Mai Thái Lĩnh
11-9-2019
Tiếp theo Phần I
Phần II – Quan niệm của Phan Châu Trinh về nền văn minh Trung Hoa và chế độ dân chủ phương Tây:
Quan niệm của Phan Châu Trinh về văn minh Trung Hoa và chế độ dân chủ phương Tây có thể tìm thấy rải rác trong nhiều bài thơ, bài viết của ông, nhưng tiêu biểu nhất là trong một di cảo có tên là Liên hiệp Pháp-Việt hậu chi Tân Việt Nam, tạm gọi là Tân Việt Nam.
Theo cố giáo sư sử học Vĩnh Sính, đây là một “vị định cảo” (tức là một bản thảo chưa hoàn thành).[1] Bản thảo này đã được dịch và phân tích khá nhiều trong thời gian gần đây, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ mới chú ý đến việc so sánh về đường lối và phương pháp đấu tranh giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, chứ chưa sử dụng để đối chiếu, so sánh giữa những người trong cánh tả.
Ngoài bản thảo nói trên, đáng chú ý nhất là hai bài diễn thuyết của ông tại Sài-gòn vào cuối năm 1925, một về chủ đề “Đạo đức và luân lý Đông Tây” (La morale traditionnelle et la morale occidentale), một về chủ đề “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” (La monarchie et la république). Trong bài viết này, tôi dựa vào Tuyển tập Phan Châu Trinh do Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương biên soạn, ấn bản năm 2006 do Nxb Văn hóa Thông tin tái bản.[2]
Về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam:
Phan Châu Trinh không tin vào giả thuyết “người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Hoa”. Ông cho rằng dân tộc Việt Nam có nguồn gốc riêng. Trong bản thảo Tân Việt Nam, ông viết: “Dân tộc ta, vài ngàn năm trước, tự sinh tự nảy nở ở lưu vực hai bên Tản viên Nhĩ hà, như người trong nguồn đào, không biết có đời Hạ đời Thương (…) (NVD, Tuyển tập, tr. 560)
Về mặt này, có lẽ ông chịu ảnh hưởng của bộ Cương mục (Việt sử Thông giám Cương mục) được biên soạn dưới thời Nhà Nguyễn. Trong Lời nói đầu (Phàm lệ) của bộ sử này, có đoạn: “Sử cũ chép quốc thống bắt đầu từ Kinh Dương Vương, nhưng xét thời đại ấy việc rất lờ mờ, không có chứng cứ đích xác. Nay vâng sắc dụ chuẩn y cho chép từ đời Hùng Vương, để tỏ rõ lúc bắt đầu có quốc thống của nước ta, còn những việc về niên kỷ Kinh Dương và Lạc Long thì chua phụ ở dưới mà chép sơ lược, để hợp với cái nghĩa “nghi dĩ truyền nghi”. [3]
Trong phần ghi chú trên bản thảo, ông nói rõ hơn: “Xét người nước ta, tuy cùng là giống Da vàng, nhưng tự sinh tự phát triển riêng ở phía Nam Á đông, giao thiệp gần gũi với Trung Quốc, thật từ đời Tần, Hán. Từ đó hai giống giao dịch, mới trở thành dân tộc hiện nay nhưng nói rút lại một thứ tình đặc biệt phát hiện trên lịch sử không thể tiêu diệt.” Nói cách khác, Phan Châu Trinh cho rằng người Việt Nam hiện nay là một dân tộc bản địa đã ít nhiều “Hán hóa” trong quá trình tiếp xúc với Trung Hoa. Cũng trong đoạn ghi chú nói trên, ông phê phán mạnh mẽ tinh thần sùng bái Trung Hoa của các sử gia đời trước: “Riêng với các sử gia hàng ngàn năm sùng bái Trung Quốc, vàng thau lẫn lộn, phụ hội vá víu mà phát biểu đặc tính của dân ta, gây ra tính căn ỷ lại, thì nước ta không thể làm được. Xem Trung Quốc là cha, cam chịu làm con, đọc lên khiến người chìm đắm tính linh, nuôi thành thói quen ỷ lại. Nếu không lấy con mắt sáng suốt mà xem, thì không thấy từ nay về sau phải đem những sự vẽ vời vô vị ấy mà xóa sạch đi”. (sđd, tr. 560-562, Nc 6) [4]
Đọc đến đây, có thể có một số độc giả nghĩ rằng mâu thuẫn về nhận thức giữa hai nhà yêu nước họ Phan bắt nguồn từ một vấn đề thuộc về thời tiền sử (préhistoire, prehistory): vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Thật ra, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, chúng ta sẽ thấy vấn đề chủng tộc không phải là yếu tố quyết định, bởi lẽ các luận thuyết trong lĩnh vực này thường là giả thuyết, không dễ dàng kiểm chứng về mặt khoa học. Mặt khác, dân tộc (nation) và chủng tộc (race) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau: những người cùng chủng tộc có thể gia nhập các dân tộc khác nhau, và những người khác chủng tộc có thể cùng nhau hình thành nên một dân tộc. Xét đến cùng, dân tộc là một thực thể mang tính chính trị và văn hóa nhiều hơn là sinh học.
Hơn thế nữa, từ những luận điểm gần gũi nhau về nguồn gốc dân tộc, người ta có thể đi đến những kết luận và lập trường chính trị hoàn toàn khác nhau. Vào giữa thập niên 1960, một nhà sử học ở miền Nam là Linh mục Nguyễn Phương (giáo sư tại Viện Đại học Huế) đã công bố một tác phẩm về cổ sử Việt Nam, trong đó ông đã đề ra một giả thuyết cho rằng dân tộc Việt Nam hiện nay không phải là con cháu của người Lạc Việt – chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn, mà là hậu duệ của người Trung Hoa đã di cư sang vùng châu thổ sông Hồng kể từ thời nhà Tần (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên). Những di dân này đã sống chung với người Lạc Việt và nhiều sắc tộc thiểu số khác trong cả ngàn năm và đến thế kỷ thứ 10, đã tiếp nối trào lưu giành độc lập của người Lạc Việt (mà tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Hai bà Trưng), tách rời khỏi mẫu quốc về mặt chính trị để thành lập nên nước Đại Việt – tiền thân của nước Việt Nam ngày nay. Như vậy, cùng một cách lập luận gần với quan điểm của Phan Văn Trường, Nguyễn Phương đã đi đến một kết luận hoàn toàn khác: những người Việt gốc Tàu “yêu tự do” đã thành lập nên một quốc gia mới, tương tự như người Anh khi sang châu Mỹ đã tách ra khỏi nước Anh bằng một cuộc chiến tranh giành độc lập và thành lập nên Hoa Kỳ – vào hậu bán thế kỷ 18. [5]
Trong thực tế, mâu thuẫn chủ yếu giữa hai nhà yêu nước họ Phan liên quan đến các vấn đề khác, như chúng ta sẽ thấy sau đây:
1) Về quan hệ Việt – Trung trong lịch sử:
– Trung Hoa đã bắt đầu xâm lược đất nước ta từ thời nhà Tần:
Ngược lại với ý kiến của Phan Văn Trường (Trung Hoa chưa bao giờ xâm lược Việt Nam), Phan Châu Trinh khẳng định rằng Trung Hoa là kẻ xâm lược ngay từ thời nhà Tần:
“Từ khi Tần Thủy hoàng lấy cái chí bao quát vũ trụ, cái dư oai thống nhất sáu nước, cuộc chiến mở rộng, trời long đất lở, mới đem đất đai, nhân dân xưa gọi là Giao chỉ, nay gọi là năm tỉnh Bắc Kỳ do tổ tiên xa xưa của dân tộc ta đã tất bật lam lũ gian nan cùng quẫn để xây dựng, mở mang, lấy làm căn cứ, mà đặt dưới quyền lực thống trị của Trung quốc. Từ đó, đã được hơn một ngàn năm trăm năm”.
Bộ mặt thật của Trung Hoa không phải là văn minh, khai hóa, nhân đạo, mà thực chất là tham lam, ỷ mạnh hiếp yếu, tàn ác, bóc lột. Ông tố cáo: “Trung Quốc đã lấy không biết tư cách nào mà cậy mạnh hiếp yếu, tham lam không chán, vô cớ mà xâm chiếm đất nước người ta, vô cớ mà tàn sát sinh mạng người ta, vô cớ mà trói buộc nhân dân người ta, vô cớ mà bóc lột máu mỡ người ta.” (sđd, tr. 562-563)
– Trong suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn khao khát tự do, ngầm nuôi ý chí quật cường, quyết tâm giành độc lập:
Phan Châu Trinh đặc biệt nhấn mạnh đến ý chí bất khuất của người Việt Nam, luôn luôn muốn thoát ra khỏi ách thống trị của đế quốc phương Bắc:
“Dân đời trước của Tổ quốc ta lúc bấy giờ cũng quật cường vĩ đại, trăm lần bẻ không cong, chẳng như một động vật ngu si không xương, không máu, không não, khí, gân. Cho nên các thủ đoạn đối đãi cũng rất kịch liệt: Hoặc khi nó lành thì ta phục tùng, hoặc khi nó dữ thì ta phản đối; khi ta thua thì nó ra tay chém giết chẳng chịu buông tha, khi ta thắng thì máu sông xương núi lấy đó báo phục. Tuy nó từ cao xuống thấp như thế vạc ba chân, lấy lớn hiếp nhỏ như hình đá chọi trứng, khiến ta không thể thoát ngay sự ràng buộc, và nó lấy cớ lớn mạnh trị ta quá dữ, kềm ta quá gắt, cách mệnh nổi lên luôn, giết hại quá nhiều, mà cảm tình oán hận được nung đúc trong não quốc dân không thể phá được, càng truyền càng lớn, càng thịnh. Nhưng dân tộc ta cũng càng lấy đó mà khuyến khích đặc tính, nuôi dưỡng tinh thần, ngầm dựng thế lực, không chịu khuất phục, càng thêm gắng gổ, thề lấy mạng sống lấp nơi đồng ruộng, lấy máu đỏ bôi cả núi sông để bày ra cái cảnh đau buồn sống động rất thảm rất mạnh, với dân tộc Trung Quốc ngàn lần to lớn không thể sánh, cùng nhau xung đột đua tranh trong cảnh thiên diễn ưu thắng liệt bại này. Nó chết ta sống, nó tiến ta lùi. Kể từ sau trước được trên ngàn năm, nó cũng không làm gì được ta là vì sao? Rốt cuộc do cái loạn thời Ngũ Quý, lúc giao thời của Chu Tống, binh lực không sửa sang, roi dài chẳng với tới, mà quân cách mệnh của Đinh Tiên Hoàng, với trống tự do, cờ độc lập, bỗng nhiên xuất hiện ở động Hoa Lư.” [6] (sđd, tr. 563-564)
– Về nguyên nhân giúp cho nước ta giành được độc lập:
Phan Châu Trinh viết tiếp: “Ôi! Xứ Giao chỉ con con, một vùng đất nhỏ không bằng một huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi nó đi.”
Tại sao làm được như thế?
Ông tìm cách giải đáp: “Trời thương chăng? Thần giúp cho chăng? Không thể bàn bạc được, không thể quy công cho ai. Thì lớn lời nói: Đó chỉ là đặc tính trầm nghị, kiên nhẫn, độc lập bất khuất của dân tộc đời trước của Tổ quốc ta mà thôi.”
Chính đặc tính “trầm nghị kiên nhẫn, độc lập bất khuất” của dân tộc Việt Nam mới là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành một nước Việt Nam độc lập, trong khi hầu hết các dân tộc ở phía Nam sông Hoàng Hà đã bị Trung Hoa chinh phục và đồng hóa đến mức ngày nay đánh mất hoàn toàn căn cước dân tộc, bị hòa tan trong đế quốc Trung Hoa.
Vì thế Phan Châu Trinh khẳng định: Việt Nam giành được độc lập hoàn toàn dựa vào sức mình là chính: “Đinh Tiên Hoàng đã sáng lập sự nghiệp vĩ đại muôn đời ngàn thuở kia, bên trong chỉ trông vào thế lực nước mình làm chính.” (sđd, tr. 564-565)
– Về nghi thức thụ phong:
Tại sao các vua nước ta chấp nhận nghi thức “thụ phong”? Trong phần trước, chúng ta đã thấy Phan Văn Trường giải thích việc nước ta và Cao Ly (tức Hàn Quốc ngày nay) chấp nhận nghi thức thụ phong là để thể hiện “chữ hiếu” (piété filiale), tuân phục quyền bá chủ về tinh thần (hégémonie morale) của đế quốc Trung Hoa. Ông gọi Trung Hoa là nước mẹ (mère patrie), là đế quốc-gốc (empire-souche). Ngược lại, Phan Châu Trinh cho việc chấp nhận thụ phong chỉ là một thủ thuật ngoại giao để đối phó với Trung Hoa:
“Như bọn nó cuốn đất mà lại, thế của ta không có gì mà chống, do đó mới có thủ đoạn ngoại giao để làm phương châm đối phó: giáo mác vừa yên, ngọc lụa lại tới. Một là để gỡ mối nhục của kẻ kia mất đất, hai là để giấu cái oai đắc thắng của ta, khiến cho cảm tình được mất của dân tộc hai nước đều tiêu tan trong cảnh vuông tròn của nơi hội họp thề bồi; khiến cho ta có thể thung dung ngày tháng kết hợp đoàn thể, sửa sang binh bị, thi hành thuật trị dân, sắp đặt Chính phủ để xác định cơ sở dựng nước. Than ôi! Dân đời trước của Tổ quốc ta có bàn tay khéo léo, nhãn quang sâu sắc, quy mô xa rộng, thật là đáng ca, đáng thán, đáng kính, đáng yêu, đáng sùng bái, chẳng có gì hơn thế nữa.” (sđd, tr. 565-566)
Trong phần ghi chú, ông viết: “Xét nước ta các đời thụ phong với Trung quốc chỉ là chính sách ngoại giao, cho nên coi là trò chơi, không coi là vẻ vang.” [7]
2) Về Nho giáo và nền văn minh Trung Hoa:
Phan Châu Trinh không phủ nhận hoàn toàn các giá trị của nền văn minh Trung Hoa. Ông thừa nhận nền văn minh đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến dân tộc Việt Nam, và các giá trị đạo đức của Nho giáo đã ăn sâu vào tư tưởng, tình cảm của người Việt suốt hàng nghìn năm. Tuy nhiên, ông nhận thức được một cách rõ ràng những mặt hạn chế của Nho giáo cũng như những khiếm khuyết của nền văn minh Trung Hoa.
– Đạo Khổng Mạnh khác với Nho giáo đời sau:
Điểm đặc biệt nhất của Phan Châu Trinh là việc ông phân biệt đạo Khổng Mạnh với Nho giáo đời sau. Theo ông, đạo Khổng Mạnh đã mất từ lâu: “Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sử sách Việt nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, vì là nước Nam, nước Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi” (“Đạo đức và luân lý Đông Tây”, NVD, sđd, tr. 948)
Nói cách khác, từ khi tư tưởng của Khổng Mạnh trở thành chính thống (thời nhà Hán), Nho giáo đã trở thành một ý thức hệ trói buộc trí thức, kìm hãm nhân dân, nhằm bảo vệ quyền lực của các dòng họ giành được ngai vàng bằng vũ lực. [8]
Phan Châu Trinh dẫn chứng: đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng: vua và dân đều cần đến đạo đức luân lý, dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải yêu dân như yêu con đỏ. Nhưng trong thực tế, ở Trung Hoa cũng như các nước Á Đông, những điều Khổng Mạnh dạy không được thực hiện:
“Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân thì phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân quý và vua khinh, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua quý mà dân khinh thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến. Vậy cho nên từ khi Khổng Mạnh đã qua rồi thì dân Tàu cũng thế mà dân ta cũng thế, hễ họ vua nào hơn thì lấy được nước, họ vua nào thua thì mất nước; vua công bình thì dân theo, vua tàn bạo thì dân giết, thành ra đời nào bền lắm là mấy chục năm, thay đổi tranh giành gây ra lắm cuộc trị, loạn làm cho giết hại lẫn nhau; cha giết con, con giết cha, anh giết em, em giết anh, vua giết tôi, tôi giết vua, không còn gì là đạo lý luân thường nữa.” (sđd, tr. 949-950).
Trong bài diễn thuyết thứ hai về đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, ông nói: “Coi tóm lại cái lịch sử quân chủ ở xứ Á Đông này, ta sẽ thấy Tần Thủy Hoàng sắp về sau không còn có đạo Nho thi hành ở trong nước nữa, chỉ còn sót một hai điều ở trong gia đình mà thôi; còn kỳ dư là những ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để cho dễ đè nén dân mà thôi.” (sđd, tr. 971).
– Nền văn minh Trung Hoa không thể dẫn đến chế độ dân chủ:
Phan Châu Trinh nhận định rằng nhược điểm lớn nhất của văn minh Trung Hoa là không thể thiết lập được những thiết chế dân chủ như ở phương Tây. Đạo Khổng Mạnh nếu thực hành cho đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến chính thể “quân dân cộng trị” (vua và dân cùng nhau cai trị), tức là chế độ “quân chủ lập hiến”. Nhưng thể chế chính trị này lại xuất hiện ở châu Âu chứ không phải ở Á Đông và ngay vào thời đó (1925), nước Nhật tuy học theo quân chủ lập hiến của châu Âu nhưng vẫn còn kém thua các nước ấy:
“Đạo Khổng Mạnh không phải là cách chuyên chế của các nhà vua mà anh em đã mộng tưởng đâu. Đạo Khổng Mạnh dạy quân dân tịnh trọng (vua dân đều trọng) và rất bình đẳng; vua và dân đều cần có đạo đức luân lý, nghĩa là dân phải kính trọng vua như cha mẹ mà vua cũng phải suy lòng đó yêu dấu dân như con đỏ vậy. (…) Cái chính thể ấy bên Âu châu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch ra là quân chủ lập hiến vậy. Hiện nay có nước Anh, nước Bỉ và nước Nhật đang theo chính thể ấy. Dân trí hai nước trên đã tiến tới nhiều, cho nên quyền vua cũng đã giảm bớt nhưng dân vẫn thương vua mà vua cũng vẫn yêu dân. Nước Nhật thì có kém thua nhưng đã theo chính thể lập hiến thì trước sau rồi cũng tới nơi vậy”. (sđd, tr. 948-949).
Nhận định này hoàn toàn chính xác, bởi vì mặc dù Nghị viện Nhật Bản đã thành lập từ năm 1889 – dưới thời Minh Trị, mãi đến khi bại trận trong Thế chiến thứ hai, do áp lực của phe Đồng minh (nhất là Hoa Kỳ), chế độ quân chủ lập hiến ở Nhật mới thật sự dân chủ hóa.
– Ý thức hệ Nho giáo giết chết lòng ái quốc của dân Việt Nam:
Hậu quả của việc du nhập Nho giáo vào nước ta là dần dà, nó giết chết lòng yêu nước của dân ta: “Nhưng mà theo ý tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ mà nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân An Nam ta”. (“Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”,sđd, tr. 981)
Tại sao lại như vậy? Vì ý thức tôn quân quyền khiến cho người dân trở thành kẻ phục tùng, vận mệnh quốc gia rơi vào tay một thiểu số thống trị, người dân không có quyền bàn việc nước cho nên không thể hình thành ý thức quốc gia – dân tộc trong người dân:
“Vậy mới biết rằng cái độc quân chủ vào óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ của dân ta cũng thấp quá. Chỉ một người mà nói: “Mày phải trung với người này, phải kính người này”, thì mới hiểu. Nếu ngồi cử ra cái tên nước An Nam nói rằng: “Ấy là nước của ông cha mày, mày phải thương”, thì tay nó không rờ được, mắt nó không trông thấy được, thì nó không có thể làm thế nào mà nó thương được.Vậy thì nó cứ nó, trừ ra một cái nhà, một cái vườn, vài mẫu đất, nội chỗ con mắt nó thấy đó, thì nó thương. (…) Nhưng mà tôi nghĩ trong hai mươi triệu, ai cũng chỉ biết có nhà mà không biết có nước. Như thấy trong cái nhà nào, lúc rủi ro có năm, ba thằng con trai bị chết tự tuyệt, hay nhà nào nhiều ruộng, nhiều đất mà bị kiện bị thưa hay bị con ham cờ bạc, thì xúm lại nói ồn ào khắp dân gian, cho là cái việc quan hệ nhứt trong xứ này. Còn nói đến việc mất nước, thì cũng chẳng ai mơ màng vào đâu.” (sđd, tr.980-981)
Tóm lại, trong khi Phan Văn Trường chủ trương “nhập-Trung” (hay hoàn-Trung) thì quan niệm của Phan Châu Trinh có thể được gọi là “thoát-Trung”.
(Còn tiếp)
M.T.L.
___________________________________
[1] Vĩnh Sính, “Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh”, Diễn đàn, Paris tháng 11/2006: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/100-phong-trao-duy-tan
[2] Tuyển tập Phan Chu Trinh, TS Nguyễn Văn Dương biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006, 1262 trang (viết tắt: NVD).
[3] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007, tập 1, trang 32.
[4] Nc (nguyên chú): chú thích của chính Phan Châu Trinh trong bản thảo.
[5] Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Viện Đại học Huế, 1965.
[6] Phan Châu Trinh coi thời điểm đánh dấu nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam là lúc Đinh Tiên Hoàng xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Cả hai bộ sử lớn của nước ta là Đại Việt Sử ký Toàn thư và Việt sử Thông giám Cương mục đều chọn Nhà Đinh làm điểm khởi đầu của biên niên sử chính thống.
[7] NVD, sđd, tr.566, Nc (2). Trong bài viết của của Vĩnh Sính, chữ hý được dịch là “màn kịch”: “ta coi việc thụ phong như một màn kịch (hý) chứ không lấy đó làm điều vinh dự”. Xem Vĩnh Sính, bđd.
[8] Về điểm này, quan điểm của Phan Châu Trinh khá gần với cách nhìn của một số nhà Trung Hoa học nổi tiếng người Mỹ như nhà triết học sử Herrlee G. Creel (1905 – 1994) hoặc nhà sử học John King Fairbanks (1907 – 1991).
Hỏi Mai thái Lĩnh
Ông thích gì???
Ông sẽ làm gì để hiệ n thực hóa
Còn với Tôi thì chỉ mong
CSVN PHẢI CHÊT
ĐẠI HÁN PHẢI CÚI MÌNH MÃI MÃI TRƯƠC DT VIỆT