“Ngài là thiên sứ được Chúa sai xuống để lãnh đạo nước Mỹ”: Đi vào thế giới của sự sùng bái cá nhân… (Phần 2)

Vanity Fair

Tác giả: Jeff Sharlet

Dịch giả: T.Vấn

6-7-2020

Tiếp theo: Phần giới thiệuphần 1

Trong suốt 4 năm qua, một cách có hệ thống, Trump đã làm điều mà Obama từ khước không chịu làm: Khích động trực tiếp vào những cử tri một lòng một dạ đi theo mình, chọc cho họ lồng lên với sự giận dữ. Những cuộc tập họp vận động tái tranh cử của ông ta có một cái gì đó lớn hơn những sự kiện một đám đông tập họp theo nghĩa thông thường. Chúng có không khí sôi động của những cuộc họp báo, bằng thời lượng thỏa mãn người tham dự và với sự cuồng nhiệt chỉ thấy có trên sân khấu.

Sự khích động hiện hữu trong từng dòng tweet có thể có tác động như trong đời thực “IRL” (in real life), thúc đẩy tín đồ của mình tiến lên “giải phóng Virginia”, “giải phóng Michigan”. Và cơn phẫn nộ sẽ có mặt vào thời điểm quan trọng nhất vào đầu tháng mười một sắp tới, khi mà tương lai của đất nước chúng ta có thể được định đoạt bởi những màn trình diễn đầy kịch tính này.

Năm 2016, tôi đã tham dự những buổi tập họp vận động tranh cử của Trump khắp mọi nơi trên đất nước để chứng kiến tầm ảnh hưởng của tôn giáo trong sinh hoạt chính trị. Tôi phát hiện ra điều ấy nhờ vào những câu chuyện bên lề về sự giàu có của Trump, về phi cơ riêng của ông ta “Trump Force One” với dàn nội thất dát vàng và trong những lời hứa hẹn của các nhà truyền giáo hạng D, những vị thường được Trump mời đến nói vài lời chúc phúc cho các cuộc tập họp, với nội dung cũng chỉ lòng vòng từ phá thai cho đến sự suy đồi của xã hội cùng với sự giàu có như một phép lạ của Trump mà chúa đã ban cho ông ta.

Trước đó, ứng cử viên Trump đã được tín đồ của mình coi như là một bằng chứng sống của phúc âm cho sự thịnh vượng (Prosperity Gospel), được ưa chuộng bởi những người bảo thủ Thiên chúa giáo, mà nội dung của nó nhiều phần là về nỗ lực làm giàu để tiến gần đến chúa hơn là nhằm cứu rỗi xã hội loài người. Hãy chứng tỏ đức tin của mình vào ân sủng của chúa, hiện thực qua cuộc sống phong phú dồi dào của các vị mục tử được chúa giao phó nhiệm vụ, rồi thì sự giàu có sẽ từ từ đến với kẻ có đức tin.

Giống như Trump, giáo phái Phúc Âm Cho Sự Thịnh Vượng có tính cách một sự giao dịch – một thứ tôn giáo có sẵn cho bất cứ ai vớ được nó – như mọi thứ khác trong cuộc đời của ông ta. Trong những quyển sách mà Trump cho rằng chính mình đã soạn lấy, ông ta viện dẫn đến bộ ba đã góp phần tạo ảnh hưởng đến mình: Người cha, Fred Trump đã cho ông ta sức mạnh; người đỡ đầu, Roy Cohn, viên luật sư chuyên truy lùng các thành phần được coi là thân cộng [cộng sự viên đắc lực của TNS McCarthy trong thời kỳ 1950-1954 săn tìm những người tình nghi là cộng sản trong chính quyền – người dịch], đã dạy ông ta thói xảo quyệt; và viên mục sư từ thời niên thiếu, Norman Vincent Peale, tác giả có sách thuộc loại best-seller, đã truyền cho Trump Sức mạnh của tư duy tích cực.

Mục sư Peale rao giảng: Hãy cứ tin vào một điều gì đó, sớm muộn bạn sẽ sở hữu nó. Đôi bên cùng có lợi (Quid Pro Quo), là một thỏa thuận với chúa: Sự giàu có thịnh vượng (hoặc ước mơ mong nó đến) đổi lại một lòng trung thành bất khả tư nghị.

Chiến dịch vận động tranh cử của Trump lấy sức mạnh từ sự tụ hội những đặc tính bảo thủ nói trên: Sự tàn bạo của Fred Trump, sự suy đồi của Cohn và cây thập giá được gói gọn trong lá cờ như trong lời rao giảng của mục sư Peale.

Trump biết hơn ai hết, thứ thỏa thuận tốt nhất – tức loại thỏa thuận đem lại lợi lộc – không chỉ mang tính thương mại mà còn kèm theo với nó đặc tính của sự biến hình thay dạng. Ngoài một vài ngoại lệ nhỏ không đáng kể, các tổ chức Thiên chúa giáo cực hữu đã vồ vập ngay phúc âm của Trump, và họ đã gặt hái được kết quả: Môn đồ của họ chiếm lĩnh những vị trí từ cao nhất xuống đến thấp nhất trong guồng máy chính phủ của Trump, tạo thành một khối hùng mạnh hơn cả dưới thời George W. Bush hay Ronald Reagan. Trong khi đó, Trump càng ngày càng nặng thêm thiên hướng tự cho mình là nạn nhân đến mức độ hoang tưởng, khiến giới bảo thủ Kitô giáo phải dè chừng vì nó gây quá nhiều tranh cãi, khi ông ta hứa hẹn về một “cuộc chiến tranh tâm linh” với các thế lực ngầm đầy ác hiểm.

Năm 2016, khẩu hiệu của Trump đã được xướng danh: Make America Great Again (MAGA), với triển vọng về sự phục hồi một quá khứ huyền thoại (nên hiểu là: TRẮNG) đã qua. Giờ đây, nước chúa đã trị đến (the kingdom has come). Trump không còn là kẻ nổi dậy nữa, mà đã trở thành người nắm quyền hành.

Nhờ tham dự các cuộc tập họp tranh cử của Trump, tôi biết được rằng khẩu hiệu cho năm 2020 vẫn còn là một bí mật, nó đóng vai cái nháy mắt cảnh giác những người ủng hộ rằng, kẻ thù luôn vô hình và có mặt ở khắp mọi nơi: bọn nhà nước ngầm (deep state), bọn ấu dâm và FBI, những thành phố chứa chấp bọn bất hợp pháp của đảng Dân chủ và bọn “ngoài vòng pháp luật” được chúng sai phái đến để cướp phá xứ sở. MAGA đã trở thành KAG (Keep America Great) – đòi hỏi không chỉ sự thịnh vượng mà còn là phải loại trừ tất cả kẻ thù của nước Mỹ từ bên trong. Phúc âm của Thomas đã nói rõ: “Nếu các ngươi không tống khứ những thứ ở trong các ngươi ra ngoài thì những thứ mà các ngươi không tống khứ sẽ tiêu diệt chính các ngươi”.

Phúc âm của Thomas – kẻ nghi ngờ sự sống lại của Thiên chúa – tất nhiên, không có mặt chung cùng với các phúc âm của các vị thánh Matthew, Mark, Luke và John trong sách thánh King James (ấn bản Anh ngữ năm 1611 của tập kinh thánh chính thức của giáo hội Anh giáo). Nhưng Trump có bao giờ đọc kinh thánh. Ông ta đâu có cần phải đọc. Những cuốn sách về lề luật chỉ dành cho bọn thua cuộc. Đọc sách chỉ để dành cho bọn thua cuộc. Phúc âm của Trump, như phúc âm của Thomas – phản kinh điển, phản quy tắc – chính là sự ngộ (đạo), một hình thức sở hữu những điều hiểu biết bí mật chỉ dành cho kẻ mộ đạo, một thứ “chân lý” mà người ta phải có mắt để nhìn thấy được trước khi tin.

Lý thuyết về sự ngộ đạo [một phong trào dị giáo, có nguồn gốc từ đạo Thiên chúa – người dịch], ra đời từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, là con đường mà Thiên chúa giáo không lựa chọn để đi. Sách vở của nó bị tiêu diệt vì được coi là dị giáo và bị quên lãng cho đến năm 1945 khi ở Ai Cập, người ta khai quật được trong một cái bình đất sét 13 quyển kinh cổ của lý thuyết này. Và cũng có thể nó chưa bao giờ bị quên lãng vì với hàng thế kỷ trôi qua biết bao thuyết âm mưu đã tồn tại qua thời gian cùng với niềm tin sâu thẳm rằng có những sự thật hiển nhiên (truths – số nhiều) tồn tại mà, họ – Luôn là họ (ở số nhiều), từ các vị hồng y, các quan lại của giáo hội cổ xưa, bọn trí thức ưu tú đặc quyền của thế giới cổ đại, cho tới bọn truyền thông dỏm chuyên phịa tin giả đem bán rong trong thời hiện đại – không muốn chúng ta, quảng đại nhân dân, được biết tới.

Dưới con mắt người Mỹ, lý thuyết ngộ đạo này dường như có mang một chút gì có tính cách dân chủ. Phúc âm của Thomas đã khuyên: “Nhận biết được cái ở ngay trước mắt các ngươi, tức là các ngươi đã thấy được cái ẩn giấu bên trong”. Thế giới này người ta không cần phải có bằng cấp mới nhận biết được chân lý, đơn giản vì các “dữ liệu” không phải là sản phẩm của các “nhà chuyên môn”. Hiểu biết không nằm trong sự uyên bác hay sở hữu thông tin đến từ bên ngoài mà là ở bên trong chính sự hiểu biết, là cái người ta hay hiểu như “trực giác” (gut), như Trump thường hay nói tới, hoặc như mới đây trong một cuộc họp báo về Covid-19, ông ta vừa lấy tay gõ gõ vào thái dương của mình vừa phán “ở ngay đây nè!” Bằng cách đó, Trump biết rõ khi nào thì an toàn cho chúng ta được phép ra khỏi nhà, mở cửa lại kinh tế và được phép tụ tập cả ngàn người để ca tụng xưng hô ngài tổng thống.

Ủng hộ viên của Trump. Nguồn: Bruce Gilden/ Magnum

***

Tại thành phố Bossier City, trong khu vực bãi đậu xe mênh mông, đoàn người xếp hàng chờ vào bên trong, nơi tổ chức cuộc tập họp tranh cử của Trump chỉ nhích từng bước một chậm chạp, ngúc ngắc. Có vẻ như chẳng ai than phiền về điều đó cả. Đứng trước tôi là hai phụ nữ trẻ. Họ đã lấy phép nghỉ làm để đi từ Arkansas đến đây tham dự. Cả hai đều mặc quần áo có đủ 3 màu xanh trắng đỏ, đặc hiệu Trump trông rất ấn tượng. Trong lúc xếp hàng chờ, họ khoe với nhau những câu chuyện bí mật của gia đình Clinton.

Họ đã giúp giữ chỗ để tôi có thể lấy máy chụp bức hình một người đàn ông, bất kể thời tiết giá lạnh đã chỉ mặc độc chiếc quần short ngụy trang và chiếc áo T-Shirt vẽ hình Bill và Hillary Clinton – Bill thì tay cầm súng, còn hai tay Hillary đeo găng da kéo căng một sợi dây trong tư thế sẵn sàng thắt cổ một ai đó – choàng qua bức hình là hàng chữ: Bọn Clintons không thể làm cho tất cả chúng ta phải tự tử chết (CLINTONS: THEY CAN’T SUICIDE US ALL) [Thực ra, chữ SUIDCIDE ở đây có nghĩa là GIẾT. Xin xem chú thích về ARKAN-CIDE bên dưới – người dịch].

Một phụ nữ mà theo lời bà, nhờ Chúa và Trump nên cửa hàng chế biến thức ăn của bà mới mở đã thành công rực rỡ. Bà không ngại thố lộ với tôi rằng, “có thể bọn Clintons đã làm cho người chú của tôi phải tự tử”. Cũng theo lời bà, ông chú này vốn là một luật sư có quan điểm bảo thủ, rất thành công trong nghề nghiệp, chết bất đắc kỳ tử trong một nhà hàng vì bị nghẹn khi đang ăn beefsteak.

Không biết có phải như vậy không? Bà nói: “Người ta bảo chuyện ấy thật vô lý!”. Điều này có lẽ là sự thú nhận thành thực nhất của bà. Người ta đặt tên cho những vụ giết người như thế – với hung thủ là bọn Clinton, vì những lý do mà người ta chỉ có thể võ đoán – “ARKAN-CIDE”.[Có nghĩa là một người bị đối thủ chính trị của mình ám sát chết, rồi đổ cho là tự tử. Có nguồn gốc từ thời cựu tổng thống Bill Clinton còn làm Thống đốc tiểu bang Arkansas, nơi xảy ra vài vụ án chết người không tìm ra thủ phạm, rồi sau đó giới hữu trách cho là tự tử. Do đó: ARKAN: Arkansas; CIDE: Suidcide – người dịch].

Bên trong địa điểm tập họp, ngay trước diễn đài, phần lớn đều là đàn ông. Họ thà phải đứng ở đây từ nhiều tiếng đồng hồ trước – không ai được phép ngồi – còn hơn là xếp hàng bên ngoài. Tôi khơi mào cuộc chuyện trò với một cặp đứng tuổi. Họ có mặt ở vị trí hàng đầu từ lúc trời chưa sáng. Phần thưởng cho sự tận tụy này là họ được tặng mỗi người một chiếc áo thun đen dài tay có in trên đó hàng chữ màu trắng, TRUMP’S TWEETS MATTER.

Người chồng tự giới thiệu họ là những nhà truyền giáo. Ông ta là mục sư Sean Jones. Ông đội mũ MAGA và để râu dài giống như các nhân vật trong kinh Cựu ước. Vẻ mặt ông trông phong trần, thận trọng, và khôn ngoan. Kẹp giữa hai chân ông là một chiếc nón màu đen, có kẻ hàng chữ GOD WINS, lấy ý từ một bài viết trên QAnon rất có ảnh hưởng [QAnon là một nhóm người có tư tưởng hữu khuynh cực đoan, tin rằng hiện đang có một nhà nước ngầm – deep state – mà mục đích của nó là phá hoại và tìm mọi cách lật đổ chính quyền Trump – người dịch].

Áo và mũ của mục sư Sean là món quà tặng từ một vị mục sư bạn, ông này cũng như Sean, có mặt trong hầu khắp các buổi tập họp tranh cử của Trump. Về phần mình, quà tặng của mục sư Sean gởi đến các tín đồ Trump đồng đạo là quyển Tân Ước nhỏ có in kèm theo Hiến pháp Hoa Kỳ, một văn kiện mà Sean tin rằng “mang hơi thở của Chúa”. Ông cho biết đã cho phổ biến cả ngàn quyển thánh kinh như vậy.

Bốn năm trước đây, bầu không khí ở những cuộc vận động tranh cử của Trump, tuy rất náo nhiệt, nhưng cũng khá nặng nề, pha trộn giữa sự phẫn nộ và cảm giác hy vọng về một khả thể “chiến thắng”. Chiến thắng quá trời luôn, Trump hứa hẹn, chiến thắng nhiều đến độ mình cảm thấy mệt mỏi vì chiến thắng.Và kể từ ngày đó, ông ta đã chiến thắng; thắng và thắng, và thắng. Giờ đây, nguồn năng lượng thúc đẩy mọi người là sự chiến thắng. Thậm chí, cả những thế lực đen tối bên ngoài.

Nếu trong các diễn trường của các cuộc tập họp ủng hộ Trump là nơi an toàn cho các tín đồ, hoặc trong một ngôi nhà thờ nơi những người cùng chí hướng tụ họp, với một rừng mũ đỏ MAGA, thì thế giới bên ngoài lại đáng sợ hơn bao giờ hết. “Những vụ giết người bí mật xảy ra ở khắp mọi nơi”. Mục sư Sean nói, giọng thấp hẳn xuống, như muốn gầm gừ: “Bọn ấu dâm và ma quỷ ấy!”.

Đó là lý do Sean yêu Trump, bởi vì với Sean, Chúa đã chọn Trump cho giờ phút này đây. Điều mà những người phê bình Trump cho là thô thiển và chia rẽ, mục sư Sean coi đó là bằng chứng của sự phê chuẩn của Chúa. Trump là chiến binh của Chúa, là một chiến sĩ, một “võ sĩ giỏi phản công”. Tất cả những thứ đó làm cho mạng sống của Trump bị nguy hiểm. Mục sư Sean quả quyết. “Ổng biết nhiều quá!”.

Bình Luận từ Facebook