“Tại Hoa Kỳ, câu hỏi về tương lai đang rơi vào im lặng”

Die Zeit

Elisabeth von Thadden phỏng vấn Daniel Ziblatt

Dịch giả: Nguyễn Văn Vui

4-7-2020

Lời người dịch: Chuyên gia chính trị học Daniel Ziblatt, 47 tuổi, là giáo sư tại Đại học Harvard, hiện đang nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Berlin. Ông là đồng tác giả của cuốn sách giành nhiều giải thưởng “Các nền dân chủ chết như thế nào” (“How Democracies Die”, tác giả Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, năm 2018).

Trong cuộc khủng hoảng đại dịch virus corona, tuần báo Die Zeit của Đức đã phỏng vấn một loạt các nhà khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội về các suy tư của họ hiện nay. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện với ông Ziblatt, trong đó ông bày tỏ sự lo lắng đối với quê hương Hoa Kỳ của mình. Phải chăng nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa?

Biếm họa: Nữ thần Tự Do đang khóc. Ảnh trên mạng

Một ngôi nhà đang bốc cháy rực trời

Die Zeit: Thưa ông Daniel Ziblatt, ông đang có những suy tư về chuyện gì?

Daniel Ziblatt: Từ lâu tôi đã có những suy tư về tình trạng của các nền dân chủ trên thế giới, nhưng trong lúc này, có cái gì đó đang thay đổi. Ngày mai tôi bay trở lại Mỹ sau 11 tháng ở Berlin. Mỗi khi về nhà tôi luôn vui mừng trong lòng, nhưng nay là lần đầu tiên mà tôi cảm thấy lo lắng.

Sự tương phản giữa các nền dân chủ của châu Âu và Hoa Kỳ thật sự rõ nét hơn bao giờ hết bởi đại dịch. Tôi có cảm tưởng là mình đang trở về một ngôi nhà đang bốc cháy rực trời. Và tôi tự hỏi, liệu nước Mỹ chỉ đang trải qua hoạn nạn tạm thời do cuộc khủng hoảng virus corona, hay là có cái gì đó đang thay đổi về cơ bản và vĩnh viễn trong hệ thống chính trị. Tôi đang nghĩ nên dùng những chỉ số nào để xác định điều này.

Die Zeit: Sự tương phản rõ nét mà ông đề cập giữa châu Âu và Hoa Kỳ, chính xác là thế nào?

Daniel Ziblatt: Trên bề mặt, nó thể hiện ở con số ca nhiễm tăng vọt của làn sóng thứ hai tại Mỹ và ở sự bất lực rõ ràng của hệ thống chính trị để đối phó với đại dịch. Ngược lại các nước châu Âu đã tỏ ra có hành động chống dịch hiệu quả. Nhưng các con số trên bề mặt này còn chỉ ra thêm sự rối loạn chức năng của nền dân chủ Mỹ, một sự chuyển vị dưới bề sâu, điều mà tôi đã nhận ra nhưng không muốn tin.

Die Zeit: Sự chuyển vị dưới bề sâu mà ông muốn nói đến là gì?

Daniel Ziblatt: Các ngành khoa học xã hội có thể đưa ra những đặc điểm của một nền dân chủ vững bền, chẳng hạn như tính ổn định, sự thành công và sức đề kháng. Việc này bao gồm khả năng hành động của nhà nước và sự ổn định xã hội. Trong khi đó ở Hoa Kỳ, người ta có thể nhận thấy rằng các cơ chế nhà nước là yếu kém, chính trị bị phân hóa mạnh mẽ, xã hội bất bình đẳng rõ rệt và các bất ổn xã hội lại xảy ra cùng thời với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tất cả đều là những yếu tố tiêu cực có thể đẩy một nền dân chủ biến thành một chế độ độc đoán chỉ qua một đêm.

Die Zeit: Hai năm trước, ông đã dự đoán những mối nguy này trong cuốn sách giành nhiều giải thưởng của ông là “How Democracies Die”. Lúc đó ông đã đi đến kết luận rằng những nguy cơ là có thật, nhưng nền dân chủ lúc bấy giờ còn rất vững mạnh.

Daniel Ziblatt: Nhưng nay tôi thấy tình hình đã thay đổi. Chính những bóng ma này đang làm tôi lo lắng. Covid-19 cho thấy nguy cơ là có thật.

Ở Hoa Kỳ câu hỏi về tương lai đang rơi vào im lặng

Die Zeit: Thì ở đây cũng vậy thôi. Nhiều người cũng lo là các nền dân chủ châu Âu sẽ ngã quỵ, trở thành chế độ độc đoán do đại dịch, vì người dân phải tuân thủ các quy định của nhà nước, càng ngoan ngoãn càng tốt, không được hó hé gì cả.

Daniel Ziblatt: Các tranh chấp trong công chúng Đức, dưới mắt tôi, thuộc về sinh hoạt dân chủ bình thường và thể hiện sự vững mạnh của nền dân chủ. Tại châu Âu, trong những hội thảo, trên các phương tiện truyền thông và trong các chính phủ, người ta đang thảo luận rộng rãi với nhau, nên đi đến một tương lai nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng virus corona. Điều đó chứng tỏ sức sinh động của nền dân chủ.

Còn ở Hoa Kỳ, câu hỏi về tương lai đang rơi vào im lặng. Ở đó, câu hỏi duy nhất hiện nay là, liệu có thể dập tắt được đám cháy hay không. Trong khi ở Đức, trên mọi cấp độ của nền dân chủ, người ta đang bàn bạc với nhau về các lựa chọn, về con đường và giải pháp cho tương lai.

Die Zeit: Ông có ngạc nhiên trước sự sinh động của nền dân chủ Đức ngày nay hay không?

Daniel Ziblatt: Một mặt, tính sinh động này thật sự là một bất ngờ đối với tôi. Ông nội tôi đã di cư sang Hoa Kỳ như một người Do Thái Đông Âu. Cha tôi, sinh ra ở đó năm 1935, truyền đạt cho tôi mối hoài nghi rằng nhà nước Tây Đức chỉ là một sản phẩm nhân tạo và sẽ không tồn tại bao lâu. Coi như một cơ chế tạm thời thôi. Vậy mà bây giờ hóa ra người dân Đức đã tạo dựng được một cái gì đó thật vững bền.

Nhưng mặt khác, là một người nghiên cứu về dân chủ nên thực sự tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì nước Cộng hòa Liên bang Đức có tất cả các đặc tính của một nền dân chủ sinh động mà tôi vừa đề cập. Và nó chứng minh được rằng, nó có khả năng chu toàn mọi nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước.

Điều quan trọng nhất là bảo vệ sự sống

Die Zeit: Ngoài việc tranh luận với nhau một cách dân chủ và cùng nhau xây dựng các thể chế vững bền, thì còn có điều gì quan trọng hơn nữa không?

Daniel Ziblatt: Điều quan trọng nhất là bảo vệ sự sống của người dân. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi những cái chết có thể tránh được. Tất nhiên, tôn trọng các quyền dân sự và tăng cường các thể chế dân chủ đều là những nhiệm vụ to lớn của nhà nước, nhưng bảo vệ cuộc sống là nhiệm vụ hàng đầu. Cuộc sống của toàn dân, chớ không chỉ là của một số có đặc quyền, đặc lợi. Trong một thời gian dài vừa qua, chúng ta hầu như không thấy nhà nước Hoa Kỳ đóng vai trò này.

Die Zeit: Liệu virus corona có thể khiến một cái gì đó mới mẻ được tạo ra ở Mỹ không, sau khi đám cháy được dập tắt?

Daniel Ziblatt: Mặc dù nhiều người thuộc khuynh hướng tự do muốn hành động tiếp sau vụ cháy giống như trước kia, tôi vẫn nghĩ rằng tốt nhất là chúng ta không nên làm theo kiểu business as usual, không nên làm như mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy. Chúng ta cần gia tăng dân chủ cho nền dân chủ.

Hiện tại, Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm rằng, tổng thống đương nhiệm không phải là người nhận được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng lại là người đã thắng cử. Trong chính quyền đương nhiệm có sự hiện diện quá mức của các nhóm đại diện cho một nước Mỹ của quá khứ, như những người bảo thủ ở vùng nông thôn chẳng hạn.

Đa số người dân Mỹ ngày nay ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” (“Mạng sống của người da đen cũng đáng giá”) và đa số họ muốn thấy Donald Trump bị thất cử. Vì vậy tin mừng cho chúng ta là: lá phiếu của đa số dân chúng vẫn đáng tin cậy. Nên tôi không lo lắng lắm cho xã hội. Nếu phải cần đến hai phần ba số phiếu của Thượng viện mới có thể sửa đổi được hiến pháp, thì ngay bây giờ chúng ta nên tìm thêm những thể thức chính trị khả thi khác để phá vỡ những tồn đọng về cải cách và thông qua các dự luật nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống.

Corona đe dọa nền dân chủ

Die Zeit: Virus corona có gây hại gì cho nền dân chủ không?

Daniel Ziblatt: Một xã hội dân sự có tính dân chủ phải vượt qua khoảng cách vật lý hiện đang được duy trì giữa người và người vì nguy cơ lây nhiễm. Một nền dân chủ không thể hoạt động tốt nếu chúng ta xem người khác như một mối nguy về truyền nhiễm. Nỗi lo sợ chung chung này đối với người khác trong xã hội thường làm tăng những đối kháng chính trị thay vì giúp chúng ta vượt qua chúng. Lo sợ virus corona làm người ta rút về cuộc sống riêng tư của mình, rút vào cộng đồng lây nhiễm của mình. Tất cả đều có hại cho nền dân chủ.

Tôi tin rằng tính năng động thể hiện qua phong trào Black Lives Matter hứa hẹn một sự dấn thân của xã hội. Nhưng đồng thời tôi cũng lo ngại rằng, thế hệ trẻ có thể không còn thấy đời sống dân chủ công cộng là hấp dẫn nữa, rồi tìm cách lãng tránh để khỏi bị đổ lỗi cho việc gây thêm lây nhiễm. Nếu những người trẻ cũng rút lui, thì chúng ta sẽ không đi đến đâu với những câu hỏi về tương lai, mà chúng ta đang nôn nóng đi tìm giải đáp.

Nguồn: Daniel Ziblatt: “In den Vereinigten Staaten ist die Frage nach der Zukunft verstummt“. Die Zeit, 4.7.2020

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nói thẳng ra là tương lai nước Mỹ sẽ rơi vào tình hình đen tối nếu thiếu cân bằng
    giữa 2 khuynh hướng chính trị chính yếu : hữu và tả.
    Thời Obama một tổng thống thiên tả đã đẩy nước Mỹ về phía tả,đôi khi cực đoan
    (cực tả) khiến cho thành phần bảo thủ bị lép vế và họ dùng lá phiếu để đưa một
    tổng thống thiên hữu lên ngõ hầu thế cân bằng được tái lập.Dĩ nhiên làm như vậy
    cũng có thể đi qúa đà khiến cho phe tả phản ứng lại cực đoan hơn mà người ta đã
    thấy mới đây,không khác gì cuộc “cách mạng văn hoá” của Tàu cộng qua việc đập
    phá các tượng đài danh nhân và di tích lịch sử ?
    Một ví dụ điển hình là một người ủng hộ kẻ thù Bắc Việt CS.như Jane Fonda lại
    được Obama “phong thần” là người “phụ nữ của thế kỷ” mà lẽ ra ở nước khác thì
    y thị có thể bị tử hình vì tội cộng tác với kẻ thù !

  2. Không thể bi quan như thế được vì những gì xảy ra ở Mỹ hiện nay chỉ là tạm thời. Từ thời ăn lông ở lỗ cho đến bây giờ, thế giới phải mất bao nhiêu ngàn năm mới tiến đến được một thể chế dân chủ như chúng ta đã biết đến. Cũng giống như kinh tế thị trường, mọi thứ sẽ từ từ tự điểu chỉnh để tiến dần đến chỗ hoàn chỉnh. Hiến pháp Mỹ được soạn ra trên căn bản những người lãnh đạo khôn ngoan, có tư cách, đạo đức, tuyệt đối tôn trọng luật pháp và luôn có tinh thần đoàn kết dân tộc. Sau thời kỳ và bài học từ Trump, quốc hội sẽ phải soạn ra nhiều luật cần thiết để ngăn chặn những người lãnh đạo lợi dụng kẽ hở của luật pháp để lộng quyền, gây nên những rối loạn, chia rẽ trong xã hội. Khác với chế độ cộng sản, người dân sống trong xã hội dân chủ có thể lựa chọn con đường đi cho tương lai đất nước. Chỉ mấy tháng nữa chúng ta cũng sẽ được cầm lá phiếu để quyết định tương lai vận mệnh đất nước, nơi mà hầu hết chúng đã sống với phần lớn của cuộc đời.

    • Oopsss! Xin được sửa lại câu cuối: “nơi mà hầu hết chúng ta đã sống với phần lớn của cuộc đời.”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây