Tại sao Trung Quốc sai lầm ở Đông Nam Á

Asia Times

Tác giả: David Hutt

Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ

1-11-2019

Dù đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức ở Đông Nam Á, các kế hoạch lớn của Trung Quốc dành cho khu vực lân cận gần như không được thuận lợi như đã tính toán.

Khi các nhà lãnh đạo khu vực tập trung trong hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok vào cuối tuần này (*), một dịp mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn bỏ lỡ về mặt ngoại giao, Trung Quốc vẫn khó lòng đạt được ý muốn.

Những nghi ngờ về các ý định tối hậu của Trung Quốc, bao gồm cả sáng kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initativ – BRI ) trị giá 1 ngàn tỷ USD của nước này, đang gia tăng khắp khu vực, phù hợp với các cảnh báo của Hoa Kỳ về cái “ngoại giao nợ” được cho là của Bắc Kinh.

Không nơi nào công khai cự tuyệt các bước tiến thương mại của Trung Quốc nhiều hơn quốc gia láng giềng Việt Nam. Đầu năm 2018, các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã “càn quét” Việt Nam sau khi đảng Cộng sản cầm quyền bắt đầu thảo luận một đạo luật mới để thành lập ba đặc khu kinh tế, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất tới 99 năm.

Nhiều người  Việt nghĩ rằng cái gọi là luật Đặc Khu Kinh Tế (Special Economic Zone – SEZ) đã bật đèn xanh cho các công ty Trung Quốc tha hồ mua đất ở Việt Nam. Mặc dù hàng trăm người biểu tình bị bắt, chính phủ cũng đã đưa ra quyết định hầu như chưa từng có: Lắng nghe công chúng và loại bỏ luật SEZ. Kể từ lần đó, nó không còn được nói đến.

Chủ nghĩa dân tộc bài Trung Quốc có thể nhận thấy rõ ở Việt Nam trong nhiều thập niên, không chỉ vì Trung Quốc chiếm đóng những vùng đất người Việt tuyên bố có chủ quyền mà còn vì những xung đột ở Biển Đông, nơi Hà Nội vẫn là đối thủ thực sự cuối cùng chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc trong khu vực hàng hải.

Nhưng Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà người dân địa phương bày tỏ sự tức giận về cách đầu tư của Trung Quốc đang làm thay đổi đất nước của họ.

Ở Campuchia hiện nay đang có phản ứng dữ dội trước việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt, đặc biệt là ở những nơi như Sihanoukville, chỗ người dân địa phương nói rằng nó đã biến thành phố ven biển thành một tỉnh của Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Philippines, có sự hoài nghi trong công chúng và một số bộ phận thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị về việc liệu tổng thống Rodrigo Duterte có tính toán sai lầm khi theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh và đánh giá thấp các tranh chấp của đất nước ông ở Biển Đông hay không.

Một cuộc khảo sát gần đây của Social Weather Station, nhà thăm dò ý kiến địa phương, cho thấy 93% người Philippines muốn chính phủ Duterte tái chiếm các hòn đảo bị Trung Quốc kiểm soát và các địa điểm trong vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền, gồm cả bãi cạn Scarborough.

Richard Heydarian, một học giả và tác giả tại Manila đã viết trong một bài báo mới đây: ”Chiến lược dùng thời gian kết nạp giới tinh hoa đồng phạm – dụ dỗ hoặc mua chuộc sự trung thành của tầng lớp tinh hoa trong nước giữa các quốc gia đối tác bằng các thỏa thuận kinh tế lớn – dường như mong manh hơn”.

Bất kể thứ gì, nó chỉ cần tha hóa sự huy động, quả quyết và khôn ngoan về chính trị của quần chúng ở các quốc gia sở tại”.

Tại Malaysia, liên minh Harapan đang cầm quyền và nhà lãnh đạo Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng Năm 2018 với chiến dịch đẩy lùi các khoản đầu tư của Trung Quốc, buộc liên minh lãnh đạo Tổ chức Quốc gia Mã Lai (United Malays National Organisation) rời khỏi văn phòng lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia.

Chính phủ Harapan đã đình chỉ và tái đàm phán các thỏa thuận với Trung Quốc, trong khi Mahathir công khai cáo buộc Trung Quốc là “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” nhắm vào khu vực nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần đầu vào năm 2018.

Lào, một quốc gia miền núi láng giềng, từ lâu là vùng đệm giữa Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á, đã chứng kiến những cuộc tấn công định kỳ vào các công dân Trung Quốc và nhiều người bị các nhóm vũ trang sát hại trong những năm gần đây.

Sự thù địch ngày càng tăng đối với những gì nhiều người gọi là “ngoại giao nợ” của Trung Quốc. Lào hiện là một trong những quốc gia mắc nợ Bắc Kinh nhiều nhất khu vực, phần lớn do Trung Quốc tài trợ và xây dựng tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD mà nhiều người cho rằng có thể trở thành một con voi trắng [thứ tốn rất nhiều tiền nhưng trở thành gánh nặng, không hữu ích. ND]

“Thay vì tiến triển tất yếu hướng đến một Trung Quốc bá quyền, những gì chúng ta đang chứng kiến là sự tái khẳng định quyền tự chủ và phẩm giá tập thể trong các nước láng giềng của Bắc Kinh”, Heydarian viết.

Ác cảm bài Hoa đang gia tăng ở Đông Nam Á tất nhiên là âm nhạc trong tai chính quyền Trump. Chính quyền này leo thang phản đối Bắc Kinh theo cách một số nhà phân tích bắt đầu gọi là cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng (The White House’s National Security Strategy) xuất bản vào tháng 12/2017 đã mô tả Trung Quốc như một “cường quốc xét lại” và nói về một cuộc “cạnh tranh quyền lực lớn” mới giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả ở Đông Nam Á.

Nhưng sự ngờ vực trong khu vực đối với những ý định của Bắc Kinh vượt ra ngoài chính sách của các cường quốc. Các dự án đầu tư, gồm cả BRI, thường thiếu minh bạch và bị tổn hại do các chiến thuật ám muội toa rập với các giới chức địa phương để có quyền tiếp cận đất đai.

Quyền sở hữu đất đai và chủ nghĩa môi trường đang trở thành những mối quan tâm chính khắp Đông Nam Á, và trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc bị cho là đã làm vấn đề trầm trọng thêm.

Ngày càng có nhiều người than phiền rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ đem đến một vài lợi ích trong thời gian ngắn cho người địa phương trong khu vực.

Ví dụ, tại Campuchia, Sihanoukville đã được chuyển đổi thành trung tâm dành cho du khách và dân chơi bài bạc Trung Quốc, và do việc đầu tư bất động sản của Trung Quốc gia tăng, đất đai lên giá, vượt quá khả năng tài chính của dân cư địa phương khiến họ không thể tham gia thị trường nhà đất ngày càng nhiều.

Và các dự án được Trung Quốc hỗ trợ thuê công dân của họ thay vì dân địa phương cũng thường xuyên bị chỉ trích trên toàn khu vực.

Chuyện đó dẫn đến những câu hỏi nghiêm trọng là BRI có thực sự được thiết kế để cải thiện mức sống của người Đông Nam Á thông qua thương mại dễ dàng hơn hay thật ra là để Bắc Kinh tăng cường kiểm soát chính trị và kinh tế trong khu vực.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ASIAN thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak cho thấy 45,5% số người tham gia phỏng vấn tin rằng “Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại với ý định biến Đông Nam Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của nó” trong khi chưa đến 1/10 người cho rằng “Trung Quốc là một cường quốc hiền lành và nhân hậu”.

Các nhà phân tích của viện ISEAS tuyên bố rằng kết quả cuộc thăm dò ý kiến là “một cảnh báo cho Trung Quốc để họ sửa đổi hình ảnh tiêu cực ở Đông Nam Á, cho dù Bắc Kinh thường xuyên bảo đảm là họ trỗi dậy hoà bình và ôn hòa”.

Khảo sát trên còn cho thấy các nhận thức trong khu vực về BRI cũng rất buồn tẻ. Gần một nửa (47%) số người được hỏi nghĩ rằng sáng kiến này sẽ đưa các thành viên ASEAN đến gần quỹ đạo của Trung Quốc hơn. “Một kết luận có thể gây hậu quả sâu rộng ở Đông Nam Á vì khu vực này sợ rằng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại”, cuộc nghiên cứu đã khẳng định như vậy.

Phần lớn trong vấn đề nhận thức về Trung Quốc bắt nguồn từ cách Bắc Kinh tiến hành chính sách đối ngoại. ”Việc chuyển tiếp từ một chiến lược quốc tế kín đáo sang sự quyết đoán toàn diện và chủ nghĩa tích cực là quá sớm, và Trung Quốc chưa thực sự chuẩn bị cho một quá trình chuyển đổi gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy”, theo Li Mingjiang, điều phối viên chương trình Hoa ngữ tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore.

Quan điểm của ông được các nhà tư tưởng người Hoa khác chia sẻ. Shi Yinhong, cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã khẳng định: “Trung Quốc, với những thành tựu to lớn, đã nhảy quá nhanh và quá nhanh trên mặt trận chiến lược”.

Ngay cả Đặng Phát Phương, con trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, trong bài phát biểu được trích dẫn và phổ biến rộng rãi vào tháng 11/2018 cũng cho rằng Trung Quốc “nên giữ tinh thần tỉnh táo và ý thức được vị trí của chính mình”.

Nhưng trong lúc Bắc Kinh đang vận dụng thế mạnh từ tài chính, quân sự và nhân lực cho chính sách ngoại giao trong khu vực, các nhà phê bình nói rằng, vẫn còn thiếu vắng sự đồng cảm. Các giới chức Trung Quốc dường như không chịu hiểu rằng chính trị và kinh doanh được thực hiện theo những cách rất khác nhau ở từng quốc gia Đông Nam Á.

Các nhà phân tích nói rằng các giới chức Trung Quốc hầu như không thể hiểu tại sao chính phủ các nước khác không thể kiểm soát báo chí và khu vực tư nhân giống như cách của Bắc Kinh; tại sao dân địa phương không mở rộng vòng tay chào đón đầu tư Trung Quốc; và tại sao Trung Quốc bị coi là kẻ xâm lược.

Tình trạng vô cảm đối với cách thức sinh hoạt chính trị nội bộ trong khu vực và cảm xúc của người dân địa phương một phần là do đảng Cộng sản Trung Quốc độc quyền chính sách đối ngoại.

Một bài báo mới đăng trên tuần báo The Economist khẳng định “đảng Cộng sản Trung Quốc không tin rằng quyền lực mềm đa phần phát xuất từ các cá nhân, khu vực tư nhân và xã hội dân sự”.

Một câu hỏi cũng cần phải đặt ra là liệu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ảnh hưởng quá nhiều đến chính sách đối ngoại hay không. Theo New York Time “quyền lực mạnh mẽ của ông Tập có thể gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách được hiệu quả, khi các quan chức không dám báo cáo những tin xấu, phó mặc toàn quyền quyết định cho Tập và thi hành các mệnh lệnh của ông ta một cách cứng ngắc, dù tốt hơn hay tệ hơn”.

Hệ quả thứ hai liên quan đến lịch sử. Bắc Kinh có khuynh hướng xem các mối quan hệ ngoại giao qua lăng kính diễn dịch lịch sử của chính mình, trong khi vẫn nhắm mắt bịt tai trước những quan điểm khác biệt của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông.

Do đó Bắc Kinh thường xuyên lớn tiếng cho rằng những ý kiến phản đối các hành động của Trung Quốc trong khu vực đều do thiếu thông tin, là tuyên truyền của Mỹ hay chủ nghĩa thực dân mới. Và khi Trung Quốc sử dụng hội nghị thượng đỉnh ASEAN như một diễn đàn để lặp lại các yêu sách một chiều này của mình thì các nhà lãnh đạo trong khu vực có mặt tại đây cũng chẳng hề ngạc nhiên.

______

(*) Thật ra, ý của tác giả là hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra cuối tuần vừa qua, chứ không phải cuối tuần này, do bài này dịch muộn nên chỗ đó có thể bị hiểu sai.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. David Hutt, chiên da đoán mò về Việt Nam nhà mềnh . Tuy vậy, có 1 vài điểm đúng, ill point out. Đầu tiên là những cái sai . Khi nói về Việt Nam, chiên da nước ngòi -Trung Guốc hổng phải nước ngòi- theo quán tính, xem dư luận là thành tố duy nhất quyết định mọi thứ ở Việt Nam . Nothing can be further from the truth. Đảng & dư luận là 2 thứ khác hẳn nhau, và ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo . Có nghĩa tất cả mọi chính sách, mọi đường lối, Đảng đi 1 đường & dư luận đi 1 nẻo . Và đường hướng của Việt Nam đi theo đường của Đảng . Vì vậy, nhận định “Không nơi nào công khai cự tuyệt các bước tiến thương mại của Trung Quốc nhiều hơn quốc gia láng giềng Việt Nam” không thể sai hơn . Đúng là dư luận phản đối tất cả những gì dính dáng tới Trung Quốc, nhưng, như đã nói, dư luận là 1 chiện, chính sách của Đảng lại là 1 chiện khác . Biểu tình chống luật đặc khu có nghĩa Đảng đã ra luật & bị dư luận phản đối 1 cách khá là cực đoan . Rest assured, những người cầm đầu chống đối đã được/bị “tạm giữ” -từ của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng- và đôi lúc ở đâu đó cũng đang thập thò luật đặc khu . Trên thực tế, bất chấp có luật hay không, những đặc khu vẫn đang thành hình . Cho tới 1 lúc nào đó, luật có ra cũng chỉ hợp pháp hóa 1 “thực tế khách quan”. Có nghĩa chính sách 1B1R có thể thất bại ở đâu đó, nhưng khá thành công ở Việt Nam . “Kể từ lần đó, nó không còn được nói đến”. Sure, whatever you say.

    Where else did it suck seed? Cambodia.

    “và do việc đầu tư bất động sản của Trung Quốc gia tăng, đất đai lên giá, vượt quá khả năng tài chính của dân cư địa phương khiến họ không thể tham gia thị trường nhà đất ngày càng nhiều”

    Ở Mỹ, người ta gọi hiện tượng này là “gentrify”, tức là người có tiền mua lại nhà cũ nát ở mấy khu slums, fix up rùi bán lại với giá cao hơn, trong khi đó các tiệm từ trung -> cao cấp move vô làm cả khu lên giá . Khu slums thường để cho những người thu nhập thấp có thể sở hữu 1 căn nhà, với gentrification, người thu nhập thấp chỉ còn bồng bế nhau lên, nó ở apartments, hoặc những housing projects của chính phủ riddled w crimes. Ta nên gọi hiện tượng Sihanoukville là Chinafication?

    “Chuyện đó dẫn đến những câu hỏi nghiêm trọng là BRI có thực sự được thiết kế để cải thiện mức sống của người Đông Nam Á thông qua thương mại dễ dàng hơn hay thật ra là để Bắc Kinh tăng cường kiểm soát chính trị và kinh tế trong khu vực”

    Seriously, whos gonna ask that question? Ở những nước khác, có thể chính phủ sẽ keep tabs on hoạt động của Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam & Cambodia, who gonna ask that question? Người có quyền thì không cả muốn nói vì nhiều lý do, người không có quyền thì có nói cũng như không . 1 tỷ đô để mua được 2 nước, giá khá hời . Chưa kể châu Phi .

    “Các giới chức Trung Quốc dường như không chịu hiểu rằng chính trị và kinh doanh được thực hiện theo những cách rất khác nhau ở từng quốc gia Đông Nam Á”

    Họ quá hiểu . Với ảnh hưởng hiện nay qua những nhận định mang tính khuyến cáo -as it already happened- Trung Quốc đang suck seed.

    “các giới chức Trung Quốc hầu như không thể hiểu tại sao chính phủ các nước khác không thể kiểm soát báo chí và khu vực tư nhân giống như cách của Bắc Kinh (tớ thêm) & Việt Nam”

    “Bắc Kinh có khuynh hướng xem các mối quan hệ ngoại giao qua lăng kính diễn dịch lịch sử của chính mình”

    So do Việt Nam . Tất cả những “đổi mới” ta thấy, its all about the mullah on the surface. Nhưng fundamentally, them still sêm xít như hồi nào tới giờ .

    “thì các nhà lãnh đạo trong khu vực có mặt tại đây cũng chẳng hề ngạc nhiên”

    Nghe nói phía Việt Nam rút yêu cầu của mình trên biển Đông . Cái này thì đúng là chả làm ai ngạc nhiên .

    1 điều DH đúng

    “Chủ nghĩa dân tộc bài Trung Quốc có thể nhận thấy rõ ở Việt Nam trong nhiều thập niên”

    Đã vượt qua giới hạn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan . Chủ nghĩa xã hội + chủ nghĩa dân tộc cực đoan … Kỳ cải tạo tư sản tới có thể sẽ là Krystal Nacht xì-tai giao chỉ .

  2. Hoàng Thủy Ngữ dịch sai câu sau trong lời trích của Richard Heydarian: “Bất kể thứ gì, nó chỉ cần tha hóa sự huy động, quả quyết và khôn ngoan về chính trị của quần chúng ở các quốc gia sở tại”.

    Trong bản Anh ngữ, câu ấy là: “If anything, it has deeply alienated the mobilized, assertive and politically savvy populaces of host nations.”

    Phải dịch là: “Chưa biết có được việc gì hay không, nó là đã gây bực bội sâu sắc cho các khối quần chúng sẵn sàng kết hợp, quả quyết và khôn ngoan về chính trị ở các quốc gia sở tại.”

Comments are closed.