghĩ, quyết định đột ngột, đến chừng liều lĩnh, vô cùng vị tha và vô cùng ích kỷ, rất kiêu ngạo và rất khiêm nhường, rất thực tế (tôi ít thấy ai có sự hiểu biết thực tế chiến tranh sâu sắc bằng anh, kể cả các vị tướng nổi tiếng), vô cùng tỉ mỉ, khôn ngoan, chu đáo trong tổ chức chẳng hạn một trận đánh khó khăn, nhưng lại vô cùng xa thực tế trong ứng xử thông thường hằng ngày, nhân hậu đến mực mà cũng sát phạt rất nhiều khi đến quá đáng… Trung yêu mọi người, trân trọng con người, lắm khi đến ngây thơ, nhưng lại rất khó sống gần anh. Sống, làm việc cùng anh đôi ba bữa, là “nổ” ngay. Anh làm mất lòng mọi người…

Anh em thường bảo: Chỉ có thằng Ngọc mới sống được với thằng Trung. Không biết sao, rất lạ, Trung “nể” tôi…

Có lẽ chỉ vì tôi hiểu và yêu anh, tôi yêu cái khối mâu thuẫn như một núi lửa suốt đời trong anh.

Gia đình tôi cũng rất quý Trung. Vợ tôi, im lặng, coi Trung như người anh ruột thịt. Con gái tôi vốn là con bé rất khó tính và hết sức kém bặt thiệp, chỉ quý nhất “cậu Trung” trong tất cả bạn bè của tôi. Mỗi lần Trung ghé qua nhà mấy đứa em gái tôi ở Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi, cả nhà mừng như chính tôi trở về…

Tập kết ra Bắc, Trung bỏ văn nghệ, đi làm chính trị viên đại đội trợ chiến của tiểu đoàn 1 sư đoàn 305. Làm việc gì cũng phải nhất. Đại đội, tiểu đoàn anh nổi tiếng khắp nước một thời trong phong trào thi đua huấn luyện. Trung có mặt trong đội tuyển thủ bắn súng ngắn toàn quân…

Khoảng cuối 1961, người ta quyết định đưa một số anh em viết văn vào Nam, nhưng chưa đưa “chủ lực” đi ngay, chỉ cho một số “nghiệp dư” đi trước. Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam … được chọn từ các sư đoàn lên, đưa về tạp chí Văn nghệ quân đội và báo Quân đội nhân dân để các “bậc đàn anh chuyên nghiệp” chúng tôi “tập huấn nghiệp vụ” cho một thời gian trước khi lên đường. Chẳng còn nhớ được chúng tôi đã “tập huấn” lăng nhăng những gì cho họ hồi ấy!

Khi tôi vào đến Khu 5, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam đã phát được mỗi người một cái rẫy của mình. Người ta cử tôi làm trưởng ban văn nghệ, Nguyễn Chí Trung làm bí thư chi bộ.

Thu Bồn là giáo viên văn hóa ở đại đội, Phan Đình Côn xuất thân từ lính pháo binh. Thời ấy lính pháo binh là lính có văn hóa nhất, ít ra cũng tốt nghiệp phổ thông trung học. Phan Đình Côn rất thông minh, thời làm lính pháo anh đã một mình mò mẫm chế tạo được cái thước bắn pháo binh rất tiện lợi, đỡ được mọi tính toán phức tạp để xác định rất nhanh tọa độ khi nổ súng. Anh được thưởng huân chương chiến công vì sáng chế ấy. Côn làm thơ. Thơ anh không bay bổng tràn trề như Thu Bồn, anh ôn tồn, kiệm lời, cô đọng. Côn hy sinh giữa 1965 trong trận đánh đồn Minh Long, cạnh Ba Tơ. Không phải ai cũng nhất thiết phải hy sinh thật anh hùng, trong một đợt xung phong lẫm liệt. Côn hy sinh vì người đi sát ngay trước anh có thói quen lúc nào cũng cầm cây gậy trong tay, vô tình chọc phải một quả mìn gài sát mép đường, khi đồn giặc đã hạ xong đâu đấy rồi!

Chiến tranh là vậy.

Tôi vẫn đinh ninh, còn sống, Côn sẽ là một nhà thơ không xoàng đâu. Côn cũng là kiểu người sống hết mình, rất luộm thuộm trong sinh hoạt hằng ngày, rất chu đáo với bạn bè. Bao nhiêu con người tốt đẹp chúng ta đã mất trong cuộc chiến!

Thu Bồn thì ào ạt, sống, viết, làm việc đều cực phóng túng, viết cứ như là thác lũ, lại hết sức tháo vát, khéo tay trong mọi việc.

Thu Bồn là một người… hơi quá nhiều tài, và anh phung phí, vung vãi nó khắp nơi. Anh để cho nó chảy ra tràn trề, lai láng, không kịp đọng lại, cô lại. Điều đó đối với một nhà thơ đã có thể hơi nguy hiểm, càng nguy hiểm hơn khi anh ta viết tiểu thuyết. Các tiểu thuyết của Thu Bồn đều cứ như trường ca.

Ngay trong đời sống hằng ngày ở rừng, Thu Bồn có thể làm những kỳ công khó tin. Ở Ban Văn nghệ quân khu chúng tôi, anh em thường chia nhau đi xuống các chiến trường, chỉ để một người ở nhà trông nhà và giữ rẫy. Có lần đến lượt Thu Bồn phải ở nhà. Thế là một mình, chỉ với một cây rựa, hoàn toàn không có ai giúp dù chỉ một tay, anh dựng một căn nhà cho cả cơ quan, mà là nhà hai tầng hẳn hoi, tất cả bằng cây rừng tất nhiên, mái cong rất điệu, có cả cửa sổ tròn uốn bằng mây song, bàn ghế toàn những khúc rễ cổ thụ hình dạng kỳ quái – một cái “vọng nguyệt lâu” như anh bảo. Nhà dựng công phu, ở được dăm bữa nửa tháng, địa điểm bị lộ, lại bỏ dời đi nơi khác, lại một mình dựng cái “vọng nguyệt lâu” khác, công phu hơn, đẹp hơn.

Anh đi săn cũng tài. Về mặt này anh chỉ thua một người: cậu Hiên, người Cơ Tu, công vụ của cơ quan chúng tôi. Hiên là một tay thiện xạ bẩm sinh. Anh ta xách súng đi săn một mình, không bao giờ cho người khác đi theo và bao giờ cũng đi chân đất, không giày dép gì hết: chỉ có bàn chân trần nhạy cảm mới có thể “nghe” được từng động tĩnh nhỏ âm vang mơ hồ đâu đó trong lòng đất do một con thú thảng thốt vừa chạy qua cách xa hàng trăm thước. Hiên có thể đứng bên này sông chỉ nghe tiếng động khẽ sột soạt trong đám sậy bên kia sông nhanh như chớp giương súng nổ một phát đúng ngay vào giữa trán con thú bên kia. Những ngày mưa lâm thâm, Hiên lặng lẽ xách súng một mình đi vào rừng, tìm đến tận ổ heo rừng mà bắn: những ngày mưa ấy heo rừng chỉ ngủ trong ổ, tận rừng sâu. Tính cách anh chàng thiện xạ này cũng rất độc đáo: anh xách súng ra đi từ sáng, thường rất đột ngột, hình như từ linh tính nào đó. Chúng tôi nóng lòng chờ suốt ngày. Sẩm tối mới về, lầm lì chẳng nói một lời, treo súng lên cột, ra vòi nước đầu nhà tắm rửa cẩn thận, lại lầm lì vào bếp moi cơm nguội ra ăn, chẳng nói chẳng rằng, ăn xong tự đun lấy một nồi nước chè tươi đặc sánh, chắt ra cái bát ô-tô to tướng, chậm rãi chiêu từng ngụm. Vẫn chẳng nói chẳng rằng gì hết, trong khi chúng tôi biết tính anh ta rồi, cứ im lặng chờ… Uống hết sạch nồi nước, đến giọt cuối cùng, bây giờ Hiên mới thong thả đứng lên, nói một câu nhát gừng:

– Thủ trưởng, cho tám người.

– Làm gì?

– Đi khiêng heo rừng.

– Ở đâu?

– Hai tiếng.

Thế là anh em chúng tôi reo hò ầm ĩ, kẻ chặt đòn khiêng, người cuống quít chạy bứt dây rừng, tám người ào ào đốt đuốc kéo đi trong đêm. Bốn tiếng đồng hồ sau, khiêng về một con heo rừng to nặng đến nỗi tám người oằn vai, ê ẩm hàng tuần chưa hết…

Cậu Hiên công vụ quý vô cùng của chúng tôi ngày ấy là thế. Bao nhiêu cơ quan khác nằng nặc xin, kể cả chỗ Bộ Chỉ huy của anh Đôn ra lệnh, chúng tôi cũng nhất định không chịu nhường. Hiên tỏ vẻ khinh thường ra mặt cái công việc vô tích sự anh em chúng tôi cặm cụi làm đêm đêm: viết văn. Hiên không biết chữ. Nhưng hình như anh ta còn để mắt đến thơ đôi chút chứ văn xuôi thì khinh bỉ hết sức. Theo anh, cái loại anh chàng văn xuôi, như tôi chẳng hạn, chỉ được mỗi một việc suốt đêm ngồi bôi bẩn hết trang giấy trắng này đến trang khác kín kìn kịt những ngoằn ngoèo vô nghĩa. Thơ thì còn có thể tha thứ được đôi chút, anh thích ngắm những dòng uốn éo sáu tám cân đối nhịp nhàng trên mặt giấy. Tai hại cho chúng tôi: tôi là thủ trưởng, Nguyễn Chí Trung là bí thư chi bộ, đều viết văn xuôi. Thu Bồn và Phan Đình Côn được Hiên coi trọng hơn, họ làm thơ…

Cuối cùng chúng tôi vẫn không giữ được Hiên: anh nằng nặc đòi ra đơn vị chiến đấu. Hiên hy sinh cuối năm 1966. Một chuyên gia bậc nhất của rừng.

Hiên đi rồi, thì Thu Bồn thành tay thiện xạ số một của chúng tôi. Phải nói những ngày đói khổ nhất, chúng tôi còn có sức sống, làm việc được, phần rất lớn là nhờ có Thu Bồn. Tính trung bình, hồi ấy, khoảng năm bảy ngày cái cơ quan lơ thơ không đủ mươi anh em chúng tôi được chén gọn một con dộc, bây giờ thấy gọi là con voọc, một loại vượn trắng, rất béo, thịt ngon tuyệt. Bắn dộc không khó, đấy là loại thú rất hiền và dại đến tội nghiệp, hễ nghe động là nó vơ lá chung quanh che kín mình, ngồi ngay trên cành cây mà núp. Thấy yên yên một lúc là ló ra, và bị bắn gục. Các con còn lại lại quấn lá núp, rồi lại lộ ra khi tưởng đã yên… Cứ thế bị hạ hàng loạt. Khỉ thì khôn và ranh hơn nhiều. Có hôm chúng tôi đang làm rẫy, có năm anh em. Bọn khỉ kéo ra phá lúa. Tôi bảo Thu Bồn về lấy súng. Thu Bồn rất kinh nghiệm và cẩn thận, anh lén bò dưới lúa. Vậy mà vẫn không qua mắt được bọn khỉ, hóa ra có một con ngồi trên cây cao nhất theo rõi canh gác chúng tôi. Nó nhìn đi nhìn lại, nhận ra lúc nãy có năm nguời, bây giờ chỉ còn bốn, thế là lập tức réo lên the thé báo động, bọn khỉ mấy chục con đang phá lúa ào ào bỏ chạy, khỉ bỏ chạy không bao giờ chuyền trên cây, chúng nhảy xuống đất mà chạy, luồn giữa cây rừng rậm rịt, Thu Bồn đã hạ hàng chục con dộc nhưng khỉ thì không hề được con nào…

Bây giờ mà giết dộc như ngày ấy thì tất cả chúng tôi ắt đều bị truy tố và ở tù mọt xương, nhưng ngày ấy thì chẳng đặng đừng. Chỉ phải cái nó… giống người quá. Làm thịt, phải treo lên mà lột da, trông hệt như một kẻ thắt cổ tự vẫn! Có lần anh Đoàn Khuê mới từ miền Bắc vào làm phó chính ủy quân khu, ghé lại “vọng nguyệt lâu” của chúng tôi, chúng tôi chiêu đãi anh một tiệc thịt dộc. Anh không ăn được, bảo người văn minh ăn thịt người thượng cổ! Bùi Tín, bấy giờ là phái viên của Bộ Tổng đi trong đoàn kiểm tra chiến trường, cũng có tạt qua chỗ chúng tôi. Chúng tôi đãi anh một món thật sang: óc khỉ chưng cách thủy. Tôi hỏi Bùi Tín: Ông là con thượng thư, đã từng được nếm món này chưa? Bùi Tín thú nhận chưa bao giờ!

Tính khí ào ạt của anh chàng thiện xạ Thu Bồn bộc lộ rõ ngay trong chuyện săn bắn. Hôm nào hạ được mồi, về cách nhà vài cây số, anh đã hú vang cả rừng. Có hôm anh hạ được liền năm con dộc. Nghe tiếng hú, chúng tôi ùa ra đón. Mỗi đứa cõng về xác một con dộc trên lưng, máu me ròng ròng từ vai xuống đến chân. Chính những ngày đó Thu Bồn viết Trường ca chim Chơ-rao. Trong thơ cũng vậy, anh hú vang cả rừng.

Còn tôi vẫn chưa viết được gì. Cặm cụi làm rẫy, cõng gạo, cõng muối, chạy càn, làm nhà… và “tồn tại”.

Những ngày ấy chúng tôi sống như vậy. Gian khổ, đói khát, căng thẳng, hiểm nguy… Tất nhiên. Nhưng cũng hồ hởi, nhiều lúc rất no đủ, thịt dộc ê hề, có cả thịt voi nữa, để rồi tôi sẽ có dịp kể cùng các bạn…, no dồn rồi đói dập, … và rất thương yêu, đùm bọc nhau. Tôi có cái bệnh đêm nào cũng nằm mơ. Mà thật lạ, trong tất cả các giấc mơ chỉ thấy có ba thứ: được ăn một bữa tiệc thật ngon; được lang thang trong hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền, Hà Nội, bao nhiêu là sách Tây tôi dốc hết túi mua hàng đống; và mơ thấy các cô gái Hà Nội, rất Hà Nội, không nơi nào còn. Không bao giờ trong mơ thấy cảnh gian khổ chiến trường.

Sống Hà Nội, miền Bắc ban đêm, trong tiềm thức xa lắc nào đó. Sống miền Nam ban ngày. Với một khát vọng ghê gớm: đồng bằng.

Phải nói để các bạn biết ngày ấy đồng bằng đối với chúng tôi là thế nào.

Rừng núi, ta có rồi. Dần dần đứng chân đã vững trên rừng núi. Rừng núi mênh mông, nhưng chật chội. Là “u tì quốc”, chữ của Xuân Diệu hồi kháng chiến chống Pháp. Tôi nhớ câu thơ của Nguyễn Khắc Thiền, cũng hồi chống Pháp:

Buồn quá đi thôi núi vi quanh

Suốt ngày trâng tráo một màu xanh…

Phải thoát ra khỏi rừng núi. Phải vươn xuống đồng bằng. Phải “mở ra” đồng bằng. Giải phóng đồng bằng! Có đồng bằng mới có gạo, mới có muối. Và điều quan trọng sinh tử: mới có dân.

Đồng bằng là tất cả, đối với chúng tôi, ngày ấy. Là “phía trước”. Là khát vọng lớn nhất. Là tương lai.


[*] Người cuối cùng của bô lạc Mohican.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây