Cuộc xâm lăng trên biển và nước mắt nhà báo

Tâm Chánh

7-8-2019

“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc xâm lược trên biển lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Cựu đại sứ Nguyễn Trường Giang, một nhà ngoại giao được cho có trên 10 năm nghiên cứu về vấn đề biển đảo, đã nhận định như vậy trên Vietnamnet.

Cộng đồng Facebook đã kịp chia sẻ bài viết này của ông, trong khi bản chính trên Vietnamnet không còn truy cập được.

Báo chí Việt Nam từ khoảng 10 năm nay những nội dung về tranh chấp biển Đông và về tình hình Trung Quốc đã không xuất hiện với đúng tính chất thời sự của nó.

Nhiều hơn thế, những vấn đề lịch sử trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Trung Quốc Việt Nam nếu được đề cập trên báo chí đều như nhất quán với ứng xử của nhà nước.

Cuộc chiến chống bành trướng bá quyền Trung Quốc 1979 phút chốc bị lãng quên rồi nhấp nhức xuất hiện bằng những kí ức mất mát. Tranh chấp biên giới và hải đảo không thể xuất hiện những ghi nhận thực tế, trực tiếp của báo chí.

Báo chí trong nước không thể làm gì khác hơn là thụ động tiếp nhận nguồn tin từ báo chí nước ngoài và thông tin của các cơ quan nhà nước. Tất cả đều như trong một kịch bản, cùng một trạng thái chấp hành cái được cho là đại cuộc.

Chưa nói đến cái đại cuộc ấy thau vàng ra sao, nhưng thực tế tiếp cận thông tin là cuộc chạy đua ngày càng lạch cạch giữa báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như sự xuất hiện ngày một nhiều đủ loại tin giả.

Thực tiễn đang là một thu hoạch đáng sợ: Không ai có thể xác tín điều gì đang xảy ra trên biển Đông thuộc chủ quyền của đất nước mình.

Đó hẳn không thể là đại cuộc mà chúng ta mong đợi nhưng nhất định đã là tình thế hoàn toàn bất lợi khi giặc xâm lược xác lập đại cuộc của họ.

Chủ trương kiểm soát thông tin đối ngoại có thể là một liều thuốc ngắn hạn, cấp cứu trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tuyệt đối không thể biến nó thành phương lược giữ nước.

Ngay cả “đại cuộc” bốn tốt mười sáu vàng êm tai cũng không thể an định được trên quan niệm báo chí từ công năng của giấy, như tập tính dùng giấy báo gói xôi, báo chí chỉ như một thứ bao bì đựng, đậy, bảo quản.

Không ai có thể đoán chắc những câu chữ chỉ như những cấu kiện dễ dàng lắp ghép có vẻ ngăn nắp ấy liệu có những độc tố nào của mực in có thể là nguyên phát ung thư?

Khi liều thuốc ngắn hạn được duy trì như một công cụ thường xuyên về thông tin thì đại cuộc diễn ra theo cách rất nghịch lí.

Thật đáng ngạc nhiên sự kiện giặc Trung Quốc xuất hiện trước bãi Tư Chính đã được những cây bút có ảnh hưởng ngồi nhà biện giải theo một giọng điệu hầu như trái ngược với phân tích chính thống của nhà nước.

Càng đáng ngạc nhiên là một sự kiện diễn ra chỉ cách đảo Phú Quí vài mươi hải lí nhưng không thấy cơ quan báo chí nào triển khai tác nghiệp, tựa hồ đồng bào ở những nơi phên dậu, sóng gió ấy không có chút liên lạc nào với tổ quốc.

Báo chí Việt Nam từng có những phóng viên đột nhập biên giới Apghanistan, đi thẳng vào chiến sự vùng Vịnh, tường thuật những trải nghiệm của mình cho người đọc Việt Nam. Đột nhiên nhà báo Việt Nam không thể nhấc nổi chân vào vùng đất thuộc lãnh thổ nước mình. Chúng ta nói với nhau về chủ quyền quốc gia khi chính chủ quyền với đôi chân của mình, một cách nào đó, bị tê liệt.

Thật lạ lùng, trong một hoàn cảnh nghèo nàn, mất tự do, xã hội Việt Nam còn có cái tên đủ tin cậy về tin tức: Phạm Xuân Ẩn. Không nói đến hoạt động tình báo, mà với tư cách một nhà báo, Phạm Xuân Ẩn là một cây bút phân tích đáng để học nghề. Còn chúng ta những nhà báo Việt Nam đang tác nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo không từ thực địa, từ phòng họp nhà trắng, nhà đỏ, mà từ căn tin mỗi toà soạn.

Không xa đâu Trường Sa ơi.

Những giọt nước mắt của tình quân dân khô tạnh tức thì sau mỗi chuyến tham quan biển đảo.

Trường Sa đã rất xa trong tác nghiệp báo chí khi tàu giặc lù lù trước trời của ta, biển của ta.

Đối diện với “cuộc xâm lăng trên biển lớn nhất trong lịch sử” bỗng ứa mắt ao ước được cùng những đồng nghiệp từng đêm thức với những bản thảo còn tươi nguyên mùi biển.

(Trời mưa bão thật buồn, nên để lại hưng hửng rồi sẽ viết tiếp về cái cách “có đảng, nhà nước lo” có lí hay không?)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây