Phụng sự sự thật – Phụng sự đồng tiền?

Báo Chí Sạch

Kiên Giang

12-8-2019

Được tin Soha gỡ bài về Hà Văn Nam (*), admin lên Facebook giải thích, tương tác, tôi rất vui. Nhưng buồn, là dấu ấn đẹp đẽ Soha gầy dựng bao năm có nguy cơ sập đổ trong chốc lát.

Ảnh chụp màn hình bài viết về Hà Văn Nam trên trang Soha

1. Soha phải biết Hà Văn Nam, trong mắt một số chủ đầu tư BOT, là người không tốt. Dưới nhát búa của vị quan tòa Quế Võ – Bắc Ninh, Nam là một tội nhân (án sơ thẩm 30 tháng tù giam, chờ tòa phúc thẩm).

Nhưng với rất nhiều tài xế, người dân, Nam lại là một người hùng. Vì sao? Vì Nam con nhà nghèo, học giỏi (thủ khoa 30/30 của 02 đại học danh tiếng bậc nhất là Bách khoa và Nông nghiệp). Thêm nữa, Nam vươn lên làm giàu nhờ sự năng động sáng tạo – sản xuất nước tẩy rửa – là tấm gương startup thành công.

Giỏi, giàu, lại hiến máu đều đặn, giản dị, hay khóc…, nên người ta dễ nhìn Nam bằng con mắt cảm mến, thậm chí ví Nam là Lục Vân Tiên giữa đời sống mà các giá trị đạo đức, nghĩa khí dần băng hoại.

Vì thế, viết hay copy tin bài về một con người như vậy, không thể ẩu tả. Càng không được phép suy đoán, chộp mũ theo hướng có tội khi tòa phúc thẩm còn chưa xét xử.

Cái giá phải trả cho Soha vẫn nằm ở thì tương lai. Đắt hoặc rẻ là tùy thuộc vào cảm xúc đám đông, agency hay doanh nghiệp quảng cáo, tài trợ.

[Dân mạng đòi Soha cải chính là chưa hiểu luật. Soha không phải báo điện tử, mà là trang tin copy nguồn. Một trang tin cho mình cái quyền vùi dập một thân phận dù không có thẩm quyền sản xuất nội dung – kể cả nội dung cải chính, là hơi khó hiểu]

2. Trước Soha, Tuổi Trẻ – tờ báo và website lớn hơn rất nhiều – cũng đang có chuyện không vui.

Tôi, và bạn đều trọn tin tuyến bài Asanzo là mồ hôi, nước mắt phóng viên, cho tới khi một kế hoạch giải cứu sau cuộc “trấn nước” được hé lộ. Kế hoạch gửi từ một cá nhân được cho là trong nhóm thực hiện loạt bài điều tra đặt kỳ vọng làm thay đổi vận hành báo giấy – vốn thê thảm từng ngày.

Vẫn còn đó mồ hôi, lao động nhọc nhằn, nhưng giá trị phụng sự bạn đọc hư hao không ít.

Không dừng lại ở đó, cộng đồng mạng lại lại “mò” ra một loạt bài “phê bình nghiêm khắc” tỉnh Phú Yên về đấu giá đất công, sau đó là bài PR cho kỷ niệm thành lập xẻo đất nghèo khó này. (Đó là chưa kể kế hoạch PR do Công ty Saigon Star có dính dáng tới “người Tuổi Trẻ” thuộc hàng cực phẩm – xin được phân tích sau).

Tất cả, cùng xuất hiện trên Tuổi Trẻ. Không phải một tờ báo tay làm – hàm nhai nhỏ bé, mà là trên một Tuổi Trẻ khát vọng phụng sự.

Thời đại bùng nổ và thức tỉnh về thông tin, có lẽ không ai ngờ mọi góc khuất có thể được lật nhanh như thế.

Để chúng ta dần nhận ra: Đã qua rồi thời muốn viết gì thì viết; muốn chộp mũ ai thì chụp; muốn đánh thì đánh, muốn đàm thì đàm;…

3. Dù sống, học tập và làm nghề trong thời đại Google, Facebook, tôi luôn tin báo chí khác biệt với MXH bởi những giá trị căn cốt: Phụng sự sự thật, phụng sự lẽ phải, phụng sự tổ quốc.

Người làm báo thường có điều kiện hơn người chơi MXH ở nguồn tin, kiểm chứng, xử lý và đăng tải qua màng lọc/sự ràng buộc của đạo đức nghề.

Hồi chưa ai biết BOT là gì, báo chí chúng tôi mò mẫm và đi tới điểm gần như xa nhất của sự thật: Minh định cho bạn đọc rõ về BOT?

Nếu chưa rõ, hay muốn phản biện, hãy chỉ cho tôi: BOT nào tốt? BOT nào không đặt trên quốc lộ hiện hữu độc đạo tước bỏ quyền tự do đi lại hiến định? BOT nào không vay từ 70-85% (hoặc hơn) vốn ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con? BOT nào đúng luật và minh bạch tuyệt đối trong đấu thầu, phê duyêt vị trí đặt trạm, tổ chức thu phí? BOT nào cho phép dân biết, dân bàn, dân kiểm tra?…

Chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin, đã đi trước và buộc MXH làm công cụ, phát tán thông tin, từ Cai Lậy tới An Sương, T2, Phú Gia – Phước Tượng, XLHN…

Nhưng rồi, đọng lại không phải niềm vui sướng vì view, like, share, vượt lên trên MXH nhờ lao động tâm huyết, dấn thân, đánh đổi… mà là nỗi hụt hẫng, ê chề, đeo đẳng ngày này qua tháng khác.

Bộ GTVT đã chưa nỗ lực đủ để ghi nhận và phát triển đóng góp của báo chí. Nhiều cơ quan liên quan khác cũng vậy.

Và nếu cứ thế, báo chí có thể mất lửa, nhưng có thế mạnh để thắng trận về sau. Ích gì khi thắng vài trận đánh mà thua cả cuộc chiến?

Tôi vẫn coi Tuổi Trẻ là thành trì của báo chí phụng sự. Soha với những bài phỏng vấn, infographic độc, lạ là tiêu biểu của báo chí tư nhân đang lấp ló.

Tôi vẫn chờ họ minh bạch, hoàn toàn có thể cầu hòa, thậm chí nhận thua một trận đánh nhỏ để thắng toàn cuộc chiến – cuộc chiến với MXH, cuộc chiến níu giữ và củng cố niềm tin nơi độc giả.

Tôi sẽ luôn đồng hành, ủng hộ họ, ít nhất qua việc đọc bài, click vào quảng cáo, hay gửi thơ cộng tác.

KẾT: Tôi vẫn tin MXH không phải là đối thủ xứng tầm với báo chí, trừ khi báo chí tự cuốn theo những thông tin xấu độc, hay vì phút xao lòng mà nhà báo quay qua phụng sự đồng tiền.

____

Ghi chú của Tiếng Dân: Bài viết “Con đường từ thủ khoa đại học đến trại giam của Hà Văn Nam” trên trang hiện chưa bị gỡ, nhưng một số anh em trong nước không mở được bị lỗi 404 (xem ảnh bên dưới), tức bài đã bị gỡ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây