Corona: Đúng việc, đúng lúc (Phần II)

Thục Quyên

20-4-2020

Tiếp theo Phần I

II/ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có làm đúng việc, đúng lúc?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trụ sở đặt tại Geneva, được thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1948, hiện nay có 194 quốc gia thành viên.

Công việc chính của WHO là giúp các nước nghèo chống lại bệnh tật. Và để có khả năng làm được công việc này, WHO cần sự đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên. (1)

Trận đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành trên khắp thế giới chưa biết bao giờ mới tìm ra cách chống hữu hiệu, một số người đã lên tiếng phê bình WHO tắc trách, không ứng phó với cuộc khủng hoảng kịp thời. Họ cho rằng, trong một thời gian quá lâu tổ chức này đã chấp nhận và loan tải những tin tức do Trung Quốc phát tán, dù những tin này không phản ảnh đúng tầm mức nghiêm trọng của đại dịch, và WHO đã có những tuyên bố không rõ ràng, cũng như hành động do dự.

Lẽ dĩ nhiên gần như không ai còn chút nghi ngờ nào về thái độ vô trách nhiệm, cố gắng che đậy dịch bệnh của Trung Quốc, nhất là trong những tuần đầu tiên, tuy nhiên, WHO có chủ đích tham gia vào hành vi này hay không sẽ còn cần phải điều tra sau khi dịch bệnh đã ngưng.

Dù sao, tuy về bản chất, tất cả những thiếu sót của WHO được nêu đã ít nhiều có xảy ra, nhưng từ đó để buộc tội WHO làm thế giới mất cơ hội chặn đứng nạn dịch vì “đã chịu ảnh hưởng Trung Quốc, che đậy sự lây lan của dịch COVID-19” là điều không trung thực. Nó cho thấy một sự hiểu biết hoàn toàn sai lầm về vai trò và quyền lực của tổ chức liên chính phủ này, cũng như sự không nhìn nhận những khiếm khuyết xử thế của từng quốc gia.

WHO chủ yếu là một cơ quan và không phải là một dịch vụ y tế khẩn cấp.

Hoạt động của WHO có thể được so sánh với một hoạt động của lực lượng Mũ Nồi Xanh của Liên Hiệp quốc. Đó là một tập hợp sự có mặt của các quốc gia thành viên và trên hết, WHO phụ thuộc vào ý chí, kỹ năng và phương tiện của các quốc gia này để thực hiện các dự án chung của họ trên toàn thế giới.

Những tổ chức liên quốc gia thường phải ngoại giao rất mềm mỏng và cẩn trọng với các quốc gia thành viên của họ, và người ta khó có thể mong đợi những tổ chức này ra mặt chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thông tin và y tế của một quốc gia. Việc này là nhiệm vụ của các tổ chức viện trợ độc lập, của giới vận động hành lang và tất nhiên là báo chí.

Chiếu theo nội qui, WHO phải định hướng theo các cơ quan y tế của các quốc gia thành viên, chứ không thể dựa trên những dư luận rất khác biệt trong các xã hội tự do. Tất nhiên, điều này làm cho việc quyết định hơi chậm chạp, nhưng đó là do bản chất hệ thống của Liên Hiệp Quốc. Không thể bắt lỗi WHO về mặt này.

Hành động “hất luôn cả đứa bé cùng với nước tắm” là sai lầm và vô trách nhiệm, vì WHO cần được duy trì và củng cố để làm rất nhiều công việc quan trọng.

Ít hơn một đô la mỗi năm

Khoản đóng góp bắt buộc của các thành viên WHO chỉ bao gồm được một phần năm (1/5) ngân sách khiêm tốn của tổ chức là dưới năm tỷ đô la – thậm chí không tới một đô la một năm cho mỗi người trên trái đất. Năm tỷ đô la là số tiền tương đương với chi phí một nhà thương cấp đại học ở một thành phố lớn trong thế giới công nghiệp.

Phần ngân sách còn lại (4/5) của WHO là do tài trợ tư nhân và của các chính phủ. Phần này bị ràng buộc bởi những dự án có mục tiêu dài hạn đã được xác định rõ ràng:

Đây có thể là các chiến dịch chủng ngừa ở các nước nghèo nhất thế giới, một đầu tư rất nhỏ mà đem lại kết quả lớn. Trong những trường hợp tai họa cơ bản nhưng thật sự rất dễ tránh, WHO có thể rất hiệu quả nếu được giúp đỡ phương tiện để làm việc. Thí dụ như bệnh sởi năm ngoái với 20 triệu người mắc bệnh và 140.000 người tử vong. Hoặc những chiến dịch chống bệnh sốt rét, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em v.v…

Nhưng ngay cả WHO cũng không toàn năng

Tất nhiên, WHO cũng phải theo dõi các bệnh mới xuất hiện như SARS-CoV-2. Trong việc trao đổi thông tin, WHO là một giao diện toàn cầu quan trọng giữa các chính phủ, các học giả tại các trường đại học, các viện nghiên cứu quốc gia và các công ty nghiên cứu dược phẩm.

WHO không thể làm được tất cả. Công việc thực tế trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh mới xuất hiện, phải và chỉ có thể được thực hiện bởi hệ thống y tế của các quốc gia, các tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp.

Mặc dù mang cái tên Tổ chức Y tế Thế giới nghe có vẻ oai phong, WHO không có khả năng bù đắp cho những thiếu sót trong phạm vi chăm sóc sức khỏe hoặc những biến động của thị trường thuốc và chất khử trùng.

Trong thực tế, WHO nằm ở cấp bậc cuối của bật thang quyết định trong hệ thống quốc tế.

Thêm vào đó, thế nào là ứng xử đúng khi đối mặt với một đại dịch?

Trong một đại dịch như COVID-19, tất nhiên WHO luôn phải đối mặt với vấn đề tìm sự cân bằng giữa cảnh báo cần thiết và không gây hoảng loạn. Điều này rất, rất khó, bởi vì một đại dịch luôn liên quan đến một mầm bệnh mới, và với tất cả các chuyên gia của mình, WHO vẫn không thể nói chính xác nó sẽ phát triển như thế nào.

Hiện nay mối quan tâm của WHO lên tới tối đa, vì Sars-CoV-2 đã len lỏi vào những túp lều của người tỵ nạn, đã xâm nhập vào những vùng có chiến tranh như Kurdistan của Iraq, và các nước nghèo nhất thế giới tại lục địa Phi châu.

Ngày 14/4/2020 trong khi TT Trump tuyên bố tạm ngưng đóng tiền trợ cấp thì WHO một mặt báo động dịch Ebola, bùng nổ tại Congo, đã bước vào tình trạng khẩn cấp quốc tế, mặt khác bắt đầu gửi một “chuyến bay đoàn kết” (Solidarity flight) từ Addis Ababa, Ethiopa, mang trang thiết bị Y tế tới những nước bên Phi châu. Ngày 19/4 một chuyến khác tới vùng Kurdistan của Iraq.

Chương trình sẽ trợ giúp tổng cộng 95 quốc gia.

Lời tuyên bố của ngoại trưởng Đức, Heiko Maas, nói lên ý kiến của đại đa số chính quyền các quốc gia trên thế giới: “Tôi không cho rằng WHO làm đúng tất cả, nhưng trong giai đoạn hiện nay, điều tra WHO hoặc cắt giảm nguồn tài trợ của tổ chức này giống như đuổi phi công ra khỏi một chiếc máy bay đang bay“.

Cùng với ông Maas, 24 ngoại trưởng các nước Argentina, Bỉ, Canada, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Estonia, Ethiopia, Phần Lan, Pháp, Ireland, Indonesia, Ý, Jordan, Mexico, Hà Lan, Na Uy, Peru, Singapore, Nam Phi, Thụy Điển và Tây Ban Nha, đã đồng ký một bản tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo việc đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu này, cũng như những nỗ lực của Liên Hiệp quốc, Nhóm Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế và khu vực, để phối hợp, giải quyết có hệ thống các tác động kinh tế xã hội rộng lớn do COVID-19 gây ra.

_______

(1) https://www.dw.com/de/kommentar-verfehlte-kritik-an-der-who/a-53144108

 

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “Lời tuyên bố của ngoại trưởng Đức, Heiko Maas, nói lên ý kiến của đại đa số chính quyền các quốc gia trên thế giới: “Tôi không cho rằng WHO làm đúng tất cả, nhưng trong giai đoạn hiện nay, điều tra WHO hoặc cắt giảm nguồn tài trợ của tổ chức này giống như đuổi phi công ra khỏi một chiếc máy bay đang bay“.”

    Ông Maas nói đúng. Và chắc chắn là khi chiếc máy bay hạ cánh, sẽ có cuộc khám “tử thi” — không phải chữ của tôi, “post-mortem examination” là chữ của một nguyên thủ G7 mới đây khi nói về hành động cần phải có đối với WHO.

    Các giới chức của WHO cũng bị nhiều người và tổ chức tố cáo là phung phí hàng chục triệu Mỹ kim từ công quỹ khi du hành và trú ngụ đều chọn những phương tiện hạng sang. Chắc cuộc khám nghiệm “post-mortem” sẽ bao gồm việc xem xét lại sổ sách.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây