Vì sao tuần này là giai đoạn mấu chốt để hiểu sự bùng phát của virus corona nghiêm trọng đến mức nào

TIME

Tác giả: Amy Gunia

Dịch giả: Châu Minh Dũng

5-2-2020

Chưa đầy hai tháng trôi qua kể từ khi chính quyền TP Vũ Hán ở Trung Quốc tuyên bố, họ đang điều tra một đợt lan truyền virus bí ẩn gây bệnh giống như viêm phổi. Vào thời điểm đó, mầm bệnh – mà sau này được xác định là chủng mới của virus corona, 2019-nCov – đã lan truyền khắp Trung Quốc, chỉ từ khoảng vài chục trường hợp nghi nhiễm đến hơn 20.000 ca nhiễm bệnh được chính thức xác nhận, khiến hơn 420 người tử vong.

Nhưng tuần này có thể là thời điểm bước ngoặt để hiểu được dịch bệnh này có khả năng lan rộng đến mức nào và liệu những nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus corona có hiệu quả hay không.

Các quan chức ở Trung Quốc đã bắt đầu phong tỏa nhiều thành phố trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus chết người vào ngày 23/1, khi tất cả các chuyến tàu và chuyến bay xuất phát từ TP Vũ Hán – thành phố lớn nhất của tỉnh Hồ Bắc với dân số 11 triệu người – đều bị đình chỉ. Ngày hôm sau, chính quyền đã mở rộng phạm vi phong tỏa tới 13 thành phố và đến ngày 25/1, đã có tới 16 thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa, với tổng dân số hơn 50 triệu người, tạo ra khu vực được cho là vùng cách ly lớn nhất trong lịch sử loài người.

GS Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học chuyên về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hồng Kông, bình luận với TIME: “Trong tuần này, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những ảnh hưởng của chiến lược ngăn chặn. Tuần này là giai đoạn mấu chốt”.

Theo một công trình được công bố bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc vào ngày 29/1 trên Tạp chí Y học của New England, virus này dường như có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 5 ngày. Nghiên cứu tập trung vào 425 trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm virus corona ở Vũ Hán, nơi được cho là đã bùng phát dịch bệnh từ một chợ hải sản. GS Cowling nói rằng, có thể mất ít nhất 5 ngày nữa để một người bệnh được xét nghiệm và nhận được xác nhận nhiễm virus corona.

Charles Chiu, GS phòng thí nghiệm y dược tại ĐH California, San Francisco, bình luận: “Nếu có hiện tượng các trường hợp được báo cáo nhiễm bệnh bắt đầu giảm xuống, đây có thể là chỉ dấu cho thấy các biện pháp kiểm soát đang dần có tác dụng, hoặc ít nhất là có ảnh hưởng đến con đường lan truyền của virus”.

GS Chiu lưu ý thêm, nếu số trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng đáng kể trong tuần này, thì đó là lý do mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn. Ông Chiu nói: “Hiện tượng đó cho thấy các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã được Trung Quốc áp dụng để ngăn chặn sự lây lan… vẫn không đủ để ngăn chặn sự lan truyền của virus này”.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, có rất nhiều chi tiết họ vẫn chưa nắm rõ và có thể thay đổi sự tính toán này. Chẳng hạn, vẫn chưa chắc thời gian ủ bệnh chính xác của virus corona có thể kéo dài bao lâu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, giai đoạn có thể dao động từ ​​2 đến 14 ngày để các triệu chứng xuất hiện. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu virus có thể lây truyền trong thời gian ủ bệnh hay không trong khi bệnh nhân không có triệu chứng.

Kinda Gibney, một bác sĩ về các bệnh truyền nhiễm tại BV Hoàng gia Melbourne và là một nhà dịch tễ học tại Viện Doherty ở Melbourne, nói với TIME rằng, nếu các biện pháp kiểm soát đã trì hoãn được quá trình lan truyền dịch bệnh ở các quốc gia bên ngoài Trung Quốc đại lục – đến nay đã có ít hơn 200 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh ở nơi khác – thì nỗ lực đó có thể tạo thêm thời gian để các chuyên gia y tế phát triển vaccine hoặc thuốc chống virus.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc, số lượng các ca nhiễm bệnh vẫn có thể tăng trong vài tháng tới. Gabriel Leung, chủ tịch y tế công tại ĐH Hồng Kông bình luận trong cuộc họp báo ngày 27/1, rằng theo dự đoán của ông, đợt dịch này chỉ có thể đạt đỉnh vào tháng 4 hoặc tháng 5 tại các thành phố lớn ở TQ.

Vụ 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực cũng có thể cản trở nỗ lực ngăn chặn. Theo báo cáo của NEJM, virus này có thể lây truyền đủ để trung bình mỗi bệnh nhân mắc bệnh có thể lây nhiễm cho hai người khác.

Một yếu tố khác có thể gia tăng số lượng nhiễm bệnh là các triệu chứng nhẹ mà một số bệnh nhân gặp phải. Shira Doron, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Trung tâm y tế Tufts, nói rằng, những bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán thường là những người bị bệnh nặng và có thể trong vài tuần tới chúng ta sẽ thấy rõ số người mắc bệnh nhẹ hoặc thậm chí nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, một con số sẽ còn lớn hơn nhiều so với mức ghi nhận hiện tại. Doron nói rằng, tỷ lệ tử vong được báo cáo sớm trong một đợt bùng phát thường là “đánh giá vượt mức tỷ lệ tử vong thật sự”.

Số ca nhiễm bệnh từ 639 trường hợp ở Trung Quốc đại lục vào ngày 23/1, khi các quan chức bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát, đã lên tới khoảng 9.700 trường hợp chỉ sau đó một tuần, vào ngày 30/1. Tính đến thứ ba tuần này, số ca mắc bệnh ở đại lục đã lên tới khoảng 20.500 người. Ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm và tử vong do chủng mới của virus corona đã vượt qua cả hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), vốn đã giết chết 348 người đại lục và khiến hơn 5000 người nhiễm bệnh trong đợt bùng phát năm 2002 và 2003.

Các ca nhiễm bệnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục đã được xác nhận ở Thái Lan và Nhật Bản lần lượt vào ngày 13 và 16/1. Sau đó, đến lược các trường hợp nhiễm bệnh ở Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ đã được xác nhận vào ngày 21/1 và đến nay đã có hơn 194 trường hợp bị nhiễm ở hơn 23 quốc gia khác.

Tính đến thứ ba tuần này, có 425 người đã chết ở Trung Quốc đại lục. Cũng có một người chết ở Philippines và một người ở Hồng Kông.

Khi số lượng nhiễm bệnh ngày càng tăng ở Trung Quốc, các quốc gia khác đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt của riêng họ để kiềm hãm sự lây lan của virus – hầu hết các biện pháp này nhắm vào khách du lịch từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Ý và Israel đã hủy tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc. Mông Cổ và Nga cũng đã đóng cửa biên giới của họ với nước này, còn Singapore đã cấm nhập cảnh và chuyển giao du khách cầm hộ chiếu được cấp tại tỉnh Hồ Bắc. Tại Hoa Kỳ, vào ngày 31/1, Chính quyền Trump đã tuyên bố dịch virus corona là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và tuyên bố rằng, họ sẽ tạm thời từ chối cho người nhập cảnh đến từ bất kỳ quốc gia nước ngoài nào “có nguy cơ” lan truyền virus. Nhưng hôm thứ hai tuần này, chính quyền Hoa Kỳ vẫn xác nhận trường hợp thứ hai về việc lây truyền virus corona từ người sang người liên quan đến một trường hợp không hề du lịch tới Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Các chuyên gia sẽ theo dõi chặt chẽ trong tuần này để xem liệu có dấu hiệu cho thấy virus vẫn đang tiếp tục phát triển và lây lan hay không, đặc biệt là bên ngoài tỉnh nhà của TP Vũ Hán.

GS Cowling nói: “Điều khiến chúng tôi lo lắng là chúng tôi không hề thấy có sự giảm sút nào trong mức tăng bền vững của các ca nhiễm bệnh”.

Bình Luận từ Facebook