Nguyên Ngọc
11-8-2020
Tiếp theo Kỳ 1 — Kỳ 2 — Kỳ 3 — Kỳ 4
… Giữa 1967 tôi trở về quân khu. Lúc này đang rộn rã lắm. Bùi Minh Quốc, Vương Linh, Chu Cẩm Phong, Thế Vinh, Hà Xuân Phong, Khánh Cao, Phương Thảo, Phương Anh, Phan Huỳnh Điểu… từ Hà Nội vừa vào. Chúng tôi chuẩn bị đại hội thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung. Và chuẩn bị Xuân Mậu Thân.
Xuân Mậu Thân, Quảng Đà là hướng đánh trọng điểm của Khu 5. Khu ủy và bộ tư lệnh quân khu đều chuyển ra đứng ở vùng núi phía Tây Đà Nẵng để tiện chỉ huy trực tiếp.
Chúng tôi lại lao xuống các chiến trường. Mũi đi Quảng Đà đông và “mạnh” nhất. Nhóm quân khu có Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung và tôi. Nhóm bên khu ủy có Bùi Minh Quốc, Chu Cẩm Phong, Khánh Cao, Phương Thảo, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Hà Xuân Phong…
Hình như bọn địch đã ngửi thấy có gì hơi khác thường. Chúng đánh dữ dội vùng nông thôn quanh Đà Nẵng. Bom pháo suốt ngày đêm. Tập trung vào Gò Nổi, rồi lan dần ra phía Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Thắng, Hòa Vang… Có một loại máy bay hết sức khó chịu, chúng tôi gọi là B57. Bay rất cao, không thể nhìn thấy, chỉ nghe u u rất xa, thả bom chùm 10-15 quả, chúng tôi gọi là “bom trộm”, cứ đúng năm phút thả một chùm, suốt 24 trên 24 tiếng, ròng rã mấy tháng trời. Chúng tôi phải nắm quy luật ngay: mọi việc, tắm rửa, giặt giũ, ăn uống, đi lại… đều phải làm gọn cho xong trong đúng bốn phút. Chui hầm, chờ một loạt bom vừa nổ, vọt lên ngay, chạy ra giếng tắm ào ào đúng bốn phút, lại nhảy ngay xuống hầm, vào đúng lúc chùm bom tiếp theo đổ xuống. Chậm một chút, “dính” bom ngay. Có bữa tôi đi qua chỗ bến lội Xuyên Thanh, nơi con sông Thu Bồn rẽ làm đôi ôm lấy cù lao Gà Nổi, gặp hai cô gái lính sư đoàn 2 đang ríu ra ríu rít đứng rửa chân ở đấy. Tôi giục:
– Rửa nhanh, đi ngay đi, muốn chết hả!
– Còn lâu, anh ơi!
Tôi phóng nhanh vào bờ tre Xuyên Thanh, vừa kịp nhảy xuống hầm, nghe một loạt bom sau lưng, mảnh bay rào rào. Quay lại, hai cô gái ríu rít đã biến mất hoàn toàn. Tìm không ra một mảnh thịt.
Nguyễn Trọng Định, em nuôi Xuân Diệu, thơ rất triển vọng, chết trong khi chuyển từ hầm này sang hầm khác để ăn cơm: anh chỉ chậm đâu mất nửa phút.
Văn Cận, nhạc sĩ, vừa từ miền Bắc vào, đang nhắn tin cho vợ từ Hội An ra thăm. Anh ở xóm Tam Điện, tôi ở xóm Phi Phú, đều Gò Nổi, cách nhau hơn cây số. Tôi nghe tin viết một mảnh giấy nhỏ, nhờ cậu Nhường phóng viên thông tấn xã tỉnh cầm sang rủ Văn Cận qua chỗ tôi chơi. Nhường đi, khoảng tiếng sau quay về, khóc mếu máo:
– Anh Cận hy sinh rồi, anh ơi!
– Bao giờ?
– Em vừa sang thì anh ấy chết.
Cũng là bom B57. Cùng một quả bom ấy, chúng tôi bị quét sạch mất một nửa đoàn văn công Quảng Đà. Chị vợ Văn Cận từ Hội An ra tìm chồng, chậm đúng một ngày.
Nhường đi tìm Văn Cận buổi sáng, chiều lại xin đi xuống Điện Châu, cách hai cây số: nghe tin học sinh sinh viên Đà Nẵng vừa nổi dậy biểu tình, anh muốn đi tìm cơ sở hỏi thực hư ra sao. Anh đi buổi trưa, mãi 4-5 giờ chiều chưa thấy về. Chợt có một chị chạy vào chỗ hầm chúng tôi, báo:
– Hình như có người của các anh chết, đang nằm ngoài chợ Bảo An.
Chúng tôi chạy ra: đúng là Nhường! Trúng một loạt bom B57 trên đường từ Điện Châu về.
Đêm ấy chúng tôi đi chôn Nhường. Đào được cái huyệt cũng hết sức gay go: cứ đúng bốn phút lại phải nằm rạp xuống, tránh một loạt bom B57.
Phương Thảo là diễn viên múa, ngày ấy đối với chúng tôi ở chiến trường, đẹp như mộng, hình như tất cả đám trai trẻ chúng tôi bấy giờ anh nào cũng có yêu thầm. Thảo chết trong một đêm đi cùng anh Khánh Cao, gần chỗ hai cô gái ríu rít sư đoàn 2 đã biến mất mấy hôm trước…
Đó là những ngày gấp rút, háo hức chuẩn bị Xuân Mậu Thân.
Gần đến ngày nổ súng, chỉ huy sở chuyển ra tận Phong Nhất, Phong Nhị xã Điện An, gần Thanh Quít. Tôi chỉ tạt qua Điện Hòa được một ngày thăm bà con.
Xuân Mậu Thân, Đà Nẵng đánh xoàng. Ta dùng sư đoàn 2, sư chủ lực con cưng của Khu 5 đánh trước vòng ngoài, kéo bọn Mỹ ra vùng thung lũng Quế Sơn, rồi định dùng tiểu đoàn 1 rất tinh nhuệ của Quảng Đà đánh thọc sâu vào Đà Nẵng, tạo điều kiện cho quần chúng bên trong nổi dậy “cướp” thành phố.
Bây giờ nghĩ lại không thể hiểu sao ngày ấy có thể ảo tưởng ngây thơ đến thế, tất cả chúng tôi chẳng trừ ai. Có anh Tư Thuận, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó bí thư khu ủy, xuống trực tiếp làm chính ủy mặt trận đánh Đà Nẵng, gọi là Mặt trận 4. Anh Tư Thuận tuyên bố: dân Đà Nẵng bây giờ như cá tức trứng, chỉ cần ta đánh vô, dân sẽ nổi dậy…
Thu Bồn làm thơ:
Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con
Như người yêu gọi người yêu xa cách…
Bùi Minh Quốc cũng làm thơ, hùng hồn thống thiết như hịch tướng sĩ.
Tôi viết tùy bút.
Chúng tôi in thơ, tùy bút thành truyền đơn, phát tung ra.
Chúng tôi tin chính mình là lịch sử. Thơ, tùy bút của chúng tôi là tiếng gọi của chính lịch sử…
Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Sự thật khắc nghiệt.
Sư đoàn 2 đánh trước 15 ngày, kéo được một số Mỹ ra thật. Nhưng tiểu đoàn 1 thọc vào Đà Nẵng đêm Tết Mậu Thân… mất hút luôn trong cái căn cứ liên hiệp thủy lục không quân Mỹ khổng lồ ấy. Không thấy quần chúng nổi dậy…
Sáng mồng một Tết, chúng tôi ở chỉ huy sở đứng ngồi không yên, chờ tin tiểu đoàn 1. Mãi đến 4 giờ chiều, liên lạc báo:
– Có một chiến sĩ tiểu đoàn 1 về!
– Đưa ngay vào đây!
… Một cậu bé bước vào. 15-16 tuổi là cùng. Áo ca-rô, quần ống tuýp, đầu trần, chân không. Cậu bé ấp úng:
– Báo cáo, em là chiến sĩ tiểu đoàn 1.
Chúng tôi hiểu: ngày ấy các tiểu đoàn tỉnh đã phải tuyển đến lính trẻ con như vậy.
– Tiểu đoàn đâu?
– Dạ… dạ, chết hết rồi!
– Anh Đức? (Đức là tiểu đoàn trưởng nổi tiếng của tiểu đoàn 1)
– Dạ… anh Đức hy sinh rồi!
Cậu òa lên khóc.
– Cậu làm thế nào về được đây?
– Dạ… đồng bào cho áo quần cải trang.
– Súng đâu? – Ai đó giận dữ quát.
Cậu bé không trả lời được.
Thật ra tiểu đoàn 1 không bị tiêu diệt hoàn toàn. Mấy ngày sau một số anh em lẻ tẻ trở về. Tập hợp tất cả lại, còn được hơn trung đội.
Anh Thuận người thấp, chắc, cực kỳ nồng nhiệt, xông xáo. Không bao giờ tôi thấy anh ngồi yên. Ngay giữa hội nghị, nếu không đứng dậy, đi qua đi lại, tay chân vung vẩy, thì cũng ngọ nguậy, hết tay trái đến tay phải quạt phành phạch. Những ngày này, trông anh càng như một con hổ hậm hực trong chuồng chật. Huế đã chiếm được nội thành. Sài Gòn đang đánh mạnh. Rồi Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Kontum, Buôn Ma Thuột… Vậy mà Đà Nẵng “của anh” chưa ra làm sao cả.
Anh Tư Thuận, với tư cách chính ủy mặt trận, ra lệnh:
– Đưa sư 2 đánh thẳng vào Đà Nẵng!
Sư đoàn trưởng sư 2 là anh Giáp Văn Cương, nguyên tham mưu trưởng quân khu, mới được đưa xuống thay anh sư trưởng Lê Hữu Trữ hy sinh trước Mậu Thân một tháng.
Anh Giáp Văn Cương chống lệnh:
– Lúc này (đã là mồng 5 Tết) không còn yếu tố bất ngờ nữa. Mỹ đã bố trí phòng ngự Đà Nẵng hoàn chỉnh. Lữ 196 Mỹ và cả hạm đội Mỹ đã bịt kín sông Hàn, đường độc đạo vào thành phố. Đưa sư 2 vào lúc này là cay cú, tự sát.
Tôi quen anh Cương đã lâu, từ hồi đánh Pháp ở đường 19 Tây Nguyên, cạnh làng anh Núp. Tôi có theo anh trong một trận đánh ác liệt ở chân đèo Mang Giang. Đánh suốt ngày. Đến sẩm tối thì bọn địch thả bom napalm, đúng vào đội hình ta. 11 chiến sĩ chết cháy, cả số thương binh chưa kịp chuyển về sau. Suốt trận đánh anh Cương bảo tôi ngồi cạnh anh, bắt được tên tù binh Pháp nào thì hỏi cung ngay, lấy tin.
Hơn 9 giờ đêm mới im tiếng súng.
Anh Cương gọi tôi:
– Bây giờ nhờ cậu một việc: cậu cán bộ phụ trách thương binh liệt sĩ cũng bị thương rồi. Đêm nay cậu tổ chức chôn 11 liệt sĩ. Làm cho chu đáo. Được không?
Tôi nói:
– Được.
– Làm đi.
Giúp tôi có khoảng chục anh dân công. Đêm trong rừng ngay gần S’tơr, làng anh Núp, chúng tôi hì hụi đào 11 cái huyệt. Đốt nến lên mà đào. Đào xong thì pháo địch từ đồn Mang Giang và Đèo Mang bắt đầu bắn, cả vào chỗ chúng tôi. Dân công hoảng, bỏ chạy cả. Chỉ còn mỗi tôi.
Suốt đêm, tôi lúi húi dùng từng cuộn vải trắng (đi đánh nhau bao giờ cũng mang sẵn theo) cuốn xác 11 liệt sĩ, bê từng người xuống huyệt, lúi húi lấp đất, đắp mộ. Sợ nhất là toàn anh em chết napalm. Cháy đen, nhầy nhụa mỡ người, có anh chỉ còn một bộ xương và một đống ruột lầy nhầy…
Sáng bạch mới xong. Tôi bê đá, đặt đánh dấu từng ngôi mộ, rồi xé sổ tay vẽ sơ đồ mộ chí. Về báo cáo lại anh Cương.
Anh chỉ nói:
– Cám ơn, cậu khá…
Cũng chẳng “khá” gì lắm. Tôi bỏ cơm suốt ba ngày. Rửa tay ở suối K’tung, kỳ cọ đến trắng bợt cả da, đưa tay lên mũi vẫn nghe nồng mùi mỡ người cháy, nôn thốc nôn tháo…
Tôi biết tính anh Cương. Đó là một cán bộ quân sự rất giỏi. Anh là người đầu tiên trong quân đội ta được thưởng huân chương quân công hạng nhất, trận đánh cầu Roger nổi tiếng trên đèo Ải Vân ngay từ năm 1946. Một người cương trực, dũng cảm, thông minh, đánh giặc tài hoa…
Anh bảo tôi: Phải gắng mà ăn, không thì chết mất, còn đánh nhau nhiều… Bịt mũi lại mà ăn. Khốn khổ, bịt mũi lại cũng cứ mùi ấy, bởi không phải từ hai bàn tay, mà là các phân tử mùi còn dính chặt trong hốc mũi.
Bọn Tây chúng tôi chạm trán lúc đó là thuộc binh đoàn cơ động số 100 vừa rút từ Triều Tiên về sau khi chiến tranh bên ấy chấm dứt, Khu 5 có nhiệm vụ kìm chặt không cho nó ra Điện Biên Phủ. Khu 5 xuất sắc, không chỉ cầm chân. Trận sau, ở Đak Pơ, do anh Nguyễn Minh Châu chỉ huy, tiêu diệt cả binh đoàn này…
Tôi thân anh Cương từ đó. Lần này lại gặp anh giữa chống Mỹ.
Cuộc va chạm giữa anh Tư Thuận với anh Cương căng quá. Chúng tôi có một tổ phái viên quân khu theo dõi mặt trận, do Lê Viết Thanh làm tổ trưởng. Tình hình này, tổ phái viên phải có chính kiến. Đứng về bên nào? Anh Cương bảo anh Thuận dốt quân sự, cay cú, phiêu lưu. Anh Thuận cho anh Cương nhát gan, quân sự đơn thuần, không “quán triệt thời cơ lịch sử”.
Lê Viết Thanh họp tổ phái viên lại. Bàn bạc không lâu: chúng tôi đồng ý: anh Giáp Văn Cương đúng. Nhưng tổ phái viên không có quyền ra lệnh cho sư đoàn và bộ tư lệnh mặt trận. Chỉ được báo cáo ý kiến của mình về quân khu, quân khu sẽ cân nhắc và ra lệnh. Mà báo cáo lúc này thì muộn mất, tình thế đang rất khẩn trương.
Anh Cương tuyên bố:
– Nếu ông Tư nhất quyết ra lệnh, sư 2 chúng tôi sẽ đánh đến người lính cuối cùng.
Tự ái của hai người có thể giết sạch cả một sư đoàn.
Chúng tôi đề nghị Lê Viết Thanh đi thuyết phục anh Tư Thuận. Anh Tư nghe xong, bảo:
– Đưa cho tao tờ giấy.
Anh viết mấy chữ cho anh Cương, bỏ phong bì, dán kín:
– Cầm cái này về cho ông Cương.
Giữa đường Lê Viết Thanh bóc thư ra đọc: mấy lời mắng mỏ cố giữ lịch sự nhưng nặng nề và một mệnh lệnh, dứt khoát sư 2 phải đánh Đà Nẵng ngay. “Lịch sử đã gọi. Không được chần chừ!”
Lê Viết Thanh xé vụn lá thư. Một hành động có thể đứt đầu. Có thể bị xử bắn ngay tại mặt trận.
– Có gì, tao chịu.
Chúng tôi bảo:
– Cả chúng tôi nữa.
Thanh về gặp anh Cương, cố nói khéo:
– Anh Tư bảo lúc này Huế đang rất căng, Sài Gòn cũng vậy. Đà Nẵng cần chia lửa. Cần đánh Đà Nẵng, nhưng sử dụng lực lượng thế nào tùy anh cân nhắc. Chúng tôi đề nghị đêm nay ta dùng hai đại đội thôi, đánh thăm dò thử ven sông Hàn xem sao, rồi sẽ tùy tình thế.
Anh Cương nói:
– Thế thì được.
Đêm ấy hai đại đội của sư 2 vượt quốc lộ 1, đánh vào tuyến bờ sông Hàn. Nguyễn Chí Trung đi cùng trận ấy. Quả nhiên lữ 196 Mỹ và cả hạm tàu của chúng nữa đã bịt kín mặt sông, ta đánh như gãi ngứa, chẳng ăn thua gì.
Mấy ngày sau, được điện quân khu: sư 2 rút ngay về căn cứ Hòn Tàu, nhận nhiệm vụ mới.
Tôi hỏi anh Tư Thuận:
– Sao lại về? Đã xong gì đâu?
Anh bảo:
– Có lệnh thì cứ về đã. Sau lại xuống đánh nữa.
Tháng 5-1968, giữa hội nghị tổng kết chiến dịch, có mặt các anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Tư Thuận…, Lê Viết Thanh đứng dậy xin phát biểu. Anh kể lại toàn bộ sự việc, nói rõ anh đã xé lá thư.
– Tôi đã làm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Xin chịu kỷ luật nặng nhất, nếu tôi đã làm sai.
Hội nghị im phắc.
Anh Tư Thuận đứng dậy, bước tới, đột ngột ôm chầm Thanh:
– Cảm ơn! Cảm ơn!… Cảm ơn và xin lỗi…
Ngày ấy, quả thực, chúng tôi còn sống với nhau như vậy.
Anh Tư Thuận là một con người trung thực và giản dị. Anh sai, đúng rõ ràng. Tôi không rõ, nếu còn sống đến bây giờ, anh sẽ thế nào trong công cuộc phức tạp hôm nay. Anh mất năm 1975 vì bệnh ung thư, đúng ngày giải phóng Đà Nẵng mà anh hằng ao ước.
Anh Cương, về sau làm tư lệnh Hải quân, cũng đã mất vì ung thư.
Sư 2 rút về, đám văn nghệ chúng tôi còn ở lại Quảng Đà mấy tháng. Đánh đá nhì nhằng nhưng căng thẳng. Mỹ, quân Sài Gòn phản kích dữ dội, lại thêm bọn Nam Triều Tiên cực kỳ tàn bạo. Không ngày nào không đánh nhau, với đủ loại quân địch…
*
Đầu 1969 tôi bắt đầu ngồi viết tiểu thuyết Đất Quảng. Đúng ra là “chạy viết” chứ không phải ngồi. Nông thôn đồng bằng bị đánh tan nát. Căn cứ miền núi cũng chẳng yên. Bọn lữ dù 101, 173, lữ 196 Mỹ đổ quân, đánh tận cơ quan bộ tư lệnh quân khu và khu ủy. Đang yên tĩnh, bất ngờ phản lực dội bom tới tấp, rồi trực thăng đổ quân ngay trước cửa, đánh nhau ngay. Chẳng còn nơi nào, hóc núi, ngọn suối nào là hậu phương. Tôi viết từng chương, từng đoạn, ôm bản thảo chạy từ núi này qua núi khác mà viết. Lại đói. Hàng tháng ăn toàn rau rừng. Chúng tôi khám phá ra đủ thứ có thể ăn được trong rừng, môn dóc, môn thục, củ móng ngựa, củ nưa, đọt mây, tu hũ cây đoác, rau tai voi, rau ranh, rau tàu bay… Có cả thứ củ anh em chúng tôi gọi đùa là “củ cảm tưởng”, ăn cho có “cảm tưởng”, đầy bụng chứ tuyệt chẳng chút bổ béo gì. Anh Trần Kiên, chủ nhiệm hậu cần quân khu, ở lại miền Nam từ sau 1954, hết sức thông thạo rừng núi, tìm ra được những kho cũ giấu tự đời nảo đời nào, bỏ quên hàng chục năm, moi ra gạo mục, sắn mục, ngô mục, chủ yếu là ngô. Nhưng ngô thì phải hầm suốt đêm, di chuyển liên tục không thể hầm, đành rang mà nhai. Có chuyện cười ra nước mắt. Anh Lê Văn Ba thư ký tòa soạn báo Quân Giải phóng quân khu, có hàm răng giả, buổi sáng ra suối đánh răng, loay hoay thế nào đánh rơi mất, Chúng tôi lội suối suốt buổi, moi dỡ từng cục đá, tìm không ra. Anh Ba đành tìm hai hòn đá, đặt từng hạt ngô rang vào giữa, nghiền nát ra mà ăn. Cuối cùng quyết định cho anh ra Hà Nội làm lại bộ răng. Có bộ răng mới, Lê Văn Ba lại quay vào chiến trường…
Đến 1970-71 tình hình rất bi đát, có lúc chúng tôi bị lữ đoàn dù 173 Mỹ đánh bật từ Nam Trà Mi, tức sườn bên này Ngok Linh cao nhất Tây Nguyên, sang hẳn sườn bên kia, mạn Tu Mơ Rong, Mường Hon của Kontum.
Dao động và tan rã tràn lan. Đào ngũ, đầu hàng ngày nào, nơi nào cũng có. Cán bộ đại đội, tiểu đoàn đi đầu hàng. Huyện ủy cũng đi đầu hàng. Có nơi cả một trung đội du kích, cả một cấp ủy xã đầu hàng, mới hôm trước hôm sau đã trở thành địch, đóng đồn đánh lại ta. Đen ngòm bốn bề.
Thương nhất là số lính mới từ miền Bắc bổ sung vào. Chúng tôi là dân cựu chiến trường, dẫu sao đã quen, gian khổ ác liệt tăng lên dần từng ngày nên sức chịu đựng cũng cố tăng theo từng bước, bền bỉ. Anh em mới vào, toàn học sinh sinh viên, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, trẻ măng, búng ra sữa, đột ngột gặp ngay thử thách mức cao nhất, phải là sắt thép mới mong đứng vững. Từng đại đội, từng tiểu đoàn, có khi từng trung đoàn, cán bộ không chỉ huy nổi nữa, đến cái ăn tối thiểu cho anh em cũng không lo nổi, cứ để mặc lính tan rã tự đi tìm ăn. Có cả trộm cắp, cướp bóc, biến thành một thứ phỉ trong rừng, có khi bắn nhau, giết nhau để giành một bơ gạo, một gùi sắn…
Bấy giờ, tôi nhớ, ở quân khu có một vụ án khủng khiếp và đau lòng: một anh lính trẻ, dân Hà Nội, không chịu đựng xiết nữa, cố tìm đường đào ngũ ra Bắc. Đi theo đường giao liên, ắt sẽ bị bắt lại. Phải đi liều trong rừng, tự xoi đường mà đi. Nhưng ăn gì? Anh lẻn vào kho, cố trộm một ruột tượng gạo. Chẳng may cậu cấp dưỡng bắt được, la toáng lên. Hoảng quá, anh bắn chết ngay cậu cấp dưỡng. Nghe tiếng súng, anh em đổ tới. Anh bắn chết luôn hai người nữa. Rồi vùng chạy, gặp ai cũng bắn, điên lên mất rồi, điên lên vì hoảng sợ tội ác kinh khủng của chính mình… Một buổi chiều, anh bắn chết sáu người, trước khi bị bắt giữ.
Anh Tân, cán bộ quân pháp của quân khu nhờ tôi viết bản cáo trạng phiên tòa xử người lính ấy. Tôi từ chối, không sao viết nổi một chữ.
Mộ người lính trẻ bị kết án tử hình ấy chôn ở ngọn núi sau nhà, nơi tôi ngồi viết mấy chương đầu Đất Quảng…
Có thể chính vì thế mà cuốn tiểu thuyết của tôi được viết “gồng lên”, rất nhiều dáng dấp một thiên tùy bút, một thứ lời kêu gọi chăng?
Quả thật, những ngày tháng đen tối ấy, tự tôi cũng phải gồng mình lên, mà sống, mà vượt qua. Văn chương bấy giờ tất cũng vậy.
Nguyên mẫu nhân vật chính là Giả, cùng nhau vào sống ra chết bao lần.
Tập I viết xong, anh Võ Chí Công cương quyết in ngay tại chiến trường, trong điều kiện tất nhiên cực kỳ khó khăn. Sau đó nhà xuất bản Giải phóng (ở Hà Nội) mới in lại. Anh Hồ Nghinh, bí thư Quảng Đà đọc xong, bảo:
– Ở rừng chưa có chế độ nhuận bút. Thôi mình thay mặt xứ Quảng tặng bù cậu cái này.
Anh may cho tôi một bộ bà ba vải téc-gan xanh và cho người vào tận Đà Nẵng tìm mua cho tôi một chiếc đồng hồ Seiko. Vừa rồi đi lau dầu, cô thợ đồng hồ bảo:
– Cái đồng hồ của bác cũ nhưng còn “gin” lắm. Seiko mới bây giờ thua xa.
Anh em giục, đầu 1971, tôi bắt đầu viết tiếp tập II. Đã được 3-4 chương. Bỗng đột ngột nghe một tin sét đánh: Giả, bí thư Điện Hòa, đầu hàng!
Tôi buông bút, rã rời.
Một phát trúng tim.
Tôi không tin. Nhưng rồi biết phải tin. Rồi lại không tin.
Tôi xin xuống Quảng Đà lại. Anh Năm Công không cho:
– Xuống lúc này, nhất định bỏ mạng.
Tôi nói:
– Nhưng bà con dưới ấy vẫn sống được?
Nằn nì mãi, rồi được đi.
Tôi đi Quảng Đà, muốn xuống tận xã, vì trăn trở muốn biết sự thật về Giả. Còn một lý do nữa. Sau Mậu Thân, nghe Kissinger nhận định: muốn tiêu diệt chủ lực Việt cộng, phải làm được hai việc. Một, vây chặt miền Nam lại, chặn mọi đường chi viện của miền Bắc (bằng chiến dịch đường 9 – Nam Lào); hai: tiêu diệt cho kỳ được tổ Đảng ở thôn xóm. Tôi đi, anh Võ Chí Công dặn: cố trả lời cho được câu hỏi anh em mình ở thôn xóm có tồn tại được không, bằng cách nào…
Dọc đường từ quân khu ra Quảng Đà, cứ chừng mươi cây số lại gặp một chiếc võng treo chỏng chơ giữa rừng. Đến gần, xem kỹ, thấy một cái xác chết khô: những anh lính lang thang đi tìm ăn, sốt rét, đói, treo võng nằm một mình, rồi chết lịm đi luôn.
Một buổi chiều, tôi lạc vào một trạm giao liên cũ đã bỏ hoang. Còn vài cái nhà rách nát, định treo võng ngủ tạm qua đêm. Vừa bước vào, tôi chợt dừng lại, lạnh toát người: một bóng ma! Một người con gái, tóc xõa đến lưng, mặt phù xanh mét, hai mắt trắng dã. Chị đứng nhìn tôi chăm chăm.
Định thần, gặng hỏi mãi mới biết: hóa ra là một cán bộ phụ nữ Quảng Nam, đi công tác một mình, nhỡ đạp phải chông, bị thương nặng ở chân, đành nằm lại gần tháng nay rồi, đói, hoàn toàn không thuốc men. Tôi rửa vết thương cho chị, vết thương đang có nguy cơ hoại thư.
Sáng ra, tôi đành phải đi. Dìu chị đi không dược. Cõng không nổi. May sao trưa hôm đó tôi gặp một đơn vị trinh sát, báo được cho anh em tìm khiêng chị về nuôi…
Mấy tháng sau tôi trở lại. Gặp một cô gái thật đẹp. Tên chị là Loan. Về sau chị hy sinh ở Thăng Bình…
Tôi xuống Quảng Đà, giáp mặt với sự thật phũ phàng: quả Giả đã đầu hàng thật!
Anh chui hầm bí mật, đúng cái hầm hai anh em nằm mấy năm trước. Nhưng lần này chỉ có mỗi mình anh, và là quân Sài Gòn càn. Chúng khui trúng hầm. Hai phương án Giả và tôi đã thề cùng nhau lần trước, chỉ có thể lựa chọn trong nửa giây. Nửa giây cho cả cuộc đời. Trong nửa giây ấy, Giả đã không chọn được phương án chúng tôi đã thề cùng nhau. Rất nhiều lần sau đó tôi đã tự hỏi, nếu chính tôi ở trường hợp Giả thì sao? Không dễ trả lời. Bởi vì đó là câu tự hỏi khi mình đang ở bên ngoài…
Tôi ráo riết theo dõi tin Giả. Chẳng có gì rõ ràng. Sau khi Giả bị bắt và đầu hàng, một loạt hầm bí mật, cả những cái đào, giấu tinh vi nhất liên tiếp bị khui: Xuân, Hòa, Hoa… hy sinh. Tin từ cơ sở ở Đà Nẵng báo là do Giả khai. Đúng không? Cũng có người nói là trong xã có điệp ngầm. Giả có chỉ hầm, nhưng toàn hầm đã bị lộ, bỏ lâu rồi, loại đó có hàng trăm, có người bảo vậy… Bỗng đột ngột Giả được thả, gọi là “trả tự do”. Một trò rất hiểm của đối phương. Tức là anh chỉ còn cái xác, anh đã bị tiêu diệt hoàn toàn về chính trị và tinh thần. Anh là bí thư xã, nó bắt anh quả tang tại hầm, anh làm gì trong tù ai biết, sao bỗng nhiên nó “trả tự do” cho anh, toàn nhân loại này ai còn tin anh. Cách giết người hiểm độc nhất. Giả không dám về làng. Anh về ở Chợ Mới Ba Xã trên đường số 1, trong vùng địch, cách Điện Hòa chừng năm cây số. Tôi mấy lần viết thư cho người có thể đi lại hợp pháp đưa xuống cho anh, khuyên anh về trên này mà sống với bà con anh em, chuyện gì trước sau còn đó, sẽ còn nói với nhau sau… Thật ra thư tôi cũng rất lúng túng, tự tôi biết chẳng mấy thuyết phục. Giả không trả lời, không về… Cho đến sau chiến tranh.
Năm 1980, trở lại Điện Hòa, tôi có ghé thăm Giả. Anh sống lầm lũi, lui hui làm ruộng và có làm công tác thủy lợi gì đó ở thôn. Hai anh em ngồi với nhau, nói chuyện vu vơ. Tôi không nhắc chuyện ngày xưa. Giả cũng không. Lúc chia tay, Giả nói:
– Anh còn về thăm tôi, ơn này xin ghi nhớ đến chết.
Tôi cầm tay anh:
– Đừng nói thế, Giả. Còn có thể làm lại cuộc đời…
Tôi nói dối, tôi biết. Tự tôi cũng không tin.
Ở đời, có những cái ngưỡng. Bước qua rồi, không quay lại được nữa. Vài năm sau Giả chết, không bệnh gì rõ rệt cả. Vì buồn…
Tôi xuống Quảng Đà trận ấy, 1971, còn gặp một cuộc đấu tranh gay gắt. Anh Hồ Nghinh bí thư tỉnh ủy chủ trương: đưa thường vụ tỉnh về đứng ngay Gò Nổi, sờ sờ giữa đồng bằng. Gò Nổi, lúc này đã thành sa mạc. Cả thường vụ phản đối: đứng ở đấy, có thể bị tiêu diệt hết, còn ai chỉ đạo phong trào. Anh Nghinh trả lời: Ở trên núi, lúc này, chỉ đạo được gì. Vấn đề của lãnh đạo bây giờ là sự có mặt của mình. Tôi là bí thư tỉnh ủy, tôi đứng giữa Gò Nổi, đứng không thôi chẳng làm gì hết cũng được, đố thằng bí thư huyện nào dám bỏ chạy ra khỏi huyện. Bí thư huyện còn đứng trong huyện, đố thằng bí thư xã nào dám bỏ xã mà chạy. Bí thư xã còn bám xã, thì đảng viên không dám bỏ thôn, xóm, bỏ dân. Vấn đề số một bây giờ là Đảng còn trụ bám được trong dân. Dân còn, phong trào còn…
Anh Nghinh về đứng giữa Gò Nổi thật. Đi theo có một tổ trinh sát, và tổ điện đài. Còn có anh Nguyễn Đình An. Tôi xin đi theo.
Gò Nổi bị cày nát thành sa mạc. Nhưng ven hai bờ sông Thu Bồn, xưa là những biền dâu xanh ngắt, nay mọc một loại cây trước không thấy: cây bói. Càng ác liệt, càng mọc tràn lan, thành rừng. Giống một loại lau sậy, dày chằng chịt, lội trong bói lá sắc cứa đứt cả tay chân mặt mày.
Hầm bí mật của anh Nghinh đào trong rừng bói ấy. Có lần chẳng hiểu thế nào bị lộ, bọn địch tưới xăng đốt. Bói cháy rần rật. Thầy trò suýt một trận chết thiêu… Nhưng rồi bói lại mọc, nhanh lạ lùng, lại đào hầm, lại trụ bám…
Mỗi xã còn trụ bám được vài mươi người. Điện Hòa còn chị Liễu, bà Cửu Trấu, bà Hoán, bà Chánh…
Chị Liễu mất một chân đúng đận ấy. Bà Cửu Trấu cũng trụ lại, chẳng ai bảo, chẳng ai “giao nhiệm vụ”. Cùng cái quán mì vĩnh cửu của bà…
Tôi ở Quảng Đà về, anh Năm Công gọi sang bảo báo cáo tình hình. Tôi báo cáo chuyện anh Nghinh ở Gò Nổi.
– Được rồi. Nhưng nói coi, nó cày ác liệt thế, chi bộ xã, tổ Đảng xóm, du kích, dân làm thế nào mà sống nổi?
Tôi kể linh tinh một lúc, rồi chẳng hiểu sao, vui miệng kể luôn chuyện cô du kích tên là N. ở xóm Bùng Điện Hòa chẳng biết ngủ với anh nào, chửa hoang, bị mẹ đánh cho một trận tới nơi và chi bộ kiểm thảo đòi khai trừ, tôi can…
Không ngờ anh Năm cười ha hả, vỗ đùi, nói như reo lên:
– Vậy thì được rồi! Được rồi! Nó còn yêu đương, còn ghen tuông, còn chửa hoang… tức là còn đầy sức sống! Tức là phong trào vẫn còn! Hay quá! Văn học các cậu khá quá!
Ấy là năm 1971, đen tối nhất.
Ở C17, Thu của Thu Bồn có thai đứa thứ hai.
Một hôm, quãng cuối năm, Thu Bồn từ C17 về, chìa cho tôi một mảnh giấy bằng bàn tay: một phiếu xét nghiệm máu. Người làm xét nghiệm và ký tên là giám đốc V. Tờ phiếu ghi rõ: số lượng bạch cầu của Thu Bồn đột ngột tăng rất cao. Dấu hiệu ung thư máu! Tức một phiếu khai tử.
Tôi hiểu ngay: một tờ phiếu khám nghiệm… giả! Tôi biết anh V., với tư cách giám đốc viện, không có quyền tự mình làm xét nghiệm máu cho bệnh nhân, lại tự mình ký tên vào đấy. Đó là công việc của nhân viên xét nghiệm chuyên môn. Anh giám đốc bạn tôi đã “đồng lõa” với Thu Bồn, có thể với cả Thu nữa, trong việc này.
Nhưng tôi im lặng, quyết định lờ đi. Hội ý với Nguyễn Chí Trung, bí thư chi bộ, Trung cũng quyết định im lặng. Chúng tôi im lặng hiểu: Thu Bồn không còn đủ sức nữa. Chiến trường đang hồi đen tối quá. Chết đói, chết sốt rét rừng hàng trăm, kể cả lính chính quy. Căn cứ, ngay trên núi cao, liên tục bị bọn sư dù 101, sư 196, bọn thủy quân lục chiến, bọn “Mỹ lết” đánh phá liên tục. Súng thiếu, đạn hết. Mất dân, mất đất từng mảng lớn. Ngay tới lính văn phòng cơ quan bộ tư lệnh quân khu cũng phải nhiều trận “cùi chỏ” đánh giáp lá cà với Mỹ. Đầu hàng, đào ngũ lan tràn… Thu lại mang thai cháu thứ hai. Đứa thứ nhất, mới lên hai, còi xương, chân khòng như cái vành rế…
Thu Bồn muốn thoát khỏi chiến trường, muốn ra Bắc. Muốn cứu vợ con. Tự anh cũng đã muốn tháo lui. Tôi biết tính anh: đã muốn, thì có thể làm tất cả, không gì, không ai ngăn được.
Tôi im lặng cầm tờ phiếu xét nghiệm đưa cho anh Thế cục phó và anh Phương cục trưởng cục chính trị, thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi. Cả hai người đều hiểu rõ như tôi và Trung.
Anh Thế hỏi tôi:
– Ý cậu sao?
– Còn sao nữa. Nó trình cái phiếu khai tử rồi còn gì.
– Nhưng sao ông V. lại tự mình ký?
Tôi không trả lời.
Anh Thế bảo:
– Thôi, để cho nó đi.
Anh Phương:
– Ừ. Đồng ý.
Chúng tôi không kịp tiễn Thu Bồn và Thu, cùng cháu Hùng. Hôm ấy lại bị một trận B52 suýt chết cả lũ…
Hai vợ chồng leo suốt dải Trường Sơn từ Khu 5 ra tới Hà Nội. Chị Thu tất nhiên phải đi không. Thu Bồn một mình đeo hai ba-lô, một trước bụng, đựng tất cả gia sản của cái gia đình nhỏ xíu giữa chiến tranh; một ba lô sau lưng, chọc hai lỗ thủng, thằng con lên hai ngồi lọt trong ấy, hai chân chĩa ra ngoài. Đứa con thứ hai sinh ra ở Hà Nội được đặt tên là Băng Ngàn… Hùng, con trai đầu, lên 11 tuổi, chết vì ung thư. Vợ chồng Thu Bồn bao nhiêu lần bị chất độc da cam Mỹ ướt đẫm như tắm. Băng Ngàn về sau cũng quặt quẹo…
Đâu khoảng mươi năm sau hai người ly dị.
Tất cả những chuyện ấy đều là thật, là cuộc đời thật, là logic cuộc đời. Tôi biết có anh em đồng đội cũ chiến trường trách móc Thu Bồn về chuyện này, một số gay gắt. Tôi thì tôi hiểu. Tình yêu và lời hứa hẹn nào đó của Thu Bồn và Thu ngày xửa ngày xưa, từ hồi chống Pháp, là có thật. Đó là một thứ tình yêu trẻ con. Nó được thi vị hóa trong ánh sáng trong ngần của tuổi thơ. Lẽ ra, thứ tình cảm non dại như vậy rồi sẽ qua đi, mờ nhạt dần đi khi người ta lớn lên, cuộc đời trở nên thực tế và khắc nghiệt hơn. Nhưng lịch sử đất nước, xã hội những năm tháng ấy lại không như vậy. Nó vừa khắc nghiệt, vừa được nhuốm trong ánh sáng màu hồng của một lý tưởng rất đẹp, rất thơ. Thu ở lại miền Nam, với mẹ, mẹ là đảng viên kiên cường nổi tiếng khắp vùng Điện Bàn ngày ấy. Thu cũng hoạt động bí mật, bị lộ, phải chạy vào Sài Gòn, trở thành cán bộ của đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, đảng viên bí mật, chuyên hoạt động nội thành. Đối với cô, hình ảnh Thu Bồn và người yêu trẻ con ngày xưa nay xa vời tận miền Bắc trở thành biểu tượng của chính lý tưởng, của “chủ nghĩa xã hội”, của cách mạng mà cô đang vì nó chiến đấu hy sinh. Lòng chung thủy của cô đối với mối tình mơ hồ ngày xưa bỗng thiêng liêng như chính lòng thủy chung với cách mạng, là chính cách mạng được cụ thể hóa trong cô, cho riêng cô.
Với Thu Bồn cũng vậy. Những năm dài ở miền Bắc, những ngày tháng trở lại chiến trường chiến đấu gian nan và lãng mạn, hình ảnh cô gái bé bỏng trong mối tình trẻ con xa lắc của anh – lại càng được thi vị hóa trong tâm hồn một người làm thơ vốn rất tràn trề –, trở thành biểu tượng cụ thể, say mê và thiêng liêng nữa, của miền Nam, của cách mạng.
Lịch sử chỉ là lịch sử khi nó đã qua. Vậy mà có những thời, thời ấy, chúng ta coi lịch sử chính là hiện tại. Là chính chúng ta. Ta ý thức chính ta là người của lịch sử, nhân vật lịch sử. Ta gồng mình lên, tự siêu thường hóa chính mình cho thành lịch sử. “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa!”
Cái tâm trạng ấy là tự nhiên của một thời phi thường. Nó khiến ta lớn hơn, mạnh hơn tầm vóc và sức lực có thật của chính ta.
Nhưng nó cũng dễ gây bi kịch.
Khi Thu Bồn và Thu trở lại với cuộc đời thường, hai người ra Bắc, nheo nhóc vật lộn nuôi hai đứa con nhỏ hằng ngày, song cuộc sống Hà Nội dầu sao cũng đã xa bom đạn và đỡ căng thẳng… họ dần dần nhận ra nỗi niềm chung thủy đẹp đẽ, cuộc đi tìm kiếm nhau giữa chiến tranh đầy hiểm nguy và sự lãng mạn kia sự thật đã được gồng lên nhiều bởi không khí thời đại. Chứ thực ra họ đã biết nhau, hiểu nhau bao nhiêu đâu. Và họ bàng hoàng thấy ra: họ không phải là hai con người được sinh ra cho nhau. Vết rạn lớn dần từng ngày, chậm chạp, nhưng chắc chắn…
Tôi chẳng muốn thanh minh cho ai cả, cũng chẳng đổ lỗi cho cái gì. Tôi chỉ là người chứng kiến im lặng và hơi buồn sự thật một thời…
Thu Bồn cũng là một con người khác thường. Anh quá nhiều năng lượng, quá giàu nam tính. Anh yêu nhiều lần, nhiều người, tôi biết đều là yêu thật, say đắm, đã yêu ai thì tất cả cho người ấy. Đó là một người đàn ông đủ sức chung thủy với tất cả những người đàn bà mình từng yêu. Anh cũng hết sức tận tụy trách nhiệm vời người mình đang yêu. Có lần anh lấy một nhà thơ nữ đã có ba con, tận tụy gánh trọn cả cái gia đình ấy, ngay giữa thời còn nheo nhóc bao cấp. Nam tính mạnh mẽ của anh cũng cực kỳ hấp dẫn. Có lần tôi cùng Thu Bồn đi Đại hội Nhà văn Á-Phi ở Angola, gặp một nhà văn nữ Madagascar có cái tên rất dài và đúng kiểu Madagascar, toàn vần a, nghe nói là vợ của ông chủ tịch đảng cầm quyền ở nước họ. Gặp mới vài ngày, bà ấy đắm đuối Thu Bồn. Mà Thu Bồn có biết một chữ ngoại ngữ nào đâu. Tôi phải làm phiên dịch cho hai người. Đến ngày thứ ba thì họ không cần tôi nữa… Cho đến hôm chia tay ở sân bay, bà ấy nhờ tôi dịch cho Thu Bồn một câu: “Hỏi hộ tôi trong tráí tim anh ấy còn chỗ trống nhỏ có thể dành cho tôi không”. Tôi dịch, nhưng cũng trả lời thêm hộ Thu Bồn: Còn mênh mông…
Thu Bồn mất năm 2003, 68 tuổi. Với sức sồng tràn trề và tài năng thừa thãi của anh, còn quá trẻ…
Bao nhiêu người đã cùng tôi đi qua chiến tranh, những cuộc đời, những tính cách, những số phận…
Ở Trường Viết Văn Nguyễn Du, thời tôi còn tham gia, cho đến khóa 5, có một tục lệ: sinh viên ra trường, thay vì nộp một luận văn, phải trình một tác phẩm tốt nghiệp, và bảo vệ tác phẩm của mình trước một hội đồng gồm một số nhà văn, nhà lý luận văn học, và chuyên gia hàng đầu một số ngành khoa học xã hội nhân văn, có khi cả khoa học tự nhiên. Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm tốt nghiệp của Bảo Ninh ở khóa 3. Trình bày vì sao có tác phẩm ấy, anh nói: Ra trận cùng tôi hồi bấy giờ là hàng ngàn hàng vạn thanh niên cùng trang lứa với tôi. Biết bao nhiêu người trong số họ cao lớn, sáng sủa, đẹp trai, hào hoa, thông minh, tài năng hơn tôi rất nhiều. Vậy mà họ đã chết cả. Chỉ tôi, cái thằng tầm thường xoàng xĩnh nhất, tôi còn sống. Tại sao? Sự sống sót của tôi vô lý, thậm chí phi đạo đức, cứ như một sự phản bội vây. Câu hỏi phi lý, nhưng ám ảnh suốt đời còn lại. Bảo Ninh gọi đó là Nỗi buồn được sống sót…
Bà Cửu Trấu bán mì ở cái dốc đường xe lửa Điện Hòa cũng hỏi tôi đúng hệt như vậy:
– Thằng Thành hả? Bao nhiêu đứa chết hết, răng mi còn sống?