Đừng để nguồn tài nguyên băng cháy – khí Hydrate – của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc

Nguyễn Quang Bô

9-8-2019

Nói đến tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở vùng biển nước sâu Tư Chính-Vũng Mây, bể Phú Khánh,Trường Sa, Hoàng Sa mà không nói đến “Băng Cháy-Khí Hydrate”sẽ là một khiếm khuyết lớn. Vậy băng cháy là gì, tiềm năng băng cháy ở Việt Nam ra sao?

Băng cháy là từ để chỉ khí Methane bị giam hãm trong một cấu trúc tinh thể nước rắn như băng (Ảnh 4, 7, 13) ở điều kiện áp suất cao, nhiệt độ thấp dưới đáy đại dương hoặc vùng biển đóng băng vĩnh cửu (1, 2). Khí này vì vậy có tên là “Băng Cháy” hay “Khí Hydrate”.

Các nhà khoa học cho biết tại độ sâu nước biển 500m, áp suất khoảng 50 atm, nhiệt độ xung quanh 0 độ là điều kiện thuận lợi để băng cháy hình thành. Trong điều kiện này, vật chất hữu cơ bị phân hủy bởi quá trình biogenic tạo khí Methane vi sinh hoặc quá trình trưởng thành nhiệt thermogenic vật chất hữu cơ từ các tập trầm tích phía dưới tạo khí Methane dịch chuyển lên bề mặt đáy biển tích tụ lại thành Băng Cháy hay Khí Hydrate. Các tập trầm tích nơi băng cháy tích tụ gọi là “Đới ổn định Gas Hydrate – Gas Hydrate Stabilized Zone”(GHSZ) hay tầng chứa (Ảnh 2, 10).

Như vậy, băng cháy nằm ngay dưới đáy biển hoặc trong lòng đất đáy biển từ độ sâu 0m cho đến khoảng1.000m. Các nhà khoa học dự báo trữ lượng băng cháy toàn cầu khoảng 400 tỷ tấn ở vùng băng vĩnh cửu Bắc Cực và 10 -11 ngàn tỷ tấn ở các vùng biển và đại dương còn lại (Ảnh 1, 3, 11).Trữ lượng này gấp 3 lần tổng trữ lượng than đá, dầu khí, đủ cho thế giới dùng trong 800 năm nữa (1, 2 ).

Để thăm dò băng cháy, có hai phương pháp: trực tiếp hoặc dán tiếp. Trực tiếp là lấy mẫu trầm tích đáy biển, khoan nông để phát hiện băng cháy. Nói thì dễ nhưng ở điều kiện biển sâu hàng ngàn mét nước thì không đơn giàn. Phương pháp gián tiếp là khảo sát địa chấn nông có độ phân giải cao, logging, phân tích AVO(Ảnh 8a) để xác định các dị thường phản xạ liên quan đến tầng chứa gọi là “phản xạ mô phỏng đáy-Bottom Simulating Reflector – BSR (Ảnh 6, 8b). Phương pháp phân tích số liệu địa chấn đã được Viện Dầu Khi áp dụng có hiệu quả trong các nghiên cứu về tiềm năng băng cháy ở biển Việt Nam.

Có 3 phương pháp khai thác thu hồi băng cháy: Gia nhiệt, giảm áp suất hoặc bơm chất ức chế như Methanol, Glycol vào tầng chứa làm mất đi sự cân bằng để băng cháy giải phóng từ dạng rắn thành dạng khí. Cứ 1m3 băng cháy sẽ gải phóng được 164m3 khí Methane và 0,8m3 nước (1, 2). Nói thì dễ nhưng khai thác được băng cháy còn là câu chuyện của tương lai.

Việt Nam mình có băng cháy không? Ở đâu? Tiềm năng trữ lương nhiều hay ít? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học Việt Nam đã rất quan tâm nghiên cứu trong các chương trình đánh giá tài nguyên biển của mình. Viện Dầu Khí có đề tài “Thu thập, phân tích, tổng hợp tài liệu về khí Hydrate để xác định các dấu hiệu tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” thuộc chương trình “Nghiên cứu điều tra cơ bản về tiềm năng khí Hydrate ở các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020”.

Nhóm tác giả TS Nguyễn Đức Thắng, TS Đỗ Tử Chung và nnk ở Bộ Tài nguyên Môi trường có bài “Băng cháy (Khí Hydrate) nguồn năng lượng tương lai”(2). Viện Dầu Khí có công trình: ”Dấu hiệu và dự báo vùng triển vọng Gas Hydrate ở Biển Đông” (Ảnh 5, 8, 12) của TS Trịnh Xuân Cường, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Hoàng Sơn, Tạ Quang Minh(3); đề tài “Nghiên cứu ứng dụng địa chấn trong tìm kiếm khí Hydrate khu vực Tư Chính-Vũng Mây” (Ảnh 6) của Nguyễn Thanh Tùng, Bùi Thị Hạnh kết hợp Phan Thiên Hương Đại học Mỏ-Địa chất (4) v.v…

Tất cả các nghiên cứu bước đầu này đều khẳng định vùng Biển Đông của Việt Nam có tiềm năng lớn về băng cháy, trữ lượng được xếp vào hàng thứ 5 của châu Á, tập trung ở 4 khu vực (Ảnh1): Quần đảo Hoàng Sa, bể Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa (2, 3).

Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện băng cháy ở phần phía Bắc Biển Đông, trữ lượng 19,4 tỷ m3 đủ cho nhu cầu năng lượng của họ ít nhất 130 năm (5, 6). Thế nên chúng ta rất dễ dàng nhận ra ý đồ độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò phi lý phi pháp; bằng sự đánh chiếm Hoàng Sa; bằng sự liên tục đe dọa, cản phá hoạt động dầu khí hợp pháp của Việt Nam hoặc ngang nhiên đưa tàu địa chấn”Haiyang Dizhi-08” vào khảo sát ở bãi Tư Chính, giàn “HD-981” vào khoan ở vùng EEZ của ta gần địa lũy Tri Tôn vì ngoài dầu khí thông thường còn có băng cháy, nguồn năng lượng của tương lai mà chúng rất thèm khát.

Đừng để nguồn tài nguyên “Băng Cháy- Khí Hydrate” của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc!

(1): “Methane Hydrate, the World largest Natural Gas resource is trapped beneth Permafrost and Ocean Sediments” by Hobart M. King, Geology.com.

(2): “Băng Cháy(Khí Hydrate) nguồn năng lượng tương lai”. Tác giả: TS Nguyễn Đức Thắng, TS Đỗ Tử Chung và nnk Bộ Tài Nguyên Môi Trường, tạp chí” Khoa học và Công nghệ Thủy sản” số 1, 2008.

(3): “Dấu hiệu và dự báo triển vọng khí Hydrate ở Biển Đông Việt Nam”. Tác giả:TS Trịnh Xuân Cường và nnk Viện Dầu Khí, trang web của Petrovietnam.

(4): “Nghiên cứu ứng dụng địa chấn trong tìm kiếm khí Hydrate khu vực Tư Chính-Vũng Mây”. Tác giả: Phan Thiên Hương Đại học Mỏ – Địa chất, Nguyễn Thanh Tùng, Bùi Thị Hạnh Viện Dầu Khí. Tạp chí “Khoa học và Công nghệ biển” tập 16, số 1, 2016.

(5): “Soi nhiên liệu băng cháy đang gây sốt Việt Nam có nhiều”. “Báo Mới” số ra ngày 23/5/2017.

(6): “Băng cháy, năng lượng khổng lồ ở Biển Đông mà Trung Quốc thèm khát”. “ANTV-Dòng sự kiện” 31/5/2014.

P.S: Mặc dù tàu “Haiyang Dizhi-08” đã rời Bãi Tư Chính (sau khi kết thúc khảo sát?) nhưng Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ xâm chiếm biển đảo của Việt Nam cho nên phải luôn cảnh giác và sẵn sàng chống trả khi chúng quay lại!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây