Rất khó xác định ông Nguyễn Văn Bảy đã thực sự bắn rơi 7 máy bay Mỹ

Việt Lê

17-10-2019

Khi nói về phi công Nguyễn Văn Bảy, trước hết cần biết có 2 nguồn phương Tây để tham khảo và kiểm chứng. Thứ nhất là cuốn Air War Over North Vietnam của nhà báo Istvan Toperczer. Thứ hai là bài viết của cựu phi công Ralph Wetterhahn trên tạp chí Air and Space. Đây là 2 nguồn trực tiếp viết về các phi công Không Quân Nhân Dân Việt Nam (KQNDVN) trong đó có ông Bảy. Tư liệu phía Mỹ thì rất nhiều và mình đã cố gắng check nhiều nhất có thể.

Mình muốn xác thực con số 7 máy bay mà ông Nguyễn Văn Bảy bắn hạ. Đồng thời tìm hiểu độ khả tín của các con số mà phía VN cung cấp về chiến công các loại v..v..

Như ta biết, thông tin cho dù là chính thức của phía VN thường hay bị thổi phồng một chút để tuyên truyền. Thông tin của phía Mỹ không phải là chính xác tuyệt đối, nhưng chắc chắn là khá chính xác, vì dựa vào những tài liệu gốc – các after action report, và các loại báo cáo khác của thời điểm đó được lưu trữ đàng hoàng. Còn phía VN chỉ có nguồn chính thức là cuốn Lịch sử KQNDVN, mà đây cũng chính là nguồn duy nhất của cuốn Air War – Toperczer. Ông này bị chửi là dịch y nguyên cuốn Lịch sử của VN để đưa vào cuốn Air War.

Muốn tìm sự thật về số máy bay bắn hạ của ông Bảy ta cần so sánh thông tin phía Mỹ và VN. Thật may công việc này đã có những người nghiên cứu làm rồi.

Theo đó, ta biết phi công giỏi nhất của KQNDVN là ông Nguyễn Văn Cốc đã được giới nghiên cứu phía Mỹ xác nhận bắn rớt 8 trong số 9 máy bay Mỹ công bố. Ông Cốc lái Mig-21, chủ yếu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ vào cuối năm 1967 đầu 1968. Có giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1967 ông Cốc bắn rớt đến 5 máy bay Mỹ.

Rất tiếc là số máy bay được cho là ông Nguyễn Văn Bảy bắn hạ hầu hết đều không được xác nhận từ phía Mỹ.

Nên biết ông Bảy chỉ bay Mig-17 là một phiên bản Mig cũ, không có radar hay hỏa tiễn, vũ khí chính là súng. Quan trọng hơn, lý do chính phía Mỹ không xác nhận được chiến công của ông Bảy đó là vì các Mig-17 hay bay theo đội, thường là 4 chiếc. Nếu có máy bay Mỹ bị bắn rơi, rất khó xác định chiếc Mig nào trong đội hình bắn hạ.

Hơn nữa, khi so dữ liệu thì nhiều máy bay được cho là ông Bảy bắn hạ là không có thực. Ví dụ ngày 26 tháng 4 năm 1966, ông Bảy nhận đã bắn hạ 1 máy bay, đội trưởng của ông Bảy là Hồ Văn Quý nhận bắn hạ 2 máy bay. Nhưng thật ra, ngày hôm đó phía Mỹ không có máy bay nào bị rơi.

Trong số 7 chiếc mà ông Bảy nhận, chỉ xác định được 2 trường hợp: ngày 16 tháng 9 năm 1966 bắn hạ F-4 của Robertson; và 21 tháng 6 năm 1966 bắn hạ F-8E của Cole Black.

Các trường hợp còn lại đều không xác định. Nếu có máy bay Mỹ bị bắn hạ trùng với dịp đội của ông Bảy xuất kích, thì thường là máy bay đó bị bắn hạ bởi súng phòng không, thay vì bị Mig hạ.

Mình nghĩ có lẽ do xu hướng phóng đại để phục vụ mục đích tuyên truyền, nên bản thân các phi công, hoặc cấp trên của họ đều dễ dàng khai quá lên một chút thành tích của mình. Có trường hợp chỉ có 1 máy bay Mỹ bị rớt, nhưng cả đội 4 phi công mỗi người nhận bắn rơi 2 máy bay.

Có một điểm thú vị, đó là bài viết của cựu phi công Wetterhahn, người trực tiếp lái Con Ma F-4 trong chiến dịch Rolling Thunder. Ông này đến VN và gặp gỡ các cựu phi công của KQNDVN trong đó có ông Bảy vào những năm cuối thập kỷ 90. Sau đó ông Wetterhahn viết lại và đăng trên Air and Space. Nhiều báo VN lược dịch và đăng bài viết của ông Wetterhahn nhân dịp tưởng niệm ông Bảy tháng 9 vừa rồi. Tuy nhiên, tất cả các bài dịch đều bỏ qua một số đoạn bất lợi cho phía VN.

Trong bài viết, tác giả kể ông Bảy cho biết có trường hợp phòng không VN bắn tên lửa SAM vào đội hình Mig-17 của ông, làm rớt 1 máy bay. Phi công Đỗ Huy Hoàng, đồng đội của ông Bảy cũng kể về kỷ niệm khá giựt gân như sau. Ngày 21 tháng 9 năm 1966, ông Hoàng bị chiếc Thần Sấm F-105 của Richter bắn hạ. Ông Hoàng nhảy dù thoát được. Thông thường, phi công KQNDVN sẽ có lá cờ đỏ sao vàng sau túi dù để vẫy khi nhảy dù xuống đất. Đã có nhiều trường hợp phi công miền Bắc nhảy dù ra bị lính dưới đất bắn vì tưởng phi công Mỹ. Lúc đó ông Hoàng bị gãy tay nên không lấy cờ được. Ông Hoàng đáp xuống ruộng lúa, bị dân làng lột đồ, bắt trói và đánh đập vì tưởng là phi công VNCH, do ông Hoàng (cũng như ông Bảy) nói giọng miền Nam. Phải mất cả tiếng cán bộ mới xác minh ông này là phi công của KQNDVN. Đoạn này trong bài viết không thấy báo nào đăng.

Tóm lại, theo các tư liệu trên, rất khó xác định ông Nguyễn Văn Bảy đã thực sự bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Nói đúng hơn, con số này là đáng nghi ngờ. Cũng như thành tích của 17 phi công KQNDVN khác đạt đẳng cấp “ace”, tức là phi công bắn rơi 5 máy bay địch trở lên. Theo thống kê, số chiến tích này phải bị giảm một nửa vì nhiều trường hợp phi công VN nhận bắn hạ nhưng lại không có máy bay Mỹ rơi. Ngoài ra, khá nhiều máy bay Mỹ bị bắn rớt do súng phòng không và hỏa tiễn SAM vẫn bị phi công Mig nhận thành tích. Trái lại, có khá nhiều máy bay Mỹ bị ghi nhận do Mig bắn rơi nhưng trong sử VN lại không ai nhận. Phía Mỹ nghi ngờ một số máy bay rơi bí ẩn này là bị phi công Liên Xô hay Bắc Hàn bắn rơi. Trong thực tế, có 1 phi công Liên Xô đạt đẳng “ace” khi hạ 5-6 máy bay Mỹ trên bầu trời Bắc Việt.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. 1- Rất hoan nghênh sự khách quan, muốn tìm ra sự thật thể hiện ở bài này. Đã là Lịch Sử, cần được quan tâm và nói đúng sự thật.

    2- Chúng ta chớ có mất thì giờ mà quan tâm (thậm chí còn thảo luận) với hai loại người:
    – Loại người mê muội tin (sái cổ) vào những nội dung tuyên truyền của CS. Muốn kiểm tra có thật ông Bảy bắn rơi 7 máy bay, lẽ ra phải tham khảo các tài liệu khác nữa, nhưng loại người mê muội cứ tin như tin vào lời thánh phán.
    – Loại người thứ hai (xuất hiện tại diễn đàn bài này) là tuyệt đối không tin ông Bảy bắn được cái máy bay Mỹ nào hết. Đúng ra, có thể nói họ cũng mê muội ở một thái cực khác.

  2. Rắc rối không cần thiết.
    Ông Bảy có bắn bảy hay ba gì cũng không quan trọng, giờ này đã trở thành quá khứ lâu xa rồi. Nỗi đau của đất nước hôm nay nè, sao không đem ra mà luận mà bàn rằng: giờ đây có ai dám ra mà đẩy chìm cái HD Địa chất 8 và một đàn tàu của TQ ngoài Tư Chính ấy. Đẩy chìm mấy cái đi rồi dân phong anh hùng chứ không cần Đảng phong. Thế là ổn phải không ạ.
    Ngày ấy toàn miền Bắc bắn rơi đến hơn 4000 chiếc máy bay, vậy cứ chia thêm cho ông Bảy mấy chục cái cũng có sao đâu.
    Hãy bỏ những chuyện bá vơ đi, lưu tâm đến việc hieenj tại này tốt hơn.

  3. Tôi chú ý đến chi tiết về nhà báo Istvan Toperczer viết cuốn “Air war over
    North Việt Nam” nhưng thật ra dịch y nguyên từ Lịch sử của VN.và do đó
    ông ta bị chưởi vì lý do trên !
    Chuyện này không phải mới,bởi vì nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thường
    hay làm bằng cách căn cứ vaò tài liệu của nước sở tại mà điều đó nghe qua
    thì hợp lý nhưng không biết rằng các nước CS.thường tuyên truyền là chính,
    chứ họ không hề cung cấp thông tin cho chính xác.Tôi muốn nói thêm một
    điển hình dịch y nguyên từ tài liệu CsVN.là Gareth Porter và thầy ông ta là
    George Kahin đã bênh vực VC.đến cùng,thậm chí cả Pol Pot !
    Cũng không cần chê ngươi nước ngoài,ngay 1 người VN.ở miền Nam mà còn
    viết “25 năm xây dựng xã hội XHCN.ở miền Bắc VN.” xuất bàn trước 1975
    cũng đã chống chế là…viết về miền Bắc thì phải lấy tài liệu miền Bắc ! Đây
    là điển hình một kẻ nằm vùng tuyên truyền cho VC.tức Trương Bá Cần.

    • Thế mà vẫn có một số trí thức miền nam trước 1975 mê muội với bài viết này của tên Trương Bá Cần!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây