Tác giả: Jason Furman
Dịch giả: Mai V. Phạm
20-8-2019
Các thị trường tài chính nghi ngờ thuế quan sẽ đem lại bất kỳ nhượng bộ lớn nào từ phía Trung Quốc. Mỹ cần một cách tiếp cận đa phương.
Chiến lược đối phó Trung Quốc của Tổng thống Trump đang thất bại. Cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông Trump đã không mang lại sự nhượng bộ ý nghĩa nào từ phía Trung Quốc, nhưng ngày càng gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc hòa nhập hơn với phần còn lại của thế giới, trong khi Mỹ bị cô lập hơn. Để đối phó các thông lệ kinh tế không công bằng của Trung Quốc, Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh và các tổ chức quốc tế, nhằm thúc đẩy một loạt các yêu cầu chuyên môn hơn.
Áp thuế quan với Trung Quốc đã gây ra tác hại rõ ràng cho nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Trong quý 2/2019, thuế quan đã góp phần làm giảm đầu tư kinh doanh cố định và có thể khiến GDP bị giảm bớt khoảng một nửa điểm phần trăm trong năm nay. Đây không nhất thiết là một bản cáo trạng với chính sách áp thuế của ông Trump. Khi công nhân tham gia đình công đòi hỏi tăng lương, họ biết rằng sẽ mất tiền lương trong thời gian ngắn, nhưng hy vọng sẽ bù lại những tổn thất đó khi công ty thông qua việc tăng lương.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã chỉ rõ rằng các nhà đầu tư không nghĩ Trung Quốc sẽ nhượng bộ, để bù đắp cho những tổn thất ngắn hạn. Thị trường chứng khoán suy giảm sau khi ông Trump công bố một đợt thuế quan mới vào ngày 1/8, cho thấy rằng, theo giá trị hiện tại (1) (Present Value), thì chiến lược này là một con số âm.
Tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã chậm lại, nhưng phần lớn không do các hành động thương mại của Mỹ. Thay vào đó, tăng trưởng chậm của Trung Quốc phần lớn do khả năng hạn chế của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua các đầu tư ngắn hạn và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, thậm chí khi nhân khẩu học của Trung Quốc tồi tệ hơn và tăng trưởng năng suất giảm.
Diễn biến thị trường cũng đã giảm bớt một số tác động mà thuế quan có thể gây ra, làm suy giảm đòn bẫy của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Đồng nhân dân tệ đã suy yếu, vốn bù đắp thuế quan bằng cách làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn. Trên thực tế, đây là kết quả tất yếu của chính sách đồng đô la mạnh của ông Trump, do thâm hụt ngân sách lớn hơn đã làm tăng nhu cầu quốc tế đối với đồng đô la, cũng như việc áp thuế với Trung Quốc, khiến Mỹ giảm nhu cầu đối với đồng nhân dân tệ. Trước lượt áp thuế mới nhất, Trung Quốc đã giúp ông Trump đạt được mong muốn là làm yếu đồng đô la bằng cách can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh cho các thị trường nhiều sự tự do hơn, thì chính phủ Trump gán mác “thao túng tiền tệ” (currency manipulator) cho Trung Quốc.
Tháng 1/2018, Trung Quốc có mức thuế trung bình 8% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ và các nước còn lại trên thế giới. Theo kinh tế gia Chad Bown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, để đối phó với các hành động của Mỹ, Trung Quốc đã tăng mức thuế trung bình ở Mỹ lên 20,7% vào tháng 6 vừa qua, trong khi cắt giảm thuế đối với các nước còn lại trên thế giới xuống còn 6,7%. Nghĩa là, Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ, nhưng tăng nhập khẩu từ các nước khác. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước khác cũng đang tăng lên.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc không vội vàng đưa ra những nhượng bộ lớn mà ông Trump đã yêu cầu. Thực tế là không ai nắm rõ những nhượng bộ cụ thể nào sẽ khiến Mỹ hạ nhiệt. Một trong những yêu cầu của chính phủ Trump là “danh sách mua sắm” (shopping list), yêu cầu Trung Quốc phải thu mua nhiều sản phẩm của Mỹ, như đậu nành và máy bay Boeing. Một yêu cầu khác là Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế, giảm phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường nhiều hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment) và tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ (intellectual property). Yêu cầu thứ 3 liên quan đến các mối đe dọa an ninh quốc gia từ các tập đoàn như Huawei, đã ra khỏi bàn đàm phán vì chính phủ Trump đã tìm cách cấm công nghệ Trung Quốc.
Chính phủ Trump cần thay đổi chiến lược của mình một cách triệt để. Bước đầu tiên cần tiến hành là nên hợp tác, thay vì chống lại các đồng minh lâu năm của Mỹ. Điều đó có nghĩa là chấm dứt các lời đe dọa áp thuế thương mại của ông Trump chống lại các đồng minh thân thiết, chẳng hạn như áp thuế quan đối với Mexico hoặc thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu. Thêm nữa, Mỹ nên đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, bao gồm tham gia lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, không có Trung Quốc.
Trước hết, Mỹ nên sử dụng các tổ chức đa phương và các luật lệ quốc tế, xem xét kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, bởi các chính quyền trước thời ông Trump đã có tỷ lệ thành công đáng kể tại WTO. Nhưng thay vào đó, chính quyền Trump đã chọn cách làm suy yếu WTO, bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán phúc thẩm, là những người có khả năng sẽ ra phán quyết có lợi cho Mỹ.
Thứ hai, Mỹ nên hủy bỏ “danh sách mua sắm”. Yêu cầu Trung Quốc mua thêm máy bay Boeing không phải là cách để châu Âu đứng về phía chúng ta trong tranh chấp thương mại. Yêu cầu như thế cũng có thể tiếp tục thúc đẩy mô hình kinh tế do nhà nước làm chủ của Trung Quốc trong khi không giúp ích cho nền kinh tế Mỹ trong trung và dài hạn.
Cuối cùng, Mỹ nên áp dụng một nguyên tắc nhất quán để đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Nếu các hoạt động gián điệp Trung Quốc thông qua thiết bị viễn thông là một mối đe dọa nghiêm trọng, thì Mỹ nên trực diện giải quyết vấn đề đó và không nên ra tín hiệu với Trung Quốc là Mỹ sẽ sẵn sàng đánh đổi an ninh quốc gia để đổi lấy việc Trung Quốc thu mua các sản phẩm của Mỹ. Quan điểm cho rằng, các mối quan ngại về an ninh quốc gia chỉ là một nước cờ trao đổi cho thấy Mỹ đang đàm phán với mục đích xấu, và điều này một lần nữa sẽ khiến việc kêu gọi sự trợ giúp của đồng minh gặp khó khăn hơn.
Ba đề nghị thay đổi trên sẽ cho phép Mỹ tập trung vào việc chống lại chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc (2), luật sở hữu trí tuệ yếu kém, đối xử thiên vị với các công ty nước ngoài về luật chống độc quyền, ưu đãi không công bằng với các công ty trong nước trước các doanh nghiệp nhà nước, và nhiều hoạt động khác mà Mỹ có các khiếu nại chính đáng.
Các giải pháp có thể tranh thủ được sự ủng hộ của các nhà cải cách Trung Quốc, là những người nghĩ rằng hầu hết các hoạt động mà Mỹ muốn Trung Quốc chấm dứt, đang ngăn cản Trung Quốc tiến sang một giai đoạn mới của tăng trưởng sáng tạo. Nhưng liệu các đề nghị này có thể cảm hóa được Tổng thống Trump?
____
Tác giả: Jason Furman là giáo sư thực hành chính sách kinh tế tại trường đai học Harvard Kennedy, và cũng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng từ 2013 – 2017.
Chú thích của người dịch:
(1) Giá trị hiện tại là một khái niệm quan trọng và hữu ích được sử dụng rộng rãi trong phân tích và đánh giá tài chính của các dự án đầu tư. Với một dự án cụ thể, nếu giá trị hiện tại dương, thì các nhà đầu tư nên tiến hành dự án; ngược lại, nếu giá trị hiện tại âm, thì không nên tiến hành dự án.
(2) Trung Quốc từ lâu đã duy trì quan điểm, cho rằng chuyển giao công nghệ bắt buộc là trái ngược với chính sách nhà nước. Lee Branstetter, giáo sư kinh tế và chính sách công của Đại học Carnegie Mellon, giải thích: “Nhiều chuyên gia và các nhà quan sát thị trường đồng thuận rằng, Trung Quốc đã nhiều lần buộc các tập đoàn đa quốc gia chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc, như một điều kiện để tiếp cận thị trường. Thêm vào đó, Trung Quốc đã liên tục thất bại trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Trung Quốc”.
Xin phép dc góp ý kiến riêng, suy nghĩ “bình dân” về bài viết: “Trump đang thua cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”
-Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2018 lên đến 621 tỷ USD, trong đó thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với TQ đạt mức 420 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang TQ còn 120 tỷ USD; nhập khẩu hàng hóa từ TQ vào Mỹ lên đến 540 tỷ USD. Xuất phát từ niềm tin rằng cán cân sức mạnh kinh tế trong mối quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi, Tập Hoàng đế thấy giờ đây TQ đã có thể thách thức thành công nước Mỹ và đưa ra tư tưởng “Giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”. Tại Đại hội toàn quốc của đảng CSTQ lần thứ 19 vào tháng 10/2017, Tập Hoàng đế tuyên bố mục tiêu đưa TQ trở thành xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020, sẽ gia nhập các quốc gia phát triển nhất vào năm 2035, đi đến vị thế cường quốc có tầm ảnh hưởng hàng đầu Thế giới vào năm 2050. Để đạt mục tiêu, Tập Hoàng đế có kế hoạch cụ thể : 1/ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá nhiều tỷ USD để xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu với TQ (Được bắt đầu vào năm 2013 với tên gọi “Một vành đai, một con đường”). 2/”Made in China 2025 “ với mục tiêu biến TQ thành một quốc gia sản xuất-công nghệ cao khổng lồ (tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu trong đó có bao gồm CNTT, robot, dược phẩm,… lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025).
-Với đối thủ TQ nặng cân, có tầm cỡ, có kế hoạch lộ trình rõ ràng như vậy mà nc Mỹ ngồi yên chờ chịu trói tay? Kế hoạch Tập Hoàng đế nếu thành công là khi đó TQ chủ động hạn chế, tăng thuế,.. số lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trong số 540 tỷ USD thì Mỹ lấy hàng hóa đâu ra? Kinh tế Mỹ phụ thuộc hàng nhập từ TQ? Tổng thống Donald Trump phải phát động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để lấy lại 540 tỷ USD hàng nhập từ tay đối thủ TQ (ko “Nối giáo cho giặc”) đưa cho các đồng minh của Mỹ hưởng, và các đồng minh với Mỹ cũng phải ký lại các thỏa thuận thương mại với Mỹ để nhập 120 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, thay vì Mỹ xuất sang TQ. Như vậy, những nc nào đồng minh với Mỹ sẽ dc hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung này. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp các doanh nghiệp tìm thêm dc nhiều thị trường xuất, nhập khẩu khác, ngoài thị trường truyền thống Mỹ, Trung và KT Thế giới sẽ bớt bị ảnh hưởng lớn khi nền KT Mỹ, Trung có biến động. (TTCK lên xuống 5~10% là bình thường do giá CK thường cao hơn giá trị thực).
-Để các doanh nhiệp & thị trường ko bị “sốc” (shock) do cuộc chiến thương mại, Tổng thống Donald Trump sẽ có lộ trình lựa chọn từ từ tăng thuế hàng hóa nhập từ TQ, ít nhất trong 03~04 năm (01 năm các doanh nghiệp thăm dò cuộc chiến có kéo dài ko? 01 năm các doanh nghiệp di dời nhà máy từ TQ sang nc khác & xây dựng xong, khi biết chắc cuộc chiến kéo dài và 01 năm để các doanh nghiệp ổn định sản xuất). Lúc các doanh nghiệp đã ổn định xuất hàng sang Mỹ là Tổng thống Donald Trump sẽ tăng thuế cắt đứt hàng nhập từ TQ. (với tư tưởng nc lớn bất chấp Luật pháp Quốc tế cùng tham vọng độc tài thống trị Thế giới của Tập Hoàng đế thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đứng ra ngăn chặn lại là ko sai).
Vậy “Trump đang thua cuộc chiến thương mại với Trung Quốc” nếu cuộc chiến ko kéo dài.