Đám đông trên đại lộ một chiều

Trung Bảo

6-6-2019

Tháng 12.2018, một người đàn ông Trung Quốc bị cảnh sát Nhật bắt vì có hành động châm lửa đốt ngôi đền Yasukuni. Ngôi đền này là nơi thờ 2,5 triệu tử sĩ Nhật Bản trong chiến tranh Thế Giới II, rất nhiều trong số đó bị xem là tội phạm chiến tranh – theo định nghĩa của toà án quốc tế.

Không có đời Thủ tướng Nhật nào lại không viếng thăm ngôi đền này sau khi nhậm chức, dù chuyến viếng thăm luôn khuấy lên sự căng thẳng với Chính phủ và dư luận Trung Quốc bởi những gì quân đội Nhật gây ra với người dân Trung Quốc trong Thế chiến II.

Chính giới Nhật hiểu rõ các chuyến viếng thăm này tác động thế nào với dư luận Trung Quốc, nhưng đó cũng là lịch sử của nước Nhật. Thậm chí, ở góc nhìn dân tộc chủ nghĩa thì những vong linh được thờ trong ngôi đền Yasukuni chính là niềm tự hào một thuở của quân đội Thiên Hoàng.

Lịch sử, không thể nào là góc nhìn đơn chiều. Mỗi người, mỗi xã hội sẽ có một góc nhìn khác nhau về các sự kiện lịch sử tuỳ theo độ cởi mở, dân trí và dữ liệu lịch sử được cung cấp. Lịch sử được dạy thông qua các sự kiện và con số, lịch sử không được dạy bằng bình luận và cảm xúc. Tình cảm nếu có sinh ra ở người học/đọc sử đó phải là thứ tình cảm tự thân người đó đúc rút cho mình sau những dữ kiện lịch sử tự nhận. Còn nếu “đổ khuôn” đầu óc người học về những gì đã xảy ra trong quá khứ thì đó không phải là lịch sử.

Phát biểu của thủ tướng Lee Hsien Loong về lịch sử đã diễn ra ở Cambodia đại diện cho những gì phương Tây nhìn về khoảng thời gian ấy. Không đi sâu vào chuyện mổ xẻ từ ngữ hay sự kiện lịch sử hoặc Công Pháp Quốc tế bởi nhiều người giỏi hơn đã làm việc ấy. Chỉ tự hỏi, khi đứng trước một sự kiện lịch sử, người ta cần có bao nhiêu hiểu biết để dung chấp cho những cái nhìn hay tiếng nói khác mình?

Đám đông chửi rủa tục tằn, hăm doạ, mắng mỏ… ông Lee từ trong fanpage của ông đến trên trang cá nhân của họ dấy lên cho tôi một so sánh. Đám đông trên mạng của người Việt giống hệt đám đông đốt cờ, ném đá vào cơ quan ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc mỗi khi có chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni của nguyên thủ Nhật.

Cả hai đám đông ấy đều bước ra từ một xã hội mà ở đó “đại lộ lịch sử” chỉ được đi một chiều.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đúng là đúng và sai thì sai, đó chính là sự trung thực.

    Lịch sử phải là sự ghi chép trung thực về các sự kiện đã xảy ra, nếu thiếu trung thực thì sự nhận định sẽ không chính xác.

    Trước một sự kiện đã xảy ra, sẽ có nhiều nhận định, đó là do góc nhìn, là chuyện thường tình nên phải chấp nhận. Nhưng khi đã đưa ra nhận định thì hệ quả đi cùng là sự tất yếu.

    Trong bối cảnh hiện nay, nếu cho rằng việc mạnh được yếu thua là chân lý thì hãy xét lại chính mình đang là kẻ nào để tự tin mà mạnh miệng.

    Việc xảy ra là quá khứ nhưng bài học rút ra là dành cho hiện tại và tương lai.

    Kẻ mạnh luôn muốn lấp liếm những điều xấu xa của mình nhưng luôn thổi phồng những việc xấu của địch, đó là một sai lầm tai hại, vì sẽ làm những thế hệ sau có những nhận định lầm lẫn và không rút được bài học cần thiết.

    Phải luôn cầu thị và khôn khéo thì mới mong trường tồn, nếu lịch sử của nhân loại chỉ là những dối trá thì làm gì có sự tiến bộ.

    Khi trực diện đánh nhau thì phải biết trí trá, đó là mưu lược của kẻ dùng binh. Nhưng khi viết sử thì phải trung thực thì mới giúp thế hệ sau luôn đạt được sự khôn ngoan.

    Phải cảnh giác trước những âm mưu nhưng không thể viết sử một cách lấp liếm.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây