Điện than?

Việt Lê

20-12-2019

Nhà máy điện than trong khu vực: Vàng là đang vận hành; cam là đang xây mới; trắng là đóng cửa. Ảnh: internet

Gần đây người Việt mới biết đến sương khói quang hóa hay smog. Đặc biệt ở Hà Nội smog được ghi nhận từ hơn 10 năm trước. Smog là chữ kết hợp của Smoke (khói) và Fog (sương).

Smog do khí thải ô nhiễm gặp sương mù và sức nóng mặt trời, gây ra những phản ứng hóa học tạo thành những khí mới độc hại cho cơ thể, ví dụ như nitrogen dioxide (NO2). Cộng hưởng với thời tiết và địa hình của khu vực, smog trở nên nguy hiểm hơn. Rõ nhất là hai thành phố Bắc Kinh và Los Angeles nằm lọt giữa địa hình cái tô, có núi chung quanh. Khi không đủ gió để làm loãng ô nhiễm trong không khí, khí ô nhiễm bị tích lại lâu ngày, khiến đây là hai nơi thường xuyên bị smog nhất.

Trường hợp smog khủng khiếp nhất là thảm họa ở London năm 1952. Smog kéo dài nhiều ngày khiến từ 8000 đến 12000 người chết.

Nhưng yếu tố trực tiếp giết người là những thứ trong màn sương khói quang hóa. Đó là khí độc như nitrogen dioxide, và trên hết là hạt PM2.5. Việt Nam gọi là bụi mịn PM2.5.

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) ghi nhận số tử vong sớm (premature death – chết sớm hơn tuổi thọ trung bình) do ô nhiễm không khí ở 40 nước Châu Âu năm 2012 như sau: 432000 chết do hạt PM2.5. Hai sát nhân kế tiếp là nitrogen dioxide và ozone (O3) lần lượt giết 75000 và 17000.

Hạt PM2.5 là hạt siêu nhỏ. PM2.5 nhỏ bằng 1/40 bề ngang sợi tóc. Như chúng ta đã biết, nó có thể thấm qua màng phổi, có thể gây ung thư phổi hay nhiều bệnh chết người khác.

PM2.5 là tên gọi chung của tất cả các hạt theo kích thước, không phân biệt đó là hạt đến từ đốt than, đốt rừng, khí thải do xe cộ, hay bụi đường.

Hạt PM2.5 chủ yếu đến từ đâu?

Theo kết quả báo cáo gần đây đăng trên New York Times, 40% hạt PM2.5 trong không khí ở Trung Quốc là từ đốt than.

Đốt than là nguồn cơn gây ô nhiễm khủng khiếp nhất ở Trung Quốc, làm 360000 người tử vong sớm trong năm 2013.

Đốt than gồm các hoạt động đốt than trong công nhiệp và điện than.

Trung Quốc tiêu thụ than hàng năm bằng cả thế giới cộng lại.

Vào năm 2017, do áp lực chính trị quốc tế và trong nước, Tập Cận Bình ra lệnh ngừng phát triển điện than. Toàn bộ các nhà máy đang xây và đang nằm trên kế hoạch đều ngừng lại. Tuy nhiên, gần đây, một số tổ chức theo dõi quốc tế đã dùng ảnh vệ tinh theo dõi và kết luận Trung Quốc đã khởi động lại việc phát triển điện than.

Quá trình xử lý vấn đề môi trường ở Trung Quốc lên xuống khá khó hiểu. Có lẽ mình sẽ bàn sau.

Dù sao đi nữa, Trung Quốc tiếp tục là nước sản xuất và phát triển điện than nhiều nhất thế giới, bất chấp tình hình ô nhiễm không khí trong nước và hệ lụy đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Gần đây, một kế hoạch mới được chính phủ TQ thông qua sẽ xây thêm nhiều nhà máy mới như chưa bao giờ được xây.

Theo Global Energy Monitor, Việt Nam hiện đang nằm trong top 3 về sản lượng điện than đang phát triển (đang xây nhà máy mới). Xem hình đính kèm.

Nên biết điện than là tác nhân tạo ra bụi PM2.5 nhiều nhất, gây ô nhiễm không khí nặng nhất, và đã bị Mỹ và Châu Âu ngừng phát triển mới từ lâu. Tại sao điện than tiếp tục được phát triển mới ở Trung Quốc và Việt Nam, đi ngược với xu hướng thế giới?

Theo báo Zing mới đây, Hà Nội bị smog là do nhiều nhà máy điện than bao quanh. Trong Nam có tổ hợp nhà máy điện than Vĩnh Tân không xa Sài Gòn là mấy.

Bên cạnh khói thải từ xe cộ, rõ ràng nguồn phát sinh hạt PM2.5 lớn nhất là điện than.

Hạt PM2.5 có 3 loại: hạt từ nguồn thiên nhiên, hạt từ nguồn chính, và hạt từ nguồn thứ cấp.

Hạt từ thiên nhiên như muối biển, v..v.. thì vô hại.

Hạt từ nguồn chính là hạt PM thải trực tiếp từ việc đốt. Hạt này còn được gọi là carbon đen, cũng khá độc hại.

Hạt nguồn thứ cấp tức là hạt tạo ra do phản ứng hóa học giữa khí thải ô nhiễm và các VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) trong không khí. Việc đốt than sinh ra rất nhiều khí sulphur dioxide (SO2). Khí này làm người hít khó thở, và lâu dài làm yếu phổi. Khí Sulphur dioxide này khi thải ra sẽ phản ứng với VOC tạo ra hạt PM2.5.

Như vậy, đốt than vừa sinh ra hạt PM2.5 trực tiếp (carbon đen) và gián tiếp (từ khí Sulphur dioxide chuyển thành dạng hạt). Từ đó cho thấy, điện than là nguồn cung cấp hạt PM2.5 cực kỳ lớn. Đây là tác nhân gây giết người nhiều nhất từ ô nhiễm không khí.

Cần biết, nguyên nhân chính gây ra thảm họa smog năm 1952 ở London là đốt than, trong đó có các nhà máy công nghiệp đốt than và điện than.

Tiếp tục phát triển điện than là tự sát.

Nếu nhìn vào số liệu điện than đang phát triển (pre-construction và construction) ở Việt Nam, ta thấy rõ ràng tình hình vẫn còn có thể cứu vãn được: bằng cách ngừng tất cả các dự án đang xây.

Các nước xếp theo megawatt điện than đang phát triển (đang xây nhà máy). Nguồn: Báo cáo 2019 của Global Energy Monitor
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “Nếu nhìn vào số liệu điện than đang phát triển (pre-construction và construction) ở Việt Nam, ta thấy rõ ràng tình hình vẫn còn có thể cứu vãn được: bằng cách ngừng tất cả các dự án đang xây.”

    Nói vậy là quá lạc quan. Theo bảng phụ lục trên thì Việt Nam đang có sản lượng điện than 17.387MW và đang xây thêm khoảng 250% sản lượng điện than nữa (42.315MW). Đòi ngưng ngay tất cả các dự án đang xây chắc không thể được! Sau khoảng 2-3 năm, người dân sẽ phải đối phó với nguồn ô nhiễm điện than lớn gấp ba lần rưỡi so với hiện thời.

  2. Trích: “Tiếp tục phát triển điện than là tự sát.“.

    Tác giả nói lạ quá. Chả lẽ đảng ta chủ trương giết dân???

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây