Ông Thứ trưởng vội vàng!

Bùi Kiều Trang

13-12-2019

Mình thật sự tin rằng Sữa học đường là một trong những quyết sách đầy cố gắng của Chính phủ, xem trọng sức khỏe học đường, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cũng như chiều cao của trẻ em Việt Nam. Mình rất ủng hộ chương trình này. Thế hệ của mình, một hộp sữa khi đến trường mãi mãi chỉ là ước mơ thôi. Thế hệ của mình, và trước đó nữa, dinh dưỡng, thể chất chưa bao giờ là một thế mạnh.

Người Nhật họ đã thành công khi cho con em họ uống sữa tươi để cải tạo thể chất. Chương trình của họ đã được Chính phủ Việt Nam tham vấn, nghiên cứu rồi đưa về áp dụng.

Nhưng xin lưu ý, Chính phủ chọn sữa tươi chứ không hề chọn sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, hay thực phẩm chức năng để đưa vào trường học.

Theo đó, Thông tư 31/2019/TT-BYT về việc quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường. Mấu chốt thông tư này có điểm đặc biệt quan trọng cần chú ý là quy định bổ sung các vi chất dinh dưỡng.

PGS, TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế phát biểu rằng “Ai đề nghị bổ sung 21 vi chất khi chưa có tài liệu nghiên cứu điều tra cộng đồng, chưa có cơ sở khoa học là cực kỳ vô trách nhiệm. Có những tác động cộng hưởng khi bổ sung đa vi chất theo nguyên tắc tương sinh hoặc tương khắc, mà hai cái tương khắc nhau thì tuyệt đối không được bổ sung, chỉ bổ sung những vi chất nào cộng hưởng có lợi…”

Cũng bởi vì Chính phủ rất coi trọng chương trình này nên ngân sách Nhà nước cũng dành một khoản không nhỏ, hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ; cha mẹ học sinh đóng góp thêm một con số nữa, làm ra chương trình.

Tháng 8/2019, lúc còn tại vị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp xung quanh các ý kiến về 3, 8, hay 21 vi chất, trên tinh thần cần triển khai rất thận trọng. Cần phối hợp, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá qua nhiều nơi, thẩm định qua các cơ quan của Quốc hội, chính phủ… Bởi những sai sót bất kỳ nào trong quá trình triển khai cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ trẻ em, ngân sách nhà nước và những hệ lụy tiêu cực về lâu dài… nếu chưa có kết quả cuối cùng thì việc này sẽ dời sang năm 2020 để tiếp tục thảo bàn, thẩm định, đánh giá xác đáng nhất…

Thời điểm cuối năm 2019, chưa có một kết luận cuối cùng nào về 21 vi chất này thì vào ngày 5/12 qua, ông Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã vội vàng thông qua thông tư số 31.

Ông Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có giỏi hơn bà cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hay không? Khi mà một đề án dài bà cựu Bộ trưởng phải trăn trở, bàn bạc, đề nghị kiểm tra nghiên cứu chặt chẽ mới thông qua còn không có kết quả thì dời sang năm 2020. Bà vừa nghỉ, ông Cường đã vội làm hết công việc của bà, một nhát ký giải quyết hết.

Ông Cường giỏi hơn bà Tiến ở chỗ ký tên. Còn bạt ngàn vấn đề, bao nhiêu câu hỏi liên quan đến sức khoẻ học đường, ông Cường cứ bỏ ngỏ.

Ông Trương Quốc Cường thay quyền người đứng đầu Bộ Y tế, dư luận vừa xôn xao nghi ngờ ông trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma, mấy lần bị triệu tập đến toà xong, nay lại khiến người ta băn khoăn lo nghĩ tiếp về sữa tươi hay sữa không tươi. An toàn hay không an toàn với sức khỏe hàng triệu học sinh, trẻ em. Dù muốn dù không, nghĩ thế nào thì vẫn không thoát khỏi ý nghĩ rằng người dính dáng tới lui bị điều tra trong buôn lậu thuốc giả lại trong sạch với sữa tươi. Cá nhân mình nghĩ vậy thật.

Ông Trương Quốc Cường làm Thứ trưởng Bộ Y Tế, mà hễ ở nơi nào có tanh tao, ở đâu nghi ngờ có tiêu cực, thì ở đó thấp thoáng xuất hiện tên và chữ ký của ông (?!).

Bất kỳ điều gì liên quan đến học đường, mà nhất là sức khoẻ. Thì phải thật minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả thì mới triển khai. Một ông Trương Quốc Cường không có quyền mang triệu triệu trẻ em học đường ra làm chuột bạch.

Sữa học đường của người Nhật thu về kết quả đẩy cụm từ “Nhật lùn” vào quá khứ. Sữa học đường bên mình, chưa gì đã bốc mùi lợi ích, băng nhóm, tiêu cực, quàng xiên. Thì sữa này chắc chắn không thể nào ngọt được. Chuyện cây quýt sông Hoài cũng chỉ đến vậy mà thôi.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Với đội ngủ cán bộ – đúng hơn là chế độ – VN không thể làm gì được như các nước ,nhất là các nước tiên tiến- Ăn và phá thì giỏi chớ làm thì đừng hi vọng tốt đẹp!

  2. “Ông Trương Quốc Cường làm Thứ trưởng Bộ Y Tế, mà hễ ở nơi nào có tanh tao, ở đâu nghi ngờ có tiêu cực, thì ở đó thấp thoáng xuất hiện tên và chữ ký của ông (?!).” ( Trích BKT )
    Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm viết “Thớt có tanh tao ruồi mới đến/ Gan không mật mỡ kiến bò chi” .
    Ứng ngay vào ông thứ trưởng TQC chăng ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây