Suy nghĩ về y tế và giáo dục ở Cộng hòa Séc

Đoàn Phú Hòa

5-11-2019

Xin thú thật một điều là lâu lắm rồi tôi không đọc báo Việt Nam nhưng qua các thông tin trên mạng xã hội thì tôi cũng có thể hình dung cái thảm cảnh về giáo dục và y tế ở Việt Nam suy đồi đến mức nào. Thậm chí sẽ không sai khi tôi nhận định rằng hai lĩnh vực này ở Việt Nam đứng đội sổ trên thế giới.

Thường xuyên trên các mạng xã hội có những lời kêu gọi giúp đỡ ai đó đang gặp bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền để vào bệnh viện điều trị hoặc gia đình phải mang người thân của mình từ bệnh viện về nhà chờ chết hoặc không được cấp cứu vì không đủ tiền nộp cho bệnh viện. Một giường bệnh nằm chen chúc nhau, không những chỉ trên giường mà cả dưới đất.

Hàng năm, mùa khai giảng là mùa hãi hùng của các phụ huynh vì phải lo đủ mọi thứ cho con cháu mình đến trường. Không những thế họ còn phải đóng góp những khoản không nhỏ theo qui định bắt buộc cực kỳ vô lý của nhà trường.

THIÊN ĐƯỜNG là như vậy ư? Không, cái xã hội mà người dân lao động Việt Nam đang sống thực chất là một ĐỊA NGỤC. Một địa ngục không có tình người dưới sự thống trị của lũ quỷ, là tà đảng cộng sản Việt Nam, chỉ biết hút máu của chính đồng bào mình.

Cộng Hòa Séc không phải là một đất nước giàu có, bình quân thu nhập đầu người hàng năm chỉ ở mức rất khiêm tốn so với các nước Bắc Âu, Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc. Có lẽ vậy nên Séc chỉ là điểm tạm “dừng chân” của người tị nạn để ngay sau đó họ tìm mọi cách đến những nước có thu nhập cao hơn. Ngược lại, Séc có nền giáo dục và nền y tế tuyệt vời, được xếp vào top 10 trên thế giới.

Trẻ em ở Séc, dù là người Séc hay người nước ngoài được phép cư trú tại Séc đều được hưởng quyền lợi như nhau từ khi bước chân vào trường mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp, rời khỏi giảng đường các trường đại học để xây dựng cơ nghiệp của mình. Chúng không hề biết học phí là gì và các gia đình chỉ phải đóng 50% tiền ăn, 50% còn lại do nhà nước đài thọ.

Các thầy cô giáo dạy dỗ học sinh bằng cả tâm huyết của mình. Không thầy cô giáo nào mở lớp dạy thêm chỉ nhằm để tăng thu nhập cho mình. Các thầy cô truyền cho học sinh mọi kiến thức cần thiết trong giờ học. Các học sinh nước ngoài, nếu khả năng tiếng Séc kém thì nhà trường cử một giáo viên kèm cặp riêng sau các giờ học ngay tại trường và tất nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Hàng năm các phụ huynh không phải lo khoản quà cáp nhân ngày “Các nhà giáo” hoặc nhân dịp sinh nhật của thầy cô chủ nhiệm (mà thật tình thì có lẽ chẳng có phụ huynh nào biết ngày sinh của các thầy cô). Món quà duy nhất của các học sinh cho thầy cô giáo vào ngày bế giảng năm học chỉ là những bó hoa nhỏ, thậm chí chỉ là một bông hoa hồng xinh xắn được gói trong giấy bạc hay giấy bóng.

Chương trình phổ thông 9 năm ở Séc là chương trình bắt buộc với tất cả học sinh cho đến 16 tuổi. Gia đình nào không cho con đi học thì sẽ bị khiểm trách, nhắc nhở và nếu vi phạm nhiều lần thì khả năng bị ngồi tù là hoàn toàn có thể.

Hết hệ phổ thông các cháu có thể tiếp tục theo học các trường học nghề, trung cấp, cao đẳng để sau đó lên tiếp đại học hoặc ra làm việc tại các công sở, nhà máy tùy theo khả năng và nguyện vọng của mình. Việc lựa chọn này hoàn toàn là quyền của các cháu và rất ít bậc cha mẹ can thiệp vào vấn đề này.

Giáo dục là như vậy còn y tế thì sao? Ở Séc, nếu là người Séc hoặc người nước ngoài được phép định cư tại Séc mà đóng bảo hiểm y tế thì mọi kinh phí cho việc chăm sóc sức khỏe, từ khám bệnh, điều trị ngoại trú hay nằm viện đều do các hãng bảo hiểm y tế chịu trách nhiệm, trừ một số công đoạn bên nha khoa mà bảo hiểm sức khỏe chỉ chi trả một phần.

Ở Việt Nam, khi có ai đó phải vào nằm viện thì vấn đề mà bản thân bệnh nhân hoặc người nhà của họ lo lắng đầu tiên là sẽ phải thanh toán bao nhiêu rồi sau đó mới nghĩ đến khả năng trị bệnh.

Nghĩ mà thương cho người dân mình. Người Séc khi bước chân vào viện điều trị thì họ chỉ có 1 suy nghĩ duy nhất là được chữa khỏi bệnh. Họ không phải lo đến vấn đề tài chính cho dù đó là những bệnh hiểm nghèo như thay tim, thay thận, thay tủy sống, thay khớp chân, khớp tay, khớp xương hông, … bởi vì đã có bảo hiểm y tế thanh toán cho họ 100% kể cả việc ăn uống trong bệnh viện.

Khi có các ca cấp cứu thì việc đầu tiên là cứu người rồi sau đó mới xem đến thẻ bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm thì bệnh nhân có thể thanh toán dần theo khả năng của mình. Các bậc cha mẹ được phép ở lại bệnh viện chăm sóc con mình nếu cháu còn bé, cần có sự hiện diện và chăm nom của bố mẹ. Họ được bố trí giường sát cạnh giường của con mình và mọi chi phí, kể cả vấn đề ăn uống của họ cũng được bảo hiểm thanh toán. Các cháu nhỏ ở độ tuổi đi học mà nằm viện thời gian dài thì hàng ngày có thể dự các lớp học được tổ chức trong bệnh viện cho các cháu, theo đúng chương trình các cháu đang học trong nhà trường.

Trình độ chuyên môn của các bác sĩ trong các bệnh viện tương đương nhau chứ có sự phân cách như ở Việt Nam từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Điều quan trọng hơn cả là sự tận tâm của các bác sĩ. Họ không coi công việc của mình là nghề nghiệp. Họ coi đó là sứ mệnh và họ phải làm tốt cái sứ mệnh được giao phó đó.

Tôi chẳng mong Việt Nam được như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, … vì nó xa vời quá. Tôi chỉ mong Việt Nam có được cuộc sống và sự chăm sóc về giáo dục và y tế như ở Séc. Được thế là hạnh phúc lắm rồi.

Czech Republic, 05.11.2019
Đoàn Phú Hòa

P.S: Bài viết theo luồng suy nghĩ sau buổi livestream với hai anh Phạm Văn Thành và Huỳnh Công Phải chiều tối 04.11.2019 về sự khác nhau trong giáo dục giữa hai miền Nam – Bắc đến năm 1975 và trên toàn cõi Việt Nam từ 1975 đến nay.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. *“cái xã hội mà người dân lao động Việt Nam đang sống thực chất là một ĐỊA NGỤC. Một địa ngục không có tình người dưới sự thống trị của lũ quỷ, là tà đảng cộng sản Việt Nam, chỉ biết hút máu của chính đồng bào mình”.
    -Thiên đàng hay địa ngục là ở trong suy nghĩ của Ta. Ta sống với cuộc đời “con quỷ” thì khi thân xác Ta trở về với “cát bụi”, Ta còn lại suy nghĩ “con quỷ”, suy nghĩ “con quỷ” đưa Ta sống tiếp kiếp đọa đày “địa ngục”.

Comments are closed.