Beijing Review: Hà Nội bội tín

Trần Quốc Việt dịch

23-4-2020

Lời người dịch: Vào ngày 30/1/1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Chúng tôi dịch phần thứ tư của văn kiện này, đăng trên tạp chí Trung Quốc Beijing Review, số 7 ngày 18/2/1980, để độc giả tiếp cận thông tin đa chiều về vấn đề gây nhiều tranh cãi này. Tựa đề tiếng Việt là của người dịch.

***

Cần phải hiểu rõ rằng trước đây thường không có tranh chấp về sở hữu hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Suốt một thời gian rất dài, phía Việt Nam đã chính thức công nhận hai quần đảo này là lãnh thổ từ thời xa xưa của Trung Quốc, hoặc trong các bản tuyên bố và công hàm của họ, hay trên báo, tạp chí, bản đồ và sách giáo khoa của họ.

Ngày 15/6/1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp Lý Chí Mẫn, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, và tuyên bố với ông ta, “theo tư liệu Việt Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa về mặt lịch sử thuộc về lãnh thổ Trung Quốc“. Lê Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam, có mặt trong buổi đón tiếp, đã trích dẫn chính xác tư liệu Việt Nam và chỉ ra rõ ràng, “xét theo lịch sử, hai quần đảo này đã thuộc về Trung Quốc vào thời triều đại nhà Tống“.

Trong bản tuyên bố vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố chiều rộng hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và tuyên bố rất rõ ràng “điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, bao gồm… Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa, Quần đảo Nam Sa và tất cả những đảo khác thuộc về Trung Quốc“.

Vào ngày 6 tháng 9 năm 1958, báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, trang trọng đăng trên trang nhất nội dung chi tiết bản tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc. Báo viết: “Vào ngày 4 tháng Chín, 1958 Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về hải phận của Trung Quốc. Bản tuyên bố quy định chiều rộng hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý (hơn 22 km). Điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đại lục Trung Quốc và các đảo duyên hải của Trung Quốc, cũng như Đài Loan và những đảo xung quanh, Quần đảo Bành Hồ, Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa, Quần đảo Nam Sa và tất cả những đảo khác thuộc về Trung Quốc ở ngoài biển khơi cách xa đại lục và các đảo duyên hải của Trung Quốc“.

Vào ngày 14 tháng 9 cùng năm, trong công hàm gửi Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đồng long trọng tuyên bố “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc“. và “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy“. Bức công hàm của Phạm Văn Đồng chứng minh rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã công nhận Quần đảo Tây Sa và Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong bản tuyên bố vào ngày 9 tháng 5 năm 1965 về việc Chính phủ Mỹ chỉ định “khu vực chiến đấu” cho lực lượng Mỹ tại Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sự chỉ định ấy là “mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc gia láng giềng” vì “Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson coi toàn thể nước Việt Nam và vùng biển kế cận mà trải dài độ 100 dặm từ bờ biển Việt Nam và một phần hải phận của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa tại Quần đảo Tây Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ“. Ở đây, một lần nữa Chính phủ Việt Nam rõ ràng công nhận Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Khi tường thuật những vụ xâm nhập của nước ngoài vào Quần đảo Tây Sa, báo chí Việt Nam cũng công nhận những đảo này thuộc về Trung Quốc. Chẳng hạn, vào ngày 13 tháng 5 năm 1969 báo Nhân Dân tường thuật rằng “vào ngày 10 tháng Năm máy bay quân đội Mỹ đã xâm phạm không phận của Trung Quốc trên Đảo Vĩnh Hưng (1) và Đảo Đông Đạo (2) thuộc Quần đảo Tây Sa của Tỉnh Quảng Đông“. Báo chí Việt Nam đã đăng nhiều bài tường thuật tương tự.

Các bản đồ và sách giáo khoa chính thức của Việt Nam đều thừa nhận rất rõ ràng hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Chẳng hạn, Bản đồ Thế giới do Phòng Bản đồ thuộc bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh dấu hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa bằng tên tiếng Trung và chú thích trong dấu ngoặc hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc. Tập bản đồ Thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam cũng đánh dấu hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa bằng tên tiếng Trung.

Một trường hợp khác, bài học tựa đề “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” trong sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản vào năm 1974 viết một đoạn như sau: “Chuỗi quần đảo từ Quần đảo Nam sa và Tây Sa đến Đảo Hải Nam, Đảo Đài Loan, Quần đảo Bành Hồ và Quần đảo Chu San… hình dạng như cây cung và tạo thành một Vạn Lý Tường Thành bảo vệ đại lục Trung Quốc“.

Người Việt Nam nhấn mạnh một cách nghiêm túc rõ ràng rằng, để xác lập chủ quyền lãnh thổ cần thiết phải đưa ra “những tài liệu nhà nước chính thức” và “những văn kiện có giá trị pháp lý”. Những điều chúng tôi đã trích dẫn ở trên chính xác là “những tài liệu nhà nước chính thức” và “những văn kiện có giá trị pháp lý”của Việt Nam. Điều này chứng minh rõ ràng từ trước cho đến năm 1974 Chính phủ Việt Nam đã công nhận hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Giờ đây, chính quyền Việt Nam đã nuốt lời và tráo trở từ bỏ lập trường công nhận hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc ban đầu của họ và theo luật quốc tế đây là điều tuyệt đối không thể nào cho phép.

Nguồn: Tạp chí tiếng Anh của Trung Quốc Beijing Review, số 7 ngày  18/2/1980.

http://www.marxists.org/subject/china/peking-review/1980/PR1980-07.pdf

_____

Chú thích của người dịch:
(1) Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.
(2) Đảo Lincoln thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.
Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Công hàm của TT Chính phủ VNDCCH Phạm Văn Đồng không có gía trị pháp lý, vì không được quốc hội VN thông qua.
    Các bài trên báo Nhân Dân – dù cho tờ báo ấy là của một đảng cầm quyền – cũng như các bản đồ, sách giáo khoa,… toàn do gián điệp, tay sai của Bắc Kinh chủ mưu in ấn, cũng hoàn toàn không có gía trị pháp lý!

    Không phải của Phạm Văn Đồng.
    Không phải của ĐCSVN.
    Hoàng Sa, Trường Sa là của nhân dân VN!

    Chứng minh điều đó cho Trung Cộng, chỉ bằng cách ĐCSVN tự xóa bỏ Điều 4 bẩn thỉu – trong Hiến pháp VN.

  2. Dấu ẤN của CHA TRUNG – Dấu ỊN của CON HOANG …
    ***********************************************

    Dấu ẤN CHA tài – Dấu ỊN CON ngoan …
    Đường ngoại giao ngoài vạn dặm ngàn
    Đấu trí trên võ đài đấu trường Thế giới
    Khí phách Tài năng thử lửa gian nan
    Đôi vai mang nặng Vận mệnh Nước
    Giữa Liên Hiệp Quốc ngay trên Bàn tròn
    Quán tính sức ì từ trong Quốc nội
    Lũ giặc trong phá huỷ chuyện Nước Non
    Dấu ẤN CHA vỗ bàn Vịt gian điểm mặt
    Dấu ẤN CON chỉ kịch sĩ thực hiện ngoan …
    Rạng đông Ngoại giao Việt mờ đi do vậy
    Bình minh thành Hoàng hôn đắm Dân gian !
    HOÀNG Sa nửa TRƯỜNG SA mãi tồn đọng
    BIỂN ĐÔNG lưỡi bò Đại Hán liếm Bạt ngàn
    Trùng khơi Trung C..uốc thành hải tặc ‘LẠ’
    Hải phận Công pháp Quốc tế chúng nghênh ngang
    GẠC MA hơn ba Thập kỷ vẫn chưa kiện
    Bài học Phi Luật Tân chưa hề luận đàm
    Tài ba chắc có chắc thiếu Khí phách ?
    Bố ký ẤN tín con chỉ ỊN dấu tay ban !!!!
    Ngàn sau Việt sử Bia miệng còn nhắc mãi
    Dấu ẤN bậc CHA Trung – Dấu ỊN thằng CON HOANG …


    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT cảm hứng thử xem xong video :

    https://www.youtube.com/watch?v=jB2BJ8gCphY

    DẤU ẤN Nguyễn Cơ Thạch ở LHQ Sau cái BẮT TAY NGẦM VƯỢT ĐẠI DƯƠNG CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC!

    viết thẳng BẮN LÊN màn hình vào Không gian điện tử tin học – Châu lục thứ 6 INTERNET

  3. Để cứu Hoàng Sa và Trường Sa, nhất thiết phải phục hồi chính thể VIỆT NAM CỘNG HOÀ, vì là sở hữu chủ không thể tranh cải của hai quần đảo. Tức là giải thể CHXHCN VN, chỉ mất chế độ, nhưng được toàn vẹn lãnh thổ, thế mới là yêu nước. Nhất bên trọng, nhất bên khinh!?

  4. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 thì hình thành 2 quốc gia Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Cả 2 quốc gia này đều được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia đồng minh của mình công nhận là hợp pháp. Từ vỹ tuyến 17 trở xuống thuộc sự quản lý của VNCH, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Trong trường hợp này, Trung Quốc và Bắc Việt đều không phải là bên có chủ quyền đây nên mọi tuyên bố liên quan đến 2 quần đào này đều vô giá trị. Kể cả các tuyên bố chủ quyền của TQ và tuyên bố ủng hộ của Bắc Việt đều không có giá trị với phần lãnh thổ này.
    Bản chất của công hàm 1958 là không có giá trị.
    Trung Quốc đang cố gắng vin vào điều này và họ đã sai nên đề nghị những người Việt trên đây đừng vì ghét Cộng Sản mà tiếp tay cho cái sai của họ để làm hại đất nước VN.

  5. Bây giờ mới hiểu tại sao đa số -nói cho rõ- mọi người thời đó tin yêu Đảng Cộng Sản thế . Từ bộ đội Cụ Hồ tới “đảng viên hoạt động nội thành” Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu & Chu Sơn, ông bà nội của Nguyễn Thùy Dương, rùi đội quân khăn rằn … ui thui đủ mặt anh (2) hào!

    Nếu vậy thì bản công hàm mang tên người thầy kính mến của gs Tương Lai là 1 tư liệu lịch sử rất đáng trân trọng, vì đã góp phần tạo dựng lòng tin cho nhân dân & trí thức cả nước trong công cuộc đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam cho Trung Quốc, xứng đáng với mỹ từ “Đảng ta” của nhà thơ Bùi Minh Quốc . Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quả danh bất hư truyền! Đăng trên báo Nhân Dân rõ ràng . Dân không đọc nhưng trí thức thì đọc lấy đọc để .

    “bài học tựa đề “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” trong sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản vào năm 1974 viết một đoạn như sau: “Chuỗi quần đảo từ Quần đảo Nam sa và Tây Sa đến Đảo Hải Nam, Đảo Đài Loan, Quần đảo Bành Hồ và Quần đảo Chu San… hình dạng như cây cung và tạo thành một Vạn Lý Tường Thành bảo vệ đại lục Trung Quốc“

    Whoa, nền giáo dục do những trí thức tuyệt vời như gs Hoàng Tụy đặt nền móng quả có khác! Théc méc của tớ là bộ sách giáo khoa này có do nhà văn-nhà giáo Phạm Toàn nhúng tay vào ? Nếu đúng thì quả thật “với tất cả sự mẫn cảm của 1 nhà văn” miêu tả rất chính xác phần được trích dẫn . Tớ đoán những người viết nên bộ sách giáo khoa này đã nêu cao tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật & rất khách quan, công bằng của mình .

  6. Nghĩ lại thấy mà tức cười! Tàu cộng nó muốn tuyên bố gì thì mặc kệ nó. Việt cộng tự nhiên gởi công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố” của chúng nó rồi bây giờ mở miệng mắc quai. Bây giờ còn cãi cái quái gì nữa!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây