Tin môi trường: Ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng trầm trọng; cháy rừng lớn ở Australia

BTV Tiếng Dân

13-11-2019

Ô nhiễm môi trường ở các tỉnh, thành lớn trên cả nước ngày càng trầm trọng. Báo Tuổi Trẻ có bài: Hà Nội ô nhiễm ‘chưa từng thấy’, mọi người hạn chế ra đường. Sáng 12/11/2019, kết quả quan trắc chất lượng không khí ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc gần như chuyển sang màu tím, cho thấy chất lượng không khí vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch VN thừa nhận, “đây là hiện tượng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi màu tím ở hầu hết các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, thậm chí có nơi còn ghi nhận ở ngưỡng nâu, mức nguy hại”. Ông Tùng nói thêm: “Ô nhiễm tới mức này là gay go lắm rồi”.

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir sáng 12/11/2019 ghi nhận nhiều điểm ở miền Bắc đều ô nhiễm không khí ở ngưỡng chất lượng không khí xấu. Ảnh: Xuân Long/TT

Chỉ số AQI chuyển sang màu tím, tức là trên 200 tới 300, còn màu nâu là từ mức 300 tới cao nhất là 500, được đánh giá là “nguy hiểm” (hazardous). Ở các nước phương Tây, với chỉ số này, người dân đã phải mang mặt nạ phòng độc khi ra ngoài đường. Xem bảng giải thích AQI để biết không có màu nào thể hiện độ độc hại của không khí cao hơn màu nâu.

BBC có bài: Hà Nội đứng vào bảng các thủ đô ‘ô nhiễm nhất thế giới’. Bài báo dẫn số liệu thống kê do AirVisual tổng hợp, trong đó bảng xếp hạng 10 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới dựa trên tỷ số trung bình bụi mịn PM2.5 hàng năm: Hà Nội xếp thứ 9, cao hơn cả Islamabad của Pakistan, một TP bị ô nhiễm nặng và đang bế tắc với vấn đề rác. Một trong các lý do chính của hiện tượng ô nhiễm ở Hà Nội là do nông dân đốt rơm rạ, giống như Ấn Độ, tạo nên nhiều khói bụi và khí nhà kính.

Thống kê 10 TP ô nhiễm nhất thế giới dựa trên tỷ lệ PM2.5 trung bình hàng năm. Nguồn: World Air Quality Report – Air Visual/BBC.

Infonet thống kê: 13 tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 về ô nhiễm chất thải. Đó là thông tin được xác nhận trong hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại VN – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”, tổ chức sáng 12/11/2019. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thừa nhận, VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Lượng rác thải của VN “được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Việt Nam cũng là một trong mười nước chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải”.

Mời đọc thêm: Ô nhiễm thủy ngân, không khí, nước ở HN: Chọn kinh tế hay môi trường? (Zing). – Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt lên mức nguy hại (VnEconomy). – Ô nhiễm không khí tại Hà Nội sáng nay ở mức nguy hại (TN). – Ô nhiễm không khí ngưỡng nguy hại, người Hà Nội không nên ra khỏi nhà (VNN). – Nước thải đầu độc sông, hồ Hà Nội (VNE). – Huế: Dân khổ vì bãi tập kết cát không phép, chính quyền “bất lực” (DV). – Sông, hồ Hà Nội bị hủy diệt từng ngày, không khí ở mức ‘nguy hại’ (NV).

Cháy rừng ở Australia

Làn sóng cháy rừng ở bang California của Mỹ chỉ vừa tạm lắng, thì lại có hàng loạt đám cháy bùng phát ở khu vực bờ Đông Australia. VOA đưa tin: Thảm họa cháy rừng ở Úc đang đe dọa hàng triệu người. Hàng triệu người dân ở hai tiểu bang New South Wales và Queensland đang bị đe dọa bởi các vụ cháy rừng, khi tình trạng khẩn cấp được ban hành ngày hôm 10/11/2019. “Dân cư nhiều khu vực địa phương bị cho là gặp nhiều nguy cơ nhất đã được hối thúc sơ tán, trước khi các điều kiện trở nên tồi tệ hơn”.

Zing có bài: Bầu trời chuyển màu cam ở Australia. Tình hình cháy rừng kỷ lục ở Australia: “Hơn 100 đám cháy rừng lớn nhỏ xảy ra ở 2 bang Queensland và New South Wales khiến cho lực lượng cứu hỏa ở khu vực này phải huy động toàn bộ nguồn lực và các trang thiết bị để tham gia dập lửa. Tình hình cháy rừng được dự báo có thể tệ hơn trong những ngày tới, với cấp độ cảnh báo ở mức cao nhất”.

Bầu trời ở khu vực bờ Đông Australia chuyển màu cam do ảnh hưởng từ các vụ cháy rừng. Nguồn: Zing

Khói bụi từ các đám cháy bốc lên rất cao và quy mô của chúng có thể nhìn thấy bằng mắt thường dù với góc nhìn ở ngoài không gian. Cơ quan khí tượng Australia cho biết, từ giờ đến cuối năm, lượng mưa ở hai bang NSW và Queensland sẽ rất ít, hoặc gần như không có, tình hình có thể diễn biến theo chiều hướng xấu.

Hình ảnh vệ tinh từ Đài Quan sát Trái Đất của NASA cho thấy các đám cháy và khói bụi phủ kín một vùng bờ biển bang New South Wales, và lan ra cả biển Tasman. Ảnh: NASA/Zing

Cháy rừng thường đi cùng với hạn hán. Tuy hạn hán ở Australia không có gì lạ, nhưng điều bất thường là: Lần đầu tiên trong lịch sử đo đạc khí tượng của loài người, trên toàn châu Úc không có một cơn mưa nào. Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân viết: Ngày mưa không rơi xuống… Đó là ngày 11/11/2019, “ngày đầu tiên trong lịch sử ghi nhận hiện đại khi mà trên toàn lục địa Australia (diện tích hơn 7,6 triệu km²), mưa đã không rơi ở bất cứ nơi nào”, theo Cơ quan Khí tượng Úc (Australian Bureau of Meteorology).

Đó cũng là ngày mà bang NSW công bố tình trạng khẩn cấp vì cháy rừng, với hơn 100 đám cháy đang bùng phát trên chiều dài 1.000km bờ Đông Bắc của bang, 150 căn nhà bị thiêu rụi, gần 600 trường học phải đóng cửa, 30 người bị thương, ít nhất 2 người đã chết, khói lan ra đến tận Sydney và Canberra.

Bão lụt, hạn hán, cháy rừng đều là các chuyển động quen thuộc của tự nhiên. Nhưng kỷ nguyên Trái đất nóng lên đã “tiếp sức” để các hiện tượng này ngày càng dữ dội, khác thường và liên tiếp lập kỷ lục mới. Điều đáng buồn cho nước Mỹ thời Donald Trump và nước Úc thời Scott Morrison là lãnh đạo của hai quốc gia này vẫn xem thường biến đổi khí hậu và tiếp tục buông lỏng các hoạt động lạm dụng nhiên liệu hóa thạch.

______

Mời đọc thêm: Cháy rừng nghiêm trọng ở Úc, 3 người thiệt mạng (TN). – Australia ban bố tình trạng khẩn cấp (VNE). – Cháy rừng Australia khủng khiếp hơn, 6 triệu người trong tình trạng khẩn cấp (Kênh 14). – Cháy rừng lớn kỷ lục ở Australia, khói bay sang cả New Zealand (Zing). – Cháy rừng kinh hoàng ở Australia, khói nhìn thấy từ New Zealand (VNN). – Lời kêu cứu đau thương “Mẹ đang cháy con ơi”! (NLĐ). – Video: Australia sử dụng trực thăng chuyên dụng chữa cháy rừng (VOV). – Nhiều bang tại Mỹ chìm trong giá lạnh bất thường trước mùa Đông (TTXVN). – Hơn 1.000 chuyến bay bị hủy do bão tuyết tại Chicago, Mỹ (VOV).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. tự nhiên đặt tiêu đề ghép chung làm tưởng VN cháy rừng nên ô nhiễm.
    Ở VN ô nhiễm là do đốt đủ thứ và nhà máy xả lén khói vào ban đêm. Nửa đêm thì ôi thôi kinh khủng, xe thì ít lắm.
    Mùa này không có gió nên mọi thứ không bay được. Hơi lạnh cũng giữ khói lại. Từ ngày thằng 2 ghế lên thì nhà máy Trung cộng tràn qua như kiến. Nó đột quị cũng vì hít mấy thứ này.

Comments are closed.