Chính quyền Trump và phương tiện truyền thông (Phần 9)

Ủy ban Bảo vệ Ký giả

Dịch giả: Song Phan

16-4-2020

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6phần 7phần 8

Tác động bên ngoài Hoa Kỳ

Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tâm trạng tốt khi họ ngồi xuống trước báo chí tại cuộc họp thượng đỉnh G20 hàng năm tại Osaka, Nhật Bản, vào ngày 27/6/2019. Trong lúc máy ảnh và micro đang được chuẩn bị, Trump đã nói đùa: “Hãy loại bỏ chúng đi”.

Sau đó, với Putin, Trump nói thêm, “Tin giả là một cụm từ tuyệt vời, phải không? Ông không gặp vấn đề này ở Nga, nhưng chúng tôi gặp”.

Chúng tôi cũng bị”, Putin trả lời bằng tiếng Anh. “Cũng giống vậy”.

Trên thực tế, chính phủ Nga đã kiểm soát các cơ quan báo chí lớn ở Nga và họ đã sách nhiễu hầu hết các nhà báo độc lập. Kể từ năm 2000, năm Putin lên nắm quyền, có ít nhất 25 nhà báo đã bị sát hại ở Nga để trả thù cho những việc làm của họ, theo nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả.

Trao đổi trên giữa Trump và Putin là một ví dụ tiết lộ về tầm vươn ra quốc tế của Trump đối xử với báo chí Mỹ. Các nhà lãnh đạo độc đoán ở các quốc gia khác đã sử dụng “tin giả” như là cách biện minh cho việc hạn chế tự do báo chí, và nhiều người trong số họ ca ngợi những lời hoa mỹ của Trump như sự khích lệ.

Việc ông nêu lời cay độc và không ngừng tấn công các nhà báo được sao chép lại trên khắp thế giới. Ở các nước khác, họ đang nghĩ, ‘Nếu Mỹ không coi trọng báo chí độc lập, tại sao chúng ta phải coi trọng nó?’ Điều đó đang làm nền báo chí thu nhỏ dần trên toàn thế giới”. Giáo sư luật của Đại học Bắc Carolina David Ardia, đồng giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách Truyền thông của UNC nói.

Từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2019, ít nhất 26 quốc gia đã ban hành hoặc đưa ra luật pháp và các quy định của chính phủ, hạn chế truyền thông mạng và truy cập báo chí dưới tên tin giả, theo Sarah Repucci, phó chủ tịch nghiên cứu và phân tích của Freedom House. Các nhà lãnh đạo Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Philippines và Campuchia là những nước trong số các nước đàn áp nhà báo đã nêu ví dụ về Trump và “tin giả”, thường sau khi gặp và được ông ta ca ngợi.

Ông Dubke, cựu giám đốc truyền thông của tòa Bạch Ốc, nói: “Điều làm tôi quan ngại là các nhà lãnh đạo độc đoán đặt ra những hạn chế đối với báo chí của họ, hiện đang sử dụng những lời của Tổng thống Trump để biện minh cho những điều họ đang làm. Thật tiện lợi cho họ để làm như vậy”.

Nhưng vai trò của Trump còn lớn hơn thế, như AG Sulzberger, chủ nhà xuất bản New York Times, nói trong bài phát biểu tháng 9 năm 2019 tại Đại học Brown, sau đó được đăng trên báo New York Times. Ông nói: “Trong việc tấn công truyền thông Mỹ, Tổng thống Trump đã làm nhiều hơn là làm suy yếu niềm tin của chính công dân mình vào các tổ chức tin tức, qua nỗ lực buộc ông ta có trách nhiệm. Một cách hiệu quả, ông đã cho phép các nhà lãnh đạo nước ngoài được phép làm điều tương tự với các nhà báo ở đất nước họ và cho họ vốn từ vựng dùng để làm điều đó”.

Họ đã háo hức đón nhận cách tiếp cận này” Sul Sulzberger nói, dẫn nghiên cứu của New York Times. “Trong vài năm qua, hơn 50 thủ tướng, tổng thống và các nhà lãnh đạo chính phủ khác trên khắp năm châu đã sử dụng thuật ngữ ‘tin giả’ để biện minh cho hoạt động chống báo chí ở các cấp độ khác nhau”. Sulzberger liệt kê các nhà lãnh đạo và quan chức ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc, Philippines, Hungary, Brazil, Venezuela, Malawi, Burundi, Cameroon, Chad, Campuchia, Myanmar, Mexico và Israel làm ví dụ.

Tôi đã nêu ra những lo ngại này với Tổng thống Trump”, Sulzberger nói, đề cập đến cuộc họp tại Phòng Bầu dục ngày 20/7/2018 giữa hai người. “Tôi đã nói với ông ta rằng những nỗ lực tấn công và đàn áp báo chí độc lập là những gì mà Hoa Kỳ đang truyền cảm hứng ở nước ngoài. Mặc dù ông ta lắng nghe một cách lịch sự và bày tỏ sự lo lắng, ông ta vẫn tiếp tục leo thang những lời dao to búa lớn chống báo chí, vốn đã đạt đến một tầm cao mới khi ông ta vận động tranh cử lại”.

Chính quyền Trump “đã rút lui khỏi vai trò lịch sử của đất nước chúng ta với tư cách là người bảo vệ báo chí tự do”, Sulzberger nói. “Nhận thấy rằng, các quốc gia khác đang chỉa mũi dùi vào các nhà báo với ý thức không khoan nhượng”.

Vào cuối năm 2019, có ít nhất 250 nhà báo ở các nước trên thế giới đã bị bỏ tù, liên quan đến công việc của họ, theo khảo sát toàn cầu hàng năm của CPJ. Ba trong số những nước cầm tù tồi tệ nhất – Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Ai Cập – có mối quan hệ quân sự, kinh tế và chính trị mạnh mẽ với Hoa Kỳ.

Khi những kẻ ám sát Saudi sát hại nhà báo chuyên mục Jamal Khashoggi của Washington Post bên trong toà lãnh sự Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 2/10/2018, ông là một trong 34 nhà báo bị giết trên toàn thế giới vào năm đó, theo CPJ. CIA kết luận rằng, thái tử Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman, đã ra lệnh giết và chặt xác Khashoggi thành nhiều khúc, Khashoggi là một nhà phê bình không khoan nhượng về sự cai trị của ông Salman. Nhưng Trump đã không có hành động nào đối với thái tử hoặc Ả Rập Saudi, trong khi vẫn duy trì quan hệ ngoại giao, quân sự và kinh tế bình thường.

Chính quyền Trump đã theo đuổi các thỏa thuận vũ khí tiềm năng với Saudi, thay vì tăng cường sự can đảm để bảo vệ các giá trị tự do báo chí và nhân quyền của Mỹ”, Fred Ryan, chủ báo Washington Post Post viết trong ngày kỷ niệm đầu tiên về vụ hạ sát Khashoggi.

Trump chào đón Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el- Sisi tới tòa Bạch Ốc vào ngày 9/4/2019. Ai Cập là một trong những nước cầm tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới, theo nghiên cứu của CPJ. Nguồn: Reuters / Carlos Barria.
Bình Luận từ Facebook