Vụ gian lận thi cử: Sắp xét xử một số quan chức tỉnh Sơn La, Hà Giang

BTV Tiếng Dân

12-7-2019

VKSND tỉnh Sơn La xác nhận, đã hoàn thành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, theo ANTV. Các bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La gồm: Trần Xuân Yến, PGĐ Sở; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Cầm Thị Bun Sọn, Phó phòng Chính trị tư tưởng; Lò Văn Huynh,  Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.

Các bị cáo còn lại gồm Đặng Hữu Thủy, Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu, Đỗ Khắc Hưng, cựu Trung tá và Đinh Hải Sơn, cựu Thiếu tá, đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về vụ gian lận điểm thi Sơn La: Vì sao nhận cả tỉ đồng vẫn thoát tội nhận hối lộ? Theo đó, các bị can Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Nguyễn Thanh Nhàn và Đặng Hữu Thủy bị xác định đã nhận hối lộ, mức thấp nhất là 300 triệu đồng, nhiều nhất là 1,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, những người đưa hối lộ không thừa nhận đã đưa tiền, mặc dù người nhận đã thừa nhận. Viện KSND tỉnh Sơn La cho biết “ngoài lời khai của 4 bị can này thì không có tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh” và VKSND tỉnh Sơn La cho rằng, không có căn cứ để truy tố các bị can nói trên về hành vi nhận hối lộ. Có lẽ Bộ Công an cần vào cuộc, điều tra tội bao che cho tội phạm của Viện KSND tỉnh Sơn La!

Vụ sai phạm thi THPT ở Hà Giang: Dự kiến giữa tháng 7 sẽ xét xử vụ án, theo Thông Tấn Xã VN. Chánh án TAND tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, khoảng giữa tháng 7, cơ quan này dự kiến sẽ mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án hình sự, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ gian lận thi cử THPT 2018 ở tỉnh này.

Có 4 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, gồm Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông, đều là PGĐ Sở. Bị can còn lại là Lê Thị Dung, Phó đội trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Bị can từng bị nghi ngờ là em gái ông Triệu Tài Vinh chối tội như thế nào? Bài báo nói về bị can Triệu Thị Chính, cựu PGĐ Sở GD&ĐT Hà Giang, đã không thừa nhận có liên quan đến vụ bê bối nâng sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh này, khi làm việc với cơ quan điều tra, nói rằng danh sách bà đưa chỉ nhờ xem điểm.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang cho thấy bà Chính đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm 1 thí sinh. Bà này vẫn được xem xét tình tiết giảm nhẹ do “có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình bị can Chính có bố là người có công với cách mạng”.

Các vụ bê bối khác trong thi cử

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Bài thi vào lớp 10 được nâng từ 1 điểm lên 8 điểm. Chiều 11/7, ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng xác nhận, cơ quan này đã trả lại điểm thi môn Toán “cho tám thí sinh vì ghép nhầm phách dẫn tới điểm công bố lần 1 thấp hơn, đồng thời sẽ rà soát tám bài thi bị nhầm tăng điểm để xử lý”.

Ông Lợi cho biết thêm, do sự nhầm lẫn số phách với số bài thi, có 8 bài thi công bố điểm lần 1 bị nhầm thấp hơn thực tế, đồng nghĩa với chuyện có 8 bài thi khác bị nhầm tăng lên. “Trước mắt Sở GD & ĐT TP Hải Phòng đã trả lại điểm cho các em có điểm công bố lần 1 thấp hơn”.

Báo Pháp Luật Plus đặt câu hỏi: Nhiều tỉnh hoàn thành chấm thi THPT, hàng nghìn bài trắc nghiệm bị “lỗi bất thường”? Bài báo cho biết, nhiều cụm chấm thi THPT Quốc gia 2019 ở nhiều tỉnh thành “ghi nhận một số lượng đáng kể các trường hợp bài thi trắc nghiệm bị lỗi như, cụm thi Bình Thuận có hơn 32.000 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm  thi trắc nghiệm đã phải xử lý khoảng 100 bài thi bị lỗi; tại tỉnh Đồng Nai, có hơn 400/78.100 bài thi có lỗi và đã được chỉnh sửa theo đúng quy chế”.

Cán bộ chấm thi quốc gia ở Sài Gòn nói bị bớt xén thù lao chấm tự luận, theo báo Giáo Dục VN. Một số cán bộ chấm thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 ở Sài Gòn, chia sẻ, quan chức giáo dục TP chỉ trả 5.250 đồng/bài/người. Một bài thi tự luận phải chấm hai vòng độc lập, có nghĩa là trả 10.500 đồng/bài cho hai người chấm.

Trong khi đó, một cán bộ chấm thi khẳng định, “căn cứ theo văn bản 2584/BGD-KHTC năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, cán bộ chấm thi được khoảng 14.000 – 16.000 đồng/bài thi tự luận”.

______

Mời đọc thêm: Vụ gian lận thi cử Sơn La: Cần cơ quan điều tra cấp cao hơn? (TT). – Vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Hoàn tất cáo trạng, truy tố 8 bị can (ĐSPL). – Gian lận thi cử ở Sơn La: Chính thức truy tố 8 bị can (KT). – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La đối mặt 10 năm tù vì gian lận điểm thi (TN). – Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Chủ yếu cán bộ nhờ nâng điểm cho thí sinh (DT).

Trung tuần tháng 7 sẽ xét xử vụ án sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang (Tin Tức). – Ai là người duy nhất không thừa nhận tội danh trong vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang? (ĐSPL). – Nữ cán bộ công an Hà Giang nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh như thế nào? (ĐSVN).

Thí sinh thi lớp 10 được nâng từ điểm 1 lên điểm 8 do… ghép nhầm phách (NLĐ). – Cung cấp dữ liệu điểm thi THPT quốc gia cho các cơ quan báo chí (SGGP). – Hội đồng chấm thi tỉnh Sơn La thông tin về “3% bài thi trắc nghiệm bị tô mờ, tô đúp” (GĐ).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây