Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 7)

Hồ Bạch Thảo

3-8-2019

Tượng Lê Long Đĩnh ở Cố đô Hoa Lư. Photo Courtesy

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6

7. Thời một ông Vua tệ nhất nước: Lê Long Đỉnh [1006-1009]

Niên hiệu: Long Đỉnh: 1006-1007; Cảnh Thụy: 1008-1009

Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, nhằm duy trì ngôi báu, các vị vua thường chọn một trong những giải pháp sau đây để trị nước: Hoặc chia quyền cho người trong họ, hoặc giao cho quan võ giữ các phiên trấn, hoặc dùng quan văn để khống chế quan võ.

Giải pháp nào cũng có nhược điểm. Trường hợp các võ quan nắm trọng quyền, dễ sinh ra nạn sứ quân, như Thập Nhị Sứ Quân thời nhà Ngô; hoặc cướp ngôi, như trường hợp Mạc Đăng Dung dưới thời Lê Mạt. Dùng quan văn để khống chế quan võ, có thể bớt được nạn phiên trấn đoạt quyền, nhưng đất nước dễ trở nên duy nhược; đó là căn bệnh dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức; chính vua Tự Đức cũng phải tự phê về triều đại mình như sau:

Thanh dung thịnh nhi võ bị suy, nghị luận đa nhi thành công thiểu

(Về mặt ngoài hào nhoáng, nhưng võ bị suy, bàn luận nhiều, mà thành công ít).

Dùng người trong họ có ưu điểm đạt được mức độ tin cậy cao hơn, nhưng nạn anh em tranh quyền thì hầu như thời nào cũng có.

Riêng Vua Lê Đại Hành chủ trương dùng người thân cai trị nước. Năm Hưng Thống thứ 1 [989], Phong con trưởng là Long Thâu làm Kình Thiên đại vương; con thứ hai là Ngân Tích làm Đông Thành vương; lập con thứ ba là Long Việt làm Nam Phong vương.

Tháng giêng năm Hưng Thống thứ 4 [992], lại theo thứ tự tiếp tục thụ phong cho các con:

Con thứ 4 Ngự Man vương Long Đinh trấn tại Phong Châu nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

Con thứ 5, Khai Minh vương Long Đĩnh, trấn tại Đằng Châu; nay thuộc huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.

Con thứ 6, Ngự Bắc vương Long Ngận trấn tại Phù Lan; nay thuộc huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Con thứ 7, Định Phiên vương Long Tung trấn tại Ngũ huyện giang; nay thuộc Bắc Ninh, Hà Nội.

Con thứ 8, Tư Doanh Thành phó vương Long Tương trấn đóng ở Đỗ Động; nay thuộc sông Nhuệ, Hà Nội.

Con thứ 9, Trung Quốc vương Long Kính trấn ở Mạt Liên; nay thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Con thứ 10, Nam Quốc vương Long Mang trấn đóng ở Vũ Lũng; nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Con thứ 11, Hành quân vương Long Đề [tức Minh Đề] đóng tại Cổ Lãm; nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc.

Con nuôi Vua, Phù Đới vương [không rõ tên], trấn đóng tại Phù Đái; nay là huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.

Trước lúc vua Lê Đại Hành mất 1 năm, lúc này người con trưởng Long Thâu đã mất; nhà Vua phong cho con thứ 3 Long Việt làm Thái tử để chuẩn bị nối ngôi; chỉ cho con thứ 2 Ngân Tích làm Đại vương; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép như sau:

Cương Mục, Chính Biên, quyển 1, năm Ứng Thiên thứ 11 (1004).

Trước đây, con trưởng là Kình Thiên đại vương Long Thâu mất, Ngân Tích, theo thứ tự, đáng được lập. Bấy giờ Long Đĩnh cầu xin làm Thái tử, ý nhà vua muốn cho; đình thần bàn rằng không lập con trưởng mà lập con thứ thì không hợp lễ; thành thử lại thôi. Đến đây, lập Long Việt làm Thái tử, gia phong Đông Thành vương Ngân Tích và Khai Minh vương Long Đĩnh làm đại vương.”

Năm sau [1005] nhà vua mất, trong vòng 8 tháng, các Vương Ngân Tích, Long Kính, Long Đỉnh tranh dành ngôi vua với Long Việt. Cuối cùng Long Việt lên ngôi được 3 ngày, thì Long Đỉnh cho người trèo tường vào trong cung hành thích, rồi lên ngôi:

Trước đó, Đông Thành vương Ngân Tích, Trung Quốc vương Long Kính và Khai Minh vương Long Đĩnh đều làm loạn; Thái tử không lên ngôi được, cầm cự nhau đến 8 tháng, trong nước không ai làm chủ. Đến đây, Long Việt mới lên ngôi; Ngân Tích phải chạy, bị người châu Thạch Hà (1) giết chết.

…Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi, tự lập làm vua; truy đặt tên thuỵ vua Long Việt là Trung Tông hoàng đế.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.

Phối kiểm với sử Trung Quốc, nói chung sự kiện chép tương tự, chỉ sai chi tiết về tên; lại cho biết thêm vua Tống Chân Tông sai Thiệu Hoa làm An phủ sứ Quảng Nam Tây Lộ lập kế hoạch chuẩn bị xâm lăng nước ta:

Trường Biên, quyển 60. Năm Cảnh Đức thứ 2 [1005]

Tháng 5 [6/1005], Lê Hoàn đất Giao Châu mất, người con giữa là Long Việt tự lập, anh Long Việt là Long Toàn (2) cướp tài sản trong kho rồi trốn, em là Long Đình (2) giết Long Việt tự lập, anh Long Đình là Minh Hộ đốc suất trại Phù Lan đánh lại. Quốc tín sứ Thiệu Hoa trú tại nam Ngũ Lãnh đem việc này tâu lên. Ngày Mậu Tý ra lệnh Hoa làm An phủ sứ miền duyên hải Quảng Nam Tây Lộ, cho tiện nghi đặt phương lược. Con Hoàn là Minh Đề trước đây đến triều cống còn trên đường về, chiếu đưa Sứ thần bạn tống để an ủi phủ dụ thêm.”

(交州黎桓死,其仲子龍鉞自立,龍鉞兄龍全劫庫財而遁,其弟龍廷殺龍鉞自立,龍廷兄明護率扶闌寨兵攻戰。國信使邵曄駐嶺表,以其事聞。戊子,就命曄為廣南西路緣海安撫使,聽以便宜設方略。桓子明提先入貢還在路,詔送伴使臣,倍加安撫)

Riêng đối với Lê Minh Đề, con thứ 11 của vua Lê Đại Hành, được vua Tống cho nhiều tiền bạc, tạm lưu lại tại Quảng Châu [tỉnh Quảng Đông], có lẽ chuẩn bị cho làm chức bù nhìn, để quân Tống có danh nghĩa trong trường hợp xâm lăng nước ta:

Trường Biên, quyển 62. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]

Binh loạn tại Giao Chỉ, Lê Minh Đề lưu ngụ tại Quảng Châu không về được; vào ngày Giáp Thìn tháng 3 [2/4/1006] chiếu mệnh ban riêng tiền 15 vạn, gạo 150 hộc, vẫn được cấp thẻ ngụ tại quán.

(交阯兵亂,黎明提等留廣州不得歸,三月甲辰,詔別賜錢十五萬、米百五斛,仍並給館券。

Tuy bọn Thiệu Hoa, Sách Lăng đều tâu bày xin đánh nước Đại Cồ Việt; nhưng rút kinh nghiệm về những lần thua bại dưới thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, khiến vua Tống Chân Tông không dám mạo hiểm. Lại nhân về phía Bắc mới ký hiệp ước Thiền Uyên (3) [1005] với nước Liêu; vùng đất phía bắc sông Hoàng Hà vẫn do Liêu chiếm cứ, hàng năm phải cống cho Liêu 15 vạn lượng bạc, 25 vạn tấm quyên. Như vậy mối họa về nước Liêu vẫn còn treo lơ lững tại phương bắc, mối lo về nước Hạ thì canh cánh tại miền Thiểm Tây; nên vua Tống đành giả bộ nhân nghĩa tại phương nam, rằng không mang quân đi đánh nước đang có tang:

Trường Biên, quyển 63. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]

Trước đó có chiếu thư cho viên Tri Quảng Châu Lăng Sách và An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa thiết phương lược cùng ước tính việc nên làm tại Giao Chỉ. Vào ngày Tân Mão tháng 6 [18/7/1006] bọn Lăng Sách tâu rằng:

“Các con Lê Hoàn tranh ngôi, mỗi người tụ hợp một số quần chúng, chiếm lấy trại sách, quan lại chia lìa, nhân dân sợ hãi. Bọn Thủ lãnh Hoàng Khánh Tập, Hoàng Tú Loan hơn 1.000 người, không theo bọn chúng điều động, bị giết cả bà con họ hàng, bèn chạy đến châu Liêm. Cầu xin mang quân mã bình định Giao Chỉ; bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, lập tức tiến công. Chúng thần họp bàn rằng nếu triều đình chấp thuận lời xin, chỉ cần phát binh trong châu, cộng thêm 2, 3 ngàn quân tinh nhuệ Kinh Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc], thủy lục cùng tiến, thì có thể bình định lập tức.”

Vua phán:

“Lê Hoàn kế tục hoàn thành chức cống, lại từng sai con đến triều cận, giữ một góc biển an ninh, không mất điều trung thuận. Nay nghe tin y mất, chưa có thể đến điếu tế, lại mang quân đánh lúc có tang; hành động như vậy há kẻ Vương giả làm được ư!”

Bèn ban chiếu cho bọn Sách phủ dụ yên ỗn; nhóm Khánh Tập chiếu theo nhân khẩu ban cho y phục và lương ăn, đặt chức, ban ruộng canh tác, chủ trương ưu đãi. Bọn Thiệu Hoa thể theo chiếu ban, bèn gửi thư cho Giao Chỉ, tuyên bố uy đức của triều đình. Nếu còn chém giết lẫn nhau như cá trên thớt, kéo dài không yên định; lúc đó triều đình sẽ mang quân đi hỏi tội, thì họ Lê không còn nòi giống. Lê Minh Hộ sợ, bèn tuân theo Long Đình chủ trì việc quân. Rồi Thiều Hoa dùng lễ vật của Lê Hoàn đã tiến cống, cải ban cho quân mới. Hoa tâu lên rằng:

“Mềm dẽo vỗ về Di nước ngoài, đáng biểu thị sự thành tín; Nên chờ Long Đình sai Sứ đến cống, sẽ phong tước ban cho ân sủng.”

Vua khen và chấp thuận.

(先是,有詔知廣州凌策與緣海安撫使邵曄等同設方略,經度交趾事宜。辛卯,策等言:「黎桓諸子爭立,各聚徒眾,散施寨柵,官屬離析【一五】,人民猜懼。頭首黃慶集、黃秀巒等千餘人,以不從驅率,戮及親族,來奔廉州,乞量出軍馬,平定交趾,慶集等願為先鋒,克日攻取。臣等會議,若朝廷允其所乞,止發本道屯兵,益以荊湖勁卒三二千人,水陸齊進,立可平定。」上曰:「黎桓繼修職貢,亦嘗遣其子入覲,海隅寧謐,不失忠順。今聞其死,未能弔恤,而遽伐其喪,此豈王者所為?」乃詔策等撫安之【一六】。慶集等仍計口給衣食,賜田署職,務從優厚。曄承詔,遂貽書交趾,諭以朝廷威德,如有自相魚肉,久無定位,偏師問罪,則黎氏無遺種矣。明護懼,即奉龍廷主軍事。於是,詔曄即以黎桓禮物改賜新帥。曄上言:「懷柔外夷,當示誠信,不若竢龍廷貢奉,別加封爵而寵錫之。」上嘉納焉。)

Tuy vậy viên An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa lại dâng thêm bản đồ xâm nhập Giao châu để thuyết phục, nhưng vua Chân Tông vẫn khăng khăng từ chối:

Trường Biên, quyển 63. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]

Ngày Tân Dậu tháng 7 [17/8/1006], An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa dâng bản đồ thủy bộ từ Ung châu đến Giao châu, cùng bản đồ sông núi cần khống chế. Thiên tử đem việc này nói với các quan phụ tá rằng:

Giao châu chướng lệ, Nghi châu hiểm trở; tổ tiên mở cương vực rộng lớn đáng giữ cẩn thận mà thôi, không cần lao phí binh lực, tham các đất vô dụng; như các vùng đã phong đất cai tri, có loạn lạc, thì phải vì dân mà trừ hại.”

(緣海安撫使邵曄上邕州至交州水陸路及控制宜州山川等圖,上以示輔臣曰:「交州瘴癘,宜州險絕,祖宗開彊廣大,當謹守而已,不必勞費兵力,貪無用之土也。如封略之內有叛亂者,則須為民除害爾。)

Về nội bộ nước ta, Lê Long Đỉnh sau khi cướp ngôi vua, xưng tôn hiệu là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thấn Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế; lập bốn hoàng hậu. Bấy giờ Ngự Bắc Vương cùng với Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan [nay thuộc huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương] làm phản. Vua thân đi đánh; hai vương đóng chặt thành cố thủ. Vây đến vài tháng, trong thành cạn lương; Long Ngận bắt Long Kính đem dâng nộp. Nhà vua sai chém Long Kính và tha tội cho Long Ngận. Nhân tiện, đem quân đi đánh Ngự Man vương Long Đinh ở Phong Châu [nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú]; Long Đinh phải đầu hàng; từ đó các vương đều chịu phục.

Trước đây, nhà vua đóng tại xã Phù Lan, có tin chạy trạm đến tâu rằng mán Cử Long vào cướp, đã kéo đến cửa biển Thần Đầu (4). Khi đã dẹp yên Phong Châu, rút quân về đến sông Tham, nhà vua liền vào Ái Châu [Thanh Hóa] đánh xong giặc mán Cử Long.

Về mặt ngoại giao với Trung Quốc, Cương Mục [Chính Biên, quyển 2] ghi vào năm Ứng Thiên thứ 14 [1007] nhà Vua sai em là Minh Sưởng và Chưởng thư ký Hoàng Thành Nhã sang cống, dâng biểu xin cửu kinh (5) và kinh sách đại tạng; nhà Tống ưng thuận cho cả. Sử Trung Quốc chép về việc này như sau:

Trường Biên, quyển 66. Tống Chân Tông năm Cảnh Đức thứ 4 [1007]

Lê Long Đình [Đỉnh] tự xưng Quyền An Nam tĩnh hải quân lưu hậu, sai em là Thứ sử Quán châu Minh Sưởng, và bọn Điện trung thừa Hoàng Thành Nhã đến cống. Ngày Tân Tỵ tháng 7 [1/9/1007] ban cho Long Đình chức Tĩnh hải tiết độ sứ Giao Chỉ quận vương, ban tên là Chí Trung, cấp cho cờ và phù tiết. Lại sai truy tặng cho Lê Hoàn Nam Việt vương; bọn Minh Sưởng đều được thăng trật. Lúc mở yến tiệc tại điện Hàm Quang, Minh Sưởng cũng dự; Thiên tử thấy Thành Nhã phải ngồi xa, muốn thăng ngôi thứ, bèn hỏi Tể tướng Vương Đán. Đán tâu:

“Trước kia Quản Trọng triều Chu, vua ban lễ Thượng khanh, Quản Trọng cố từ chối, nhận lễ Hạ khanh rồi trở về. Quốc gia vỗ yên các nước xa xôi, không hiềm việc ưu đãi khách sứ.”

Bèn thăng Thành Nhã vào bực Thượng thư ngũ phẩm.”

(黎龍廷自稱權安南靜海軍留後,遣其弟槵州刺史明昶、殿中丞黃成雅等來貢。辛巳,授龍廷靜海節度使、交趾郡王,賜名至忠,給以旌節。又追封黎桓為南越王,明昶等皆進秩。及含光殿大宴,明昶等與焉,上以成雅坐遠,欲稍升其位著,訪於宰相王旦,旦曰:「昔管仲朝周,王饗以上卿之禮,管仲固辭,受下卿之禮而還。國家綏靜遠方,優待客使,固無嫌也。」乃升成雅於尚書五品之次。(實錄誤以管仲為子產,今改之。)

Lê Long Đỉnh là Vua tàn ác, dâm ô, làm những điều càn dở nhất trong lịch sử; Toàn Thư [Bản Kỷ, quyển 1] chép như sau:

Niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ 1 /1008], Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương (5), Vị Long, bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau qúa kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu [Nghệ An] và châu Thiên Liễu, bắt được người thì làm chuồng nhốt vào rồi đốt.

… Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh (7), sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn.”

Năm Cảnh Thụy thứ 2 [1009], vua theo lời xin của Đô đốc Kiểu Hành Hiến cho đào sông, đắp đường, lập đồn tại Thanh Hóa:

Đô đốc Kiểu Hành Hiến xin đào sông, đắp đường và lập đồn dựng mốc ở Ái Châu [Thanh Hóa]. Nhà vua nghe theo, xuống chiếu cho quân và dân châu ấy đào sông từ cửa ải Chi Long (8) qua núi Đính Sơn đến sông Vũ Lũng (9).” Cương Mục, Chính Biên, quyển 2.

Tháng 7, Vua lại mang quân vào đánh dẹp các châu Hoan Đường (10), Thạch Hà tại vùng Nghệ Tĩnh; rồi trở về kinh đô:

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua thân đi đánh châu Hoan Đường và châu Thạch Hà.

Nhà vua đến sông Hoàn Giang, sai phòng át sứ Hồ Thủ Ích đem hơn năm nghìn quân sửa sang mở mang đường sá, từ sông Châu Giáp đến cửa Nam Giới (11). Nhà vua đi thuyền ra ngoài biển bỗng dưng sóng gió sôi nổi, mây mưa mờ mịt, bèn sai quay thuyền trở lại, đi đường bộ về kinh đô”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 2.

Cũng trong năm Cảnh Thụy thứ 2 [1009] nhà Vua sai sứ sang Trung Quốc cống tê ngưu, và xin buôn bán chung tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] nhưng bị nhà Tống từ chối:

Trường Biên, quyển 72, năm Đại Trung Tường Phù thứ 2 [1009]

Ngày Quí vị tháng 12 [21/12/1009], Lê Chí Trung Giao Châu sai Sứ đến cống, cùng hiến 1 con tê ngưu thuần. Thiên tử cho rằng tê ngưu trái với thủy thổ, không thể nuôi được, định từ chối. Lại sợ trái với ý của Chí Trung, nên chờ khi Sứ thần về, bèn ra lệnh thả tại bờ biển. Chí Trung lại sai Sứ dâng biểu xin một bộ giáp trụ, chấp thuận theo lời xin. Lại cầu buôn bán chung tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây], Chuyển vận sứ đạo này tâu lên; Thiên tử phán:

Những dân ven biển mấy lần bị Giao Châu xâm cướp, trước đây chỉ cho hỗ thị tại Khâm Châu cùng Như Hồng, vì rằng đó là nơi biên giới có thể khống chế. Nay lại cho đưa vào nội địa, sự việc có phần bất tiện.”

Chiếu cho đạo này ban dụ thể theo chế độ cũ.

(癸未,交州黎至忠遣使來貢,并獻馴犀一。上以犀違土性,不可豢畜,欲拒而不納;又慮逆至忠意,俟其使還,乃令縱之海澨。至忠又遣使表求甲胄、具裝,詔從其請。且求互市於邕州,本道轉運使以聞,上曰:「瀕海之民,數患交州侵寇,承前止許廉州及如洪寨互市,蓋為邊隅控扼之所。今或直趨內地,事頗非便。」詔令本道以舊制諭之。(求甲胄及互市,會要並在二年十二月貢馴犀後,而本傳並以其事屬之三年,實錄亦載求甲胄於三年正月,嫌其與廣西漕臣經度鎮撫相亂,今從會要,悉聯書之。)

Sứ thần từ Trung Quốc chưa kịp trở về nước, thì vua đã mất vào ngày Tân Hợi tháng 10 [19/11/1009], tại tẩm điện (12) gọi là Ngọa Triều; vì vua mắc bệnh trĩ lại say đắm tửu sắc, nên phải nằm mà chủ trì hội họp triều đình, ở ngôi được 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009).

________

Chú thích:

  1. Thạch Hà: nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

2. Long Đình: xem trên Cương Mục chép là Long Đỉnh; Long Toàn Cương Mục chép là Ngân Tích.

3. Thiền Uyên: hiệp ước ký tại Thiền Uyên thuộc Bộc Dương thị, tỉnh Hà Nam hiện nay.

4. Cửa Thần Đầu: Ở địa giới huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nhà Lê đổi là Thần Phù; bây giờ là cửa Chính Đại.

5. Cửu kinh: 9 bộ sách căn bản của Nho học gồm: 1) Dịch; 2) Thi; 3) Thư; 4) Lễ; 5) Xuân thu; 6) Hiếu kinh; 7) Luân ngữ; 8) Mạnh tử; 9) Chu lễ.

6. Toàn Thư chú, Vi Long: nay thuộc Chiêm Hóa tỉnh Hà Tuyên; Đô Lương: chưa rõ tại vùng nào.

7. Sông Ninh: Bản dịch Toàn Thư chú thích có thể là sông Ninh thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.

8. Cửa ải Chi Long: Theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư, cửa ải Chi Long ở huyện Chi Nga, Chi Nga bây giờ là huyện Nga Sơn.

9.Vũ Lũng: Cương Mục chú, Vũ Lũng: Tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hóa; nhiều lần phân chia ra sao và lệ thuộc vào đâu, bây giờ không khảo được.

10. Châu Hoan Đường, Cương Mục, Chính Biên, quyển 2, có lời chua như sau: Hoan Đường: Thuộc đất Hoan Châu. Nhà Đinh, nhà Lê (Lê Đại Hành) gọi là châu Hoan Đường; khi thuộc Minh đổi là Thạch Đường; về sau, nhà Lê đổi là huyện Nam Đường. Nay vẫn theo như tên cũ, thuộc phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An.

11. Nam Giới: tên cửa biển ở phía Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

12. Tẩm điện: nhà ngủ của vua.

Bình Luận từ Facebook