Hồi ký Đồng Bằng của nhà văn Nguyên Ngọc (Kỳ 3)

Văn Việt

Nguyên Ngọc

30-7-2020

Giữa năm 1964 tôi quyết định đi Bình Định, đổi sang một chiến trường mới xem sao. Cũng là nhân dịp có một chiến dịch nhỏ ở đấy.

Quân khu 5 lần đầu tiên nhận được súng B41 có thể bắn chảy thép xe tăng, quyết định đánh tăng một trận ra trò ở Đèo Nhông, mạn Trung Bình Định. Tôi không đi trận ấy mà theo lời rủ rê của anh Tín – phó bí thư tỉnh, quyết định đi Vùng Đông. Anh Tín về sau có lên làm bí thư Lâm Đồng, là người đã nhận Bùi Minh Quốc về Đà Lạt, sau đó anh lại trở về làm bí thư Bình Định.

“Vùng Đông” là tên gọi vùng đất lịch sử trù phú của tỉnh, nằm về phía Đông quốc lộ 1, chính là Đồ Bàn xưa, nay gồm một phần huyện Phù Cát và huyện Tuy Phước. Phía Phù Cát có Núi Bà với rất nhiều hang đá hiểm trở, là một thứ căn cứ tiến lui của cả vùng, phía Tuy Phước thì có chợ Gò Bồi nổi danh và xứ đạo Lòng Sông lâu đời, cùng đầm Thị Nại nổi tiếng, cứ đến kỳ cua lột mang thúng ra đấy mà tha hồ hốt bắt bằng tay không. Tuy Phước có cả một vùng đặc biệt gồm ba bốn xã sáu tháng khô sáu tháng ngập nước, nhà này muốn sang nhà khác phải chống một loại thuyền nhỏ gọi là sõng. Đã ở đây thì nhất thiết phải học chống sõng, không thạo cách chống thì chiếc sõng cứ quay vòng một chỗ không chịu nhích tới, đến khốn. Nhưng ngại nhất là đánh nhau ở đây vào mùa nước, nhỡ bị thương thì chắc chết vì nhiễm trùng nước bẩn.

Vùng Đông là vùng tranh chấp ác liệt vì là cửa ngõ của cảng Quy Nhơn, còn Quy Nhơn lại là cửa ngõ quốc lộ chiến lược 19 thông lên Tây Nguyên. Đứng ở Vùng Đông là đứng ở tiền tuyến của tỉnh, đứng ở đây chúng tôi làm đủ thứ việc: tổ chức những mũi biệt động đánh vào Quy Nhơn, tổ chức các đoàn đấu tranh chính trị hàng vạn người mỗi lần, toàn chống sõng, đổ vào quấy phá Quy Nhơn…

Vùng Đông, ngoài mấy xã nước nổi quanh đầm Thị Nại, còn một mảng tử địa hơn nữa: một số xóm dân chài nằm sát mép biển, khi triều lên sóng vỗ tận chân thềm. Có hai xóm như vậy, tên là Hưng Lương và Xương Lý cách nhau vài ba trăm mét, họp thành xã Phước Lý. Rất cần người đứng ở đó, nhưng ai cũng ngại. Cực kỳ nguy hiểm. Từ Thị Nại, muốn xuống Phước Lý phải băng qua một dãy cồn cát trắng mênh mông, trống hoang, chiều dài vài chục cây số, bề ngang 5-6 cây số. Đi ban ngày, trực thăng “gắp” như chơi. Còn đứng ở Phước Lý, địch đổ quân trên cồn cát đánh ra, chỉ còn một đường thoát duy nhất: đâm đầu xuống biển!

Tôi “đứng” ở Phước Lý ba tháng.

Không thể tả được Phước Lý đẹp đến chừng nào. Phải hội họa kia. Hay là âm nhạc, may chăng. Vẫn thói liều lĩnh, tôi xuống Phước Lý lần nào cũng đi ban ngày, không thèm đi ban đêm (tất nhiên phải cải trang làm “nậu rỗi” đi bán cá). Lội trong cát nhừ chân hàng giờ, cuối cùng leo lên đỉnh một cồn cát cao nhất, bỗng đột ngột trước mắt là một cảnh tượng không thể tin có thật trên cõi đời này. Một bức tranh sơn mài khổng lồ, hoàn chỉnh, rực rỡ: biển tím ngắt, tím đến đặc sánh, cát trắng đến lóa mắt và mịn như nhung, giữa Xương Lý và Hưng Lương một hòn núi nhỏ, Hòn Sẹo, đỏ rực, sần sùi, như ai vừa phóng tay quệt lên đó một nhát cọ rất bừa, rất ẩu, rất tài hoa. Trời thì vàng óng, sao lạ thế nhỉ? Mấy chục căn nhà như chồng chất lên nhau, lô nhô, hình như của Gauguin hay Van Gogh thì phải, dăm bảy cánh buồm trắng tận ngoài khơi xa. Và lạ nhất: trên đỉnh Hòn Sẹo, mắt tôi ngày ấy còn tinh lắm, tôi nhận ra rất rõ một tà áo trắng bé tí. Đấy là một cô du kích đứng canh biển cho làng. Tàu địch lấp ló đâu đó, lập tức có tiếng kẻng báo động của cô…

Sau này trong một truyện ngắn nhỏ, tôi có viết về một người con gái trên đỉnh Hòn Sẹo canh biển cho làng và ngóng ra khơi xa chờ một cánh buồm của người yêu. Tôi gọi cô là Chiện. Một con chim chiền chiện của làng biển, tuy làng ở đây chẳng hề có một cái cây nào cho chim đậu. Chỉ có loài hải âu cánh trắng, không ai biết chúng đỗ ở đâu.

Ở Phước Lý tôi được các mẹ, các chị, các em nữa nuôi béo như chim cúc cu. Chả là ngày ấy chẳng anh cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện nào dám về đứng Phước Lý lâu. Thường chỉ xuất hiện lúc đã sẫm tối, mít-tinh, hội họp, chỉ thị vội vội vàng vàng…, sáng ra, biến mất. Còn tôi, tôi nằm lỳ Phước Lý. Mà nghe đâu tôi là loại cán bộ to hơn nhiều, tận trên quân khu về kia! Bà con cho tôi là anh chàng biết bám dân, dũng cảm chịu chơi.

Các bà còn nhất quyết bắt tôi làm rể Phước Lý, chẳng cần biết tôi đã vợ con gì chưa. Hỏi:

– Ưng không?

Tôi chỉ ầm ừ.

Không ngờ các bà hiểu: im lặng tức là đồng ý. Họ âm mưu ngầm với nhau, tôi mơ hồ đánh hơi.

Một hôm tôi đang ngồi bàn bạc gì đó với đám du kích, bỗng thấy chị Ngũ và chị Công, hai cán bộ xã, dẫn đến một cô gái khoảng mười bảy, mười tám. Hình như đã có tín hiệu trước, số du kích và cả hai chị Ngũ, Công lặng lẽ rút lui hết. Chỉ còn hai chúng tôi.

Con gái vùng biển thật đẹp. Gọn gàng, nở nang, săn chắc, mặn mà. Tóc vàng hoe vì nắng gió. Giấu sau vẻ hơi cục mịch bên ngoài là một sự dịu dàng và nhẫn nại vô biên. Nhẫn nại của những người vợ chờ chồng đi đánh cá tận khơi xa ngoài biển lớn, chuyến đi nào cũng có thể là chuyến cuối cùng. Cô gái “của tôi” đây cũng vậy. Cặp má đỏ au ngon lành. Thân hình ngồn ngộn sự sống, khỏe mạnh mà mơn mởn.

Tôi lúng túng hỏi dăm ba câu chuyện công tác gì đó, rất vớ vẩn.

Cô bảo:

– Thôi, chuyện công tác để khi khác. Chị Ngũ dặn em…

Tôi hoàn toàn bị giáng một vố bất ngờ. Tôi bỗng nói, khách sáo một cách hết sức vô duyên:

– Em biết đấy, anh là cái loại lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó, chẳng biết chắc bay đi đâu, đỗ ở đâu. Về Phước Lý lần này, chắc chi suốt đời còn có lần trở lại… Lính tráng mà, biết sống chết thế nào… Vội gì tính chuyện nghiêm trang…

Cô quay lại nhìn tôi, đôi mắt mở tròn, vùng đứng dậy, giọng bỗng rất sẵng:

– Vậy mà… Anh cũng nhiễm cái thói đàn ông dân biển này rồi đó. Tính tình như cái bọt nước, chưa kịp vô tới bờ đã tan.

Cô đùng đùng bỏ đi.

Trong những cuộc họp du kích sau đó – cô cũng là du kích xã, nhiều lần từng đột nhập nội thành Quy Nhơn hoạt động biệt động – tôi để ý thấy cô thường ngồi trong một góc tối, im lặng nhìn tôi, hơi cười, không biết cái cười mỉa mai, giận hờn, hay thương hại. Tôi vừa diễn thuyết hùng hồn, vừa nghĩ thầm: Thật đáng kiếp cho cái thằng tôi. Hèn!

Chỉ một tuần sau đó, xảy ra một vụ suýt toi mạng.

Nguyên là đám chính quyền ở Quy Nhơn báo cáo láo với cố vấn Mỹ: toàn vùng quanh thị xã, trong bán kính 30 cây số, đã được bình định xong hết, tuyệt đối an toàn. Ba tay Mỹ, hình như của cơ quan viện trợ USAID, hai người lớn và một cậu bé khoảng mười lăm, mười sáu, thong dong tổ chức đi picnic bằng xuồng máy bo-bo lên tận Hội Lộc, đầm Thị Nại, gần chỗ chúng tôi. Du kích về báo cáo:

– Có ba tên thám báo Mỹ mò lên. Đánh được không?

– Sao mà biết là thám báo? – Tôi hỏi.

– Toàn mặc thường phục, lại có bộ đàm, mỗi đứa một cái, đi tới đâu báo cáo líu lô tới đó. Cho đánh đi anh. Ngon ơ!

– Sao biết máy bộ đàm, tả coi.

– Có tay cầm, có cần ăng-ten, kéo ra rút vào.

– Ừ, thì đánh!

Anh em “xơi tái” hết cả ba, vùi xác trên động cát, cướp được chiếc bo-bo. Và hí hửng mang ba cái “máy bộ đàm” về cho tôi. Thì ra đó là ba cái cần câu, loại “hiện đại” có thể thu ngắn lại kéo dài ra như cái ăng-ten radio. Chúng chỉ đi câu, thế thôi!

Tôi có ân hận, nhưng rồi cũng gạt đi: Chiến tranh! Mà bà con ta cũng bao nhiêu người chết oan, ai tính xuể?

Không ngờ việc ba tay Mỹ USAID mất tích thành chuyện to đối với chính quyền Quy Nhơn. Mấy ngày liền máy bay trinh sát quần đảo khắp vùng: chúng đi tìm. Đến ngày thứ tư, khoảng một giờ chiều, tôi đang ngồi bàn chuyện gì đó với mấy anh cán bộ xã thì nghe tiếng trực thăng. Tôi đã có kinh nghiệm: rõ ràng trực thăng bầy.

Tôi chỉ kịp hô:

– Chúng nó đổ quân đấy. Chuẩn bị chiến đấu!…

Thì bốn mươi chiếc trực thăng loại “sâu róm” đã ào đến, súng đã nổ, ba đại đội quân Sài Gòn đã đổ xuống trên cồn cát sau lưng, triển khai vây chặt hai xóm chài chúng tôi.

Tôi hô “Chuẩn bị chiến đấu”, nhưng tự tôi cũng biết, chiến đấu thế quái nào nổi. Chúng tôi chỉ có một nhúm du kích, mấy khẩu súng quèn, tối tân nhất là hai khẩu cac-bin, chưa có AK. Lại ở thế tử địa. Hội ý một chút, chủ trương cho du kích giấu súng, cải trang làm dân chài, ra hợp pháp. Riêng còn tôi, trắng trẻo thư sinh thế này, chúng chộp đầu ngay. Làm thế nào? Tôi đốt hết giấy tờ, chỉ còn khẩu súng ngắn P.38 giắt lưng, và quyết định lui lên căn nhà cuối xóm, ở chỗ có vị trí cao nhất. Phen này chết là cái chắc rồi. Con người rất lạ. Lúc ấy chẳng hề nhớ, tiếc gì cả. Và không hiểu sao, chắc chết, nhưng vẫn tin sẽ sống, sẽ thoát. Thậm chí còn nghĩ vài bữa nữa lên gặp ông Tín sẽ bàn cuộc đấu tranh chính trị tới vào Quy Nhơn thế nào đây.

Các bà mẹ thì cứ ôm lấy tôi, sờ nắn khắp người, khóc:

– Con đi bao nhiêu năm, lành lặn đẹp đẽ thế này đây, mà lần này… con ơi!

Tôi bảo:

– Yên chí, má, chẳng sao đâu.

Bọn địch cũng tồi. Chúng chần chừ mãi, gần tiếng đồng hồ, để hai đại đội vây chặt vòng ngoài, chỉ một đại đội lò dò vào xóm. Bà con, chủ yếu là các mẹ và các cô gái ùa ra, kẻ níu người kéo, lôi từng tốp lính vào nhà, hối hả nấu nước chè, luộc cá thu tươi rói, cuốn bánh tráng ướt, nước mắm lọc trong veo lại ớt giã, ríu rít mời ăn… Các cô gái thì sấn vào, ôm chầm từng thằng lính, mặc cho chúng hôn hít sờ mó. Cả cô gái “của tôi” nữa…. Cứ thế, nằng nặc cầm chân, cố sức kéo dài, tay lính nào có vẻ muốn bỏ đi, lập tức một cô phốp pháp mặn mà nhất vừa ra vẻ hờn dỗi vừa bu riết níu lại ngay.

Tôi ngồi trong căn nhà chỗ cao nhất cuối xóm, vạch vách là dừa nhìn ra, thấy rõ hết, chứng kiến hết cái cảnh căng thẳng đau đớn ấy suốt bốn tiếng đồng hồ. Lòng chùng lại trong một nỗi đau khôn tả, thương yêu, căm giận, ân hận…, khẩu P.38 đã lên đạn siết chặt đến tê cả tay…

Cho đến tối sầm. Bọn lính cụm lại trong mấy nhà ngói đầu xóm, một số lui lên mấy đồi cát cao sau làng.

Một anh ngư dân dẫn tôi len lỏi theo các lối hẻm ngoằn ngoèo ra bến. Đã có một chiếc thuyền máy chờ sẵn ở đấy. Trác, bí thư chi bộ xã, chị Ngũ và tôi lên thuyền. Cố chèo thật nhẹ, ra cách bờ hơn cây số mới nổ máy chạy. Chúng tôi ra khơi. Ngoài khơi Phước Lý có mấy hòn đảo hoang, toàn đá. Chúng tôi đổ lên một hòn đảo. Ra ở đấy có cái hang đá rất sâu. Nghe nói thời Tự Đức sát hại người Công giáo, giáo dân từng trốn ra đây.

Chúng tôi trốn ở đảo hơn một tuần. Bọn lính vẫn lùng sục các xóm Phước Lý suốt thời gian đó, bắn chết hai anh bộ đội tiểu đoàn 50 chẳng biết đi đâu tình cờ tạt qua Phước Lý. Ở đảo, ngày Trác và tôi tìm chỗ thật khuất, ngồi câu cá. Vừa câu vừa canh chừng hải thuyền địch đi qua. Cá sống tươi rói cứ thế xé ra mà ăn. Tôi sực nhớ “Ông già biển cả” của Hemingway cũng từng ăn cá sống. Ngon ra phết. Đêm, dân làng giả đi đánh cá tạt qua vứt cho chúng tôi đủ thứ: nước ngọt đóng chai, mì “Ông Phật”, bánh khảo, cả rau tươi. Tôi được vỗ béo suốt tuần ấy, còn hơn trong đất liền nhiều.

Trác kể cho tôi nghe đủ chuyện về biển. Có hôm chẳng hiểu thế nào, anh hỏi xin tôi một đôi giày vải bộ đội. Tôi hứa khi nào về quân khu sẽ cố tìm gửi cho anh một đôi.

Tôi nghĩ, cảm động: Trác với tôi, sống chết có nhau bận này, chắc sẽ còn nhớ nhau suốt đời. Nghĩ đến cả ngày giải phóng, thế nào cũng đón Trác ra chơi Hà Nội một chuyến…

Sự đời, chẳng thể ngờ. Vài năm sau Trác được đề bạt phó bí thư thị ủy Quy Nhơn. Và đúng trận xuân Mậu Thân, anh ta ra hàng địch, trở thành một tên ác ôn khét tiếng, phá tan bao nhiêu cơ sở nội thành Quy Nhơn và quay về đánh Phước Lý hết sức độc địa.

Ngày giải phóng, tôi có về cố tìm lại Trác nhưng không gặp. Còn chị Ngũ bây giờ sống ở Quy Nhơn, đã về hưu, gặp lại chị nhắc mãi cái hồi cùng trốn trong hang ngoài đảo.

– Hú vía, anh hỉ! – Chị bảo.

Ngày tôi rời Phước Lý, cả làng tiễn lên tận nửa động cát.

Mấy tháng sau, một buổi đi cùng anh Tín qua chợ Gò Bồi cạnh đầm Thị Nại, chợt nghe có người gọi đúng tên tôi. Quay lại, thì ra cô gái Phước Lý “của tôi”. Cô đi chợ bán cá. Cô cho tôi một con cá thu dài gần sải tay. Tôi cầm con cá rồi, cô vẫn còn đứng đấy mãi, im lặng rất lâu.

– Anh có về Phước Lý nữa không? Bộ muốn đi luôn hả?

Cô cười.

Anh Tín bảo:

– Sao cậu quen “nậu rỗi” nhiều vậy. Muốn làm rể Phước Lý chắc? Dân nậu rỗi hỗn và liều nổi tiếng đó nghen.

Tôi bảo:

– Nhưng mà tôi không biết bơi.

Anh chê:

– Xoàng!

***

Đầu 1965 tôi rời vùng Đông, trở về khu căn cứ tỉnh Bình Định đóng ở vùng ven núi Cát Sơn, huyện Phù Cát. Ghé qua chỗ cơ quan tỉnh đội báo cáo tình hình, tình cờ gặp Hà Giao, bấy giờ làm cán bộ tuyên huấn tỉnh, thỉnh thoảng có đôi sáng tác gửi báo và tạp chí quân khu.

Giao bảo:

– Vừa mới có một đoàn cán bộ miền Bắc bổ sung vào cho tỉnh. Có một cô gái xinh lắm, tên là Tâm, nghe nói đại học hóa.

Chẳng hiểu sao tôi đoán ngay Tâm chính là Tĩnh, “em gái” tôi. Ngày ấy cán bộ đi Nam đều phải đổi tên. Chắc Tĩnh đã đổi tên Tâm. Đại học hóa thì chính là em rồi.

– Ở đâu? – Tôi hỏi.

– Ngoài trạm giao liên.

Tôi rủ Hà Giao, hai anh em bóp đèn pin, lội rừng suốt hai giờ, ra tận trạm giao liên tìm.

Đêm ấy ở trạm giao liên Cát Sơn có tổ chức biểu diễn văn công, người đông như hội. Tìm mãi không thấy.

– Hay là nó vào sau hậu trường xem người ta hóa trang.

Tôi sục vào đấy. Đúng ngay!

Vừa thoáng thấy tôi, Tâm chạy ùa ra, ôm chầm:

– Trời, sao bảo anh chết rồi mà!

Tôi cầm quyển vở gõ nhẹ lên đầu em:

– Anh là bất tử, biết chưa, chết thế nào được… Thôi, ta vào xem văn công đi.

– Em không xem nữa. Ra ngoài này đi anh.

Hai anh em kéo ra một góc sân, ở đấy có một cây dừa đổ, ngồi nói chuyện.

Tĩnh đi tập kết năm mới mười hai tuổi. Ngày ấy chúng tôi đi tuyển văn công, thấy cô bé nào coi được được thì cứ lôi bừa đi, ra Bắc sẽ huấn luyện. Cô bé Tĩnh, mười hai tuổi, dân xứ dừa Tam Quan trở thành văn công sư đoàn 324 tập kết như vậy. Ít lâu, thấy chẳng có năng khiếu nghệ thuật gì đặc biệt, sư đoàn cho “chuyển ngành” đi học trường miền Nam ở Hải Phòng. Nghỉ hè em thường về chỗ Văn nghệ Quân đội 4 Lý Nam Đế với tôi đôi ba bữa. Hoặc thỉnh thoảng tôi xuống Hải Phòng thăm, hai anh em đi lang thang ven bờ sông Lấp… Năm tháng đi qua. Chúng tôi thương quý nhau như ruột thịt. Cô bé có lần cắt amiđan viết thư báo cho tôi: “Anh ơi, em đã cắt cổ xong rồi!”…

Tháng 5-1962, sau một tháng tập trung huấn luyện ở sư đoàn 338 tại Xuân Mai, chúng tôi được về phép thăm Hà Nội một ngày. Một ngày cuối cùng chào từ biệt Hà Nội, cũng có thể là vĩnh biệt, trước khi lên đường vào chiến trường. Tôi đi lang thang khắp các phố, nhìn ngắm từng ngôi nhà, từng mặt người. Hà Nội của tôi, có còn bao giờ trở lại?

Tình cờ gặp Tĩnh ở ngã tư Cửa Nam. Đã là một cô gái dong dỏng cao, hai đuôi tóc dài, mắt hơi hiếng một chút lúc nhìn tôi đăm đăm. Sinh viên hóa năm thứ ba rồi. Em bảo:

– Em đi tìm mua cái kính, em bị cận thị, anh ạ… Anh đi đâu mất tăm mấy tháng nay?

– Anh sắp đi học xa đây.

Ngày ấy, nói vậy là hiểu: sắp đi chiến trường.

Tôi nắm tay em:

– Anh đi nhé.

Tĩnh bảo:

– Em cũng sẽ đi học xa đấy.

Cuộc chia tay chỉ có vậy.

4 giờ chiều xe đã đón chúng tôi trước Nhà hát Nhân dân. 12 giờ khuya đêm ấy lên đường…

Và bây giờ lại gặp nhau giữa chiến trường. Tôi nhớ đêm ấy máy bay “mô-hốc”, loại máy bay trinh sát dài, đen trùi trũi, bay rất nhiều, sà thấp, len cả vào các hẻm núi hẹp. Đó là loại máy bay chuẩn bị cho B52 vài ngày sau sẽ đến “làm ăn”.

Mặc kệ “mô-hóc”.

Hai anh em ngồi trên gốc dừa đổ, kể đủ thứ chuyện.

Tôi trách:

– Sao em để cho con Năm nó đi lấy chồng sớm thế?

Năm cũng là một cô bé tập kết theo kiểu như Tĩnh.

– Em ngăn thế nào được. Mà anh cứ lo lung tung, bộ anh coi bọn em còn con nít cả à… Năm nó tốt, anh đừng lo. Nông dân vậy mà rất dễ say đắm.

Lâu lắm, tôi mới hỏi được:

– Còn em?

– Em thì chưa có gì đâu.

Tôi nắm tay em, thương quý, giản dị, trong sáng như ngày xưa hai anh em nắm tay nhau đi dọc bờ sông Lấp…

Tối hôm ấy tôi ở lại trạm giao liên. Tĩnh – bây giờ đã là Tâm – cho tôi một quyển lịch tay mang từ Hà Nội vào.

– Thỉnh thoảng viết thư nhé.

– Nếu còn sống.

– Tất nhiên…

Chúng tôi treo võng ngủ, mỗi đứa một nhà. Sáng hôm sau, tôi trở về quân khu, tận Quảng Nam. Tĩnh ở lại Bình Định.

Đó là lần gặp nhau duy nhất ở chiến trường.

Cuối 1967, trong một hội nghị chuẩn bị xuân Mậu Thân, Lê Hoài Nam phóng viên báo Cờ Giải phóng Khu 5 vừa đi công tác Bình Định về, gọi tôi ra một góc rừng, thầm thì báo một tin sét đánh: Con Tâm bị địch bắt rồi! Bọn sư đoàn không vận Mỹ. Nghe nói nó bắn gãy chân rồi bắt.

Mấy ngày sau, chúng tôi lao xuống Quảng Đà. Tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Về sau, gặp anh em Bình Định ra khu họp, nhiều lần tôi dọ hỏi tin Tâm. Anh em bảo: nó cừ lắm. Nổi tiếng ở nhà lao Phú Tài. Nó vào tù, tự tổ chức chi bộ, bắt liên lạc ra với tỉnh ủy. Đã liên lạc được rồi…

Lần khác, dọ hỏi, lại nói:

– Có tin Tâm bị chúng nó thủ tiêu rồi!

Lá thư duy nhất Tâm gửi cho tôi – lá thư vẫn rất học trò, viết trên giấy pơ-luya hồng, lại cắt rìa đăng-ten lăn tăn –, tôi đánh mất cái hôm tôi và Bùi Minh Quốc bị bọn Nam Triều Tiên đuổi gấp quá, hai đứa chạy băng bừa qua một bãi mìn dày đặc của du kích ven sông La Thọ, Điện Bàn, chẳng hiểu sao không quả nào nổ. Chỉ đánh mất lá thư.

Hơn mười năm sau, sống với nhau rồi, Tâm hỏi:

– Sao đêm ở Cát Sơn, anh không tỏ gì với em cả? Sau đó em chờ thư, cũng chẳng thấy anh nói gì. Bụng dạ anh còn để đâu đâu, phải không?

Thật tình, ngày ấy tôi không thể nói gì với em thật. Chính trong tôi, đã có gì rõ ràng đâu. Một tình cảm thật đẹp, nhưng mơ hồ. Còn em thì đã quyết, tôi không ngờ.

Lúc ở tù, bảy năm ròng, Tâm có làm nhiều thơ. Về sau chị Ý Nhi có chọn in mấy bài trong một tập do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành. Thơ toàn nói về lòng kiên cường, chung thủy, với cách mạng, và với một tình yêu đơn phương.

Đọc thơ em, tôi mới biết rõ cái tội tày đình của tôi.

Tôi quen Ý Nhi cũng là từ đấy, hôm chị mang nhuận bút đến cho Tâm: 36 đồng 5 hào!

***

Vậy là tôi đã đi qua hai cuộc chiến tranh, gần như trọn vẹn. Đi qua một cách hơi… kỳ quặc, buồn cười. Trong lý lịch của tôi có một điểm không rõ ràng: trong cả hai cuộc chiến ấy – 30 năm, ít ỏi gì đâu – tôi là gì, chính thức “ở cương vị” nào?

Là phóng viên mặt trận, là nhà báo, nhà văn? Chẳng phải. Cho đến nay tôi chắc chắn chưa bao giờ là nhà báo, nhà văn “chuyên nghiệp”. Viết lách là việc làm tay trái, bất chợt, thi thoảng, và rất, rất ít. Anh Tô Hoài bảo ngày nào anh ấy cũng viết, như một người thợ mộc ngày nào cũng đục đẽo. Có lần ngồi cạnh anh trên chủ tịch đoàn hội nghị nhà văn toàn liên bang Xô-Viết, hình như ở Taskent thì phải, tôi thấy anh viết rất chăm chú. Tôi nghĩ: cái thứ hội nghị này, hình thức bỏ xừ, có cái quái gì mà ông ấy ghi chép chăm chỉ cẩn thận thế! Sau ghé mắt nhìn, hóa ra anh ấy viết… tiểu thuyết. Những quyển tiểu thuyết đẻ ra sòn sòn, in ra cũng sòn sòn như gà đẻ trứng. Cục tác, cục tác, … ra một quyển. Cục tác, cục tác, … lại ra một quyển nữa. Chính Tô Hoài nói vậy. “Mình là người lao động mà!”. Tôi phục anh.

Phần tôi, suốt hai cuộc chiến tranh ấy, ba mươi năm, cộng lại tất cả thì giờ thật sự ngồi viết có lẽ tròm trèm không quá một năm. Hăm tám, hăm chín năm còn lại, làm đủ thứ việc trời ơi, chẳng ai giao, chẳng có giấy tờ, quyết định chính thức nào cả. Toàn là việc giữa đường, đi qua thấy vậy, nhảy xổ vào tham gia một cách “bất hợp pháp”, một cách vô duyên. Thời Tây Nguyên hồi 9 năm đã vậy. Chuyện đi làm đội phó tiễu phỉ Đồng Văn -Hà Giang cũng vậy. Suốt thời chống Mỹ càng vậy.

Đi làm bí thư (hay phó bí thư) xã, hoàn toàn tùy tiện, vô nguyên tắc. Đi chỉ huy đấu tranh chính trị ở Phước Lý, Quy Nhơn, chẳng ai bảo. Hồi cuối 1972, có chuyến tôi đi theo anh Nam Khánh, bấy giờ là chủ nhiệm chính trị quân khu, trong đoàn chỉ đạo mặt trận Bắc Bình Định. Đánh nhau ở thung lũng An Lão, Hoài Ân mấy tháng, rồi đoàn rút về. Tôi ở lại. Đang lúc giằng co chuẩn bị ký Hiệp định Paris quân khu quyết định thành lập mặt trận cánh Nam Sa Huỳnh, Bắc Hoài Nhơn, do anh Nguyễn Chánh làm tư lệnh. Anh Chánh bảo tôi đi với anh. Thì đi! Bộ tư lệnh mặt trận nhỏ thôi. Phong làm tham mưu trưởng. Tôi được anh Chánh bảo làm một thứ công việc coi như là chủ nhiệm chính trị mặt trận. Đánh nhau dữ dội để giành và giữ cho kỳ được cửa biển Sa Huỳnh. Ác liệt ra trò. Có lần tôi thức liền mười ngày đêm không hề chợp mắt. Phong lăn ra ốm. Anh Chánh bảo tôi:

– Thôi, cậu thay thằng Phong luôn!

Ngày đánh nhau túi bụi. Hằng đêm phải điện báo cáo quân khu đủ thứ: quân số, vũ khí, diễn biến trong ngày, tọa độ chính xác từng đại đội, trung đội địch, phương án tác chiến ngày mai… Quân khu nhận được điện, anh Chu Huy Mân hỏi:

– Ơ, ai cử thằng Ngọc làm tham mưu trưởng bao giờ thế này?

Đúng vậy, trong chiến tranh, tôi chưa hề là nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp.

Nhưng là lính thực thụ, cũng không. Chẳng chính thức thuộc phiên hiệu đơn vị nào, chẳng chức tước chính thức gì. Tôi là một kẻ lang thang trong suốt chiều dài cuộc chiến. Còn về chiều sâu thì cũng ngâm mình được ít nhiều trong đó. Chiến tranh ngấm vào tôi, đến từng tế bào, niềm vui và nỗi buồn của nó (sau này Bảo Ninh gọi “Nỗi buồn chiến tranh”), hạnh phúc và đau khổ, thắng lợi và thất bại, anh hùng và hèn nhát, được và mất, sống và chết, ý nghĩa và vô nghĩa của nó, như chất acid cực nồng thẩm thấu vào cơ thể một người vừa cố tình, tự nguyện, vừa vô tình, ngẫu nhiên rơi vào dòng lũ điên cuồng của nó.

Tôi nhớ ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Chúng tôi cưới nhau khi tôi đã 43, Tâm đã 33 tuổi. Tôi biết suốt chín tháng mang thai, Tâm có một ám ảnh ghê gớm: cô ấy đã bị bao nhiêu trận chất độc hóa học, chất “màu da cam” Mỹ, có hôm máy bay Mỹ rải hóa học, Tâm bị ướt đẫm như tắm. Lại tù tội, tra tấn đủ kiểu. Tôi cũng chẳng hơn gì.

Hôm Tâm sinh, anh Vũ Cao đèo tôi bằng xe đạp vào bệnh viện 108. Người ta không cho vào phòng hộ sinh. Hai anh em trèo lên cửa sổ, gõ gõ vào cửa kính. Tâm bế cháu, đưa cao lên cho tôi nhìn thấy. Em cười. Đứa bé, con gái tôi, nhỏ xíu, đỏ hỏn, nhăn nheo… nhưng mà lành lặn, đủ tứ chi, và… nguyên vẹn một con người!

Tâm nhất định không chịu sinh đứa thứ hai. Tôi biết ba tôi – sau ngày giải phóng tôi gặp lại ông ở Đà Nẵng – ba tôi im lặng nhưng không vui. Tôi là con trai cả. Ông mong một đứa cháu nội đích tôn. Nhưng Tâm không nghe. Chất độc hóa học đã “tha” chúng tôi lần đầu. Lần thứ hai, biết đâu…

Tâm chỉ thật sự yên lòng khi con bắt đầu biết nói. Em bảo: Em còn lo nó… câm!

Nhưng chất độc hóa học, hiểm ác đấy, cũng chỉ là một phần nhỏ của cuộc chiến.

Tôi đã nói, ở trên: người lính thực sự từ chiến tranh trở về bao giờ cũng cô đơn. Một sự cô đơn bên trong, vô lý nhưng có thật. Bởi vì chiến tranh, sự giết nhau, người giết người, khổng lồ, hàng triệu, hàng triệu, làm thay đổi thế giới. Cách nhìn thế giới, cõi người.

Tôi chỉ là kẻ nghiệp dư. Nhà văn nghiệp dư, lính nghiệp dư. Vừa ở ngoài rìa, vừa ở tận đáy chiến trận. Đối với tôi, thế giới, cõi người cũng thay đổi sau cuộc chiến. Tự tôi cũng không còn, không thể như trước.

Nhưng là thế nào? Hẵng xem. Chưa biết. Song tôi mơ hồ hiểu rằng sẽ phải làm lại tất cả, bắt đầu lại tất cả, một cách khác. Cách nào? Chẳng dễ gì nói được, biết ngay được. Với quá khứ ấy, hiện tại này, và ngày mai kia.

Vừa rồi Bảo Ninh, một người lính thực thụ mười năm lính trần quân chủ lực Tây Nguyên có viết một cuốn sách tên là Nỗi buồn chiến tranh. Tôi đọc và hiểu: đó không phải là một cuốn sách viết về chiến tranh. Nó viết về hậu chiến. Con người hậu chiến. Chiến tranh chẳng là gì cả, nếu không có hậu chiến. Hậu chiến mới thật sự là chiến tranh, với vinh quang và chiến thắng.Với những vết thương rồi sẽ lành và những vết thương mãi mãi không thể lành. Với thế giới và con người đổi khác, phải làm lại, bắt đầu lại, vừa mãi mãi trĩu nặng quá khứ chiến tranh không thể dứt nổi, vừa khắc khoải, đau đớn, quyết liệt phải sống, phải sống tốt đẹp hơn, NGƯỜI hơn…

Cách đây mấy hôm Bảo Ninh ghé nhà tôi, kể rằng bữa nọ anh đi qua chỗ Văn nghệ Quân đội, bị một vị phụ trách rất to ở đấy gọi vào, cật vấn: Trong quyển sách của cậu, cậu viết: cậu phải “chiến đấu lại cuộc chiến tranh đã qua của mình”, thế là thế nào? Lại muốn theo ông Ngọc phủ nhận quá khứ, phủ nhận chiến tranh cách mạng, phải không?

Trời ơi, có thế mà không hiểu!

Người lính già đầu bạc

Cả dân tộc bạc đầu qua một cuộc chiến tranh. Chiến tranh đã qua. Cuộc sống lại tiếp. Dân tộc phải trẻ lại. Cái dân tộc đã bạc đầu ấy phải trẻ lại, và phải khác.

Tôi cũng vậy, phải trẻ lại, để làm lại tất cả, trong một hòa bình quá đắt giá, và nhọc nhằn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mặc cho các nhà lãnh đạo mỗi bên ra sức tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến , chỉ bức tranh thời hậu chiến mới là lời giải thích chính xác về mục đích của mỗi bên phát động chiến tranh và về giá trị đích thực của sự hy sinh của người lính và của người dân .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây