Bản tin ngày 17-6-2020

BTV Tiếng Dân

17-6-2020

Tin Biển Đông

Vụ tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông vừa cập nhật tin tối: “Chiều và tối nay, tàu Hải Dương Địa Chất 4 tiến sâu vào vùng biển Việt Nam với tốc độ khá cao, trung bình trên 16 hải lý/giờ. Vào thời điểm này, tàu chỉ còn cách đảo Phú Quý khoảng 125 hải lý.

Có ít nhất 1 tàu Việt Nam đã bám rượt theo chuyển động của tàu Hải Dương Địa Chất 4. Cơ sở dữ liệu tàu thuyền cho biết dường như đây là tàu kiểm ngư Việt Nam. Tuy nhiên tàu chỉ đi với vận tốc chừng 7 hải lý/giờ, chỉ bằng 1/2 vận tốc tàu Hải Dương Địa Chất 4. Hiện tại chiếc tàu Việt Nam vẫn còn đang cách tàu Hải Dương Địa Chất 4 khoảng 15 hải lý”.

Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin tối nay, tàu Hải Dương 4 “tiếp tục di chuyển về phía Tây, đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vào lúc 7h41′ tối 17/6/2020, tàu chỉ cách đảo Hòn Hải 126.6 hải lý… Vị trí của tầu hiện nay gần với vĩ tuyến N 10, ngang với vùng biển giữa Bến Tre và Sóc Trăng“.

Vị trí Hải Dương 4 hiện nay chỉ cách đảo Hòn Hải 126.6 hải lý. Ảnh: Phạm Thắng Nam

Trước đó, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết: “Lúc 14h17 chiều 17/6, Hải Dương 4 đã vào sâu hơn về phía Tây khoảng 16 hải lý so với vị trí lúc 7h25′ sáng; khoảng cách tới đảo Phú Quý hiện tại là 156 hải lý. Tàu di chuyển theo hướng tây tây nam (hướng mũi tàu ở góc 253 độ) với tốc độ 16,4 hải lý/ giờ“.

Vị trí tàu Hải Dương 4 vào chiều nay qua AIS. Nguồn: Đức Tâm/ Dự án ĐSKBĐ

Trang tin này cũng nêu vấn đề: Trong một ngày qua, tàu Hải Dương 4 hầu như di chuyển rất chậm, chỉ khoảng 2-3 hải lý, có những lúc như thả trôi, cho thấy đây không đơn thuần là một sự đi qua vô hại bình thường được cho phép theo luật quốc tế, và với một vận tốc chậm như vậy thì có vẻ tàu không có ý định rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không biết đã có lực lượng nào của Việt Nam ngoài thực địa tiếp cận để biết mục đích thực sự của tàu chưa?

RFA đưa tin hôm qua: Tàu khảo sát của Trung Quốc lại vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đài cho biết, họ đã sử dụng hai phần mềm định vị xác định tàu Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6, sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Dữ liệu định vị mới nhất vào sáng 16/6 cho thấy, tàu này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Đài RFI cũng đưa tin: Tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn nguồn từ hãng tin Mỹ BenarNews. Theo phỏng đoán của BenarNews, việc tàu Hải Dương 4 xâm nhập vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác quốc tế tại khu vực này.

Về chuyện một học giả Trung Quốc bắn tiếng dọa Việt Nam nếu kiện về Biển Đông! Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS ở Singapore, nêu ý kiến với RFA: “Việc đảng cộng sản Trung Quốc dùng một học giả để dọa người Việt Nam, là việc không hay ho gì. Nếu Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc mà dọa như thế, thì Việt Nam mới có ý kiến, chứ đây lại dùng một học giả, kể cả ông Tồn ấy có là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cho nên Việt Nam không chấp”.

VOA có bài phỏng vấn: Chuyên gia Việt Nam: Hà Nội ‘đồng thuận’, ‘tích cực’ chuẩn bị khởi kiện về Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định: “Tôi cho rng Trung Quc đe da là mt chuyn, nhưng tôi vn khng đnh rng sm mun gì Vit Nam phi khi kin Trung Quc thôi. Bi vì Trung Quc s không dng các tham vng ca h trên khu vc Bin Đông và càng ngày càng ln ti, và ln ti mt mc nào đó thì Vit Nam không chu ni, buc phi đưa Trung Quc ra tòa”.

Báo Thanh Niên cho hay: Tàu chiến Trung Quốc và Mỹ áp sát nhau trên Biển Đông. Nguồn tin dẫn từ báo South China Morning Post, cho biết, một nguồn tin quân đội Trung Quốc tiết lộ, tàu chiến hai nước Mỹ-Trung từng chạy cách nhau chỉ 100 m trong cuộc chạm mặt trên Biển Đông hồi tháng 4. Nguồn tin này không nêu rõ tên tàu chiến liên quan, nhưng nói, sự việc này cho thấy sự thiếu lòng tin chính trị giữa quân đội Mỹ – Trung.

Phát biểu với South China Morning Post về cuộc chạm trán này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải tại Đại học Bắc Kinh, ông Hu Bo, nói rằng: “Loại hành vi khiêu khích này hoàn toàn được thúc đẩy bởi nhu cầu chính trị nhằm phô trương lực lượng và thể hiện sức mạnh . Nhưng, điều đó có thể trở thành một tai nạn và dẫn đến một cuộc xung đột quy mô nhỏ và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, làm thế nào bạn có thể dự đoán và kiểm soát hậu quả của một cuộc chiến?”

Mời đọc thêm: Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông (VOV). – Philippines “hâm nóng” quan hệ với Mỹ khi Trung Quốc gia tăng bành trướng (DT). – Cảnh báo xu hướng nguy hiểm giữa Mỹ – Trung trên biển Đông (NLĐ). – Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông (TN).

Đụng độ chết người tại biên giới Trung-Ấn

Trang Nghiên cứu Quốc tế có bài dịch từ báo Economist của Anh: Xung đột chết người tại biên giới Trung – Ấn: Điều gì đang xảy ra? Bài viết tường thuật: “Hai đội quân đều có súng, pháo và xe tăng ở phía sau. Nhưng ở đằng trước, họ chỉ cầm gậy gộc và đá, khi màn đêm buông xuống vào ngày 15 tháng Sáu. Nhưng thế là đủ chết người.

Khi cuộc ẩu đả kết thúc, và những tảng đá cuối cùng được ném đi, ít nhất 20 lính Ấn Độ nằm chết trong thung lũng Galwan đẹp như tranh vẽ trên núi Ladakh. Thương vong phía Trung Quốc vẫn chưa rõ bao nhiêu. Đây là những trường hợp tử vong do xung đột đầu tiên ở vùng biên giới nhiều đồi núi giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 45 năm qua, chấm dứt kỷ nguyên mà trong đó hai cường quốc châu Á đã quản lý sự khác biệt giữa họ với nhau mà không phải đổ máu”.

Bản đồ khu vực xảy ra đụng độ ngày 15/06/2020. Ảnh: Economist

Báo Tuổi Trẻ đưa tin Trung Quốc thiệt hại gấp đôi Ấn Độ trong đụng độ ở biên giới? Theo hãng thông tấn ANI của Ấn Độ, dẫn các nguồn tin riêng cho biết, ít nhất 43 lính Trung Quốc đã tử thương trong cuộc đụng độ này.

Nguồn tin này dẫn lời nhà báo Rahul Kanwal của India Today nói: “Báo cáo sơ bộ của Chính phủ Ấn Độ cho thấy phía Trung Quốc chịu thương vong nặng nề. Không loại trừ khả năng Trung Quốc không thừa nhận vì họ đã có lịch sử che giấu thiệt hại nhân mạng“.

Tiếng Dân cũng có bài dịch từ Washington Post nói rằng: “Quân đội Trung Quốc đã vượt nhiều km sâu vào lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền tại nhiều địa điểm ở Ladakh, theo các nhà phân tích và truyền thông đưa tin. Đặc biệt, tin tức nói rằng, Trung quốc đã chiếm một khu vực trong thung lũng sông Galwan, là con đường chiến lược huyết mạch của Ấn Độ”.

Báo Business Insider phiên bản Ấn Độ có bài phân tích: Sự hiếu chiến của Trung Quốc không chỉ nhắm vào Ấn Độ – mà ít nhất là bốn quốc gia khác trong khu vực. Bài viết cho biết, không chỉ Ấn Độ, khoảng hai tuần qua, Trung Quốc còn có các hành động thù địch với Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, và Việt Nam – với hành vi xâm phạm chủ quyền và đâm chìm tàu cá của VN trên biển Đông.

Bài viết đưa ra nhận định, các xung đột được tạo ra là nhằm đánh lạc hướng khỏi sự bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 đang quay trở lại Trung Quốc và lần đầu tiên nền kinh tế của quốc gia này bị suy thoái sau gần 50 năm tăng trưởng, đang đe dọa sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mời đọc thêm: Đụng độ đường biên Trung-Ấn, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết (BBC). – Truyền thông Trung Quốc im ắng về vụ đụng độ ở biên giới với Ấn Độ (TN). – Điểm lại những lần Trung – Ấn đụng độ biên giới (VNN). – Lý giải vì sao căng thẳng biên giới Ấn Độ – Trung Quốc đột nhiên leo thang (ANTĐ). – Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ “khác thường và đáng lo ngại”? (Soha).

Vụ Hồ Duy Hải: “Sự phá án bỉ ổi của Điều tra viên”

Về vụ án đang gây bão mạng, luật sư Trần Đình Dũng tiết lộ, trong hồ sơ về vụ án Hồ Duy Hải mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi lên Ủy ban Tư pháp Quốc Hội có chi tiết: “Lời khai đầu tiên của bị cáo không nhận tội thì không đưa vào hồ sơ vụ án cũng như không có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra”.

Luật sư Dũng nhận định, việc rút bỏ bản cung khai KHÔNG nhận tội của Hồ Duy Hải ra khỏi hồ sơ vụ án để chỉ còn bản cung nhận tội, cho thấy sự phá án bỉ ổi của Điều tra viên.

Thông tin này đã vạch trần sự gian dối của ông Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội hôm 15/6, nói rằng: “Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội và ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội” và “Hải không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, người kêu oan là mẹ của Hồ Duy Hải”.

VTC Now có clip phát biểu của Chánh án Nguyễn Hòa Bình:

Facebooker tên Hồ Khải Đức bình luận trong bài của luật sư Trịnh Đình Dũng: “Đúng là có sự gian dối trong hồ sơ Hồ Duy Hải nên mới ép tội đến cùng. Một nền tư pháp thổ tả không được lòng dân”.

Hôm qua, cũng tại phiên họp Quốc hội, các thành viên trong Ủy ban Tư pháp cho biết, sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đánh giá về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, luật sư Đặng Đình Mạnh có bài viết: Kích hoạt điều 404 và hệ quả. LS Mạnh nhận định: “… để đạt túc số ¾ (tức 13/17) số thẩm phán cấp cao chấp thuận đảo ngược quyết định trước đây của mình, có lẽ, cần có một quyết tâm cao về chính trị… Mà quyết tâm đó, chỉ ở Ba Đình mới có thể quyết định chứ không phải ở Pháp đình”.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cũng bày tỏ hoài nghi về tính khách quan của 17 vị thẩm phán trong Hộ đồng thẩm phán TAND tối cao nếu họ tiếp tục xem xét lại chính phán quyết trước đây của mình. LS Quynh viết: “Để đảm bảo khách quan, duy nhất chỉ chờ hết nhiệm kỳ Hội đồng thẩm thán TAND tối cao khóa này, để thành lập Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khóa mới, nhiệm kỳ mới vào năm 2021”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện biển đảo, chuyện oan khuất của HDH và chuyện tham nhũng sẽ bị gác qua một bên vì tổng chủ đang bận lo đại hội đảng cướp.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây