Về vụ xử “tội ác diệt chủng” Gambia-Miến Điện trước tòa Công lý quốc tế

Trương Nhân Tuấn

14-12-2019

Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) tại La Haye ngày 10/12/2019 vì vụ kiện diệt chủng người Rohingya. Ảnh: REUTERS/Yves Herman

Tòa Công lý quốc tế (ICJ) vừa kết thúc phiên họp đầu tiên, hôm kia 13-12, do Gambia yêu cầu “những biện pháp phòng ngừa – provisional measures”, chống lại Miến điện vì tội “diệt chủng” người Rohingya.

Như thường lệ, các phiên tòa quốc tế mở dưới lý do yêu cầu của một bên về (những) “biện pháp phòng ngừa” được nhóm họp rất nhanh chóng, thời gian trung bình một tháng. Gambia nộp đơn kiện lên tòa ICJ vào ngày 11 tháng 11. Đến nay Tòa vẫn chưa có phán quyết (về yêu cầu biện pháp phòng ngừa). Nhưng việc này sẽ không trì trệ quá một tháng. Trong khi vụ kiện, về “nội dung nền tảng”, có thể kéo dài nhiều năm. Các chuyên gia luật quốc tế có những tiên đoán khá bi quan, bởi vì khó có thể có một giải pháp “có thể thực hiện được” để hồi hương dân Rohingya về nơi chôn nhao cắt rún của họ một cách thỏa đáng cho tất cả các bên.

Hôm trước tôi có nói sơ về vụ kiện này. Theo tôi, “cây đinh” của vụ kiện là bà Aung San Suu Kyi. Qua những lời lẽ biện hộ của bà trước Tòa, như để khẳng định trước dân Miến Điện rằng bà là một người “yêu nước”. Việc này làm cho người ta có đủ bằng chứng để truy tố bà Suu Kyi ra Tòa Hình sự quốc tế (về các tội đồng lõa phạm tội ác diệt chủng, không tố cáo tội ác diệt chủng…).

Biện pháp chế tài một quốc gia về một tội ác diệt chủng khó có thể thi hành. Nhưng việc chế tài những cá nhân có “bàn tay nhuốm máu”, hay đồng lõa với tội ác, thì có thừa.

Hiện thời những người đã từng lãnh giải Nobel hòa bình, như bà Suu Kyi, đã viết thư yêu cầu Ủy ban giải Nobel lấy lại giải thưởng đã trao cho bà Suu Kyi. Lời lẽ lá thư còn nhiều tình tiết buộc tội.

Theo tôi, bà Suu Kyi đã sai lầm về khái niệm “dân tộc” và lòng “yêu nước”.

Dân Rohingya sống tại bang Rakhine (Miến Điện) xét từ nguồn gốc xem ra khá tương đồng với dân Khmer sống ở miệt Trà vinh, Bạc liêu… ở miền Nam. Bang Rakhine là một lãnh thổ “không thể tách rời” của Miến Điện thì dân Rohingya cũng không thể tách ra khỏi khối “dân tộc” Miến Điện.

Những danh sĩ khôi nguyên Nobel hòa bình trong lá thư đã lên án bà Suu Kyi “chống lại hòa bình”, qua các hành vi phân biệt chủng tộc, tước quyền quốc tịch, tước quyền sở hữu đất đai… của dân Rohingya. Bà Suu Kyi đồng lõa với tội ác vì đã bao che, phủ nhận những chứng cớ tội ác rành rành.

Trong khi việc bao che đám quân nhân gây tội ác không phải là một hành vi “yêu nước”.

Yêu nước là làm cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn, dân tộc mỗi ngày mỗi hạnh phúc hơn. Bao che tội ác, trước hết là đồng lõa với tội ác, sau đó làm cho hình ảnh đất nước bị hoen ố trước mắt dư luận quốc tế.

Về trách nhiệm lương tâm, các khôi nguyên Nobel hòa bình lên án bà Suu Kyi như một tên tội phạm vô đạo.

Phiên tòa này có rất nhiều điều để mọi phía VN chú ý tới, từ lãnh đạo CS cho tới những nhà tranh đấu cho nhân quyền.

Những gì sẽ xảy ra cho bà Aung San Suu Kyi cũng có thể xảy ra tương tự cho phe “dân chủ” ở VN. Trên trường quốc tế, “thần tượng” Aung San Suu Kyi xem như đã chết.

Phân biệt được “đúng-sai”, “thiện-ác”, “chính nghĩa-phi nghĩa”… trong thời buổi “thiên sứ” và “fakes news” hỗn loạn, không hề là việc đơn giản.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây