BTV Tiếng Dân
11-1-2020
Hoàng Trung Hải chỉ bị cảnh cáo?
Văn phòng Trung ương Đảng CSVN thông báo, ngày 10/1/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Kết quả: Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, báo Thanh Niên đưa tin.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị thừa nhận, trong thời gian làm Phó thủ tướng Chính phủ (dưới thời “đồng chí X”), ông Hoàng Trung Hải đã có “những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng” trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ông Hải đã thiếu trách nhiệm, cho ý kiến không đúng Hợp đồng EPC số 01#, không đúng quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng, “điều chỉnh giá trị Hợp đồng gói thầu EPC số 01# của Dự án TISCO II và tăng chi phí Phần C của Hợp đồng; cho ý kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án TISCO II và vay vốn tín dụng ưu đãi, vi phạm quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước”. Chừng ấy sai phạm nhưng ông Hải chỉ bị cảnh cáo.
Về thiệt hại với ngân sách nhà nước trong dự án Gang thép Thái Nguyên, cần nhắc lại các con số trong bài báo được đăng ngày 9/12/2019 trên báo Pháp Luật TP HCM: Sai phạm ‘khủng’ tại dự án Gang thép Thái Nguyên. Con số quan trọng nhất là: Một dự án với tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng so với ban đầu) giờ đã trở thành đống sắt phế liệu, hoàn vốn còn không nổi chứ đừng nói sinh lời. Chỉ riêng con số này đã cho thấy thiệt hại còn hơn cả vụ Mobifone mua AVG (khoảng 7.000 tỉ).
Con số thứ hai là số tiền Công ty Gang thép Thái Nguyên đã thanh toán tiền thuế cho Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) là 11,6 triệu USD (gần 269 tỉ VNĐ), thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi “MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, năm đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD…)”.
Với mức thiệt hại đủ để tạo gánh nặng cho cả nền kinh tế như vậy nhưng ông Hoàng Trung Hải, một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất, lại chỉ bị cảnh cáo. Điều đó cho thấy, lời quảng cáo rằng chiến dịch chống tham nhũng “không có vùng cấm” chỉ là lời nói dối. Đối chiếu vụ Mobifone mua AVG, dù gây thiệt hại lớn nhưng vẫn thấp hơn vụ này, thế mà các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã phải ăn cơm tù.
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết: Cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải. Ông Vân dự đoán: “Với quyết định kỷ luật cảnh cáo, có lẽ ông Hoàng Trung Hải sẽ mất chức. Các bước tiếp theo, nếu có, sẽ do Ban chấp hành Trung ương quyết định. Về trách nhiệm hình sự, có lẽ phải chờ kết quả điều tra đám ăn tàn phá hại xung quanh Công ty Gang thép Thái Nguyên và Tổng Công ty thép mới biết được”.
Dù gì thì đây mới chỉ là mức kỷ luật về đảng, khả năng cơ quan chức năng sẽ còn tiếp tục làm việc với ông Hải về trách nhiệm hình sự. Nhưng mức kỷ luật “giơ cao đánh khẽ” này cho thấy, thế lực chống lưng ông Hải, trong đó có Tập đoàn Luyện kim TQ, có sức tác động đến phe “đốt lò” và chính trường VN như thế nào.
Liên quan đến cuộc họp nói trên, Bộ Chính trị kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, báo Tiền Phong đưa tin. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bị kỷ luật vì những “vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng” trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Sai phạm liên quan đến kết quả thi của cả một tỉnh, tạo thêm vết nhơ lớn cho nền giáo dục VN, nhưng ông Vinh cũng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ” là khiển trách.
Phe “đốt lò” tái khởi động chiến dịch truyền thông nhắm vào Lê Thanh Hải?
Cũng trong ngày 10/1/2020, một ông Hải “bự” khác cũng được nhắc tên, nhưng Hải này ở miền Nam và hiện chỉ bị báo “lề đảng” nhắc chứ Bộ Chính trị vẫn chưa chính thức “sờ” tới. Cụ thể, một số báo “lề đảng” đã có bài về hành vi vượt quyền của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải trong sai phạm Thủ Thiêm. VnExpress đặt câu hỏi: Ông Lê Thanh Hải từng chỉ đạo gì ở Thủ Thiêm?
Theo bài báo, ngày 22/2/2002, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có công văn 190 cho thu hồi 930 ha thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để chuẩn bị cho việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, lưu ý việc triển khai phải phù hợp với Quyết định 367 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1996.
Đến ngày 6/3/2002, Phó chủ tịch UBND TP HCM Vũ Hùng Việt ký công văn yêu cầu các sở ngành xác định địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930 hecta. Nửa tháng sau, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải yêu cầu điều chỉnh diện tích KĐTM, giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất cắm mốc đủ 770 ha đất, theo giải pháp bổ sung hơn 40 ha của Khu tái định cư Bình Khánh; rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha tái định cư.
Đến tháng 12/2005, đến lượt Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua ký quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có nội dung “thay thế Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng”.
Mặc dù hiện nay chưa thấy phe “đốt lò” công khai dự tính tiếp theo với anh Hai Nhựt, nhưng một khi các bằng chứng về hành vi vượt quyền Thủ tướng đã bị công khai như vậy, khả năng phe “đốt lò” đã quyết tâm xử lý “lãnh chúa thành Hồ”.
____
Mời đọc thêm: Trước Tết, TBT Nguyễn Phú Trọng kỷ luật ông Hoàng Trung Hải (BBC). – Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải (DT). – Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Hoàng Trung Hải và khiển trách đối với đồng chí Triệu Tài Vinh (Tin Tức). – Bộ Chính trị kỷ luật ông Triệu Tài Vinh do liên quan gian lận thi cử (TN).
– Ông Lê Thanh Hải chỉ đạo gì về khu tái định cư 160ha Thủ Thiêm (VNE). – Vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Điều chỉnh cả quyết định của Thủ tướng (DV). – Dân Thủ Thiêm vui mừng khi Trung ương đề xuất kỷ luật ông Lê Thanh Hải (VTC). – Ông Lê Thanh Hải và cộng sự đáng phải bị kỷ luật (GDVN). – Liệu ông Lê Thanh Hải có bị xử lý hình sự? (RFA).