30 năm báo Lao Động Chủ Nhật, vài gương mặt thân thiết

Hoàng Hưng

21-6-2019

Nhân 21/6, ngày được gọi là “ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”, tôi nhớ lại những ngày sát cánh với các đồng nghiệp trong tờ báo đầu tiên đã làm “cuộc Cách mạng nền báo chí Cách mạng” vào tháng 12 năm 1989.

Tuy bị đánh quỵ vào năm 1994 từ một quyết định của Bộ Chính trị ĐCS VN do e sợ tác động “diễn biến hoà bình” của tờ báo, chỉ trong 5 năm tung hoành với một ê kíp được nhà báo Lý Quý Chung (cây bút thể thao nổi tiếng Sài Gòn trước 1975) nhận xét là “đội hình đẹp như mơ” (gồm một số cây bút tên tuổi Sài Gòn cũ, một số nhà báo tài năng của miền Bắc, có cả 2 “tên” vừa đi tù về), báo LĐCN đã tạo bước chuyển không thể quay lui của báo chí “chính thống”: có phần bám sát thực tế xã hội, dám nói thật một số điều (tuy còn xa sự thật), phần nào nói tiếng nói của dân chứ không phải chỉ của “lãnh đạo”.

Vài đồng nghiệp cũ tâm đầu ý hợp ở báo Lao Động mà nghĩa tình còn mãi đến hôm nay.

1. TỐNG VĂN CÔNG

Có lẽ đã và sẽ không có một TBT báo “chính thống” nào “lạ” như ông này. Là đảng viên CS, nhưng ông cởi mở và khoái chơi với trí thức văn nghệ sĩ, với bọn “bạch vệ”, “xét lại”, “tà ru”. Nhất là văn nghệ sĩ (sau ông mới khai đã từng làm thơ, viết văn nhưng có lẽ… không thành công, nên ông rất quí các văn tài!). Ông đối xử với tôi không bao giờ như cấp trên- cấp dưới, mà luôn như bạn đọc- nhà thơ! Và may mà ông… khoái thơ tôi!

Nên mới có chuyện là khi tôi viết bài về thơ Đặng Đình Hưng, họp toà soạn, có ý kiến phàn nàn “thơ ông này khó hiểu quá, sao lại giới thiệu?” thì TBT Tống Văn Công nói ngay: “Không hiểu thì phải học để hiểu, chứ sao?” (tôi tin là không có TBT thứ hai nào trong hệ thống báo “chính thống” có thái độ như thế đối với văn nghệ mang tính “tiên phong”).

Và chuyện ông làm thơ gửi đăng báo Tết của chính báo mình nhưng vẫn gửi cho Trưởng ban VHVN duyệt một cách sòng phẳng như ông đã kể trong Hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh”!

Kể cả chuyện khó tin này: khi báo LĐ phát triển thành báo ngày, ông “vận động” tôi nhận “chức” Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ để đảm bảo cho trang này vận hành suôn sẻ. Tôi vốn xưa nay ghét mọi “chức vụ” vì chỉ thích Tự do, nên bảo: “Tôi không có khả năng đâu!” Ông vặn và khích: “HH mà không có khả năng thì còn ai có?” Nhà báo Trần Trọng Thức cùng dự cuộc “vận động”, truy tôi: “Ông nói thế để tránh né công việc? Thì ra ông chỉ coi báo LĐ là nơi cho ông trú chân chứ không muốn đóng góp thật tình?”

Ái chà, truy đến “cái tình” như thế thì gay đây! Tôi bèn đáp trả: “Nếu nói về khả năng thì tôi phải làm Bộ trưởng Văn hoá chứ làm Trưởng ban cho các ông làm khỉ gì? Vấn đề là quan điểm của tôi không giống Ban Tư tưởng văn hoá (của ĐCS)! Nhưng các ông đã nói thế thì để tôi suy nghĩ thêm”.

Mấy hôm sau, trong cuộc họp đông đủ toà soạn, vấn đề lại được TBT nêu ra. Tôi lại trả lời viện lý do quan điểm. Trần Đức Chính, đương kim trưởng ban VHVN, biết ý TBT, bèn nói: “Quan điểm khác Ban Tư tưởng thì làm báo càng hay chứ sao!”. (Thời đó, mới “đổi mới” được vài năm, trí thức còn “tưởng bở” nên khá hăng tiết, nay thì bố bảo anh nhà báo nào nói thế nhỉ?). Thế là tôi phải nhận, nhưng tôi ra điều kiện: cho tôi hai phó, một ở Sài Gòn (nhà văn Tô Hoàng), một ở Hà Nội (nhà thơ Bùi Việt Phong), để tôi… rộng cẳng đó đây! TBT Tống Văn Công OK liền!

Và chuyện này nữa: đầu năm 1994, tôi ra tập thơ “Người đi tìm mặt” trong đó có mấy bài thơ tù, quan trọng nhất là bài “Người về”. Mấy ngày sau, Chủ tịch TLĐ Lao động VN, chủ quản của báo LĐ, gọi TVC lên: “An ninh vừa gặp tôi. Tay HH này là thế nào mà anh để làm Trưởng ban VHVN?”.

Không biết nên ăn nói với tôi ra sao, ngay đêm ấy TVC khôn khéo kể cho cậu “em” tôi là Trần Trung Chính nghe sự tình, để cậu ấy “sang tai” cho tôi ở Sài Gòn. Sớm hôm sau, tôi viết ngay lá đơn “từ nhiệm trưởng ban” đưa Hữu Tính chuyển ra Hà Nội. Tôi phản ứng quá nhanh, BBT họp không biết xử lý ra sao. TBT lấy lý do không tìm được ai thay, quyết định tôi phải tiếp tục nhiệm vụ 6 tháng nữa (ông lần lữa, muốn sóng gió qua đi rồi… lờ chuyện).

Mãi đến khi cuộc vu vạ “báo LĐ diễn biến hoà bình” lên đến BCT ĐCS, trong đó tội đầu tiên là trọng dụng hai thằng bộ lạc ‘tà ru’ (Choé và tôi), ông mới đành cho tôi nghỉ, và cho tôi chức danh “Phóng viên đặc biệt” tha hồ tự do muốn viết gì thì viết, không bị ai “lãnh đạo”.

Mười mấy năm sau khi anh TVC về hưu, năm 2008, khi tôi là thành viên nòng cốt của talawas blog, tôi đã “rủ rê” anh viết bài cho nó. (Từ khi về hưu, anh chỉ viết cho báo Phụ nữ TP HCM do vợ anh làm TBT – chị Mai Hiền, một nhà báo do chính anh đào tạo từ lúc đầu).

Có lẽ những bài đầu tiên của anh trên báo “lề trái” ấy (trong đó có bài quan trọng “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ” ký tên Thiện Ý, báo QĐND vu cáo tác giả là “tên phản động nước ngoài”, khiến tôi phải công bố một bài nêu rõ thân thế tác giả) đánh dấu bước chuyển quyết định của anh, đi đến chỗ tuyên bố ra khỏi đảng, qua Mỹ định cư, xuất bản hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh” (mà Người Việt Books đặt cho cái tên phụ hơi giật gân “Từ theo Cộng đến chống Cộng” khiến người bạn tâm huyết cũ của anh là GS Tương Lai rất phản ứng!).

Còn nhớ, những bài đầu ở talawas, anh hay trích dẫn lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tôi phải cắt bớt; có lần, tôi hỏi thẳng anh trước mặt mấy bạn đồng nghiệp thân: Anh trích dẫn thế là do thực sự tin ông Hồ hay chỉ là “sách lược” đối phó? Anh lưỡng lự, nói “có lẽ cả hai”.

Năm 2016, tôi đã có cơ duyên giới thiệu cuốn Hồi ký của anh với các nhà văn cộng tác viên của Văn Việt tại Cali ngay khi nó mới ra. Tôi đang chờ đợi một cuốn tiểu thuyết mà anh ôm ấp sau cuốn hồi ký này, “sau khi nghiên cứu những tiểu thuyết đã có của thiên hạ” như anh luôn nói mỗi khi tôi hỏi thăm!

Nghĩ đến cùng, trong đáy sâu tâm hồn, chất “nghệ sĩ” của anh hình như cao hơn chất “báo sĩ”, càng át chất “đảng” và chất “quan”. Cái hay là nó khiến tờ báo sinh động, phóng khoáng, có hồn, cấp tiến; cái dở là cung cách quản lý hơi “mềm”, hơi “buông”, dẫn đến việc không kịp ngăn chặn âm mưu “đảo chính” của kẻ phản thùng, khiến tờ báo mờ hẳn sau năm năm huy hoàng (đúng như lời Lý Quý Chung trách!). Kể ra, cũng còn dài hơn thời gian bác sĩ Allende làm Tổng thống Chile nhỉ?

Ảnh: Tống Văn Công, GS Lê Xuân Khoa, Hoàng Hưng, tại nhà nhà báo Đinh Quang Anh Thái (Cali 2016)
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bác Tống Văn Công qua Mỹ định cư, xuất bản hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh”. Ở VN Bác ko viết, qua Mỹ Bác mới viết dc, thì hồi ký nên đổi tựa lại là “Đến Mỹ mới chợt tỉnh” sẽ thích hợp hơn. Hi..hi

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây